MỜI ĐỌC:

Thứ Năm, 17 tháng 9, 2015

NHỮNG ĐỀN, CHÙA CHÍNH TRONG QUẦN THỂ CHÙA HƯƠNG - Tác giả: Đặng Xuân Xuyến

(Nguồn ảnh: internet)
NHỮNG ĐỀN, CHÙA CHÍNH
TRONG QUẦN THỂ CHÙA HƯƠNG
*
(trích từ VÀO CHÙA LỄ PHẬT NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT, 
Đặng Xuân Xuyến ; Văn Hóa Thông Tin ; 2006

Khu di tích quần thể chùa Hương gồm rất nhiều ngôi chùa cổ kính được xây dựng theo kiến trúc Phật Giáo thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội), kéo dài từ bến đò Yến Vĩ, dọc theo suối Yến qua đền Trình, núi Mâm Xôi, núi Oản, núi Voi Phục, bến Thiên Trù ...
*. Đền Trình
Theo suối Yến đi vào điểm đầu tiên du khách bắt gặp chính là đền Trình, còn gọi là đền Quan Lớn hoặc đền Ngũ Nhạc, nằm bên phải suối Yến. Nơi đây được gọi là đền Trình vì tất cả khách hành hương trước khi đi vãn cảnh Hương Tích đều phải vào đây để trình lễ với Sơn Thần. 
Đền Trình thờ ông Hiển Quang - một bộ tướng của Hùng Vương thứ 16 - đã có công trừ giặc giúp dân.
*. Chùa Thiên Trù
Chùa Trò, tức chùa Ngoài, tên chữ là Thiên Trù (Bếp Trời) là được đặt từ thời Lê Thánh Tông. Tương truyền khi vua Lê Thánh Tông đi tuần phủ qua đây đã cho quân lính nghỉ ở một thung lũng rất đẹp và nấu cơm ăn. Vốn là người biết xem thiên văn, địa lý, ngay lập tức vua nhận ra vùng đất hữu tình này thuộc địa phận sao Thiên Trù - sao chủ về sự ăn uống nên vua đặt tên chùa là chùa Thiên Trù.
Xưa chùa được xây dựng công phu và đồ sộ với hơn 100 nóc. Trong kháng chiến chống Pháp, chùa đã bị phá huỷ gần như hoàn toàn. Hiện nay tại khu vực chùa xưa vẫn còn một vườn tháp, trong đó đáng chú ý là hai công trình nghệ thuật đất nung thế kỷ XVII: Thiên Thủy Tháp và Viên Công Bảo Tháp.
*. Chùa Tiên Sơn:
Chùa Tiên Sơn được xây dựng vào năm Chính Hoà thứ 7 (1687) trên núi Tiên Sơn và nằm trong một động đá rất đẹp nên chùa còn gọi là động Tiên Sơn. 
Hiện trong động Tiên Sơn vẫn còn bút tích cũ của chúa Trịnh Sâm đề thơ và 5 pho tượng đá trắng. Trên vách động có rất nhiều nhũ đá và phía sau chùa là một tượng voi cũng bằng đá.
*. Chùa Giải Oan:
Chùa có niên đại với chùa Tiên Sơn (năm Chính Hoà thứ 4- 1687). Trong chùa có giếng Giải Oan nước trong và mát. 
Theo truyền thuyết thì giếng Giải Oan chính là nơi Đức Phật Bà Quan Âm đã tắm để tẩy sạch bụi trần trước khi vào cõi Phật.
*. Đền Cửa Võng:
Là đền thờ Bà chúa Thượng Ngàn - người cai quản toàn bộ rừng núi của vùng Hương Sơn này. Đền cũng là nơi ở của những Ngọc nữ, những người thường xuyên mang tin tức từ chùa Thiên Trù (chùa Ngoài) vào động Hương Tích (chùa Trong).
*. Động Hương Tích
Đây là điểm chính của toàn thể khu di tích và được mệnh danh là "Nam thiên đệ nhất động". Hình dáng của động như miệng của một con rồng lớn đang há. 
Trên vách động có toà Cửu Long bằng nhũ đá và tượng Phật Bà Quan Âm bằng đá xanh được tạc từ thời Tây Sơn. Hiện nay trên vách núi trước cửa động vẫn còn có dòng chữ "Nam thiên đệ nhất động".
Hội chùa Hương bắt đầu vào ngày 6 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch.

. .....................................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét