TIẾNG LÒNG CỦA NGƯỜI CON QUÊ HƯƠNG - Tác giả: Trịnh Thu Tuyết (Hà Nội)

Leave a Comment

 

TIẾNG LÒNG

CỦA NGƯỜI CON QUÊ HƯƠNG

*

- Cảm nhận về 2 tập thơ:

Mẹ Và Sen” và “Đi Từ Phía Cổng Làng

của Nhà thơ, Nhà giáo Nguyễn Văn Song -

 

(Tác giả Trịnh Thu Tuyết)

Trong các thể thơ, thực tình, tôi không có hứng thú với thơ lục bát - với tôi, âm hưởng, nhạc điệu của nó dễ gợi sự nhàm chán. Nhịp chẵn đều đều, buồn tẻ; cách phối vần, phối thanh tuần hoàn đơn điệu - đọc một bài thơ viết theo thể lục bát có cảm giác như đang ngắm nhìn một dòng chảy miên man, không có điểm dừng, thấy nó buồn như dòng đời này, bất luận ông Goethe ở đâu đó khẳng định đời mãi xanh tươi, sống động… Đến mức, khi đọc Tỏa nhị Kiều, tới đoạn Xuân Diệu miêu tả hai cô Quỳnh, cô Giao, đại loại hai cô không xấu, không đẹp, hai cô không dữ, không hiền, hai cô buồn như hai cánh đồng, hai cô như hai con vật ngẩn ngơ trong rừng lạnh, hai cô như hai hạt cơm…, tôi nghĩ đến một so sánh nữa: hai cô như hai bài thơ lục bát! Tất nhiên (tôi phải nói luôn điều này để khỏi bị ném đá!), đó chỉ là cái cảm tính bướng bỉnh, bất tri lí của riêng tôi, còn về lí trí, tôi vẫn cúi đầu trước vẻ đẹp cổ điển trong lục bát của Nguyễn Du, thực sự ngưỡng mộ với “chất người” trong lục bát của Nguyễn Duy, ngỡ ngàng trước vẻ đẹp gợi cảm và cái đa tình nghiêng ngả trong lục bát tản thần của cây bút hải ngoại Nguyễn Hàn Chung…

Cầm hai tập thơ Nguyễn Văn Song tặng, dù chưa có thời gian đọc hết, tôi vẫn kịp bắt gặp những từ, những tứ bị lặp lại - đó là những chi tiết nhỏ nhưng vẫn có thể làm tăng thêm sự nhàm lặp vốn có trong “tiềm năng” lục bát – hai tập thơ được viết theo nhiều thể khác nhau, cả ngũ ngôn, thất ngôn, thơ tự do, nhưng nhiều nhất vẫn là lục bát. Tôi vẫn nhớ những bài thơ đầu tiên Song chia sẻ trong inbox, vẫn còn nhiều bài chưa có tứ, nhiều câu đọc lên lại trôi như… tin nhắn…! Bẵng đi vài năm tôi không để ý lắm những status Song vẫn đăng đều đều các sáng tác mới của mình, cho đến gần đây, có một lần ngẫu nhiên dừng lại đọc một bài lục bát (hình như viết về mẹ), tôi hơi bất ngờ khi thấy tiếng thơ đượm buồn của em đã… không trôi đi trong tâm trí tôi! 

Song bắt đầu viết muộn, lại chủ yếu chọn thể loại dễ viết mà khó hay nhất là lục bát, nhưng hình như em đã tìm được một hình thức rất phù hợp với riêng em - không ồn ào, không nổi trội, không thể hiện sự sắc sảo, cứ rủ rỉ hiền lành với cái tình rất nặng, rất thật! Tôi cho rằng chính những suy tư của một thầy giáo dạy văn hiền hậu, hướng nội, đặc biệt, tấm tình yêu thương với quê hương, gia đình, nhất là với mẹ… đã giúp em luôn tìm được tứ cho mỗi bài thơ của mình, khiến những bài thơ thoát dần khỏi sự buồn tẻ, đơn điệu của thể loại, đề tài và thi liệu mà dần ngấm vào niềm đồng cảm dễ lây lan của người đọc.

Người ta hay nói về tình yêu quê hương, gia đình, tình yêu thiêng liêng dành cho cha mẹ của mỗi người con theo một cách khá ước lệ cho sự toàn vẹn của phẩm chất - tôi không ước lệ khi nói điều đó ở Song, vì tôi thực lòng xúc động trước tình yêu em dành cho chốn quê kiểng mộc mạc thân yêu, cho người mẹ tần tảo, hiền hậu của em. Tôi luôn có một nỗi nuối tiếc khi “quê” với tôi chỉ là một khái niệm, là một dòng trên sơ yếu lý lịch - có lần tôi đã cho học trò luận về một quan niệm này: “Hình như sâu thẳm trong mỗi tâm hồn Việt đều là một người nông dân với một làng quê xa cũ…”! Chính vì thế, tôi thực sự thích những thi liệu bình dị chất quê trong thơ Song, từ “Lời quê mộc mạc, hiền như tương cà” tới làn khói mềm tỏa lan từ những mái rạ nghèo, từ rặng cúc tần ngoài ngõ tới miếng trầu trong cơi, từ những que cời tới chiếc giỏ tre gói ghém bao tình quê của ông giáo nặng lòng xứ sở…; và vui khi nhận ra em đã dần đặt được các thi liệu ấm áp yêu thương ấy vào những tứ thơ đẹp và buồn.  

Đây là khổ thơ mà tôi hơn một lần đọc lại, vì rất yêu bức tranh mang vẻ đẹp buồn bã trong đó:

“Bạn già mỗi lúc một thưa

Cơi trầu trên chõng ngẩn ngơ nắng chiều

Hiên nhà quạnh vắng hắt hiu

Thẫn thờ mẹ bổ bao nhiêu cau vàng”

Mẹ ăn trầu từ trẻ, tuổi già khiến mẹ không thể ăn được miếng trầu thơm suốt dọc cuộc đời nữa, mẹ vẫn bổ cau, têm trầu như một thói quen, như cách các bạn trẻ share lại kỉ niệm trên facebook, để lặng ngắm cuộc đời mình, nhớ bạn bè mình và tuổi xưa của mình qua những miếng trầu - riêng người con, và những người đọc thơ con thì xót xa thương mẹ, thương tuổi già sẽ đến với mình, khi nhìn “Cơi trầu trên chõng ngẩn ngơ nắng chiều”. Không biết sao tôi luôn ngậm ngùi trước những câu thơ mang sắc nắng chiều hiu hắt - như câu thơ Nguyễn Bính xưa: “Giếng thơi mưa ngập nước tràn/ Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều” - một cái gì đó khiến lòng người không yên ổn trong một không gian thễnh thoãng, trống trải, mênh mông…

Nỗi buồn trong thơ Song một phần do những hoài niệm, ví như khi em ngắm “Tường ngăn lối xóm cao dần” mà tiếc nhớ cái ấm áp khi tối đèn tắt lửa; nhiều bài suy ngẫm về sự trôi chảy của thời gian qua những biến đổi của không gian, hình dung thời gian đi qua ngõ… qua tóc…trong mắt…, và sau cùng là trong ngực với sự lắng dịu dần những ái ố hỉ nộ sau một đời trải nghiệm thăng trầm: “Thời gian đi trong ngực / Đã êm dần nhịp rung / Nỗi đau như đá cuội / Lặn sâu trong đáy lòng”; hay những trăn trở ân tình, trân quí về một thời bếp rạ que cời:

Củi, rơm xa ngái nỗi niềm

Bếp quê vắng ngọn khói mềm nhẹ trôi

Chạnh thương bao kiếp que cời

Thảo thơm đốt cạn một đời thành quê.

Câu kết có thể gieo chút bất an: liệu văn minh vật chất có làm vợi đi niềm quê trong lòng những người con của một nền văn minh lúa nước?

Có những tứ thơ đượm buồn khi suy ngẫm về dòng thời gian đi qua các thế hệ ông bà, cha mẹ, con cháu… khi cùng con trai đi đắp mộ cha mẹ cuối năm, nhớ lại hình bóng cha ngày nào nhặt cỏ bên mộ ông bà, hình dung một ngày kia, khi mình thành ngọn gió quê, con trai bây giờ đang “cười líu ríu bên cha”, khi ấy chắc đã dắt cháu mình, trầm ngâm, xa xót “thắp hương vào mênh mông”…

Nhiều tứ thơ lay thức nếp cảm quen thuộc của tâm trí như bài Chị tôi! Chúng ta thường xót xa cho thân phận những người đàn bà mòn mỏi chờ chồng trong biểu tượng Vọng phu - hai câu kết: “Vọng Phu hóa đá lặng thầm / Chị không hóa đá ướt đầm mùa ngâu” hé mở những nỗi đau cứ đầm đìa mà không khô trong hóa thạch dù qua bao năm tháng, cứ lay động dữ dội mà không thể bất động vô tri dù bao mùa trôi, cứ gào thét hàng đêm mà không thể lặng câm như đá! Tôi bỗng nhớ tới chính điều tôi đã nghĩ về một nhân vật của Nguyễn Minh Châu, người lính già trở về sau cuộc chiến, không còn tình yêu, không còn gì để chờ đợi, anh sẽ sống trong thung lũng núi Đợi với nỗi đau không thể hóa đá giữa bạt ngàn cỏ lau, bên chồng chất hình những người đàn bà chờ chồng hóa đá!

Cũng có những tứ thơ buồn khi tới với một nẻo hoang phế - ga Đà Lạt, ngắm thời gian trôi trong cái lặng câm của tiếng còi tàu, cái vắng lặng của “ga tàu còn đó mà không chuyến tàu”, liên tưởng tới sự hoang phế của tình yêu khi “Lòng người bao chuyến tàu câm/ Thành ga Đà Lạt chết dần trong nhau”. Tôi đã từng đứng trong ga Đà Lạt, bước lên toa tàu xưa đã gỉ sét, mông lung nghĩ ngợi về những ồn ào, sống động, những chia ly và gặp gỡ, những lạnh lẽo và yêu thương từng hiện hữu nơi đây, nên thực sự đồng cảm với nỗi niềm bâng khuâng của Song…

Và đây là khổ thơ có thể làm tỉnh thức phần nào những sân si, vơi mềm phần nào những buồn khổ, để lòng người thanh thản giữa một không gian thanh sạch như cõi cổ tích êm đềm:

Chuông chùa mỏng sợi khói rơm

Mùi nhang thả xuống ngõ thơm thật hiền

Bà tôi mặc áo màu thiền

Câu kinh đằm dịu một miền trầu không.

Những câu thơ như thế này khiến tôi hiểu vì sao thơ Song đã lặng lẽ thấm dần được vào lòng người, đó là do em đã luôn sống thật nhất với lòng mình.

 

Mời nghe nhạc phẩm HƯNG YÊN QUÊ TÔI của Hồng Xương Long

thơ Minh Hạnh, qua tiếng hát Hồng Xương Long:

*.

TRỊNH THU TUYẾT

Địa chỉ: Số nhà 73, đường Nguyễn Trãi

quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội

Email: trinhthutuyet59@yahoo.com

 

.  

 

 

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật từ email: songvana74@gmail.com, ngày 15.06.2022.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

0 comments:

Đăng nhận xét