MỜI ĐỌC:

Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2015

HOÀNG CÚC: NGƯỜI YÊU MỘNG TƯỞNG, ĐƠN PHƯƠNG CỦA HÀN MẶC TỬ - Tác Giả: Phan Huy Đông (Hà Tây)

- Thi sĩ Hàn Mặc Tử -
HOÀNG CÚC - NGƯỜI YÊU MỘNG TƯỞNG CỦA HÀN MẶC TỬ
*
Trước hết, tôi lưu ý bạn đọc rằng: Hoàng Cúc là một cái tên... không có thật... Không có thật trong cuộc đời. Và cũng không có thật trong cả... thơ Hàn Mặc Tử.
Hãy tìm đọc thơ Hàn Mặc Tử mà xem! Không hề thấy hai chữ "Hoàng Cúc" này. Mà chỉ thấy chữ "Hoa cúc" để chỉ một loại hoa thực vật và để ám chỉ... hoa người... ở đời.
Có một từ có chữ "Hoàng" đó là chữ "Hoàng Hoa" trong bài thơ "Đừng cho lòng bay xa".
"Trời nhật nguyệt cầu vồng bắc tứ phía
Ôi Hoàng Hoa! Hồn phách đến nơi đây".
Vậy tại sao lại có từ "Hoàng Cúc" này?
Nghiên cứu trong sách báo thì thấy, có lẽ người đầu tiên đưa ra cái tên này là thi sĩ Quách Tấn chăng? Vì trong Tạp chí "Văn" xuất bản trong thời miền Nam còn dưới chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, ở số 73, 74, trong trang 91 có câu sau đây: "Khi Tử làm sở đạc điền Quy Nhơn, Tử có yêu một thiếu nữ ở cùng một con đường. Đường Khải Định - Biệt hiệu Hoàng Cúc".
Với cách viết như thế này, người đọc dễ hiểu rằng: Có một cô gái, biệt hiệu là Hoàng Cúc, là người yêu của Hàn Mặc Tử và là mối tình đầu của nhà thơ.
Thi sĩ Quách Tấn là người sống cùng thời, là bạn thân thiết của Hàn Mặc Tử, là người được Hàn Mặc Tử cho giữ gìn những bài thơ của mình. Có ai gần gũi hiểu biết Hàn Mặc Tử hơn Quách Tấn. Cô gái có tên Hoàng thị Kim Cúc, con gái ông Tham Tá sở Đác Điền, đã kể lại, đại ý như sau: “Hàn Mặc Tử khi ở Quy Nhơn, có biết tôi, qua việc đi lại chơi với cậu Ngâm, em con chú của tôi. Vì vậy, Hàn Mặc Tử đã tìm cách để gặp nhưng rồi vẫn chưa toại nguyện. Làm gì người sau, người đọc và người nghiên cứu chả nghe theo Quách Tấn... Năm 1936, khi Tử ở Sài Gòn về Quy Nhơn, tôi vẫn còn ở Quy Nhơn đến mấy tháng sau mới về Huế. Về Huế được vài tháng thì một hôm đi xem hội chợ với anh chị em trong nhà, tình cờ chúng tôi gặp Tử tại hội chợ với một xấp "Gái quê" trong tay. Tử đưa tặng người anh kề tôi một tập có lời đề tặng bằng tiếng Pháp. Anh chị em tôi đều quen Tử tại Quy Nhơn, trừ tôi... Tuy vậy hồi đó, anh em tôi không ai hiểu gì về nỗi lòng Tử cả!" (Thư trả lời đề ngày 15/4/1971 tài liệu đã dẫn).
Qua đoạn thư của bà Hoàng Thị Kim Cúc, ta thấy, bà Cúc đã tự nhận là mình không hề biết và quan tâm đến mối tình thầm kín của Hàn Mặc Tử đối với mình. Điều đó cũng hợp lý, có thể tin được bởi vì thông thường người con trai hay "mơ mộng" đến người con gái trong khi người con gái đó không hề hay biết, nếu người con trai đó không thổ lộ với mình. Có người con gái được người con trai thổ lộ tình cảm mà vẫn không yêu người con trai đó. Không có gì là lạ.
Ta lấy làm lạ khi thi sĩ Quách Tấn viết trong tạp chí Văn số 73 - 74, trang 93 những ý sau đây: "Tử muốn đưa tình yêu vụng lén đến cuộc hôn nhân. Nhưng hôn sự không thành!... Bất thành vì vấp phải trường hợp của Tản Đà khi nhờ người dạm hỏi Đỗ Thị. Nghĩa là thân sinh của Hoàng Cúc - lúc bấy giờ làm tham tá Sở Đặc Điền mà Tử là tuỳ thuộc - chê Tử không xứng mặt đông sàng!... Tử thôi làm việc ở Sở Đặc Điền Quy Nhơn để vào Sài Gòn làm báo, chính vì bị chê, không có địa vị cao sang. Ghé vào Nha Trang thăm tôi, khi đi Sài Gòn, Tử nói: "Đi chuyến này, tôi quyết xây sự nghiệp văn chương cho thật vững vàng, thử xem người ta có dám khi để".
Lạ là vì, trong thư đề ngày 13/3/1971, trả lời thi sĩ Quách Tấn, Hoàng Thị Kim Cúc đã trả lời như sau: "Suốt trong thời gian ở Quy Nhơn, thầy tôi không hề gặp hoặc biết mặt hay nghe tên tuổi - Tử. Hồi đó, Tử thường đến chơi với Hoàng Tùng Ngâm (là em chú bác với tôi, cùng ở chung với tôi). Bạn Ngâm đông lắm. Trong gia đình tôi, không ai để ý đến bạn của Ngâm. Câu chuyện tâm tình của Tử, trừ Ngâm ra cũng không ai biết. Tôi được biết trước, khi thầy tôi sắp về hưu do một người bạn khác nói lại, chứ không phải Ngâm...".
Như thế, có nghĩa là bà Hoàng Thị Kim Cúc không hề có chuyện đã được Hàn Mặc Tử dạm hỏi và bị ông bố "khi để".
Thế thì tại sao có lời của thi sĩ Quách Tấn đã viết như trên?
Cho đến nay (1999), tôi vẫn chưa đọc được một tư liệu nào nói về sự giao dịch cá nhân hai người: Hàn Mặc Tử và Hoàng Thị Kim Cúc. Điều khá rõ là Hoàng Thị Kim Cúc không hề là "người yêu" của Hàn Mặc Tử. Khác hẳn với trường hợp Mộng Cầm mà tôi sẽ nêu đến sau đây là Mộng Cầm có đi chơi cùng Hàn Mặc Tử.
Khá rõ vấn đề là ở chỗ: Hàn Mặc Tử có một mối tình đầu, một người đầu tiên nhưng chỉ là mộng tưởng. Vì vậy, trong thơ, trong lời nói với bạn bè. Hàn Mặc Tử đã mơ màng coi Hoàng Thị Kim Cúc như người yêu. Ngay cả cái tên mang danh nghĩa là 'biệt hiệu Hoàng Cúc" cũng chỉ ở trong tâm tưởng mơ màng, không thấy ghi rõ trong lời văn thơ. Có thể, Hàn Mặc Tử đã nói bằng lời cho Quách Tấn nghe nên Quách Tấn đã nêu lên cái "biệt hiệu Hoàng Cúc" này chăng? Bây giờ hai người đó, cả Hàn Mặc Tử lẫn Quách Tấn đều là người thiên cổ thì có ai làm chứng cho điều này! Cả đến bà Hoàng Thị Kim Cúc cũng đã từ trần. Bởi vì đến năm 1997, một người bạn làm báo ở Hà Nội có hỏi tôi rằng: "Anh có biết vừa qua ở Huế có một đám tang một bà già đi tu tại gia mà người ta bảo đó là người yêu của Hàn Mặc Tử không?" Đấy! Người đời cứ cho rằng bà Hoàng Thị Kim Cúc là người yêu của Hàn Mặc Tử! Kể cũng dễ tính thật! Kể cũng dân gian thật! Muốn bảo ai là người yêu của ai cũng... vô tư đi! Nào ai cấm miệng đời!
Bây giờ tôi xin phân tích sang "hình ảnh người yêu mộng tưởng Hoàng Cúc của mối tình đầu mơ tưởng" này. Tôi vẫn phải dùng cái từ "Hoàng Cúc" mà tôi chưa công nhận vì đó cũng là chiều theo thói quen sách báo hiện nay.
Đó là hình ảnh hoa cúc trong lời thơ. Mơ màng một cô Cúc trong đời nên hình tượng nghệ thuật được xây nên là hình ảnh "Hoa Cúc".
Vịnh Hoa Cúc
Thu về nhuộm thắm nét hoàng hoa
Sương điểm trăng lồng bóng thướt tha
Vẻ mặt khác chi người quốc sắc
Trong đời tri kỷ riêng ta
Một bài khác mang đầu để "Trồng Hoa cúc":
Thích trồng hoa cúc để xem chơi
Cúc ngó đơn sơ, lắm mặn mòi
Đêm vắng gần kề say chén nguyệt
Vườn thu vắng vẻ đủ mua vui
Thi sĩ Quách Tấn còn nêu lên nỗi lòng say đắm đến mức "muốn ôm" của Hàn Mặc Tử qua đoạn viết sau đây: "Tử có đọc cho tôi nghe một bài thơ, theo Tử, chưa đọc cho ai nghe hết và dặn tôi phải giữ kín, rằng:
Bấy lâu sát ngõ, chẳng ngăn tường
Không dám sờ tay, sợ lấm hương
Xiêm áo đêm nay tề chỉnh quá
Muốn ôm hồn cúc ở trong sương.
Rõ ràng hình ảnh người đẹp thướt tha với một dáng "quốc sắc" đã làm cho Hàn Mặc Tử xác định "tri kỷ chỉ riêng ta". Nỗi si mê đó cũng được củng cố thêm trong bài "Trồng hoa Cúc" với lời khen "đơn sơ" nhưng "mặn mòi" đối với hoa cúc. Vì thế Hàn Mặc Tử đã mơ "đêm vắng gần kề say chén nguyệt". Tình mộng tưởng đến mức chính nhà thơ xác nhận trong bài thơ đọc ngầm riêng cho người bạn Quách Tấn, tuy "sát ngõ" tuy không bị "ngăn tường" thế mà chỉ "muốn ôm hồn cúc ở trong sương". Ta trân trọng tình cảm trong sáng của nhà thơ: "không dám sờ tay, sợ lấm hương" nhưng càng củng cố vấn đề "người đẹp Hoàng Cúc chỉ là người yêu mộng tưởng". Càng yêu mộng tưởng lại càng đắm say, càng thắm hồn thơ!
Đó chỉ là những lời thơ mơ màng bóng gió, độc giả bảo là nói về Hoàng Thị Kim Cúc (Hoàng Cúc) cũng được.
Riêng bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" thì có nhiều điều xác nhận đó là ý định làm thơ vì người yêu mộng tưởng Hoàng Cúc.
Lai lịch bài thơ đó như sau (Tóm tắt theo lời thư của bà Hoàng Thị Kim Cúc - tài liệu đã dẫn): "Vào khoảng mùa hè 1939, Ngâm viết thư về Huế cho biết Tử mắc bệnh nan y và khuyên tôi nên viết thư thăm Tử để an ủi một tâm hồn đã vô cùng đau khổ. Thay vì viết thư thăm, tôi gửi bức ảnh phong cảnh vừa bằng cái carte vi site. Trong ảnh có mây, có nước, có chiều đò ngang với cô gái chèo đò, có mấy khóm tre, có cả ánh trăng hay ánh mặt trời chiếu xuống nước. Tôi viết sau tấm ảnh mấy lời hỏi thăm sức khoẻ Tử mà không ký tên rồi nhờ Ngâm trao lại. Sau đó một thời gian tôi nhận được bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" và một bài khác nữa do Ngâm gửi về. Tóm lại, ngoại trừ bức ảnh phong cảnh đó và bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" thì Tử và tôi không có thư từ gì cho nhau nữa cả. Ngâm cho tôi biết trước đó Tử có gửi nhiều thơ tặng mà không tới tay tôi".
"Ngâm" tức là "Hoàng Thúc Ngâm", người em con chú của Hoàng Thị Kim Cúc, đã từng đến ở Quy Nhơn, làm công chức ở Quy Nhơn. Hoàng Thúc Ngâm, đã làm một căn nhà tranh ở ngay bên cạnh nhà Hoàng Thị Kim Cúc. Vì sự giao lưu của Hàn Mặc Tử với Hoàng Thúc Ngâm nên Hàn Mặc Tử mới thấy Hoàng Thị Kim Cúc và sinh ra yêu vụng nhớ thầm.
Có nhiều bài thơ viết để mơ tưởng đến người yêu mộng tưởng Hoàng Thị Kim Cúc (Hoàng Cúc) này nhưng không có gì là đảm bảo chắc chắn. Riêng bài "Đây thôn Vĩ Dạ" là có nhiều chứng cứ nói lên Hàn Mặc Tử viết để gửi cho Hoàng Thị Kim Cúc. Kèm theo bài thơ này, có tư liệu nói là Hàn Mặc Tử đã gửi mấy hàng chữ sau đây:
"Túc hạ.
Có nhận được bức ảnh bến Vĩ Dạ lúc hừng đông (hay là một đêm trắng?) với mấy hàng túc hạ hỏi thăm. Muôn vàn cảm tạ. Túc hạ còn nhớ đến người bạn năm nao, thế là phúc hậu lắm rồi và mong rằng một mùa xuân nào đây được gặp lại mới phỉ tình cho.
Thăm túc hạ bình an và vui vẻ. Ký tên: Hàn Mặc Tử".
Tư liệu trên còn nêu một ý: "Hoàng Cúc nhận thư trên của Hàn Mặc Tử vào tháng 11/1939. Một năm, sau khi nhận được tin Hàn Mặc Tử qua đời".
Đây là một điều cần xem lại cho chính xác. Bởi vì, cả Quách Tấn lẫn Hoàng Trọng Miên, là người sống cùng thời và có quan biết Hàn Mặc Tử thì Hàn Mặc Tử mất vào trưa ngày 11 tháng 11 năm 1940. Sao lại có tư liệu về con số "11/1939 - một năm sau khi Hàn Mặc Tử qua đời".
Có lẽ vì thế mà bài "Đây thôn Vĩ Dạ" là bài nổi tiếng trong số thơ Hàn Mặc Tử đã viết. Có lẽ nổi tiếng vì "ai biết tình ai có đậm đà" như câu kết của bài thơ chăng?
ĐÂY THÔN VĨ DẠ

Sao anh không về chơi thôn Vĩ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay.

Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá, nhìn không ra
Ở đây, sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
Có một số ý kiến nêu rằng: bài thơ "Em sắp lấy chồng: bài thơ "Em sắp lấy chồng" trong tập "Gái quê" là Hàn Mặc Tử viết khi nghe tin Hoàng Cúc sắp về Huế. Người gái quê trong thơ phải chăng là Hoàng Cúc ngoài đời:
Nghe tin em sắp lấy chồng
Anh cười đã lắm, anh buồn cũng ghê
Em ơi, em nuốt lời thề
Anh lầm, anh tưởng gái quê thật thà
Kể ra đây cũng có thể là một ví dụ về tính chất "người yêu mộng tưởng" trong thơ Hàn Mặc Tử.
Dù sao đi nữa, tình cảm của Hàn Mặc Tử đối với cô Hoàng Thị Kim Cúc mà được người đời gọi bằng cái biệt danh Hoàng Cúc cũng có thể gọi đó là mối tình đầu đơn phương. Và Hoàng Cúc là một hình ảnh đẹp, người yêu mộng tưởng trong thơ Hàn Mặc Tử.
*.
Viết: Mùa xuân Bính tý 1996
PHAN HUY ĐÔNG
.










…………………………………………………………………………
- © Công ty T.N.H.H Văn Hóa Bảo Thắng giữ bản quyền.
- Cập nhật theo bản lưu trữ tại Công ty T.N.H.H Văn Hóa Bảo Thắng. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét