MỜI ĐỌC:

Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2015

CHUYỆN SẾP KHÔNG THÍCH NHÂN VIÊN HAY XU NỊNH - Tác giả: Nguyễn Thị Hồng (Hà Nội)

(Nguồn ảnh: Internet)
Chuyện về sếp 
KHÔNG THÍCH XU NỊNH
*
Nam là một nhân viên phòng khách hàng ở công ty nơi tôi đang làm việc. Tuy trình độ chuyên môn không cao nhưng bù lại, cậu ấy có tài ăn nói, nhất là khi giao tiếp với chị em phụ nữ nên được phái nữ trong công ty dành nhiều thiện cảm. Người này thì cậu ấy gọi là “người đẹp”, người khác thì suốt ngày cậu ấy xuýt xoa: “có nụ cười duyên chết người’, kể cả chị nhân viên tạp vụ cũng “phải lòng” cậu ấy vì câu nói “em chỉ mong sau này vợ mình cũng đảm đang và nấu ăn khéo được như chị thôi”. Cánh nam giới chúng tôi vừa tức, lại vừa thầm tị nạnh sao mình không giỏi ăn nói được như thế để phái nữ được vừa lòng! Thế nhưng, cũng chính tài ăn nói ấy lại hại cậu ấy suýt mất việc. Số là…
Sếp tôi vốn chúa ghét thói xu nịnh, bợ đỡ cấp trên. Biết thế nên chúng
(Tác giả Nguyễn Thị Hồng)
tôi chỉ cần hoàn thành tốt công việc được giao là Sếp hài lòng rồi. Nhưng …Nam thì khác! Thói xu nịnh, khéo ăn khéo nói để làm đẹp lòng người khác đã ngấm vào máu cậu ấy, dễ gì sửa được ngày một ngày hai? Không dưới hai lần, Sếp tỏ ra khó chịu, cau mày vì những câu nói của cậu ấy. Đơn cử như:
- Sếp luôn là thần tượng trong mắt em. Ước gì đến lúc 50 tuổi em được như Sếp nhỉ?
- Ôi trời, cái áo mới của anh ai chọn cho mà khéo quá. Đẹp từ đường chỉ đến màu sắc, kiểu dáng, chất liệu.
- Em lo quá nên đi mua thuốc cảm cúm đây rồi! Chăm lo sức khỏe Giám đốc là nhiệm vụ của chúng em mà. Nhỡ anh ốm ra thì chúng em phải ăn nói sao với chị? Lại như bầy gà con lạc mẹ mất thôi…
Có chuyện gì cậu ấy cũng làm quá lên, nói quá lên để tôn vinh hình ảnh Sếp khiến không chỉ Sếp mà ngay cả chúng tôi cũng thấy khó chịu. Có lần, Sếp cũng đã “bóng gió” trước toàn công ty về việc này, rằng: con người Sếp vốn đơn giản, không ưa màu mè, hoa lá nên nhân viên cứ thực tâm mà sống. Sếp hiểu được hết. Đừng có lo săn đón, lấy lòng hay khen quá làm gì cho khổ ra. Đã là cấp dưới thì dù là ai, Sếp đều yêu quý như nhau bởi công ty chính là gia đình thứ hai của tất cả mọi người.
Vậy mà Nam vẫn chứng nào tật ấy. Cho đến một hôm, nhìn thấy một phụ nữ trẻ đẹp, sang trọng đi vào công ty tìm gặp Sếp, cử chỉ thân mật và ánh mắt đầy yêu thương nên sau khi người phụ nữ đi về, Nam thẽ thọt với Sếp ngay:
- Anh ạ, hôm nay thì em đúng rồi nhé. Anh 50 tuổi mà còn phong độ lắm. Còn khối cô xin chết, cứ nhìn cô lúc nãy thì biết. Chao ôi, mắt nhìn mới tình tứ làm sao!!!
Tất cả chúng tôi đều tái mặt. Riêng Sếp mặt bắt đầu đỏ dần, và không thốt lên lời:
- Cậu… cậu có thôi ngay trò nịnh nọt vô bổ ấy đi không hả? Công việc thì không lo, suốt ngày…cậu có biết, đó là vợ tôi không hả? Về viết đơn xin nghỉ việc ngay!
Vì chưa biết mặt vợ Sếp nên Nam cứ ngỡ đó là một khách hàng của công ty, với lại… cô ấy quá trẻ nên cậu ấy không ngờ. Thực ra, đến năm 40 tuổi Sếp mới lập gia đình. Vợ Sếp kém Sếp đúng 18 tuổi nên còn rất trẻ. Cậu ấy bị oan nhưng cũng đáng đời lắm. Chúng tôi phải hợp lực xin xỏ, năn nỉ mãi, Sếp mới nguôi giận và cho cậu ta thêm thời gian để sửa đổi. Và cũng từ đó, Nam chừa hẳn thói nịnh bợ của mình, còn chúng tôi cũng hiểu thêm về Sếp của mình - một con người thẳng thắn và bộc trực.
- Lời bàn
Thực ra, Sếp của Nam cũng giống như mọi người khác thôi, đều thích nhận được những lời khen ngợi, tán thưởng từ nhân viên của mình. Nhưng ông cũng biết phân biệt đâu là lời khen thật lòng và đâu là những lời xu nịnh giả dối. Còn Nam lại quá lạm dụng lời khen đến mức vô duyên. Sếp cau mày, khó chịu rồi cả nói “bóng gió” trước toàn công ty mà vẫn không biết tự xem xét lại bản thân mình, vẫn cứ cho là mình nói hay, nói giỏi và Sếp cũng sẽ thích những lời như thế giống chị em trong công ty. Và kết quả là gì? Cậu khen không đúng lúc, không đúng người khi gặp vợ Sếp mà lại lầm tưởng là “cô nào đó” đã như một giọt nước làm tràn ly, phá tung mối quan hệ giữa cấp trên với nhân viên mà Sếp đã cố giữ gìn bấy lâu. may mắn cho Nam là cuối cùng, Sếp cũng nguôi giận nhờ có các nhân viên khác nói giúp. Nam vẫn được giữ lại làm việc với cái án “treo” và một bài học nhớ đời!
Thiết nghĩ đây cũng là bài học đắt giá cho tất cả chúng ta. Lời khen chỉ thực sự có giá trị khi được xuất phát từ chính trái tim và tình cảm của người nói! Cố khen ngợi hết lời, xu nịnh hết cỡ chỉ có thể làm vừa lòng một số ít người ưa màu mè, giả tạo; còn đa phần sẽ nhanh chóng nhận ra sự giả dối ấy và dần sẽ xa lánh, đề phòng với tất cả lời nói của chúng ta. Vậy nên, sống chân thành chính là cách sống đơn giản nhất, thực tâm nhất, có ý nghĩa nhất và khiến cho mọi người yêu quý chúng ta nhất. Cuộc sống chỉ có giá trị khi chúng ta biết thực tâm đề cao cái tốt, phê bình cái xấu của mọi người. đó chính là cách sống “từ trái tim đến trái tim”!
- Lời góp ý
+ Đối với các nhân viên
Rất nhiều người coi việc làm đẹp lòng cấp trên là một cách để thăng tiến, và cũng có rất nhiều Sếp thích nghe lời khen nịnh của cấp dưới. Bởi vậy, không phải tự nhiên lại sinh ra trò đến nhà thủ trưởng biếu xén, quà cáp, giúp việc này, đỡ việc kia… để nhờ vả Sếp mà được làm ở những vị trí tốt hơn. Tuy nhiên, bạn cũng cần phải “liệu cơm gắp mắm”, tùy người, tùy cảnh mà áp dụng “chiến thuật” này.
Đối với cấp trên vốn không ưa những lời hoa mỹ, những câu “có cánh” thì việc bạn quá để tâm vào những lời ấy sẽ không những không đạt được hiệu quả như mong muốn mà còn khiến Sếp nghi ngờ, cảnh giác và phân vân về con người thực của bạn. Nhưng vị lãnh đạo có tính cách như thế này chỉ yêu cầu bạn hoàn thành thật tốt công việc được giao và khen, chê thật lòng là được! Họ thường là những người sống rất liêm khiết, thẳng thắn, biết người biết việc là cấp dưới của những người như thế này, bạn cứ việc “thẳng đường mà tiến” năng lực đến đâu thì sẽ được hưởng thành quả đến đấy. Sếp không vì bạn giỏi nói mà yêu mến bạn hơn và cũng không vì bạn vụng về trong giao tiếp mà ghét bỏ hay trù úm. Những đồng nghiệp khéo nịnh cũng không có “đất dụng võ” để giở trò mánh khóe của mình ra hòng “vượt” trước bạn.
Tuy nhiên, ở bên Sếp, đôi khi bạn khen thật lòng mà lại phải chột dạ lo lắng sợ Sếp hiểu lầm là mình đang bợ đỡ. Bạn nể phục Sếp về tài năng và cách quản lý nhưng cũng chỉ dám thể hiện ra bên ngoài một chút, còn lại thì để trong lòng.
Bạn nên nhớ: làm “quân” của một “vị tướng” như thế này thì cần nhất là sống thật lòng, nói ít làm nhiều, thành thật với mình và với mọi người, làm việc tận tâm thì chắc chắn sẽ được Sếp yêu mến thôi.
+ Đối với Sếp
Bạn là người đặc biệt “dị ứng” với những lời khen sáo rỗng, những cử chỉ xun xoe, nịnh nọt? Bạn lại càng “miễn dịch” với những món quà của nhân viên cấp dưới? Vậy đích thực bạn là một nhà lãnh đạo ghét thói xu nịnh giả dối rồi! Với nét tính cách này, bạn được cấp dưới nể phục, cấp trên khen ngợi và tránh xa được mọi điều thị phi.
Nhiều Sếp luôn hài lòng trước những lời tâng bốc, kiểu như: “Dạo này trông anh trẻ trung và phong độ quá”, “Bọn em coi anh như tấm gương để phấn đấu”, “Chỉ cần anh nói ra một câu là chúng nó sợ chết khiếp ấy chứ”… Còn bạn, bạn không hề xao động trước những lời nói ấy. Bạn thấy chúng xa lạ và giả dối, và rồi… bạn có ấn tượng xấu luôn với người phát ngôn ra chúng. Bạn quá tỉnh táo đến mức nhân viên của bạn chỉ còn cách “tự đi lên bằng chính đôi chân mình” và không bao giờ dám nuôi hy vọng “đi đường tắt” trước các đồng nghiệp. Bạn luôn có một đội ngũ nhân viên trung thành và tận tâm với bạn, không quản ngại gian khó. Những kẻ “chỉ giỏi nói mà không khéo làm” cũng không có cơ hội ở lâu trong công ty bạn. Nói chung, bạn có một đức tính tuyệt vời mà không phải Sếp nào cũng có được.
Duy chỉ có một điều duy nhất mà bạn cũng nên xem xét lại. Đó là không phải lời khen nào cũng đều là giả tạo, nịnh nọt cả! Nếu bạn quá cảnh giác với tất cả mọi lời khen thì e sẽ khiến người khác ngại khen bạn vì sợ bị hiểu lầm. Như vậy, dần dần những ưu điểm của bạn sẽ bị lãng quên. Không cần và cũng không nên như vậy. Chỉ cần bạn phân biệt được đâu là lời khen giả tạo và đâu là những lời khen chân thật, thì việc thỉnh thoảng nhận được những lời ca ngợi từ người khác cũng là đáng lắm chứ. Đôi khi, sự cảnh giác của bạn trước những lời khen chân thành sẽ khiến cho người phát ngôn cảm thấy tình cảm của họ bị xúc phạm và dần xa lánh bạn đấy! Xin phép được kể bạn nghe một câu chuyện nhỏ như sau:
Một cô vợ rất yêu chồng mình. Trong mắt cô, anh là một người đàn ông hoàn hảo: thông minh, đẹp trai, nam tính, bản lĩnh… Vì thế, thỉnh thoảng không kìm lòng được, cô lại thốt lên: “Em tự hào về anh quá”, “Anh là người đàn ông tuyệt vời nhất mà em biết”, “Anh yêu, anh giỏi quá”… Nhưng anh chồng mỗi khi nghe vợ nói thế đều cau mày không vui, có khi còn nạt nộ: “Cứ thơn thớt cái miệng thế, không biết trong lòng thế nào? chỉ giỏi nịnh thôi” Vậy là dần dần, cô vợ đâm cụt hứng và không dám khen chồng mình một câu nào nữa. Và rồi, cô thấy anh cũng thật bình thường, chỉ biết nghi ngờ những điều cô nói từ chính trái tim yêu thương của cô. Tình yêu trong lòng cô tắt hẳn. Cô nói lời chia tay. Lúc ấy, chồng cô đâm hối hận thì cũng đã muộn rồi.
Vậy đó, ghét thói xu nịnh là một điều tốt nhưng đừng nên cực đoan đánh đồng tất cả mọi lời khen của người khác dành cho mình. Có như vậy, bạn mới trở thành một ông chủ sáng suốt và công bằng với tất cả nhân viên dưới quyền, cũng như nhận được tình cảm yêu mến của tất cả những người bạn gặp trong cuộc sống.
*.                                      
NGUYỄN THỊ HỒNG          
…………………………………………………………………………
- © Công ty T.N.H.H Văn Hóa Bảo Thắng giữ bản quyền.
- Cập nhật theo bản lưu trữ tại Công ty T.N.H.H Văn Hóa Bảo Thắng. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét