MỜI ĐỌC:

Thứ Hai, 13 tháng 8, 2018

ĐÁM ĐÔNG - Tác giả: Dương Quốc Việt (Hà Nội)

(Nguồn ảnh: internet)
ĐÁM ĐÔNG
*
- Đã đăng trong Tạp chí Văn Hóa Nghệ An số 370 (10.8.2018) - Diễn đàn văn hóa. -

(Tác giả Dương Quốc Việt)
Nhìn cảnh những đối tượng bị đám đông tấn công không thương tiếc, trong đời thực, cũng như trên các trang mạng xã hội, hay những đối tượng được đám đông ca tụng, thêu dệt hết lời, hoặc thậm chí còn được hàng đoàn người “quỳ lạy”, rồi cả những cảnh nạn nhân bị bỏ mặc trên xe công cộng, giữa đường hay giữa chợ.... khiến những người có lương tri, có ý thức trách nhiệm, chắc sẽ không khỏi suy tư. Rồi những cái chết oan uổng, những công trình văn hóa bị tàn phá, chỉ trong giây lát bởi những đám đông ô hợp-quá khích, để rồi chẳng biết quy trách nhiệm cho ai, mãi mãi như những vết nhơ của con người. Tất nhiên bên cạnh đó, cũng có những đám đông “cứu khổ cứu nạn”, giúp nhiều đối tượng qua vòng hiểm nguy. Rõ ràng chất lượng của đám đông, do chính chất lượng của đa số các thành viên trong đám đông đó quyết định, nó cũng phần nào phản ánh chất lượng xã hội. Nhưng dù như thế nào thì đám đông, vẫn luôn là nỗi ám ảnh, nỗi khiếp nhược, mang tính bản năng của con người.

Một vài nhìn nhận về đám đông
Có một thực tế ở Việt Nam, trong một thời gian dài, dường như yếu tố cá nhân luôn bị xem nhẹ, thay vào đó là đề cao yếu tố đám đông. Ở vào thời kỳ đó, chắc người có gan to đến mấy, cũng không dám trích câu:  Tôi không tin vào tập hợp trí tuệ chung của những cá nhân ngu dốt” của Thomas Carlyle (1795-1881) - nhà triết học, nhà văn, nhà châm biếm, nhà sử học và nhà giáo người Scotland - một nhà bình luận xã hội quan trọng nhất trong thời đại của ông. Rồi dường như cho đến hôm nay, trong mọi phát ngôn chính thống, các đám đông thông thường luôn được vỗ về-đề cao. Nhưng người ta sẽ nghĩ gì, khi đọc phát biểu dưới đây của Vladimir Ilyich Lenin (1870-1924) - lãnh tụ của phong trào cách mạng vô sản Nga: “Chẳng lượng tự do chính trị nào là đủ để thỏa mãn đám đông đói khát”.   
Nói về thuộc tính của đám đông, không thể không nhắc đến tóm lược về những kết luận của Gustave Le Bon (1841-1931) - nhà tâm lý học xã hội, được rút ra trong cuốn ''Tâm lý học đám đông'' của ông: “Những đám đông luôn bị vô thức tác động, họ xử sự như người nguyên thuỷ, người dã man, không có khả năng suy nghĩ, suy luận, mà chỉ cảm nhận bằng hình ảnh, bằng sự liên kết các ý tưởng, họ không kiên định, thất thường, và đi từ trạng thái nhiệt tình cuồng loạn nhất đến ngây dại ngớ ngẩn nhất, họ mất đi cảm giác về bản thân và trách nhiệm, họ cần một thủ lĩnh, hay người cầm đầu - kẻ có thể dắt dẫn họ và cho bản năng của họ một ý nghĩa. Họ thường không nghi ngờ gì khi đi theo những ý tưởng và cảm xúc dẫn dắt đám đông, thậm chí tạo nên hiệu ứng có khả năng lây lan giữa các cá thể như một dịch bệnh”. Còn nhà tâm lý học xã hội Leon Festinger (1919-1989) và các cộng sự thì lập luận rằng: “Trong các tình huống đám đông điển hình, các nhân tố như ẩn danh, thống nhất nhóm và kích động, có thể làm suy yếu các khả năng kiểm soát bản thân. Mặt khác bởi họ được tách mình ra khỏi nhận dạng cá nhân, nên mối quan tâm của họ về đánh giá xã hội bị suy giảm. Điều này đã làm tăng độ nhạy cảm cá nhân đối với môi trường và giảm thiểu suy nghĩ hợp lý”.
Như vậy tâm lý đám đông mang nặng tính bản năng, dù là bất cứ đám đông nào. Việc tham gia vào đám đông, là nhu cầu của không ít người, và cũng không ít người bị ép buộc, hay a dua như một thứ bản năng. Dẫu vậy, khi đám đông với số lượng đủ lớn, thì vấn đề, lại trở thành câu chuyện nghiêm túc, thậm chí lớn lao. Điều này đã được chính Lenin tổng kết: “Chính trị bắt đầu nơi có đám đông, không phải hàng ngàn, mà là hàng triệu, đó là nơi mà chính trị nghiêm túc bắt đầu”. Rõ ràng đây là một cái nhìn minh triết của một chính trị gia, thiên tài về tổ chức.

Cá nhân với đám đông
Để hòa đồng trong một đám đông, các cá nhân, phải hành động giống người xung quanh, không có chỗ cho cái tôi của mình. Rằng đó là điều nguy hại nhất, bởi nó sẽ hủy diệt bản sắc cá nhân, thủ tiêu sáng tạo. Thực tế lịch sử mà nhân loại trải qua, đã chứng minh rằng, những cá nhân có được những thành tựu nổi trội, thường là những người đứng ra ngoài đám đông. Rồi ngay cả những người trở thành thủ lĩnh - dẫn dắt một đám đông, làm nên một thay đổi nào đó, dù tốt, hay xấu, thì chính họ hầu hết, đều không hẳn đã là người của đám đông ấy.
Con người cá nhân, ngay cả những người có tài năng thiên bẩm, sẽ chẳng còn là gì, mọi điều mà tạo hóa gửi trao nơi họ đều trở thành vô dụng, nếu họ không còn độc lập, mà bị hòa tan vào đám đông. Bởi như vua hề Charlie Chaplin (1889 - 1977) đã từng phát biểu: "Con người là thiên tài khi đứng một mình. Nhưng đám đông con người thì tạo ra con quái vật không đầu, một thằng ngu lớn lao, tàn bạo đi bất cứ nơi nào bị thúc". Và cho dù bạn là ai, thì khi chìm vào đám đông, bạn cũng sẽ bị biến dạng theo nó, như Margaret Eleanor Atwood (sinh năm 1939) - nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình, nhà giáo và nhà hoạt động môi trường Canada, đã cảnh báo: "Bước vào đám đông giống như chìm vào món hầm-bạn trở thành một nguyên liệu, bạn khoác lên một mùi vị riêng".
Những cá nhân nuôi chí tiến thủ, không thể không biết lựa chọn cho mình những không gian văn hóa, hun đúc cho ý chí của mình. Người xưa đã dạy: "Gần mực thì đen, gần đén thì sáng", hay "Chọn bạn mà chơi". Vậy thì những cá nhân đó, không thể tùy tiện, tham gia vào đám đông, nếu đám đông đó, có nguy cơ làm thoái chí của họ. Rằng cái điều mà Jim Rohn (1930 - 2009) - một doanh nhân, tác giả và là nhà diễn thuyết truyền động lực người Mỹ - người đã truyền đi tư tưởng “thành công là một lựa chọn”, đã nhắc nhở: "Đừng tham gia vào đám đông dễ dãi. Ban sẽ không tiến bộ được. Hãy tới nơi mà kỳ vọng và yêu cầu làm việc và đạt được thành tựu ở mức cao". Nên nhớ rằng, đám đông, chính là nơi, "chủ nghĩa cào bằng" ngự trị. Và nếu bạn đủ khát khao thì hãy làm theo lời hiệu triệu của Margaret Hilda Thatcher (1925-2013)-nữ thủ tướng Anh (1979-1990): "Đừng đi theo đám đông, hãy để đám đông đi theo bạn", bởi thế giới luôn cần những người như thế!
Đến đây, chắc bạn càng thêm thấu hiểu, vì sao cần phải đứng ra ngoài đám đông. Và cũng cần phải sòng phẳng mà nhìn nhận rằng, nếu bạn không thể đứng ngoài một đám đông, với bất kỳ lý do gì, thì chắc chắn bạn cũng chỉ xứng đáng, làm thành viên của đám đông đó. Vậy vị trí cho những người đứng ngoài đám đông, sẽ dành cho những cá nhân nào? Thực tế cho thấy, những người tự tách ra khỏi đám đông, thường là những người có tính độc lập cao, có bản lĩnh vững vàng, dũng cảm, rất có cá tính, và thường là có tài năng, có chủ kiến tư tưởng... Nhưng dù đứng trong hay ngoài đám đông, thì cái tôi thực sự của mỗi cá nhân cũng cần phải vững chắc, vì chỉ có như thế, cá nhân mới có chính kiến riêng, và có đủ nội lực, để thoát ra khỏi hiệu ứng tâm lý đám đông - gây nên những hệ lụy không tốt trong xã hội. 
Nếu bạn đã là thành viên của một đám đông, giờ bạn muốn tách ra khỏi đám đông đó, thì bạn không thể là người cầu toàn, cả nể, như còn muốn lấy lòng đám đông. Rằng nếu bạn không dám mạo hiểm - liều lĩnh, thì  bạn cũng phải là người tự tin, vững vàng trước những thị phi. Hãy nghĩ cách, để đám đông ấy quên bạn, và bạn cũng nên biết tự an ủi: “Có cô thì chợ cũng đông, cô đi lấy chồng thì chợ vẫn vui”. Cũng như bạn cần phải hiểu rằng: cố gắng để lấy lòng đám đông, cũng là một thứ ích kỷ, thậm chí bệnh hoạn. Nhưng may thay, tạo hóa vốn công bằng, cũng như “trời không phụ lòng người”, thực tế cho thấy, những người thực sự muốn thoát ra khỏi đám đông, bao giờ họ cũng đủ sức để làm được việc đó, bởi những phẩm chất khác biệt của họ, đó dường như còn là một logic.

Khi xã hội chỉ chú ý đến số đông
Một kiến trúc, tổ chức xã hội theo kiểu “thiên vị đám đông” - mang nặng tính phong trào, chỉ chú ý đến ý kiến của số đông, biến mọi cái tôi cá nhân, hòa tan vào đám đông, chắc chắn là một xã hội, sẽ dẫn đến rối loạn, vô cảm và bi kịch. Bởi một khi cái tôi cá nhân, bị hòa tan vào đám đông, con người sẽ không có suy nghĩ độc lập, sẽ mất đi cảm xúc, và không còn khả năng sáng tạo. Một xã hội như thế, sẽ là một xã hội thiếu vắng tư duy độc lập, dẫn đến thiếu tiếng nói phản biện, thiếu óc kiến tạo, thiếu những tài năng dẫn dắt công chúng. Thậm chí nguy cơ dẫn đến, xã hội chỉ còn như một tập hợp của những đám đông vô cảm, vô trách nhiệm. 
Xã hội chúng ta ngày nay, đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề, bởi trong một thời gian dài, từ trong đời sống, cũng như trong giáo dục, cái tôi cá nhân không được vun đắp, mà luôn bị “đồng hóa” bởi những đám đông. Thậm chí người ta còn đưa ra nhiều luận điểm, như kiểu “hạt cát trong sa mạc”, hay “ba anh thợ Da bằng một ông Gia Cát”... nhằm hạ thấp những khả năng vượt trội, trong lao động và học tập. Mọi ý kiến cá nhân bị nhấn chìm trong ý kiến số đông. Trong khi đó, những đám đông, luôn lại là nơi ẩn náu, che đậy cho những kẻ cơ hội chậm tiến, không dám chịu trách nhiệm. Do thế mà chúng ta đã và đang rất thiếu vắng, những cơ quan, những đơn vị, những cá nhân xuất sắc ở tất cả các lĩnh vực, để đưa đất nước đi lên, mà trái lại, chỉ xuất hiện ngày càng nhiều đám đông, như những lực cản lớn, thậm chí còn như chống lại sự tiến bộ. 
*        *
*
Thực tế đám đông cũng có thể xây, cũng có thể phá, nó như một thực thể phản ánh phần nào thực trạng xã hội. Thường trong một xã hội, chứa đựng nhiều bất ổn, những bất mãn trong xã hội gia tăng, nhất là “thượng bất chính”, những xung đột trong xã hội không được giải tỏa, cá nhân trong xã hội bị giáo dục lệch lạc, thì việc xuất hiện những đám đông vô cảm, hay phá phách một cách vô thức, là điều không thể tránh khỏi. Dẫu vậy, đám đông muốn hay không muốn cũng luôn tồn tại, và những người tách ra khỏi đám đông cũng luôn tồn tại, và thế giới của chúng ta luôn cần đám đông, cũng như luôn cần những cá nhân khác biệt.
Vấn đề còn lại là ở chỗ, xã hội cần ứng xử với những thực thể này như thế nào!? Nhưng rõ ràng một xã hội văn minh, chắc chắn phải là một xã hội tôn trọng và phát huy bản sắc cá nhân, tôn trọng sự khác biệt, cũng như đám đông, thông qua hiến pháp-pháp luật, cùng với giáo dục và thực thi pháp luật. Tạo hóa sinh ra con người, vốn là những cá nhân khác biệt, nhưng con người lại cần phải chung sống và phát triển trong xã hội, vì vậy nó cần phải được huấn luyện, được giáo dục, rằng: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình” như tổ chức Unesco đã khởi xướng. Cuối cùng, chất lượng hành xử của đám đông, luôn là hệ quả của thể chế chính trị, văn hóa,  giáo dục, đó cũng là những yếu tố quyết định hình thành tính cách cá nhân trong xã hội.    


  
Mời thư giãn với nhạc phẩm TIẾNG ĐÀN BẦU
của Nguyễn Đình Phúc, thơ Lữ Giang, qua tiếng hát Kiều Hưng:
             
*
DƯƠNG QUỐC VIỆT
Địa chỉ:  Ngách 31/2 phố Phan Đình Giót,
quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Email: duongquocviet@fmail.vnn.vn
.






....................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 12.08.2018.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét