- Ảnh: Đức Tư - |
ĐẠO MẪU VÀ TÍN NGƯỠNG
THỜ TAM PHỦ, TỨ PHỦ
QUA TRẬT TỰ CÁC GIÁ HẦU
- Trích trong VÀO CHÙA
LỄ PHẬT - NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
của Đặng Xuân Xuyến ;
xuất bản năm 2006 -
(Tác giả Đặng Xuân Xuyến) |
Trong các đền phủ
của Đạo Mẫu, luôn có rất nhiều ban thờ các vị thần thánh, nhất là NGỌC
HOÀNG (thờ cúng với hai vị quan ở hai bên là Nam Tào và Bắc Đẩu), tuy
nhiên khi thỉnh đồng người ta không thỉnh NGỌC HOÀNG mà người ta chỉ thỉnh các
vị thánh sau:
A. TAM TÒA THÁNH MẪU:
Nếu không kể đến Ngọc
Hoàng thì ba vị Thánh Mẫu là ba vị Thánh tối cao nhất của đạo Mẫu. Khi hầu đồng
người ta phải thỉnh ba vị Thánh Mẫu trước tiên rồi mới đến các vị khác, tuy
nhiên khi thỉnh Mẫu người hầu đồng không được mở khăn phủ diện mà chỉ đảo bóng
rồi xa giá, đó là quy định không ai được làm trái, và sau giá Mẫu, từ hàng Trần
Triều trở đi mới đựoc mở khăn hầu đồng. Theo tín ngưỡng cổ thì ba giá Mẫu hóa
thân vào ba giá Chầu Bà từ Chầu Đệ Nhất đến Chầu Đệ Tam, nên coi như Ba giá
Chầu Bà là hóa thân của Ba giá Mẫu.
Ba giá Mẫu trong Tứ Phủ
gồm:
1.Mẫu Đệ Nhất Thiên
Tiên: Cửu Trùng Thanh Vân Công Chúa hay chính là Công
Chúa Liễu Hạnh. Đền thờ Mẫu Liễu có ở khắp mọi nơi nhưng quần thể di tích lớn
nhất là Phủ Dày, Vụ Bản, Nam Định (Mở hội ngày 3/3 âm lịch), tương truyền là
nơi Mẫu hạ trần với các đền phủ như Phủ Chính, Phủ Công Đồng, Phủ Bóng, ngoài
ra còn có Đền Sòng ở Thanh Hoá, Phủ Tây Hồ ở Hà Nội.
2. Mẫu Đệ Nhị Thượng
Ngàn: Đông Cuông Công Chúa. Tương truyền là vị
Thánh Mẫu cai quản Thượng Ngàn (rừng núi). Đền thờ chính Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn
là Đền Đông Cuông, Tuần Quán thuộc tỉnh Yên Bái
3. Mẫu Đệ Tam Thoải
Cung: Xích Lân Long Nữ. Tương truyền là vị Thánh
Mẫu, con Vua Bát Hải Động Đình, cai quản các sông suối, biển, các mạch nước
trên đất Nam Việt. Người ta thường lập đền thờ bà ở các cửa sông, cửa biển để
cầu cho biển lặng sóng yên.
B. CHƯ VỊ TRẦN TRIỀU
Dân gian ta có câu
"Tháng tám hội Cha,
tháng ba hội Mẹ"
Mẹ ở đây là Mẫu Liễu
Hạnh, còn Cha là Đức Thánh Trần Hưng Đạo, cùng với một số giá gọi là hàng Trần
Triều. Tuy nhiên theo tín ngưỡng dân gian thì bên Đạo Mẫu (Tam Tòa Thánh Mẫu)
và bên Trần Triều rất kị nhau, vì thế phải là người đồng nào có căn mạng thì
khi hầu đồng mới thỉnh và hầu về các giá Trần Triều sau giá Mẫu, còn không thì
thông thường người ta không thỉnh về hàng Trần Triều.
1.Đức Thánh Ông Trần
Triều: Hưng Đạo Đại Vương, được tín ngưỡng dân gian
tôn làm Đức Thánh Trần, giúp dân sát quỷ trừ ma, trừ dịch bệnh, thế nên ở đâu
có giặc dã dịch bệnh thì đều cầu đảo Ngài tất đựoc linh ứng. Khi hầu đồng về
giá này, thanh đồng (người hầu đồng) mặc áo bào đỏ thêu rồng, tay cầm thanh đao,
ngoài ra theo một tục cổ, khi hầu về giá Đức Thánh Trần Triều, người hầu đồng
còn cầm dải lụa đỏ rồi mô phỏng động tác thắt cổ. Đền thờ Ngài cũng có ở rất
nhiều nơi nhưng lớn nhất vẫn là đền Kiếp Bạc, Chí Linh, Hải Dương với hội mở
ngày 20/8 âm lịch.
2. Đệ Nhất Vương Cô: Cô là con gái lớn
của Hưng Đạo Đại Vương. Khi về đồng hay mặc áo đỏ thêu rồng, đội khăn đóng, vấn
khăn đỏ phủ lên, tuy nhiên có ít người hầu giá này mà chỉ hay hầu về Đức Thánh
Trần và Đệ Nhị Vương Cô.
3. Đệ Nhị Vương Cô: Cô là con gái thứ của
Hưng Đạo Đại Vương. Khi về đồng hay mặc áo xanh thêu rồng, đội khăn đóng, vấn
khăn xanh phủ lên, có kiếm cờ giắt sau lưng, hai tay cũng cầm kiếm và cờ, theo
quan niệm, cô cũng là người có phép sát quỷ trừ tà, người hầu về giá này thường
đốt một bó hương rồi cho vào miệng ngậm tắt lửa gọi là tiến lửa hay ăn lửa để
tróc tà.
C. TAM VỊ CHÚA MƯỜNG
Trên Toà Sơn Lâm Sơn
Trang có 18 Chúa Bói, 12 Chúa Chữa, nhưng khi hầu đồng, chỉ thỉnh ba vị tối
thượng gọi là Tam Vị Chúa Mường, ba vị Chúa này là những người phụ nữ nhân đức,
cả đời làm việc phúc giúp dân chúng và triều đình nên được người đời nhớ ơn và
lập đền thờ.
Tam vị Chúa Mường gồm:
1. Chúa Đệ Nhất Thượng
Thiên: Bà là người giúp vua trị quốc an
dân, (Chúa Đệ Nhất Tây Thiên) hơn nữa theo quan niệm tín ngưỡng thì
bà là người nắm giữ sổ Tam Tòa, trông coi mọi việc nên được tôn làm Chúa
Thượng, ngoài ra thì những người có tài cúng lễ đều là do bà dạy và ban lộc nên
đều phải do bà Chúa Thượng dạy đồng. Tuy nhiên Chúa Đệ Nhất rất ít khi ngự
đồng. Thông thường, trong lễ khai đàn mở phủ mà có dâng đàn Chúa Bói thì người
ta thường thỉnh bà về chứng tòa Chúa Đệ Nhất. Khi ngự đồng, chúa mặc áo
đỏ (áo lụa thêu phượng hoặc áo gấm), cầm quạt khai quang. Chúa Tây Thiên
không có đền thờ chính mà chỉ được thờ trên Đền Hùng thuộc tỉnh Phú Thọ và bà
cũng được thờ cận bên Mẫu Tây Thiên ở Tam Dương, Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Ngày hội
chính của Chúa Đệ Nhất Tây Thiên là ngày 10 tháng 05 âm lịch (tương truyền
là ngày Chúa giáng hạ trần phàm).
2. Chúa Đệ Nhị Nguyệt Hồ
(Chúa Nguyệt Hồ): Bà là người có tài xem bói,
tương truyền, mỗi khi đức vua ra trận đều nhờ người đến thỉnh bà bấm đốt tay
xem xét. Trong Tam Vị Chúa Mường thì bà Chúa Nguyệt là bà Chúa Bói danh tiếng
bậc nhất và rất hay ngự đồng. Thông thường, khi có mở đàn Chúa Bói mà không thỉnh
được cả Tam Vị Chúa Mường về ngự thì người ta thường hay thỉnh bà về chứng cả
ba tòa Chúa (màu đỏ, màu xanh và màu trắng) còn bình thường thì Chúa
về chứng tòa Chúa Đệ Nhị. Khi ngự đồng, chúa mặc áo xanh, múa mồi. Đôi khi Chúa
về ngự còn dùng lá trầu quả cau để xem bói, phán bảo trần gian. Chúa Nguyệt Hồ
được thờ chính tại Đền Nguyệt Hồ ở gần ga Kép, chợ Bố Hạ, tỉnh Bắc
Giang (tương truyền là nguyên quán của Bà Chúa Đệ Nhị Nguyệt Hồ). Ngày hội
chính của Chúa Đệ Nhị Nguyệt Hồ là ngày 15 và 16 tháng 02 âm lịch.
3. Chúa Đệ Tam Lâm Thao: Dân gian thành
kính gọi bà là Chúa Chữa, Chúa Ót: - Tương truyền, bà là công chúa, con gái
ruột của Vua Hùng, từ bé đã bị hỏng một bên mắt. Tuy vậy bà vẫn một lòng giúp
vua cha trị quốc, bà là người lo việc quân nhu quân lương trong các cuộc chiến
trận, ngoài ra bà còn là người có tài bốc thuốc nam. Bà đi khắp vùng đem tài
năng của mình để cứu giúp dân lành. Bà Chúa Đệ Tam Lâm Thao cũng là một người
có lòng mộ đạo, thường xuyên ăn chay niệm phật để cầu cho quốc thái dân an. Như
hai vị chúa trên, khi người ta dâng đàn Chúa Bói thì thường thỉnh Chúa về chứng
tòa Chúa Đệ Tam. Khi về đồng bà thường mặc áo trắng, có nơi khi hầu bà thì múa
mồi như Chúa Bà Đệ Nhị Nguyệt Hồ, nhưng có nơi hầu Chúa lại chỉ dùng quạt khai
quang. Chúa Lâm Thao được thờ chính tại Đền Lâm Thao ở Cao Mại, Việt Trì, Phú
Thọ (tương truyền là nơi khi xưa chúa lập kho quân nhu quân lương và bốc
thuốc cứu dân). Ngày hội chính của Bà Chúa Đệ Tam Lâm Thao tương truyền là 25
tháng 12 âm lịch.
D. NGŨ VỊ TÔN ÔNG - CÔNG
ĐỒNG QUAN LỚN
Là các vị quan lớn trong
Tứ Phủ, cai quan bốn phương và đều là các vị hoàng tử, danh tướng, có công với
quốc gia. Gọi là Ngũ Vị Tôn Ông vì theo hàng chính là gồm 5 vị quan lớn, nhưng
ở một số nơi khi hầu đồng người ta thỉnh 6 vị sau:
1. Quan Đệ Nhất: Tương truyền là
Tôn Quan Đại Thần, sắc phong tước Công Hầu, ngôi Thượng Thiên. Khi ngự đồng mặc
áo đỏ thêu rồng và chỉ làm lễ tế và chứng sớ điệp.
2. Quan Đệ Nhị: Quan Thanh Tra
Giám Sát, sắc phong Thái Hoàng. Tương truyền là người cai quản sơn lâm thượng
ngàn, thông tri thiên địa, có thể lệnh sai Hà Bá, Thủy Thần làm mưa làm gió.
Khi ngự đồng mặc áo xanh thêu rồng. Đền thờ Quan Đệ Nhị là đền Quan Giám, Lạng
Sơn. Chính hội là ngày 10 tháng 11 âm lịch.
3. Quan Đệ Tam: Quan Tam Phủ, Bơ
Phủ Vương Quan, sắc phong Thái Tử Đệ Tam, con Vua Bát Hải Động Đình, là người
nắm giữ kỉ cương nơi Long Cung, cai quản các con sông trên khắp nước Nam. Theo
tương truyền thì ông giáng trần cứu dân, trở thành vị tướng thủy quân tài ba,
trong một trận quyết chiến bên sông Lục Đầu, ông hy sinh, bị giặc chém mất đầu,
chiếc đầu bay sang bờ bên kia con sông Lục Đầu, vì thế mới có hai đền thờ quan
hai bên bờ sông Lục Đầu (Hưng Yên) là Đền Lảnh Giang - nơi thờ mình
và Đền Xích Đằng - nơi thờ đầu. Chính hội là ngày 24 tháng 6 âm lịch. Khi ngự
đồng mặc áo trắng thêu rồng, tay cầm song kiếm.
(Giá hầu Quan Đệ Tứ Khâm Sai) |
4. Quan Đệ Tứ: Là Quan Khâm Sai,
sắc phong Thái Tử Thiên Cung, là người cai quản Tam Giới Tứ Phủ, mười phương
trời đất, kiêm cả đạo phật thiền gia.
Khi ngự đồng mặc áo vàng
thêu rồng, cũng chỉ làm lễ và chứng điệp sớ. Tuy nhiên, ít người hầu đồng về
giá này.
5. Quan Đệ Ngũ: Là Quan Tuần
Tranh, sắc phong Công Hầu, là vị tướng tài dưới thời Hùng Vương 18 cai quản
miền duyên hải sông Tranh, giúp vua dẹp giặc Triệu Đà, tuy nhiên do bị oan
khuất nên Ông bị đày về vùng Kì Cùng, Lạng Sơn. Tương truyền, quan Tuần Tranh là
người cai quản thiên binh nhà trời, được nhân dân thờ phụng ở khắp các cửa sông
mà hai ngôi đền lớn nhất là Đền Quan Lớn Tuần Tranh tại Ninh Giang, Hưng Yên
(là nơi quê nhà) ở bên bờ sông Tranh và Đền Kì Cùng, Lạng Sơn (là nơi ông
bị đày) bên bờ sông Kì Cùng có cây cầu Kì Lừa. Khi ngự đồng mặc áo lam
thêu rồng cầm long đao để giúp dân tróc quỷ trừ tinh, tế độ sinh linh. Ngày mở
hội là ngày 25 tháng 5 âm lịch, là ngày Ông bị đi đày.
6. Quan Điều Thất: Là hàng Quan thứ
7, giá Quan này chỉ một số nơi mới thỉnh về ngự đồng (như Hải Phòng, Hưng
Yên, Bắc Ninh). Tương truyền, Ngài cũng là con vua Bát Hải Động Đình, giáng thế
giúp dân. Khi ngự đồng mặc áo đỏ điều, thêu rồng.
E. TỨ PHỦ CHẦU BÀ
Các vị Chầu Bà trong Tứ
Phủ là những phụ nữ nhân đức hay các nữ tướng có công với dân với nước nên khi
từ trần được nhân dân thờ phụng và được tôn thành các vị Chầu Bà trong Tứ Phủ,
được Vua Mẫu giao cho cai quản sông núi và mọi việc nhân gian.
Hàng Tứ Phủ Chầu Bà có
12 vị tuy nhiên cũng như ở một số nơi có sự khác nhau, thêm 2 vị nữa vào hàng
thứ 3 và thứ 5.
Các vị Chầu Bà gồm:
1. Chầu Đệ Nhất Thượng
Thiên: Được coi là hóa thân của Mẫu Đệ Nhất khi
thỉnh đồng. Là vị Chầu tối thượng, đứng đầu hàng Chầu, ngự tại Ngọc Điện,
Thượng Giới. Tuy nhiên cũng ít người mở khăn phủ diện để hầu Chầu Đệ Nhất.
2. Chầu Đệ Nhị Thượng
Ngàn: Được coi là hóa thân của Mẫu Đệ Nhị. Bà vốn
là Công Chúa Thiên Thai, giáng hạ để cai quản thượng ngàn và tam thập lục châu.
Khi ngự đồng Chầu mặc áo xanh thêu hoa, đầu vấn khăn xanh, cài trâm hoa, tay
cầm mồi tượng trưng cho bó đuốc. Đặc biệt khi hầu về giá này còn có nghi thức
Trình Trầu: Các đệ tử ai có căn mạng hoặc đã tôn nhang bản mệnh, vào ngày hầu
đồng trong lễ Thượng Nguyên (đầu năm mới), ngồi phủ khăn đỏ, đầu đội mâm trầu
cau để "trước trình Phật Thánh sau trình Vua Cha, trình lên Tứ Vị Vua Bà,
trình đồng Tiên Thánh, trình tòa Sơn Trang, trình lên Thập Vị Quan Hoàng, Tiên
Cô, Thánh Cậu chứng mâm trầu trình". Khi Trình Trầu người ngồi lễ phải đặt
lên mâm trầu cau 12 tờ tiền đồng, tượng trưng dâng lên 12 giá chính của
hàng Chầu Bà là những vị giúp mình được đội trầu. Đền thờ Chầu Đệ Nhị là Đền
Đông Cuông, Tuần Quán, Yên Bái.
3. Chầu Đệ Tam Thoải
Cung: Được coi là hóa thân của Mẫu Đệ Tam, là Lân
Nữ Công Chúa, Ngọc Hồ Thần Nữ, vốn là con vua Thủy Tề, ngự tại Thủy Phủ Thiên
Thai chốn Thoải Cung, Tam Phủ. Bà được coi là người cai quản các sông suối biển
hồ mạch nước trên đất Việt.
(Có nơi còn đưa Chúa Thác Bờ vào hàng Chầu Bà và người ta thỉnh Chúa
Thác Bờ sau giá Chầu Đệ Tam hoặc không thỉnh Chầu Đệ Tam mà thỉnh luôn Chúa
Thác Bờ. Tương truyền Chúa Thác Bờ vốn là tiên nữ giáng sinh tại nơi thắng
tích, dạy người Mường biết trồng trọt, đánh bắt cá dưới sông Đà. Khi ngự đồng
có lúc Chúa mặc áo trắng và khăn choàng trắng, có khi lại mặc váy đen áo trắng
đai xanh, bên hông có xà tích bạc, túi dao quai, một tay cầm mồi, một tay cầm
mái chèo. Đền thờ Chúa Thác Bờ là Đền Thác Bờ ở Kim Bôi, Hoà Bình.)
4. Chầu Đệ Tứ Khâm Sai: Bà được phong danh
là Chiêu Dung Công Chúa, giáng thế là Chầu Bà Khâm Sai giúp dân, có quyền tra
sổ Thiên Đình để đổi số nhân sinh... Khi ngự đồng bà mặc áo vàng thêu rồng, một
tay cầm kiếm, một tay cầm cờ để đi cứu dân. Đền thờ bà là Đền Khâm Sai hay
Phủ Bà Đệ Tứ (đền Cây Thị) ở Quý Hương, An Thái, Vụ Bản, Nam Định.
5. Chầu Năm Suối Lân: Bà là vị Chầu trên
Sơn Trang Thượng Ngàn, trấn cửa rừng Suối Lân dưới thời Lê Trung Hưng. Khi ngự
đồng mặc áo xanh hoặc áo lam thêu hoa đỏ, đầu vấn khăn chàm tím. Đền Chầu là
đền Suối Lân, ngay bên cầu Sông Hóa 2 ở Lạng Sơn, bên cạnh đền là suối Suối
Lân.
(Chúa Bà Năm Phương
thường đựoc hầu ở Hải Phòng và được thỉnh trước giá Chầu Năm Suối Lân. Tương
truyền, Chúa vốn là Bạch Hoa Công Chúa, bị trích giáng vào nhà họ Vũ ở cửa Cấm
Giang, được giao là người cai quản bản cảnh ngũ phương trong trời đất. Khi ngự
đồng, có lúc mặc cả bộ trắng, có khi chỉ phủ chiếc khăn phủ diện đỏ làm khăn
choàng... Người ta thường dâng Chúa bộ nón hài và đĩa hoa trắng, trong đàn mã
mở phủ phải có một cỗ xe trắng dâng Chúa Bà. Đền Chúa bà là Đền Cấm, Phố Cấm,
Lê Lợi, Hải Phòng.)
6. Chầu Lục Cung Nương: Bà là Lê Triều Lục
Cung Công Chúa trên Thượng Ngàn, cũng như Chầu Năm, bà trấn cửa rừng Chín Tư.
Tương truyền bà có phép hô thần chú làm cả núi rừng chuyển động, tà ma phách
tán hồn xiêu, người trần gian ai không biết mà làm điều trái luân thường đạo
lý, độc ác, sẽ bị Chầu hành cho điên dại. Khi ngự đồng Chầu thường mặc trang
phục gần giống với Chầu Năm Suối Lân. Đền Chầu lập tại rừng Chín Tư, Hữu Lũng,
Lạng Sơn, gọi là đền Lũng, ngày mở hội là 20 tháng 9 âm lịch.
7. Chầu Bảy Kim Giao: Tương truyền bà
cũng là vị Chầu Bà của dân tộc “Mọi”, bà giúp tộc “Mọi” biết làm ăn buôn bán
nên được nhân dân nhớ ơn lập đền thờ. Khi ngự đồng Chầu mặc áo gấm tím. Đền
Chầu là Đền Kim Giao, Mỏ Bạch, Thái Nguyên.
8. Chầu Tám Bát Nàn: Bà tên thật là Vũ
Thục Nương, quê ở Tiên La, Đông Hưng, Thái Bình. Bà là Nữ Tướng dưới thời Hai
Bà Trưng, phất cờ khởi nghĩa tại quê nhà để trả thù cho tướng công là Phạm
Hương và cứu dân thoát khỏi Bát Nạn (8 nạn) nên nhân dân suy tôn làm
Bát Nàn Đại Tướng Quân (Bát Nàn là đọc chệch đi của từ Bát Nạn), sau
này (năm 43 SCN) bà hy sinh tại thị trấn Đồng Mỏ, Lạng Sơn. Nhân dân
thương tiếc và lập đền thờ bà ở 2 nơi là Đền Tiên La, Đông Hưng, Thái Bình và
Đền Đồng Mỏ, Lạng Sơn. Khi ngự đồng Chầu Bà mặc áo vàng, đội khăn đóng, sau
lưng giắt kiếm cờ, hai tay cũng cầm kiếm và cờ lệnh xông pha một mình phá mấy
vòng vây. Ngày mở hội lễ bà là ngày 17 tháng 3 âm lịch.
9. Chầu Chín Cửu Tỉnh: Bà là Chầu
Cửu (âm Hán: Cửu Tỉnh là Chín Giếng) cai quản giếng âm dương điều hòa
định thái. Khi ngự đồng Chầu mặc áo hồng, cầm quạt khai quang. Đền Chầu ngự
cũng là đền Sòng ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa.
10. Chầu Mười Mỏ
Ba: Bà là Nữ Tướng trấn giữ ải Chi Lăng, giúp vua Lê
Thái Tổ giết được tướng giặc Liễu Thăng, sau lại giúp dân lập ấp lên vùng Mỏ
Ba, được triều đình phong công, nhân dân nhớ ơn... Khi ngự đồng Chầu mặc áo
vàng, đeo vòng bạc đai xanh mĩ miều, chân quấn xà cạp, tay cầm kiếm, tay cầm cờ
hoặc mồi. Đền Chầu là Đền Mỏ Ba, lập ngay sát ải Chi Lăng, Lạng Sơn.
11. Chầu Bé Thượng Ngàn: Đây là tên gọi
chung các vị Chầu Bà người Thổ Mường, hầu hàng thứ 11, được coi là các vị Chầu
Bé đành hanh nhưng tài phép, cai quản Tòa Sơn Trang, có Thập Nhị Bộ Tiên Nàng
hầu cận. Khi ngự đồng mặc quầy (váy) xám; áo (dân tộc thiểu số), đầu
chít khăn thổ cẩm, chân quấn xà cạp, vai đeo gùi tay cầm mồi soi đường.
Có rất nhiều vị Chầu Bé
ở các Đền khác nhau, nhưng người ta hay thỉnh nhất là các vị sau: Chầu Bé Bắc
Lệ, Chầu Bé Đông Cuông, Chầu Bé Đồng Đăng và Chầu Bé Tam Cờ.
12. Chầu Bé Thoải Cung: Bà cũng là chầu Bé
nhưng là ở dưới Thoải chứ không phải trên Thượng như các Chầu Bé ở hàng thứ 11
nên được thỉnh riêng đứng hàng thứ 12. Tuy nhiên cũng có rất ít người hầu về
giá này.
G. TỨ PHỦ ÔNG HOÀNG
Cũng như hàng Quan Lớn,
các Ông Hoàng cũng là những hoàng tử hay danh tướng có tài giúp dân giúp nước
nên được nhân dân thờ phụng.
Hàng Ông Hoàng gồm:
1. Ông Hoàng Cả: Vốn là con Đức Vua
Cha, giáng trần mang vẻ lịch sự tươi tốt, độ cho dân chúng ấm no, hạnh phúc.
Khi ngự đồng ông mặc áo đỏ thêu rồng kết thành hình chữ thọ, đầu đội khăn xếp,
có phủ vỉ lép màu đỏ.
2. Ông Hoàng Đôi: Còn gọi là Quan
Triệu Tường. Ông là danh tướng họ Nguyễn, thời phù Lê dẹp Mạc, có công lớn với
nhà Lê. Khi ngự đồng mặc áo xanh thêu rồng kết thành hình chữ thọ, đầu đội khăn
xếp, có phủ vỉ lép xanh, tay cầm lá cờ lệnh to may bằng vải ngũ sắc. Đền thờ
ông là Đền Quan Triệu ở Thanh Hóa.
3. Ông Hoàng Bơ: Vốn là con vua Bát
Hải Động Đình, thường phù trợ cho người làm ăn buôn bán và những ngư dân đánh
cá...
(Giá hầu Ông Hoàng Bơ) |
Khi ngự đồng ông mặc áo
trắng thêu rồng kết thành hình chữ thọ, đai vàng, đầu đội khăn xếp có phủ vỉ
lép trắng, tay cầm đôi hèo hoa, cũng có khi một tay cầm quạt, một tay cầm mái
chèo. Đền thờ ông thường được lập ở các cửa sông.
4. Ông Hoàng Bơ Bắc
Quốc: Ông vốn là thương gia bên Trung Quốc, từ nước
Đại Yên sang Nam Việt bán buôn và cứu giúp người nghèo khổ lên được suy tôn làm
Ông Bơ nhưng là Ông Bơ Bắc Quốc để phân biệt với Ông Hoàng Bơ Thoải của Việt
Nam. Khi ngự đồng ông mặc áo tàu đội mũ ô sa. Đền thờ ông là Đền Quan trên Bắc
Giang.
5. Ông Hoàng Bảy Bảo Hà: Ông vốn là con vua
Thượng Đế Ngọc Hoàng, giáng vào nhà họ Nguyễn, người Tày Nùng làm người con thứ
7. Ông là người có công giúp vua Lê dẹp giặc trên vùng biên giới và giúp dân
chúng khai hoang lập ấp, nên sau khi ông hy sinh trôi dạt vào nơi bên phà Trái
Hút, người dân lập đền thờ ông. Khi ngự đồng ông mặc áo lam thêu rồng kết thành
hình chữ thọ, đầu đội khăn xếp phủ vỉ lép xanh lam, tay cầm đôi hèo hoa phi
ngựa đi chấm đồng, nếu người nào được ông ném cây hèo vào người thì coi như
người đó đã được chấm đồng và phải ra hầu Tứ Phủ, khi ông ngồi ngự có điệu hát
dâng trà, rồi cả điệu hát miểu tả khi thanh nhàn ông ngồi đánh tổ tôm, tam cúc.
Đền thờ ông là Đền Bảo Hà, bên bến phà Trái Hút, thị xã Lào Cai.
6. Ông Hoàng Mười Nghệ
An: Còn gọi là Ông Mười Củi, vốn là thần tiên
trong chốn Đào Nguyên, giáng trần trở thành vị tướng tài dưới thời nhà Lê.
Không chỉ giỏi cầm quân ông còn là người có tài năng về văn chương thơ phú ...
Khi ngự đồng ông mặc áo vàng thêu rồng kết thành hình chữ thọ, đầu đội khăn xếp
có vỉ lép vàng trên đầu, các đệ tử thường lấy tờ tiền cài vào que hương tượng
trưng cho việc dâng ông lá cờ. Những người muốn xuất ngoại, làm ăn buôn bán
hoặc học hành thành công đều đến cửa ông để xin lộc. Đền ông là Đền Chợ Củi,
qua cầu Bến Thủy, bên dòng sông Lam, Nghệ An.
H. TỨ PHỦ TIÊN CÔ
Tứ Phủ Tiên Cô là một
hàng gồm các cô tiên nàng theo hầu cận các Thánh Mẫu, Chúa Mường, Chầu Bà. Các
Tiên Cô là những cô gái đoan trang, liệt nữ, có công với giang sơn xã tắc nên
được nhân dân lập đền thờ phụng.
Tứ Phủ Tiên Cô gồm:
1. Cô Nhất Thượng Thiên: Cô là Tiên Nữ trên
Ngọc Điện, hầu Vua Mẫu, thường giúp trần gian có lời kêu cầu tấu thỉnh với các
Tòa các giá trong Tứ Phủ. Có khi cô giáng trần làm phép hóa ra thuốc trị bách
bệnh, cũng có Cô Nhất rong chơi khắp chốn từ Hà Nội, Hải Phòng đến Quảng Bình,
Quảng Trị .... Khi ngự đồng cô mặc áo lụa đỏ thêu hoa phượng, đội khăn đóng phủ
vỉ lép đỏ, cài hoa, tay cầm đôi quạt ngà như để quạt mát cho thế gian. Đền Cô
Nhất thuộc tỉnh Nam Định.
2. Cô Đôi Thượng Ngàn: Cô là Công Chúa
Sơn Tinh, là vị Tiên Cô hầu Vua Mẫu ba tòa. Cô đại tài, tiếng tăm lừng lẫy được
Vua Bà yêu thương. Cô có rất nhiều đệ tử. Khi ngự đồng cô mặc áo lá xanh, đầu
vấn khăn kết thành hình hoa, có vấn vỉ lép xanh, tay cầm mồi. Đền Cô nằm gần
Đền Đông Cuông, trước cửa Đền Cô có giếng nước quanh năm trong vắt.
(Có nơi thờ Cô Đôi Cam Đường thay Cô Đôi Thượng Ngàn với truyền thuyết:
Cô là tiên nữ xinh đẹp, giáng sinh ở đất Đình Bảng, Bắc Ninh, gia đình nối đời
buôn bán vải tơ. Cô bán vải từ đường Quan Lộ, Chợ Dầu, Đình Bảng với đủ các
loại tơ lụa, vải sồi, lĩnh tía, chàm xanh, nâu non. Khi ngự đồng cô mặc áo tứ
thân xanh, chít khăn mỏ quạ, đội nón quai thao (nón ba tầm), trên vai là chiếc
đòn gánh cong với hai đầu là đôi túi đẫy đựng vải. Tuy cô quê ở Bắc Ninh nhưng
lại hiển thánh tại thị xã Cam Đường, Lào Cai nên nhân dân nhớ ơn đã lập đến cô
là Đền Cô Đôi Cam Đường.)
3. Cô Bơ Hàn Sơn: Còn gọi là Cô Bơ
Bông. Cô là con Vua Thủy Tề hầu trong Cung Quảng Hàn,rất xinh đẹp, lại đàn hát
cũng hay nên được Đức Vương Mẫu phong là Công Chúa Ba Bông hay Công Chúa
Thủy Cung, cùng quan sứ giả chọn ngày lành để giáng hiện thần tôn thành cô
thiếu nữ đất Hàn Sơn. Khi cô ngự đồng mặc áo trắng pha màu tuyết, đầu đội khăn
đóng, vấn khăn ngang ba màu, tay cầm đôi mái chèo để vân du khắp nơi, cũng có
khi cô cầm dải lụa để đi đo đất đo mây.
Đền thờ cô là Đền Cô Ba
Bông ở Hà Trung, Thanh Hóa, ngay cửa sông. Mở hội vào ngày 12 tháng 6 âm lịch.
4.Cô Tư Ỷ La: Theo tài liệu cổ
thì cô Tư là Tiên Nữ theo hầu Mẫu Thượng. Cô xinh đẹp dịu dàng, được Mẫu hết
mực yêu quý. Khi thanh nhàn cô thường dạo chơi cảnh Tây Hồ với chiếc áo lụa
vàng tha thướt thêu hoa lá. Cô được thờ trên đền Ỷ La (Tuyên Quang).
5. Cô Năm Suối Lân: Cô là Tiên Nàng
người dân tộc theo hầu Chầu Năm Suối Lân. Cô ở Thượng Ngàn, là người cai quản
con suối Suối Lân. Khi ngự đồng cô mặc áo xanh hoặc áo lam, đầu vấn khăn hình
củ ấu và tay cầm đôi mồi lửa. Đền cô là ngôi đền nhỏ cạnh đền Chầu Năm, bên bờ
sông Hóa ở Lạng Sơn.
6. Cô Sáu Sơn Trang: Cô là Tiên Nàng
hầu cận Mẫu Thượng Trang Châu, cũng có nơi nói cô là người kề cận Chầu Lục Cung
Nương và gọi cô là Cô Sáu Lục Cung, nhưng các tài liệu đều thống nhất cô Sáu là
người có tài bốc thuốc cứu người, cô rất ghét người ăn nói quanh co, điêu ngoa.
Khi giáng đồng cô mặc áo lam ngắn vạt, dài tay, chít khăn xanh, trâm cài, lược
dắt, tay cầm bó mồi.
7. Cô Bảy Kim Giao: Cô theo hầu Chầu
Bảy Kim Giao trên đất Thanh Liên, Mỏ Bạch, Thái Nguyên, cũng là người dân tộc
“Mọi”. Cô hiển ứng, đêm đêm mắc võng đào cùng các bạn tiên ngồi ca hát. Khi về
đồng cô mặc áo lụa tím.
8. Cô Tám Đồi Chè: Cô là thiếu nữ hái
chè đất Hà Trung, cũng một lòng giúp vua, tuy chưa được đền đáp nhưng cô được
dân lập đền thờ là đền Phong Mục, Hà Trung, Thanh Hóa, cách đền Cô Bơ Bông một
con sông. Khi ngự đồng cô mặc áo xanh váy xanh, đầu kết khăn xanh, cô múa mồi
rồi múa dáng điệu hái chè.
9. Cô Chín Sòng Sơn: Còn gọi là cô Chín
Giếng, Chín Rồng, Chín Suối, theo hầu Mẫu Sòng, có tài xem bói và có phép thần
thông quảng đại…. Nhân dân cầu đảo linh ứng liền lập đền thờ là Đền Cô Chín ở
Thanh Hóa, cách đền Sòng Sơn khoảng 30km. Khi ngự đồng cô mặc áo hồng phớt màu đào
phai, có khi cô múa quạt tiến Mẫu, múa cờ tiến Vua, cũng có khi cô thêu hoa dệt
lụa, rồi lại múa cánh tiên. Lễ vật dâng cô: Nón đỏ hài hoa vòng hồng...
(Có nơi thờ cô Chín Tít Mù thay cô Chín Giếng nhưng khác ở điểm: Cô Chín
Tít Mù ở trên Thượng Ngàn, có tài trị bệnh bằng nước suối, tuy nhiên cũng rất
ít người hầu về giá này. Đền cô Chín Tít Mù lập ở đường lên Chầu Mười Mỏ Ba,
ngôi miếu nhỏ có suối nước thiêng, ai kêu cầu cô thì dâng cô nón đỏ hoặc nón
xanh để xin thuốc chữa bách bệnh.)
10. Cô Mười Mỏ Ba: Cô theo hầu Chầu
Mười Mỏ Ba, giúp vua đánh giặc Ngô. Khi ngự đồng cô mặc áo vàng cầm cung kiếm,
cưỡi trên mình ngựa theo Chầu Bà xông pha trận mạc. Cô cũng được thờ tại đền
Chầu Mười.
11. Cô Bé Thượng Ngàn: Cũng như Chầu Bé,
các vị cô bé đều là những bộ nàng trên Tòa Sơn Trang, hầu Mẫu Thượng Ngàn. Có
rất nhiều cô bé trên khắp các cửa rừng lớn nhỏ. Các cô về mặc quần áo thổ cẩm,
chân quấn xà cạp, đeo kiềng bạc, tay cầm ô, vai đeo gùi. Các cô bé gồm: Cô Bé
Thượng Ngàn (Thị Xã Lạng Sơn), Cô Bé Suối Ngang (Hữu Lũng), Cô Bé Đèo
Kẻng (Thất Khê), Cô Bé Đông Cuông (Yên Bái), Cô Bé Tân An(Lào
Cai), Cô Bé Cây Xanh (Bắc Giang), Cô Bé Nguyệt Hồ (Bắc Giang), Cô Bé
Minh Lương (Tuyên Quang), Cô Bé Cây Xanh (Tuyên Quang) và
Cô Bé Thác Bờ (Hòa Bình)
12.Cô Bé Thoải Phủ: Cô Bé ngự dưới tòa
Thoải Phủ, chỉ tráng bóng chứ không mở khăn, đứng hàng 12 trong các cô.
K. TỨ PHỦ THÁNH CẬU
Là các vị cậu chết trẻ,
tinh nghịch, thường phù hộ cho các gia đình buôn bán cũng như những người muốn
cầu học hành.
Tứ Phủ Thánh Cậu gồm:
1. Cậu Hoàng Cả
2. Cậu Hoàng Đôi
3. Cậu Hoàng Bơ
4. Cậu Bé
a, Cậu Bé Đồi Ngang (Cậu
Hoàng Quận)
b, Cậu Bé Đồi Non
Ngoài ra ở mỗi bản đền
lại có một cậu bé coi giữ gọi là cậu bé bản đền, trong đó thường hay ngự đồng
như: Cậu Bé Phủ Bóng, Cậu Bé Đông Cuông....
Các cậu về (ngự đồng)
thường mặc áo cánh các màu ứng với mỗi giá, đầu vấn khăn, hai bên tay thường có
hoa cài, chân quấn xà cạp, đi giày thêu. Các cậu về thường làm lễ tấu rồi đi
hèo hoặc múa lân.
…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét