(Phủ Giầy ; Nguồn ảnh: internet) |
PHỦ GIÀY VÀ
TÍN
NGƯỠNG THỜ MẪU
*
(trích
từ VÀO CHÙA LỄ PHẬT NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT,
Đặng
Xuân Xuyến ; Văn Hóa Thông Tin ; 2006
Phủ Giầy là tên gọi của quần thể di tích tín
ngưỡng truyền thống của người Việt thuộc xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam
Định.
Phủ Giầy trước có tên cổ là Kẻ Giầy, cho tới
khi bà Chúa Liễu Hạnh được suy tôn là Mẫu nghi Thiên hạ thì Kẻ Giầy được đổi
thành Phủ Giầy.
Trong quần thể di tích Phủ Giầy có 2 đền
(Phủ) lớn, gắn chặt với tín ngưỡng thờ Mẫu là: Phủ Tiên Hương (Chính phủ) và phủ
Vân Cát.
- Đền
(Phủ) Tiên Hương:
Trước Phủ là một giếng tròn ở giữa có cột cờ,
rồi đến một sân rộng nối với hệ thống nghi môn trụ, trên đỉnh đắp chim phượng
và lân. Tiếp đến là ba tòa nhà ngang: nhà bia, nhà trống, nhà chiêng. Một hồ
bán nguyệt có lan can thấp bao quanh, có bình phong và hai cầu vượt đều bằng
đá.
Điện thờ chính, thờ hệ thống Mẫu Tứ Phủ.
Mẫu Thượng Thiên (trời) ớ giữa, Mẫu Địa (đất) ở bên phải, Mẫu Thoải (nước) ở
bên trái, Mẫu Thượng Ngàn (núi, rừng) ở phía trước.
Theo tầm phả thì Tiên Hương là quê chồng của
bà chúa Liễu Hạnh.
- Đền
(Phủ) Vân Cát:
Phía trước Phủ Vân Cát là hồ bán
nguyệt, rồi tới ngũ môn uy nghi. Trung tâm là nơi thờ Chúa Liễu Hạnh. Khu
vực bên trái là chùa thờ Phật, bên phải là đền thờ Lý Nam Đế.
Ngoài hai phủ chính trên, còn một loạt đền
miếu khác như đền Khâm Sai, đền Thượng, đền Đức Vua. đền Công Đồng, đền Giếng
Gàng, đền Cây Đa, đình Ông Khổng, Phủ Tổ, làng Mẫu…
Thánh Mẫu Liễu Hạnh là một nhân vật vừa là
thiên thần, vừa là nhân thần với những huyền thoại dày đặc yếu tố kỳ ảo. Theo
thần tích hay các gia phả, tầm phả còn chép thì bà Chúa Liễu Hạnh sinh năm 1557
tại làng Vân Cát, xã Vân Cát, huyện Vụ Bản, phủ Nghĩa Hưng (nay là xã Kim Thái,
huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) là con của ông Lê Công Chính và bà Trần Thị Phúc.
Năm 18 tuổi bà lấy ông Đào Long ở làng Tiên Hương gần kề với làng Vân Cát. Bà
mất năm 1577, không rõ lý do, để lại một con thơ.
Miếu thờ bà hiện nay được lập ở hai làng Vân
Cát và Tiên Hương thuộc xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
Theo truyền thuyết về Thánh Mẫu Liễu Hạnh thì
đời thứ nhất Mẫu giáng sinh tại thôn Quảng Nạp, xã Vỉ Nhuế, huyện Thái An, phủ
Nghĩa Hưng, trấn Sơn Nam, trong nhà thái ông họ Phạm, hiệu là Huyền Viên, thái
bà hiệu là Thuần. Ở đời này mẫu luôn giữ chữ Trinh hiếu thảo thờ phụng cha mẹ,
sau trở về chốn linh tiêu. Mẫu tại thế từ năm Giáp Dần niên hiệu Thiệu Bình
nguyên niên (1434) cho tới năm Quí Tỵ niên hiệu Hồng Đức thứ 4 (1473). Đời thứ
hai, mẫu giáng sinh vào nhà thái công họ Lê tại xã Vân Cát, huyện Vụ Bản, phủ
Nghĩa Hưng. Thái công họ Lê tên húy là Đức Chinh. Tới tuổi trưởng thành, Mẫu
được gả cho Trần Đào Lang ở thôn An Thái (sau đổi là Tiên Hương), sinh được một
con trai tên là Nhâm. Ở kiếp này, Mẫu tại thế từ năm Đinh Tỵ niên hiệu Thiên
Hựu nguyên niên (1555) cho tới năm Đinh Sửu niên hiệu Gia Thái thứ 5 (1577).
Đời thứ ba, Mẫu giáng sinh tại xã Tây Mỗ, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, lấy
chồng họ Mai (là tái hợp với hậu thân của Đào Lang), sinh được một con trai tên
là Cổn, được hơn một năm, Mẫu quay gót trở về đế hương. Sau Ngọc hoàng chuẩn
cho mẫu được trắc giáng xuống cõi trần thường xuyên tiêu dao khắp nơi, được
miễn vòng sinh tử luân hồi.
Thánh Mẫu Liễu Hạnh được tôn vinh trong hệ
thống tứ bất tử, được thờ ở rất nhiều nơi như phủ Giầy (Nam
Định), phủ Tây Hồ (Hà Nội), đền Dâu Tam Điệp (Ninh
Bình), đền Sòng (Thanh Hóa), đền Phủ Giày (Thành phố Hồ Chí Minh) ...
trong đó, phủ Giầy ở Vụ Bản Nam Định là nơi quan trọng
nhất.
Lễ hội Phủ Giầy được tổ chức hàng năm từ ngày
mồng 1 đến mồng 10 tháng 3 âm lịch. Ngoài những hình thức lễ thông thường như ở
các di tích tôn giáo khác thì lễ ở các di tích thờ Mẫu nói chung và Phủ Giầy
nói riêng còn có thêm hình thức đặc biệt là hầu đồng (hầu bóng).
Hầu bóng gắn với hát văn và múa thiêng là
hình thức lễ phổ biến nhất ở Phủ Giầy. Người ta quan niệm rằng một số người
thuộc số “căn” sẽ có khả năng giao tiếp với thần linh, có thể được Thánh nhập
vào thân xác của họ để trừ tà, ban lộc, ban phúc hoặc phán truyền cho “con
nhang đệ tử” những lời giáo huấn, răn dạy... Để chuẩn bị cho một buổi hầu đồng,
họ phải chuẩn bị khá kỹ và khá tốn kém từ việc chọn ngày tốt chọn người hầu
dâng và cung văn đến việc mua sắm trang phục, mua đồ lễ... Tùy điều kiện kinh
tế mà quần áo, đồ lễ sang trọng hay bình dân, nhiều hay ít.
Hầu bóng diễn ra liên tục trong năm, nhưng có
thể nói, hình thức lễ bái, đội bát nhang, trình đồng, lên đồng diễn ra đặc biệt
sôi nổi trong các ngày hội.
Trong những ngày lễ hội Phủ Giầy, những hoạt
động như: Rước kiệu Mẫu Liễu, kéo chữ, hát chầu văn (là một nghi thức không thể
thiếu trong các nghi lễ chính của tục thờ Mẫu, phục vụ cho lễ lên đồng).... thu
hút được rất nhiều tham gia và cổ vũ tán thưởng.
Lễ rước được diễn ra khá náo nhiệt với sự
tham gia của các nam nữ thanh đồng. Đám rước diễn ra trong không khí hào hứng,
đầy nhiệt tình của dòng người náo nhiệt trải dài. Trong đám rước còn có sự xuất
hiện của các đội múa rồng, múa sư tử, múa tứ linh, múa võ rất đẹp mắt. Đặc
biệt, trong đám rước từ Phủ Tiên Hương còn có 3 con rồng được kết bằng hàng
nghìn quả bóng bay với ba màu đỏ, xanh, vàng tượng trưng cho Tam tòa Thánh Mẫu
trông rất sinh động.
Ngày 7 tháng 3 (âm lịch) là ngày chính hội
Phủ Giầy, cũng là ngày giỗ Thánh Mẫu Liễu Hạnh.
.
.....................................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Copy bài tại trang: https://tienglongnguoixaque.blogspot.com/
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét