(Nguồn ảnh: internet) |
Phong tục tập quán: TẢN MẠN GÓC
NHÌN
TỪ HAI NỀN PHONG HÓA
(Tác giả Mạc Phong Tuyền) |
Phong tục hương
đảng của người Việt ta xưa, mọi lễ nghi, quy tắc, tôn ti trật tự ở
nơi làng mạc được định rõ trong khế ước. Khế ước hay còn gọi khoán
ước do vị Tiên Chỉ tức là người đỗ đạt khoa bảng hoặc làm quan
triều đình về hưu, trí sĩ... Tổng chi là chức sắc, phẩm hàm, đức
cao vọng trọng đứng đầu trong làng, bàn với hạng hào trưởng Kỳ Mục
là các chánh tổng, phó tổng, cựu chánh tổng, cựu phó chánh tổng,
gọi tắt là các chánh phó tổng, cựu chánh phó tổng. Rồi sai hạng
lý dịch là Lý trưởng, Hương Trưởng, Trương Tuần, Khán Thủ... Họp bàn
dân xã ở nơi tôn đình quý miếu mà phổ giảng chẩn phê, đóng thành
quyển tập, giao cho người Thủ Bạ cất trong hòm trong khám. Cứ đó suy
ra trên có phép vua, dưới có khế ước, mọi việc đối nhân xử thế trong
làng trong tổng phải tuân theo đính ước. Khế ước đó người xưa nôm na
gọi là Lệ Làng....
Khế ước có
những quy chế chặt chẽ tiết thưởng phạt. Ví như minh định về việc
nghĩa, việc nghĩa là những việc cứu người đuối nước, giúp kẻ cháy
nhà, hoặc như có phường trộm cướp nửa đêm gà gáy đến nhiễu sách
cướp bóc dân làng. Ai là người anh dũng đánh đuổi, giữ gìn sự bình
an hoặc bắt trói được một tên cướp thì thưởng năm đồng, bắt được hai
ba tên cho chí đến chục tên thì cứ nhân số ấy mà lĩnh thưởng. Ngoại
giả có kẻ hèn nhát khi có nạn trộm cướp mà bỏ nơi phòng bị hoặc
trốn tránh ẩn núp thì phải truy phạt, phạt bằng cách truất ngôi
Hương Ẩm. Hương Ẩm là vai vế, vị trí ngồi của nam đinh khi dự tiệc
tùng cỗ bàn mỗi lúc làng có hội hè đình đám như Khai Hạ, Kỳ An,
rước sách kỳ bái thần xã. Giả như có người vì săn bắt cướp mà bị
trọng thương thì dân làng hoặc do quyên góp, hoặc xuất kho công quỹ lo
chữa trị thuốc thang cho bằng kỳ khỏi. Nặng hơn, nếu có người chết
thì làng vì tưởng thương mà làm tang ma chôn cất trọng thể, lại còn
Tinh Biểu, tinh biểu tức là khắc bia khắc đá ghi lại công trạng với
làng với nước để đời đời không quên. Làng lại cho vợ con người đã
khuất mấy chục đồng bạc, hàng tháng dăm ba đồng kẽm gọi là tiền
tuất. Cũng chia thêm cho điền trạch, cứ đó cày cấy chăn nuôi lấy phẩm
màu hoa lợi, được miễn sưu miễn thuế. Lại còn cho chung thân mãn trừ
xung quân, phu phen tạp dịch. Có làng xử hậu còn cấp cho 1 tên nhiêu
sai, nhiêu sai tựa hồ kẻ nô bộc, thay cho người đàn ông đã chết đảm
đương công việc nặng nhọc trong nhà, gia chủ không phải trả lương mà
đã có làng xã đài thọ mọi tổn phí. Vậy thực là tục ta xưa nền
nếp mà có nhiều điểm văn minh lắm thay!
Ở xứ Việt ta hơn
trăm năm nay nhiễm thói Âu hóa. Lại quen việc bài xích đả đốn những
tập tục cha ông để lại, cho rằng hủ lậu có từ thời phân phong kiến
địa, quân chủ chuyên chế. Ngoảnh mặt, trông xa ngó gần, mới đây quãng
độ mấy tháng, xẩy ra vụ tai nạn giao thông thảm cảnh ở Tây Nguyên,
huyết tủy loang lổ. Người dân, bác sĩ tận tình cứu giúp kẻ hoạn
lộ. Đó là hợp với sự khuyến khích, cũng là bổn phận công dân được
nhà nước tích chú giấy trắng mực đen trong chương mục pháp luật. Cứ
từ việc trợ cứu ấy mà suy ra có người vì đặc thù nghề nghiệp, lại
cũng có người vì cái khí cách nhân nghĩa mà làm. Ngặt nỗi, trong
bọn nạn nhân có kẻ mang mầm mống HIV. Đến khi phát giác nguy cơ phơi
nhiễm, đám lương y, nghĩa dân rồng rắn kéo lên trung tâm phòng chống
HIV - AIDS tỉnh nhà, đòi cấp phát thuốc. Tiu nghỉu, thứ mang về đặng
chỉ là tờ biểu giá bèn bẹt ghi 2 triệu đồng một mũi chích, kèm
theo cái lắc đầu quầy quậy: Tưởng à? Thuốc quý - hàng khan, chờ
đấy!
Đen nỗi, sự vụ
bây giờ như mắt thánh màn che. Báo chí hay chuyện phẫn nộ làm rùm
làm beng. Đến tai nhà nước, trung ương ra chỉ thị khẩn. Bấy giờ cấp
dưới mới cuống cuồng lo liệu tứ bề tám hướng. Thực là trung ương có
rót văn minh thì hạ cấp mới thực hành. Vì cớ đó có người bẳn tính
độc miệng: Thế hóa ra phần đa, phần tiểu quan viên cấp địa phương bây
giờ, ăn trên nằm chốc, tháng tháng lãnh lương từ thuế khóa của dân,
mà công cán thì bị động sinh ra đổ đốn lắm hay sao?
Đến đây cũng cần
giải trình cái tâm ý người viết, chẳng phải vì chủ đích bài xích,
truy tôn thời này đời kia, cũng chẳng phải đả trù hay xưng tụng kẻ
này người khác. Chỉ là trong lúc trà dư tửu hậu nhàn cư bất nhẫn
mà khua khoắng vài lời, đưa ra cái tiểu thể trong hai cái đại thể có
tương liên khập khiễng, cho rằng là điều thú vị. Những tưởng ai có
thì giờ dư rảnh, nhã hứng muốn xem điều đang luận bàn thì biết đâu
tìm thấy ở nhau chung niềm "thấu cảm".
Chứ, phỏng có
ích lợi gì ?
Mời thư giãn với nhạc phẩm ĐƯỜNG VỀ 2 THÔN
của Phạm Thế Mỹ, qua tiếng hát Anh Thơ và Việt Hoàn:
*
MẠC PHONG TUYỀN
Địa chỉ: Hà Lâm, Hà Trung, Thanh Hóa
Email: macphongtuyen@gmail.com
Điện thoại: 096.480.78.95
.............................................................................................................
- Cập
nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 20.06.2018.
- Bài
viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui
lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét