(Nguồn ảnh: Internet) |
TẢN MẠN VỀ VAI TRÒ
CỦA
Ý TỨ TRONG THƠ
Trên đường tìm học rồi nghiên cứu văn chương tôi may mắn được quen biết 2
ông giáo sư đại học Mỹ; một ông là thầy, ông kia là đồng nghiệp của thầy; một
ông dạy Creative Writing (Sáng Tác), ông kia chuyên về Literature Review (Phê
Bình Văn Học), một ông có bằng Master, ông kia là Tiến Sĩ Văn Chương và đều là
thi sĩ. Số là cách đây gần 20 năm, trong một bài essay (luận văn) của lớp
English 2 tôi đã đưa bài thơ của mình (đã dịch ra Anh ngữ) vào để đối chiếu với
bài thơ For My Daughter (Cho Con Gái Tôi) của Weldon Kees. Bài luận văn của tôi
được điểm A+ và sau đó tôi được ông thầy và đồng nghiệp của ông xem là thành
viên trong loài “động vật quý hiếm” (1), thỉnh thoảng được cùng – lúc ông này,
lúc ông kia - uống cà phê, ăn bánh ngọt và tán chuyện văn chương.
Ông thầy thì dặn tôi “Viết
Cái Gì không quan trọng lắm; tài năng của tác giả một bài thơ được đánh giá ở
chỗ ông (bà) ta Viết Thế Nào. Trong sáng tác thơ ca How quan trọng hơn What gấp
trăm lần. Từ kỹ thuật thơ như ngôn từ, hình tượng, biện pháp tu từ, thế trận
chữ nghĩa đến cảm xúc, hồn thơ tất cả đều được gói trọn trong chữ How. Nếu cứ
ngồi chờ đến khi có được ý tưởng hoàn toàn mới lạ, độc đáo mới viết thì cả đời
liệu viết được mấy bài thơ?”
Còn ông kia, lúc ngồi riêng với tôi hay nhắc nhở: “Trong thơ đừng coi thường What; ý tưởng mới
lạ làm tăng giá trị của bài thơ lên rất nhiều; nếu không được là người tiên
phong dọ dẫm những bước chân khai phá thì chí ít cũng cố gắng đừng đi vào con
đường đã có hàng triệu dấu giầy”
Tôi nhủ thầm: “Bàn
về một tiêu chí quan trọng của thơ mà ông này nói đàng Đông, ông kia nói đàng
Tây thì biết nghe ông nào bây giờ?”
Đối với thơ Việt Nam What gồm cả ý và tứ mà người đọc thơ rất dễ hiểu lầm
hoặc lẫn lộn. Cho nên trong bài viết này tôi sẽ cố gắng làm rõ vai trò không
những của ý mà còn của tứ trong thơ. Để đi đến mục tiêu đó tôi sẽ chọn một số
bài thơ quen thuộc với những người thường đến với sân chơi thi ca (có vài bài
tôi đã viết lời bình) để vừa minh họa vừa dẫn chứng cho những suy nghĩ, nhận
định của mình.
PHÂN BIỆT Ý VÀ TỨ
Tứ: Cách để tiếp cận, diễn đạt ý. (nghĩa trên văn bản hoặc nghĩa đen của
bài thơ)
Ý: Điều tác giả muốn nói đến, (ngụ ý hoặc nghĩa bóng)
Khi tác giả chọn cách nói trực tiếp, nói thẳng vảo điều muốn nói, bài thơ
có ý và tứ giống nhau. Ý là tứ, tứ là ý, ý với tứ là một. Ở đây không có ngụ ý
hoặc nghĩa bóng (không có phép ẩn dụ)
Thí dụ:
Hồ
Trường của Nguyễn Bá Trác:
Ý và Tứ là một: Hào khí của một sĩ phu trước cảnh đất nước điêu linh.
Tống
Biệt Hành của Thâm Tâm:
Ý và Tứ là một: Tâm trạng của con người trong
một cuộc chia ly
Khi tác giả không muốn nói trực tiếp, không muốn nói thẳng vào điều muốn
nói mà mượn một hình ảnh khác, một sự kiện khác để thố lộ lòng mình, bài thơ có
ý và tứ khác nhau. Ý là điều muốn nói; tứ là hình ảnh mượn để thố lộ lòng mình.
Tác giả đã áp dụng thủ pháp Show, Not Tell hoặc phép ẩn dụ toàn bài.
Thí dụ:
Ông
Đồ của Vũ Đình Liên
Tứ: Ông Đồ ngồi bên phố viết câu đối thuê cho khách du xuân. Nay xuân đến,
không thấy ông đồ nữa, nhiều người tiếc nhớ.
Ý: Tác giả muốn nói đến nền nho học đang lụi tàn.
Tấm
Bản Đồ Vẽ Sai của Phạm Đức Nhì
Chọn lô đất tốt
xây được ngôi nhà mới
ông mở tiệc mừng
tân gia
“Đến chơi! Hay
lắm!”
thư ông viết
mời bằng hữu gần
xa
Ngay giữa trang
thư một bản đồ
dọc ngang tự tay
ông vẽ
và lời chỉ dẫn cặn
kẽ
đường đi nước bước
đến cuộc vui
Giờ hẹn đến rồi
chưa thấy bóng
khách mời nào xuất hiện
đồ ăn nguội lạnh
bàn tiệc vẫn vắng
tanh
Vài ngày sau
ông nhận được mấy
thư trả lời
trong thư chỉ vỏn
vẹn:
“Xin lỗi!
Không tìm thấy
nhà.”
Tứ: tấm bản đồ vẽ sai, khách bị lạc, không tìm thấy nhà.
Ý: Nếu chức năng truyền thông của bài thơ thất bại, người đọc sẽ (đi lạc)
không hiểu tác giả nói gì qua bài thơ, không có nhịp cầu thông cảm giữa tác giả
và người đọc.
Trước hết là 3 bài thơ của Tú Xương cùng viết về một đề tài:
CÁI HỌC NHÀ NHO
Cái học nhà nho đã
hỏng rồi,
Mười người đi học,
chín người thôi .
Cô hàng bán sách
lim dim ngủ,
Thầy khóa tư lương
nhấp nhỏm ngồi.
Sĩ khí rụt rè gà
phải cáo,
Văn chương liều
lĩnh đấm ăn xôi .
Tôi đâu dám mỉa
làng tôi nhỉ?
Trình có quan tiên
thứ chỉ tôi.
CHỮ NHO
Nào có ra gì cái
chữ nho!
Ông nghè, ông Cống
cũng nằm co.
Chi bằng đi học
làm thầy Phán
Tối rượu sâm banh,
sáng sữa bò!
ĐỔI THI
Nghe nói khoa này
sắp đổi thi
Các thầy đồ cố đỗ
mau đi!
Dẫu không bia đá
còn bia miệng
Vứt bút lông đi,
giắt bút chì.
Theo tôi, làm thơ mà sử dụng cái phương cách kể lại, nói thẳng, nói trực
tiếp những suy nghĩ trong đầu mình như Trần Tế Xương trong 3 bài trên là hạ
sách. Ở đây ý và tứ giống nhau: tâm trạng ngao ngán, chán chường của tác giả
trước sự suy tàn của nền Nho học. Trong những bài thơ này cái vẻ lung linh
sương khói, mờ mờ ảo ảo - một trong những nét đẹp của thơ ca – thường vắng
bóng, hoặc nếu có thì cũng rất ít (vì chỉ phát xuất từ ngôn từ). Nó rõ ràng như
một “bài toán văn chương” nên người đọc không có cơ hội vận dụng khả năng liên
tưởng của mình, không có cơ hội dùng đến thứ vốn quý của người đọc thơ là cái
“tài cảm nhận thơ” của mình. Trong khung cảnh ấy, môi trường ấy, người sính
thơ, sành thơ và người dốt thơ, mù thơ hình như cũng chẳng khác gì nhau mấy tý.
Chính vì thế trong văn chương, đặc biệt là thơ, thủ pháp Show, Not Tell, đưa ra
những sự kiện để người đọc tự hiểu ra, tự cảm nhận điều tác giả muốn nói đến,
hoặc cao hơn nữa là phép ẩn dụ, rất được coi trọng.
Đến Ông Đồ của Vũ Đình Liên
ÔNG ĐỒ
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ
già
Bày mực tàu, giấy
đỏ
Bên phố đông người
qua
Bao nhiêu người
thuê viết
Tấm tắc ngợi khen
tài
Hoa tay thảo những
nét
Như phượng múa
rồng bay
Nhưng mỗi năm mỗi
vắng
Người thuê viết
nay đâu?
Giấy đỏ buồn không
thắm
Mực đọng trong
nghiên sầu
Ông đồ vẫn ngồi
đấy
Qua đường không ai
hay
Lá vàng rơi trên
giấy
Ngoài trời mưa bụi
bay
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ
xưa
Những người muôn
năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
(Vũ
Đình Liên)
Cũng cái ý về sự lụi tàn của nền Nho học nhưng bài thơ Ông Đồ bề thế hơn,
đạo quân chữ nghĩa đông hơn, và đặc biệt, thủ pháp Show, Not Tell đã đến mức
tuyệt luân. Hơn thế nữa, tác giả đã ra lệnh cho các con chữ của mình học phép
tàng hình (khi đọc thì chữ hiện ra, khi đọc xong thì chữ biến mất) để hóa thân
thành những bức tranh – đúng ra là một truyện bằng tranh - sống động. Đây là
trình độ thượng thừa trong thơ ca; ở đó chữ nghĩa đã mất biệt, lý trí bị đuổi
việc, không còn chõ miệng vào chỗ này, chỗ kia bàn tính thiệt hơn. Người đọc
thả hồn theo dòng chữ như có phép tàng hình để thưởng ngoạn những bức tranh thơ
tuyệt đẹp.
Rất tiếc Những Bức Tranh Thơ của Ông Đồ đã có một chỗ hoen ố; đó là 2 câu
cuối của bài thơ:
“Những người muôn năm cũ
hồn ở đâu bây
giờ”
Nhiều nhà phê bình đã khen 2 câu thơ này hết lời.
Riêng tôi, về ý tứ thì đồng ý với họ, nhưng xét về Kỹ Thuật Thơ thì 2 câu
ấy đã làm giảm giá trị của bài thơ rất nhiều. Những con chữ đột nhiên mất phép
tàng hình và nổi lên cồm cộm. Bức tranh cuối - nửa tranh, nửa chữ - trông rất
mất vẻ mỹ thuật. Đưa 2 câu ấy vào bài thơ tác giả đã để vuột mất chiếc huy
chương vàng - giải thưởng cao quý nhất trong thơ ca.
Nếu không có cái lỗi ấy Ông Đồ không những đã có thể đẩy Sông
Lấp qua một bên để giành vị trí “bài thơ tiêu biểu, chứng nhân cho một
giai đoạn lịch sử của dân tộc Việt Nam: giai đoạn cáo chung của nền văn học chữ
Nho”, mà hơn thế nữa, sẽ là một viên ngọc quý của thơ ca, không những chỉ đẹp
lộng lẫy, chói lọi trên thi đàn Việt Nam mà ngay cả khi đứng trước kho tàng văn
chương Trung quốc – nó cũng không chịu nhường một bước. Chắc nhiều người yêu
thơ, thông hiểu chữ Hán đều biết hai câu thơ được coi là niềm tự hào của thi ca
Trung Quốc:
Lạc hà dữ cô vụ tề phi
Thu
thủy cộng trường thiên nhất sắc
Ráng chiều rơi xuống, với
cánh cò đơn chiếc cùng bay
Làn nước sông thu với bầu
trời kéo dài một sắc
(Trần Trọng
San dịch)
vì đó là một bức tranh thơ tuyệt đẹp.
Tôi tra cứu thì được biết người ta đã bới tung bài Đằng Vương Các Tự (dài
trên trăm câu) nổi tiếng của Vương Bột (2) mới tuyển chọn được bức tranh thơ
ấy. Trong khi Ông Đồ của Vũ Đình Liên là cả một bộ truyện lịch sử bằng tranh
sinh động. Đọc Đằng Vương Cát Tự độc giả phải “đãi cát tìm vàng”, còn với Ông
Đồ họ sẽ thấy trước mắt mình nằm xếp lớp những thỏi vàng óng ánh.
SÔNG LẤP
Sông kia rày đã
nên đồng
Chỗ làm nhà cửa,
chỗ trồng ngô khoai
Vẳng nghe tiếng
ếch bên tai
Giật mình còn
tưởng tiếng ai gọi đò
(Trần Tế Xương)
Phép ẩn dụ trong Sông Lấp rất kín, kín đến nỗi ngay
cả có người bình bài thơ ấy cũng không thấy được, cảm được ẩn ý của tác giả. Có
thể nói Sông Lấp không phải là một đoàn quân trùng trùng, điệp điệp,
nhưng lại có bề thế của một mặt trận, một điệp vụ tình báo siêu đẳng, đưa được
những điệp viên thượng thặng, bí mật nằm giữa bộ chỉ huy của quân địch. Phép ẩn
dụ ấy được kết hợp một cách tài tình với thủ pháp “Show, not Tell”, tạo ra một
chuỗi những chiếc cầu liên tưởng, dẫn người đọc đi từ hình tượng này đến hình
tượng khác. Từ tiếng ếch kêu, trong hoàn cảnh riêng của mình, trong tâm tình
riêng của mình, nhà thơ “tưởng tiếng ai gọi đò”. Đây là một liên tưởng rất
riêng tư; nếu ông không bộc bạch, bày tỏ thì người đọc khó có thể đoán ra được.
Biết thế nên ông đã đưa tay dắt chúng ta bước lên chiếc cầu đầu tiên. Đến 2
chiếc cầu liên tưởng kế tiếp thì người đọc đã có thể tự mình qua được; từ tiếng
gọi đò nhớ bến đò ngang, từ bến đò ngang nhớ con sông Vị Hoàng ngày xưa, nay đã
bị lấp. Khi từ con Sông Lấp đặt chân lên chiếc cầu sau cùng, bằng vốn kiến thức về
lịch sử, văn học sử, cộng với một chút trực giác thi ca, người đọc sẽ bắt gặp
nỗi lòng sâu kín của nhà thơ: nhớ thương, tiếc nuối cái thời tạm gọi là vàng
son của mình, cái thời Nho học vẫn còn chỗ đứng khá trang trọng trong đời sống
người dân Việt. Và người đọc sẽ tròn xoe mắt “À” lên một tiếng khoái trá. (3)
Ngoài ra Sông lấp còn có những ưu điểm khác như thế trận chữ nghĩa chặt
chẽ, rất nhiều chữ ở vị trí đắc địa, bài thơ không lộ một chút sơ hở. Chính vì
thế Sông
Lấp được coi là bài thơ tiêu biểu cho tâm tình hoài cổ hoặc là chứng
nhân cho một giai đoạn lịch sử - giai đoạn suy tàn của nền nho học.
SHOW, NOT TELL Và GIẤC MƠ ANH LÁI ĐÒ
1/ Năm xưa chở
chiếc thuyền này
Cho cô sang bãi
tước đay chiều chiều
2/ Để tôi mơ mãi,
mơ nhiều:
“Tước đay se võng
nhuộm điều ta đi
Tưng bừng vua mở
khoa thi,
Tôi đỗ quan trạng
vinh quy về làng
Võng anh đi trước
võng nàng
Cả hai chiếc võng
cùng sang một đò.
3/ Đồn rằng đám
cưới cô to
Nhà giai thuê chín
chiếc đò đón dâu
Nhà gái ăn chín
nghìn cau
Tiền cheo, tiền
cưới chừng đâu chín nghìn…
4/ Lang thang tôi
dạm bán thuyền
Có người giả chín
quan tiền, lại thôi!
(Nguyễn Bính)
Bài thơ có ý và tứ giống nhau: vì nghèo nên anh lái đò
đành nhìn người yêu đi lấy chồng rồi trở về con đò của mình với mối tình vô
vọng. Đây là đề tài muôn thuở, cũ rich như “chuyện thường ngày ở huyện”, là con
đường đã mòn dấu chân người, nhưng nhờ thủ pháp Show, Not Tell được áp dụng gần
như hoàn hảo (chỉ không khéo ở chữ “to” câu 9 - xin đọc GIẤC MƠ ANH LÁI ĐÒ hay mối tình vô vọng, Phạm Đức Nhì)
nên vẫn được người đọc yêu thích và trở thành một trong những bài thơ hay của
thời tiền chiến.
Sau đây là bài thơ GIẤC MƠ ANH LÁI ĐÒ được tôi tóm lại dưới dạng Tell để hy
vọng người đọc nhận ra sự khác biệt.
1/ Đưa đò nên quen biết nàng
2/ dần dà tôi đã yêu nàng thiết tha
3/ nhìn nàng đi lấy đại gia
4/ tôi nghẻo nên vẫn con đò cô đơn
Mỗi câu ở phần dưới là thu gọn của một đoạn ở phần trên. Ở phần dưới anh
lái đò chỉ sơ lược, tóm tắt kể lại (Tell) câu chuyện lòng mình trong khi ở phần
trên anh dàn trải (Show) tâm trạng một cách chi tiết
hơn, tự đặt mình vào một tình huống cụ thể, thực tế và sống động, cung cấp cho
người đọc những thông tin cần thiết để họ tự hiểu rồi thông cảm với hoàn cảnh
và tâm tình của anh. Bài thơ càng mang nhiều tính cách Show thì càng thật, càng
dễ cảm, giá trị càng cao.
Qua bài thơ và phần phân tích trên đây tôi nhận ra rằng: “Dù ý, tứ thơ đã cũ mòn nhưng nếu tay nghề
của thi sĩ cao, có thể sử dụng điêu luyện một thủ pháp nghệ thuật nào đó, và
nếu được viết trong lúc tràn đầy thi hứng thì vẫn có cơ hội tặng cho đời một
bài thơ hay.” Lời nhắc nhở của ông bạn Mỹ “Viết cái gì không quan
trọng lắm; tài năng của tác giả một bài thơ được đánh giá ở chỗ ông (bà) ta viết như thế nào. Trong sáng tác thơ ca How quan trọng hơn What gấp trăm lần.” nghe cũng
có lý đấy chứ!
Vào thời TTKh viết Hai Sắc Hoa Ti Gôn (và 3
bài thơ khác) con người VN còn sống bó buộc trong cái khung của lễ giáo phong
kiến: “Liệt nữ bất canh nhị phu” nghĩa là gái chính chuyên chỉ có một chồng. Sự
chung thủy là một đức tính, một nguyên tắc ứng xử - chỉ áp dụng cho phái nữ -
được hết mực ca ngợi. Đã “đeo gông vào cổ” rối mà còn “tơ tưởng đến ông láng giềng”
hay bất cứ người đàn ông nào khác là đã “ngoại tình trong tư tưởng”, là đã phạm
một điều đại cấm kỵ, bị xóm làng nguyền rủa, xã hội lên án. Những bài thơ của
TTKh đã đạp đổ cái luật lệ khắt khe bất nhân ấy, đã gột rửa lớp son phấn giả
tạo của Khổng Giáo trên thân thể người phụ nữ, để lộ ra trước xã hội, trước
cuộc đời một Con Người có trái tim, biết yêu thương, nhung nhớ, biết khổ đau. Ý
tưởng của mấy bài thơ, lúc ấy, được coi là vô cùng táo bạo, không những thoát
khỏi mà còn chảy ngược với dòng thơ phải đạo.
Sau đây là vài đoạn tiêu biểu trong mấy bài thơ nổi tiếng của bà:
Tôi vẫn đi bên
cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẽo của
chồng tôi
Mà từng thu chết,
từng thu chết
Vẫn giấu trong tim
bóng một người
(Hai Sắc Hoa Ti Gôn)
Ngoài trời hoa
nắng xôn xao
Ai đem khóa chết
chim vào lồng nghiêm
Ai đem lễ giáo
giam em
Sống hờ hết kiếp
trong duyên trái đời.
(Đan Áo Cho Chồng)
Tuy thế tôi tin
vẫn có người
Thiết tha theo
đuổi nữa than ôi
Biết đâu tôi một
tâm hồn héo
Bên cạnh chồng
nghiêm luống tuổi rồi.
(Bài Thơ Thứ Nhất)
Tôi biết làm sao
được hỡi trời
Giận anh không nỡ
nhớ không thôi
Mưa buồn mưa hắt
trong lòng ướt
Sợ quá đi anh, có
một người.
(Bài Thơ Cuối Cùng)
Trước TTKh chắc cũng có nhiều bậc thức giả đã nhận ra khía
cạnh bất nhân trong cái gọi là “tam tòng tứ đức” của đạo Khổng - đã ép buộc
nhiều phụ nữ phải gạt nước mắt chia tay người mình hết lòng thương mến, để vì
lễ giáo, vì môn đăng hộ đối, vì lệnh của song thân, phải lấy, rồi ăn ở suốt đời
với người mình không hề yêu thương - nhưng họ hoặc không dám nói ra hoặc chỉ
than thở lén lút và những lời than thở ấy cũng thoảng bay theo gió. Tuy vậy,
thi đàn nước Việt có ít nhất 2 tác phẩm đề cập đến sự coi thường tình cảm của
phụ nữ trong hôn nhân vẫn còn được lưu truyền:
Cung
Oán Ngâm Khúc
Theo Wikipedia thì “Cung Oán Ngâm Khúc là tiếng thét oán hờn của một trang nữ lưu
tố cáo và phản kháng chế độ phong
kiếnphong kiến đã đối xử phũ phàng tàn ác đối với phẩm giá
và những tình cảm trong sáng, cao quý của người phụ nữ. Cung nữ chính là nạn
nhân bi thảm của những đặc quyền phong kiến ích kỷ và vô nhân đạo, bị vua chúa
biến thành đồ chơi để thoả mãn thú tính hoang dâm của mình, rồi bị ném đi không
thương tiếc vào lãng quên. Nguyễn Gia Thiều là một văn hào uyên thâm và chứa
chan tinh thần nhân đạo đã thấu hiểu nỗi lòng của người cung nữ, đã dồn hết tâm
huyết và văn tài để viết nên một tác phẩm bất hủ, đau đớn xé lòng về cuộc đời
nàng.”
“Ngôn ngữ trong Cung Oán Ngâm Khúc hết sức tài hoa, đài các, tinh xác và nhuần nhị … Câu thơ trong Cung
Oán Ngâm Khúc được trau chuốt đến mức tuyệt xảo, âm điệu góc cạnh và dữ
dội, dùng nhiều ngoa ngữ; mỗi câu thơ như dao khắc chạm vào đá gây ấn tượng đặc
biệt mạnh mẽ:
Xiêm nghê nọ tả
tơi trước gió
Áo vũ kia lấp ló
trong trăng
hay
Thân này uốn éo vì
duyên
Cũng cam một tiếng
thuyền quyên với đời!”(4)
Tôi có mấy nhận xét sau đây:
1/ Đối tượng của ý thơ nhắm vào những cung nữ trong cung đình, chỉ là một
bộ phận nhỏ trong cộng đồng phụ nữ của dân tộc.
2/Thể thơ song thất lục bát đã không còn được ưa thích và ngày càng ít xuất
hiện trên thi đàn.
3/ Khi tôi viết những dòng chữ này (2016) chế độ phong kiến đã cáo chung từ
lâu. Không còn tam cung lục viện, không còn hàng ngàn cung phi, mỹ nữ, có người
phải lén rải cỏ non trước cửa phòng với ước mơ xe dê của vua ngừng lại và tấm
thân trong trắng ngọc ngà của mình được ngài đoái hoài đến. Ý tưởng chính của
tác phẩm - “Tiếng thét oán hờn của trang nữ lưu” - đã không còn tính thời
sự, không còn thôi thúc, không gây được ấn tượng mạnh như thời Nguyễn Gia
Thiều.
Có lẽ vì thế mà CONK dù vẫn có vị trí trong văn học sử, giá trị và ảnh
hưởng của nó phải xếp phía sau mấy bài thơ của TTKh.
Cảnh
Làm Lẽ
CẢNH LÀM LẼ
Kẻ đắp chăn bông,
kẻ lạnh lùng,
Chém cha cái kiếp
lấy chồng chung!
Năm thì mười họa,
hay chăng chớ,
Một tháng đôi lần,
có cũng không ...
Cố đấm ăn xôi, xôi
lại hỏng,
Cầm bằng làm mướn,
mướn không công.
Thân này ví biết
dường này nhỉ,
Thà trước thôi
đành ở vậy xong.
(Hồ Xuân Hương)
Đối tượng của Cảnh Làm Lẽ cũng chỉ là một thiểu số phụ nữ - vì một lý do nào
đó - chấp nhận làm lẽ. Thể thơ đường luật chật hẹp quá, gò bó quá nên chỉ mới
chạm vào lớp vỏ ngoài của nỗi khổ phải “lấy chồng chung”. Bài thơ gợi được mối
thương cảm nơi người đọc nhưng mối thương cảm ấy không lớn, không sâu sắc.
Trong khi đó đối tượng của mấy bài thơ của TTKh là toàn thể giới phụ nữ. Độ
phủ sóng ở đây lớn hơn gấp bội. Thêm vào đó hôn nhân ép buộc kiểu “cha mẹ đặt
đâu con ngồi đó” đang xảy ra trước mắt mọi người, đang là một vấn nạn lớn của
xã hội nên mấy bài thơ ấy – có thể nói mà không sợ bị cho là quá lời – đã góp
đặt nền móng cho việc đạp đổ lễ giáo phong kiến của Khổng Tử, làm cuộc cách
mạng giải phóng phụ nữ sau này.
Thể thơ mới phóng khoáng, tự do hơn nên TTKh đã trải tâm sự của mình một
cách thoải mái, đầy đủ, sâu sắc. Hơn nữa đội quân chữ nghĩa của bà thế trận
chặt chẽ hơn, chia thành 4 đạo quân bao kín trận địa (4 bài thơ) và đã chinh
phục hoàn toàn tim óc của người đọc thời bấy giờ.
Dưới cái nhìn của thơ ca hiện đại thì mấy bài thơ của TTKh - dù nhỉnh hơn CONK
và Cảnh Làm Lẽ - chỉ ở mức khá hoặc trên khá một chút - nhưng nhờ có ý tưởng
nhân bản và táo bạo - đòi lại quyền làm chủ trái tim
mình cho toàn thể phụ nữ - nên chúng, tuy chưa phải là tuyệt tác, vẫn có một vị
trí đặc biệt trong văn học sử, trở thành cột mốc quan trọng trên chặng đường
tiến hóa của dân tộc.
Đến đây tôi lại nhớ ông bạn Mỹ. Câu nói của ông “Trong thơ đừng coi thường What; ý tưởng mới lạ làm tăng giá trị của bài
thơ lên rất nhiều; nếu không được là người tiên phong dọ dẫm những bước chân
khai phá thì chí ít cũng cố gắng đừng đi vào con đường đã có hàng triệu dấu
giầy”
trong trường hợp này cũng rất có lý.
Chăn Trâu Đốt Lửa
Chăn Trâu Đốt Lửa
CHĂN TRÂU ĐỐT LỬA
Chăn trâu đốt lửa
trên đồng
Rạ rơm thì ít, gió
đông thì nhiều
Mải mê đuổi một
con diều
Củ khoai nướng để
cả chiều thành tro.
(Đồng Đức Bốn)
Bài thơ ngắn nhưng tứ thơ rất hay: mê thả diều để củ khoai nướng, có thể là
bữa ăn đạm bạc của trẻ chăn trâu, cháy thành tro. Khung cảnh rất thực, rất dân
dã của bài thơ khiến tứ thơ dễ bắt, người đọc có thể hiểu ngay. Nhưng ngụ ý của
tác giả thì hơi có vẻ mờ mờ ảo ảo, bềnh bồng, lung linh sương khói đòi hỏi một
trực giác nhạy bén, một khả năng liên tưởng mạnh mẽ và chính xác để cảm nhận.
Sau đây xin trích dẫn liên tưởng của nhà bình thơ Đức Thọ:
“Trẻ chăn trâu mải mê theo đuổi một con diều (cái đó là tất yếu sẽ diễn ra
với trẻ chăn trâu). Nhưng trong cuộc sống ngày nay có biết bao nhiêu cá thể
cũng mải mê theo đuổi một “con diều”. Một con diều không hơn không kém và đúng
nghĩa là một thú vui của trẻ chăn trâu, nhưng còn “con diều” của những cá thể
chúng ta thì nó nhiều vô kể. Mải mê vậy để một củ khoai nướng đốt cả chiều
thành tro thì quả là một kết cục rất thực đời. Mải mê nghe điện thoại khi
đang điều khiển xe dẫn đến mất mạng sống. Mải mê theo đuổi ánh kim của tiền bạc
dẫn đến tan cửa nát nhà hoặc lâm vào trong vòng lao lý và mải mê… v.v. và
v.v.…” (5)
Đúng là bài thơ có ý tưởng rất tuyệt, tuyệt đến mức ông Đức Thọ đã đưa nó
lên hàng “triết lý nhân sinh”. Tôi nể phục và đồng ý với việc nâng cấp ấy nhưng
lại có ý kiến rất khác với ông về những thí dụ minh họa.
Cái chuyện “Mải mê nghe điện thoại khi đang điều khiển xe dẫn đến mất mạng
sống. ” hoặc “Mải mê theo
đuổi ánh kim của tiền bạc dẫn đến tan cửa nát nhà hoặc lâm vào trong vòng lao
lý” làm sao có thể cho là một “triết lý nhân sinh” được. Đó chỉ là một sự dại
dột và bướng bỉnh đến độ coi thường mạng sống hoặc tham lam đến độ mờ mắt, coi
thường đạo lý và pháp luật, để rồi trong một phút bất cẩn gây tai nạn, hoặc đổ
bể sự việc – không những mất mạng mình mà còn mang khổ ải đến cho bao nhiêu
người khác. Đó không phải “triết lý” mà là cái dại, cái tham làm hại cái thân.
Nếu hiểu như ông Đức Thọ thì bài thơ Chăn Trâu Đốt Lửa đã đi vào quên
lãng từ lâu rồi chứ đâu còn được lưu truyền đến ngày hôm nay để người này nguời
kia tham gia lý sự.
Có một cách hiểu khác có vẻ có lý hơn là “Hãy sống thực tế, đừng mơ mộng
viển vông”. Miền bắc Việt Nam vào những năm Đồng Đức Bốn viết Chăn
Trâu Đốt Lửa là một vùng “người khôn của khó”, quần quật suốt ngày kiếm
đủ cơm khoai dưa mắm cho gia đình đã là may mắn lắm rồi. Hơn nữa, trận đói năm
Ất Dậu (1945) là một cơn ác mộng, một nỗi kinh hoàng lúc nào cũng ám ảnh tâm
trí mỗi người. Nắm gạo, củ khoai, con cá, lá rau là những món thiết thực, gần
gũi với mọi gia đình. Những câu “Có thực mới vực được đạo” hay “Nhất sĩ nhì
nông, hết gạo chạy rông lại nhất nông nhì sĩ” đã là những câu nói cửa miệng
nhắc nhở con cháu trong nhà - hãy bước đi bằng
đôi chân chạm đất chứ đừng có bay lơ lửng trên không kẻo lại “giật mình tỉnh
dậy thấy mình đói meo”. Nhưng nếu hiểu theo cách này thì ý tưởng trong bài thơ
của Đồng Đức Bốn có gì đặc biệt đâu, cũng chỉ lập lại những điều mà người dân
đồng bằng Bắc Bộ đã nhắc nhở nhau, dặn dò nhau đến nhàm đến chán.
Theo tôi, ngụ ý của Đồng Đức Bốn như sau:
Con người nhiều khi chạy theo những cái viển vông, cao tít trên trời mà
quên đi những thứ thiết thực, gắn bó với cuộc sống, ngay trên mặt đất. Nhưng
cũng chẳng có gì nuối tiếc vì những thứ viển vông, cao tít đó chính là thức ăn
cho tinh thần, cho phần hồn của con người; đó chính là niềm vui, hạnh phúc mà
vật chất không thể tạo ra được.
Ở môi trường xã hội mà cái đói luôn là nỗi ám ảnh - dầm mưa dãi nắng từ
sáng tinh mơ đến tối mịt mới có được 2 bữa ăn - con người lắm khi bị kéo xuống
rất gần với con vật. Vâng ở cái môi trường đó mà dám “coi thường” củ khoai (mặc
cho nó cháy thành tro) để đánh đổi lấy một niềm vui tinh thần, được cùng với
con diều bay bổng trên bầu trời chiều thì theo tôi, đó là hành vi vô cùng dũng
cảm. Ở đây cũng có một chút vô tâm, bất cẩn và sau đó là một chút tiếc rẻ khi
bụng - vì thiếu củ khoai - đã bắt đầu cồn
cào. Nhưng việc đổi củ khoai lấy những giây phút sảng khoái, hạnh phúc trên
cánh đồng vẫn là một thương vụ có lời. Cậu bé trong thơ Đồng Đức Bốn tối hôm ấy
có thể bị lên giường ngủ với cái bụng trống không nhưng chắc là miệng sẽ mỉm
cười và có một giấc mơ thật đẹp. Cậu bé đã dám “quên” củ khoai, chấp nhận chịu
đói để được hưởng những giây phút sảng khoái trong tâm hồn. Đồng Đức Bốn đã cho
cậu bé chăn trâu bước ra khỏi “cái trại mà ở đó con người gần ngang hàng với
con vật”, lùa trâu về chuồng trên con đường làng mà lòng tràn ngập niềm vui và
tự hào vì thấy hồn mình đang bay lên một tầm cao mới, tầm cao của CON NGƯỜI
được viết hoa thật đẹp. Ý tưởng của bài thơ tuyệt vời là ở chỗ ấy. Và triết lý
nhân sinh cũng là ở chỗ ấy.
Rất tiếc Đồng Đức Bốn đã phạm một lỗi nặng trong kỹ thuật thơ ca là
dung dưỡng một câu thơ nội gián. Câu “rạ rơm thì ít gió đông thì nhiều” tuy
không tệ hại, mâu thuẫn, câu sau chửi cha câu trước như bài thơ:
“Trên đường có nhị
chàng trai
Đầu râu tóc bạc
cỡi hai ngựa hồng
Ngựa thì trắng
toát như bông
Giữa đường cát
trắng bụi hồng tung bay”
nhưng đã làm mạch thơ, con thuyền tứ thơ - đang băng băng chảy thì bị một
dòng đối lưu cản lại - tròng trành như muốn vỡ. Cuối cùng nhờ tài
lèo lái của tài công, thuyền cũng trôi tới bờ, tới bến nhưng đã bị tổn thương
nặng.
Có 2 cách phát biểu về bài thơ Chăn Trâu Đốt Lửa:
1/ Nếu không có phần ý và tứ tuyệt vời như thế thì với cái lỗi “dung dưỡng
một câu thơ nội gián” trong bài thơ chỉ có 4 câu người đọc đã có thể gạt bài
thơ qua một bên để đọc những bài thơ khác. Và bài thơ sẽ hoàn toàn đi vào quên
lãng.
2/ Nếu Đồng Đức Bốn không phạm lỗi “dung dưỡng một câu thơ nội gián” thì
với phần ý và tứ thơ tuyệt vời như thế Chăn Trâu Đốt Lửa chắc sẽ chiếm một
vị trí trang trọng trong kho tàng thơ ca Việt Nam và theo tôi, còn cao hơn Sông
Lấp của Tú Xương một bậc.
Ngoài ra, qua Chăn Trâu Đốt Lửa mối tương quan giữa tác giả, ý, tứ và độc giả
cũng hiện ra rõ ràng:
Tác giả đã hoàn thành chức năng truyền thông của bài thơ, tạo được nhịp cầu
để người đọc ai cũng có thể “bắt” được, đến được với tứ thơ, hiểu được nghĩa
đen (trên văn bản) của bài thơ và hiểu giống nhau (không thể có chuyện người
hiểu tứ thơ thế này, người hiểu tứ thơ thế khác). Dĩ nhiên có thể mỗi người mỗi
ý khi nói đến cái hay (hoặc dở) của câu chữ, hình tượng, kỹ thuật thơ … nhưng
nội dung của bài thơ phải hiểu đúng như ngôn ngữ đã chuyên chở nó.
Riêng với ngụ ý của bài thơ thì tùy theo óc tưởng tượng, khả năng liên
tưởng và trực giác thơ ca của mình, mỗi người đọc có thể sẽ cảm nhận khác nhau
(có khi khác với tác giả). Một trong những nhiệm vụ của người bình thơ là
tìm ra, thuyết phục để người yêu thơ đến với, và chấp nhận cách hiểu vừa hợp lý
vừa nâng giá trị của bài thơ lên cao nhất.
So sánh
CHĂN TRÂU ĐỐT LỬA và SÔNG LẤP
Chăn
Trâu Đốt Lửa:
- Ý tưởng độc đáo, tuyệt vời, “sâu sắc một triết lý nhân
sinh” (3)
- Hình ảnh đứa bé chăn trâu, con diều, củ khoai rất gần
gũi, dân dã nhưng lại rất hợp, rất ăn khớp với đề tài; có thể nói tứ thơ rất
khéo, hay và dễ thương.
- Cái dở của Chăn Trâu Đốt Lửa là có câu thơ nội
gián, thế trận chữ nghĩa xộc xệch.
Sông
Lấp:
- Ý tưởng: nuối tiếc nền Nho học đang lụi tàn, cùng với một
số bài thơ khác là chứng nhân của một giai đoạn lịch sử của dân tộc Việt Nam , không hay
bằng Chăn
Trâu Đốt Lửa
- Tứ thơ hay hơn vì có 2 tầng ẩn dụ rất khéo.
- Chữ dùng rất đắt, thế trận chặt chẽ.
- Bài thơ toàn bích, không một chút sơ hở.
Kết luận:
Theo nhận định chủ quan của người viết thì Sông Lấp hay hơn. Chăn
Trâu Đốt Lửa cũng như cô gái đẹp nhưng bị khuyết tật. Dưới con mắt của
các anh hùng hảo hán đi tìm người yêu vẻ đẹp của cô gái ấy đã giảm đi quá nửa.
Cũng vậy, ý tứ có hay cách mấy mà kỹ thuật thơ kém, thế trận chữ nghĩa xộc xệch
thì bài thơ sẽ bị coi là hỏng, hoặc ít ra, giá trị cũng bị giảm đi rất nhiều.
Tạ
Lỗi Trường Sơn (1982)
Xin
trích mấy đoạn:
Các anh đến
Và nhìn Sài Gòn
như thủ đô của rác
Của xì ke, gái
điếm, cao bồi
Của tình dục, ăn
chơi
“Hiện sinh -
buồn nôn - phi lý!!!”
Các anh bảo con
trai Sài Gòn không lưu manh cũng lính ngụy
Con gái Sài Gòn
không tiểu thư khuê các, cũng đĩ điếm giang hồ
Các anh bảo Sài
Gòn là trang sách “hư vô”
Văn hóa lai căng
không cội nguồn dân tộc
Ngòi bút các anh
thay súng
Bắn điên cuồng vào
tủ lạnh, ti vi
Vào những đồ tiêu
dùng mang nhãn Hoa Kỳ
Các anh hằn học
với mọi tiện nghi tư bản
Các anh bảo tuổi
trẻ Sài Gòn là “thú hoang” nổi loạn
Là thiêu thân ủy
mị, yếu hèn
Các anh hùa nhau
lập tòa án bằng văn chương
Mang tuổi trẻ Sài
Gòn ra trước vành móng ngựa!!!
Và khi ấy
Thì chính “các anh”
Những người nhân
danh Hà Nội
Các anh đang ngồi
giữa Sài Gòn bắt đầu chửi bới
Chửi đã đời
Chửi hả hê
Chửi vào tên những
làng quê ghi trong lí lịch của chính mình
Các anh những
người nhân danh Hà Nội sợ đến tái xanh
Khi có ai nói bây
giờ về lại Bắc!!!
Bây giờ
Những đứa con đang
tự nhận mình “trong sạch”
Đang nói về quê mẹ
của mình như kẻ ngoại nhân
Các anh
Đang ngồi giữa Sài
Gòn nhịp chân
Đã bờm xờm râu
tóc, cũng quần jean xắn gấu
Cũng phanh ngực
áo, cũng xỏ dép sa bô
Các anh cũng chạy
bấn người đi lùng kiếm tủ lạnh ti vi, casette, radio...
Bia ôm và gái
Các anh ngông
nghênh tuyên ngôn ”khôn và dại”
Các anh bắt đầu
triết lý “sống ở đời”
Các anh cũng chạy
đứt hơi
Rượt bắt và trùm
kín đầu những rác rưởi Sài Gòn thời quá khứ
Sài Gòn 1982 lẽ
nào...
Lại bắt đầu ghẻ
lở?
Tội nghiệp em
Tội nghiệp anh
Tội nghiệp chúng
ta những người thành phố
Những ai ngổn
ngang quá khứ của mình
Những ai đang cố
tẩy rửa “lí lịch đen”
Để tìm chỗ định cư
tâm hồn bằng mồ hôi chân thật (6)
Đỗ Trung Quân viết Tạ Lỗi Trường Sơn với tâm thế của
dân Sài Gòn (miền nam) nên dù đã từng đi thanh niên xung phong, từng khoác áo
bộ đội giọng thơ cũng vẫn nặng mùi của bên thua cuộc. Đó là tập hợp một cách
nghệ thuật những lời đốp chát, vỗ thẳng mặt, nói hằn học trong cơn giận dữ,
phân định “mi”, “ta” rõ ràng. “Ta nói thẳng cho mi biết: Bây giờ cái bản mặt
đạo đức giả của mi đã lộ ra. Những xấu xa bẩn thỉu ngày nào mi gán cho ta thì
giờ này mi bẩn thỉu xấu xa còn nhiều hơn thế nữa.” Bài thơ này phía “ta” nghe
rất sướng tai, nhưng phía “mi” thì “biết là nó nói đúng đấy nhưng cái kiểu
‘vuốt mặt mà không nể mũi’ như nó thì khó chấp nhận quá.”
Tôi không đi vào chi tiết của kỹ thuật thơ ca như một bài bình thơ nhưng
cũng cần nói lên một điểm: đây là bài thơ rất hay; cảm xúc dạt dào, hồn thơ lai
láng, hơi thơ rất mạnh, có khả năng lôi cuốn người đọc từ câu đầu đến câu cuối.
Đặc biệt là nội dung (ở đây ý và tứ là một), tác giả đã “lội ngược dòng”, viết
nên những vần thơ đối chọi vớì dòng thơ phải đạo, nói lên những điều bị coi là
cấm kỵ, không ai dám nói dù là sự thật. Chính vì thế mà bài thơ phải chờ đến 27
năm sau mới được trình làng.
Và cũng nhờ ý tứ không trôi xuôi, không phải đạo ấy giá trị và sức hấp dẫn
của bài thơ đã gia tăng đáng kể.
Nhìn
Từ Xa Tổ Quốc (8/1988)
Xin trích vài đoạn chính:
Vâng - một
thời không thể nào phủ nhận
tất cả trôi xuôi -
cấm lội ngược dòng
thần tượng giả xèo
xèo phi hành mỡ
ợ lên thum thủm cả
tim gan
Xứ sở nhân tình
sao thật lắm
thương binh đi kiếm ăn đủ kiểu
nạng gỗ khua rỗ
mặt đường làng
Mẹ liệt sĩ gọi con
đội mồ lên đi kiện
ma cụt đầu phục
kích nhà quan
Xứ sở thật thà
sao thật lắm thứ
điếm
điếm biệt thự -
điếm chợ - điếm vườn…
Ðiếm cấp thấp bán
trôn nuôi miệng
điếm cấp cao bán
miệng nuôi trôn
Vật giá tăng
vì hạ giá linh hồn
Ðạo Chích thành
tôn giáo phổ thông
Ào ạt xuống đường
các tập đoàn quân buôn
buôn hàng lậu -
buôn quan - buôn thánh thần -
buôn tuốt…
quyền lực bày ra
đấu giá trước công đường
Xứ sở bao dung
sao thật lắm thần
dân lìa xứ
lắm cuộc chia li
toe toét cười
Mặc kệ cỏ hoang
cánh đồng gái góa
chen nhau sang nước
người làm thuê
Biển Thái Bình
bồng bềnh thuyền định mệnh
nhắm mắt đưa chân
không hẹn ngày về
Xứ sở kỷ cương
sao thật lắm thứ
vua
vua mánh - vua
lừa - vua chôm - vua chỉa
vua không ngai -
vua choai choai - vua nhỏ…
Lãnh chúa xứ quân
san sát vùng cát cứ
lúc nhúc cường hào
đầu trâu mặt ngựa
Luật pháp như đùa
như có như không
một người đi chật
cả con đường (7)
Với tôi, đây là bài thơ rất hay, có thể nói là một “bài thơ lớn”, ngôn ngữ,
hình tượng sắc sảo, thật và sống động; hơi thơ dài và mạnh, cảm xúc nóng bỏng,
hồn thơ lai láng. Bằng tấm lòng yêu nước sắt son, bằng những vần thơ như dao
sắc của mình, Nguyễn Duy đã gởi đến độc giả những lời tâm tình khó nghe nhưng
rất thật; đó là những tiêu cực, những tệ nạn xấu xa của con người nói riêng và
xã hội Việt Nam nói chung, mà sau hơn 13 năm chấm dứt chiến tranh vẫn tồn tại,
vẫn hiện ra nhan nhản mà chưa được công khai nói đến. Ngay từ lúc mới phổ biến
bài thơ đã gây sóng gió trên thi đàn, xôn xao dư luận. “Nó cũng như một giọt
nước đầy ly, tạp chí Sông Hương đang có một số vấn đề mà gặp bài “Nhìn Từ Xa Tổ Quốc” này thành ra họ
phải đình bản để kiểm điểm.” (8) Nhưng sau đó sóng gió cũng qua, sự thật vẫn là
sự thật; bài thơ đã được chấp nhận và công khai in ấn.
Cả 2 bài thơ đều hay. Hơi thơ của Tạ Lỗi Trường Sơn mạnh hơn nên đọc
lên nghe hấp dẫn hơn, sướng tai hơn. Còn Nguyễn Duy viết Nhìn Từ Xa Tổ Quốc với tâm thế của
bên thắng cuộc (con cưng của chế độ, được
đi du học ở Nga, đầu tàu của phong trào Xã Hội Chủ Nghĩa) nhưng ông - đã
rất khéo - nhân danh một con dân Việt Nam yêu nước, nói tiếng nói chung cho cả
dân tộc, tầm nhìn xa hơn, nhắm đến khối độc giả lớn hơn. Hơn nữa, những vấn nạn
ông đưa ra to lớn, nghiêm trọng hơn, lời trách móc của ông nhẹ nhàng nhưng
nghiêm khắc hơn, “nỗi đau” trong thơ lớn hơn, nhân bản hơn, sâu sắc hơn.
Đỗ Trung Quân và Nguyễn Duy là 2 nhà thơ tài năng, kỹ thuật thơ nhuần
nhuyễn, đã viết Tạ Lỗi Trường Sơn và Nhìn Từ Xa Tổ Quốc trong lúc thi
hứng ngất trời, để lại cho đời 2 bài thơ “rất nặng ký”. Nhưng chính ý tứ (ở đây
là nội dung) của bài thơ - dám bước vào khu vườn cấm, lội ngược với
dòng thơ phải đạo - đã khiến hai bài thơ đã hay lại càng thêm
hấp dẫn.
NAM
QUỐC SƠN HÀ
Nam quốc sơn
hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên
phân định tại Thiên thư.
Như hà nghịch lỗ
lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan
thủ bại hư.
SÔNG
NÚI NƯỚC NAM
Sông núi nước Nam,
vua Nam ở
Rành rành phân
định tại sách trời
Cớ sao lũ giặc
sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị
đánh tơi bời
(Trần
Trọng Kim dịch)
Năm 1076, hơn 30 vạn quân nhà Tống (Trung
Quốc) do Quách Quỳ chỉ
huy xâm lược Đại Việt (tên nước Việt Nam thời đó). Lý Thường Kiệt lập phòng
tuyến tại sông Như Nguyệt (sông Cầu) để chặn địch. Quân của Quách Quỳ đánh đến
sông Như Nguyệt thì bị chặn. Nhiều trận quyết chiến ác liệt đã xảy ra tại đây
nhưng quân Tống không sao vượt được phòng tuyến Như Nguyệt, đành đóng trại chờ
viện binh. Đang đêm, Lý Thường Kiệt cho người vào đền thờ Trương Hống, Trương
Hát ở phía nam bờ sông Như Nguyệt, giả làm thần đọc vang bài thơ trên. Nhờ
thế tinh thần binh sĩ lên rất cao. Lý Thường Kiệt liền cho quân vượt sông, tổ
chức một trận quyết chiến, đánh thẳng vào trại giặc. Phần vì bất ngờ, phần vì
sĩ khí quân Đại Việt đang lên, quân Tống chống đỡ yếu ớt, số bị chết, bị thương
đã hơn quá nửa. Lý Thường Kiệt liền cho người sang nghị hòa, mở đường cho quân
Tống rút quân về nước, giữ vững bờ cõi nước Đại Việt. (9)
Ý và tứ của bài thơ giống nhau và rất rõ ràng, một người dân bình
thường cũng có thể hiểu được, không cần giải thích. Lúc ấy ý niệm về Luật Quốc
Tế (International Law) còn rất xa lạ. Tác giả đã khéo léo lồng ý tứ bài thơ –
quan niệm về chủ quyền quốc gia - vào thuyết thiên mệnh, một học thuyết gần gũi
với suy nghĩ của người dân. Ý thơ hay và đầy sức thuyết phục nên binh sĩ đã hết
lòng chiến đấu và đã đánh thắng quân Tống, giữ vững cõi bờ Đại Việt. Nhờ ý tứ
mới lạ và độc đáo đó bài thơ đã được xem là tuyên ngôn độc lập đầu tiên của đất
nuớc. Hơn một ngàn năm trôi qua nó được tôn xưng là bài thơ có ý tưởng hay nhất
của văn học Việt Nam và tôi tin rằng ngày nào nước Việt còn tồn tại bài thơ Nam
Quốc Sơn Hà sẽ không bao giờ đi vào quên lãng.
KẾT LUẬN
Cá nhân tôi, rất nhiều khi nẩy ra một ý thơ định ngồi dậy cầm bút
viết thì nhận ra cái ý ấy người ta - không phải một mà
vô số người - đã viết từ lâu rồi. Một đề tài về bất cứ khía cạnh nào
của cuộc sống, thường là đã được - ở chỗ này hay chỗ khác, ở thời điểm này hay
thời điểm khác, bằng cách này hay cách khác - đề cập đến. Cho nên nghĩ ra một ý
tưởng hay, mới lạ, độc đáo để đưa vào thơ là cực kỳ khó. Chỉ có những tài năng
đặc biệt, có khi phải nhờ may mắn, cộng thêm một chút duyên nữa mới có thể nghĩ
ra, và đôi lúc, còn cần đến lòng dũng cảm vượt bậc mới dám viết về cái “ý mới”
ấy. Còn số đông nhà thơ khác đều lũ lượt nối đuôi nhau tìm đến những đề tài
muôn thuở: tình yêu, quê hương, chính trị xu thời, thị hiếu của đám đông và
những đề tài phải đạo khác.
Đến đây tôi mới hiểu ra lời dặn dò của 2 ông bạn Mỹ, tuy có vẻ đối nghịch
nhau nhưng bổ khuyết cho nhau và đều rất hữu lý. Nếu tổng hợp hai ý kiến ấy
cộng với một số tìm hiểu của riêng tôi, vai trò của ý tứ trong thơ có thể được
trình bày như sau:
Ý tưởng chính, đề tài của bài thơ có thể được chia làm mấy hạng (từ cao
xuống thấp):
1/ Cao đẹp, khai phóng, thăng hoa tâm hồn con người, hoàn toàn mới lạ, độc
đáo. (Điều này có thể đạt được nhưng rất khó và rất hiếm)
2/ Lách, thoát hẳn ra khỏi (hoặc ngược với) dòng thơ Phải Đạo.
3/ Một hiện tượng, một lối sống, một cách nghĩ của một giai đoạn lịch sử đã
lác đác có người viết đề cập đến nhưng chưa có tác phẩm nào xuất sắc.
4/ Viết theo phong trào, xu hướng chính trị, theo thị hiếu của đám đông,
chọn những đề tài muôn thuở (tình yêu, quê hương …), những con đường đã có hàng
triệu dấu chân.
Nghĩ được một ý tưởng hay thì phải bắt lấy ngay vì bài thơ có ý hay, độc
đáo sẽ được đánh giá cao gấp bội. Nhưng nếu thi hứng của mình cứ nghiêng về
phía “đường xưa lối cũ” thì hãy chọn con đường ít dấu chân hoặc chưa có dấu
chân nào đậm nét. Thi sĩ cũng có thể tạo một khung cảnh mới để tiếp cận đề tài
(thí dụ: Sông Lấp); ý chưa được mới lạ thì ít nhất cũng có tứ hay.
Ý tứ là quan trọng đấy; tuy nhiên, còn quan trọng hơn chính là tay nghề của
thi sĩ. Kỹ thuật thơ mà kém cỏi thì ý tứ có hay bài thơ cũng chìm xuồng, không
thể nổi đình, nổi đám trong tâm hồn người đọc được
Tóm lại, Ý Tứ chỉ là một trong nhiều tiêu chí để thẩm định giá trị một bài
thơ. Tìm được ý tưởng hay, hoàn toàn mới lạ, độc đáo (không phải dễ và không
phải cứ nỗ lực là sẽ tim được) sẽ nâng giá trị bài thơ lên rất nhiều. Với thơ,
ý tưởng là một tiêu chí rất khó đạt điểm tối đa. Tuy nhiên, nếu đặc biệt quan
tâm đến việc chọn cách tiếp cận đề tài, tạo được khung cảnh thích hợp, bài thơ
sẽ có tứ hay. Riêng về Ý, dù biết là cực khó để đạt được điểm 10 nhưng cũng
đừng để phải ăn một con số không (0) to tướng.
*.
League City 19/02/2016
PHẠM ĐỨC NHÌ
Địa chỉ: League
City , Hoa Kỳ.
Email: nhidpham@gmail.com
.
CHÚ THÍCH:
1/ Ở Mỹ, một nước thiên về kỹ nghệ và kinh doanh, thi sĩ
rất tự hào xem mình là “động vật quý hiếm”
2/ Đằng Vương Các Tự (http://www.saimonthidan.com/?c=article&p=109)
3/ Cung Oán Ngâm Khúc (https://vi.wikipedia.org/wiki/Cung_o%C3%A1n_ng%C3%A2m_kh%C3%BAc)
4/ Chăn Trâu Đốt Lửa – Sâu Sắc Một Triết Lý Nhân Sinh,
Đức Thọ (http://lucbat.com/news.php?id=3470)
5/ Tác giả mượn ý lời bình của chính mình cho mấy bài thơ
xuất hiện trong bài viết.
6/ Tạ Lỗi Với Trường Sơn (http://dactrung.net/phorum/tm.aspx?m=482438)
7/ Tuyển tập “36 Bài Thơ” của Nguyễn Duy trong có bài
NTXTQ, do nhà xuất bản Lao Động ấn hành năm 2007.
9/ Nam Quốc Sơn Hà (https://vi.wikipedia.org/wiki/Nam_qu%E1%BB%91c_s%C6%A1n_h%C3%A0)
........................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
-
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 23.02.2016
-
Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét