THƯƠNG THƯƠNG - NGƯỜI
TÌNH KHÔNG CÓ THỰC
CỦA HÀN MẶC TỬ
Không hề có một người con gái nào giống như người con gái Hoàng Thị Kim Cúc
như người con gái Mộng Cầm, như người con gái Mai Đình, Ngọc Sương, có xương có
thịt hẳn hoi để Hàn Mặc Tử yêu thương mong nhớ đau khổ, si tình, mang tên là
Thương Thương cả.
Cái tên Thương Thương chỉ là lấy mượn tên một em nhỏ học sinh mười hai
tuổi, người Huế, em ruột Trần Tái Phùng và là cháu ruột gọi Trần Thanh Địch
bằng chú.
Ông Trần Thanh Địch đã làm một việc gần giống như thi sĩ Bích Khê đã làm.
Thi sĩ Bích Khê vì thương Hàn Mặc Tử đau khổ trước việc Mộng Cầm đi lấy chồng
mà gửi ảnh của mình chụp cùng bà chị Ngọc Sương để an ủi gây men tình sống
trong lòng Hàn Mặc Tử. Còn Trần Thanh Địch thì mượn cái tên một cô bé con để
bịa ra một hình ảnh Thương Thương hòng làm dịu nỗi buồn của Hàn Mặc Tử lòng làm
dịu thỉnh thoảng, Trần Thanh Địch lại gửi thư cho Hàn Mặc Tử, sau khi đã giới
thiệu rằng "có một người đẹp rất yêu quý thơ của Hàn Mặc Tử".
Người đẹp không có thực đó được mang tên là Thương Thương. Lời lẽ trong thư
là lời đứng đắn đoan trang. Tên trong thư được ký là một cái tên thơ mộng kiều
diễm. Tình trong thư là tình thơm thảo thiết tha. Vì thế Hàn Mặc Tử đem lòng
yêu mến, say đắm đến nỗi quên cả Mộng Cầm. Thi sĩ Quách Tấn đã lập luận như
sau: "Trước kia, nếu Mai Đình đừng đến gần Tử, chỉ ở xa mà yêu, thì biết
đâu Tử lại không yêu da diết như đối với Thương Thương. Vì thi nhân là người đi
tìm cái đẹp trong mơ, trong mộng nhiều hơn trong thực tế. Cho nên chỉ say sưa
với những gì xa xôi, những gì không với được, những gì triển khai trí tưởng
tượng, càng nhiều càng hay".
Đã thế, Hàn Mặc Tử còn phong cho Thương Thương cái danh hiệu "nguồn thơ
bất tuyệt" trong một bức thư viết cho Thương Thương... vô hình nhưng
theo địa chỉ do Trần Thanh Địch nặn ra: "Thương Thương! Cái tên thi
vị quá chừng Thương Thương là một bài thơ, hơn nữa, một nguồn thơ bất tuyệt.
Những hàng chữ đơn sơ của chị càng rung cảm được tâm hồn anh. ở lòng anh có
Thương Thương nghĩa là có thơ, có nguồn thơ vĩnh viễn đấy".
Đây cũng là một "tâm lý liệu pháp" y như kiểu chữa bệnh bằng tâm
lý vui sướng tin tưởng thì bệnh chóng khỏi: Hàn Mặc Tử yêu say đắm Thương
Thương thì quên hết gian lao khổ ải ở đời như lời thi sĩ đã thổ lộ với người
yêu mộng tưởng Thương Thương, trong một bức thư gửi cho "nàng". Chính
nhờ cái "nguồn thơ bất tuyệt" Thương Thương kia mà Hàn Mặc Tử đã soạn
một tập thơ, trước định lấy đầu đề là Thương Thương nhưng nghĩ có điều bất tiện
nên đổi thành Cẩm Châu Duyên. Hàn Mặc Tử cũng từ cảm hứng "nguồn thơ bất
tuyệt Thương Thương" ấy mà viết được hai vở kịch thơ là Duyên Kỳ Ngộ và
Quân Tiên Hội.
Hàn Mặc Tử đã viết về Thương Thương trong Cẩm Châu Duyên như sau:
Chiều nay tàn tạ hồn hoa
Nhớ Thương Thương quá xót xa tâm bào.
Tiếng buồn đem trọn tiêu dao.
Bóng em chờn chợn trong bao nhiêu màu
Hàn Mặc Tử đã xây dựng hai nhân vật tiên trong hai giấc mộng tình. Hai giấc
mộng tình đó là hai vở kịch thơ. Duyên Kỳ Ngộ và Quần Tiên Hội. Hai nhân vật
trong hai vở đó là hoá thân của hai người tình của nhau: Thương Thương bằng
nhân vật Quỳnh Tiên và Hàn Mặc Tử bằng nhân vật Huyền Tiên.
Duyên Kỳ Ngộ nói lên thi sĩ đi tìm nguồn thơ đã lạc vào cảnh tiên. Một tiên
nga trong trắng và ngây thơ xuất hiện. Đó là Thương Thương. Hai bên gặp nhau
trao duyên dưới một trời đầy hoa, đầy hương, đầy tiếng suối... Nhưng thi sĩ sực
nhớ đến hoàn cảnh của mình liền từ biệt tiên nga ra đi trong tiếng tiêu tiễn
đưa.
Quần Tiên Hội là một giấc mộng tiếp theo giấc mộng Duyên Kỳ Ngộ. Nội dung
nói rằng: "Thương Thương vốn thực là một nàng tiên tên là Quỳnh Tiên. Vì
trong Duyên Kỳ Ngộ, Hàn Mặc Tử (thi sĩ) buộc phải từ biệt Thương Thương, nên
chàng buộc phải đi tu để giải nỗi sầu nhân thế. Chàng thành chính quả đắc đạo
thành tiên nhưng cải trang làm tiên nữ lấy tên là Huyền Tiên. Vì Quỳnh Tiên
(Thương Thương) gia nhập Quần Tiên hội nên Huyền Tiên (Hàn Mặc Tử) cũng xin gia
nhập Quần Tiên hội.
Trong hội Bàn Đào, sau khi uống rượu thần, các cô tiên xuống tắm nơi hồ sen
Huyền Tiên không tắm mà chỉ ngắm Quỳnh Tiên. Sau buổi tắm, vốn biết Huyền Tiên
là người tình tri âm của mình cải trang nên đã mời cùng nhảy múa. Hai tiên vừa
nhảy múa vừa trao đổi tâm tình. Khi nhận rõ nhau thì say mê ôm hôn nhau đắm
đuối. Như thế là vô ý đã để lộ chân tướng của Huyền Tiên đã cải trang thành
tiên nữ.
Đáng lý Hàn Mặc Tử còn viết tiếp vở kịch, thơ trữ tình Quần tiên hội này
nhưng vì được người cho biết là "cô gái Thương Thương không có thực trong
đời sống, đó chỉ là sự an ủi của bạn bè muốn làm dịu nỗi đau thất tình đối với
Mộng Cầm" nên Hàn Mặc Tử... tỉnh mộng.
Những người gieo ra hình mộng ảo Thương Thương, lo sợ một ngày kia, cô bé
Thương Thương được mượn tên kia, lớn lên, sẽ bị gây sắc rối khó chịu cho tâm tư
và cuộc sống, nên họ vội chấm dứt trò mơ mộng này.
Vì "tỉnh mộng" nên nguồn thơ cũng cạn dứt. Hàn Mặc Tử chán chường
trước cái bóng người tình mộng tan vỡ như bong bóng nên đã thôi không viết tiếp
cho xong vở này. Mặc dù Trần Tái Phùng khuyên nhủ nên hoàn thành tác phẩm, Hàn
Mặc Tử vẫn không sao viết nổi.
Bóng mộng tình yêu Thương Thương đã tan rồi! Chỉ còn chút hình ảnh người
tình mộng tưởng trong thơ Hàn Mặc Tử mà thôi.
*.
Viết: Mùa xuân Bính tý 1996
PHAN HUY ĐÔNG
.
…………………………………………………………………………
- © Công ty T.N.H.H Văn Hóa Bảo Thắng giữ bản quyền.
- Cập nhật theo bản lưu trữ tại Công ty T.N.H.H Văn Hóa Bảo Thắng.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét