(Nguồn ảnh: internet) |
CHỢ PHÂN
VAI BÒ
(Tác giả Nguyễn Bàng) |
Hồi tôi
còn học tiểu học ở trường làng, thằng Đa bạn cùng lớp và cùng xóm hay rủ tôi đi
câu. Dạo ấy ao làng thường thả bèo phổng và bèo cái để lấy cái ăn cho lợn, chỉ
vài nhà giàu có ao to mới thả cá, rào bờ ao và luôn canh chừng người câu trộm
nên thằng Đa và tôi chỉ đến các ao người ta không cấm câu, tìm một bụi tre có
bóng mát rồi rắc thính và thả dây câu. Ấy vậy mà, thằng Đa nổi tiếng sát cá,
mới ngồi một lúc nó đã giật được năm bẩy con rô con riếc to bằng ba ngón tay
trong ki tôi chỉ giật được hai ba con mài mại hay con cá cờ nhỏ xíu như cái lá
tre. Vì vậy nhiều lần, khi ra về thằng Đa thương tình chia cho tôi mấy con rô,
con riếc. U nó thấy nó đem giỏ cá về thì nhanh tay đỡ lấy rồi đổ cá ra chiếc
chậu sành và tươi cười nói:
- Hôm
nay nhà ta lại được ăn cơm với cá rồi
Nhưng
thầy nó thì không hồ hởi như u nó. Ông nghiêm giọng bảo vợ:
- Bà chỉ
làm hư con thôi. Cái ngón nghề câu cá ấy liệu có nuôi được nó cả đời không hay
là sẽ như cổ nhân nói: “Bé đi câu, lớn đi hầu, già làm mõ”. Mà tôi nói cho mà
biết, làm mõ cũng không đến lượt nó đâu, mỗi làng chỉ cần một thằng mõ thôi mà
vợ chồng thằng mõ làng ta còn trẻ khoẻ lắm. Không chịu khó học hành thì chỉ còn
một nước là đi làm phu đổ thùng cho nhà Năm Giệm.
Tôi nghe
người lớn nói, dòng họ nhà thằng Đa là một dòng họ nhiều chữ nghĩa nhất làng,
chưa có ông nghè nhưng đã có dăm bẩy ông cống từng làm đốc học hay làm quan.
Đến đời ông nội nó vừa đậu xong tú tài thì đấy cũng là khoa thi nho học cuối
cùng. Văn chương phú lục dở dang mà đường cày thì không biết, ông nội nó đọc
sách rồi làm ông lang ở làng. Thầy nó được theo tân học nhưng vừa mới hết tiểu
học thì bị ốm dai dẳng, thuốc thang của chính ông nó bốc cho uống mấy năm mới
khoẻ lại nên việc học cũng đành bỏ dở rồi được ông nó truyền lại nghề làm thuốc.
Nó lại là con trai duy nhất trong nhà năm chị em nên thầy nó quyết tâm sẽ cho
nó học tới nơi tới chốn để mở mày mở mặt với dân làng.
Giờ nghe
thầy nó bảo không chịu khó học hành thì chỉ còn một nước là đi làm phu đổ thùng
cho nhà Năm Giệm. Tôi thật không hiểu phu đổ thùng là gì và nhà Năm Giệm là ai
bèn về hỏi bà nội tôi. Bà tôi bảo:
- Là
thầy nó nói những người chuyên lấy phân ở khu vực nội thành còn gọi là phu đổi
thùng. Trong nội thành, hiện nay mới có một số ít hố xí máy tự hoại ở khu phố
Tây, khu phố ta nhà nào cũng chỉ có chuồng xí thùng. Hàng đêm, phu vệ sinh đẩy
xe bò đến các phố thay thùng lấy phân. Họ đập cửa gọi đổi thùng, đổi
thùng và nghe thấy tiếng là chủ nhà đang ngủ cũng phải dậy. Để át mùi, chủ nhà
phải thắp vài nén hương rồi còn phải ngồi ngoài cửa trông nhà vì sợ kẻ gian lợi
dụng lẻn vào ăn trộm đồ đạc. Nhiều nhà chuẩn bị sẵn mấy xu lẻ cho phu để họ
không làm dây ra nhà. Việc đổi thùng diễn ra cũng nhanh vì phu chỉ lấy thùng
đầy ra rồi đặt thùng không vào là xong. Phân thu đưa về đê Đại La, ở đấy
một phần đem chứa vào các bể xây chờ người đến mua, phần còn lại phu kéo thẳng
đến các vùng trồng rau ngoại thành như Canh, Diễn, làng Vòng nhà mình hay làng
Láng chuyên trồng rau húng.
Nhưng
cháu đừng nghĩ phân là thứ thối tha bẩn thỉu. Nó là mối lợi lớn cho nhà thầu.
Năm Giệm chính là ông chủ thầu phân đó. Năm Giệm ở quê ra, ban đầu làm công cho
Sở Xe điện, sau đó chuyển sang làm đại lý gạch, ngói. Khá lên, ông ta bỏ tiền
mua đất ở đầu phố Giảng Võ, khi đó khu vực này còn là ruộng xen lẫn hồ ao, nhà
dân rất thưa thớt lập Xí nghiệp Vệ sinh với hàng loạt ngôi nhà lợp tôn là chỗ
chứa xe và thùng lấy phân. Xí nghiệp có một bãi rộng, bên trong có những bể xây
lớn dùng để chứa phân. Hồ đầm chung quanh có nhiều nước, công nhân vệ sinh rửa
thùng ở đấy. Năm Giệm còn làm nhà cho công nhân thuê ở tập trung ở đầu đường
Đại La, chỉ là nhà tranh, nhà tôn lụp xụp, chật hẹp nhưng chật kín người ở. Phu
ngày càng đông nên nhà cứ làm thêm ra mãi, hồ, đầm bị thu hẹp dần, rác rưởi
thành phố hàng ngày xe đến đổ ở đây. Ông ta còn được nhà nước hỗ trợ cho cảnh
sát cấm người ngoại thành vào mua hoặc lấy trộm phân trong các phố, phạt nặng
những người gánh phân đi trong phố với lý do bảo vệ vệ sinh chung.
Tuy thế,
nhiều người ở một số làng vùng ven vẫn làm công việc lấy phân. Cứ gà gáy canh
một là họ mang theo quang gánh và chiếc móng sắt hình chóp, có cái cán tre
chừng hơn 1m, rủ nhau vào phố lấy phân ở các nhà vệ sinh công cộng hay những
nhà không ký hợp đồng với chủ thầu. Họ thường đi lúc nửa đêm để tránh bị cảnh sát
bắt. Họ lấy phân về để bón cho rau màu nhà họ và để bán cho các hộ dân khác.
Trên con đường nhựa từ Cầu giấy về làng ta, ở quãng Vai Bò có hẳn một cái
chợ phân họp từ mờ sáng đến khi rõ mặt người m là tan, ai "ế" thì
gánh về hôm sau quẩy ra bán tiếp. Ấy vậy mà họ bảo, làm nghề lấy phân còn
nhàn hơn nghề làm ruộng vì không phải suốt ngày bán mặt cho đất bán lưng cho
trời.
Tôi đem
chuyện bà tôi nói kể cho thằng Đa nghe. Nó bảo:
- Thế mà
nghe thầy tao nói cứ tưởng cái nghề đổ thùng không ai thèm làm. Xem ra muốn có
một chân đi lấy phân cũng đâu có dễ, mày nhỉ?
Rồi nó
nói:
- Tao
cũng thấy u tao bảo có cái chợ phân ở Vai Bò mà chưa biết mặt mũi nó ra sao.
Hay là hôm nào tao với mày đi chợ phân chơi?
- Bà tao
bảo chợ họp từ mờ sáng đến khi có ánh mặt trời là tan, sớm thế đi làm sao được?
- Thì
dậy từ gà gáy rồi đi.
Sáng hôm
say, y hẹn thằng Đa chờ tôi ở đầu điếm canh của thôn rồi hai đứa đi ra đường
cái và ngược lên Vai Bò. Nguyên khu rệ đường cái này ngày xưa người làng thường
đem ra bán những cái ách dùng để khoác vào vai trâu bò để chúng kéo cày, vì thế
mà gọi là chợ Vai bò. Về sau người ta mang đủ các thứ nông cụ như cày cuốc và
cả đòn càn đòn gánh ra bán. Khi đường cái được trải nhựa thì chợ bán nông cụ bị
cấm họp nhưng khi nghề lấy phân phát triển thì tự nhiên lại trở thành chợ mua
bán phân, không ai cấm nữa.
Đây là
chợ phân tươi, hoàn toàn không có phân ủ (phân chín) không có phân xanh (phân
làm từ các loại lá cây) hay phân hoá học ở các cửa hàng phân bón ngày nay.
Cũng rất ít có phân chuồng, tức là phân lợn, phân gà hay phân trâu bò. Tất cả
đều là phân người, dân vùng ngoại thành quanh quê tôi gọi là phân bắc.
Chợ họp
tại địa điểm có tên là Vai Bò ngay bên đường cái quan, chính giữa đoạn đường
1cây số từ ô Cầu Giấy về làng Vòng. Người dân làng Vòng từ xa xưa chủ yếu là
cấy lúa trồng rau và hoa nổi tiếng với kinh thành là hoa lơ (Vòng Tiền và Vòng
Trung), cải bắp và hoa huệ (Vòng Sở). Đặc biệt là ở Vòng Hậu có nghề làm cốm từ
lâu đời, cốm Vòng được nhân dân đất thành Thăng Long và các vùng miền gần xa ưa
chuộng. Nhưng những người bán phân tươi không phải người làng Vòng mà là người
ở các làng khác có tập quán đi các nơi, nhất là vào nội thành lấy phân bắc đem
về đây bán. Họ không phải là công nhân vệ sinh của nhà nước hay phu “đổi thùng”
của nhà thầu Năm Giệm mà là người ở ngoại thành vào lấy trộm phân nên trên
đường quẩy phân về chợ, họ thường bị công nhân vệ sinh bắt quang sọt hoặc bị
cảnh binh phạt tiền khốn khổ lắm.
Lúc tôi
và thằng Đa đến thì trời đã tờ mờ sáng nên chợ phân đang rất đông kẻ bán người
mua. Mặc dù là chợ phân tươi nhưng không thấy ai bịt mũi bịt miệng mà khắp chợ
ồn ào tiếng chào bán lẫn tiếng hỏi mua. Người bán phân kiếm một chỗ bên rệ
đường rồi bầy những sọt phân ra và đứng chờ người mua Người mua phân dùng một
cái gắp phân bằng cật tre, trông hơi giống một chiếc đũa cả sục sâu vào đáy sọt
phân rồi rút ra, đưa lên mũi ngửi để xem phân tốt hay phân xấu. Có sọt phân bị
chê là chua, có sọt bị chê là nát nhoét, không đậm. Người bán phân cũng dùng
cái gắp ấy ngoáy sục lại vào đáy sọt phân rồi rút ra, đưa lên ngang tầm mũi
mình và cả mũi người mua mà phân bua: “Phân
ngon thế này mà còn chê à!”.
Bỗng ở
cuối chợ nổi lên tiếng om sòm cãi chửi nhau. Tiếng một người đàn bà đi mua
phân:
- Cứt
mà còn làm giả thế này không sợ thất đức à?
Rồi
tiếng một người đàn ông bán phân đáp lại:
- Giả
đâu mà giả!
- Không
giả thì là cái gì đây, nhìn xem cứt hay đất bùn nhuộm nghệ đem trộn vào? Người
đâu mà tham lam thế!
- Sợ
quẩy đi đường nó sóng sánh ra đường bẩn thỉu nên cho thêm tý đất bùn vào cho nó
quện. Mua thì mua không mua thì đi chỗ khác cho người ta còn bán hàng, đừng có
mà ám mãi.
- Á
à, đuổi khách đi cơ đấy! Làng sống bằng nghề hót cứt, có đền thờ Thành
Hoàng hẳn hoi. Đây đã tận mắt nhìn vào trong đền, thấy thờ đôi quang và chiếc
đòn gánh cùng hai mảnh xương trâu, tất cả đều được sơn son thếp vàng. Làm ăn
gian giối không sợ bị Thành Hoàng vật chết à?
Ở những
chỗ người mua đã mặc cả xong giá, họ trút phân từ sọt của người bán phân sang
sọt của mình, lòng sọt đã chít sơn ta nhưng đáy sọt vẫn lót thêm một lớp tro
bếp cho nước phân không bị rò rỉ. Khi người mua đã gánh phân đi thì người bán
đem sọt của mình xuống cái ao to ở bên đường rửa ráy. Không biết ao nhà ai
nhưng bè muống họ thả trong ao dày đặc và tốt xanh um.
Thằng Đa
nói như người lớn với tôi:
- Đúng
là “Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân”. Rau muống nhà kia luộc lên ăn phải biết
là đậm miệng, mày nhỉ?
Lớn lên,
tôi và thằng Đa đều đi khỏi làng kiếm sống. Tôi thì đi xuống miền biển làm nghề
gõ đầu trẻ còn thằng Đa ra Hà Nội buôn bán thuốc bắc. Tuy hai nơi ở cách nhau
có hơn trăm cây số nhưng do một thời tàu xe đi lại khó khăn, mất ngày mất buổi
nên chúng tôi ít khi có dịp gặp lại nhau mà thỉnh thoảng chỉ thư từ thăm hỏi
nhau, vẫn mày tao chí tớ như thời còn bé ở làng.
Một
ngày, tôi đọc xong cuốn sách nửa hồi ký nửa tiểu thuyết Chiều Chiều của Tô Hoài,
có đoạn nói về chuyện các chuyến đi thực tế của các nhà văn nhà thơ ở miền Bắc
trước đây. Một trong những công việc chính của họ là đào hố phân rồi hằng ngày
đi nhặt phân, từ phân người đến phân súc vật, về đổ vào các hố rồi nhặt lá cây
bỏ vào, trộn đều, ủ lại cho chúng ngấu kết lại với nhau.
Theo lời
kể của cụ Tô Hoài, mỗi buổi sáng, nhà thơ Phùng Quán ở trong xóm đi ra,“gánh đôi quang lồng một, hai thanh tre gắp
phân đặt trên mặt sọt.” Một buổi chiều, gánh phân về, “Quán kể nông nỗi đi gắp
phân như là đọc một mẩu chuyện trên báo. Các đường ngoắt ngoéo trong xóm trổ ra
cổng đồng còn tối đất. Những con trâu con bò ra ruộng làm sớm, thói quen tự
nhiên, tới rệ cỏ ven hào nước thì đứng lại ỉa. Đến khi sáng hẳn, trẻ con trong
xóm mắt nhắm mắt mở lốc nhốc kéo ra ngồi bĩnh ở đấy. Hai thanh tre của Quán mở
ra gắp lên sọt tuốt cả phân trâu phân người. Tìm ra những con đường phân này
cũng chẳng phải tài giỏi riêng Quán, mà sáng nào cũng có người nhặt phân từ các
ngõ xóm ra cổng đồng, đi muộn có khi hết.”.
Cũng
ngày ấy, tôi vừa nén nỗi đau như bị xát muối vào lòng vì phải bỏ ra gần hai
tháng lương để lắp cái điện thoại bàn cho mấy đứa con ở xa gọi về không phải
chạy ra bưu điện gần nhà đăng ký để nghe chúng nó nói. Nhớ lại chuyện cùng
thằng Đa đi chợ phân Vai Bò, tôi bèn buôn chuyện với nó qua chiếc điện thoại
bàn đó, kể lại những điều cụ Tô Hoài viết cho nó nghe. Nó cười khằng khặc bên
kia đầu sóng:
- Thì
việc nhặt phân đã được ông Tố Hữu ca ngợi hết lời:
Dọn tí phân rơi, nhặt từng ngọn lá.
Mỗi hòn than, mẩu sắn, cân ngô.
Ta nâng niu gom góp dựng cơ đồ!
Ông ấy
ngồi ở nhà cao lộng gió, ăn của ngon vật lạ mua ở chợ Tôn Đản của vua quan rồi
nhào lặn cho ra những vần thơ như thế chứ ông ấy có bao giờ dọn tí phân rơi nào
đâu.
Ông ấy
cũng đã từng ca ngợi Mao Trạch Đông:
Một tia lửa nhỏ
Trong xóm Tương Đàm
Cháy lan dần, đỏ khắp Hồ Nam
Và chính
Mao Trạch Đông đã phát ngôn câu nói nổi tiếng khắp thế giới: “Trí thức không bằng cục phân.”
Rồi nó
thôi cười và trầm giọng lại:
- May
mà tao không nghe lời dạy của thầy tao, chăm chỉ học giỏi để trở thành trí
thức. Nếu nghe lời cụ thì bây giờ tao cũng không bằng cục phân, mày nhỉ?!
Tôi toan
tắt máy thì lại nghe tiếng thằng Đa nói tiếp:
- Mà
này, mày đừng tự ái rồi chửi tao nhé! Vì nghe đâu cái nghề gõ đầu trẻ của mày
cũng được coi là tiểu tư sản trí thức đấy!
Mời thư giãn với nhạc phẩm TRƯỚC NGÀY HỘI BẮN
của Trịnh Quý, qua tiếng hát Ngọc Khuê và Phạm Khoa:
*
Sài Gòn, tháng 08.2018
NGUYỄN BÀNG
Địa chỉ: Thành phố Sài Gòn
Email: bnguyen37@gmail.com
.
.............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác
giả gửi qua email ngày 21.08.2018.
- Bài viết không thể hiện quan
điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét