MỜI ĐỌC:

Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

NHÂN CÁCH NHÀ VĂN - Tản văn Chử Văn Long (Hà Nội)

(Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp)

NHÂN CÁCH NHÀ VĂN

*

(Nhà thơ Chử Văn Long)

Khó khăn thay để giữ nhân cách nhà văn ở một thời đại, mà sự bậm trợn, tha hoá, suy thoái đạo đức cùng những tệ nạn nghiện ngập, mãi dâm, tính trầm trọng của những vụ tham nhũng có tổ chức của những kẻ quyền uy đang làm cho những ai có lương tri cùng cộng đồng xã hội không khỏi canh cánh buồn nản. Là người cầm bút, tôi không nói tất cả những nhà văn, nhà thơ là nhân cách, là đạo đức trong sáng hơn người, nhưng tôi tin ở cái công việc cầm bút đã từ muôn xưa, dù ở bất cứ đâu, dân tộc nào, đất nước nào tự thân cái ngòi bút của họ khi còn chạy trên trang giấy, nó sẽ giúp cho họ giữ gìn nhân cách con người.

Nhưng thật bất ngờ, bất ngờ đến nỗi tôi không tin ở những dòng chữ in trên tờ báo “Ngày nay” mà tôi đang cầm trên tay. Tôi phải bấm điện cho mấy người bạn thân, mới tin đây là chuyện thật. Nguyễn Huy Thiệp, một nhà văn đã được một lớp công chúng trân trọng một thời. Có người từng đánh giá anh rất cao như một ngòi bút tiên phong cho giai đoạn đổi mới cách nhìn trong văn chương. Ngược lại, có những từng lớp bạn đọc không chịu nổi sự mổ xẻ, sắc sảo, có nội lực trong cách nhìn của Thiệp đối với lịch sử đất nước… Thời gian sẽ khẳng định thêm giá trị của những trang văn này đóng góp được gì cho con người và cộng đồng xã hội anh ta chung sống. Ở một thời đại mà chính trị đối kháng nhau luôn nhậy bén, biết lợi dụng cái gì để chống trả nhau, ở một số nước phương Tây đã mời mọc, tiếp xúc, đã dịch sách Nguyễn Huy Thiệp ra nước ngoài và đề cao. Với không khí bế tắc mệt mỏi của đất nước sau bao nhiêu năm cạn kiệt, nghèo đói, bị chiến tranh vây bủa, mù tịt thông tin với mọi liên hệ cuộc sống bên ngoài. Nay kinh tế mở cửa, thêm những nhà văn, những tác phẩm văn chương Việt Nam được dịch, giới thiệu ra ngoài nước chỉ là điều tốt, hầu như bạn bè văn chương, người thân, người không thân đều thầm mừng cho Nguyễn Huy Thiệp có đà để ngòi bút viết tiếp những cái có sức thuyết phục xã hội nhiều chiều. Nhưng văn chương, một thứ ma ám, nhiều khi vinh quang lại dẫn ta vào lối cụt, bế tắc, văn Thiệp không hay hơn. Những dòng văn với tư tưởng đào, sới, đập phá, được lớp công chúng hâm mộ một thời giờ không mấy hớp dẫn họ nữa. Nỗi khắc nghiệt với nhà văn là ở chỗ này. Có khi ta đoán định con đường đi xa thẳm của cuộc sống, lại nhầm sang thứ thị hiếu nông cạn một thời. Đọc văn Nguyễn Huy Thiệp ngay từ buổi đầu, sau những hấp dẫn của bút lực táo bạo có cái gì đấy chờn chợn, ngang trái, phá phách… Sau khi gấp trang sách lại, lòng tin về lẽ sống, về cái đẹp ở đời. Nhất là từ khi đọc cái truyện ngắn “Sang sông”. Chi tiết đứa bé vô tình đút tay vào chiếc lọ quý, rồi không sao rút tay ra được. Đúa bé thì sợ hãi. Trên con thuyền lúc ấy có bao nhiêu người mà không tìm được cách nào giúp cho người mẹ… Và, tác giả chỉ ra rằng, muốn cứu được bàn tay đứa trẻ, chỉ còn cách đập tan chiếc lọ quý kia. Kinh nghiệm đơn giản ở đời ai mà chẳng biết cái gì cho vào được đều có thể rút ra được. Giống như khi đeo chiếc nhẫn vào ngón tay hơi chặt, thường không thể rút ra ngay, phải để cho máu tuần hoàn bình thường trở lại, ngón tay sẽ ngót lại, có thể lấy nhẫn ra… Ở việc bàn tay em bé, với chiếc lọ này cũng thế. Vậy mà sao người viết chỉ nhìn thấy phải đập! Để rút kinh nghiệm cho cách nhìn của mình đã nghĩ, tôi theo dõi những bước đi những trang văn của Thiệp sau này, dù vẫn cựa quậy tung phá nhưng không trội lên được nữa. Không còn nhiều người bái phục tung hô văn anh. Công chúng muôn đời vẫn thế, họ đi tìm sự sống thiết thân, tiền bạc, công danh… rồi, những thứ dễ hấp dẫn khác như ma tuý, bóng đá, hội hè… đến thứ trò chơi “chiếc nón kỳ diệu” mà cũng kéo được nhiều người dán mắt vào “màn ảnh nhỏ”. Thời gian độc giả say đắm với thơ, với văn một tình yêu đích thực, với một tầm nhìn khái quát vừa đòi hỏi, vừa phát hiện được cho các tác phẩm văn chương những nhà văn, nhà thơ thực sự có tài, có tầm đâu dễ, mấy khi. Ai cầm bút chân chính để đi tìm “Đạo”, đều có nỗi buồn chung vậy. Có lẽ từ những thành công có thật, dẫn đến vinh quang, thêm vào đấy là cái máu tung hoành, ham muốn nổi trội đã được hâm lên, Thiệp không sống được với không khí bình thường, vốn là bản chất của nghề văn, cày xới, gieo trồng, chăm bón lụm chụm suốt đời, mà nhiều khi hạt lép trắng tay. Giận dỗi, phá phách, chửi bới mạt sát đồng nghiệp lại chưa được cái may mắn như mình, hoặc để cho thoả máu giang hồ, hoặc nhầm tưởng tài văn mình trùm lợp lên hết cả mà bạn bè đồng nghiệp lại hiềm tỵ không công kênh mình lên hết tầm cao. Thành ra, chọn cách tự quảng cáo, tự cho mình uyên bác, đủ tầm nhìn để xếp đặt văn chương cả nước, nhằm lần nữa, lôi kéo bạn đọc và dư luận, nhằm đạt điều gì nữa chăng?. Nếu không, ai lại đi nói rằng “Các nhà văn Việt Nam hầu hết đều… vô học. Nhà thơ đồng nghĩa với sự chập cheng, hâm hấp, quá khích, vơ vẩn, thậm chí còn lưu manh nữa…”!

Với những ngoa ngôn trùm lợp trên của Thiệp là không tin cậy được. Người làm thơ, viết văn thuận mồm nhiều khi gọi chung nhà văn. Bởi đã từ bao giờ ta thấy người làm thơ có thể viết văn, rồi người viết văn cao hứng cũng viết bài thơ, thế là nhìn vào, văn và thơ cặp tình nhân gắn bó không rời. Nhưng nếu đi sâu vào đặc thù nghệ thuật mỗi thứ ta lại thấy “Dù đôi ta chung một đời một mộng / Em là em, anh vẫn cứ là anh” (Xuân Diệu)… Freud dùng thuyết “phân tâm học” đã giải thích được nhiều ngõ ngách của tâm hồn, với biểu hiện hành động sống nhưng hình như ông ta quên chưa phân tích cho người đời góc cảm nhận tình yêu ở đàn ông có gì khác tình yêu ở đàn bà? Nhưng đã là đàn ông hẳn phải khác đàn bà chứ. Nói vậy để thấy thơ và văn dù “chung mộng đấy” vẫn cứ khác nhau, thậm chí khác nhau rất nhiều. Ai đấy tin rằng có thứ “thơ văn xuôi”. Với tôi, chỉ bằng cái tên gọi nghe đã thấy nó “chung chạ” thế nào ấy. Chung chạ đàn ông đàn bà thì đẻ ra đứa con tình yêu, còn chung chạ giữa thơ và văn, đứa con ra đời hình hài chẳng thể nào đẹp. Tếu táo vậy, để nói, Nguyễn Huy Thiệp có những thành công về văn ở mức độ nào, chứ anh đâu phải người cả đời giành tâm huyết vì thơ và đã có gì thành công sâu sắc ở thơ? Ngoài mấy bài viết giới thiệu sách thơ, đâu cũng có sáng giá gì. Lối viết bằng cảm xúc ngẫu hứng bao biện ấy cũng có gì lý luận, có gì là đặc biệt để người đời tin rằng anh có tài thẩm định xếp hạng cho thơ, để anh trùm lớp đưa ra những nhận định về thơ: “Trừ có dăm ba thi sĩ tài năng… còn ghi được dấu ấn trong trí nhớ người đời còn toàn bộ có thể nói là vứt đi cả”… Lúc lại đưa ra thứ định nghĩa tầm phào quái gở: “Nhà thơ đồng nghĩa với sự chập cheng, hâm hấp, quá khích, vơ vẩn, thậm chí còn lưu manh nữa…”. Nhớ lại đời thơ có danh như Xuân Diệu, Chế Lan Viên mà khi bàn văn chương cũng chỉ dám sâu sắc ở lĩnh vực thơ của mình. Thiệp đâu phải người kham nổi cả hai lĩnh vực này.

Nói đến đây ta lại thấy điều đáng bàn hơn lại không phải là Thiệp có khả năng hay không để phủ nhận hết thẩy những gì mà văn chương đang có. Khi mà cuộc đời ngoài kia vẫn đang làm lòng ta thao thức không nguôi người tốt kẻ xấu đang lẫn lộn thanh cao với thấp hèn… Nó vẫn thôi thúc bắt ta cầm bút. Vậy thì văn vẫn còn, thơ vẫn còn! Lúc ngồi trước trang giấy mở, ai lại băn khoăn việc thơ mình sẽ tồn tại hay bị lãng quên?

Chắc bạn đọc hiểu biết sẽ buồn bởi những lời lẽ của một nhà văn đi thoá mạ đồng nghiệp và nghề nghiệp của mình, lại được một tờ báo lăng xê lên vậy. Nhưng nó chỉ là vậy! Còn văn chương bao giờ cũng là của mọi người, chỉ thời gian mới có thể định đoạt hay, dở, cái gì mất, cái gì còn, thế thì có chi mà phải bận lòng, khi đã chọn cho mình công việc để gửi buồn vui cùng với lương tri.

*

CHỬ VĂN LONG

Địa chỉ: Làng Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội.      

Điện thoại: 01658818263

Email: haicv08@gmail.com

 

 



 

…………………………………………………………………………

- © Tác giả giữ bản quyền.

- Đã in trong TUYỂN THƠ VĂN CHỌN LỌC CHỬ VĂN LONG ; 2012,

- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 31.01.2016

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét