(Nguồn ảnh: Internet) |
MỘT SỐ KIẾN NGHỊ ĐỂ HÀ NỘI GIỮ ĐƯỢC
NÉT ĐẸP TRUYỀN THỐNG
- Tiểu luận của Vũ Thị
Hương Mai -
...................................................................................
Ở bài viết trước, tôi đã trình bày những nguyên nhân dẫn đến sự thanh lịch,
duyên dáng của người Hà Nội bị mai một, mất đi. Ở bài viết này, tôi mạnh
dạn đề cập một số biện pháp để giữ gìn và tăng thêm vẻ đẹp người Hà Nội, giữ
được nét đẹp ngàn năm của người Hà Nội.
1- Xây dựng hệ
thống pháp luật và quy chế tổ chức quản lý đô thị Hà Nội
Đây là một điều kiện rất quan trọng để xây dựng nên nếp sống văn minh cho người
dân thủ đô và luôn luôn là giải pháp số một nhằm bồi dưỡng và phát huy những
phẩm chất tốt đẹp của người Hà Nội.
Quy hoạch đô thị vẫn được đặt ra từ xưa đến nay đối với Hà Nội cũng như với
bất cứ đô thị nào. Phải nghiêm ngặt trong quy định cho từng tuyến phố về lòng
đường và hè phố, về kiến trúc nhà cửa, không thể để tình trạng nhà xây cao thấp
lôm nhôm làm mất hết vẻ đẹp của
cảnh quan thủ đô.
Việc xây dựng các hệ thống đường ống nước, cống thoát nước, đường điện ở
các đường phố phải được chấn chỉnh lại, bằng các khâu nối quy hoạch xây dựng
công trình của các ngành liên quan để có thể thi công cùng một lúc, tránh tình
trạng như hiện nay đường cứ bị đào lên, lấp lại nhiều lần, thậm chí đường vừa
làm xong thì lại có một đơn vị khác đào lên để thi công công việc của mình. Đặc
biệt việc cải tạo hệ thống thoát nước phải được xử lý ngay, tránh tình trạng cứ
có mưa to là cả thủ đô ngập trong nước để Hà Nội phố không còn gọi là “Hà lội
phố” trong mùa mưa.
Tất cả các cụm dân cư theo số lượng khoảng một vạn dân, cần phải có những
khu đất làm điểm vui chơi cho trẻ em và có nơi giải trí công cộng. Các trường
học, nhất là trường mẫu giáo và trường tiểu học, phải có đủ diện tích sân chơi
cho các cháu và có trang bị phòng học nhạc, phòng tập thể thao. Có như vậy mới tạo
điều kiện cho giáo dục toàn diện được. Ngày nay ở trên địa bàn toàn thành phố
có rất nhiều điểm dân cư không có khu đất vui chơi cho trẻ em, có nhiều trường
mẫu giáo và trường tiểu học chưa có phòng tập thể dục và phòng học nhạc, do đó
khó có thể đòi hỏi về giáo dục toàn diện được.
Các lực lượng thực thi trách nhiệm trong giữ gìn trật tự đô thị cũng cần có
phong cách lịch thiệp. Hiện tượng công an phường và đội trật tự đô thị đi bắt
hàng rong, đuổi bắt những người bán hàng gây ra sự phản cảm, tạo ra bất bình
trong người dân. Mặc dù chủ trương dẹp hàng rong và chợ cóc là đúng đắn, nhưng
thực hiện theo kiểu bắt bớ từng ngày, từng đợt sẽ gây nên tình trạng lộn xộn,
mất trật tự. Do đó mỗi quy định về quản lý phải kèm theo ngay giải pháp cho
người dân thực hiện. Ví dụ: một số tuyến đường cấm để xe trên vỉa hè ban ngày,
thì phải nghĩ ngay đến quy ước để xe ở đâu, không thể phó mặc cho từng nhà,
từng cửa hàng. Hoặc cấm tiểu tiện bừa bãi, nhưng phải có đủ nhà vệ sinh công
cộng phân bố hợp lý ở nhiều đường phố, mới có thể yêu cầu người dân tuân thủ
lệnh cấm ấy.
Hiện nay tại Thủ đô Hà Nội ta có thể bắt gặp từng ngày rất nhiều người nhất
là dân xe ôm, buôn bán nhỏ đi tiểu tiện ngay ở các vỉa hè. Đây là hành động
phản cảm, mất lịch sự không thể để tồn tại ở Thủ đô. Nhưng các nhà vệ sinh công
cộng tại Hà Nội lại rất hiếm và thường không được sạch sẽ, có mùi khó chịu tạo
ra tâm lý ngại vào nhà vệ sinh công cộng của người dân. So sánh thủ đô của các nước khác thì hệ
thống nhà vệ sinh của Hà Nội quá ít lại quá lạc hậu. Ví dụ: như ở thủ đô Seoul
của Hàn Quốc, có khoảng 300 nhà vệ sinh công cộng ở khu vực trung tâm Seoul, có
khoảng chừng 500m- 1.000m là có một cái, thậm chí có những nhà vệ sinh ở gần
cung điện được xây dựng có kiến trúc hoàn toàn giống kiểu cung điện, trông rất
đẹp.
Cần củng cố, hoàn thiện, phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế
văn hoá từ thành phố tới cơ sở. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của hệ
thống các nhà văn hóa quận, huyện, đoàn thể, trường học. Phát triển các hoạt
động, dịch vụ văn hoá hợp lý tại những di tích, danh thắng, vườn hoa, công
viên, quảng trường.
Giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá, góp phần giáo dục
truyền thống và thu hút khách du lịch. Đầu tư nhiều hơn cho việc tôn tạo, phân
cấp quản lý hệ thống các di tích ở Thủ đô.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thông tin, triển lãm, báo chí, xuất
bản, biểu diễn nghệ thuật. Thực hiện tốt cơ chế phối hợp quản lý, phát huy tiềm
năng của các cơ quan, trí thức, văn nghệ ở trung ương, các tình bạn đóng góp
vào sự nghiệp phát triển văn hoá - nghệ thuật ở Thủ đô.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hoá; xây dựng các biện pháp
đồng bộ, kiên quyết ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội, các hoạt động vi
phạm pháp luật trong các lĩnh vực dịch vụ văn hoá, các hành vi phi văn hoá.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trung ương, các địa phương trong công tác
tuyên truyền, vân động cán bộ, nhân dân đang sinh sống, làm việc ở Thủ đô chấp
hành những quy chế về nếp sống văn hoá của Thủ đô. Có cơ chế, chính sách phù
hợp để dầy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hoá để người dân thực sự vừa là
người sáng tạo, vừa là người tham gia tổ chức, quản lý, phân phối và hưởng thụ
các thành quả văn hoá.
Đổi mới về cơ chế và đầu tư toàn diện cho văn hoá về lãnh đạo, chỉ đạo công
tác quản lý, công tác cán bộ và ngân sách...tạo cho văn hoá bước chuyển rõ nét.
Từ đó đời sống tinh thần của người dân Thủ đô được nâng cao xứng đáng với Thủ
đô thanh lịch.
2- Xây dựng bồi
dưỡng phẩm chất là công việc của toàn xã hội cần được thực hiện đồng bộ.
Cần gây dựng và duy trì tốt nề nếp trong gia đình, tăng cường các hoạt động
giao lưu trong khu vực dân cư và thu hút mọi người dân tham gia.
Gia đình luôn là môi trường giáo dục đầu tiên của mọi người, với trẻ em
ngay từ khi mới sinh ra, trong gia đình cũng dễ dạy dỗ bảo ban nhau. Nếu mỗi
gia đình đều thực hiện được nề nếp giáo dục nghiêm túc, thì mọi người con của
gia đình đó khi tiếp xúc với xã hội sẽ rất dễ tiếp thu những giáo dục chung ở
nhà trường và ngoài xã hội. Phải hướng dẫn cho các gia đình về giáo dục toàn
diện cho trẻ, phối hợp tốt với nhà trường khi trẻ đi học, những cử chỉ cư xử lễ
phép, tôn trọng người khác, cũng như cách nói năng không dùng từ thô tục, cách
dùng các phương tiện trong ăn uống sinh hoạt hàng ngày... đều phải do gia đình
dạy bảo. Tuy nhiên việc giáo dục trẻ em không chỉ bó hẹp trong từng gia đình ,
mà cần có sự phối hợp chung của cộng đồng dân cư bằng những hoạt động chung của
tổ, cụm dân cư, nhất là những hoạt động vui chơi có tính giáo dục, nên thường
xuyên tổ chức vào ngày lễ tết, ngày hè.
Phải có sự thống nhất và đồng bộ trong giáo dục toàn diện ở nhà trường, các
lớp học, chú trọng đầy đủ đến nếp sống, lối sống, cách giao tiếp, lễ nghi, thái
độ đối xử. lời nói, văn minh đường phố.
Phương châm giáo dục của chúng ta từ trước đến nay vẫn là giáo dục con
người toàn diện, và đang cố gắng đầu tư xây dựng các trường học theo yêu cầu
phục vụ cho giáo dục toàn diện, cải cách chương trình giáo dục ở các cấp ngày
một hợp lý. Song việc thực hiện không phải là dễ dàng, bởi nhu cầu đầu tư quá
lớn, bởi có quá nhiều yêu cầu đặt ra cho giáo dục.
Bên cạnh việc chú trọng dạy tốt, học tốt ở trường thì cũng cần chú trọng
đến giáo dục tư cách đạo đức và nếp sống cho học sinh. Bởi hiện tai thời gian
đến trường đến lớp của các em nhiều hơn ở nhà. Học sinh phải được dạy biết tôn
trọng và giúp đỡ người khác, kính trên nhường dưới, biết cư xử đúng mực, hòa
nhã với mọi người tùy theo lứa tuổi, biết nói lời hay ý đẹp, biết giữ gìn văn
minh đường phố và nơi công cộng cũng như chính nhà của mình.
Các đoàn thể xã hội cũng có vai trò quan trọng trong việc hình thành và
phát huy những phẩm chất tốt đẹp của người Thủ đô. Trong những năm qua, cuộc
vận động xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã diễn ra sôi động ở Mặt
Trận Tổ Quốc thành phố và các đoàn thể nhân dân. Mặt trận Tổ Quốc thành phố với
phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo” đã thu hút đông đảo các
gia đình tham gia. Cho đến nay, phong trào này vẫn tiếp tục được đẩy mạnh, góp
phần nâng cao giáo dục truyền thống, đạo lý trong quan hệ gia đình, cộng đồng
và xã hội.
Hội Liên Hiệp phụ nữ Hà Nội phát động phong trào xây dựng người Phụ nữ Thủ
đô “trung hậu- sáng tạo- đảm đang- thanh lịch” trên cơ sở phát huy những phẩm
giá tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới.
Liên Đoàn Lao động thành phố hướng dẫn các đơn vị cơ sở thảo luận, góp ý
xây dựng tiêu chuẩn “ Người công nhân lao động Thủ đô văn minh- thanh lịch -
hiện đại”, tổ chức lễ phát động cuộc vận động xây dựng “Nếp sống văn hóa công
nghiệp” trong công nhân, viên chức lao động Thủ đô.
Hội cựu chiến binh Hà Nội với phong trào xây dựng “Hội trong sạch vững
mạnh, hội viên gương mẫu, gia đình hội viên văn hoá”.
Nhìn chung, Hà Nội đã tiến hành xây dựng văn hoá người Hà Nội từ “Lời nói
hay, làm việc tốt, ứng xử đẹp”, rồi tuyên truyền, khen thưởng những tấm gương
“người tốt việc tốt”. Khơi dậy phong trào xã hội sâu rộng, tinh thần trách
nhiệm cao của các bậc ông bà, cha mẹ, anh chị, và mọi người nói chung đối với
việc giáo dục, đào tạo, vun đắp tương lai cho thế hệ trẻ Thủ đô.
3- Đẩy mạnh tuyên
truyền mở rộng giao lưu
Hà Nội mở rộng quan hệ giao lưu văn hoá với các địa phương trong nước là để
trao đổi, học tập, tiếp thu những nét văn hoá, đạo đức và lối sống ở các vùng,
các dân tộc nhằm bồi đắp cho phẩm chất người Hà Nội.
Thủ đô Hà Nội chủ động giao lưu, tiếp cận với nền văn hoá của các dân tộc
trên thế giới nhằm đưa các giá trị phổ quát của nhân loại vào văn hoá đạo đức
và lối sống của người Hà Nội. Tiếp thu tinh hoa về lối sống đẹp của thời đại
như tinh thần đồng thuận, cộng sinh cộng tồn, tác phong lao động có kỷ luật
cao, làm ra làm, chơi ra chơi, tôn trọng sự khác biệt... Đó là những đức tính
mà người Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng còn rất thiếu, bởi ảnh
hưởng của sản xuất nông nghiệp nhỏ, lạc hậu tồn tại từ nghìn năm.
Chú trọng đến phát huy vai trò của thông tin đại chúng và tạo dư luận xã
hội để giữ gìn, xây dựng lối sống văn hoá và đấu tranh với những thói xấu không
văn hoá.
Những nét đẹp của lối sống và văn hoá truyền thống của người Hà Nội cần
được phổ biến đến đông đảo người dân bằng nhiều hình thức để từ đó gọi mở cho
mọi người suy nghĩ và hành động hướng tới cái đẹp.
Dùng các phương tiện thông tin đại chúng và các hoạt động tuyên truyền
khác, nhằm tạo ra dư luận xã hội học tập, noi theo các giá trị, lối sống văn
hóa, đồng thời còn tạo ra dư luận xa hội lên án mạnh mẽ, đấu tranh chống lại
những mặt tiêu cực của lối sống phi văn hóa trên đất thủ đô nghìn năm văn hiến.
4- Tổ chức đời sống
khoa học văn minh, xây dựng xã hội tinh thần phong phú
Cần xây dựng hệ tư tưởng, tâm lý đạo đức hướng thiện, giữ vững đề cao các
chuẩn mực xã hội, nhằm tạo ra trong giới trẻ một ý chí, nghị lực vươn tới cái
đẹp, cái lý tưởng. Ví như gần đây cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” đã gây ra sự
xúc động mạnh có sức tác động và gây ảnh hưởng lớn đối với mọi tầng lớp xã hội
đặc biệt là giới trẻ thủ đô. Vấn đề đặt ra là chúng ta cần biết khơi dậy những
phẩm chất tốt đẹp, chân thật của những gương người tốt thì tác dụng giáo dục sẽ
có hiệu quả rất lớn.
Tuyên truyền vận động nhân dân sống và làm việc theo pháp luật, xây dựng
nếp sống, làm việc khoa học, văn minh lịch thiệp ở các cơ quan công sở. Việc
tuân thủ pháp luật là yếu tố quyết định đến các cư sử, đến sự văn minh, tiến bộ
của con người hiện đại.
Đối với những cơ quan hàng ngày tiếp xúc với dân, cần công tâm tránh phiền hà, sách
nhiều. Giảm bớt những thủ tục hành chính quan liêu, nghiêm khắc với những cán
bộ vi phạm để người dân không ngại, không né tránh pháp luật.
Thực hiện tốt phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, tạo
ra môi trường tốt, giáo dục lối sống ứng xử nền nếp trong giao tiếp hàng ngày.
Tạo ra nhiều sân chơi bổ ích, hấp dẫn đối với giới trẻ để họ có nơi thể
hiện bản lĩnh, cái tôi của mình, qua đó mà định hướng giáo dục họ hướng tới cái
chân - thiện - mĩ.
Trên đây là 4 đề pháp của người viết để Hà Nội và người Hà Nội bảo tồn được
những giá trị tinh thần đẹp đẽ của Hà Nội nghìn năm văn hiến.
*.
Hà Nội, ngày 15 tháng 08 năm 2015
VŨ THỊ HƯƠNG MAI
Địa
chỉ: Khu tập thể Tổng công ty 319
Long Biên - Hà Nội.
Email:
huongmai8081@yahoo.com.vn
........................................................................................
- © Tác giả giữ bản
quyền.
- Cập nhật theo nguyên
bản của tác giả gửi qua email ngày 31.08.2015
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét