MỜI ĐỌC:

Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2015

CHUYỆN VỀ SẾP BẢO THỦ VÀ CHUYÊN QUYỀN - Tác giả: Nguyễn Thị Hồng (Hà Nội)

(Nguồn ảnh: Internet)
Chuyện về sếp 
BẢO THỦ & CHUYÊN QUYỀN
*
 “Chưa bao giờ lãnh đạo của tớ chịu lắng nghe ý kiến của cấp dưới. Với ông, không bao giờ có chuyện cấp dưới góp ý với cấp trên đâu nhé! Lệnh Sếp đã ban ra giống như tuyên ngôn, nhân viên chỉ có việc răm rắp tuân theo chứ không được phản đối hay sửa đổi gì hết. Nhiều khi biết rõ mười mươi phần này, phần kia Sếp làm chưa được hay lắm, thế mà không góp ý được khiến về nhà, tớ cứ ấm ức trong lòng mãi. Mình đi làm cũng phải có trách nhiệm với công việc, phải cố gắng hoàn thành công việc được giao ở mức cao nhất chứ? ấy vậy mà… Trông công ty tớ bây giờ, chẳng ai dại gì khuyên nhủ hay góp ý với Sếp cả. Mấy người bị đuổi việc cũng vì thẳng thắn quá nên bị Sếp ghét. Ông ấy quan liêu lắm!”
(Tác giả Nguyễn Thị Hồng)
Tùng - cậu lớp trưởng cũ của lớp chúng tôi đã tâm sự như vậy về Giám đốc của mình. Vốn thông minh và thêm một chút may mắn nên vừa mới ra trường là cậu ấy đã tham gia thi tuyển và được nhận vào làm việc trong một công ty có tiếng tăm ở Huế. Mỗi tội là Sếp của cậu ấy bảo thủ quá.
Tuy Sếp chỉ biết quản lý nhưng khi Tùng đưa ra phương án tối ưu nhất về công việc chuyên môn thì thủ trưởng lập tức gạt phăng đi, không cần biết đúng sai thế nào, chỉ tuyên bố một câu chắc nịch: “Tôi bảo sao thì cậu cứ làm vậy chứ còn thắc mắc gì? Đừng bao giờ nhắc lại với tôi về việc này nữa”. Nhìn bộ mặt khó đăm đăm của Sếp, Tùng đâm hoảng. Là nhân viên mới nên cậu ấy chỉ muốn thể hiện khả năng chuyên môn một chút để tạo lòng tin nơi Sếp, hóa ra kết quả thì ngược lại. Từ hôm ấy, Giám đốc cũng bớt yêu quý Tùng đi một chút.
Có lần, một nhân viên phòng kỹ thuật nhận được lệnh Sếp đi công tác nửa tháng trong thành phố Hồ Chí Minh. Thế nhưng , đó lại đúng vào thời điểm “nhạy cảm” vì vợ anh chỉ vài hôm nữa là sinh mà bố mẹ hai bên đều ở xa, không có ai thân thích ở gần. Vậy là anh lên gặp Sếp trình bày hoàn cảnh và mong Sếp đổi người khác đi thay anh lần này. Thế nhưng, Sếp không đồng ý và buộc anh phải thu Sếp việc nhà mà đi. Không còn cách nào khác, anh viết đơn xin nghỉ việc trong sự tiếc nuối của cả cơ quan vì anh vốn là nhân viên rất giỏi về chuyên môn. Đến lúc ấy, Sếp vẫn bảo thủ không chịu rút lại quyết định của mình cho dù trong lòng rất nuối tiếc một nhân viên như vậy.
Một lần khác, cơ quan có đoàn thanh tra đến làm việc. Tuy cơ quan không tổ chức nấu ăn tại chỗ nên không có nhà bếp mà cũng chẳng có người nấu nướng, nhưng Sếp lại nảy ra sáng kiến độc đáo “Mời các anh trong đoàn ở lại ăn cơm trưa ở công ty vừa thân mật, vừa đầm ấm”. Biết có nói Sếp cũng không nghe mà chỉ thêm phật ý nên mọi người đã phải phân công nhau người đi chợ, người mang bếp, bát đũa… người nấu nướng để chuẩn bị cho bữa trưa của đoàn thanh tra. Công việc phải tạm gác lại và ai cũng thấy mệt mỏi, ấm ức trong lòng.
Tùng mới chỉ kể cho tôi sơ qua một vài trường hợp về tính chuyên quyền quá mức của Giám đốc mình. Nhân viên tuy không ai dám phàn nàn với ai về việc này vì “sợ đến tai Sếp” nhưng mọi người đều mong muốn: “giá như Sếp đỡ bảo thủ hơn, giá như Sếp biết lắng nghe và cảm thông hơn… thì hay biết mấy”. Còn Tùng, cậu ấy không chỉ dừng lại ở mong muốn như mọi người bởi cậu ấy nghĩ: “Người bảo thủ rất khó thay đổi suy nghĩ của mình” Tùng chỉ mong có một Sếp mới mang tư tưởng tiến bộ hơn để nhân viên được yên tâm công tác hơn.
- Lời bàn
Cũng như nhiều nhân viên khác trong công ty, Tùng dần thấy bầu nhiệt huyết và ý trí quyết tâm của mình những buổi đầu không còn nữa: bởi vì dù có cố gắng đến đâu thì dưới quyền lãnh đạo của Sếp, mọi người vẫn cứ phải răm rắp tuân theo mà thôi. Cung cách làm việc đó dần biến những người năng động nhất cũng trở nên thụ động, buông xuôi và phó mặc cho Sếp chỉ đạo, vừa nhàn hạ lại không mất lòng Sếp. Đôi khi, những quyết định quan liêu, thiếu thực tế của Sếp cũng làm nhân viên thấy ấm ức trong lòng nhưng rồi nhận ra: có tức cũng chỉ mình biết, mình khó chịu trong lòng chứ chẳng có ích gì. Vậy là họ lại mặc kệ cho mọi việc diễn ra theo ý Sếp. “Sếp muốn là Trời muốn” mà.
Còn bạn, bạn nghĩ sao?
- Lời gợi ý
+ Đối với nhân viên
Cách làm việc bảo thủ và chuyên quyền của cấp trên như vậy chắc chắn sẽ tạo ra cho bạn sự phản cảm, mất lòng tin và sự kính phục đối với cấp trên. Bạn luôn mong được Sếp thường xuyên hỏi ý kiến trong công việc: “hãy nói rõ suy nghĩ của cậu về vấn đề này xem nào?” hoặc “Hay lắm, thử nói tôi nghe xem anh sẽ giải quyết việc này ra sao?” Như vậy, bạn mới có cơ hội bộc lộ hết năng lực của mình trước mặt Sếp. Vậy mà… Sếp của bạn chỉ cần bạn là người “chỉ đâu đánh đấy”, chỉ cần biết gật đầu “vâng, dạ là được” Là một người năng động và đầy ý tưởng, điều ấy đương nhiên khiến bạn thấy rất khó chịu và bức bối. Vậy tại sao bạn phải giữ trong lòng mà không nói ra nhỉ? Dù là người bảo thủ tới đâu thì Sếp bạn cũng phải lưu tâm đến những kiến nghị của nhân viên chứ? Chỉ có điều, cách góp ý thế nào cũng rất quan trọng. Nên từ tốn phân tích, lý giải cặn kẽ điều mình nghĩ và khéo léo để Sếp hiểu, chứ giọng điệu căng thẳng hoặc bức bối quá sẽ khiến Sếp bực tức vì cho rằng bị “nhân viên lên lớp”. Hãy dùng chiến thuật “mưa dầm thấm lâu”, mỗi ngày nói một ít để Sếp phải suy nghĩ. Một lần chưa được thì 2 lần, 3 lần… Nếu bị nhiều nhân viên góp ý thì rồi một ngày nào đó, người lãnh đạo cũng phải tự nhìn nhận lại bản thân, kiểm điểm lại mình xem có gì sai sót mà để nhiều cấp dưới lên tiếng như thế.
Còn nếu tất cả nhân viên đều im lặng, không phản đối gì mà chỉ buông xuôi theo Sếp thì Sếp vẫn nghĩ là mình đúng, mình đã chọn được cách lãnh đạo hay và tiếp tục “phát huy”. Vậy thì các bạn sẽ còn khổ đấy!
+ Đối với người lãnh đạo
Quyền lực đối với mỗi người đều là một điều kỳ diệu mà cuộc sống ban tặng. Nó không chỉ khẳng định thành công của mỗi người trên con đường công danh mà còn mang lại những lợi ích thực tế hàng ngày. Bởi vậy, ai lại không thích quyền lực? Nhưng là một nhà lãnh đạo, nếu bạn sử dụng quyền lực không thích đáng, bất kể việc gì cũng đều áp dụng các biện pháp cứng nhắc để áp chế cấp dưới, không nghe ý kiến của cấp dưới và luôn thích thể hiện quyền lực với mọi người, không thông cảm với nhân viên thì chắc chắn một ngày nào đó, bạn sẽ nhận được hậu quả xấu nhất do tính cách đó mang lại. Nó sẽ áp chế nhân tài trong công ty, ảnh hưởng đến việc phát huy năng lực và trí tuệ của họ, đồng thời khoảng cách giữa cấp trên và cấp dưới sẽ ngày càng xa hơn.
Nếu bạn biết lắng nghe ý kiến của mọi người, phát huy ưu thế của tinh thần tập thể thì chắc chắn bạn sẽ có được những quyết định đúng đắn, được nhân viên đồng lòng ủng hộ. Bởi vì, bạn cũng biết rằng trong công ty mình có nhiều người giỏi chuyên môn, nắm vững công việc hơn bạn. Vậy nên, hãy tận dụng cơ hội để khai thác và khuyến khích sở trường của họ, tập hợp ý kiến lại để cũng nhau giải quyết vấn đề. Như vậy, bạn sẽ không bao giờ phải hối hận vì có lúc nào đó đã quyết định nóng vội và sai lầm cả.
Có một ví dụ như thế này: Không lâu sau khi chế tạo ra một loại máy bay mới, một hãng hàng không đứng trước nguy cơ bị phá sản do cánh máy bay có vấn đề bị rạn nứt. Tiền đã đầu tư không thể thu hồi lại được, vì thế Tổng Giám đốc đã yêu cầu nhân viên toàn công ty đưa ra một giải pháp để khắc phục sự cố này. Không kể người đó là ai, làm gì, có chuyên môn hay không đều được phép đưa ra ý kiến để Ban lãnh đạo tham khảo. Và thật bất ngờ, người cứu công ty khỏi “một bàn thua trông thấy” lại chỉ đơn thuần là một nhân viên vệ sinh làm công việc quét dọn hàng ngày. Từ công việc hàng ngày, anh nhận thấy giấy vệ sinh có lỗ thì không bị rách theo chiều ngang. Chính vì vậy, anh đã đưa ra kiến nghị đục lỗ trên cánh máy bay. Kết quả là anh đã đúng. Cả công ty sau đó đều không ngờ rằng con người bình thường, hàng ngày ít được để ý tới đó đã làm được một điều phi thường.
Câu chuyện cho thấy lãnh đạo của hãng hàng không là người biết lắng nghe ý kiến của nhân viên, cho dù người đó ở vị trí thấp nhất trong công ty. Ông không chuyên quyền và bảo thủ nên dù không dùng đến quyền lực của một ông Sếp thì vẫn khiến cho nhân viên thấy yêu mến và nể phục. Chuyên quyền sẽ làm cho nhân viên, dù tính cách có ôn hòa đến đâu thì cũng có lúc phản kháng lại để đòi công bằng cho mình, và như vậy không thể không ảnh hưởng đến hiệu suất công việc được.
Là Sếp, bạn nên làm sao để nhân viên thấy mình là con người theo kịp thời đại, biết tiếp thu cái hay, học hỏi cái mới, “không đánh mà cũng khiến người khác phải phục” mới là thượng sách.
Hãy để nhân viên coi công ty là một gia đình lớn, nơi mọi người cũng làm việc vui vẻ và phấn đấu hết mình vì lợi ích chung thì chắc chắn công việc kinh doanh sẽ ngày càng phát triển. Đừng nên chỉ biết sai bảo, ra lệnh cho cấp dưới, khi họ có vấn đề riêng thì không hề quan tâm mà chỉ xoáy vào việc họ không hoàn thành việc được giao để rồi đe nẹt, mắng mỏ và sẵn sàng cho nghỉ việc không do dự. Làm như vậy thì dù sớm hay muộn, những nhân viên lâu năm và giỏi nghiệp vụ cũng sẽ lần lượt rời bỏ bạn mà đi thôi. Bạn nên là một ông chủ biết “lo nỗi lo của nhân viên, vui cùng niền vui của nhân viên” thì họ sẽ mãi mãi ở lại bên bạn và làm việc hết khả năng của mình vì sự phát triển của công ty.
Vậy nên, bạn đừng bao giờ trở thành một nhà lãnh đạo “Ba không” (không nghe, không thấy, không nhìn) hay tự cho mình cái quyền được sai bảo mọi người mọi lúc, mọi việc và mọi nơi nhé!
*.                                      
NGUYỄN THỊ HỒNG
…………………………………………………………………………
- © Công ty T.N.H.H Văn Hóa Bảo Thắng giữ bản quyền.
- Cập nhật theo bản lưu trữ tại Công ty T.N.H.H Văn Hóa Bảo Thắng. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét