MỜI ĐỌC:

Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2016

CÁI GIẬU MÙNG TƠI CỦA NGUYỄN BÍNH - Tác giả: Chử Văn Long (Hà Nội)


CÁI GIẬU MÙNG TƠI
CỦA NGUYỄN BÍNH
                               *
Những ngày cuối năm, nhìn ra khung cảnh mưa phùn gió bấc ở một vùng quê xa đô thị, bỗng gợi nôn nao những câu thơ Nguyễn Bính một thời, tôi bỗng nhớ lại câu chuyện của anh Nguyễn Phiên, ở 206 Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội kể về lần được gặp nhà thơ Nguyễn Bính ở nhà anh Thịnh, chợ Mỹ Tho, thành phố Nam Định vào năm bom đạn giặc Mỹ đang leo thang ra miền Bắc. Anh Phiên kể rằng: “Mình kém nhà thơ Nguyễn Bính mấy tuổi. Nhiều bài thơ nổi tiếng của thi sĩ về miền quê, cảnh quê mình đã thuộc từ hồi còn trẻ. Lần đầu được thấy nhà thơ đang ngồi trước mình lòng rất hồi hộp. Sau một lúc nghe nhà thơ trò chuyện. Thấy người vui tính, dễ thân, mình đã mạnh dạn xin anh nói cho nghe về những bài thơ của anh mà mình vẫn thắc thỏm từ lâu: Hình ảnh trong câu thơ “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi / Cách nhau cái giậu mùng tơi xanh rờn…” đã được anh viết ra là những hình ảnh có thật, hay những câu thơ khi đọc là hiểu ngay được ý, được lời ấy, còn chứa đựng điều gì nữa? Như người xưa thương bảo, trong thơ bao giờ cũng còn có “ý tại ngôn ngoại”. Xin được anh giảng giải cho nghe!
Thi sĩ rất cởi mở: “Có thể nói, gần như tất cả những hình ảnh để viết lên bài thơ là có thực. Có thật hai ngôi nhà cạnh nhau, cách nhau một bờ giậu. Có chàng trai bên này mê cô nàng bên kia hàng ngày ươm tơ kéo kén. Mỗi khi hửng nắng cô thường đem tơ ướt ta cái dây phơi trước sân… Chỉ có khác, để giấu đi hình ảnh quá nghèo hèn của hai người mê nhau mà không dám bước qua cái bờ rào thấp để sang với nhau. Ai đã từng yêu say đắm, lại ở trong hoàn cảnh quá túng nghèo thì sẽ hiểu. Thương em, yêu em nhưng chẳng giúp được gì cho em cùng cảnh ngộ, nên không thể giáp mặt, tay cầm… Mình đã thay hình ảnh cái “giậu mùng tơi” vào chỗ những cành rào tre nhỏ rấp tạm để làm bờ rào ngăn cách giữa hai nhà, vừa để “thơ hơn” khi nói về cái cảnh nghèo có thật. “Nghèo rớt mùng tơi” như cách nói dân dã từ xưa. Nên chữ “xanh rờn” trong đó không phải để chỉ giậu mùng tơi xanh tốt, mà như để vẽ lên trước mắt cái lá mùng tơi xanh bóng, mỏng tang, bên này có thể soi thấu mặt lá bên kia, như phơi bày ra hết cái nghèo không chút gì giấu giếm… Mượn con bướm trắng trong chiêm bao bay sang để chắp nối nỗi lòng thương nhớ không nguôi. Cũng để nói cái bờ giậu kia không hề ngăn cách được tình yêu đôi lứa. Một bờ giậu thấp thì làm sao ngăn được những cánh bướm bay qua bay lại. Và những con bướm ở những vườn quê thì nơi nào chẳng có. Chọn con “bướm trắng” trong mộng hợp hơn bướm màu. Và màu trắng còn gợi liên tưởng nỗi buồn sau này, gợi nỗi rủi ro cho mối tình chỉ được gặp nhau trong mộng thì làm sao mà bền chặt cho được. Tất cả hình ảnh bài thơ, nhằm vẽ một mối tình câm không ai dám thốt ra lời, dồn nén đến tận cùng, để rồi dẫn đến thời khắc bàng hoàng…
“Nàng đã chết rồi!”, chàng trai phải tự thú “Rằng tôi yêu nàng”. Đó cũng là nghệ thuật kết thúc bài thơ…
Thấy Người cởi lòng cởi dạ, bao e dè tan biến, anh Phiên mạnh dạn hơn đã nói tiếp ý nghĩ về bài thơ “Lỡ bước sang ngang”. Rằng, theo em hiểu, chữ “sang ngang” từ xưa, các cụ đã dùng, là để chỉ người con gái đã một đời chồng, bước đi bước nữa là “sang ngang”. Nhưng bài thơ, đang sang ngang lại lỡ bước. Vậy người con gái này yêu lần thứ ba? Em thích chữ “chuyến” trong câu “Chuyến này chị bước sang ngang”, anh dùng đi với “sông nước”, với “thuyền” là rất hợp, rất hay… Có gì không đúng xin anh thứ lỗi.
Nhà thơ vỗ đùi thú vị, khen: “Chú mày thông minh đã hiểu đúng ý bài thơ!”. Rồi anh nói tiếp: “Làm thơ như dựng ngôi nhà. Trước khi lợp gianh trát vách, ta phải dựng cột dựng kèo, chốt chặt cây nóc, tạo nên sườn dáng ngôi nhà. Tiếp theo là dàn mè, dui thành mái, lợp rơm rạ… Dưới thì đóng đố xung quanh, rồi thưng nan, nhào bùn trát vách… Từng bước, ngắm nghía, sửa đổi sao cho cân đối ngôi nhà. Cuối cùng là chải chuốt, cắt xén, đến cái mái rạ phẳng phiu như sửa mái tóc của chính con người ta vậy. Khéo tay, hay mắt, sẽ có ngôi nhà xinh đẹp hoàn mỹ hơn người…”.
Chuyện nhà thơ Nguyễn Bính giảng giải về thơ ngày ấy cho mình là vậy. Anh Phiên nói tiếp: “Mình đã giữ riêng cái hạnh phúc một người vô danh được nhà thơ nổi tiếng trò chuyện về thơ. Mình giữ kín mấy chục năm qua. Nay tuổi già, tình cờ lại được làm quen với lớp nhà thơ mới. Kể lại câu chuyện cũ, mình mong được góp vào kỷ niệm chung cùng bao lớp người yêu mến Nguyễn Bính- Nhà thơ của những mối tình quê, tươi tắn dịu dàng”.
*
CHỬ VĂN LONG
Địa chỉ: Làng Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội.
Điện thoại: 01658818263
Email: haicv08@gmail.com






…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 31.01.2016
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét