(Nguồn ảnh: Internet)
|
C.I.A: GIÁN ĐIỆP
VÀ PHẢN GIÁN
ĐIỆP
Đứng từ bên ngoài mà nhìn vào các cơ quan tình báo, người ta luôn có chung
một nhận xét đó là những tổ chức của những điệp viên bậc thầy rất quyến rũ và
có tài xuất quỷ nhập thần, dám táo bạo phát hiện những ý đồ nguy hiểm của một
nước thù địch. Tuy vậy, trong thực tế, C.I.A đã chỉ thành công ít ỏi trong việc
thu thập thông tin tình báo qua các điệp viên bí mật. Qua nhiều năm, bản thân
các cơ quan tình báo cũng xếp phương thức tình báo cổ truyền này xuống hàng
thấp, dưới các phương thức khác như vệ tinh, mã thám và các thủ đoạn lấy tin
khác bằng kỹ thuật. Những phương thức đó được xem như là những nguồn cung cấp
tin quan trọng từ nước ngoài đưa về cho Chính phủ Mỹ. Kể cả những nguồn công
khai (báo chí và các phương tiện thông tin khác) những nguồn ngoại giao, tuỳ
viên quân sự và các thành viên khác cũng đã cung cấp được nhiều tin tức có giá
trị hơn là các đơn vị công tác bí mật của C.I.A. Nếu đem so sánh với hai đối
tượng chủ yếu của nó - Liên Xô (cũ) và Trung Quốc - thì hiệu quả của các điệp
viên C.I.A gần như là con số không. Đối với những xã hội khép kín và những cơ
quan an ninh nội bộ mạnh mẽ của họ, các nước Cộng sản phần nào đã chứng tỏ trên
thực tế là C.I.A không thể xâm phạm.
Trên thực tế thì đôi khi C.I.A cũng có vài kế hoạch thành công phi thường,
tuy vậy kết quả đó phần lớn nhờ vào "những người tự nguyện làm việc cho
C.I.A" - tức là những tên đào ngũ.
(Tác giả Giáp Kiều Hưng) |
Xét về mặt nghề nghiệp mà nói, những ai đã chống lại Chính phủ họ thì đó là
những người đào ngũ. Một điệp viên được tuyển dụng đàng hoàng và kỹ lưỡng hay
một người tự nguyện làm việc như một điệp viên đều có thể xem như một kẻ
"Đào ngũ tại chỗ". Anh ta chưa từ bỏ đất nước của anh ta về mặt thể
xác, nhưng về mặt chính trị anh ta đã bí mật đào ngũ. Những người tỵ nạn và
những người lưu vong cũng là những kẻ đào ngũ. Đây là đối tượng điệp viên tiềm
năng của C.I.A nếu một khi họ bị thuyết phục và dám trở về xứ sở của mình. Nói
tóm lại, một người đào ngũ là một người đã ly khai xứ sở của mình và đơn thuần
muốn bán những hiểu biết về hoạt động của Chính phủ mình để đổi lấy giấy phép
cư trú chính trị ở một nước khác. Người ta cũng không lấy làm lạ khi trong một
vài trường hợp đào ngũ được C.I.A tổ chức quảng cáo nhằm làm cho đông đảo quần
chúng tán thành công việc của mình.
C.I.A đã thành lập một trung tâm đón tiếp người đào ngũ đóng tại Trại Kinh
gần Phran-phuốc (Tây Đức) có nhiệm vụ chuyên giải quyết đối với những người
trốn khỏi Liên Xô và Đông Âu. Tại đây, họ phải báo cáo và bị hỏi cung một cách
sâu rộng, do những quan chức chuyên gia lành nghề khai thác đến tận cùng khả
năng cung cấp tin tức của các công dân vừa từ bỏ trách nhiệm cống hiến và quyền
được sống trên đất nước mình. Thời gian của các "chiến dịch tra hỏi"
này trong một vài trường hợp có thể kéo dài tới mấy tháng liền, thậm chí một số
người còn bị hỏi cung suốt cả năm hoặc lâu hơn nữa.
Một quan chức C.I.A phụ trách trạm Tây Đức nhớ lại một cách khoái trá vai
trò của ông ta trong công việc giám sát công việc khai báo kéo dài của một
trung uý Xô-viết chỉ huy một trung đội xe tăng. Người này yêu một cô gái Tiệp
Khắc và cùng cô trốn sang phương Tây sau khi Liên Xô "xâm lược" nước
này vào năm 1968. Qua lời kể lại của người cựu quan chức C.I.A nói trên thì
đích thân ông ta đã phải đóng vai cố vấn hôn nhân như thế nào khi quan hệ của
cặp trai gái kia trở nên xấu đi khiến cho anh chàng Trung uý kia hết sức
"cảm động". Thế là bằng cách đứng ra cứu vãn mối tình của cặp trai
gái này, quan chức C.I.A kia đã rất thành công trong việc làm cho tên trung uý
đó không ngừng cung cấp tình hình cho C.I.A, mặc dù ông ta biết rằng tên đào
ngũ cấp thấp này chẳng có bao nhiêu khả năng cung cấp tin tức có ích về tiềm
lực quân sự của Liên Xô cho C.I.A. Qua người trung uý kia, quan chức C.I.A đó
chỉ có thể thu lượm được một số ít thông tin về tình hình các đơn vị cơ giới
Xô-viết, các tổ chức của lục quân Xô-viết nói chung, biện pháp và kỹ thuật huấn
luyện, các cơ cấu tham gia vào việc tổ chức trước khi Liên Xô tiến vào Tiệp
Khắc. Mặc dù những thông tin này hoàn toàn không phải là những tin tình báo có
tầm chiến lược cao nhưng Cục Mật vụ C.I.A không còn cách nào khác hơn là đề cao
tên đào ngũ Xô-viết cấp thấp này theo giá trị thực tế của nó.
Cũng chính người quan chức C.I.A này đã nhắc lại một cách tự hào việc đào
ngũ của Y-ghê-mơ Run-gie, một điệp viên của cơ quan tình báo Nga KGB, vào cuối
năm 1967. Run-gie là một người phụ trách điện đài của Liên Xô đã từng công tác
nhiều năm ở Tây Đức dưới một cái tên giả. Tuy vậy, không giống như các đồng
nghiệp của anh ta, Run-gie không hề bị đem ra trình diện và cũng chẳng bị bắt.
Chính y đã tự ra đầu hàng C.I.A với lý do là y không thích... công tác mật nữa!
Các quan chức C.I.A nhận định Run-gie có tác dụng chiến lược hơn cả Pen-cốp-xki
(1) đối với Chính phủ Mỹ trong lĩnh vực tình báo. Tuy
nhiên, vẫn có những người không đồng tình với nhận định này vì thực tế thì
Run-gie không cung cấp được tin tức gì mà các nhà nghiên cứu của C.I.A thấy
có tác dụng để có thể biết được khả năng hay ý đồ chiến lược của Liên Xô. Hơn
nữa, dù Run-gie đã tiết lộ khá nhiều về phương pháp và kỹ thuật hoạt động tình
báo bí mật của Liên Xô ở Tây Đức nhưng điều này không làm cho C.I.A thích thú
lắm so với những gì đang diễn ra trong nội bộ Xô-viết lúc bấy giờ. Mặc dù vậy,
đối với điệp viên của C.I.A đã từng lãnh chịu thất bại trong việc đi sâu tìm
hiểu về Chính phủ Liên Xô và luôn ám ảnh bởi những hoạt động của đối phương thì
việc đào ngũ của một điệp viên như Run-gie là một điều may mắn bất ngờ đối với
C.I.A. Do đó, họ không ngần ngại công bố nó để làm một đòn tình báo.
Sau khi tra hỏi một tên đào ngũ đến mức tả tơi cả tinh thần và mãn nguyện
với những gì nó cho biết thì Đội phụ trách định cư của C.I.A bắt đầu thực hiện
công việc của mình. Trước hết thì đội này sẽ tìm cho tên đào ngũ kia một chốn
dung thân thật kín đáo để khỏi phải sợ bị thủ tiêu và để che đậy mối quan hệ
của y với C.I.A và điều này quan trọng hơn - để y không bị lôi cuốn trở lại đất
nước mình nữa. Tiếp đó, đội này sẽ tạo cho tên đào ngũ một vỏ bọc về tư cách
pháp nhân thật kín đáo, bịa ra cho nó một lý lịch mới và cho nó đủ tiền (thường
là một khoản trợ cấp trọn đời) để chuyển qua cuộc sống mới một cách êm đẹp.
C.I.A thường mang những kẻ đào ngũ quan trọng nhất sang Mỹ (trước hoặc sau khi
khai báo) còn số rất đông thì được định cư vĩnh viễn tại Tây Âu, Ca-na-đa hoặc
Mỹ La tinh. Tuy thế, không phải cứ đào ngũ là C.I.A túm lấy ngay và sử dụng lâu
dài, đôi khi một tên đào ngũ chỉ được thuê theo hợp đồng làm một công việc đặc
biệt như phiên dịch, hỏi cung, phân tích những tin phản tình báo cho Cục Mật vụ
của C.I.A.
Khi chạy ra nước ngoài, những kẻ đào ngũ thường thích ứng khá là khó khăn
đối với cuộc sống ở một quốc gia mới. Vì lý do an toàn, chúng thường cắt đứt
mọi sự tiếp xúc với đất nước và với những bạn bè, bà con không đi theo chúng
sang đất nước mới. Chúng có thể không hề biết tiếng nước chúng đang sống. Do
đó, đa số những kẻ đào ngũ chán nản về tinh thần với cuộc sống mới, một khi sự
kích thích của việc định cư lúc ban đầu không còn nữa. Thậm chí, có người quẫn
bách đã đi tới chỗ tự sát. Trước tình trạng đó, để những người đào ngũ được yên
lòng, C.I.A đã cử sĩ quan phụ trách từng tên đào ngũ khi thấy cần thiết. Như
một người bảo mẫu, viên sĩ quan này thường xuyên tiếp xúc với tên đào ngũ và
giúp y giải quyết các vấn đề cần thiết. Với những kẻ đào ngũ thuộc loại đặc biệt
hoặc không kiên định, C.I.A giám sát chặt chẽ hơn, kể cả dùng thủ đoạn bí mật
theo dõi điện thoại và xem thư từ riêng để đề phòng diễn biến đáng tiếc.
Đối với những trường hợp đặc biệt, C.I.A buộc phải cử sĩ quan phụ trách
người đào ngũ trọn đời. C.I.A luôn luôn tâm niệm một điều là bằng mọi giá không
để những tên đào ngũ quá bất mãn mà quay trở lại quê hương. Điều này không
những làm C.I.A mất mặt với đối phương mà còn mang lại những hậu quả khó lường,
một khi tên đào ngũ lộ ra những việc nó biết về C.I.A nhằm giảm nhẹ tội đào ngũ
của nó. Ngoài ra, việc để tên đào ngũ chạy trở về quê hương cũ sẽ khiến C.I.A
phải đấu tranh với tư tưởng sợ sệt là đã gặp phải gián điệp đôi. Và, sau khi
thất bại trong việc chinh phục một tên đào ngũ thì sẽ có rất nhiều bí mật của
C.I.A bị lộ ra ngoài từ miệng con người này... Nói chung, dùng bọn đào ngũ có
vô số may, rủi và các cơ quan tình báo Cộng sản cũng chẳng bỏ lỡ cơ hội lợi
dụng khả năng ấy.
* Những phương tiện kỹ thuật phục vụ cho công
tác gián điệp
Xét cho cùng thì tình báo cổ điển là dùng con người để thu thập tin tức,
còn tình báo kỹ thuật dùng máy móc như vệ tinh chụp ảnh, máy phát hiện điện tử
tầm xa và các trạm nghe các đầu mối liên lạc. Trước thế chiến thứ hai, việc thu
thập tin tức tình báo bằng các hệ thống kỹ thuật nói chung không được ai biết
đến. Tuy nhiên, sự bùng nổ kỹ thuật làm ảnh hưởng tới đời sống hiện đại và tất
nhiên là nó cũng làm thay đổi rất nhiều tới việc thu thập tin tức tình báo.
Trong thế chiến thứ hai, Mỹ đã từng bỏ ra hàng chục tỷ đô la để phát triển máy
móc tiên tiến hơn nhằm theo kịp những nước khác mà đặc biệt là các nước Cộng
sản để thoả mãn tính tò mò về những công việc trong nội bộ của một nước khác.
Nếu như trước kia một điệp viên xuất hành cuộc săn lùng tin tức với một số
phương tiện vô cùng ít ỏi thì nay anh ta có đầy đủ máy nghe, máy chụp, máy quay
phim siêu nhỏ và vô số những đồ nghề lạ lùng khác nữa.
Phòng Kỹ thuật trong Cục Mật vụ của C.I.A nhận nhiệm vụ sáng chế phần lớn
thiết bị chuyên dùng trong nghề gián điệp hiện đại. Đó thường là những đồ dùng
rất bất thường mà các hãng sản xuất đồ dùng uy tín nhất thế giới cũng khó mà
nghĩ ra. Chẳng hạn, một cái máy phát tin dấu trong một chiếc răng giả, một
chiếc bút mà chữ của nó mắt thường sẽ không đọc được khi viết trên giấy đặc
biệt, một cái kính nhìn đằng sau có hình dáng kỳ quặc lắp trên xe hơi cho phép
người lái xe nhìn thấy không phải là cử động xung quanh mà là những người ngồi
ở ghế sau anh ta... Thực tế thì trong các hoạt động bí mật thực sự, cái điệp
viên đôi khi còn chưa sử dụng hết những tính năng tinh xảo của máy móc.
Trước đây, các cơ quan tình báo chỉ quan tâm đến việc tuyển mộ điệp viên có
khả năng lấy tình báo quan trọng của nước ngoài. Còn ngày nay khi mà khoa học -
kỹ thuật ngày càng phát triển thì C.I.A và các cơ quan tình báo khác chuyển
sang tìm kiếm những người canh gác hoặc những người bảo vệ làm việc ở nơi có
thể đặt máy ghi âm nhỏ hoặc máy theo dõi điện thoại trong một vị trí chủ yếu.
Và như vậy, các cơ quan tình báo cũng tích cực hướng mục tiêu vào các công ty
điện thoại, điện báo của nước ngoài. Cùng với Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng,
C.I.A thường tìm cách lọt vào các cơ quan thông tin liên lạc của các nước mục
tiêu. Hãng ITT của Mỹ đặc biệt hỗ trợ C.I.A trong việc lũng đoạn các cơ quan
bưu chính.
Đa số nhân viên C.I.A được huấn luyện cách đặt và dùng các máy ghi âm và
máy theo dõi điện thoại. Tuy vậy, không phải ai thích làm thì cứ tự tiện đi
làm. Việc này thường do các chuyên viên của Phòng thông tin - kỹ thuật của
Trung ương C.I.A hoặc trạm C.I.A đảm nhiệm. Với các kế hoạch khó khăn và quan
trọng, thông thường chuyên viên của C.I.A phải đặt lấy. Ở một số trường hợp đặc
biệt, chuyên viên Phòng Kỹ thuật - phục vụ phải dạy điệp viên cách đặt hoặc
chính trạm trưởng C.I.A phải tiến hành chỉ đạo việc đặt máy nghe sao cho thật
chu đáo.
Thực ra, có rất nhiều rủi ro có thể xảy ra đối với việc nghe trộm, tần số
rủi ro cao hay thấp phụ thuộc vào tầm quan trọng và tính phức tạp của kế hoạch.
Một kế hoạch cổ truyền có nhiều may rủi nên cần phải nghiên cứu, quan sát kỹ
từng chi tiết địa điểm định đặt máy. Cần lên sơ đồ ngôi nhà, các tầng nhà, có
khi phải lên bản vẽ quan sát. Cần phải nghiên cứu kỹ cấu tạo của từng nhà, vách
nhà, màu sắc của tường và vách, ghi chép từng chi tiết một. Những chuyên gia và
nhân viên phải quan sát một cách kỹ lưỡng để nắm được quy luật những người cư
trú trong ngôi nhà sẽ đặt máy để tìm ra thời gian đột nhập vào đặt máy. Và tất
nhiên là không thể bỏ qua sự cảnh giác của chủ nhà đối với những vị trí sẽ đặt
máy. Tóm lại, khi nào tất cả những điều ấy đã nắm rõ trong lòng bàn tay thì mới
có thể quyết định đặt máy được. Thường thì các đơn vị đặt máy nghe trộm lợi
dụng đêm tối hoặc những ngày nghỉ để đột nhập và lắp máy, rồi nhanh chóng rút
ra. Họ dùng một máy khoan chính xác, có bộ phận giảm thanh để đục tường, lắp
máy nghe trộm, rồi trát tường lại bằng hoá chất mau khô và quét sơn cho hợp với
màu nhà. Các điệp viên thường tiến hành việc lắp đặt máy trong tường, trần hay
sàn nhà từ một căn buồng bên cạnh hoặc buồng phía trên hay phía dưới vị trí
định đặt máy.
Vì công tác an ninh của những nước ngoài khối Cộng sản rất lỏng lẻo nên
C.I.A thường sử dụng biện pháp đặt máy nghe trộm đối với những nước này. Ban
tổng thanh tra của C.I.A đã tiết lộ trong một báo cáo về Mỹ La tinh những năm
1960 rằng phần lớn tin tình báo C.I.A thu lượm được ở các nước này là nhờ máy
nghe trộm. Cũng theo báo cáo đó, C.I.A thường nghe trộm điện thoại của những
quan chức quan trọng và đã đặt máy nghe trộm trong nhà và trong nơi làm việc
của nhiều nhân vật then chốt, kể cả phòng làm việc của các Bộ trưởng của những
nước châu Mỹ La tinh này. C.I.A cũng được các cơ quan tình báo của một số nước
đồng minh thông báo tin thu được qua biện pháp nghe trộm, vì C.I.A giúp đỡ các
cơ quan đó về kỹ thuật nên có thể xâm nhập được vào chúng bất cứ khi nào cần
thiết.
Tuy nhiên, máy nghe trộm cũng không phải là một phương tiện tình báo kỹ
thuật "mười phân vẹn mười" của C.I.A. Nó thường không ổn định, không
hoạt động đều, dễ bị hỏng và tất nhiên rủi ro nghề nghiệp lớn nhất của nó là bị
đối phương phát hiện nếu không được nguỵ trang một cách khéo léo. Khi muốn lập
một căn cứ ở nước ngoài, KGB của Liên Xô thường hay thuê nhà ở rồi xây lại
tường, sàn và trần mới ở các buồng chủ yếu - nhờ đó mà hoàn toàn thủ tiêu hiệu
lực của các máy nghe trộm cài trước. Để xoá bỏ việc bị nghe trộm cũng có một
cách rất đơn giản là nâng cao mức tiếng động trong buồng bằng cách luôn luôn
vặn đài hoặc máy phát tiếng nói to hoạt động. Âm nhạc hoặc tiếng động bên ngoài
có thể che lấp những tiếng nói mà máy ghi âm cần ghi. Khác với tai người, máy
nghe không thể phân biệt được tiếng động.
Với hy vọng cải tiến khả năng nghe trộm của C.I.A, các chuyên gia kỹ thuật
của nó luôn khẩn trương sáng chế các loại máy nghe mới. Phòng phục vụ kỹ thuật
cũng làm ra các thiết bị nghe thông thường và nhiều loại máy nghe trộm khác.
Thêm vào các đồ nghề do thám phòng này còn nghĩ ra nhiều máy móc để dùng vào
hoạt động ngầm, như những kế hoạch bán quân sự. Các vụ nổ bằng bom Pla-xtic,
các thứ thuốc làm giảm năng lực và làm chết người, những vũ khí bắn không kêu
như cung nỏ rất mạnh, đã được vẽ mẫu và sáng chế cho những công việc đặc biệt.
Cục Kỹ thuật của C.I.A làm nhiệm vụ chế tạo ra những dụng cụ phức tạp hơn, tinh
xảo hơn để phục vụ cho công tác gián điệp. Cục này cũng thường trợ giúp các Cục
khác của C.I.A trong việc sưu tầm và phát triển các vũ khí bí mật. Chẳng hạn
như Cục Khoa học kỹ thuật đã giúp phòng thông tin liên lạc tìm ra các phương
pháp thông tin mới nhằm bắt các bức điện và chống việc do thám điện đài của đối
phương.
Những chuyên viên của Cục Khoa học kỹ thuật C.I.A trong thực tế đã làm được
nhiều việc tài tình: như do thám trên không, nhưng thành tích của họ trong lĩnh
vực nghe trộm thì lại thường kém.
Ngay sau khi các nhân viên C.I.A đã gắn được máy ghi âm hoặc đã bố trí được
máy nghe trộm điện thoại, họ gửi tin tức về Cục Mật vụ, nhưng gửi về các cơ
quan nghiên cứu liên bang thì nguồn tin lại được giữ kín. Chẳng hạn, Cục Mật vụ
có thể xác nhận tin tức là của "một người trong Bộ Ngoại giao, đã từng báo
cáo lại một cách đáng tin trong quá khứ" hoặc của "một nhà kinh doanh
Tây Âu", đã có nhiều lần tiếp xúc rộng rãi với chính quyền địa phương. Đối
với những điệp viên ngầm thì việc bảo vệ nguồn tin là quan trọng hơn việc trình
bày tin tức một cách thẳng thắn. Làm như vậy có thể đảm bảo giữ kín các nguồn
tin, tuy nhiên cũng làm cho các nhà phân tích tin đâm bối rối khi phải nhận
định về mức độ đáng tin cậy của nội dung báo cáo.
Có thể nói, Cục Khoa học - Kỹ thuật của C.I.A là nơi hội tụ những con người
có óc tưởng tượng phong phú nhất. Họ ngày càng đưa đến nhiều kế hoạch thu thập
tin tức, độc đáo hơn nhằm giải quyết việc tìm hiểu những bí mật của các nước
đối phương. Tuy nhiên, phần lớn kế hoạch đó là... viển vông! Bởi lẽ chúng rất
khó thực hiện, thậm chí có một kế hoạch vô cùng nguy hiểm đến mức các chuyên
viên của C.I.A còn lắc đầu lè lưỡi. Người ta đã bình chọn kế hoạch ngờ nghệch
nhất là kế hoạch đóng một máy bay nhỏ một người lái trên lý thuyết có thể gói
trong va li lớn. Về khái niệm, một điệp viên xách chiếc va li ấy có thể dùng
cách nào đó lọt vào bên trong khu cấm của một nước và sau khi hoàn thành nhiệm
vụ do thám, y có thể lắp ráp chiếc máy bay ấy và bay trở về an toàn ngang qua
biên giới nước đó. Dự án này tất nhiên là bị dập ngay từ trên giá vẽ. Tuy vậy,
kế hoạch giám sát bằng vệ tinh do thám thì đang được cải tiến. Những máy do
thám khác đang được các nhà kỹ thuật của C.I.A phát triển mặc dù còn yếu kém về
mặt nào đó, song có cái đã được đem dùng.
Nhiều khi vấp phải những khó khăn về mặt kỹ thuật nên các nhà sản xuất của
C.I.A buộc phải sáng tạo nhiều đồ nghề rất phức tạp. Những cố gắng như thế có
thể đáng khen ngợi vì yêu cầu của tình báo.
* Cuộc cách mạng trong việc thu thập tin tức
tình báo bằng các phương tiện khoa học - kỹ thuật
Ngành tình báo cổ điển ngày càng được các nhà kỹ thuật dẫn vào con đường
dùng các đồ nghề kỹ thuật phức tạp để hành sự. Thậm chí, những thành tựu to lớn
như: Vệ tinh, máy móc do thám từ xa, máy thám không... đã làm đảo lộn sâu rộng
ngay cả quan điểm về thu thập tình báo. Bắt đầu từ đây, những phương tiện tình
báo kỹ thuật này đã trở thành những nguồn quan trọng nhất trong việc thu thập
tình báo về các nước thù địch chính của Mỹ. Các máy do thám từ trên không đã
mang lại nhiều tin tức chi tiết về các kế hoạch chế và thử tên lửa của Liên Xô
và Trung Quốc về việc điều động quân đội và những công trình phát triển quân sự
khác của hai nước đó. Hơn nữa những máy móc đó còn thu được nhiều tin tức có
giá trị về việc quân Bắc Việt "xâm nhập" Nam Việt và những công việc
chuẩn bị chiến tranh của Bắc Triều Tiên để chống lại Nam Triều Tiên. Cũng chính
nhờ những máy móc đó mà Chính phủ Mỹ nắm được tình hình Trung Đông.
Việc thu thập tin tức bằng kỹ thuật ngày càng tinh vi hơn. Chính điều đó đã
làm cho việc dùng điệp viên cổ điển trở thành gần như lạc hậu. Nhưng, phương
tiện hiện đại hơn thì chi phí cũng trở nên tốn kém hơn, chẳng hạn như vì phải
dùng vệ tinh nên phải chi phí đến 6 tỷ đô la/năm. Thực ra, xét đến cùng thì
dùng điệp viên rẻ hơn rất nhiều, còn dùng máy móc thu thập tin tức, mặc dù thu
được cả một mớ tin tức lớn, nhưng lại phải kèm theo rất nhiều người để xử lý và
nghiên cứu.
Người ta có khảo sát và nhận thấy một điều hơi bất ngờ rằng, tính theo tiền
chi tiêu và theo nhân sự thì C.I.A kém xa các cơ quan tình báo quân sự về lĩnh
vực tình báo kỹ thuật. Đơn cử như Bộ Quốc phòng Mỹ, mỗi năm chi khoảng 5 tỷ đô
la, trong đó từ 70% - 80% số tiền này được dùng vào việc thu thập và nghiên cứu
các tin tức bằng kỹ thuật. Trong khi đó các kế hoạch tình báo kỹ thuật của
C.I.A chỉ dùng chưa đầy 160 triệu đô la mỗi năm (số tiền này không kể đến hàng
trăm triệu khác chi cho Lầu Năm Góc để dùng vào các kế hoạch công cộng to lớn
như phát triển vệ tinh trong đó có phần đóng góp của C.I.A). Trong lĩnh vực kỹ
thuật, Bộ Quốc phòng có tới hàng vạn nhân viên quân sự và dân sự làm việc, còn
C.I.A chỉ có khoảng 1500 kỹ thuật viên thôi .
Mặc dầu vậy, không ai có thể phủ nhận những đóng góp đáng kể trong việc
nghiên cứu và phát triển tình báo kỹ thuật. Qua nhiều năm, C.I.A có những cán
bộ khoa học - kỹ thuật đã từng có nhiều thành tích đáng kể và thành công lớn
trong việc phát triển máy bay U-2 và máy bay SR.71, bằng cách hoàn chỉnh những
vệ tinh do thám, ra-đa trinh sát hoặc vệ tinh không di chuyển. Một phần lớn chi
phí cho các kế hoạch này là do Lầu Năm Góc đài thọ và trong nhiều trường hợp
C.I.A với Lầu Năm Góc cùng chi, hoặc chuyển hẳn cho Quốc phòng dùng.
Nước Mỹ thu được kinh nghiệm đầu tiên trong tình báo kỹ thuật là thu thập
tin tức tình báo dưới hình thức nghe trộm điện đài và giải mã, một loại kỹ
thuật mà người ta gọi là tình báo thông tin liên lạc. Người ta vẫn còn nhớ rất
rõ rằng, năm 1939 Bộ trưởng Ngoại giao Hen-ry Xtim-xơn đã giải tán bộ phận mã
thám của Bộ Ngoại giao với lời giải thích rằng: "Một người lịch sự thì
không bao giờ xem thư của người khác". Sau đó thì bộ phận tình báo thông
tin liên lạc đã được khôi phục và đóng một vai trò quan trọng trong công tác
tình báo của Mỹ trong chiến tranh thế giới thứ hai. Và đến thời kỳ sau thế
chiến thì hoạt động này lại bị giảm bớt nhưng khi chiến tranh lạnh mở rộng thì
nó lại được phát triển. Vào năm 1952, thông qua một đạo luật hành chính bí mật,
Tổng thống Mỹ đã cho Cục An ninh Quốc gia (N.S.A) với nhiệm vụ là nghe và giải
những bức điện mật mã của cả nước thù và bạn, hơn nữa việc này còn giúp cho các
mật mã của Mỹ không bị phá. Bộ Quốc phòng được chỉ đạo kiểm soát N.S.A nhưng
chỉ một thời gian ngắn sau N.S.A sớm thành một cơ quan độc lập có ngân sách lớn
trên 1 tỷ đô la/năm và một biên chế hơn 25.000 người (con số xấp xỉ).
Những bức điện mật của các nước mục tiêu được chuyển thẳng tới N.S.A để nó
nghe và giải mật mã. Tuy nhiên, để thu được những bức điện mật, N.S.A phải có
những trạm thu ở những nơi có thể bắt được làn sóng của các máy phát mất điện.
Việc trao đổi điện đài giữa thủ đô các nước và các sứ quán tại Mỹ có thể thu
được dễ dàng bằng máy thu đặt ở Ma-ry-len và ở Vơ-gi-Ni-a. Nhưng việc thu điện
liên lạc ở khắp nơi trên thế giới lại không đơn giản như vậy. Chính vì vậy mà
N.S.A đã phải lập hàng trăm trạm thu điện mật trên khắp thế giới. Những trạm
thu này thường do các cơ quan chuyên quản lý những phương tiện của N.S.A ở nước
ngoài điều khiển. Bên cạnh đó, N.S.A còn có trách nhiệm phối hợp công tác mã
thám của các cơ quan tình báo hải, lục và không quân. Khi ba cơ quan này thu
được điện mật sẽ gửi về trụ sở chính của N.S.A đóng ở Phô-mi-đơ thuộc bang
Ma-ry-len và ở gần Oa-sinh-tơn.
Mặc dù N.S.A có được một vài thành công ở Đông Âu và Trung Quốc nhưng
khoảng 15 năm sau đó, N.S.A hầu như không còn giải được mật mã của các nước này
nữa. Thế là, để vớt vát, N.S.A đành ngậm ngùi thu và đọc những bức điện tương
đối không quan trọng của các đơn vị quân đội, của những cơ quan kế hoạch kinh
tế và của những tay quan liêu địa phương...
Về nguyên nhân tại sao N.S.A ít may mắn khi giải mật mã của Liên Xô thì
Đa-vit Kan, tác giả quyển "Những người giải mật mã" đã giải thích
trong tờ thời báo Niu Yóoc như sau: "Trong những năm qua, khoa học cơ yếu
đã phát triển bằng cách dùng những 'Bộ luật trên lý thuyết' thì có thể khám phá
được nhưng thực tế thì hầu như không sao khám phá nổi. Loại này chủ yếu là
những chương trình toán cho máy tính giải mã. Nó có quá nhiều biến số khiến cho
những tay mã thám dù có nhiều dữ kiện và máy tính cũng phải bỏ ra... hàng nghìn
năm mới giải được! Mặt khác, các công thức được xây dựng quá phức tạp, thậm chí
dù nhà mã thám có được văn bản chính và viết một cách rõ ràng của một bức điện
của nước ngoài - một điều kiện rất lý tưởng cho người mã thám - anh ta cũng
không thể nào tìm ra được khoá mã để rồi sau đó khám phá các bức điện
khác".
Ngoài ra, N.S.A còn sử dụng một phương pháp nữa để thu thập thông tin -
phương pháp phân tích cơ cấu luồng thông tin. Trong một cuộc họp phó giám đốc
N.S.A đã nhận thấy cần tiếp tục các kế hoạch do thám Liên Xô và Trung Quốc vì
hy vọng may ra có thể hai nước này cũng vấp phải sơ hở tương tự như vụ tàu Pu-êblô.
Bắc Triều Tiên đã bắt giữ tàu do thám của N.S.A mang tên Pu-eblô vào năm 1968
và phần lớn máy móc giải mã của tàu này bị Bắc Triều Tiên tóm nguyên vẹn và
chuyển sang Nga. Những máy này không liên quan gì đến các máy móc mà những nhà
quân sự và ngoại giao cao cấp của Mỹ dùng, nhưng người Nga vẫn có thể dùng
chúng để giải những bức điện được gửi đi trước kia của Mỹ mà Nga đã bắt được và
tích trữ lại.
N.S.A lúc đó cũng có trong tay nhiều bức điện không giải được của Liên Xô,
nên họ hy vọng nếu tóm được một con tàu kiểu như Pu-ê-blô (nhưng là của Nga)
thì rất nhiều bí mật sẽ được mở ra.
Không thua kém các bộ phận khác của Cộng đồng Tình báo Mỹ, N.S.A đã từng
thành công lớn trong hoạt động chống các nước thế giới thứ ba và cũng có một số
thành công đối với các đồng minh của Mỹ. Về phương diện khoa học - kỹ thuật thì
N.S.A khỏi lo với trang bị máy tính điện tử lớn nhất thế giới và hàng nghìn nhà
phân tích mật mã, N.S.A dễ dàng giải mật mã của các nước này. Hai sĩ quan trẻ
của C.I.A là Uy-li-am Ma-tin và Bơ-nơn Mi-sen trốn sang Liên Xô năm 1960 đã kể
ra từ ba đến bốn chục nước mà N.S.A có thể giải được mật mã. Hơn nữa, hai viên
sĩ quan này còn nói, N.S.A đã cung cấp máy cơ yếu cho nhiều nước khác, rồi sau
đó đã dùng chính loại máy này để khám phá điện mật của các nước ấy. Thực ra,
cách này đến nay vẫn còn thịnh hành nhưng nó được nguỵ trang một cách tinh vi
hơn, có nghĩa nó không còn đàng hoàng mang tư cách máy cơ yếu nữa mà chắc chắn
là sẽ mang tên một loại máy móc rất hiền lành khác. Một trong những nước mà Ma-tin
và Mi-sen kể tên một cách đặc biệt vì "nạn nhân" khá nặng nề trong
việc này của N.S.A lúc bấy giờ là Ai Cập.
Trong quá trình giải mã cũng xuất hiện những trường hợp "trong rủi có
may". Có một trường hợp "phá mã" từ chuyên dùng của các nhà phân
tích mật mã đã thành công là trường hợp đạt được không phải nhờ tài nghệ giải
mã mà nhờ... một sự sai lầm của nhân viên thông tin liên lạc của một nước khác.
Đôi khi, mặc dù khá là hiếm hoi, có trường hợp việc giải mã thành công lại nhờ
một sự trục trặc của thiết bị giải mã như một nhân viên mật mã mới đến làm việc
trong một Sứ quán nước ngoài ở Oa-sinh-tơn đã phát đi một bức điện rõ (tức là
bức điện không dùng mật mã) cho Bộ Ngoại giao của nước anh ta. Tuy vậy, sau đó
anh ta lại gửi đi một bức điện khác có nội dung cũng như thế nhưng được mã hoá
cẩn thận. Sự ngốc nghếch của anh chàng nhân viên thiếu kinh nghiệm này không
thể lừa nổi N.S.A và nó không khó khăn gì trong việc đọc các bức điện khác của
nước kia.
Những máy mã hoạt động không tốt, thậm chí hư hỏng thì giúp ích gì cho
N.S.A? Xin thưa, có đấy! Nhiều trường hợp do trục trặc máy vô tình lặp đi lặp
lại một số đặc điểm khiến cho các nhân viên mã thám của N.S.A chú ý và từ đó
lần ra được khoá mật mã.
Một trường hợp "phá mã" khác là dùng kết quả của một cuộc tấn
công vào vật chất (chứ không phải vào "tinh thần") của hệ thống cơ
yếu của nước khác. Đây có thể là sự tấn công của một kế hoạch bí mật đánh cắp
luật mật mã hoặc máy cơ yếu hoặc là việc mua chuộc nhân viên cơ yếu hay cắm một
máy nghe trộm trong phòng điện đài của một Sứ quán. ở Cục Mật vụ của C.I.A, bộ
phận chuyên làm những kế hoạch tấn công này là Phòng Tình báo đối ngoại (nghĩa
là làm công tác gián điệp). Cách làm này thịnh hành trong thời kỳ Tổng thống
Ních-xơn khi ông này thông qua kế hoạch Hơ-xtơn năm 1970 về do thám trong nước
và đã nổi lên khi diễn ra vụ Oa-tơ-ghết. Kế hoạch này đề ra việc chui vào các
sứ quán nước ngoài ở Oa-sinh-tơn "để lấy những tài liệu cho N.S.A",
phá được các luật mật mã của nước ngoài. Người Mỹ đã phải tiêu tốn hàng triệu
đô-la trong việc dùng máy phá mã nhưng cho điệp viên lén lút chui vào có thể
bảo đảm công tác thành công mà chi phí giảm hơn nhiều. Rõ ràng trong trường hợp
này tình báo kiểu cổ điển - dùng người đã thắng tình báo kỹ thuật!
Vào năm 1970, Cục trưởng N.S.A, Đô đốc No-en Ghê-lơ và các phụ tá cao cấp
thẳng thắn thừa nhận rằng phần lớn những thành tích của N.S.A là nhờ vào các
"sơ hở" hay "sự cố" nói trên. Những chuyên gia giải mã này
còn nhấn mạnh thêm rằng họ rất thích khai thác những dịp may hiếm có đó vì
chúng giúp cho mã thám của họ một cách rất thuận lợi. Tuy vậy, những việc phá
mã bằng cách lợi dụng sơ hở đối phương không bao giờ được Chính phủ Mỹ cho phép
nói trên báo khi cần tuyên dương N.S.A. Và thế là, khi nói trước công chúng về
những công lao của mình, N.S.A cố tạo ra ấn tượng rằng sở dĩ họ giải được mật
mã các bức điện mật của nước ngoài vì N.S.A đã đạt được trình độ siêu việt về
mã thám.
Trong quá trình giải mã các bức điện ngoại giao và thương mại đã xuất hiện
một ảnh hưởng thứ yếu đến các kế hoạch của N.S.A vì những thông tin thu được có
cả một số tin tức về công dân Mỹ, kể cả các nghệ sĩ và quan chức Chính phủ. Có
thể, những tin tức này sẽ làm phiền họ. Loại điện bắt được theo cách này thường
được giải quyết một cách thận trọng hơn là sản phẩm bình thường của N.S.A.
Chúng thường được xếp vào loại tối mật, "mật' đến mức mà phải có lý lịch
trong sạch đặc biệt mới được xem. Một tin tức loại này có thể toát ra từ một
cuộc nói chuyện của một vị thượng nghị sĩ với một đại sứ nước ngoài và vị đại
sứ này điện về báo cáo cuộc nói chuyện đó với Bộ Ngoại giao của ông. Năm 1970
trong một cuộc hoà đàm tế nhị về Trung Đông đã xảy ra một chuyện làm cho người
trong cuộc cảm thấy rất lúng túng. Một quan chức ngoại giao đã nói chuyện về
việc thương lượng với một nhà ngoại giao Ả Rập và người này đã vội báo cáo về
Chính phủ. Bức điện của ông tiết lộ rằng hoặc người quan chức ngoại giao Mỹ đã
phát biểu sai về thế mặc cả của Mỹ hoặc nhà ngoại giao Mỹ này đã hiểu lầm một
cách tai hại những gì người ta nói với ông. Trước hai "giả thuyết" mà
nhà ngoại giao Ả Rập này đưa ra các quan chức ngoại giao Mỹ vô cùng lúng túng
vì thế mặc cả trình bày sai lạc và sự kiện này đã không phản ánh đúng đắn khả
năng của quan chức Mỹ dưới con mắt của các vị cấp trên.
Bản thân C.I.A cũng nhiều lần bị rơi vào những chuyện soi mói như thế. Một
lần, người ta trình Giám đốc C.I.A một bức điện bắt được có nói về người phó
của ông. Theo bức điện này, do một Đại sứ Tây Âu báo cáo về Bộ Ngoại giao của
mình thì nhân vật thử của C.I.A, một vài đêm trước đó tại một bữa cơm do vị đại
sứ này mời đã phát biểu không dè dặt về một quan điểm tế nhị của Mỹ. Ông phó
giám đốc phủ nhận cách ông Đại sứ hiểu ý nghĩa câu chuyện này. Bề ngoài, ông
Giám đốc C.I.A được toại nguyện nên câu chuyện bị lặng lẽ bỏ qua.
Khi một bức điện bắt được của N.S.A vô ý phát cho những người "không
tốt" thì có thể gây ra nhiều chuyện rất lạ trong nội bộ Chính phủ Mỹ. Lúc
các cuộc thương lượng và những chính sách ngoại giao đặc biệt tế nhị đang tiến
hành có thể bị tổn thương do có quá nhiều nhân viên văn phòng biết đến. Thông
thường thì Nhà Trắng có chủ trương là ra nhiều chỉ thị đặc biệt cho N.S.A và
N.S.A chỉ phát những bức điện nói về các cuộc thương lượng ấy cho Tổng thống và
những phụ tá thân cận của ông ta mà thôi.
F.B.I - Cục điều tra liên bang cũng có kế hoạch ghi âm điện thoại của nhiều
sứ quán nước ngoài đóng tại Oa-sinh-tơn và cũng như N.S.A, thu điện của các
nước. Qua việc này, F.B.I cũng thu được nhiều tin tức về các công dân Mỹ. Hợp
tác với Công ty điện thoại Tri-dơ-pic và Pô-tô-mac, một chi nhánh của Công ty
Ben, F.B.I thường giám sát điện thoại trong cơ quan của tất cả các nước Cộng
sản có đại diện ở Mỹ. Đôi khi, sứ quán của các nước ngoài khối Cộng sản cũng bị
nghe trộm điện thoại, đặc biệt khi các nước này đàm phán với Chính phủ Mỹ hoặc
khi các nước này đang có những diễn biến quan trọng.
Trước khi sử dụng những máy nghe trộm điện thoại sứ quán nước ngoài, F.B.I
thường thoả thuận với Bộ Ngoại giao Mỹ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ. Băng
ghi các cuộc nói chuyện ấy không bao giờ được đánh dấu là lấy từ các nguồn tin
nghe trộm mà thường mang nhãn hiệu "từ một nguồn tin đáng tin cậy trong
quá khứ". Thông thường, những nguồn tin như thế do các quan chức ngoại
giao và C.I.A thỉnh thoảng bắt được những bức điện liên lạc của những quan chức
các Sứ quán Mỹ và những đồng nghiệp của họ ở Oa-sinh-tơn.
Hầu hết trong các công việc thông tin liên lạc của Sứ quán Mỹ đều là do
nhân viên cơ yếu của C.I.A chịu trách nhiệm. Bởi lẽ, tổ chức một phòng cơ yếu
riêng cho mỗi cơ quan trong Sứ quán sẽ rất lãng phí. Họ phụ trách phòng cơ yếu
của Bộ Ngoại giao Mỹ và các bộ phận cơ yếu của các Sứ quán Mỹ - làm việc trong
bộ phận này các chuyên viên thường nấp dưới danh nghĩa nhân viên ngoại giao. Về
danh nghĩa, các nhân viên C.I.A không được phép đọc các điện mà họ mã hoá cho
Bộ Ngoại giao, tuy vậy, tất cả các nhân viên cơ yếu muốn được đề bạt phải hiểu
rằng việc đó phụ thuộc vào C.I.A và anh ta nên trình cho sĩ quan chỉ huy của
C.I.A các bản sao những bức điện quan trọng của Bộ Ngoại giao Mỹ. Bộ này từ lâu
đã mặc nhiên thừa nhận nhiều bức điện tối quan trọng của họ không thoát khỏi sự
kiểm soát của C.I.A cho dù họ đã thiết lập nhiều đường liên lạc đặc biệt đủ tin
là không thể bị C.I.A giải mã được.
Vào năm 1968, A-min Mô-ơ, khi đó là Đại sứ Mỹ tại I-ran đang có bất đồng
với trạm trưởng C.I.A tại Tê-hê-ran. Ông này đã chuyển điện liên lạc với Bộ
Ngoại giao Mỹ qua một trong những đường dây an toàn gọi là "Rê-giơ".
Tuy vậy, C.I.A cũng không dễ dàng bỏ qua chuyện này và đã tìm ra cách thu các
bức điện đó của ông đại sứ và những bức điện trả lời của Bộ Ngoại giao Mỹ. Giám
đốc C.I.A ra lệnh cất giữ các bức điện thật kỹ vì Bộ Ngoại giao không hề biết
rằng C.I.A làm được chuyện đó.
* Sử dụng vệ tinh và những máy móc do thám
khác trong công tác tình báo
Trong thực tế, nguồn quan trọng nhất của tình báo kỹ thuật mà có thể tập
hợp được là những nguồn tin thu bằng vệ tinh chụp ảnh và máy do thám điện tử.
Hầu hết các vệ tinh của Mỹ đều được phóng lên quỹ đạo Bắc Nam, để đưa chúng đi
qua các mục tiêu như Liên Xô, Trung Quốc với tần số cao nhất khi chúng bay vòng
quanh quả đất. Trong khi đó thì những vệ tinh khác lại được phóng lên quỹ đạo
phù hợp với sự vận chuyển của trái đất để gây ra ảo tưởng là chúng đang đứng
yên. Cơ quan do thám quốc gia (National Reconnaissance Office - viết tắt là
N.R.O) là một bộ phận của không quân có quyền điều khiển tất cả các kế hoạch vệ
tinh. Mỗi năm, cơ quan này chi hàng tỷ đô la cho vệ tinh và những máy do thám
khác. Trong khi Bộ Quốc phòng cấp tất cả các khoản tiền thì Hội đồng Hành chính
do thám (Executive Comnittee For Reconnaissance) chịu trách nhiệm về các chủ
trương đường lối phân phối ngân sách. Hội đồng này gồm phụ tá Bộ trưởng Quốc
phòng chuyên về tình báo, giám đốc C.I.A và phụ tá Tổng thống về các vấn đề an
ninh quốc gia. Hội đồng tình báo Mỹ (U.S.I.B), do Giám đốc C.I.A là chủ tịch và
thành viên của nó là các quan chức phụ trách tất cả các cơ quan do thám khác,
có quyền giám sát việc triển khai các yêu cầu đối với việc tập hợp tin tức bằng
vệ tinh. Một uỷ ban đặc biệt của U.S.I.B đề ra mục tiêu đặc biệt đối với mỗi
loại vệ tinh.
C.I.A qua việc sử dụng máy chụp ảnh có góc độ rộng và có độ chính xác cao,
các vệ tinh chụp ảnh, đã thu được nhiều tin tức chi tiết về các phát triển quân
sự của Liên Xô và Trung Quốc, cũng như các vấn đề khác về chiến lược. Một vài
vệ tinh chụp ảnh được trang bị máy phát hiện bằng tia hồng ngoại có tác dụng dò
tia phát sức nóng từ những mục tiêu dưới đất để xác định, ví dụ như địa điểm
này chứa vật gì hoặc vị trí kia hoạt động đến mức độ nào. Có vệ tinh mang máy
chụp ảnh vô tuyến truyền hình nhằm hoàn thành nhanh chóng những sản phẩm nó
chụp được và gửi về cho những người giải thích ảnh - những người này chuyên
phân tích hoặc giải thích những phim của máy gián điệp trên không. Tuy vậy, vệ
tinh này dù tốt cũng có nhiều hạn chế. Nó không thể nhìn xuyên qua mây và cũng
không thể nhìn qua nhà cửa hoặc nhìn bên trong các đồ vật.
Thêm vào vệ tinh chụp ảnh, tình báo Mỹ còn dùng hàng loạt vệ tinh do thám
khác có chức năng thực hiện những nhiệm vụ phát hiện bằng vô tuyến điện tử. Các
vệ tinh này thu các số liệu về các vụ thử tên lửa, số liệu về ra-đa và các buổi
phát tin của các máy điện tử có sức mạnh lớn và những số liệu về trao đổi tin
tức liên lạc. Những vệ tinh điện tử trong một số trường hợp được yểm trợ từ các
trạm dưới đất bố trí rất chu đáo ở những nước thân Mỹ và ngay trên đất Mỹ đề ra
hướng mục tiêu cho máy phát hiện và thu thập số liệu thu được từ vệ tinh rồi
chuyển số liệu đã nghiên cứu về cho các cơ quan tình báo ở Oa-sinh-tơn.
Trước khi vệ tinh trở thành đồ nghề tình báo, trong những năm đầu của thập
kỷ 60 máy bay do thám và tàu do thám là những nguồn cung cấp tin tức đáng kể
làm chức năng bổ sung kết quả công việc của N.S.A. Ở thời điểm đó, những phương
tiện này được xếp loại là những khí tài tốt nhất mà Mỹ có được. Không quân và
C.I.A thường dùng máy bay bay quanh, thậm chí bay cả trên bầu trời các nước
Cộng sản để lấy tin tức bằng cách dùng phương tiện điện tử chụp ảnh. Hải quân
điều khiển những tàu do thám kiểu như Pu-ê-blô chạy dọc bờ biển để nghe các điện
vô tuyến và các tín hiệu điện tử khác. Đây là một chương trình được đánh giá là
có nhiều thành công nhưng trong thực tế vẫn có những sự cố gây ảnh hưởng rất
nghiêm trọng. Chẳng hạn, vụ máy bay U-2 năm 1959 và sự kiện Bắc Bộ năm 1964
(Hai tàu tuần dương Mỹ bị tàu Bắc Việt "đánh chìm khi đang do thám")
đã tác động nghiêm trọng và tai hại đến tình hình chính trị thế giới. Những cố
gắng thu thập tin tình báo bằng phương tiện kỹ thuật tấn công đã dẫn đến việc
chiếc tàu Pu-ê-blô bị bắt, quân I-xra-en đánh chìm chiếc tàu Li-bơ-ty năm 1967,
những vụ Liên Xô bắn rơi các máy bay RB.46 và EC.121 và một số U.2 bị Trung
Quốc hạ.
Cho dù đã có những thất bại, nhưng C.I.A vẫn tiếp tục nhiều kế hoạch tình
báo kỹ thuật, mà cụ thể là trong việc do thám tin tức tình báo. Vệ tinh và máy
do thám tầm xa đã làm giảm đáng kể, nếu không nói là loại trừ, nhu cầu tiến
hành các chuyến bay do thám và những cuộc do thám trên biển. Tuy nhiên, những
cơ quan tình báo quân sự vẫn chi hàng tỷ đô-la để phát triển máy bay và tàu do
thám (không khác gì C.I.A và N.S.A đầu tư vào những trạm nghe trộm đã lỗi thời
xung quanh Liên Xô, Trung Quốc). Từ đó, người ta thấy một sự miễn cưỡng quan
liêu không chịu loại bỏ những máy móc đã cũ rích. Máy bay không người lái trên
vùng trời Trung Quốc vẫn tiếp tục bay mặc dù Bắc Kinh bắt đầu cho bắn rơi đều
đặn, còn làm cho Mỹ bối rối (và những máy bay này hầu như chẳng còn tác dụng gì
nữa). Các chuyên gia tình báo Bộ Ngoại giao đã năn nỉ không quân duy trì hoạt
động của máy bay không người lái mặc dù tin tức thu được chẳng có gì lớn. Khi
Liên Xô tuyên bố không cho phép tiến hành những cuộc bay bí mật từ năm 1960 và
Trung Quốc từ năm 1971, không quân không thể nghĩ ra cách nào khác để chứng
minh nhu cầu hoạt động của những loại bay ấy.
Qua đây, chúng ta có thể thấy một cách rõ ràng rằng Cộng đồng Tình báo Mỹ
có một nguyên tắc yêu cầu là phải thu thập càng nhiều tin tức càng tốt. Nếu chỉ
tập hợp tin vì ham mê thì có thể một nhà nghiên cứu tin tình báo tự nhiên bị
ngập giữa núi tin. Mà những tin này thì lại chẳng có tác dụng cho lắm. Chính vì
vậy người ta đã thấy sự phối hợp chặt chẽ giữa những người lãnh đạo các kế
hoạch do thám bằng kỹ thuật - những người thu thập tin tức và những người vạch
đường lối chính sách là vô cùng quan trọng.
Hơn nữa, tình báo kỹ thuật bất kỳ loại nào cũng có giá trị hạn chế. Nó có
thể xác định và đo đạc sự phát triển tên lửa và sự điều chuyển quân đội. Tuy
nhiên nó không thể nói được những điều gì mà các lãnh tụ nước ngoài đã vạch ra
cho tên lửa và quân đội ấy. Vào năm 1968, Cộng đồng Tình báo Mỹ đã biết khá rõ
về sự chuẩn bị của Liên Xô có hành động vũ trang can thiệp vào Tiệp Khắc. Họ
không có phương tiện nào để biết một cuộc tấn công thực sự có thể xảy ra hay
không. Loại tin này chỉ có thể tìm ra khi có một điệp viên nằm bên trong điện
Krem-ly. C.I.A không có khả năng đó và trong tương lai cũng ít có triển vọng
tuyển được một điệp viên như thế. Oa-sinh-tơn rất biết những gì "có
thể" xảy ra nhưng các nhà sử dụng tin tình báo có một sự khao khát (không
thể nào thoả mãn được) là được biết những gì "sẽ" xảy ra. Họ luôn
luôn đòi hỏi là phải thiết lập thêm hệ thống thu thập tin tức nhiều hơn và lớn
hơn nhằm thoả mãn yêu cầu của họ.
* Công tác phản gián
Trong các hoạt động tình báo thì công tác phản gián hay gọi một cách tế nhị
hơn là công tác bí mật tiến hành giữa các cơ quan tình báo đối địch. Công tác
phản tình báo chủ yếu là ngăn ngừa đối phương lọt vào các cơ quan bí mật của
chính mình trong khi mình tìm cách lọt vào nội bộ đối phương để tìm hiểu họ
đang trù tính gì chống lại mình. Đây là một công tác rất phức tạp, rất quanh co
vòng vèo mà những cơ quan tình báo lớn như C.I.A và K.G.B không thể không làm.
Công tác này phụ thuộc vào những cạm bẫy, những nhân viên khiêu khích, gián
điệp và phản gián điệp, gián điệp đôi và gián điệp ba. Đây là nội dung mà các
tiểu thuyết tình báo thường nói đến với khả năng vô tận trong việc lừa gạt và
phá mưu kế.
Có một điều bất ngờ rằng, trong khi các tổ chức gián điệp nước ngoài thường
quá nhấn mạnh đến công tác phản gián thì tình báo Mỹ lại phát triển công tác này
một cách rất chậm chạp. Trong chiến tranh thế giới thứ hai và thời gian sau đó,
đối với người dân Mỹ, công tác phản gián không có ý nghĩa bằng những biện pháp
an ninh phòng thủ như hàng rào điện tử, chó canh gác và luật mã. Đối với người
Mỹ, những hành động tế nhị đen tối và những âm mưu phức tạp của công tác phản
gián hình như là rất xa lạ chứ không gần gũi như người Châu Âu và Viễn Đông.
Tuy vậy, chiến tranh lạnh lan rộng và những thành công của K.G.B trong việc lọt
vào các cơ quan tình báo phương Tây dần dần đã đưa nước Mỹ đi sâu vào trò chơi
phản gián này.
F.B.I-Cục điều tra liên bang là cơ quan trước tiên có trách nhiệm đối với
an ninh nội bộ nước Mỹ. Mặc dù vậy, điều đó cũng không thể nào tránh khỏi va
chạm giữa C.I.A và F.B.I trong những công việc của họ để chống gián điệp nước
ngoài bảo vệ quốc gia. Trên nguyên tắc thì C.I.A hợp tác với F.B.I trong nhiều
vụ phản gián bằng cách giải quyết những khía cạnh liên quan đến nước ngoài và
để cho F.B.I tiến hành mọi công tác bên trong nước Mỹ. Thực ra, C.I.A có chiều
hướng định kiểm soát cả ở trong nước và đi sâu vào các cơ quan gián điệp đối
phương. Công tác phòng ngừa cơ bản chống Liên Xô tuyển điệp viên Mỹ tại nước Mỹ
là việc của F.B.I. Trong khi F.B.I thỉnh thoảng cũng tuyển điệp viên của nước
ngoài, nhưng chủ yếu là cốt để bắt hoặc trục xuất các điệp viên nước ngoài hơn
là biến họ thành gián điệp đôi như C.I.A thường làm. Sự khác nhau cơ bản này
trong cách đề cập vấn đề đã hạn chế sự hợp tác giữa hai cơ quan trong công tác
phản gián. Điều này góp phần khẳng định thêm một cách rõ ràng quan điểm chung
của C.I.A, nhân viên F.B.I chỉ làm công tác cảnh sát không giàu óc tưởng tượng
và không nắm vững các ngóc ngách của công tác phản gián (mặt khác F.B.I thường
nhận định các nhân viên phản gián của C.I.A như những tài tử quá lanh lợi không
thể làm được việc tốt). Mặc dù C.I.A hầu như không đưa lọt người vào các cơ
quan của Liên Xô và của các nước đối phương khác, nhưng cơ quan này luôn ép
F.B.I quay về hoạt động trong nước Mỹ và cho rằng F.B.I không được tinh vi nên
không thể đối phó với K.G.B.
Phòng Phản gián tình báo của Cục Mật vụ C.I.A đảm nhiệm việc vạch ra chủ
trương công tác phản gián và một số hoạt động thực tế khác. Phần lớn công tác
gián điệp do các phòng khu vực của Cục Mật vụ tiến hành (chẳng hạn như Phòng
Viễn Đông, Phòng Tây Bán cầu). Các phòng khu vực thường chú ý đến giá trị của
công tác gián điệp hoặc của công tác thu thập tin tức trong các hoạt động phản
gián mà người ta nói đến trong các hồ sơ C.I.A như các dự án hỗn hợp FI/CI-FI
tức là tình báo đối ngoại, theo lối nói của Cục Mật vụ.
Đối với mỗi trạm hay một căn cứ của C.I.A ở nước ngoài thường có một hay
nhiều sĩ quan phụ trách phản gián. Những người này có nhiệm vụ hàng đầu là giám
sát các hoạt động gián điệp và những hoạt động ngầm để làm cho đối phương không
lọt được vào và không làm hại đến hoạt động của C.I.A. Công việc của các sĩ
quan phản gián là nghiên cứu rất kỹ tất cả những báo cáo của sĩ quan điều khiển
của C.I.A cũng như báo cáo của các điệp viên nước ngoài để tìm ra những dấu
hiệu dính líu đến kẻ thù. Những nhà phản tình báo biết rất rõ những điệp viên
nào cố ý hoặc vô tình có thể bị K.G.B dùng để lừa gạt và cung cấp tin tức sai
lạc cho C.I.A hoặc sử dụng để khiêu khích nhằm làm hỏng những kế hoạch, công
tác đã được vạch ra một cách cẩn thận. Các điệp viên người nước ngoài có thể là
những gián điệp đôi mà nhiệm vụ là do thám các công tác mật của C.I.A. Khi một
gián điệp đôi bị phát hiện trong một công tác người ta sẽ nghĩ cách biến gián
điệp đó thành người của họ, nghĩa là thêm một tên gián điệp ba hoặc có thể dùng
nó để đánh lừa hay khiêu khích đối phương.
Trong trường hợp đặc biệt hết sức cần thiết phải tuyển một nhân viên của
đối phương làm việc cho mình các cơ quan tình báo vô cùng cẩn thận kiểu như
"cõng rắn về nhà" vậy! Ví dụ, nếu một sĩ quan K.G.B cần tuyển một
nhân viên C.I.A, các chuyên gia phản gián có thể nghĩ ra một kế hoạch giương
bẫy điệp viên của địch và sau đó xét xử hoặc biến nó thành điệp viên của mình.
Những chuyên gia này có thể động viên nhân viên của C.I.A vờ hợp tác với người
Nga để tìm hiểu nhiều hơn về loại tin tức mà K.G.B muốn thu thập, hoặc chỉ đơn
thuần làm lãng phí thời giờ và tiền bạc của K.G.B vào những âm mưu vô ích. Các
chuyên gia phản gián của C.I.A không nhất thiết phải chờ đợi K.G.B tuyển lựa mà
có thể giương bẫy bằng cách đưa người của họ ra làm con mồi cho đối phương.
Bên cạnh đó, ngoài việc bảo vệ các công tác bí mật của chính C.I.A, các sĩ
quan phản gián còn cố gắng lọt vào các cơ quan đối phương. Khi tìm cách tuyển
mộ điệp viên của Cộng sản và của các cơ quan gián điệp khác, họ luôn hy vọng và
tìm cách biết được những kế hoạch bí mật mà đối phương đang trù tính chống
C.I.A để từ đó có phương ứng làm thất bại hoặc làm chệch hướng những ý đồ đó.
Những "người trong nghề" đã công nhận rằng công tác phản gián
cũng giống như những công tác ngầm đã trở thành một ngành chuyên môn nhà nghề
của C.I.A. Tính chuyên môn hoá cao đến mức có một số điệp viên không bao giờ
phải mó tay vào công việc khác ngoài công tác phản gián trong suốt mấy chục năm
trời họ làm việc cho C.I.A. Những chuyên gia này đã phát triển nghề nghiệp
riêng của ngành họ bên trong Cục Mật vụ. Khá nhiều nhân viên C.I.A khác đã cho
rằng những chuyên gia này rất hay lừa dối và hay giữ kẽ. Chức năng của những
nhà phản gián là xem xét và kiểm tra mọi khía cạnh công tác của C.I.A. Không
bao giờ nhìn thẳng vào giá trị, những chuyên gia này có khuynh hướng nhìn thấy
sự lừa gạt ở khắp nơi. Trong một cơ quan có rất nhiều người không đáng tin cậy,
họ là những tay nhà nghề cuồng tín. Có một tư tưởng khá phổ biến trong nội bộ
C.I.A là bộ tham mưu phản gián hành động trên cơ sở nhận định C.I.A cũng như
những cơ quan chính quyền khác của Mỹ bị K.G.B xâm nhập. Trước thập kỷ 70, có
một thủ trưởng ban tham mưu phản gián bị nghi là đã lập một danh sách khoảng 50
quan chức giữ các cương vị then chốt trong C.I.A có nhiều khả năng bị đối
phương xâm nhập. Và ông ta còn bị nghi là đang duy trì những người ở các vị trí
ấy để thường xuyên theo dõi. Theo suy đoán của một số quan chức C.I.A - có một
số ít tin tưởng rất mãnh liệt - rằng cách duy nhất để giải thích thành tích
nghèo nàn trong việc tuyển mộ điệp viên Liên Xô - và tiến hành các kế hoạch
tình báo cổ điển chống Liên Xô - là vì K.G.B đã tung được vào C.I.A nhiều điệp
viên nên đã nắm được và phá được hết âm mưu của C.I.A xâm nhập nội bộ K.G.B.
Có khá nhiều quan chức giàu kinh nghiệm của C.I.A tin rằng hoạt động phản
gián chống các cơ quan gián điệp đối phương thường không được chú ý đúng
mức và cũng không được cấp phương tiện đúng mức trong Cục Mật vụ. Giả thuyết
nếu có một điệp viên Mỹ được K.G.B tuyển mộ (tất nhiên là điều này hầu như
không bao giờ xảy ra) thì điệp viên này có ít giá trị tình báo so với một điệp
viên khác cũng của Mỹ lọt thẳng vào chính quyền Xô-viết hay Đảng Cộng sản Liên
Xô trước đây. Mặc dù điệp viên ấy có thể cung cấp cho C.I.A một số tin về các
điệp viên nước ngoài đang làm cho K.G.B hoặc cung cấp một ít nhận định về các
hoạt động của K.G.B chống Mỹ và các nước khác. Tuy nhiên, người điệp viên này
có thể biết rất ít về các ý đồ của ban lãnh đạo Liên Xô, những bí mật quân sự
và về nguyên tử của Liên Xô, những tin tức cần thiết nhất đối với nền an ninh
quốc gia của Mỹ. Quan chức K.G.B cũng giống như các nhân viên tối mật thường am
hiểu nhiều về tình hình nước ngoài hơn là tình hình trong nước họ. Tất nhiên sẽ
là vô cùng tuyệt vời khi C.I.A nắm được những gì điệp viên K.G.B biết và nắm
được những nguồn tin của K.G.B, tuy nhiên tất cả những điều đó chưa phải là đã
hoàn thành các mục tiêu của Mỹ. Việc này giải thích những cố gắng của công tác
phản gián, mặc dù trình bày dưới những lý lẽ phức tạp và tinh vi cũng không hơn
gì lập luận "hành động vì hành động". Đôi khi, người ta cũng công
nhận rằng công tác tình báo thỉnh thoảng lại có một sự may rủi do công tác phản
gián mang lại. Đối với một điệp viên được tuyển dụng từ một cơ quan nước ngoài
thì có thể biết được tin tức về những chủ trương hoặc kế hoạch bí mật của Chính
phủ nước họ. Pen-cốp-xki là sĩ quan nằm trong cơ quan tình báo quân sự Liên Xô,
người đã cung cấp cho các cơ quan C.I.A và cơ quan tình báo chiến lược Anh I.S
khá nhiều tài liệu về quân đội Xô-viết, những chương trình phát triển vũ khí
tối tân và những tin tức-lý thuyết hoạt động bí mật. Tuy vậy, có lẽ C.I.A ít
quan tâm đến công tác mật hơn. Ở trong Cục Mật vụ, rõ ràng Phòng Liên Xô
(chuyên nghiên cứu về Liên Xô) là phòng làm công tác phản gián nhiều hơn là
tình báo. Lý do cơ bản của việc này là hầu như C.I.A không thể tuyển được một
điệp viên dù ở cấp thấp nhất của Liên Xô vì Liên Xô có chính sách, quy định
kiểm soát gắt gao an ninh nội bộ. Chỉ có những sĩ quan K.G.B và những quan chức
tình báo khác mới có quyền đi lại một cách tương đối tự do. Hơn nữa, họ nằm
trong nhóm người có nhiều khả năng ra khỏi Liên Xô nhất và như vậy những cuộc
tiếp xúc, tuyển mộ nhân viên hoặc xúi giục đào ngũ của C.I.A có thể xếp đặt dễ
dàng hơn.
Ngay cả bên ngoài lãnh thổ Liên Xô thì theo nhận định của những chuyên viên
Phòng Liên Xô trong Cục Mật vụ của C.I.A, việc tuyển mộ những điệp viên không
phải là K.G.B cũng khó khăn chẳng khác gì bên trong lãnh thổ Liên Xô. Bởi lẽ,
chính quyền Liên Xô lúc đó giao cho K.G.B kiểm soát rất sít sao tất cả các công
dân xô viết, kể cả các quan chức cao cấp nhất. Điệp viên C.I.A rất khó tiếp xúc
với người Liên Xô kể cả khi họ đi du lịch nước ngoài vì họ thường sống theo
từng nhóm. Chỉ có sĩ quan K.G.B là được tự do đi lại, nhờ đó họ có cơ hội tiếp
xúc với người nước ngoài. Những cố gắng của Phòng Liên Xô vì thế tập trung vào
việc tìm ra những điệp viên tiềm tàng trong số điệp viên K.G.B. Trong Phòng
Liên Xô người ta tin tưởng nhiều vào công tác này, tuy vậy, đã qua nhiều năm
C.I.A không tuyển được điệp viên Xô-viết cao cấp nào và hầu như chưa kéo được
tên đào ngũ nào có ý nghĩa. Đó là một vấn đề nghiêm trọng về khả năng của
C.I.A. Trên thực tế, từ những năm đầu của thập kỷ 60, C.I.A chưa hề tuyển điệp
viên Xô-viết, chỉ có một ít trường hợp dụ dỗ đào ngũ. Cũng cần phải nhắc lại
rằng Pen-cốp-xki lần đầu tiên xin làm việc cho C.I.A nhưng đã bị cơ quan này từ
chối.
C.I.A thận trọng cao độ trong việc tuyển dụng điệp viên của Xô-viết là điều
tương đối dễ hiểu. Đa số những người Xô-viết đào ngũ sang phương Tây được C.I.A
ca ngợi dè dặt vì họ có thể là người của K.G.B tung sang để lừa gạt hoặc khiêu
khích. Những sĩ quan C.I.A hoạt động ở nước ngoài thường không dám chủ quan về
khả năng đánh giá ý đồ và khả năng xác minh lòng trung thực của bọn đào ngũ, do
đó C.I.A đã phải lập ra một uỷ ban liên cơ bên trong Cộng đồng Tình báo Mỹ để
xét lại tất cả những trường hợp đào ngũ. Cho dù có thận trọng cao độ như thế,
K.G.B cũng đã đưa được điệp viên trà trộn vào số đào ngũ và lừa được C.I.A.
Trường hợp lôi được bà Xret-la-na Xta-lin là nhờ trạm C.I.A cũng như Đại sứ Mỹ
tại Ấn Độ đã vượt qua được những sự chần chừ của Phòng Liên Xô.
Thời gian trước những năm 1970, giới chuyên môn đã xác nhận rằng C.I.A không
thể nào tiến hành công tác gián điệp theo ý nghĩa thông thường của nó để chống
mục tiêu chính là Liên Xô. Đồng thời, một thực tế nữa là có thể C.I.A cũng
không thể tiến hành công tác phản gián có kết quả (trên khía cạnh tấn công)
chống Liên Xô. Cơ quan này thường vấp trong khi giải quyết những cơ hội may rủi
mà những người lọt vào và những tên đầu hàng mang lại. Phần nhiều vấp váp này
thường "bị" người ta cho là "tất nhiên" khi đụng phải một
xã hội khép kín như Liên Xô với một cơ quan tình báo không khoan nhượng như
K.G.B. Đã có rất nhiều vụ thất bại thể hiện sự bất lực của C.I.A. Tuy vậy, thất
bại trong việc đương đầu với tình báo Liên Xô còn nhiều lý do nữa chứ không chỉ
vì các vấn đề an ninh không thể vượt qua nổi. Cục Mật vụ C.I.A ở mức độ nào đó
sợ, thậm chí đã bị K.G.B doạ và bị K.G.B chơi khăm. Phần lớn tình báo Liên Xô
chống được các cường quốc ở phương Tây là vì K.G.B đã đưa được người chui vào
các cơ quan bí mật phương Tây. Các nhà quan sát chuyên môn cho rằng K.G.B có
nhiều khả năng chui vào các tổ chức tình báo nước ngoài hơn là tuyển mộ điệp
viên thông thường. Tiêu biểu cho những trường hợp điệp viên Nga chui được vào
cơ quan gián điệp phương Tây là trường hợp của Ha-ron Kim Phin-by. Người này là
điệp viên của Liên Xô đã hơn hai chục năm, từ khi còn là một quan chức rất cao
cấp của cơ quan tình báo Anh MI.6. Viết trong hồi ký của mình, Phin-by đã coi
khing tài năng của C.I.A trong công tác phản gián. Tuy vậy bản thân người điệp
viên này cũng phải thừa nhận một điều rằng chính một sĩ quan C.I.A (một người
trước kia đã từng làm việc cho F.B.I) đã phát hiện ra vai trò kín đáo của anh
và đã tố cáo cho chính quyền Anh biết. Ngoài ra, còn có nhiều trường hợp điệp
viên K.G.B lọt vào cơ quan tình báo Anh, Pháp, Đức và những nước nhỏ hơn trong
khối Bắc Đại Tây Dương. Tất nhiên, cũng còn trường hợp điệp viên K.G.B bị phát
hiện trong các cơ quan tình báo Mỹ kể cả N.S.A, cơ quan an ninh quân đội và Cục
Tình báo Bộ chỉ huy tham mưu liên quân.
C.I.A quản lý người của mình không hề lỏng lẻo, thậm chí đến mức tàn bạo
nên rất hiếm sĩ quan C.I.A nào dám làm gián điệp cho kẻ thù hoặc có thể đã xảy
ra tình trạng này nhưng vì danh dự của mình C.I.A đã dấu nhẹm đi. Một số sĩ
quan C.I.A bị cách chức vì lý do bất lực hoặc sa đoạ chứ không phải là nội
gián. Mỗi khi bắt được điệp viên người nước ngoài của C.I.A làm cho tình báo
đối phương, các chuyên gia phản gián của C.I.A phải báo cáo về thiệt hại, đánh
giá xem tên đó đã tiết lộ bao nhiêu tin tức và có thể ảnh hưởng như thế nào đối
với C.I.A. Các sĩ quan phản gián của C.I.A thường được tham dự vào việc điều
tra và báo cáo thiệt hại mỗi khi phát hiện ra nội gián trong bất cứ cơ quan
tình báo nào của Mỹ.
Báo cáo như thế chưa đủ mà còn phải phối hợp với Bộ Quốc phòng. Chẳng hạn
như năm 1966, khi trung tá W.H.Oa-len, sĩ quan tình báo của Cục Tình báo Lục
quân Mỹ, làm việc cho K.G.B. Qua điều tra, người ta biết rằng Oa-len đã nắm
được mọi nhận định của Bộ tham mưu liên quân Mỹ - nơi y công tác - về lực lượng
chiến lược Hồng quân Liên Xô, trong suốt cả quá trình tranh luận về sự yếu kém
của Hoa Kỳ trong lĩnh vực tên lửa vượt đại châu. Và tất nhiên, y đã trao tất cả
những bản sao các tài liệu tối mật cho K.G.B.
Tuy vậy, sau khi xem xét lại kết quả hoạt động của Oa-len tình báo Mỹ đã
hết sức ngạc nhiên vì chẳng có gì ghê gớm cả, nguyên do cơ bản làm cho các nhà
nghiên cứu của C.I.A và D.I.A công nhận rằng Mỹ đã thua kém trong những năm
cuối 1950 và đầu 1960, là những tài liệu nhắc đến trong diễn văn của Khrut-sốp
và các lãnh tụ Xô-viết khác ám chỉ việc Liên Xô phát triển và triển khai tên
lửa hạt nhân tầm xa. Những lời tuyên bố này được cẩn thận đưa ra đúng lúc cho
phù hợp với các giai đoạn nghiên cứu, thí nghiệm, sản xuất và đưa vào hoạt động
trong các lực lượng trông coi về tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đã được các
chuyên gia về Liên Xô trong các cơ quan tình báo Mỹ phân tích rất kỹ. Sau khi
được các nhà khoa học cho biết về các khả năng phát triển kỹ thuật của tên lửa
vượt đại châu và kỹ thuật của Xô-viết phát triển kinh khủng, nhất là việc Liên
xô phóng được vệ tinh nhân tạo trước Mỹ, những nhà nghiên cứu của cơ quan tình
báo Mỹ đã nhận định khả năng xấu nhất cho Mỹ là: Liên Xô đã chạy trước Mỹ về
mặt tên lửa. Ở các báo cáo dự kiến, những chuyên gia này nhận định các tuyên bố
của lãnh đạo Xô viết là một yếu tố có ý nghĩa đối với giả định kể trên của họ.
Ngay cả những cuộc bay do thám của U.2 và của những vệ tinh nhân tạo đầu
tiên của Mỹ cũng phần nào chứng tỏ những lo sợ ấy của họ. Tuy vậy, các quan
chức của Chính phủ Mỹ đã không mấy quan tâm và vẫn tiếp tục xúc tiến mạnh mẽ
những chương trình phát triển vũ khí hạt nhân đặc biệt là kế hoạch tên lửa
xuyên lục địa Mi-niu-tơ-man và tàu ngầm Pô-la-rít, và khoảng năm 1963, sự thực
trở nên quá rõ ràng. Mỹ đã vượt qua Liên Xô trong việc triển khai mau chóng các
kế hoạch tên lửa của mình. Khrut-xốp và các nhà lãnh tụ Xô-viết trước tình hình
này đã cố đánh lạc hướng dư luận bằng cách khôn khéo nói bóng gió đến khả năng
tấn công bằng vũ khí hạt nhân mà Liên Xô không có. Điều dễ thấy là đôi khi họ
được những dự đoán tình báo nói trên đây khuyến khích và những tài liệu đã được
trung tá Oa-len bí mật cung cấp, nêu rõ rằng: Quan chức Mỹ lo ngại như thế nào
về âm mưu đánh lừa của Liên Xô. Bước đầu, sự lừa bịp này đã thành công vì các
quan chức Mỹ tin những điều rêu rao của Liên Xô. Tuy nhiên, sau đó nó đã mang
lại kết quả ngược với ý muốn của Khrut-sốp vì Mỹ đã chọn con đường đẩy mạnh các
kế hoạch phát triển tên lửa và thế là Liên Xô đã bị đặt vào vị trí thua kém
nhiều về chiến lược hơn cả trước kia.
Ngày nay, K.G.B khó mà gắn được máy nghe trộm vào những phòng mật mã của sứ
quán C.I.A phụ trách phần lớn công tác cơ yếu của sứ quán Mỹ. Máy phát cũng như
các máy phụ khác đều đã được cách âm cẩn thận.
Tất cả những phòng cơ yếu đều bọc bằng chì, sàn nhà được đặt trên những cái
chân giảm thanh để hạn chế đến mức tối đa âm thanh trong phòng lọt ra ngoài.
Bây giờ, phòng cơ yếu được thiết kế giống như chiếc xe cắm trại và đặt dưới hầm
xi măng của sứ quán. Tất cả các loại màng nghe trộm cực nhạy đều bất lực khi
"đối đầu" với loại phòng này.
Ngày nay, những chuyên gia phản gián của C.I.A chẳng những cố tuyển dụng
điệp viên của đối phương, chẳng hạn như của K.G.B, mà còn tăng cường các thủ
đoạn nhằm lôi kéo điệp viên của các nước đồng minh nữa.
Cục Tình báo của C.I.A ngày nay hạn chế đến mức thấp nhất việc thông báo
những tài liệu tối mật cho các cơ quan tình báo nước ngoài, phần lớn việc hạn
chế này cũng chỉ là bỏ không thông báo nguồn tin mà thôi.
* Công tác đối nội của C.I.A
Tờ thời báo Niu Yooc số ra ngày 17.12.1972 đã tiết lộ rằng C.I.A đã bí mật
huấn luyện 14 cảnh sát viên của thành phố NiuYooc. Thời gian này, người phát
ngôn của C.I.A là An-gớt Tơ-mơ đã thừa nhận các cơ quan cảnh sát khác cũng được
C.I.A huấn luyện cho như vậy, tuy nhiên ông này không nói số lượng cụ thể. Ông
ta nói rằng : "Tôi rất nghi các quan chức C.I.A lại nắm giữ loại tin
này".
Một cố vấn pháp luật của C.I.A là Giôn Mô-ry trước là một điệp viên và đã
từng làm trạm trưởng C.I.A ở Hy Lạp) đã tuyên bố hôm 29.1.1973 rằng: "Gần
50% sĩ quan cảnh sát của 12 thành phố và tỉnh đã được C.I.A huấn luyện ngắn
ngày trong vòng 2 năm 1971-1973".
Thực ra, C.I.A đã huấn luyện cho cảnh sát từ năm 1967 vừa ở trụ sở Trung
ương vừa ở trường đào tạo của C.I.A tại bang Vơ-gi-ni-a. Năm 1973, khi bị các
nhà báo phát hiện, ban chỉ huy cảnh sát ở Chi-ca-gô chối rằng không có một
người nào của họ đã được C.I.A huấn luyện như thế. Tuy vậy, tân Giám đốc C.I.A
lúc bấy giờ là Ri-sớt Hem đã trình bày trong một cuộc họp kín của uỷ ban đối
ngoại thượng viện vào đầu tháng hai rằng cảnh sát Chi-ca-gô cũng được huấn
luyện. Bản trình này mặc dù được dấu giếm hết sức kỹ càng nhưng báo chí đã moi
ra được.
Mặc dù Mô-ry chỉ nói rằng C.I.A đã thực hiện việc đào tạo cảnh sát trong 2
năm, tức là ít ra trong hai năm đó có 50 sĩ quan cảnh sát được C.I.A huấn
luyện, nhưng số lượng này có thể còn cao hơn nhiều nếu C.I.A thú nhận rằng họ
đã huấn luyện cho cảnh sát từ trước năm 1971. Một điều tra quan trọng hơn nữa
là, các quan chức C.I.A không thể nào biện bạch cho việc họ huấn luyện cảnh sát
bằng cách viện ra đạo luật liên bang kiểm soát tội ác và an ninh đường phố
trong đó có khoản yêu cầu các cơ quan liên bang hợp tác với các lực lượng địa
phương. Tháng 6.1968 đạo luật này đã được thông qua. Khi việc C.I.A tiến hành dạy
nghề cho cảnh sát nội địa hay tham gia những hoạt động mật vụ ngay trong nước
Mỹ khiến người ta phải nhắc nó nhớ đến một điều luật: đạo luật năm 1947 về an
ninh quốc gia đã cấm C.I.A thực hành mọi chức năng "cảnh sát, truy tố, xử
phạt và bất cứ công tác gì liên quan đến an ninh đối nội".
Thủ đoạn C.I.A dùng để che đậy tội lỗi trong trường hợp này rất điển hình
cho "bản chất của nó". Tức là C.I.A đã dùng sự lừa dối để che đậy
những hoạt động của nó ngay trên nước Mỹ, đối với chính dân Mỹ, thực tế thì công
chúng Mỹ rất bực mình với những hoạt động đối nội này của C.I.A.
Thực ra, nhiều người cho rằng, việc C.I.A huấn luyện cảnh sát địa phương là
một việc vô hại, nhưng người ta cũng có thể đặt ra nhiều câu hỏi: Tại sao C.I.A
lại tìm cách che giấu Quốc hội và công chúng về việc đó? Tại sao không để F.B.I
huấn luyện cảnh sát vì F.B.I là cơ quan có đủ thẩm quyền luật pháp và phương
tiện để đảm nhận chức năng này? (Lý giải những thắc mắc này Giám đốc Hem đã báo
cáo với Uỷ ban đối ngoại thượng viện rằng: Cảnh sát xin C.I.A huấn luyện vì kỹ
thuật bảo quản hồ sơ tình báo và phương pháp giám sát của C.I.A giỏi hơn
F.B.I). Và tại sao các Giám đốc C.I.A như Sơ-le-xinh-giơ và Côn-by về sau lại
không ngừng các lớp huấn luyện cảnh sát kể cả sau khi báo chí và Quốc hội nêu rõ
tính chất không hợp pháp và rất ngang ngược của những lớp này.
Đối với những câu hỏi này thì chẳng ai có thể giải đáp được trôi chảy. Tuy
vậy, nói chung C.I.A không muốn thừa nhận rằng họ đang làm một việc mà họ không
được phép làm và những lời công bố có tính chất lừa lọc của họ là những phản
ứng mẫu mực biểu hiện một việc gì đó đặc biệt "ghê tởm" đang diễn ra.
Sở dĩ ta có thể nói như vậy vì lúc đó vụ Oa-tơ-ghết chưa xảy ra, do đó C.I.A
cần phải tránh để không bị tố cáo là đã tiến hành những công tác do thám đối
nội. Qua một vài tháng, từ lời phát ngôn của báo chí và một số quan chức chính
quyền, người ta mới biết Ri-sơt Hem đã "đặc biệt sốt sắng" giúp đỡ
việc vạch ra và thực hiện một kế hoạch tối mật của Tổng thống để vừa xoa dịu
những tin tức bất lợi kia và thực hiện nhiều phi vụ táo bạo tiếp theo.
* C.I.A và F.B.I
Qua những điều nói ở phần trên, chúng ta cũng có thể khẳng định rằng, C.I.A
thường bí mật hoạt động bên trong nước Mỹ, mặc dù nó che đậy rằng rằng đó chỉ
là những hoạt động hỗ trợ cho công tác ở ngoài nước Mỹ mà thôi. Để phục vụ cho
công tác ở trong nước, C.I.A đã lập Phòng Nội địa thuộc Cục Mật vụ, từ nhiều
năm trước đây. Trong công tác tình báo, phân chia hoạt động trong nước và hoạt
động ngoài nước rất dễ lẫn lộn. Do đó, giữa C.I.A và F.B.I thường va chạm về
mặt giấy tờ và là các cơ quan chịu trách nhiệm trước hết về an ninh nội địa.
Với vài trăm nhân viên và 10 triệu đô la ngân sách mỗi năm, Phòng Nội địa
là một đơn vị cố định của Cục Mật vụ. Trụ sở của Phòng Nội địa nằm ngoài Tổng
hành dinh C.I.A, trong một toà nhà trên đại lộ Pen-xyn-va-ni-a ở Oa-sinh-tơn,
cách Nhà Trắng hai khu nhà. Ngoài ra, nó còn có nhiều chi nhánh ở các thành phố
lớn của Mỹ. Những đơn vị này nằm cách biệt với các trụ sở khác của C.I.A vì
tính chất của Phòng Nội địa buộc phải tiếp xúc công khai với những người Mỹ đi
du lịch ở nước ngoài trở về. Phòng này được giữ rất bí mật, thậm chí bí mật với
cả các tổng đài của C.I.A. Năm 1963, Vụ trưởng Hành chính của C.I.A đã yêu cầu
các quan chức chuẩn bị ngân sách hàng năm không ghi bất cứ điều gì về phòng
này. Đã có lần Giám đốc Hem bị Quốc hội yêu cầu báo cáo về Phòng Nội địa nhưng
ông ta đã mô tả phòng này là một bộ phận không liên quan gì đến Cục Mật vụ
(thực ra chính Phòng Nội địa là cơ quan công khai tuyển mộ những người Mỹ đã đi
du lịch làm tai mắt không chính thức của C.I.A ở nước ngoài).
Cũng giống như những phòng khu vực của Cục Mật vụ, Phòng Nội địa có nhiệm
vụ là thu thập tình báo và tiến hành những công tác bí mật khác ngay trên đất
Mỹ. Nó có một số kế hoạch chống lại sinh viên người nước ngoài và những khách
đến thăm nước Mỹ, tất nhiên là không phải tất cả. Việc tuyển mộ cán Bộ Ngoại
giao Liên Xô tại Liên Hiệp Quốc hay tại Oa-sinh-tơn là thuộc chức năng của
phòng Liên Xô, cũng thuộc Cục Mật vụ. Những kế hoạch công tác đối với người Mỹ
gốc Cu-ba tại vùng Phờ-lo-ri-đa thuộc chức năng của phòng Tây bán cầu hoặc
phòng công tác mật vụ hay mã phòng công tác đặc biệt (bán quân sự) tuỳ theo vai
trò mà C.I.A muốn bổ nhiệm.
Nhiều hành động của Phòng Nội địa khiến cho người ta có cảm tưởng rằng nó
muốn hoạt động trên nhiều địa bàn nước Mỹ hơn là quyền hạn thực tế của nó. Và
nhiều người cũng cho rằng nếu kế hoạch an ninh trong nước năm 1970 của chính
quyền Ních-xơn và việc theo dõi người Mỹ ly khai đã được thực hiện (điều này
Nhà Trắng đã phủ nhận, nhưng nhiều tờ báo đã nói lời khẳng định rồi), thì Phòng
Nội địa chắc chắn đã dính líu sâu vào vụ này. Trước dư luận, để biện bạch cho
những hành vi kiểu như thế này, C.I.A thường dùng lý do là C.I.A có toàn quyền
giám sát những người Mỹ có quan hệ với các tổ chức nước ngoài. Đối với những bộ
óc đa nghi của C.I.A, những vấn đề gây ra trong nước Mỹ bởi những người Mỹ ly
khai, những người hoạt động cho dân quyền, những người chống chiến tranh, chắc
chắn là do ảnh hưởng của nước ngoài. Cuối cùng C.I.A lý luận rằng các nhóm
chính trị ly khai trong nước Mỹ chắc chắn đã nhận tiền của một nơi nào đó có
thể từ nước ngoài. Vì quá quen với công việc bí mật xúi giục các nhóm chống
Chính phủ các nước Đông Âu và nhiều nước khác nên các điệp viên C.I.A rất dễ
dàng suy bụng ta ra bụng người, rằng những nước Cộng sản bằng những cách này
cách khác đã dựa vào những nhóm người Mỹ này để gây rối trong nước Mỹ.
Một tổ chức tình báo lớn và quỷ quyệt như C.I.A thì ở khắp mọi nơi đều có
người "cảm tình". Trong một tài liệu mật được công bố trước Thượng
nghị viện Mỹ về cuộc điều tra vụ Oa-tơ-ghết, Han-đơ-man đã nói: "Chúng ta
cần nhân dân chúng ta đưa ra một câu chuyện về tiền nong của nước ngoài hoặc
của Cộng sản dùng để ủng hộ những cuộc biểu tình chống Tổng thống năm
1972".
Khi Giôn-xơn còn giữ chức Tổng thống, Nhà Trắng không muốn cho C.I.A đi sâu
vào các hoạt động trong nước. Phòng Nội địa chỉ được phép làm một số công tác
như tăng cường theo dõi "phong trào" và hoạt động chống sự dính líu
của nước ngoài với "phong trào". Cục Điều tra liên bang F.B.I cũng
được lệnh triển khai khả năng tình báo chính trị đối nội. Những trách nhiệm lớn
trong vấn đề này được trao cho Bộ quốc phòng, đặc biệt là lục quân, dựa trên
đạo luật khẩn cấp cho phép Tổng thống có đặc quyền dùng quân đội, áp dụng mọi
biện pháp cần thiết để đánh bại mọi âm mưu và đập tan mọi sự lộn xộn trong
nước. Sự giải thích về pháp lý không phải là lý do độc nhất để Cục Tình báo lục
quân được trao nhiệm vụ làm công cụ chủ yếu để tấn công các mục tiêu trong nước.
Hơn nữa, xét về quy mô của C.I.A và F.B.I thì hai đơn vị này không đủ người
để tiến công bí mật toàn diện chống những phần tử cấp tiến. Hai đơn vị này cũng
không có sẵn những nhân viên trẻ, đầy nhiệt huyết để có thể sẵn sàng
"chui" ngay vào các phong trào. Tuy nhiên, mặc dù có sự o bế của Tổng
thống nhưng tình báo lục quân sớm bị phát hiện và các kế hoạch do thám trong
nước đã bị tố cáo hồi đầu năm 1970 khi Cri-xtô-phơ Py-lo viết trong
"Nguyệt san Oa-sinh-tơn". Thế là suốt một thời gian dài sau đó, các cơ
quan tình báo quân sự buộc phải rút khỏi cuộc tấn công ồ ạt vào những người ly
khai trong nước một cách miễn cưỡng. Và một lần nữa, lĩnh vực này lại được dành
cho những tay nghề khác là F.B.I và C.I.A.
Hai con hổ không thể ăn chung một miếng mồi, tình hình đó đã sớm dẫn F.B.I
kình địch công khai với C.I.A. Vào thời điểm cuối năm 1971, tờ Thời báo
Niu-Yooc gắn sự chia rẽ này cho một sự kiện nhỏ về pháp lý trong việc giải
quyết một tên chỉ điểm tại Đen-vơ. Liền ngay sau đó, một sĩ quan của F.B.I có
nhiệm vụ chuyên liên lạc với C.I.A và cũng là một thành viên trong ban tham mưu
của Tổng giám đốc F.B.I tên là Xam Pa-pích đã bị cách chức. Và cũng chỉ ít lâu
sau, Uy-li-am Xu-li-vơn, Cục trưởng An ninh nội bộ của F.B.I, đại diện của
F.B.I trong ban lãnh đạo tình báo Mỹ, một người bạn thân của C.I.A, đã bị F.B.I
cách chức và bị đuổi khỏi cơ quan. Như vậy, F.B.I bắt đầu quá khó chịu với
những nhân viên có quan hệ mật thiết với C.I.A.
Đánh hơi thấy mối quan hệ giữa C.I.A và F.B.I đang trong giai đoạn khủng
hoảng, báo chí đã đăng hàng loạt bài về sự bất lực của người cầm đầu cũng như
toàn bộ F.B.I. Một số bài bình luận mà người ta cho là do "các nguồn gốc
có thẩm quyền" của Cộng đồng Tình báo đưa ra đã lên án F.B.I là bất lực,
chỉ phát hiện được một ít gián điệp nước ngoài ở Mỹ trong nhiều năm qua và lạc
hậu đối với những vấn đề phản gián hiện nay.
Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu lại những bài báo này, các chuyên gia đã đưa
tới nhận định, những luận điệu này, chắc chắn xuất phát từ C.I.A hoặc là do
C.I.A mớm cho. Từ tình hình căng thẳng này, người ta mới truy lại thời gian
trước năm 1970, C.I.A và F.B.I đã có một sự bất đồng gay gắt khi Nhà Trắng có
kế hoạch mở rộng hoạt động tình báo trong nước. C.I.A thì tán thành, thực hiện
và khuyến khích chủ trương đó còn F.B.I thì chống lại. Trên thực tế, chính sự
phản ứng của F.B.I đã gây ra sự sụp đổ kế hoạch của Nhà Trắng. Và cũng chính vì
thế mà Tổng thống phát điên lên và đã thành lập đội "ăn trộm" tai
hại.
Khi Thượng viện Mỹ chất vấn Giám đốc C.I.A Uy-li-am Côn-by vào năm 1973 rằng
thế nào là phạm vi hoạt động thích đáng của C.I.A trong nước Mỹ, ông ta đã trả
lời: "Trước hết, tất nhiên là chúng tôi có nhiệm vụ tuyển mộ điệp viên cho
cơ quan chúng tôi và chúng tôi có nhiệm vụ phải điều tra những người ấy".
Tất nhiên là chẳng có ai tranh cãi về sự cần thiết hành chính thông thường
đó, tuy nhiên chỉ có ít người hiểu được rằng những gì "tổng hành
dinh" cần quản lý lại bao gồm hàng tá toà nhà dùng cho C.I.A làm việc.
Những địa điểm đó chỉ là ở trong khu vực thủ đô, ngoài ra còn các trường rộng
lớn ở nhiều nơi thuộc bang Vơ-gi-ni-a, một căn cứ bán quân sự ở Ca-rô-li-a Bắc,
những sân bay bí mật ở Nê-va-đa và A-ri-dô-na, những căn cứ thông tin liên lạc
và nghe trộm điện đài xung quanh nước Mỹ, những sổ ghi nợ của các tổ chức và
Hãng hàng không "giả", những cơ sở hoạt động trong hơn 20 thành phố
lớn, một kho vũ khí đồ sộ ở miền Trung Tây và những ngôi nhà an toàn cần cho
việc gặp gỡ các điệp viên tại Oa-sinh-tơn và các thành phố khác. Không phải
ngẫu nhiên mà chúng ta lại đi liệt kê một dãy dài những căn cứ của C.I.A trên
mà điều đáng nói là các cơ sở này ngoài việc dùng cho công tác ở nước ngoài thì
cũng có nhiều cơ sở lại hoàn toàn được sử dụng cho các công tác thuần tuý nội
địa.
Cũng vẫn Côn-by cho biết: "Chúng tôi phải ký giao kèo với nhiều xí
nghiệp Mỹ để mua nhiều loại trang bị khác nhau mà chúng tôi có thể cần dùng ở
nước ngoài". Một lần nữa, đây lại là một chức năng hợp pháp. Mỗi năm C.I.A
mua hàng chục triệu đô la hàng hoá của các Công ty trong nước, từ những dụng cụ
dùng cho cơ quan đến những đồ nghề tình báo. Tuy vậy Giám đốc C.I.A Côn-by đã
thận trọng giấu những sự mua bán khác, nghĩa là những dịch vụ tiến hành qua các
cuộc giao dịch theo hợp đồng giữa C.I.A và các trường đại học cũng như các giáo
sư của những trường đó.
Rất nhiều cuộc giao dịch này đã bị đưa ra ánh sáng vào mùa đông năm 1967,
khi tuần báo Dinh Lũy lần đầu tiên tiết lộ rằng C.I.A đã trợ cấp tiền cho Hội
sinh viên quốc gia Mỹ. Cũng chính vì sự vạch mặt này đã kéo theo vạch trần khác
nên Giám đốc Hem đòi Vụ trưởng quản trị phải báo cáo cho biết về những gì C.I.A
đã làm trong các trường đại học Mỹ. Rất vội vàng, viên Viện trưởng này phản ứng
bằng cách báo cáo rằng việc đó không phải dễ dàng vì hầu hết các sĩ quan C.I.A
đều có chương trình hành động riêng với một hay nhiều trường đại học và không
có một vụ, cục nào của C.I.A không phối hợp hoặc không theo dõi các chương
trình đó. Thế là, C.I.A đã lập một uỷ ban đặc biệt để làm một báo cáo và các sĩ
quan tham mưu đã nhiều tuần lễ đi hết vụ này đến cục kia để cùng nhau nghiên
cứu. Uỷ ban này đã tập hợp số liệu của hàng trăm giáo sư đại học đã từng nhận
chỉ thị đặc biệt từ Phòng Bảo vệ của C.I.A để tiến hành nhiều loại nhiệm vụ cho
các bộ phận khác nhau của C.I.A. Chẳng hạn, Cục Tình báo có một số đội quân cố
vấn ở các trường đại học đang tiến hành nghiên cứu lịch sử và chính trị rất
giống những học giả bình thường, nhưng lại khác ở chỗ là họ không bao giờ được
phép in thành sách những kết quả nghiên cứu của mình. Tuy vậy, đối với một số
ít trường hợp, C.I.A không áp dụng luật này với điều kiện là các giáo sư đó
không được làm lộ nguồn tin và những sách xuất bản phải phù hợp với đường lối
tuyên truyền hiện tại của C.I.A.
Rất nhiều giáo sư đã làm việc cho cục khoa học và kỹ thuật của C.I.A. Đôi
khi, C.I.A còn dùng toàn bộ các môn trong các trường đại học hay các viện
nghiên cứu để thực hiện những đề án nghiên cứu và phát triển của mình (điều này
không tính đến hàng triệu đô la cấp cho các công trình mà Cục khoa học kỹ thuật
ký hợp đồng hàng năm với các Công ty tư nhân và các "máy suy nghĩ".
Trong thực tế, còn trường hợp C.I.A tham gia vào công trình nghiên cứu của
các trường đại học còn sâu hơn là đơn thuần đỡ đầu công tác nhà trường. Vào năm
1951, C.I.A đã rót tiền để thành lập Trung tâm nghiên cứu quốc tế tại Viện kỹ
thuật Ma-sa-su-sét. Nhân vật chủ chốt của viện này là Oan Rô-xrâu, một nhà bác
học chính trị có quan hệ với tình báo từ thời kỳ ông ta làm việc cho Cục Tình
báo chiến lược O.S.S sau trở thành cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng thống
Giôn-xơn. Năm 1952, Mắc Min-li-kan, trước là trưởng phòng đánh giá quốc gia của
C.I.A đã trở thành Giám đốc Trung tâm.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, mối quan hệ giữa C.I.A và các cơ quan
nghiên cứu của các trường đại học và của khu vực tư nhân đã ngày càng trở nên
thông thường và ngay cả Bộ Quốc phòng Mỹ cũng làm theo lối này .
Tuy nhiên, năm 1953 khi Trung tâm nghiên cứu quốc tế in cuốn "những
động lực của xã hội Xô-viết" do Rô-xtân và các đồng nghiệp của ông viết
thì không ai biết chính C.I.A đã đài thọ và cuốn sách đó phản ánh quan điểm của
C.I.A về Liên Xô. Viện nghiên cứu Ma-sa-su-sét cắt đứt quan hệ với Trung tâm
năm 1966 nhưng mối quan hệ giữa trung tâm với C.I.A vẫn duy trì. Sau đó, C.I.A
tiếp tục trợ cấp cho các cơ sở nghiên cứu tương tự tuy nhỏ bé hơn trên khắp
nước Mỹ.
Năm 1967, sau khi tổng kết công tác nghiên cứu về mối quan hệ giữa C.I.A và
các trường đại học, các chuyên gia cũng thấy Cục Mật vụ C.I.A quan hệ với các
trường đại học nhằm cải tiến các phương tiện gián điệp như máy nghe trộm, vũ
khí tối tân, mực viết bí mật... Còn đối với những nhân viên đặc vụ thì công tác
nghiên cứu không cần đến các trường đại học lắm. Những khu trường đại học là
mảnh đất tốt để C.I.A tuyển mộ điệp viên. Trong các trường đại học lớn của Mỹ,
đa phần là có cả sinh viên nước ngoài theo học, mà hầu hết số sinh viên này,
nhất là sinh viên các nước thế giới thứ ba đã và đang được giao những chức vụ
cao ở trong nước sau khi họ trở về. C.I.A có thể dễ dàng tuyển mộ những sinh
viên này khi họ đang học tại Mỹ. Để phát hiện và đánh giá họ, Cục Mật vụ C.I.A
thường sử dụng các giáo sư chủ chốt trong các trường đại học. Nếu một giáo sư
nhằm được đối tượng tuyển mộ thì thông báo cho C.I.A và đôi khi cùng C.I.A làm
công việc tuyển mộ. Mặc dù hỗ trợ C.I.A rất tích cực trong việc tuyển mộ nhân
viên như thế nhưng họ vẫn bị xem là những nhân viên không chính thức của C.I.A.
Một số khác tích cực tham gia vào công tác mật của C.I.A bằng cách làm trung
gian hay là tiến hành kế hoạch mật vụ trong thời gian công tác ở nước ngoài.
Đã có lần Cục Mật vụ dùng một trường đại học làm vỏ bọc hoặc làm chỗ dựa
cho kế hoạch đặc vụ của nó ở nước ngoài. Vào năm 1966, trường hợp lộ liễu nhất
đã bị vạch mặt khi tuần báo Dinh Lũy tung ra một tin rằng Trường Đại học
Mi-si-gân đã bị C.I.A dùng từ năm 1955-1959 để huấn luyện cảnh sát đặc biệt cho
Nam Việt Nam. C.I.A đã trả 25 triệu đô la cho trường này về công việc đó và năm
sĩ quan C.I.A đã bị phát hiện trong số những cố vấn thực hiện kế hoạch đó.
Qua điều tra, nghiên cứu đã nói đến hầu hết các hoạt động của C.I.A đối với
các trường đại học, vậy mà một quan chức tham mưu phụ trách soạn thảo tài liệu
về cuộc điều tra đó đã được dặn trước rằng không được nói đến chương trình
nghiên cứu nào liên quan đến việc dùng ma tuý. Việc C.I.A quan tâm đến ma tuý
không phải là nhất thời. Một quan chức C.I.A được giao nhiệm vụ đi khắp châu Mỹ
La tinh để mua hết các loại thuốc mê có thể dùng trong nghề gián điệp.
Ông Vụ trưởng quản trị trình lên Giám đốc C.I.A một bài nghiên cứu cuối
cùng rất dày về vấn đề này. Tuy nhiên bản thân ông này không chắc mình đã viết
được đầy đủ không phải vì nghĩ rằng mình bị người ta giấu kín tình hình mà còn
vì sợ bỏ sót một đơn vị đặc biệt hoặc một tổ chức nào đó của C.I.A, mà tổ chức
này có chương trình hoạt động ngay trong các trường đại học của chính nó.
Vì có tính chất đặc biệt nên những tài liệu này chỉ được phép đánh máy một
bản để trình Giám đốc C.I.A. Giám đốc Ri-sớt Hem đã xem và tán thành kết luận,
tất cả các hoạt động của C.I.A ở trường đại học đều có giá trị đối với C.I.A và
cần phải tiếp tục, trừ một vài hợp đồng riêng đã hết giá trị hoặc quá lộ liễu.
Cuối cùng, người ta cũng đã chọn lọc và bỏ bớt các chương trình đó và các quan
hệ C.I.A-trường đại học vẫn tiếp tục như không có vụ bê bối của hội sinh viên
quốc gia.
Trở lại lời giải thích của Giám đốc Côn-by về những hoạt động trong nước
của C.I.A, ông này nói "Tôi tin rằng chúng tôi có thể thu thập tình báo
nước ngoài ngay trên đất nước Mỹ, gồm từ việc yêu cầu công dân Mỹ báo cáo cho
chính quyền một số tin mà do họ có thể biết về nước ngoài và chúng tôi có một
đơn vị riêng làm việc này. Tôi rất sung sướng khi nói rằng một số lớn công dân
Mỹ đã cho chúng tôi biết tình hình, chúng tôi không phải trả tiền cho những tin
này. Chúng tôi có thể bảo vệ quyền lợi của những người này và bảo vệ cả tên
tuổi của họ nếu cần".
Cái gọi là "đơn vị riêng" mà Côn-by nhắc đến chính là Phòng Tiếp
xúc trong nước (Domestic Contact Service). Phòng này có chức năng đầu tiên là
thu thập tình báo từ các công dân Mỹ mà không cần đến những phương pháp bí mật.
Cho đến đầu năm 1973, Phòng Tiếp xúc trong nước là một bộ phận của Cục Tình báo
của C.I.A (Cục này chuyên nghiên cứu, phân tích tình hình). Phòng này thường
dùng thủ đoạn thiếp lập quan hệ với những nhà kinh doanh, học giả, khách du
lịch và những người đã từng đi ra nước ngoài nhất là Đông Âu và Trung Quốc.
C.I.A thường yêu cầu những người này cung cấp tin tức về những điều mà họ đã
nhìn và nghe thấy trong các chuyến đi của họ. Những người này phần lớn thường
được C.I.A tiếp xúc ngay sau khi họ trở về. Tuy vậy, nếu C.I.A biết một cá nhân
dự tính đi tham quan một địa phương xa xôi của Liên Xô, Phòng Tiếp xúc trong
nước sẽ gặp trước và yêu cầu vị này thu lượm tin về một số mục tiêu nào đó.
Thời gian trước đó, Phòng Tiếp xúc không dám giao nhiệm vụ đặc biệt vì những
người đi du lịch không phải là những tay gián điệp nhà nghề và có thể dễ dàng
bị bắt nếu họ đóng những vai do thám quá nghiêm túc.
Với lý lẽ: Nếu tất cả các tin tình báo do con người thu lượm được đều tập
trung vào một cục nghiệp vụ thì hiệu suất công tác tình báo sẽ tăng lên nhiều,
do đó Cục Mật vụ của C.I.A đã nhiều lần ngỏ ý muốn xin nắm lấy Phòng Tiếp xúc
trong nước. Đến cuối những năm 1960 thì dường như không còn có thể kìm chế được
nữa, Cục Mật vụ định dành lấy phòng đó một cách thô bạo nhưng bị thất bại. Với
mục đích giữ thể diện cho cục này, giám đốc Hem đã cho phép Cục Mật vụ biệt
phái nhân viên sang Phòng Tiếp xúc trong nước để phối hợp công tác. Phòng này
vẫn đặt trong Cục Tình báo. Tuy nhiên, đến năm 1973, giám đốc mới là
Sơ-le-xinh-giơ đã cho phòng này chuyển sang Cục Mật vụ. Việc thay đổi này không
được thông báo công khai, do đó những người đi du lịch không biết rằng họ vẫn
tiếp xúc với những tay mật vụ của C.I.A.
Cũng vẫn Côn-by đã trình bày trước Thượng viện rằng: "Tôi tin rằng
chúng tôi cũng có một số công tác hỗ trợ mà chúng tôi phải tiến hành trong nước
Mỹ để các hoạt động tình báo ở nước ngoài. Một vài cơ quan trong nước là rất
cần cho kiều bào ta sống ở nước ngoài có lý do để công tác dưới một số danh
nghĩa nào đó, tất nhiên không phải là danh nghĩa một... nhân viên C.I.A".
Từ những tuyên bố này của ông Côn-by thì quả thật không còn nghi ngờ gì nữa,
ông ta đã nói về những trường đào tạo của C.I.A, những kho vũ khí, những hợp
đồng bí mật ký với các Công ty Mỹ để cho điệp viên C.I.A có chỗ nấp, việc
thương lượng bí mật với những nhà buôn vũ khí và những công tác hỗ trợ khác cần
hoạt động bí mật khác ở nước ngoài. Có thể ông cũng đã nói đến việc C.I.A dùng
các hội, công đoàn và các nhóm người Mỹ khác làm bình phong để tài trợ cho
những kế hoạch bí mật ở nước ngoài, hoặc ông đã nói đến những công ty hoạt động
cho C.I.A trên khắp thế giới. Đối với những loại sau này, C.I.A có cả một mạng
lưới đường hàng không như các hãng: Hàng không Mỹ, Hàng không Châu Á, Vận tải
hàng không dân dụng (C.A.T), Vận tải hàng không phía Nam. Hàng không liên
núi... Tất cả những Công ty vận tải đường không này đều có trụ sở trên nước Mỹ
và một vài hãng còn có cơ sở triển khai ở đó. Những đường hàng không này cạnh
tranh trực tiếp với các hãng tư, ký hợp đồng với Chính phủ Mỹ và thường làm
thêm những nhiệm vụ bí mật của C.I.A ở nước ngoài.
Quan điểm của C.I.A luôn cho rằng có một số hoạt động trong nước Mỹ cho
phép thu thập tin tình báo về nước ngoài thông qua những người nước ngoài cung
cấp và chừng nào còn cần tình báo về nước ngoài thì C.I.A vẫn tiếp tục làm như
thế và cơ quan này coi như thế là chính đáng. Trong việc này, các quan chức
C.I.A thường dành một phần để nói đến những cố gắng của C.I.A khi tuyển mộ sinh
viên nước ngoài trong các trường đại học của Mỹ và một số kế hoạch tương tự
tiến hành cùng với tình báo quân đội nhằm mua chuộc các sĩ quan nước ngoài đến
Mỹ học tập. Tuy nhiên, C.I.A còn hướng mục tiêu đến nhiều khách nước ngoài khác
như những nhà kinh doanh, nhà báo, học giả, nhà ngoại giao, đại diện và nhân
viên tại Liên Hiệp Quốc, thậm chí cả những khách du lịch đơn thuần. Đặc biệt là
vì để tuyển mộ và dùng những điệp viên nước ngoài mà C.I.A duy trì những nhà an
toàn tại Oa-sinh-tơn, Niu Yooc và các thành phố khác.
Ngoài ra, một số người Mỹ khác cũng là đối tượng của C.I.A mà cụ thể là những
người mới di cư sang Mỹ. Năm 1959, Phi-đen Ca-xtrô nắm giữ chính quyền Cu-ba,
C.I.A đã có quan hệ chặt chẽ với những người Cu-ba di tản, đặc biệt là tại bang
Phlo-ri-đa. Đa phần công tác tuyển mộ và huấn luyện nhằm xâm lược Cu-ba năm
1961 đã được tiến hành tại Mai-a-mi. Sau khi bị thất bại trong cuộc đổ bộ vào
Cu-ba. C.I.A còn dùng tiếp người Mỹ gốc Cu-ba (một số ít được ca ngợi là điệp
viên tin cậy như tên Ơ-giê-ni-ô Mac-ti-nê sau này can dự vào vụ Oa-tơ-ghết)
nhằm tiến hành hoạt động du kích chống Chính phủ Ca-xtrô. Việc này chẳng khác
là bao so với những hoạt động của C.I.A đối với những người Đông Âu di cư sang
Mỹ.
(1) Pen-côp-xki tên đầy đủ là Ô-lếch Pen-côp-xki là điệp viên của K.G.B. Năm 1955 đã chạy
sang với C.I.A. Lúc đầu y bị từ chối
vì người ta sợ rằng y có thể trở thành
gián điệp đôi.
*.
GIÁP KIỀU HƯNG
.
…………………………………………………………………………
- © Công ty T.N.H.H Văn Hóa Bảo Thắng giữ bản quyền.
- Cập nhật theo bản lưu trữ tại Công ty T.N.H.H Văn Hóa Bảo Thắng.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét