PHẠM XUÂN NGUYÊN ĐÁI BẬY RỒI BẢO NGƯỜI TA HỐT HOẢNG - Tác giả: Chu Mộng Long (Bình Định)

1 comment

 


PHẠM XUÂN NGUYÊN ĐÁI BẬY

RỒI BẢO NGƯỜI TA HỐT HOẢNG

*

(Tác giả Chu Mộng Long)

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên khen lấy được đề thi một nửa câu: "Bởi chúng ta ai cũng chỉ sống một lần..." Trước khi khen, ông bảo tôi là một tiến sĩ mà "hốt hoảng".

He he, nhà phê bình đọc hiểu kiểu gì mà bảo tôi "hốt hoảng"? Tôi chỉ bắt lý, cái lý mà học trò thời nay cao hơn ông một cái đầu. Chúng không dở hơi đi đoán mò một cái đề tù mù như ông mà theo cái lý của ngôn từ. Chẳng nhẽ ông quên kéo phẹc mơ tuya, tức mở toang hoác, tôi bật cười thì ông bảo tôi "hốt hoảng"? Cái ấy đáng sợ vậy sao?

Nói vui vậy thôi chứ tôi hiểu, ông bảo tôi tiến sĩ mà dốt đến mức không hiểu đề yêu cầu gì nên "hốt hoảng". Chê tôi dốt tôi nhận luôn. Nhưng trong bài mà ông chê ấy, tôi có đưa ra đến ba cách hiểu và làm bài, ông chấm đi?

Đem hai đề ra so sánh khập khiễng càng chứng tỏ nhà phê bình rất thiếu hiểu biết về tiếng Việt. Té ra lâu nay ông chỉ là phê bình tán phét, phi lý luận, vô bằng chứng. Đề thời ông thi: "Văn học với việc xây đắp tâm hồn anh chị" vừa đầy đủ nội dung, vừa chứa luôn cả yêu cầu: 1) Nội dung: Văn học là sản phẩm của tâm hồn nghệ sĩ, 2) Nội dung kết hợp với yêu cầu: Từ đó chỉ ra văn học tác động đến tâm hồn anh chị như thế nào? Còn đề mở hiện nay: "Bởi chúng ta ai cũng chỉ sống một lần..." chỉ là một mệnh đề bỏ lửng. Theo ông, dấu chấm lửng đã là yêu cầu. Yêu cầu điền vào chỗ trống hay viết tiếp đoạn văn của học sinh tiểu học à? Mà có bài tập điền vào chỗ trống thì cũng ghi rõ: "Điền vào chỗ trống" chứ một mệnh đề không trích đủ mà bỏ lửng thì vô vàn. Nếu để học sinh tự hiểu thì ra đề một chữ thế này cũng được: "Sống...", chứ cần gì thêm cho nhiều chữ? Bài của tôi phân tích có đầu có đuôi về cái sự mơ hồ tối nghĩa của nó, tôi nghi ông đọc chẳng hiểu gì, ông Nguyên ạ!

Nếu ông khen câu 1 thì sao ông không chê câu 2, rằng lẽ ra chỉ cần viết: "Lời gửi của văn nghệ là sự sống", nhưng người ra đề đã phải loằng nhoằng, trái ngược với câu 1?

Ông bảo cái đề năm ấy, cả ông và Trần Đăng Khoa đều trượt vỏ chuối vì "chưa xứng tầm". Trong khi ông khen hai cậu học trò 15, 18 tuổi thì rất hiểu đề và viết bài luận rất xuất sắc. Đáng mừng con hơn cha là giáo dục có phúc, ông hỉ?

Nói thật, ông đừng buồn. Hai đoạn văn "sáo như vẹt" (chữ dùng của Phạm Lưu Vũ) mà ông cũng khen được thì đúng là phê bình... xã hội chủ nghĩa! Thảo nào Hội Nhà văn một thời gian dài cần ông phê bình văn của họ.

Bản chất của cái đề đã sáo. Bài làm của đám trẻ bị nhồi sọ không sáo mới là chuyện lạ.

Đem cái đề thi học sinh giỏi cấp quốc gia so sánh với đề thi phổ thông đã đủ thấy tư duy của ông có vấn đề. Thi vào trường chuyên hiện nay vẫn là thi đại trà, tức học phổ thông. Ông đem hai đoạn văn của học trò chuyên "viết theo yêu cầu của cô giáo" rồi cho rằng học trò hiểu tốt và làm tốt? Lý luận kiểu gì mà giống như ngành điện tự cho tăng giá điện là làm cho toàn dân hài lòng vậy?

Theo Phạm Xuân Nguyên, với cái đề như vậy, học sinh có thể viết truyện, làm thơ cũng được. Chắc là ông nghĩ thi vào trường chuyên không phải để học phổ thông mà cũng giống như thi vào Trường Viết văn Nguyễn Du?

Ông cho rằng đề mở là đề không cần yêu cầu, học sinh tự hiểu tự làm thế nào cũng được? Thưa ông, cuộc thi nào cũng phải theo yêu cầu, kể cả bắt buộc theo luật nữa kia. Thi điền kinh còn có luật chạy trên đường đua chứ chẳng lẽ được phép chạy tắt ngang xuống ruộng?

Từ bắt buộc làm theo mẫu chi li từng câu từng chữ, đến cải cách bằng đề mở toang hoác, nhảy một bước từ thái cực này đến thái cực kia mà cũng khen lấy được. Ông lại đem cái đề thi thời hợp tác xã ra khoe, để cổ vũ cải cách đèn cù à?

Mà thưa ông, tôi từng nói, đề mở hay không là ở đáp án. Đáp án mà chi li từng ý với thang điểm mỗi ý đến 0,25 điểm thì mở cho con muỗi chui? Tôi không tin cái thời tuyên giáo kiểm duyệt văn chương đến từng milimét mà người ra đề lại dám ra cái đề gọi là đề mở như ông hoang tưởng. Tôi dám chắc, ông không viết cái tâm hồn yêu, căm, chiến, lạc mà chỉ cần viết cái tâm hồn "ủy mị" của Thơ Mới, ông không bị đánh trượt mới là chuyện lạ!

Kết thúc bài ngợi ca đề thi mở, ông làm dáng bằng cách ngợi ca chính mình: "Có lẽ chính nhờ những cái đề như vậy mà các học trò đi thi, dù được giải hay không, về sau đều có thể thành người và nên người". Giời ạ, nhờ đề thi mà "thành người và nên người"? Những ai không đi thi với những đề như vậy không thể "thành người và nên người"? Lý luận to tát hơn cả "Không có điện loài người sẽ chết!"

Học thuật đòi hỏi chặt chẽ, đề thi có mở gì thì cũng minh bạch. Còn tán phét như ông thì tôi thua. Hết cãi!

..............................

GIÁO DỤC KHÔNG NÃO

Tôi bận đến làm việc liền tay liền chân. Có những sự vụ cười cợt cho vui, coi như giải trí sau ngày làm việc căng thẳng. Nhưng với giáo dục thì tôi phải bỏ công ra viết cho đầy đủ, không thể phó mặc con em chúng ta cho đám chăn bò mang danh thầy giáo!

Chuyện một đề thi vào 10 ở Hải Dương, lẽ ra chỉ cần chửi đứa ra đề và hội đồng duyệt đề là đám chăn bò không não. Nhưng sau bài viết Đề thi mở toang hoác, dù đã có phân tích cái vu vơ của nó, đám chăn bò này vẫn không hiểu. Bất ngờ có kẻ còn mang sừng nhọn chính trị chính em húc vào tôi, một mặt vẫn tự hào cho rằng đó là để thi hay, mở, vận dụng được kiến thức và tư duy sáng tạo, chống được học tủ, làm văn theo mẫu, mặt khác không ít giáo viên hùa nhau tố tôi bình luận tiêu cực, chống phá chủ trương cải cách!

Xin thưa trước, nếu đây không phải lỗi mà là chủ trương cải cách của ngành giáo dục, tôi "chống phá" đến cùng!

Đề thi mở không có nghĩa là thứ vu vơ để học sinh muốn làm gì thì làm. Như một nguyên tắc, đề thi phải rõ ràng về nội dung và yêu cầu. Nội dung phải chứa điều kiện cần và đủ, yêu cầu phải rõ ràng. Cấu trúc tối giản là: Nội dung + Yêu cầu hoặc Yêu cầu + Nội dung. Chẳng hạn đề văn đang bàn: "Bạn hãy diễn giải luận đề sau: Bởi chúng ta ai cũng chỉ được sống một lần", hoặc: "Bởi chúng ta ai cũng chỉ được sống một lần. Hãy trình bày suy nghĩ của bạn". Tối giản hơn nữa là một câu hỏi: "Vì sao nói văn học là nhân học?" Mở ở đây là cho phép học sinh vừa vận dụng kiến thức đã học vừa được quyền trình bày quan điểm cá nhân, điều quan trọng là tính thuyết phục, chứ không có nghĩa là mở để làm gì cũng được hay không làm cũng được. Mở đến mức không có yêu cầu thì có khác đái ỉa bậy tự do không?

Chỉ vu vơ một câu: "Bởi chúng ta ai cũng chỉ được sống một lần..." là một đề thi của đứa chăn bò làm thầy giáo.

Thực chất luận đề trên chưa thành câu mà chỉ là trạng ngữ. Cứ xem là câu tỉnh lược che khuất một tiền giả định hay một nguyên nhân cần người làm bài nói rõ ra cũng được. 1) Tiền giả định: Chúng ta sống như thế nào cho xứng đáng, bởi chúng ta ai cũng chỉ được sống một lần, 2) Nguyên nhân: Bởi chúng ta ai cũng chỉ được sống một lần, cho nên chúng ta phải sống cho xứng đáng. Cứ thế mà luận. Nhưng đó không là một đề thi, bởi đề thi thì phải yêu cầu: nếu là tiếng Việt thì yêu cầu khôi phục câu hay "điền vào chỗ trống" như trên, nếu là nghị luận thì yêu cầu bàn luận chứ không thể viết câu què rồi để học sinh tự lết hoặc tra chân giả.

Cứ cho học sinh tự hiểu đó là nghị luận xã hội đi, nhưng chắc chắn học sinh có trí sẽ băn khoăn, rằng đáp án có dám mở đến mức cho học sinh lựa chọn quan điểm nào cũng được hay không. Rằng học sinh bình "chỉ được sống một lần" là đúng vì không có thế giới khác, trong khi cũng có thể học sinh diễn giải "chỉ được sống một lần" là sai, vì có cả tỉ người tin chết rồi còn phải sống cõi Chúa, cõi Phật hay cõi Ma Quỷ. Kể cả có học sinh bằng trải nghiệm của con quan, dám nói "bởi sống chỉ một lần" nên phải tranh nhau "ăn không chừa thứ gì" thì sao? Có dám chấp nhận quan điểm trái ngược không hay đánh trượt vì vi phạm Luật Giáo dục: "Không tuyên truyền tôn giáo, mê tín dị đoan trong nhà trường" và "Vi phạm đạo đức"?

Bài trước tôi viết rõ rằng, về nguyên tắc, không có yêu cầu thì làm gì cũng được hay không làm cũng được... 4 điểm! Sáng tạo của các nhà giáo theo trường phái cải cách này là "tự do" hết mức: 1) Học sinh bỏ trống; 2) Viết vào bài làm chữ OK hay Yes, kể cả phản đối bằng No; 3) Xem như khẩu hiệu và hô theo: Một lần! Một lần! Một lần!; 4) Cảm hứng làm thơ hay viết truyện cho vấn đề sống, 5) Trình bày suy nghĩ hay diễn giải vấn đề sống chết v.v... Mở toang hoác như vậy gọi là giáo dục khai phóng, sáng tạo chăng?

Thực ra, có là chăn bò thì đứa chăn bò cũng biết ra yêu cầu cho con bò hoặc ăn cỏ hoặc đi cày. Không thể như tiếng sấm dọa bò chạy tán loạn!

Mở kiểu ấy thì không chừng đến các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Địa, Sử... cũng làm theo. Ví dụ ra đề thế này xem thử nếu là chuyên gia đi nữa thì sẽ làm thế nào nhé:

Đề Toán:

1) 6 + 1 > 4 + 2

2) c2 = a2 + b2

Đề Vật lý:

Rtd = R1 + R2 +…+ Rn

Q = m.C.Δt

Đề Hóa:

1) CM = n/V

2) 2H2 + O2 = 2H2O

Đề Sinh:

1) Bởi tiến hóa là sự thay đổi đặc tính di truyền của một quần thể sinh học qua những thế hệ nối tiếp nhau.

2) Bởi chó là loài ăn cứt mà không đau bụng.

3) Bởi bò là loài nhai lại.

Đề Địa lý:

1) Bởi Việt Nam nằm ở phía Bắc đường xích đạo.

2) Bởi dân số Việt Nam ước tính khoảng 100 triệu người.

3) Bởi đất không trồng cà phê thì trồng tiêu.

Đề Lịch sử:

1) Bởi nhà Trần ba lần chiến thắng quân Mông - Nguyên.

2) Bởi giặc Minh đã thua.

3) Bởi Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!

Đề Tiếng Việt:

1) Bởi tiếng Việt có sáu thanh.

2) Bởi một văn bản phải có mở đầu, triển khai và kết thúc.

3) Bởi đó là biện pháp tu từ.

Nói "mở" để cho học sinh không học tủ, không chép tài liệu mẫu là sáng tạo theo cách ra đề như vậy ư? Dạ thưa mở kiểu ấy thì học sinh không phải không tủ hay chép mà tủ gì, chép gì cũng được. Bởi một vấn đề mơ hồ chung chung như vậy thì tra vào đâu cũng có vô số bài viết. Cách này thì càng tệ hơn cũ: tất cả học sinh thành không não! Hay là chủ trương của Bộ Dục là đa dạng hóa sách mẫu để học sinh mua và lựa chọn chép bừa bãi hoặc bỏ chạy? Các môn học đều làm như vậy khác gì biến học sinh thành bò nghe tiếng sấm? Nếu đó là chủ trương, tôi tuyên bố chống phá đến cùng đấy!

Tôi đang là Trưởng bộ môn, chịu trách nhiệm chuyên môn. Thành viên dưới sự quản lý của tôi mà ra đề kiểu này, tôi đuổi thẳng cổ về vườn chăn bò. Lãnh đạo Khoa hay Trường bao che thì đem về mà nuôi dạy cho con em của lãnh đạo, vì con em dân không là bò!

Chu Mộng Long

-----

Chú thêm: Một giáo viên hỏi tôi, nếu ra đề chỉ một câu: "Hình tượng người phụ nữ trong văn học", không cần câu lệnh hay yêu cầu được không? Loại đề này đúng là tôi đã từng gặp thời tôi đi học. Thực chất, giáo sư thời đó lẫn lộn đề tài với đề thi nên chính giáo sư cũng tùy tiện, phản khoa học. Đề tài thì khi viết thành tiểu luận, thậm chí là bài báo, để không tùy tiện, người viết tự giác xác lập lý do của đề tài, đối tượng và phạm vi của đề tài, nhiệm vụ và cách tiếp cận vấn đề. Đề thi thì không thể chung chung như đề tài mà người ra đề bắt buộc người thi với yêu cầu cụ thể, dù là đề mở. Đến thi điền kinh trong thể thao còn bắt buộc cụ thể chứ không lẽ để người chạy chạy... xuống ao cũng được?


..............................

ĐỀ THI MỞ TOANG HOÁC

Có lẽ những nhà cải cách giáo dục đang hả hê với đề thi mở toang hoác thế này:

"Bởi chúng ta ai cũng chỉ được sống một lần".

(Nguyên văn không thêm không bớt Câu 1 (4 điểm), đề thi vào 10, môn Ngữ văn chuyên, Hải Dương).

Làm gì với cái đề chỉ một câu vu vơ như vậy? Không có câu lệnh, tức không có yêu cầu nào! Chỉ để đọc cho biết? Học thuộc lòng? Trả lời câu này của ai, ở đâu, ý nghĩa gì? Luận về nó hay dựa vào đó làm thơ, viết truyện? Về nguyên tắc, không có lệnh tức là học sinh làm gì cũng được hoặc không cần làm gì!

Nếu trong quân đội, không làm gì mới đúng. Bởi không có mệnh lệnh mà lính động tay động chân thì coi chừng bị bắt đi hốt cứt hoặc bị bắn bỏ!

Đối với thanh niên ba sẵn sàng, chỉ cần hô: "Một lần! Một lần! Một lần!" rồi chết vinh quang.

Chúc mừng học sinh Hải Dương. Không cần làm gì với câu này vẫn được 4 điểm để có thể vào chuyên văn. Có thể tương lai được ăn tối cùng Elon Musk!

Nói vậy chứ tôi hình dung học sinh không bỏ cuộc hay bỏ thi như Einstein khuyên. Chúng có ghi vào bài làm: "Một lần! Một lần! Một lần!" ắt chết vinh quang thật! Đa số chỉ có thể hoặc đực ra như ngỗng hoặc loay hoay đoán đề yêu cầu gì, cứ như bói đề vậy. Đoán thế nào cũng được, hên xui. Hên thì làm trúng đáp án và đậu trường chuyên, xui thì về ăn trứng ngỗng. Học sinh đi thi gặp đề này không thành nhà văn tưởng tượng được ăn ngỗng quay của Elon Musk thì cũng thành dân đánh đề hay buôn lậu để có lâu đài trăm tỉ rồi được phong tướng.

Chu Mộng Long

..............................

“VĂN HỌC VỚI VIỆC XÂY ĐẮP TÂM HỒN ANH (CHỊ)”

Đó là toàn văn đề thi học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc (4/1975). Tôi nói toàn văn vì đề không có thêm một chữ một câu nào bảo phải giải thích, bình luận, chứng minh gì. MỘT CÁI ĐỀ MỞ TỪ NGÓT NĂM MƯƠI NĂM TRƯỚC. Nhưng các thí sinh hồi đó sau phút bỡ ngỡ khi đọc đề đã chẳng lấy thế làm thắc mắc, hỏi han, chỉ việc tập trung làm bài theo cách hiểu đề và khả năng viết của mình.

Kỳ thi đó tôi tham dự với tư cách người đoạt giải Nhất cuộc thi học sinh giỏi Văn lớp 10 của tỉnh Hà Tĩnh. Trong các thí sinh đồng lứa thi năm ấy có Trần Đăng Khoa ở Hải Hưng. Cả Khoa, cả tôi, đều không được giải gì. Giải nhất học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc năm 1975 ấy là một nữ sinh trường chuyên Thái Phiên (Hải Phòng) với điểm số 16/20.

Tôi nhớ lại kỷ niệm học trò thi cử này của mình vì mới đây nghe có xôn xao về một đề thi tuyển vào lớp 10 chuyên Văn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương. Câu 1 trong đề đó viết: “Bởi chúng ta ai cũng chỉ được sống một lần…” – ngắn gọn, không thêm mệnh lệnh gì cho người làm bài. MỘT CÁI ĐỀ MỞ HIỆN NAY Ở MỘT TỈNH GIỐNG NHƯ CÁI ĐỀ NGÓT NỬA THẾ KỶ TRƯỚC Ở CẢ MIỀN BẮC. Mà đây chỉ là một câu trong hai câu của đề, còn hồi chúng tôi là cả câu một đề.

Nhưng chúng tôi học sinh hồi trước đã không hốt hoảng thì có gì mà thầy cô bây giờ lại hốt hoảng. Hốt hoảng đến mức một tiến sĩ văn học, thầy giáo đại học phải la to là đề thi “mở toang hoác” và phải lo thay cho học trò đi thi: “Làm gì với cái đề chỉ một câu vu vơ như vậy? Không có câu lệnh, tức không có yêu cầu nào! Chỉ để đọc cho biết? Học thuộc lòng? Trả lời câu này của ai, ở đâu, ý nghĩa gì? Luận về nó hay dựa vào đó làm thơ, viết truyện? Về nguyên tắc, không có lệnh tức là học sinh làm gì cũng được hoặc không cần làm gì!” Hốt hoảng nên thầy đã không thấy đề là một câu đang bỏ ngỏ và cái dấu ba chấm (…) đã như một lệnh rồi.

Chúng tôi hồi trước không được giải vì chúng tôi kém chứ không phải vì đề ra cụt lủn, thiếu các thành phần bổ trợ. Tôi ước chi ai tìm lại được bài làm đoạt giải Nhất học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc năm 1975 của cô nữ sinh Thái Phiên đem cho thầy giáo đọc!

Còn đây là hai đoạn văn trong hai bài văn làm về đề bài này của hai học sinh chuyên đang học tại trường theo yêu cầu của cô giáo. Mời thầy giáo và các bạn đọc để thấy học trò giỏi biết cách đọc đề và làm bài thế nào.

- “Con người "chỉ được sống một lần" là quy luật bất biến của cuộc đời, nghĩa là ta chỉ có một lần, một khoảng thời gian nhất định để được sống, để được tận hưởng và phát triển. Vì vậy, nhận thức được cuộc đời là hữu hạn, để không lãng phí quỹ thời gian ngắn ngủi mà quý giá được tạo hóa ban cho, con người ta hãy sống sao cho thật ý nghĩa, sống hết mình, sống cống hiến những điều đẹp đẽ nhất cho cuộc đời, hãy sống dấn thân, trải nghiệm và vươn mình tới những chân trời mới để mai này không phải tiếc nuối.” (Học sinh 15 tuổi)

- “Mỗi người chỉ là khách trên cung đường đời, khi đi qua sẽ không bao giờ có cơ hội trở lại. Mỗi người chỉ là một sinh thế bé nhỏ, khi mất đi chẳng khác gì sự tan biến của một hạt cát vô danh. Song tính hữu hạn của sự sống không chỉ nằm ở thời gian mà còn nằm ở chiều kích của tâm hồn con người. Con người là động vật có ý thức và vì thế, sự sống không đơn thuần là duy trì hoạt động của các cơ quan mà còn là kích hoạt những giác quan, cảm xúc, khơi dậy “bảy phần chìm”, phần “siêu nhân” trong chính mình. Ranh giới giữa sự sống và sự tồn tại đôi khi rất mong manh. Con người làm những việc tưởng như có ý thức: làm việc, kiếm sống, tìm công danh… rồi đóng khép mình trong vòng xoáy bất tận đó, tưởng là sống đấy nhưng thực chất chỉ là sự tồn tại. Quan tài chôn cất sự sống có thể tàng hình giữa những bận tâm và tham vọng tầm thường khi tâm hồn bắt đầu héo hon, tàn lụi. Và như vậy, con người ta có thể được chôn cất đến hai lần trong cuộc đời, một lần là quan tài chứa linh hồn và lần hai là quan tài chứa thân xác.” (Học sinh 18 tuổi).

“Văn học với việc xây đắp tâm hồn anh (chị)” - xin cảm ơn thầy cô đã ra đề thời chúng tôi đi thi. “Bởi chúng ta ai cũng chỉ được sống một lần…” - xin cảm ơn thầy cô đã ra đề cho các học trò giỏi thời nay. Có lẽ chính nhờ những cái đề như vậy mà các học trò đi thi, dù được giải hay không, về sau đều có thể thành người và nên người.

 

Hà Nội, 20.6.2023

PHẠM XUÂN NGUYÊN

..............................

BỞI CHÚNG TA AI CŨNG CHỈ ĐƯỢC SỐNG MỘT LẦN...

(Đây là hai bài văn của trò 15 tuổi và trò 18 tuổi làm đề thi này)

 

MƯỜI LĂM TUỔI VIẾT:

Hòa mình trong dòng chảy vô tận của thời gian, Oxtorpxki đã từng nói: "Đời người chỉ sống có một lần, hãy sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí". Quả thực, bông hoa đẹp nhất rồi cũng héo tàn, biển hồ sâu rộng rồi sẽ vơi cạn, chỉ còn thời gian là bất biến, không bao giờ đổi thay. Và con người ta - một tồn tại nhỏ bé giữa thế giới bao la rộng lớn ấy cũng sẽ nhanh chóng chìm vào cõi hư vô mà thôi... Bởi vậy mà cớ sao ta không sống thật sâu, sống trọn vẹn, ý nghĩa, "cháy hết mình" trong cuộc đời để không phải nuối tiếc: "Bởi chúng ta ai cũng chỉ được sống một lần..."

Con người "chỉ được sống một lần" là quy luật bất biến của cuộc đời, nghĩa là ta chỉ có một lần, một khoảng thời gian nhất định để được sống, để được tận hưởng và phát triển. Vì vậy, nhận thức được cuộc đời là hữu hạn, để không lãng phí quỹ thời gian ngắn ngủi mà quý giá được tạo hóa ban cho, con người ta hãy sống sao cho thật ý nghĩa, sống hết mình, sống cống hiến những điều đẹp đẽ nhất cho cuộc đời, hãy sống dấn thân, trải nghiệm và vươn mình tới những chân trời mới để mai này không phải tiếc nuối.

Bởi chúng ta ai cũng chỉ sống một lần, vì vậy hãy sống thật trọn vẹn, ý nghĩa, nâng niu từng khoảnh khắc trong cuộc đời. Phạm Lữ Ân cũng từng khẳng định: "Nếu biết trăm năm là hữu hạn, cớ sao ta không sống thật sâu". Thời gian lạnh lùng một đi không trở lại, nó là món quà vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho con người ta, bởi vậy mà với bổn phận là một con người, một sinh linh bé nhỏ tồn tại, ta hãy biết trân trọng từng giây phút thiêng liêng ấy, trân trọng cuộc sống mà mình đang có, sống thật trọn vẹn, thật ý nghĩa cho cuộc đời mình.

Chỉ khi biết sống chậm, sống trọn vẹn ta mới có thể cảm nhận được những điều tốt nho nhỏ trong cuộc sống. Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, "Ai cũng muốn làm việc lớn lao mà quên rằng thực chất cuộc đời được làm nên từ những điều nhỏ nhặt" (Frank A. Clack). Vì lẽ đó mà chỉ khi ta biết sống chậm lại, lắng nghe những "khúc nhạc huyền bí" từ tận sâu trong tâm hồn ta, ta sẽ cảm thấy được hết thảy những điều tốt đẹp, tinh túy, giản đơn mà thiêng liêng, cao thượng của cuộc đời ta. Khi ấy, cuộc sống của ta coi như là vẹn tròn.

Bởi chúng ta ai cũng chỉ được sống một lần, hãy sống cho thật hết mình, sống cống hiến, dâng tặng những giá trị đẹp đẽ nhất cho cuộc đời. Con người ta chỉ như giọt nước vô danh giữa đại dương mênh mông vô tận, ta chỉ là "chiếc lá", không "vá trời lấp bể", không "đắp lũy xây thành" nên chỉ có việc là "xanh" - xanh hết mình, làm trọn bổn phận trách nhiệm của mình với cuộc đời. Đó là cơ hội để ta được khẳng định bản thân, để ghi dấu tên tuổi mình trong sách đời, bên cạnh những vĩ nhân, thiên tài... trong lịch sử thế giới. Cô bé Kito Aya đến từ Nhật Bản, mặc dù mắc căn bệnh hiểm nghèo không thể cứu chữa, thế nhưng trong những năm tháng cuối đời mình, em vẫn sống hết mình, nhiệt huyết. Dù em đã ra đi mãi mãi nhưng ngọn lửa trong em vẫn luôn cháy sáng rực rỡ, mang đến hơi ấm, động lực, niềm tin cho biết bao con người kém may mắn khác. Hay như chú chim bé nhỏ trong cuốn "Tiếng chim hót trong bụi mận gai", để có tiếng hót hay nhất, có một "bài ca không quên" làm rung động cả đất trời, chú chim ấy đã phải lao mình vào những chiếc gai dài nhất, nhọn nhất của bụi mận gai, hi sinh tính mạng mình để có thể cất lên tiếng hót thánh thót, da diết và ám ảnh nhất:

“Thà tôi cháy vèo trong gió

Còn hơn thối rữa trên cành"

Không những thế, ai cũng chỉ được sống một lần, vởi vậy mà hãy sống trải nghiệm, dấn thân để khám phá những điều mới mẻ trong cuộc sống. Thế giới rộng lớn vô biên không hồi kết, tầm hiểu biết của con người ta chỉ như hạt cát nhỏ trong sa mạc đầy cát. Nếu ta chỉ biết sống thụ động, an toàn, không dám thoát khỏi giới hạn của bản thân, làm sao ta có thể tìm đến những chân trời cao rộng mới? Vì vậy mà chỉ khi dám dấn thân, dám đương đầu trải nghiệm, như con sâu dũng cảm thoát khỏi cái kén của mình để trở thành chú bướm xinh đẹp, con người ta mới có được cơ hội để học hỏi, trau dồi, nâng cao tri thức cũng như bồi đắp tâm hồn của bản thân, trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình. Hoa bồ công anh con đến một thời gian nhất định sẽ phải rời khỏi vòng tay mẹ, theo làn gió để bay đến những vùng đất mới, ươm mầm những sự sống tiếp theo; còn những bông hoa rụt rè sợ hãi không dám bay đi ấy sẽ mãi chôn vùi cuộc đời mình ở góc vườn nhỏ ấy, sẽ không được khám phá cuộc đời như những anh chị em của nó.

Hơn thế nữa, để có được thành công, chạm đến những ước mơ mà mình hằng mong mỏi, con người ta cũng phải sống dấn thân, trải nghiệm những điều mới mẻ, dám chấp nhận những thất bại trong cuộc đời. Nhà bác học vĩ đại Thomas Edison trước khi có thể sáng chế ra bóng đèn điện mang đến ánh sáng cho toàn nhân loại cũng phải biết nếm trải bao nhiêu thất bại đắng cay, ê chề. Nhưng nhờ tinh thần cầu tiến, đam mê không ngừng học hỏi, tìm tòi mà ông đã thành công, đạt được kì vọng của mình.

Có thể thấy, cuộc đời của con người ta ngắn ngủi thế đấy, nó trôi qua một cách nhanh chóng mà ta không thể nào kìm hãm được. Bởi vậy, thay vì trách móc cuộc đời, rằng tại sao không cho ta nhiều thời gian hơn, ta hãy biết sống trọn vẹn từng giây phút mà mình có, sống và tỏa sáng hết mình, dám tiến tới những điều mới mẻ, lí thú để cuộc đời ta thêm đẹp hơn, ý nghĩa hơn.

Biết sống chậm, tận hưởng là lẽ đương nhiên, thế nhưng không phải lúc nào ta cũng "dềnh dàng" mà đôi khi cũng phải "vội vã" để có thể hoàn thành hết những dự định của mình để không phải bỏ lỡ hay hối tiếc về "những điều mà ta chưa làm" hay "những điều mà ta đã làm".

Hiểu rằng phải sống sao cho cuộc đời mình thật trọn vẹn, ý nghĩa nhưng phải sống tích cực, đúng đắn, phù hợp với đạp lí con người. nếu lúc nào cũng mơ ước hão huyền, chỉ mải chạy theo những giá trị vật chất phù phiếm là ta đã lãng phí cuộc đời mình. Cũng không phải sống hết mình là cứ đâm đầu vào những điều không tưởng, không phù hợp với khả năng của bản thân, hay bất chấp làm điều trái với lương tâm con người. Những thứ ấy không chỉ gây hại cho bản thân ta mà còn là cho những người ta yêu thương nhất, quý trọng nhất.

Không chỉ vậy, sống cống hiến là ta phải cống hiến những gì đẹp đẽ, tinh túy nhất của đời mình, cống hiến bằng thái độ chân thành, tự nguyện, cống hiến cả cuộc đời mình:

"Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc"

(Thanh Hải)

Bên cạnh những con người ý thức được sự hữu hạn của cuộc đời mình, sống trọn, ý nghĩa thì còn không ít những kẻ vẫn đang ngày ngày lãng phí những giây phút thiêng liêng ấy. Họ chỉ như "những con sâu làm rầu nồi canh", sống sáo rỗng, vô bổ, dựa dẫm, không dám thoát ra khỏi vùng an toàn của mình để đi đến những chân trời mới. Thực tế, trong cuộc sống hiên nay còn không ít những bạn trẻ chỉ biết sa đà vào những thói hư tật xấu, ăn chơi đua đòi, sống buông thả,... họ đơn giản chỉ là đang "tồn tại" chứ không thực sự là "sống". Thật đáng phê phán!

Từ đó, với nhận thức sâu sắc về cuộc đời mình, mỗi chúng ta hãy tự biết rèn luyện, học tập, trau dồi tri thức lẫn tâm hồn của bản thân để có thể sống ý nghĩa, hết mình, sống thật sâu cuộc đời mình. Hãy nâng niu, trân trọng từng phút giây của cuộc đời, đừng lãng phí nó vào những điều không nên. Hãy ghi nhớ lời răn dạy của Mark Twain:

“Hãy quăng thừng lên

Giương buồm ra khỏi hải cảng an toàn

Đón ngọn gió mậu dịch trong những chuyến đi biển"

Bởi chúng ta ai cũng chỉ được sống một lần, hãy sống như vì sao trên bầu trời đêm kia, sống phải cháy sáng cả một khoảng trời, sống ước mơ, dấn thân và trải nghiệm bởi đó mới là một cuộc đời đáng sống.

 

MƯỜI TÁM TUỔI VIẾT:

Tôi đã từng nghe, vào bất cứ khoảnh khắc nào chán sống, hãy đến bệnh viện. Đến bệnh viện để thấy những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, trên người là chi chít dây dợ, hằng ngày chịu đựng nỗi đau đớn vì xạ trị, hóa trị để có thể tiếp tục sống. Đến bệnh viện để thấy có những ca phẫu thuật kéo dài đến 48 tiếng đồng hồ mà những y bác sĩ dốc sức thực hiện để mở ra cơ hội sống cho bệnh nhân. Đến bệnh viện để thấy, những sản phụ trước ngưỡng cửa sinh con đã phải chịu đựng cơn đau rách da xé thịt như thế nào. Có lẽ vì chưa thực sự chênh vênh giữa ranh giới nên ta không khỏi có lúc băn khoăn trước nỗ lực đấu tranh để giành lấy sự sống của họ. Suy cho cùng, sở dĩ con người ta nỗ lực và cố gắng sống đến kiệt cùng xuất phát từ một lẽ đơn giản: Bởi chúng ta ai cũng chỉ được sống một lần.

“Sống” là một động từ phức tạp, vừa kì diệu vừa ẩn chứa nhiều khó khăn, vừa khó thực hiện vừa cần thực hiện. Trước hết, “sống” là một điều kì diệu bởi “sống” bao hàm rất nhiều hoạt động ăn, ngủ, chơi, làm, và cũng vô vàn trạng thái vui, buồn, sướng, khổ... Trong “sống” có cống hiến, cũng có tận hưởng. Trong “sống” có vui sướng, hạnh phúc, cũng có đau đớn, buồn khổ. Trong “sống” có trải nghiệm những điều mới lạ trong cõi nhân sinh, cũng có sự nhàm chán của những ngày tháng lặp đi lặp lại. Chính vì thế, còn sống là còn cơ hội trải nghiệm những điều thú vị, ý nghĩa, còn sống là còn cơ hội trở thành một phiên bản tốt hơn so với phiên bản của quá khứ. Nietzsche đã từng đưa ra quan niệm về “con người siêu nhân”. Trong đó, siêu nhân không nằm ở những thế lực siêu nhiên, thần thánh hay ma quỷ mà nằm ở chính khả năng của con người khi khai phá những giới hạn của bản thân mình. Bản thân con người cũng chính là một “tảng băng trôi”: ba phần nổi là những khả năng thông thường, dễ nhận diện và tận dụng, bảy phần chìm là nguồn năng lượng, sức mạnh tiềm tàng khuất lấp cần phải trải qua thử thách, đau đớn để bộc lộ, phát huy. Chính vì thế, còn sống là còn có cơ hội để bản thân phát lộ, khai phá những khả năng tiềm tàng, ẩn kín trong mình, còn cơ hội để tốt hơn. Con người chỉ có duy nhất một lần được sống, nhưng có vô vàn cơ hội để bắt đầu lại, để cống hiến, góp ích cho cuộc đời dù chỉ một chút. Một sự sống, dù nhỏ nhoi và yếu đuối nhất vẫn có thể vun vén gom góp để góp mặt làm nên sự tốt đẹp của cuộc đời. Bắt đầu bằng những hành động đơn giản: trồng một cái cây gần nhà, tặng người ăn xin vài đồng bạc lẻ, nấu một bữa cơm ấm cúng cho gia đình… Một sự sống nằm trong sự liên kết, ràng buộc với vô vàn những sự sống khác: gia đình, trường lớp, đồng nghiệp, xã hội, dân tộc… Vậy nên, sẽ luôn có những người ta yêu thương và những người yêu thương ta, sẽ luôn có những người đem đến cho ta lợi ích và những người nhận từ ta lợi ích. Sự ràng buộc chằng chịt xung quanh một sự sống cũng là một trong những nền tảng tạo nên giá trị, ý nghĩa cho sự sống. Con người được sống và cần sống vì nhiều lí do khác nhau, nhưng đều xuất phát từ ba lí do cơ bản: cơ hội trở lên tốt hơn, cơ hội cống hiến những điều tốt và cơ hội được yêu thương.

Giá trị của sự sống nằm chính ở tính hữu hạn của nó. Con người được ban cho cơ hội sống duy nhất một lần, không nháp, không thử, những ngày tháng đã qua là những ngày tháng đã mất. Dưới góc độ Phật giáo, kiếp nhân sinh chỉ là cái chớp mắt trong thiên biến vạn hóa, trần thế chỉ là quán trọ ven đường “ở tạm”:

“Trần thế chỉ là chốn tạm nương

Cũng như quán trọ ở ven đường

Mỗi người là khách dừng chân tạm

Rồi sẽ đi về chốn viễn phương”

Mỗi người chỉ là khách trên cung đường đời, khi đi qua sẽ không bao giờ có cơ hội trở lại. Mỗi người chỉ là một sinh thế bé nhỏ, khi mất đi chẳng khác gì sự tan biến của một hạt cát vô danh. Song tính hữu hạn của sự sống không chỉ nằm ở thời gian mà còn nằm ở chiều kích của tâm hồn con người. Con người là động vật có ý thức và vì thế, sự sống không đơn thuần là duy trì hoạt động của các cơ quan mà còn là kích hoạt những giác quan, cảm xúc, khơi dậy “bảy phần chìm”, phần “siêu nhân” trong chính mình. Ranh giới giữa sự sống và sự tồn tại đôi khi rất mong manh. Con người làm những việc tưởng như có ý thức: làm việc, kiếm sống, tìm công danh… rồi đóng khép mình trong vòng xoáy bất tận đó, tưởng là sống đấy nhưng thực chất chỉ là sự tồn tại. Quan tài chôn cất sự sống có thể tàng hình giữa những bận tâm và tham vọng tầm thường khi tâm hồn bắt đầu héo hon, tàn lụi. Và như vậy, con người ta có thể được chôn cất đến hai lần trong cuộc đời, một lần là quan tài chứa linh hồn và lần hai là quan tài chứa thân xác.

Để cái chết chỉ lấy đi thể xác và con người chỉ phải “chôn cất” duy nhất một lần trong đời, cần nhiều lắm những nỗ lực, và cả những tranh đấu để “sống” thật sự. Làm tròn phận sự của một con người chưa bao giờ là điều dễ dàng. Bởi thế mà trên chiếc cột cao 52 mét nằm ở trung tâm quảng trường Trafagar (thủ đô London, Anh) đã khắc một dòng chữ: “England expects that every man will do his duty” (Nước Anh mong muốn mỗi người sẽ làm tròn công việc, bổn phận của mình). Làm tròn công việc bổn phận của một công dân tức là thực hiện đúng nội quy, luật pháp của quốc gia, khu vực, lãnh thổ. Làm tròn bổn phận của một con người là sống tử tế, lương thiện, hoàn thành nhiệm vụ được giao phó, công việc được ban bố. Làm tròn bổn phận với sự sống chỉ được trao tặng duy nhất một lần trong đời là can đảm buông bỏ và vươn đến hạnh phúc. Gỡ bỏ khỏi bản thân những nhãn dán, và không dán nhãn một cách gián tiếp những người xung quanh chính là cách ta trả cho bản thân một sự sống trọn vẹn thay vì khuôn hẹp mình bằng những áp lực không đáng có. Cuộc sống là tổ hợp của muôn vàn nhãn dán. Và con người, thay vì trở thành một cá thể đặc biệt, lại an tâm khi mang trên mình những nhãn dán: con ngoan trò giỏi, giỏi việc nước đảm việc nhà, công dân gương mẫu, chiến sĩ thi đua tiêu biểu… Con người phân loại và khu biệt những “cá thể mất nhãn”, cố gắng dán cho họ những nhãn không mấy tốt đẹp: lập dị, dị biệt… Theo đó, sự sống trở thành sự nhân bội, chia đôi và tình trạng con người đối diện với hai quan tài trong đời trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Con người không thể sống lại, nhưng luôn có thể bắt đầu lại để sống, khi can đảm hành động theo khát vọng của bản thân và “gỡ bỏ nhãn dán”.

Sống là cơ hội, song cuộc sống không phải lúc nào cũng là một món quà. Chính vì thế, mà đã có không ít những người từ bỏ cơ hội sống, giành lấy quyền quyết định sinh tử của tự nhiên để cái chết đến sớm hơn. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới, có khoảng 800.000 người chết vì tự tử mỗi năm (tương đương cứ 40 giây lại có một người chết do tự tử). Những số liệu cho thấy tính hai mặt, tương phản luôn luôn tồn tại trong cuộc đời. Cuộc đời có những lương thiện, yêu thương thật tròn đầy song cũng có những lừa lọc, dối gạt gây tổn thương, vụn vỡ. Cuộc đời có những thành công, vinh quang cũng có những thất bại, bế tắc. Cuộc đời có những người tranh đấu mãnh liệt để giành lấy sự sống, cũng có những người từ bỏ sinh mệnh để bắt đầu sống ở một thế giới khác ít đớn đau hơn. Suy cho cùng, “sống hay không sống” (Vở kịch Hamlet, Sheakspears) vẫn luôn là một câu hỏi muôn thuở đặt ra cho con người, trong đó, không có bất cứ câu trả lời nào là sai. Tất cả đều là những lựa chọn phù hợp với mong muốn, hoàn cảnh của riêng mỗi người. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc của bệnh viện Từ Dũ, thành phố Hồ Chí Minh đã viết về sự ra đời của mỗi sinh mệnh nhưng không phải là sự chúc mừng thông thường mà là sự cảnh báo về cuộc đời dưới con mắt đầy thực tế:

“Khi em cất tiếng khóc chào đời

Anh đại diện đời chào em bằng nụ cười

Lớn lên nhớ đừng hỏi tại sao có kẻ cười người khóc trong cùng một cảnh ngộ nha em!

Anh nhỏ vào mắt em thứ thuốc màu nâu

Nói là để ngừa đau mắt

Ngay lúc đó em đã không nhìn đời qua mắt thực

Nhớ đừng hỏi vì sao đời tối đen”

Bài thơ “Thư dành cho bé sơ sinh” được bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc viết với mong muốn các bậc cha mẹ sẽ chuẩn bị một tâm thế thật sẵn sàng trước khi chào đón một sinh linh, bởi thế mà đến cuối, thay mặt những người đang sống, vị bác sĩ ấy đã chào đón những sinh linh bằng tất cả sự trân trọng:

“Thôi trân trọng chào em

Mời em nhập cuộc

Số phận con người!”

Sống là cơ hội đáng quý và là cơ hội chỉ được trao tặng duy nhất nhưng sống như thế nào mới là yếu tố quyết định sự sống ấy có được trao tặng đúng người hay không. Không thể lấy cớ rằng ai trong chúng ta cũng chỉ được sống một lần mà sẵn sàng chà đạp những sự sống khác, chà đạp giá trị nhân phẩm, để phần con lấn lướt phần người. Cũng không thể viện lí do ai trong chúng ta cũng chỉ được sống một lần mà buông bỏ mọi giới hạn, quy luật, đường biên. Sống là cho mình, nhưng cũng là cho người!

Trong cuộc đời mình, mỗi người với khả năng và sự nỗ lực có thể nhận được nhiều bằng khen, giấy chứng nhận khác nhau, nhưng mỗi chúng ta đều có một bằng chứng nhận đáng quý nhất: giấy khai sinh. Bởi giấy khai sinh là cột mốc đánh dấu sự mạnh mẽ đầu tiên khi ta dứt khỏi dây rốn của mẹ để tồn tại trong cuộc đời. Bởi giấy khai sinh là tờ giấy chứng nhận bản thân như một sinh thể đặc biệt. Bởi giấy khai sinh là minh chứng cho sự sống mà ai trong chúng ta cũng chỉ có duy nhất một bản trong đời…

(Theo facebook của cô giáo Nguyễn Thanh Huyền, trường chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương).

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết về Chuyện làng văn0

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

- Các bài viết của (về) tác giả Chu Mộng Long0

 

Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn

CHUYỆN CU TỐ LÀNG TÔI của Đặng Xuân Xuyến:

*

CHU MỘNG LONG (tên thật Châu Minh Hùng)

Địa chỉ: Khoa GD Tiểu học Mầm non, Đại học Quy Nhơn

170 An Dương Vương, phường Nguyễn Văn Cừ,

thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định

 

 

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật từ messenger facebook Vũ Thị Hương Mai ngày 20/06/2023.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

1 nhận xét: