MỜI ĐỌC:

Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2015

CHU VĂN AN - Nhà giáo, nhà nho chân chính - Tác giả: Nguyễn Xuân (Hưng Yên)

- CHU VĂN AN - Nhà nho chân chính -
CHU VĂN AN
- Nhà giáo, nhà nho chân chính
*
Thầy Chu Văn An (1292 - 1370), còn gọi là Chu An, Chu Văn Trinh, quê ở thôn Văn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội). Chu Văn An là người tài giỏi, đức độ nên được nhiều người kính trọng. Đời vua Trần Minh Tông ông được giao giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám và phụ trách việc dạy dỗ các Hoàng tử, Vương tôn. Đến đời vua Trần Dụ Tông, ông dâng  sớ xin chém đầu bảy tên nịnh thần nhưng không được chấp nhận nên cáo quan về ở ẩn tại núi Phượng Hoàng (thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương ngày nay). Khi Trần Nghệ Tông lên ngôi đã sai người mời ông ra làm quan nhưng ông chỉ vào triều chúc mừng mà không chịu nhận chức tước. Khi ông mất Trần Nghệ Tông truy phong là Văn Trinh Công rồi cho thờ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Ngay từ những năm tháng Chu Văn An còn sống, triều đình và người dân Đại Việt đã luôn ca ngợi phẩm chất thanh cao tuyệt vời của ông và đã nhất trí tôn ông là một người thầy vĩ đại. Khi ông mất triều đình nhà Trần đã đưa ông vào thờ ở Văn Miếu, như vậy là đã xem ông ngang hàng với những bậc thánh nhân. Các đời vua sau cũng đề cao vai trò giáo dục của ông và vẫn giữ nguyên vị trí trang trọng của ông trong Văn Miếu. Quan Tư đồ Trần Nguyên Đán cũng nhận xét: Nhờ có ông mà "bề học xoay vần, phong tục trở lại thuần hậu". Trong dân gian, ông được mọi người coi là Thánh, nhân dân thờ ông làm Thành Hoàng và gọi ông là Thánh Chu. Rõ ràng trong lịch sử nước ta có những Đức Thánh Võ như Thánh Gióng, Thánh Trần thì cũng có những Thánh Văn tương ứng. Thánh Văn đó là một nhà nho, một nhà giáo - thầy Chu Văn An. Hiện nay, những di tích có liên quan đến ông đều gắn liền với uy danh của người thầy giáo như: đền Thanh Liệt, đền Văn Điển, Văn Miếu, đền Phượng Sóc, mả Thuồng Luồng, Lân Đàm... Quả thực, vị trí của Chu Văn An trong lịch sử giáo dục Việt Nam đã được khẳng định.
Nói chung, cuộc đời và sự nghiệp của Chu Văn An có thể khái quát qua những điểm lớn sau:
Chu Văn An - một vị quan chính trực
Chu Văn An được bổ làm quan nhưng thực ra ông không phải là một vị quan chuyên trách chính sự, không phải là một vị quan điều hành đất nước mà là một vị quan được giao quản lý trường Quốc Tử Giám (tương đương với Hiệu trưởng trường Đại học ngày nay). Tuy là một vị học quan nhưng ông vẫn luôn quan tâm đến vận mệnh đất nước. Sinh trưởng trong buổi đất nước đang bước vào hồi suy thoái, Chu Văn An sớm nhận thức được sự đảo điên của xã hội. Ông nhìn thấy và bất bình trước những hoạt động vô trách nhiệm của lũ quan lại, căm giận những sự lũng loạn của bọn gian thần... Trước cảnh đó, có nhiều nhà nho tuy bất bình nhưng không dám nói ra mà chỉ nhắm mắt làm ngơ. Chu Văn An không như vậy. Với bản tính thẳng thắn, cương trực, dám nói dám làm, ông đã viết một bản tấu xin vua Trần Dụ Tông chém đầu 7 tên gian thần. Bản tấu đó chính là bản "Thất trảm sớ" nổi tiếng trong lịch sử nước ta. Hiện nay người ta chưa thu thập được tài liệu để có thể xác định được nội dung của tờ sớ nên chưa thể biết được Chu Văn An viết như thế nào, 7 tên gian thần đó là ai... Nhưng quả thật, "Thất trảm sớ" đã gây một tiếng vang lớn trong triều cũng như trong dân gian. Người ta đánh giá rằng "Thất trảm sớ, lòng trung nghĩa động đến đất trời". Ngay cả bọn gian thần bị vạch mặt chỉ tên cũng cuống cuồng lo sợ... Tuy nhiên, thật đáng tiếc là vua Trần Dụ Tông đã không chấp nhận bản sớ đó và lũ gian thần lại tiếp tục hoành hành. Có lẽ vận số của nhà Trần đã hết nên những lời trung nghĩa của ông đã bị phủ nhận. Tờ sớ không đem lại kết quả, Chu Văn An chán nản bỏ quan trường về quê ở ẩn và tuyệt giao với chính quyền phong kiến. Chu Văn An hết lòng đấu tranh cho chính nghĩa, vì nước vì dân nhưng không thể làm biến đổi được dòng nước đục nên tự ông phải lánh đục tìm trong. Ông quay về sống trong sự tĩnh lặng thanh cao và tuyệt giao với những thói ô trọc của cuộc đời. Về sau triều đình mời ông trở lại làm quan nhưng ông kiên quyết không ra. Nhà vua lại ban quà cáp, ông bất đắc dĩ phải nhận nhưng sau đó không dùng mà chia cho tất cả mọi người. Quả thực, Chu Văn An đã giữ vững được tiết tháo cao cả của mình. Điều đó khiến cho triều đình nể sợ, nhân dân kính phục.
Chu Văn An - một nhà Nho chân chính
Chu Văn An là một nhà Nho có khá nhiều trước tác nhưng cho đến nay người ta chưa tìm được những trước tác đó. Những tác phẩm đạo đức, học thuyết của Chu Văn An đến nay không còn nhưng trong sử sách có nhắc đến bộ "Tứ thư thuyết ước" của ông. Theo sử sách thì bộ "Tứ thư thuyết ước" là một bộ sách nói lên đầy đủ và trung thành những tư tưởng của Nho giáo chính thống dựa theo Tứ thư của Nho gia (Luận Ngữ, Mạnh Tử, Đại học, Trung dung). Học giả Huỳnh Thúc Kháng cho rằng: "Tư tưởng của Chu An không giống Tống Nho" (nghĩa là đúng theo tinh thần cơ bản của Nho giáo nguyên thuỷ). Có một điều kỳ lạ là tuy không mấy ai được đọc bộ sách này nhưng mọi người đều nhất trí với các nhận định trên mà chẳng hề có sự ngờ vực hay phản bác. Người ta lý giải rằng sở dĩ có được điều đó là vì trong quá trình giảng dạy của mình, Chu Văn An đã làm mọi người thấm nhuần giáo lý cơ bản của Nho gia. Do đó, dù không đọc được tác phẩm nhưng người ta vẫn có thể xác định được những đường lối cơ bản của ông. Quả thực, đó là một thành công đặc biệt của ông mà ít người có được. Và cũng xin nói thêm rằng sở dĩ nhân dân ta thấm nhuần giáo lý Nho gia nguyên thuỷ là vì tư tưởng đó phù hợp với truyền thống đạo đức, văn hoá  của người Việt Nam. Và trong bóng tối của sự thối nát thời bấy giờ, gương sáng tư tưởng Nho giáo của Chu Văn An ngày càng rực rỡ.
Chu Văn An - một hồn thơ trong sáng
Trong cuộc đời mình, bên cạnh việc dạy học và nghiên cứu kinh điển Nho gia, Chu Văn An cũng đã làm được khá nhiều thơ. Ông có tập thơ: "Tiền ẩn thi tập" bằng chữ Hán và "Quốc ngữ thi tập" bằng chữ Nôm. Tuy nhiên những tác phẩm này hầu hết đã bị thất truyền, chỉ còn sót lại khoảng 11 bài. Người ta đã căn cứ vào đó để đánh giá được về tài năng thơ ca của ông. Chu Văn An quả thực có tâm hồn thi sỹ, tình cảm của ông đối với con người, với thiên nhiên luôn đậm đà, thắm thiết.
Tâm hồn ông luôn vươn tới sự thanh tịnh tuyệt đối, ông luôn thể hiện mình là người cao thượng không gợn chút bụi trần. Chu Văn An yêu giếng khơi vì giếng luôn luôn không gợn sóng, ông yêu đám mây lẻ loi trên bầu trời vì nó tự do phân tán, ông yêu hoa sen vì nó gần bùn mà không hôi tanh mùi bùn và nhạt nhoà hương sắc. Người ta đã tóm tắt được hồn thơ của Chu Văn An qua hai câu thơ:
"Thân dữ cô vân trường luyến tụ
Tâm đồng cổ tỉnh bất sinh lan".
Nghĩa là:
Đời như đám mây lẻ ngừng mãi trong không gian.
Lòng như nước giếng xưa, không bao giờ gợn sóng.
Chu Văn An - một người thầy mẫu mực
Cuộc đời của Chu Văn An, cho dù trải qua bao nhiêu thăng trầm thì bản chất luôn là một thầy giáo mẫu mực. Khi làm quan ông được phụ trách trường Quốc Tử Giám - nơi đào tạo những nhân tài cho đất nước, khi về quê ở ẩn ông lại tiếp tục theo đuổi nghề dạy học cao quý. Với tư cách thầy giáo, ông được đánh giá là nhà sư phạm toàn diện nhất trong lịch sử đất nước ta. Trước Chu Văn An cũng đã có nhiều người thầy có tiếng, sau Chu Văn An lại càng có nhiều người tài cao đức cả nhưng quả thực, không ai có thể sánh được với Chu Văn An. Chúng ta có thể tóm tắt được một số đặc điểm về người thầy giáo trong con người Chu Văn An.
- Trong suốt cuộc đời hành nghề giáo dục, Chu Văn An đã dạy hầu hết các học sinh từ thấp đến cao, từ bình dân đến quý tộc. Ông đã từng phụ trách việc giảng dạy ở trường Quốc Tử Giám (dạy con em Hoàng tộc, Tôn thất nhà Trần). Ông đã từng mở ngôi trường Huỳnh Cung (huyện Thanh Đàm - quê của Chu Văn An) và dạy dỗ cho hàng ngàn học trò. Chính nhờ sự nổi tiếng ở ngôi trường này mà ông được mời về triều làm quan Tư nghiệp Quốc Tử Giám.
- Chu Văn An nỗ lực giảng giải các học thuyết kinh điển của Nho gia, tạo điều kiện để đưa lý thuyết Khổng Mạnh đi dần đến chỗ độc tôn. Chúng ta biết rằng dưới thời Lý, Trần, đạo Phật được coi là quốc giáo. Nhiều vị vua đi sâu nghiên cứu Phật học và đã sáng tạo ra những lý thuyết đặc trưng cho Phật giáo Việt Nam và trong dân chúng cũng có rất nhiều người mộ đạo. Vì vậy việc đưa một hệ tư tưởng khác thành một vị trí quan trọng là điều rất khó. Thế mà Chu Văn An đã làm được điều đó khiến cho tầng lớp vua quan sùng nho sau này phải biết ơn ông. Lúc sinh thời người ta không thấy Chu Văn An phản đối Phật giáo nhưng những học trò được ông đào tạo lại là những người tích cực trong việc bài bác Phật giáo. Bài Phật để tôn Nho, đó chính là ý chí, là phương hướng mà Chu Văn An đã dạy cho họ. Thế mới thấy được cái vi diệu trong cách giảng giải của Chu Văn An.
- Chu Văn An có một phương pháp giảng dạy rất đặc biệt nên hấp dẫn được học trò và làm cho mọi người phải tôn kính. Trong quá trình đào tạo học trò ông tỏ ra rất gương mẫu, uy nghiêm nên mọi người đều cảm thấy phải tự xếp dưới ông một hoặc nhiều bậc. Người xưa kể lại rằng ông dạy dỗ rất nghiêm nghị nên tất thảy học trò đều tuyệt đối kính nể. Những học trò làm quan to như Lê Quát, Phạm Sư Mạnh khi về thăm ông đều phải ý tứ giữ gìn và mỗi khi có điều gì không vừa ý, Chu Văn An vẫn quát mắng họ như khi họ còn là học trò. Và chính sự nghiêm trang đó khiến cho học trò càng yêu kính ông hơn.
- Người xưa nói rằng, chính tài đức của Chu Văn An làm cho quý thần phải kính phục và đến để học tập ông. Tương truyền khi Chu Văn An dạy học tại vùng Quang Liệt thì học trò đến theo học rất đông. Trong số đám học trò có một người học hành rất chăm chỉ nhưng lại rất e dè kín đáo. Chu Văn An cảm thấy kỳ lạ nên bèn bảo người nhà ngầm theo dõi anh ta. Người nhà đi theo anh học trò nọ đến đầm Cung Hoàng thì không thấy anh ta nữa nên trở về báo lại với Chu Văn An. Chu Văn An lúc đấy mới biết rằng người học trò kia là Thuỷ thần giả dạng, nhưng ông cũng vẫn để cho anh ta học tập như thường. Thế rồi đến khi trời hạn nặng, nhân dân trong vùng khổ cực đủ điều. Thấy vậy Chu Văn An gọi người học trò kia đến rồi bảo "Trời gây ra hạn hán thầy không biết phải làm sao, nhưng mắt nhìn thấy nhân dân bị khổ cực nên không khỏi chạnh lòng. Nếu anh có phép thuật thì hãy giúp thầy cứu dân". Người học trò nghe nói thế thì tỏ ra rất đăm chiêu nhưng vẫn nghe theo lời thầy, anh ta mài mực hoà với nước rồi ra sân vẩy lên trời. Quả nhiên một lúc sau trời đổ mưa rất lớn làm cho cơn hạn hán bị đẩy lùi. Sau khi tạnh mưa người học trò cáo từ ra về. Sáng hôm sau không thấy anh ta quay trở lại, Chu Văn An sinh nghi bèn ra đầm Cung Hoàng để xem xét thì chỉ thấy xác một con giải to lớn nổi lên mặt hồ. Chu Văn An biết đó chính là anh học trò Thuỷ thần nên khóc lóc thảm thương rồi sai người đưa xác giải đi chôn cất tử tế. Câu chuyện này quả thực là khó tin nhưng lại bộc lộ được một sự thật cơ bản là: Chu Văn An có được cái đức, cái tài của một ông thầy, đức tài đó đủ khiến cho quỷ thần mến mộ và tìm đến để học hỏi. Hơn ai hết, chỉ Chu Văn An mới có được đạo đức siêu phàm này. Chính vì thế mới hiểu được tại sao xung quanh Chu Văn An lại có rất nhiều câu chuyện hoang đường quái dị như vậy.
*
NGUYỄN XUÂN
Địa chỉ: Thôn Lạc Cầu, xã Giai Phạm
huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
Email: phamchienthang1980@yahoo.com.vn
.


.




  ........................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 31.07.2015
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét