(Thi sĩ Hàn Mặc Tử) |
MAI ĐÌNH - NGƯỜI TÌNH CHỈ Ở TRONG
THƠ CỦA HÀN MẶC TỬ
Những tư liệu về Mai Đình nhìn chung là rõ
hơn so với trường hợp Hoàng Cúc, Mộng Cầm. Rõ hơn ở điểm tên của cô là Lê Thị Mai, con một tuỳ viên làm việc
ở Toà sức Phan Thiết. Các tư liệu đều viết cô có biệt hiệu là Mai Đình. Qua
nghiên cứu, thấy cô có làm thơ tặng Hàn Mặc Tử, có tâm hồn thơ mơ mộng nên có
thể tin rằng cô có lấy biệt hiệu.
Theo thi sĩ Quách Tấn thì vào khoảng cuối năm
1937, Mai Đình (Lê Thị Mai) đã đi qua Quy Nhơn và cùng Trần Kiên Mỹ đến thăm
Hàn Mặc Tử nhưng Hàn Mặc Tử không tiếp. Trong tư liệu đã có in trên tạp chí thì
nói rằng Hàn Mặc Tử lúc đó đã bị bệnh phong và có đứng trong cửa buồng ghé mắt
nhìn ra để quan sát cô khách đến thăm mình, đó là Mai Đình. Nhưng vì lịch sự xã
giao, để đáp lại tấm lòng mến khách văn nhân thi sĩ của Mai Đình, Hàn Mặc Tử đã
cho người đưa ra tặng cô một tập thơ "Gái quê".
Mai Đình ra về sau khi không được thi sĩ chủ
nhân tiếp, trên đường đi đến Phan Thiết cô đã đọc tập thơ "Gái quê"
này. Lúc đầu chỉ là sự mến mộ tài năng nhưng vì đọc tập thơ "Gái quê"
và rung động cùng những thổn thức của tình yêu không toại nguyện trong những
câu thơ, ý thơ về Hoàng Cúc, về Mộng Cầm và Mai Đình chuyển sang tình yêu đối
với nhà thơ mang bệnh nan y này.
Vì thế, Mai Đình đã làm bài thơ "Biết
anh" để tặng cho Hàn Mặc Tử. Có những câu như sau:
Còn anh, em đã gặp anh đâu!
Chỉ cảm vần thơ có những câu
Âu yếm say sưa đầy cả mộng
Xui lòng tơ tưởng lúc đến thăm.
Mai Đình tỏ rõ ý khát khao, muốn bộc lộ nỗi
niềm của mình với nhà thơ:
Mộng hồn em gửi theo chiều gió
Để được gần anh, ngỏ ít lời.
Mai Đình đã tìm gặp thi sĩ Quách Tấn qua việc
nhờ ông phán toà sứ Nha Trang tên là Lê Ngọc Định môi giới giới thiệu. Lê Ngọc
Định đã nói với Quách Tấn rằng Mai Đình là "tuyệt thế giai nhân"
nhưng lại hóm hỉnh nhắc khéo Quách Tấn rằng: "Anh phải ngắm cô ấy bằng đôi
mắt thi nhân chứ đừng ngắm bằng đôi mắt phàm tục". Đó là ý nói bóng gió
rằng Mai Đình thiếu những yếu tố rung cảm: Không đẹp chăng, không duyên chăng,
không trinh trắng chăng... mà tư liệu không tiện nói ra. Quả nhiên, theo lời
Quách Tấn, ông đã nhận ra điều đó khi gặp Mai Đình.
Mai Đình đã không e ngại bộc lộ mối tình si
của mình với Hàn Mặc Tử bằng những hàng nước mắt chứa chan và bằng lời nói sau
đây: "Ban đầu, tôi chỉ thương Hàn Mặc Tử vì bệnh hoạn, vì tình phụ.
Nhưng sau khi đọc "Gái quê" tôi yêu Hàn Mặc Tử vô cùng".
Quách Tấn nhận lời chuyển bài thơ "Biết
anh" cho Hàn Mặc Tử và cũng nói dối rằng Mai Đình là "tuyệt
thế giai nhân". Hàn Mặc Tử cảm động nên làm bài thơ "Lưu luyến"
để tặng lại Mai Đình. Tình cảm trong bài thơ thật say đắm:
Hồn anh theo dõi bóng em đi
Hồn anh sẽ nhập trong luồng gió
Lưu luyến bên em, chẳng nói gì
Tình anh sao phải tính mê say
Anh điên anh nói như người dại
Van lạy không gian xóa những ngày.
Thật là tình của thi sĩ! Yêu và mộng cũng như
nhau! Yêu cũng chỉ là mộng! Mộng để mà yêu! Bởi vì khi nhìn thấy đời thực thì
mộng biến mất nên tình cũng không đậu lại! Chả thế mà lúc Mai Đình tìm đến gặp
Hàn Mặc Tử vào mùa xuân 1938 thì nhà thơ đã không tiếp. Có ý kiến nói rằng: Hàn
Mặc Tử đã đứng sau cánh cửa để quan sát Mai Đình và thấy nàng, giữa thơ và
người khác nhau xa quá nên thi sĩ đã không muốn tiếp.
Vì thế, bản chất của người đàn bà đã mách bảo
trong sâu lắng tâm hồn nàng rằng "không xứng với Tử". Tuy vậy, Mai
Đình vẫn say đắm: "Nhưng dù sao đi nữa, đã yêu thì cứ việc yêu".
Như thế là khác với Hoàng Thị Kim Cúc, mối
tình đầu đơn phương của Hàn Mặc Tử: khác với Mộng Cầm, người đẹp đã có sự giao
tiếp nhưng từ chối hôn nhân với Hàn Mặc Tử thì cô Mai Đình Lê Thị Mai đã thực
lòng yêu Hàn Mặc Tử nhưng đã bị Hàn Mặc Tử từ chối.
Vì sao thi sĩ từ chối tình yêu của Mai Đình
Lê Thị Mai?
Thiết tưởng nên trích lại lời của thi sĩ
Quách Tấn trong bài đã dẫn ở trên:
"Mai Đình... lúc bấy giờ... sống một
đời sống không được đẹp. Thân không định trụ, bước giang hồ nay ở, mai đi. Nàng
đã thú thật "Còn đâu nữa, anh ơi, tình duy nhất. Của tim em, hồi còn hãy
thơ ngây".
Nhưng đâu phải vì thế mà Tử không tiếp, bởi
Tử nào có rõ thân thế nàng... Nhà thơ đâu có quan tâm đến sự trinh trắng ngoài
thể xác của con người, đến địa vị sang hèn ngoài xã hội. Tử không tiếp chỉ vì
"không thích" đó thôi. Trước thái độ của Tử, Mai Đình vẫn không lùi.
Nhận thấy chỗ chân tình của nàng, hai bà chị của Tử khuyên Tử không nên xử tệ
cùng bất cứ ai có lòng chiếu cố đến mình. Vì vậy, đối với lần sau, Mai Đình tới
thăm, Tử vui vẻ ra tiếp. Tử tiếp Mai Đình đâu hai lần trong năm 1938. Năm 1939,
Mai Đình đến thăm một lần nữa... Nàng ở được hai hôm... dù yêu Tử đến đâu, nàng
vẫn giữ gìn khuôn phép (vì sợ bà mẹ Tử rất nghiêm) Tử rất cảm động và cho biết:
"Mai mạnh dạn tỏ lòng yêu tôi". Đã nhiều lần tôi cho Mai biết rằng
tôi chỉ coi Mai như một người bạn thân thiết, lấy cớ rằng tình yêu của tôi đã
giao trọn cho Mộng Cầm".
Vì thế, thi sĩ đã có những câu thơ về Mai
Đình rất thắm thiết:
"Cười cho lắm cho dầm dề nước mắt
Chết ruột gan mà ngoài mặt như không
Anh nhìn Mai chua xót nửa tấm lòng
Không biết nói làm sao cho da diết".
...................
"Đây Mai Đình tiên nữ ở Vu Sơn
Đem mộng xuống gieo vào muôn sóng mắt
Nàng, ôm nàng hai tay ta ghì chặt
Cả bài thơ êm mát lạ lùng thay!
Ta là người uống muôn hận sầu cay
Nàng là mật của muôn tuần trăng mật
Ôi! Khoái trá thấm dần vô thể chất!
Hồn trong sương ảnh hưởng đến mê tôi
Quý như vàng, trong như ngọc trên đời
Mai, Mai, Mai là Nguyệt Nga tái thế..."
Mai Đình đến thăm Tử lần ấy là lần cuối cùng.
Tử nói: "Lòng tôi hết sức rung cảm khi tôi làm thơ tặng Mai. Có lẽ tôi
chỉ yêu Mai trong khi làm thơ".
Câu nói đó của Hàn Mặc Tử đã giúp tôi miễn
bình luận nhiều về người yêu mộng tưởng của thơ Hàn Mặc Tử mà cũng làm cho độc
giả hiểu rõ vấn đề.
*.
Viết: Mùa xuân Bính tý 1996
PHAN HUY ĐÔNG
…………………………………………………………………………
- © Công ty T.N.H.H Văn Hóa Bảo Thắng giữ bản quyền.
- Cập nhật theo bản lưu trữ tại Công ty T.N.H.H Văn Hóa Bảo Thắng.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét