(Nguồn ảnh: internet) |
GIÀN TRẦU
(Tác giả Nguyễn Anh Tuấn) |
Một mầm trầu nằm
lép vào góc ngoài hậu cung nhà thờ về hướng bắc. Chưa có giàn, leo…! Cây trầu
cố bám chặt vào đống đất lẫn xỉ vữa vươn lên đón nắng trời.
Bà Phan Thị Kênh
trồng từ khi chồng mình - Nguyễn Phó Phúc -
xây xong nhà, đóng cửa lại, đưa con trai lớn Nguyễn Văn Soan lên Hà Nội học
trường Bưởi rồi sang Ý Yên Nam Định ở với vợ hai Phạm Thị Ngân, bỏ mặc vợ cả
một nách hai con nhỏ: Nguyễn Thị Bưởi 6 tuổi và Nguyễn Văn Na 3 tuổi.
Bà không còn tâm
trạng nào, hơi sức đâu mà chăm sóc cho cây trầu. Không nhà, không ruộng, chồng
bỏ rơi. Bà dắt các con rời làng, đi lên hướng bắc, tối đâu cũng là nhà, ngã đâu
cũng thành giường. Ba năm lang thang khắp Đồ Đa, Thái Ngơi, Đình Dù, Quán Giạt,
chợ Lũng, chợ Gĩa, chợ Đồn nhặt lá bánh phơi khô đổi lấy miếng ăn. Hai năm vòng
về lang thang trên miền Kinh Bắc. Gặp ngày hội Lim, hội Đền Đô, mẹ con được ấm
lòng nhờ bố thí. Định ở lại Keo Dâu cấy
thuê cũng không yên ổn. Lần ra ngoài ấp Năm Sinh (Hòa Nghĩa, Kiến Thụy Kiến An)
được Quản Ngoạn nhận cho vào. Ba năm làm mướn vẫn chẳng hơn gì!... Liều quay về
quê, tá túc nhờ anh em họ hàng để cấy rẽ cho Bá Sủng, mò cua bắt ốc nuôi nhau.
Những cơn sốt rét, sốt nóng thương hàn suốt 9 năm luôn hành hạ người đàn bà có
thân hình nhỏ thó, chẳng lúc nào cười,
suốt ngày nhai trầu bỏm bẻm.
Trời thương, nên
hai đứa trẻ vẫn lớn, đỡ mẹ nhiều việc,
vật lộn với đời.
Cây trầu trồng đã 9
năm không xanh dây, tốt lá nhưng vẫn sống lay lắt, rễ bám chặt vào đống gạch
vụn ngổn ngang.
Con gái lớn được
Phan Văn Sừ thương khi vừa đến tuổi trăng tròn. Con trai út Nguyễn Văn Na được
bác Chỉ Chanh cho theo nghề đóng cối khi 13 tuổi, (vác cái chày đập đất không
nổi). Bác trả công cho cháu ba năm theo nghề bằng thẹo đất trái nhà phía tây.
Na vay thêm tiền bác để dựng căn lều tranh vách đất nhỏ cho mẹ con có chỗ chui
ra chui vào. Bác Chỉ Chanh đau yếu không làm được việc nặng nhọc nên cho cháu
tất cả dụng cụ để cháu hành nghề riêng.
Anh Phó cối có sức
khỏe lại sáng kiến nên cối cấy hay cối tân của anh đều đẹp lại bền. Cả tổng đến
tìm, làm không hết việc. Chưa bao giờ người ta thấy anh phải“Ai…đóng…cối…ơ…!”
Ngoài đường như những thợ cối khác trong vùng.
Chịu thương, chịu
khó, tằn tiện theo đuổi nghề đóng cối,
sau 2 năm anh mua được 3 sào ruộng xứ đồng xa. Mẹ con đỡ đói khổ. Mẹ cưới vợ
cho anh (Đỗ Thi Nghĩa con ông Đoàn Chấn). Mẹ chồng nàng dâu lăn lộn với ba sào
ruộng. Chồng ngày nào cũng gánh lồng đi làm từ đầu tổng đến cuối tổng. Có bát
ăn, bát để. Vợ chồng sửa lều thành nhà. Mua thêm mấy khấu vườn cho đất vuông.
Trồng thêm hàng cau trước cửa. Cây trầu được che sương, che nắng, lại được bắc
giàn bằng các cành nhãn không chẻ được răm. Những lá trầu dầy, rộng phiến màn
xanh thi nhau tắm nắng, gội gió.
“Phi thương bất phú” Anh bàn với mẹ và vợ bỏ
nghề cối vất vả, nặng nhọc để đi buôn nhựa thông về cho vợ nấu, mẹ xe làm hương.
Sáng sớm đi bộ 70
km từ Làng Mãn ra Đông Triều. Cất hàng trong đêm. Sớm hôm sau gánh 60 kg nhựa
thông đi bộ 2 ngày về nhà, Ngày hôm sau nữa đi giao hàng cho thương lái quanh
vụng chợ Thi, chợ Từa. Ngày tiếp theo lại ra Đông Triều lấy hàng. Ròng rã hai
năm trời đi đi…, về về… đều đặn như vắt chanh.Thấy con trai hao mòn sức lực,
lại vất vả về đường con cái mẹ khuyên: “Không đi buôn nữa ở nhà vừa đi đóng cối
vừa giúp vợ cấy cầy, mẹ già rồi!”.
Vốn liếng đi buôn
dồn lại mua thêm 2 sào ruộng mật điền, một chân trâu và một chức “Lý mua” để có
chỗ chiếu hoa giữa Đình. Cái giàn trầu được bắc lại rất chắc chắn, được tưới
tắm hằng ngày. Lá trầu ken dầy. Giàn trầu đầy tựa nong cốm. Hàng cau trước cửa
nhà cũng đã có quả. Các bà trong xóm Đình (Bà Thiềng, bà Ty, bà Tiểu bà Đoàn
Tình, bà Đồ Chúc, bà Chánh Dật…) ngày nào cũng đến chơi, hái những lá trầu quế
vàng thơm têm khẩu trầu với cau sung mới bói.
Mỗi lần bà sai cháu
đánh thức trầu để hái, cháu lại thấy bà vui!
Mời thư giãn với nhạc phẩm THƯƠNG QUÁ VIỆT NAM
của Phạm Thế Mỹ, qua tiếng hát Tuấn Vũ:
*
NGUYỄN ANH TUẤN
(Bút hiệu Đồ Cóc)
Địa chỉ: 63 K2 thị trấn Trần Cao
huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên.
Email: nguyenanhtuanhydc@gmail.com
.Điện thoại: 0167.832.17.75
.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 29.07.2018.
- Bài viết không thể hiện quan điểm
của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét