MỜI ĐỌC:

Thứ Năm, 28 tháng 1, 2016

C.I.A và cuộc lùng bắt CHÊ GHÊ-VA-RA - Tác giả: Giáp Kiều Hưng (Bắc Giang)

(Nguồn ảnh: Internet)
C.I.A và cuộc lùng bắt 
CHÊ GHÊ-VA-RA
*

Mùa xuân năm 1965, Ec-ne-xtô Chê Ghê-va-ra, bác sỹ người Achentina và là bạn chiến đấu của Phi-đen Ca-xtrô biến khỏi vũ đài chính trị Cu-ba. Có người nói rằng ông ta đã đòi quyền lãnh đạo Cu-ba và kết quả là đã bị hành hình hoặc bị cầm tù. Cũng có người lại nói ông đã phát điên, hết hy vọng hồi phục và bị giam trong một biệt thự ở một nơi nào đó của Cu-ba. Lại có người tin rằng Chê đã thành lập một nhóm nhỏ gồm các môn đồ sẵn sàng hiến mình cho lý tưởng và đã ra đi để tiến hành một cuộc cách mạng mới. Trước những mớ thông tin nhiều chiều này, bản thân C.I.A cũng không biết rõ thuyết nào đúng. Tuy nhiên, về sau, một số manh mối về nơi ở của Ghê-va-ra từ những trạm nhỏ và căn cứ tạm thời của C.I.A dần dần được đưa về. Nhưng những manh mối này vô cùng lẻ tẻ, nhỏ nhặt đến mức tuyệt vọng, và kỳ lạ chúng đều hướng về Châu phi - mà cụ thể là về nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Công-gô. Ở quốc gia này đang có một cuộc phiến loạn tiếp diễn và tin tức của những người tác chiến trên mặt trận của C.I.A lại báo rằng có những người cách mạng nước ngoài đang tham gia vào đó. Một vài chiến thuật của quân phiến loạn làm cho người ta liên tưởng tới những quyết sách quân sự của Chê Ghê-va-ra.
(Tác giả Giáp Kiều Hưng)
Tuy nhiên, trước khi người ta kiểm tra lại tin tức thì cuộc khởi loạn ở phía đông Công-gô đột nhiên không còn nữa. Khoảng mùa thu năm 1965, C.I.A tin rằng Chê đang có mặt ở Châu phi mà cụ thể là vùng hồ Tan-ga-Ni-ca-ra-goa-ka. Thời gian sau, C.I.A cho biết rõ ràng là Chê và một nhóm trên một trăm người cách mạng Cu-ba đã từ nước láng giềng Tan-đa-ni-a xâm nhập vào Công-gô trong mùa thu năm 1965. Họ định nhóm lên những vụ khởi loạn để đốt cháy Châu phi nhưng nhiệt tình cách mạng của họ không được nhiệt tình cách mạng của du kích bản xứ hay của nhân dân địa phương đáp lại một cách tương xứng. Trước tình trạng đó, sáu tháng sau, trong một tâm trạng chán nản, Chê bí mật quay về Cu-ba đặt kế hoạch cho cuộc phiêu lưu tiếp theo của mình. Và rồi, Chê lại mất tăm làm cho C.I.A hết sức lúng túng. Những tin tức trái ngược nhau lại bắt đầu chuyển tới C.I.A về chỗ ở, tình trạng sức khoẻ... của ông ta. Gần một năm rưỡi sau, khoảng đầu năm 1967, một tin bất ngờ đến với C.I.A: Chê đang ở Bô-li-vi-a.
Khi mà nhiều sĩ quan trong Cục Mật vụ của C.I.A tin chắc chắn là Ghê-va-ra ở sau phong trào khởi nghĩa trong vùng núi phía Nam Bô-li-vi-a, thì một vài quan chức cao cấp của C.I.A vẫn chưa tin. Tuy có sự nghi ngờ này nhưng người ta vẫn cử một số nhân viên công tác đặc biệt của cơ quan đến đất nước này để hỗ trợ cho các lực lượng địa phương đối phó với phong trào nổi loạn. Nhưng, có một điều rất mỉa mai là về điểm này ngay cả Tổng thống Bô-li-vi-a Rơ-nê Ba-ri-en-tốt cũng không nghi là Ghê-va-ra có dính líu vàp phong trào du kích.
Vào thời điểm khoảng hai tháng sau đó, đã có hai sự kiện xảy ra khiến cho những người chỉ huy công tác đặc biệt của C.I.A ở Mỹ cũng như ở Bô-li-vi-a càng thêm tin tưởng là Chê đang lãnh đạo quân phiến loạn. Đầu tháng tư năm 1967, một đơn vị quân đội Nan-ca-hoa-du bắt được những tài liệu nhật ký và ảnh quân khởi nghĩa bỏ chạy để sót lại. Trong đó có cảnh những bức ảnh của một người tóc hoa dâm có chỗ đã hói, đeo kính, thực sự xem xét một số nét đặc biệt thì người này giống Chê Ghê-va-ra lạ lùng. Hơn nữa, một vết tay đã bị nhoè trên một số tài liệu cũng có vẻ phù hợp với vết thương tay của Ghê-va-ra. Ngoài ra các tài liệu đã xác nhận một cách rõ ràng, một số du kích hoạt động ở Bô-li-vi-a là người Cu-ba. Đây có thể là những người vẫn thường xuyên đi cùng Chê ở Công-gô.
Mặc dù đã có những chứng cớ ngày càng nhiều nhưng Giám đốc Ri-sớt Hem vẫn không chấp nhận sự thật là nhà cách mạng thần kỳ người Cu-ba ấy lại xuất hiện để lãnh đạo một cuộc nổi loạn nữa. Thậm chí, Ri-sớt Hem còn chế giễu những lời xác nhận của các sĩ quan điều khiển của mình về việc họ đã thu được bằng chứng có về sự có mặt của Ghê-va-ra ở Bô-li-vi-a. Theo Hem thì có thể Chê đã chết. Tuy nhiên, Tô-mát Ka-ra-met-xin, người trình bày vụ này cho giám đốc nhất định không chịu từ bỏ lập luận là những người chỉ huy tác chiến lúc này đang nóng lòng truy lùng Chê và thái độ của Hem dường như kích thích những người công tác đặc biệt cố gắng hơn nữa. Một thời gian ngắn sau, nhiều "cố vấn" của cơ quan, bao gồm cả những tay cựu trào Cu-ba trong cuộc phiêu lưu Vịnh Con Lợn đã được phái đến Bô-li-vi-a để giúp việc truy lùng Chê. Ngay sau đó, một đoàn chuyên viên lấy ở các lực lượng đặc biệt của lục quân đã được cử từ vùng kênh Pa-na-ma đến Bô-li-vi-a để huấn luyện "quân biệt kích" Bô-li-vi-a về nghệ thuật hàng quân chống nổi loạn. Uy danh của Ghê-va-ra đã ám ảnh cả Cục Mật vụ, nói không ngoa thì thậm chí họ ít nhiều còn sợ ông. Một trong nghiên cứu nguyên nhân của điều này là Chê luôn là người gợi lại sự thất bại của C.I.A trong hoạt động ở Cu-ba, trong khi họ không thể trút sự thất vọng và lòng căm tức của mình vào những nhà cầm quyền Mỹ. Mặt khác, họ không có khả năng trả thù trực tiếp để bù lại bằng cách tiêu diệt Phi đen Cax-trô hay những đồng minh của ông ta. Và như vậy, Chê xuất hiện trước mắt C.I.A như một mục tiêu hấp dẫn. Chê bị tống vào tù hay bị xử tử đều có thể làm cho C.I.A hả lòng hả dạ vì đã trả thù được những thất bại của mình trong thời gian qua.
Đến mùa hè năm 1967, những chuyên viên công tác đặc biệt của C.I.A đang giúp quân đội Bô-li-vi-a lùng bắt Chê đã biết rõ rằng tháng 11 năm 1966 Chê đã từ La-ha-ba-na đến Bô-li-vi-a qua Pra-ha, Tây Đức và Bra-xin. Chê đã dùng một hộ chiếu giả của nước U-ru-goay và trên đường đi ông hoá trang thành một nhà buôn, tóc hoa dâm, đầu bắt đầu hói, đeo kính gọng sừng-rất khác lạ so với những tấm hình trên áp phích. Mười lăm người hỗ trợ ông trong cuộc phiêu lưu ở Bô-li-vi-a đã đến trước ông. Người ta không ai nghi ngờ rằng Chê Ghê-va-ra đã có mặt ở trong nước ấy và phụ trách phong trào du kích trong vùng núi phía Nam. Ở thời điểm này, cả Tổng thống Bô-li-vi-a, Ba-ri-en-tốt lẫn Giám đốc C.I.A - tướng Ri-sớt Hem đều chấp nhận thực tế đó. Chính phủ Bô-li-vi-a đặt một giải thưởng 4.200 đô la nếu bắt được Chê, sống chết không quan trọng!
Suốt trong những ngày tiếp theo đó, quân du kích liên tiếp gặp thất bại trước quân biệt kích Bô-li-vi-a có cố vấn C.I.A đi theo và được Mỹ huấn luyện. Cuối cùng, chưa đầy sáu tháng sau, ngày 08/10/1967, bản thân Chê bị thương và bị bắt ở gần một làng nhỏ thuộc một vùng miền núi của Bô-vi-ra có tên là La Hi-ghê-ra. Những cố vấn với quân đội Bô-vi-li-a định đưa Ghê-ra-va còn sống về La Pa để tra hỏi sâu và kỹ hơn. Tuy vậy, viên chỉ huy người Bô-li-vi-a lại được lệnh hành hình Chê, chỉ cần đưa về cái đầu và đôi tay của người anh hùng này để chứng minh Chê đã thất bại trong sứ mệnh của đất nước mình.
Trong khi C.I.A gắng thuyết phục viên đại tá Bô-li-vi-a tạm dừng việc hành hình Chê thì trưởng trạm C.I.A ở La Pa cũng gắng thuyết phục Tổng thống Ba-ri-en-tốt về lợi ích lâu dài của việc đưa Ghê-ra-va đi khỏi miền núi làm tù nhân của Chính phủ. Tổng thống Ba-ri-en-tốt không chịu vì cho rằng Ghê-ra-va còn sống mà đến thủ đô có thể sẽ nhen lên một vụ náo động trong sinh viên và những người phái tả.
Đó chính là những việc mà Chính phủ của ông không có khả năng kiểm soát. Mặc dù thuyết phục bã bọt mép nhưng cuối cùng viên trạm trưởng C.I.A ở La Pa vẫn thất vọng, và ngay đêm hôm đó ông ta đã kêu gọi sự hỗ trợ của Tổng thống hành dinh ở Mỹ những vẫn vô hiệu.
Chê vô cùng can đảm. Cái chết kề cổ nhưng vẫn hết sức bình tĩnh. Ông ta sẵn sàng tranh luận về triết học chính trị và những phong trào cách mạng nói chung, nhưng ông từ chối không để ai tra hỏi mình về những chi tiết về các hoạt động của ông ở Bô-li-vi-a hay về bất kì hoạt động du kích trước kia của ông ở nơi khác. Khi bị bắt, Chê có mang theo một cuốn nhật ký cá nhân, C.I.A túm lấy quyển nhật ký này như một tài liệu quý khi khai thác Chê. 
Buổi hôm sau, viên chỉ huy người Bô-li-vi-a đã nhận được quyết định cuối cùng từ La Pa đưa tới. Tù nhân sẽ bị hành hình ngay tại chỗ rồi buộc xác vào bộ phận hạ cánh của một máy bay lên thẳng đưa đến Van-lơ-gian-đơ để một nhóm nhỏ phóng viên và quan chức Chính phủ khám xét tại một nhà giặt là nhỏ ở địa phương.
Về những giây phút cuối cùng của Ghê-va-ra đã được ghi trên băng trong một bức điện của người chỉ huy gửi về cho tổng hành dinh. Mới đầu, Chê vẫn còn tin rằng, có thể là bằng cách này hay bằng cách khác ông sẽ thoát khỏi cái chết. Nhưng cuối cùng thì ông cũng nhận ra rằng cuộc đời đầy sôi động và anh hùng của mình cũng sắp kết thúc thì chiếc tẩu thuốc của ông rời khỏi miệng. Tuy nhiên, Chê đã nhanh chóng lấy lại sự bình tĩnh cho mình và ông hỏi xin một ít thuốc hút. Lúc này, nhưng vết thương vô cùng đau đớn nơi chân ông hầu như không còn cảm giác gì. Chê bình thản đón nhận cái chết đến mức chính những kẻ tiến hành xử tử ông cũng cảm thấy phục nhà cách mạng anh hùng này.
Mùa hè năm sau, người ta đột nhiên hết sức chú ý đến cuốn nhật ký của Chê và một thời gian ngắn sau các đồng chí của ông ở La-ha-ba-na và một số những người Mỹ hâm mộ ông đã đoạt được cuốn đó. Sau khi thẩm tra tính chính xác của cuốn nhật ký đó, những người này đã xuất bản nó. Trước sự việc này C.I.A và Chính phủ Bô-li-vi-a hết sức đau lòng vì họ là những kẻ chỉ đưa ra những đoạn nào làm "bằng chứng" để chống lại Chê và những đồng chí của ông. Giữa lúc dư luận đang rất sôi động về cuốn nhật ký riêng của Chê thì An-tô-ni-ô Ac-ghê-đa, Bộ trưởng Nội vụ Bô-li-vi-a đã biến mất và nhiều người nghi ngờ rằng ông là người đã mang tài liệu đó ra nước ngoài. Ông này là lãnh đạo cao nhất của một bộ của Bô-li-vi-a có quan hệ mật thiết với C.I.A và bản thân cũng là một điệp viên C.I.A. Người ta nhanh chóng được biết là Ac-ghê-đa đã bỏ trốn sang Chi-lê, nơi mà ông ta định sang xin cư trú chính trị. Tuy nhiên, những nhà chức trách tại đó đã lạnh lùng trao ông ta lại cho trạm C.I.A. Ngay lập tức, một nhân viên của C.I.A, trước là sĩ quan điều khiển ông đã được phái từ tổng hành dinh ở Oa-sinh-tơn để "làm dịu cơn nóng" của ông ta đi. Khá bất ngờ là mặc dù đã có lời khuyên của C.I.A và những hoạt động của cơ quan này ở Bô-li-vi-a. Thậm chí, ông Bộ trưởng này còn tố cáo chế độ Ba-ri-en-tốt là tay sai của chủ nghĩa đế quốc Mỹ, chỉ trích Chính phủ và cách giải quyết vụ Ghê-va-ra. Sau vụ việc này, Ac-ghê-đa lại mất tích nên cuộc khủng hoảng chính trị quan trọng ở Bô-li-vi-a sau đó lại diễn ra một cách mau lẹ hơn.
Một vài tháng sau đó của năm 1968, Ac-ghê-đa đã nhiều lần xuất hiện bất thình lình ở Luân-đôn, Niu Yooc và Pê-ru. Mỗi khi ông dừng chân, những chỉ huy của C.I.A lần lượt lúc thì ve vuốt, lúc lại doạ nạt với mong muốn làm cho ông im mồm đi. Chẳng phải tay vừa, ông cựu Bộ trưởng này nhơn nhơn thú nhận rằng mình là người đã đưa ra cuốn nhật ký của Chê. Ông ta ngang nhiên nói mình tán thành những lý do của nhà cách mạng này khi Chê định đem lại một sự thay đổi về kinh tế, chính trị và xã hội rất hợp với nhân dân Bô-li-vi-a nói riêng và châu Mỹ La tinh nói chung. Không ngừng ở đó, sau này, Ac-ghê-đa loan báo rằng một vài quan chức khác người Bô-vi-li-a cũng giống như ông đều là điệp viên của C.I.A hay ít ra thì cũng... nhận tiền của cơ quan này. Hành động ấy của Ac-ghê-đa khiến cho C.I.A khiếp sợ. Nhưng cuối cùng thì C.I.A đã mặc cả được với Ac-ghê-đa và ông ta cũng đã tự nguyện trở về Bô-li-vi-a với danh nghĩa là để chịu xử án. Trong chuyến bay từ Li-ma đến La Pa ông ta đã nói với một phóng viên của thời báo Niu Yooc, nếu có điều rủi ro đến với ông thì một băng ghi âm nói chi tiết lời ông buộc tội C.I.A và Chính phủ Ba-ri-en-tốt sẽ được trao tới một số chính đảng ở Mỹ và Cu-ba. Theo lời ông nói thì băng ghi âm đó do trung uý Ma-ri-ô Tê-ran giữ hộ ông. Không ai giải thích được một điều rằng trước đây người ta đã nhận dạng được Ma-ri-ô Tê-ran chính là người đã hành hình Ghê-ra-va.
Sau đó, trong một cuộc phỏng vấn, Ac-ghê-đa còn tiết lộ tên nhiều sĩ quan C.I.A cũng làm việc trong thời gian trước như: Hu-gô Mơ-rê trạm trưởng, Giôn S.Niu-tơn nguyên chuyên viên công tác đặc biệt và các đại tá Ed.phốc, La-ry Stơn-phin và Ních Len-đi-rít. Ac-ghê-đa còn nhận mặt một vài sĩ quan của C.I.A đã hỗ trợ vào việc lùng bắt Chê như: Gô-li-ô Ga-bri-en (người Cu-ba), Et-đi và Ma-ri-ô Gôn-đa-lét (người Bô-li-vi-a)...
Kết thúc "sự kiện Bô-li-vi-a" được diễn ra trong mùa hè năm sau, tức là gần hai năm sau cái chết của Chê Ghê-ra-va. Tổng thống Ba-ri-en-tốt bị chết trong một vụ máy bay lên thẳng rơi khi ông trở về sau một chuyến đi thăm các tỉnh. Sáu tuần sau đó Ac-tô-ni-ô Ac-ghê-đa, người đã tự nhận là điệp viên của C.I.A, người còn phải ra trước toà vì tội phản bội vì đã đưa ra cuốn nhật ký của Chê Ghê-ra-đa, đã bị bắn chết trong một phố lớn ở La Pa. Một tháng sau đó, cái chết lại đến với Héc-béc-tô Rô-gia người dẫn đường chuyến truy lùng Giê-va-ra cuối cùng và là một trong số ít người có thể biết nơi chôn người lãnh đạo quân khởi nghĩa đó đã bị ám sát ở Xan-ta Cru-đơ.
Sự việc đã kết thúc với một "xê-ri" cái chết như vậy, nhưng mãi sau này, người ta vẫn không tìm được lời giải thích cho việc những cuộn băng buộc tội C.I.A và Chính phủ Ba-ri-en-tốt mà Ac-ghê-đa nói là đã đưa cho trung uý Ma-ri-ô Tê-ran giữ để được an toàn không bao giờ thấy xuất hiện.
*.
GIÁP KIỀU HƯNG
.









…………………………………………………………………………
- © Công ty T.N.H.H Văn Hóa Bảo Thắng giữ bản quyền.
- Cập nhật theo bản lưu trữ tại Công ty T.N.H.H Văn Hóa Bảo Thắng. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét