ĐÔI ĐIỀU VỀ THƠ TRẦN HÙNG - Tác giả: Nguyễn Xuân Dương (Bắc Ninh)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)

ĐÔI ĐIỀU VỀ THƠ TRẦN HÙNG
*
(Tác giả Nguyễn Xuân Dương)
Đọc thơ Trần Hùng tôi bỗng nhớ đến một câu trong Phóng cuồng của Tuệ Trung thượng sỹ Trần Quốc Tung (Anh ruột Trần Hưng Đạo): “Chống gậy rong chơi chừ trời phương ngoại”. Trời phương ngoại được lý giải Trời ở ngoài trời. Hay có một không gian ở ngoài không gian. Phải chăng thơ của Trần Hùng là thơ ở ngoài thơ. Không gian thơ của ông là không gian thơ ngoài không gian thơ đương đại.
Tôi cảm nhận được rằng sự phân thân của ông quá rạch ròi minh bạch giữa con người của công việc và con người của thi ca. Con người của công việc được sinh ra trên mảnh đất giàu nhân nghĩa, lớn lên bằng bầu sữa mẹ và hạt mầm của đất để trở thành một con người với đầy đủ ý nghĩa nhất của hai từ con người. Một con người thi ca không biết sinh ra từ đâu vì thế tôi muốn mượn mấy câu thơ của nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh viết về Trịnh Công Sơn (Xin đừng cho tôi là so sánh vì với Trịnh Công Sơn không thể có một sự so sánh nào cả mà ở đây tôi muốn đưa ra một lý giải dựa vào thơ Nguyễn Thúy Quỳnh về con người thi ca của Trần Hùng). Câu thơ đó như sau: “đúng là anh không sinh ra từ đây, không lớn lên từ đây chốn nhân gian buồn này anh đến từ nơi nào xa lắm ngoài kia cánh vạc gầy guộc nhỏ…”. Phải chăng con người thi ca của Trần Hùng cũng được sinh ra như thế???.
Với Trần Hùng, dù khi còn công tác ông đã từng giữ một trọng trách trong bộ máy Nhà nước, nhưng thơ ông không thuộc vào công việc không thuộc thế giới này mà thuộc về một thế giới siêu thực hư ảo.
Trước đây khi đọc những tập thơ khác tôi thường không bao giờ đọc trước lời giới thiệu hay những bài bình luận liên quan đến tập thơ, vì tôi không muốn lệ thuộc vào họ. Tôi muốn cảm xúc là của riêng tôi. Nhưng khi đọc hai tập thơ mà nhà thơ Trần Hùng tặng tôi, tôi lại đọc rất kỹ bài viết của nhà thơ, nhà lý luận phê bình Dương Kiều Minh có tựa đề rất quyến rũ Nhà thơ Trần Hùng và đôi cánh trập trùng ước vọng viết vào năm 2009. Một bài viết rất kỳ khu nghiêm cẩn đã được in trong tập thơ Thảm thắc của Trần Hùng. Tôi muốn tìm hiểu cách tiếp cận với thơ Trần Hùng của Dương Kiều Minh, nhưng tôi cũng đành bất lực vì thơ Trần Hùng theo tôi không thuộc về ước vọng mà đúng hơn là thuộc về khát vọng. Ước vọng là điều ta có thể vươn tới có thể thực hiện được nhờ sự nỗ lực của bản thân và sự giúp đỡ của ngoại cảnh. Còn khát vọng thì không thể vươn tới và chính thơ Trần Hùng đã là như thế. Ông chỉ viết về khát vọng. Để lý giải về khát vọng trong thơ Trần Hùng không còn con đường nào khác là viết một lá thư như muốn dành ý kiến để trao đổi chứ không đơn thuần là một bài giới thiệu bình luận hai tập thơ: Vườn khuyaThảm thắc của ông.
Tôi thực sự thảng thốt khi đọc bài thơ Ánh lên gương mặt trong tập Vườn khuya. Đối thoại hay tự thoại? Một vọng âm từ trong sâu thẳm của một miền tâm linh. Xin đừng nhìn vào bề ngoài của tôi mà hãy bằng cái nhìn xuyên suốt vào thẳm sâu tâm hồn tôi để hiểu rằng trước thế giới này tôi mong manh nhỏ bé biết chừng nào và các bạn cũng vậy thôi trước sự khắc nghiệt của tạo hóa và trước khát vọng lớn lao của chúng ta với cuộc đời ta cứ trở nên mong manh nhỏ bé. Để sẻ chia cùng các bạn tôi xin giới thiệu toàn văn bài thơ này - Một việc làm rất giống với Dương Kiều Minh đã làm trong bài viết của ông.
Đây là bài thơ Ánh lên gương mặt:
Có thể ban mai trong tôi sắp tắt
có thể dòng hồng cầu mảnh mai
trong tôi sắp ngừng
đừng thấy tóc tôi còn xanh mắt tôi còn vui
mà hoài nghi
tôi cảm thấy một điều gì đang đến rất gần rất gần
vậy mà lòng tôi lại hướng về các con tôi,
hướng về một người
người ơi hãy về với chồng với con
với sợi kim đan nhỏ bé
mùa đông rồi sẽ qua
đừng ánh trăng qua cửa sổ
đừng thầm thì nắng non
tôi muốn nhìn em thật lâu rồi thả ánh nhìn
vào trong đêm
tôi muốn ôm em thật lâu rồi thả vòng tay mình
vào thẳm sâu
nhưng giờ đây tôi như hạt cát biển rung lên
dưới sao đêm dưới rong rêu dưới san hô thiêm thiếp.
(Tập: Thảm thắc)
Vâng xin đừng nhìn vào bề ngoài của tôi bởi vì so với cái trục vô cùng vô tận của thời gian sự tồn tại của một đời người chỉ như khoảnh khắc. Trong khoảnh khắc còn lại ấy người ta thường hướng về sự gần gũi nhất đó là vợ con. Con ông thì rõ rồi còn người vợ thì sao. Tôi cứ nghĩ rằng lời đối thoại đó không dành cho một người vợ hiện hữu mà như một người phụ nữ nào đó trong cõi xa xăm trong miền khát vọng. Người phụ nữ ấy không trở về với những kỷ vật to tát mà chỉ “với sợi kim đan nhỏ bé”. Chỉ mấy từ ấy thôi người phụ nữ mà nhà thơ khát vọng phải là một người phụ nữ rất hoàn hảo. Ở thời bây giờ sợi kim đan nhỏ bé đã trở nên xa lạ với rất nhiều người phụ nữ. Nhưng ở thế kỷ trước thì đó là biểu tượng của sự tảo tần thương con thương chồng luôn lo lắng cho chồng con mỗi mùa đông về lại có được một manh áo len ấm áp. Rất nhiều người phụ nữ đã là như thế. Dù đó là ngồi chuyện trò bên chồng con, bên bạn bè người thân miệng vẫn chuyện trò thân mật, mắt vẫn đắm đuối nhìn con, nhìn chồng, nhìn người tiếp chuyện nhưng đôi bàn tay mảnh mai của họ vẫn thoăn thoắt với đôi que đan. Những sợi len được tháo ra từ những chiếc áo cũ chỉ cần thêm một ít len mới là đã có tấm áo ấm và mùa đông sẽ phải lùi xa trước sự tảo tần chăm chút của em. Ánh trăng sẽ tròn đầy viên mãn chứ không phải là thứ ánh trăng vụng thầm lách qua cửa sổ và nữa nắng sẽ bừng lên sưởi ấm cuộc đời chứ không phải là thứ nắng non e ấp. Anh muốn nhìn em bằng cái nhìn thấu thị xuyên suốt nhưng chính sau cái nhìn mãnh liệt ấy anh đã cảm nhận được rằng em không tồn tại và cái nhìn của anh đã thả vào bóng đêm u tịch. Anh muốn ôm em bằng vòng tay rộng lớn xiết ghì nhưng cũng vì thế trong vòng tay anh cũng chỉ là bóng đêm sâu thẳm. Anh trở nên nhỏ bé như hạt cát dưới đáy biển sâu bám trên rong rêu trên những nhánh san hô. Giá như anh là hạt cát trên bãi bờ thôi cũng đủ để cùng với muôn triệu hạt cát nâng gót chân em …
Đây là bài thơ Nhớ con:
Trung thu
áp thấp về Hà Nội
cha như ông trăng sau màn trời
con đang làm gì con ơi
chiếc đèn ông sao trung thu năm ngoái
vẫn nằm trên giá sách đầy bụi
hay con đang ngồi ôm
ngoài kia
những ngôi sao đang bò ra từ các góc tối
rủ con cùng chạy chơi
nếu thiếu nến thì con bắt đom đóm bỏ vào
không có đom đóm thì cầm sao ra ngoài ngõ
rồi đèn sẽ sáng lên
và con sẽ tin
cha trở về cho con đêm trung thu khác
một đêm trăng xà cừ tíu tít
trên những dấu chân bé bỏng của con.
(Tập: Thảm thắc)
Bài thơ không ghi dấu mốc thời gian sáng tác. Nhưng trong bài viết của Dương Kiều Minh vào năm 2009 đã đề cập đến bài thơ này, có nghĩa nó được viết cách đây từ lâu lắm rồi trong thời buổi khó khăn thiếu thốn vào một đêm trung thu mưa gió đầy trời Hà Nội. Cũng có thể đây là bài thơ được viết ra trong hồi ức không chỉ riêng cho con ông mà cho tất cả những đứa trẻ khi bố vắng nhà hoặc đau đớn hơn cho những đứa con không còn bố. Người mẹ ở nhà lo toan cơm áo học hành cho con đã quá kiệt sức rồi còn đâu thời gian nhớ đến trung thu mà sắm cho con cái đèn ông sao mới. Bài thơ nhắc đến cái đèn ông sao năm ngoái cha mua cho con, chiếc đèn ông sao đầy bụi. Đây có thể là bài thơ như Dương Kiều Minh đã nói “Tôi thấy đây không còn là thơ thuần túy nữa, mà đây là tấm lòng người cha rộng như trời đất, đang dõi theo những đứa con của mình trong tết Trung thu. Đây là áng thơ hay vô cùng xúc động về tình phụ tử và tết Trung thu mà tôi đọc được” (Thơ Trần Hùng và đôi cánh trập trùng ước vọng - Dương Kiều Minh ). Tôi hoàn toàn đồng cảm với cảm nhận đó của Dương Kiều Minh. Nhưng có lẽ như thế vẫn là chưa đủ mà ẩn trong đó vẫn là ước vọng hay xa hơn là khát vọng khi nhà thơ viết “không có đom đóm thì cầm sao ra ngoài ngõ /rồi đèn sẽ sáng lên” Phải chăng nhà thơ muốn thổi vào đây cho những đứa con ngọn lửa của khát vọng rằng: Ánh lửa nến kia, hay ánh sáng của những con đom đóm kia chỉ là thứ ánh sáng vay mượn. Lửa nến rồi sẽ hết, đom đóm rồi sẽ chết. Con hãy tự mình đốt lên ngọn lửa. Ngôi sao con đang cầm trên tay là ngôi sao của vụ trụ, ngôi sao chiếu mệnh của đời con đã sáng và sẽ sáng mãi nếu con biết thắp lên ngọn lửa cuộc đời của chính con. Ngôi sao sáng ấy sẽ cùng với ánh trăng xà cừ tíu tít và còn có cả trong đó tình thương yêu vô bờ của cha sẽ dõi soi theo dấu chân bé bỏng của con trên con đường đi tới tương lai.
Mẹ
xa một ngàn cây số
con đang nói cùng mẹ đây
con quỳ xuống tắt đèn
con nhắm mắt cho tối thêm lần nữa
mẹ ơi quay lại với con.
mẹ đứng trước bàn thờ
rồi tới ngồi bên lửa
để đun cho nồi nước nóng lên, rồi lại đun cho nóng lên
ngoài hiên
những bông lửa trên trời đỏ rực
mẹ chợt nhận ra
mình còn nhiều đứa con
chúng ra đi đã lâu mà không về, sao lại như thế nhỉ
mẹ ơi
giao thừa rồi
con quỳ xin mẹ đây
xin mẹ uống một liều thuốc ngủ
rồi nằm xuống - nhẹ nhàng thôi
thanh thản cho đến sớm mai
sẽ trở dậy thắp hương mẹ nhé
(Tập: Thảm thắc)
Có những bài thơ khi đọc nó gợi cho tôi rất nhiều chiều kích suy ngẫm mà văn bản bài thơ không hề đề cập đến. Bài thơ Giao thừa của Trần Hùng là một bài thơ như thế. Có những điều ông không nói không viết nhưng lại gợi cho tôi về những gì mà ông không viết ấy. Có người đã nghĩ rằng tôi đang chẻ sợi tóc làm tư khi bình luận những bài thơ. Có thể là như thế. Và nếu không thế thơ đâu còn là ý tại ngôn ngoại nữa mà nó chỉ là những bài văn vần mà thôi.
Đây là lời đối thoại của đứa con cách xa mẹ hàng ngàn cây số trong thời khắc giao thừa. Thời khắc giao thoa của hai năm cũ mới, giao thoa của hai mùa đông xuân. Thời khắc trọng đại nhất của một đời người nói đúng hơn là của một dân tộc. Vào thời khắc đó đã bao nhiêu lần rồi người mẹ của Nhà thơ hay nói đúng hơn người mẹ của dân tộc đã quỳ lạy thắp hương trước bàn thờ khấn vái và còn làm bao nhiêu việc có tên và không tên. Nói là đối thoại nhưng đây chỉ là một cuộc tự thoại trong đau đớn đến tận cùng - một việc làm vô vọng. Bởi vì khi đang sống gần mẹ trong tuổi thơ ông đã bao lần chứng kiến. Giao thừa này nữa ông biết rằng mẹ ông sẽ lại làm như thế cho thâu đêm suốt sáng cho qua thời khắc giao thừa. Thời khắc mà mẹ tin rằng tất cả vong linh của người chồng, của những đứa con và của bao nhiêu người thân nữa sẽ quy tập trong lòng mẹ.
Mẹ
xa một ngàn cây số
con đang nói cùng mẹ đây
con quỳ xuống tắt đèn
con nhắm mắt cho tối thêm lần nữa
mẹ ơi quay lại với con.
Dù đã gọi mẹ. cầu xin mẹ không chỉ một lần mà hàng ngàn lần vì sau tiếng gọi ấy không dưng nhà thơ lại để một dòng chấm lửng… Nhưng mẹ không nghe thấy hay mẹ không thể chiều theo lời cầu xin của đứa con yêu. Mẹ vẫn cứ thế như mọi giao thừa đã qua cuộc đời của mẹ kể từ ngày mẹ trở thành góa phụ và mẹ đã mất đi những đứa con và bao nhiêu người thân trong các cuộc chiến tranh dựng nước và giữ nước. Cứ thế như vô thức hay mẹ ý thức được rất rõ ràng những người thân yêu của mẹ cần gì vào đêm giao thừa này và cứ thế:
đứng trước bàn thờ
rồi tới ngồi bên lửa
để đun cho nồi nước nóng lên, rồi lại đun cho nóng lên
Mẹ đứng trước bàn thờ thì ta đã hiểu. Còn cứ đun cho những nồi nước nóng lên, rồi nguội đi mẹ lại đun cho nó nóng lên vì mẹ tin, một niềm tin mạnh liệt những người thân yêu của mẹ rất cần tắm gội cho đến sạch trong trong khoảnh khắc thiêng liêng này để rồi cùng mẹ đón chào một năm mới.
Làm sao nhà thơ lại đưa ra một lời khuyên nhiều yêu thương nhiều lo lắng cho mẹ và muốn mẹ uống một liều thuốc ngủ để nếu ngủ được mẹ sẽ tạm quên đi nỗi đau dù chỉ để qua đêm nay thôi. Tôi cảm nhận chính lời thỉnh cầu đầy yêu thương ấy lại là một lỗi lầm lớn nhất đối với mẹ của nhà thơ. Ông đã cầu xin mẹ một điều mà mẹ không thể. Mẹ không thể và không được quên đi nỗi đau trong chính thời khắc thiêng liêng này khi mà mẹ đang nhận biết:
ngoài hiên
những bông lửa trên trời đỏ rực
mẹ chợt nhận ra
mình còn nhiều đứa con
chúng ra đi đã lâu mà không về, sao lại như thế nhỉ
Những linh hồn thân yêu từ núi rừng trùng điệp, từ ngút ngàn cao nguyên, từ những cánh đồng hoang hoải, từ dưới những dòng sông sâu và từ dưới lòng biển cả trùng trùng sóng vỗ giờ đã tụ về đang ở ngoài hiên kia như những bông lửa đỏ rực chờ mẹ gọi vào. Làm sao mẹ có thể yên lòng ngủ được. Đừng như thế con yêu đừng khuyên mẹ phải làm như thế mà hãy quỳ xuống đây cạnh mẹ giúp mẹ tắm gội cho những linh hồn và cầu nguyện!
Phải chăng Giao thừa là một bài thơ được viết ra trong sâu thẳm của cõi tâm linh?
Đây là bài thơ Mùa vân tay:
Gương mặt em
ánh lên mùa hè như sen
ánh lên mùa thu như sữa
ánh lên mùa đông trang nghiêm
trái tim thanh minh
đập ngoài thân thể
cho mùa heo may
cho mùa vân tay
môi về thon thót
và nấm thắp lên mùa xuân thật xa nơi ta cùng nảy mầm
và em - bông xuân nụ nhung cuống tuyết
giọt giọt sương đen vừa buông lại cất lên
thành những vì sao găm vào trời đêm
nhớ căn phòng nhỏ
hơi thở em phía trong cánh cửa
hình như anh đã hôn
hôn bao ngày âm u
hôn thầm em toan trắng
giờ toan trắng đã bay đi cuống hồng đang bay lại
nhọn và đanh.
(Tập: Vườn khuya)
Bài thơ thật đẹp. Đẹp đến lung linh kỳ ảo. Ngôn ngữ ở đây rất đời thường rất giản dị không phô trương, không to tát ồn ào mà vì sao nó đẹp thì chỉ có tác giả và may ra Thượng đế và em hiểu được. Còn tôi thì tôi không đủ hay không thể có ngôn từ để nói về vẻ đẹp kỳ ảo của bài thơ. Tôi cứ nghĩ đã có một thế lực siêu phàm cứ nhặt nhạnh những chữ rơi vãi trong đời rồi cứ thế thả xuống đúng nơi, đúng lúc trên tờ giấy trắng tinh, Trần Hùng cứ thế chép lại thành thơ. Ngôn ngữ ở đây không chỉ đẹp mà còn vô cùng thánh thiện khi nó gửi đến cho cõi người những thông điệp về vẻ đẹp vĩnh hằng của tình yêu và cuộc sống. Chứa đựng trong ngôn ngữ là khát vọng bi thương của kiếp người. Thứ ngôn ngữ mà sức con người không thể tự sắp đặt thành thơ!?
Có phải vậy chăng Mùa vân tay đã được Trần Hùng lấy nó làm địa chỉ cho Email của mình để mỗi khi mở email ra thì ngôn ngữ trời ban ấy lại nhảy múa lại khiêu vũ lại ngân nga bổng trầm nhắc anh về vẻ đẹp và cả những đam mê cùng đau khổ.
Ánh mặt em là sự hội tụ kết tinh tất cả vẻ đẹp của đất trời. Có mùa hè hồng lên của sen trên gương mặt, có mùa thu sắc sữa trắng ngần của làn da em, có mùa đông trang nghiêm của phẩm hạnh. Giống như nhà thơ Nguyễn Thị Phước đã viết “Đã uống nước sông Tương còn biết đường đâu để tìm khôn tránh dở”, khi người ta yêu người ta mê lú dại khờ. Thi nhân đã yêu và vì thế tất cả ở đây cái gì cũng trở nên hư ảo hình như thôi chứ không phải là sự thật. Chỉ cần thế thôi đối với người đang yêu đã là tất cả. Nhà thơ đã cảm nhận có một trái tim, nhưng sao lại là trái tim thanh minh? Thanh minh là một tiết trong mùa xuân phải chăng trái tim của em là cả mùa xuân trinh nguyên và dâng đầy sức sống và nó đã bùng lên vươn ra ngoài thân thể để dâng hiến cho đất trời và cứ thế môi em thon thót chờ mong tình yêu hay môi anh thon thót đam mê? Và mùa xuân ùa ập tràn về thắp sáng bừng từng cây nấm nhỏ đang ủ mầm trong lá mục trong đất đai. Vẫn chưa hết “và em - bông xuân nụ nhung cuống tuyết” Em đã hóa thân vào mùa xuân vĩnh hằng trong từng giọt giọt sương đen. Sao sương của Trần Hùng lại có màu và lại là màu đen? Phải chăng nhà thơ nhầm lẫn hay nhà thơ đã hoàn toàn mê lú. Và tại sao những giọt sương đen đã buông ấy lại cất lên thành những ngôi sao găm vào trời đêm thì chỉ có nhà thơ biết được còn người trần mắt thịt như tôi làm sao biết được. Liệu trong chúng ta có ai bắt bẻ nhà thơ không nhỉ. Vâng ta thấy giọt sương trong lấp lánh trong đó phản chiếu những ngôi sao trời đó là cái nhìn cái quyền của ta. Còn nhà thơ thấy nó màu đen là dưới cái nhìn của ông. Và trời ạ đó mới chính là thơ.
Tất cả sự đam mê, khát vọng và thất vọng đã dồn vào khổ thơ cuối:
nhớ căn phòng nhỏ
hơi thở em phía trong cánh cửa
hình như anh đã hôn
hôn bao ngày âm u
hôn thầm em toan trắng
giờ toan trắng đã bay đi cuống hồng đang bay lại
nhọn và đanh.
Đến đây tất cả đã hoàn toàn minh bạch sáng rõ có lẽ không cần phải bình luận gì nữa. Nhà thơ đã dồn tụ tình yêu của đời người vào những nụ hôn khát vọng. Vâng hình như anh đã hôn em và hôn cả vào sự vô cùng vô tận của thân thể em một thân thể trắng tinh trinh bạch như toan. Nhưng tất cả đã bay đi. Tấm toan trắng đã bay đi giờ chỉ còn là nỗi đau buốt nhói của cuống hồng nhọn và đanh đâm vào thân thể đâm vào đôi môi rớm máu. Tình yêu là thiêng liêng và bất tử nó mang đến cho con người cả hạnh phúc lẫn khổ đau.
Sao lại là mùa vân tay vẫn chỉ có thượng đế và nhà thơ biết được. Phải chăng ông muốn nói đến mọi vẻ đẹp đều vĩnh hằng bất biến như những vòng vân tay trên mười đầu ngón tay ngọc ngà của em. Vân tay thuộc về sự bất biến của mỗi con người từ lúc sinh ra từ cát bụi rồi lại trở về với cát bụi. Một cách trực tiếp nhà thơ đã tự khẳng định cá tính và bản ngã của thơ mình là mùa vân tay. Hàng tỷ con người của nhân loại chẳng có vân tay nào giống nhau. Vâng đó chính là bản ngã thi nhân.

 
Mời thư giãn với nhạc phẩm KHÁT VỌNG
của Thuận Yến, qua tiếng hát Thanh Lam:
           
*
NGUYỄN XUÂN DƯƠNG
Địa chỉ: Nhà số 7 Đường Thành Cổ,
Phường Vệ An - Thành phố Bắc Ninh
Email: nguyenxuanduong1940@gmail.com
Điện thoại: 037.224.23.92
.                                         


.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 19.06.2019.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 
.

0 comments:

Đăng nhận xét