MỜI ĐỌC:

Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2015

ĐẶT TÊN CHO CON TRAI - Tác giả: Đặng Xuân Xuyến

(Nguồn ảnh: internet)
ĐẶT TÊN
CHO CON TRAI
*
(Tác giả Đặng Xuân Xuyến)
Xưa, khi trẻ mới sinh ra, người ta chưa vội đặt tên, con trai thì cứ gọi bằng thằng cu, thằng cò... với dụng ý gọi tên xấu để tránh tà ma quấy quả. Con trai đến tuổi ghi vào sổ đinh mới bỏ tên xấu đi và đặt cho một cái tên chính thức, có ý nghĩa.
Khi đặt tên chính thức cho con, người ta tuyệt đối tránh tên những vị thần của làng mình và làng bên cạnh. Tránh tên ông bà, cụ kỵ họ nội, họ ngoại và ông tổ những họ trong làng, tránh tên cha mẹ, ông bà của bạn mình, và tục bắt buộc tránh tên vua chúa. Điều đó khác hẳn với quan niệm của người phương Tây, nếu họ yêu quí ai thì có thể đặt tên người đó, kể cả đó là tên của thánh thần.
Thời nay, sinh con ra là phải đặt tên ngay và đó được coi là tên chính thức. Nếu có gọi con bằng một biệt danh nào đó thì chỉ là dùng trong gia đình, người thân. Cái tên đó thường là thằng Bin, thằng Bờm, thằng Tôm, thằng Còi, thằng Bim..., và những cái tên đó không có nghĩa là đánh lừa tà ma quấy quả, mà chỉ đơn giản là cách gọi âu yếm, nựng nịu của cha mẹ, người than với đứa trẻ.
Tên của mỗi người là rất quan trọng, nó sẽ theo người đó suốt cả cuộc đời. Nó không chỉ dùng để gọi, để phân biệt giữa người này với người khác, mà còn mang một ý nghĩa nhân văn, ý nghĩa thẩm mỹ đối với người nghe. Vì vậy, khi đặt tên cho con, cha mẹ thường rất cẩn trọng, gói ghém hy vọng tốt đẹp cho con cái vào một cái tên ưng ý nhất.
Đặt tên cho con trai cần phải xem xét đến sự phù hợp với khí chất nam nhi: Cương cường, dũng mãnh. Tránh những âm tiết nghe nữ tính hoặc trung tính trong tên gọi của trẻ nam. Nếu con trai mà đặt là Hồng, là Hoa, là Hương, là Hiền, là Xuyến, là Mỹ... thì nghe vừa yếu ớt, lại không phù hợp với khí chất nam nhi. Tất nhiên, việc đặt tên còn mang lý do cá nhân, ý định của mỗi người cha, người mẹ. Nhưng đặt tên cho con ngoài ý nghĩa của tên còn cần chú ý đến ý nghĩa thẩm mỹ, đó là điều hết sức quan trọng cho đứa trẻ trong các mối quan hệ sau này.
Để chọn cho trẻ trai một cái tên phù hợp, thì việc cần thiết là phải hiểu ý nghĩa của những chữ Hán - Việt để có thể dùng để đặt tên.
Ở đây, chúng tôi chỉ có thể nêu một số ít những chữ Hán và giải thích nghĩa của chúng để bạn đọc tham khảo cách kết hợp các chữ Hán với nhau để đặt tên cho con trai.
- Chữ “Cường”: Có nghĩa là mạnh, là nhiều hơn chút ít. Dùng chữ “Cường” để đặt tên cho con trai sẽ thể hiện được khí chất mạnh mẽ của nam nhi.
Những tên như: Văn Cường, Cao Cường, Mạnh Cường... đã thấy rất nhiều. Chúng ta vẫn còn có nhiều chữ khác để ghép, chẳng hạn: Hùng Cường (cả hai đều hàm nghĩa chỉ sự mạnh mẽ), Chí Cường, Tự Cường, Kiên Cường, Quốc Cường...
- Chữ “Hùng”: Trong chữ “anh hùng”, có nghĩa chỉ khí chất mạnh mẽ của nam nhi. Con trai có tên là Hùng thấy rất nhiều, nhưng tên Hùng dễ ghép với các chữ Hán khác để có một tên hay. Ví dụ: Duy Hùng, Cao Hùng, Mạnh Hùng, Thế Hùng, Phi Hùng, Bá Hùng, Tuấn Hùng,....
- Chữ “Vinh”: Hàm nghĩa: Vẻ vang, tươi tốt. Có rất nhiều chữ để ghép với chữ Vinh để có một tên hay, mà lại ít trùng tên. Tuy chữ “Vinh” không được mạnh mẽ như các chữ: Mạnh, Cường, Hùng... nhưng nếu biết cách ghép sẽ có được như ý. Ví dụ: Thành Vinh, Quang Vinh, Công Vinh, Tiến Vinh, ...
- Chữ “Minh”: Hàm nghĩa: Trong sáng, minh bạch, thông minh. Dùng chữ Minh có thể đặt tên cho cả con trai và con gái nhưng phân biệt ở tên đệm. Nếu con gái có thể đặt là Hồng Minh, Phương Minh... Nhưng đặt cho con trai thì phải chọn những chữ ghép cho phù hợp với tên của con trai. Ví dụ: Quang Minh (Quang cũng có nghĩa là sáng, hai chữ cùng bổ sung cho nhau làm cho tên gọi trở nên ý nghĩa sâu sắc hơn)., Nhật Minh (Nhật có nghĩa là mặt trời và cũng hàm nghĩa của ánh sáng giữa thanh thiên bạch nhật), Hoàng Minh (mong muốn con mình là người thành đạt và vẫn giữ được sự sáng suốt, minh bạch), Công Minh (hàm nghĩa: chỉ người thông minh, khôi ngô, tuấn tú).
- Chữ “Nam”: Hàm nghĩa là người nam nhi mạnh mẽ. Dùng chữ này để đặt tên cho con trai vừa thể hiện được khí phách từ âm đọc cho đến ý nghĩa. Tuy không mạnh mẽ như các tên khác (Mạnh, Cường, Dũng, Hùng…) nhưng tên Nam dễ ghép để thể hiện một cái tên ý nghĩa, và tên Nam còn thể hiện sự uyển chuyển, mềm dẻo trong cuộc sống. Ví dụ: Hoài Nam, Hoàng Nam, Chí Nam, Hùng Nam, Tùng Nam...
- Chữ “Thành”: Hàm nghĩa là thành thật, thực thà. Đó cũng là một trong những nét bản chất mà hầu hết các bậc cha mẹ đều mong muốn con mình có được. Ngoài ra, Thành còn có nghĩa chỉ sự thành công. Có dùng một trong hai nghĩa đó để đặt tên đều hay. Ví dụ: Chí Thành (ý chí vươn đến sự thành công), Minh Thành (sự thành công mới mẻ, minh bạch), Đại Thành, Công Thành...
- Chữ “Hưng”: Hàm nghĩa sự hưng thịnh. Khi dùng chữ này để đặt tên cho con trai, cha mẹ mong muốn sau này con cái mình sẽ học hành giỏi giang để có một sự nghiệp thịnh vượng.
Có rất nhiều cách ghép với chữ này để đặt tên. Ví dụ: Tuấn Hưng (chữ “Tuấn” trong từ tuấn kiệt, hàm nghĩa: mong muốn con mình giỏi giang hơn người), Tùng Hưng (mong muốn con mình giỏi giang vững vàng như cây tùng), Quang Hưng (quang: sáng, bổ sung ý nghĩa cho chữ “Hưng” tạo nên nghĩa sâu sắc và hay hơn).
- Chữ “Tuấn”: Hàm nghĩa tuấn tú, khôi ngô. Đặt tên con trai là Tuấn mà chọn được những chữ kết hợp hay sẽ cho một cái tên âm đọc rất vang. Ví dụ: Quốc Tuấn, Minh Tuấn, Hoàng Tuấn,... hay Triệu Tuấn, Bách Tuấn âm đọc tuy hơi nặng so với các cách ghép khác, nhưng tên hay và lạ ít người trùng.
Chữ Tuấn nếu dùng để làm tên đệm cũng rất hay, âm đọc cũng rất vang, đều hàm ý mong muốn con trai mình sẽ nổi danh, thành tài: Ví dụ: Tuấn Hưng, Tuấn Khanh, Tuấn Tú, Tuấn Thành, Tuấn Vũ...
- Chữ “Hoàng”: Hàm nghĩa là vua (hoàng đế), là to lớn, rực rỡ. Dùng chữ này để đặt tên không phải là ví con mình như một ông vua, mà mong muốn con mình một khả năng của người thành đạt. Ví dụ: Văn Hoàng, Trường Hoàng, Đại Hoàng, Minh Hoàng... Tuy vậy, cũng có một số người tránh đặt tên Hoàng cho con cái vì sợ phạm phải húy (hoàng đế), đem lại những rắc rối, không thuận cho con cái sau này.
- Chữ “Kiên”: Hàm nghĩa: người có ý chí, kiên trì thì sẽ có ngày thành công. Đặt tên con là Kiên cũng là với mong muốn đó. Tên Kiên cũng là một tên dễ chọn chữ để ghép được một cái tên nghe vừa thuận vừa vang. Ví dụ: Chí Kiên (hàm nghĩa chỉ ý chí và sự kiên trì của người con trai). Hoàng Kiên (hàm nghĩa: người kiên trì sẽ có ngày thành nghiệp lớn)...
- Chữ “Mạnh”: Hàm nghĩa sức mạnh, mạnh mẽ. Dùng chữ Mạnh để đặt tên cho con trai, có thể kết hợp với những chữ có ý nghĩa tương đương sẽ càng làm cho ý nghĩa của tên sâu sắc hơn. Ngoài ra, chữ Mạnh còn mang một nghĩa khác là mong muốn sự khỏe mạnh cho con mình. Ví dụ: Duy Mạnh (hàm nghĩa: thông minh và mạnh mẽ). Đức Mạnh (hàm nghĩa: chỉ người vừa có tài vừa có đức lại là người mạnh mẽ).
- Chữ “Hiếu”: Hàm nghĩa chỉ sự hiếu thảo. Dùng chữ này để đặt tên cho con, cha mẹ luôn mong muốn con mình sau này là người sống hiếu thảo không chỉ với cha mẹ, người thân mà với tất cả bạn bè khác nữa. Chữ Hiếu cũng dễ kết hợp với những chữ khác để thể hiện được khí phách nam nhi. Ví dụ: Chí Hiếu, Trí Hiếu, Trọng Hiếu...
- Chữ “Phúc”: hàm nghĩa là được hưởng phúc đức, hạnh phúc. Đặt tên con là Phúc, chắc hẳn cha mẹ mong con cái mình sau này sẽ sống hạnh phúc và được hưởng giàu sang, không phải sống nghèo khổ, cơ cực. Có lẽ mong muốn đó không chỉ là ở cách đặt tên, mà bậc làm cha mẹ nào cũng mong như vậy. Ví dụ: Chí Phúc, Hoàng Phúc, Trọng Phúc...
Trên đây, chỉ là một vài chữ Hán thể hiện rõ nhất khí phách trong tên con trai. Chúng tôi chỉ nêu một số tên tiêu biểu để quí bạn đọc tham khảo.
…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét