MỜI ĐỌC:

Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2015

SẸO ĐỘC LẬP - TẬP THƠ VIẾT THEO TRƯỜNG PHÁI TÂN CON CÓC - Tác giả: Trần Mạnh Hảo (Sài Gòn)

- Nhà thơ Trần Mạnh Hảo -
Dân văn chương bàn luận về nhà thơ Trần Mạnh Hảo là người “phê bình đơn cực”, chỉ khen hoặc chỉ chê, khi khen thì ông dùng toàn mỹ từ đẩy đến tận trời xanh, còn khi chê thì ông “đốp chát đến ngoa ngoắt”... Nhưng dù ông khen hay chê thì những bài phê bình của ông đều nhận được những tràng vỗ tay tán thưởng.
Xin giới thiệu bài phê bình mới nhất của ông về tập thơ SẸO ĐỘC LẬP của nhà thơ Phan Huyền Thư, khi tập thơ đang ồn ào dư luận vì những “nghi án” đạo thơ.
.............................................................................................
SẸO ĐỘC LẬPTẬP THƠ VIẾT THEO TRƯỜNG PHÁI “TÂN CON CÓC” CỦA PHAN HUYỀN THƯ: DỄ DÃI VÀ NHẠT NHẼO
- Trần Mạnh Hảo -
Nhà xuất bản “Lao động” cho xuất bản tập thơ của Phan Huyền Thư năm 2014, cuối năm 2015 tập thơ này đã giành được giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội. Ngay sau đó, “Sẹo độc lập” đã bị mạng xã hội tố cáo Phan Huyền Thư đạo thơ của Du Tử Lê và Phan Ngọc Thường Đoan, cũng như mấy năm trước tác giả này đã đạo văn của nhà phê bình Đặng Tiến. Lúc đầu, ông Phạm Xuân Nguyên nhảy ra bênh Phan Huyền Thư nhưng tất cả bằng chứng và sự thật đã chống lại Phạm Xuân Nguyên và tác giả tập thơ. Cuối cùng Phan Huyền Thư đã phải xin lỗi Phan Ngọc Thường Đoan, xin lỗi độc giả vì chuyện hai bài thơ giống nhau như hai giọt nước; tuy nhiên bà Thư tuy bị Hội Nhà văn Hà Nội truất (thu hồi) giải thưởng, vẫn gân cổ lên cãi bà không mắc tội đạo thơ. Có nghĩa là “vụ án đạo thơ thế kỷ” này chưa dừng lại vì Phan Huyền Thư đang âm mưu làm phù phép nhờ vả hai ba anh nào đó bên hải ngoại tạo bằng chứng giả để tố ngược lại Phan Ngọc Thường Đoan đạo thơ mình!
Chính vì vậy, chúng tôi phải tìm đọc tập thơ “Sẹo độc lập” để xem nó có đích thực là thơ hay không, hay chỉ là những câu nói tầm thường năng xuống dòng viết theo trường phái “Tân con cóc” do nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - một ông công an kiêm Phó chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam làm chủ soái. Chúng tôi xin trích nguyên văn “bài thơ” “Sẹo độc lập” của Phan Huyền Thư để xem nó thơ hay không thơ (vì thơ này xuống dòng liên tù tì nên chúng tôi dùng gạch chéo / để thay cho cơn mưa xuống dòng):
Ngày mười / chín tháng / hai năm nhâm / tý / tôi / được độc lập / với mẹ / bằng sợi dây / rốn / cắt đứt cơ thể / vết / sẹo làm người / vết sẹo / tôi / cái rốn / độc / lập Phan Huyền / …Thơ 19/2/2004
Cả “bài thơ” là những câu nói tầm thường, không có câu nào là thơ cả, Phan Huyền Thư viết theo lối cực kỳ dễ dãi, nhạt nhẽo, tầm phào theo tiêu chí “Tân con cóc” của chủ soái Nguyễn Quang Thiều. Hèn gì sáng nay, ông chủ soái trường thơ “Tân con cóc” Nguyễn Quang Thiều lên mạng bênh Phan Huyền Thư, lên án Hội nhà văn Hà Nội thu hồi giải thưởng của Phan Huyền Thư là sai vì bà này có nhận mình đạo thơ đâu.
Nếu cứ viết phi thơ, viết phứa, viết dễ dãi tào lao chi khươn như Phan Huyền Thư, như theo bút pháp “sẹo” trên thì bất cứ ai không cứ kẻ viết bài này, mỗi ngày cũng có thể cho ra hai mươi tập thơ được giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội. Trần Mạnh Hảo xin phóng bút, té nước theo mưa “Sẹo độc lập” mưa thơ rằng:
“MỦ YÊU”: em / li dị / tôi / khiến trái / tim tôi / mưng mủ / mủ / yêu / em tội / ác / quân / giết người / có tên / là trinh nữ / quái thai / ơi / từ mủ / yêu / tôi / cô / đơn dứt khoát / thành trần / mạnh / hảo ngọt / mủ / ơi… Xem ra “Mủ yêu” có cơ hay hơn “Sẹo độc lập” mất!
Nhìn bìa tập thơ “Sẹo độc lập” đủ biết Phan Huyền Thư không hiểu bản chất thi ca, chưa rành tiếng Việt khi bà Thư chua dưới tên tập thơ dòng chữ: “ Một tập thơ viết để trò truyện với những người bạn”… Xưa nay thơ vốn là lời tâm tình của tác giả với độc giả, là nơi người viết tìm tri âm tri kỷ” sao còn thừa lời trên bìa sách thế này. Giống như chị bán cá ngoài chợ phải viết trên sạp cá của mình rằng đây là cá vì sợ người đi chợ nhầm là con chim hay sao? Vả, nó là “một tập thơ” dĩ nhiên rồi, có phải hai hay ba tập đâu mà thừa lời rằng “sẹo độc lập” là một tập thơ, không phải hai tập đâu nhá …
Lại nói tí tẹo về bài “Sẹo độc lập” của Phan Huyền Thư: nghĩa là khi bà Thư sinh ra bà bị cắt cuống rốn tạo thành cái sẹo để độc lập với bà cụ Thanh Hoa đã sinh ra bà. Lượng thông tin của thơ này chỉ có thế. Thơ bản chất là ngôn ngữ hình ảnh, hình tượng, là ngôn từ bề sâu, hàm xúc, ngôn từ biểu tượng, hồn nhiên nhưng ngầm chứa triết học. Cái “sẹo” cắt rốn kia sao đã có thể làm đứa con “độc lập” với bà mẹ được. Về nghĩa đen đã sai (xin lỗi, thơ Phan Huyền Thư không có nghĩa bóng)…Đứa trẻ sinh ra cho tới chết cũng không thể độc lập khi nó còn phụ thuộc vào sữa mẹ, mũi nó phụ thuộc từng giây vào dưỡng khí là bà mẹ bầu trời…Con người là một sinh vật phụ thuộc vào muôn thứ khách quan…Chỉ một vết cắt rốn mà đứa trẻ độc lập được thì độc lập ơi ta chào mi, vì mi chẳng có thật trên đời…
(Nhà thơ Phan Huyền Thư và bìa sách SẸO ĐỘC LẬP)
Phan Huyền Thư, kẻ vắt mũi chưa sạch trong thi ca, lẽ nào dám chê bai nền thi ca dân tộc với những đại thi hào như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, với những thi hào như Ôn Như hầu, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Đoàn Thị Điểm, Tản Đà, Hàn Mặc tử, Nguyễn Bính, Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên…lại dám viết những lời phỉ phui, rẻ rúng chê bai nền thi ca dân tộc thế này:
Trăm năm quốc ngữ / hay cả ngàn năm Hán Nôm / không tìm ra câu thơ nào viết đủ / cho khổ đau và cay đắng / khi tôi hiểu ra một danh tính: thi nhân…” (trang 25)
Một Lê Đạt mà Phan Huyền Thư coi là thầy, hay nhắc đến ông trong “Sẹo độc lập” cũng có nhiều câu thơ hay, rất “khổ đau và cay đắng”, lẽ nào bà Thư chưa đọc ông này với hai câu thơ thôi: “Cột đèn rớm điện” và: “Mẹ già ta ngơ ngác? Lưng còng đau gậy tre”?
Cho hay kẻ hậu sinh quen dùng thước vũng trâu đằm đo biển cả cha ông do thiếu học vấn, thiếu tâm hồn thi ca mới dám gần chùa gọi bụt bằng mày tao như thế?
Thơ Phan Huyền Thư trong “Sẹo độc lập” không chỉ dễ dãi, nhạt nhẽo mà rất đại ngôn, triết lý vớ vẩn:
để giới hạn an toàn trong giới hạn / bằng chân lý: bất động / sự bất động của nghệ thuật / là tượng đài hình chiếc cột / đợi tương lai thi hành án / tử hình” (trang 31 bài “Giới hạn”)
Triết lý dởm này là thế nào hả giời? Ôi, có thứ chân lý bất động à giời? Dân gian định nghĩa “chân lý là cái lý có chân” mà… Chân lý là cái bọn đến gần nó thì nó biến mất, nó sợ thi ca vớ vẩn hành hạ nên chạy mất dép, chỉ có thứ chân lý “ngu tín” mới bất động mà thôi! Làm sao bà Thư lại bắt nghệ thuật phải tử hình? Chính vì vậy, nghệ thuật nó sợ vãi mà không dám ở lại cùng thơ Phan Huyền Thư chăng?
Trong bài “Chuyến bay” trang 32: gửi hộp đen báo bão Phan Hoàng (hèn gì Phan Hoàng bênh bà Thư không đạo thơ đâu), nhiều câu triết lý kinh hãi đến mất ngáp:
Biết trước những ánh mắt tiễn đưa / Nhọn hoắt màu hả dạ. Một rừng cọc gỗ / Bạch Đằng giang bịt sắt / hoen gỉ đâm vào sự bình thản / Cái mũ của người đội nó / không che được thái độ của họ…” “Nhọn hoắt màu hả dạ” là sao giời? Chả lẽ chiều nay tôi ăn canh rau mùng tơi nấu cua hả dạ quá, thì cái hả dạ này cũng nhọn hoắt hay sao? Chị kia yêu chồng đêm qua sướng lắm, hả dạ lắm chắc cũng do cái nhọn hoắt đâm vào màu hả dạ than ôi! Hả dạ ơi hả dạ, thi ca kiểu này làm tôi khiếp, bố bảo không dám hả dạ nữa, thơ ơi!
Đọc đến đây, kẻ viết bài này hãi quá, sao lại: “hoan gỉ đâm vào sự bình thản”? Than ôi, ta chào sự bình thản vì ngươi đã bị sự hoen gỉ xuyên thấu tim… Ai hoen gỉ hay thi ca “tân con cóc” làm hoen rỉ cả nền thơ?
Bà Thư chưa tha người đọc khi nổi cơn tam bành triết lý mà đi nói xấu cái mũ thế này thì ai dám đội mũ nữa: “Cái mũ của người đội nó / Không che nổi thái độ của họ”…Phải chăng cái mũ và người đội nó là hai việc khác nhau, cớ sao đưa thái độ vào để ghét mũ thế này? Thơ với chả thẩn!
Những triết lý vớ vẩn như thế này tràn ngập trong “Sẹo độc lập”:
Khóc / chỉ là bài tiết của dục vọng” (trang 139)
Thơ thẩn như thế, ai cấm lớp trẻ học theo thứ triết lý kinh dị này khi viết: “Cười / chỉ là nôn mửa của khoái lạc” hay: “mếu / chỉ là trung tiện của đớn đau”?
Viết đến đây, gần như tôi đã bị tẩu hỏa nhập ma vì thứ thơ tào lao tầm phào của Phan Huyền Thư làm choáng váng? Tôi bắt đầu nghi ngờ mình không biết cách đọc thứ thư “lỗ thủng” này: “Kể từ đó. Mọi người thậm chí có thể /làm tình với nhau qua lỗ thủng là tôi” (Sẹo độc lập trang 45)
Vậy kính xin các nhà văn nhà thơ trong ban giám khảo giải thưởng văn học hội nhà văn Hà Nội lên tiếng để chỉ giáo cho tôi thẩm được thứ thơ xưng là “tôi - lỗ thủng” đang mời mọi người đến làm tình này. Amen!
*.
Sài Gòn, ngày 21-10-2015
TRẦN MẠNH HẢO
Địa chỉ: Số nhà 220/22 phố Hồ Văn Huê,
quận Phú Nhuận, thành phố Sài Gòn
Email: hungdimy@yahoo.com

.

.




...................................................................................................................
- Cập nhật từ email: huongmai8081@yahoo.com.vn ngày 19.10.2015
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang blog Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.      .

2 nhận xét:

  1. Viết rành hay anh Hảo ơi . Nhưng tôi thấy sao sao ? Đọc cái thư cô thư viết thấy ngang ngang , anh phang thế này nó có biết hông / Nó cũng thuộc dạng lỳ chịu đạn nhỉ ?

    Trả lờiXóa
  2. Bán trôn mua chút danh hời
    Hỏi ai che được tiếng cười thế gian

    Trả lờiXóa