MỜI ĐỌC:

Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

LAN MAN THÊM VỀ CHUYỆN BÌNH LUẬN THƠ VĂN - Tác giả: Nguyễn Bàng (Sài Gòn)

(Nguồn ảnh: Internet)
LAN MAN THÊM VỀ CHUYỆN
BÌNH LUẬN THƠ VĂN 
*
Gửi cho 5 người bạn mà tôi đã nói rất rõ: Tôi tách riêng những dòng viết này ra chỉ để thưa riêng với mấy bác mà tôi thấy rất thân thiết và rất cảm mến dù đã được gặp gỡ ở ngoài đời  hay chỉ được gặp nhau trên mạng. Trong năm người bạn nêu trên có nhà thơ Phạm Đức Nhì. Bác Nhì đã có lời phản hồi trên http://lexuanquang.org/post/11419/
Những tưởng thế là xong cái lan man lần cuối với bè bạn. Không ngờ, hôm nay tôi lại nhận được mail: BÌNH THƠ VÀ
(Tác giả Nguyễn Bàng)
THƯỞNG THỨC THƠ 
của bác Phạm Đức Nhì từ Mỹ gửi về. Bài viết này, bác Nhì đã gửi đăng trên mấy trang mạng. Phải nói là cái mail của nhà thơ Phạm Đức Nhì đã tải một bài viết đầy công phu và uyên bác về Bình Thơ và Thưởng Thức Thơ với 18 trang 8600 chữ. Tiếc cho bác quá, cố  thêm hơn 1 nghìn chữ nữa sẽ thành VẠN NGÔN THƯ BÌNH THƠ VÀ THƯỞNG THỨC THƠ.
Tôi đọc bài trên mail bác Nhì gửi cho, với cái tuổi đang chạng vạng già nua, mất gần nửa buổi sáng mới xong, mệt nên đầu óc chưa có ý định gì. Hôm nay lại nhận mail bác Nhì báo: “Theo lời khuyên của nhà phê bình Châu Thạch tôi "cắt" bài viết Bình Thơ Và Thưởng Thức Thơ làm 4 bài ngắn Xin gởi đến quý vị để đọc chơi và tùy nghi sử dụng”. Lướt qua, tôi thấy bác Nhì nói không thật, nghĩa là không cắt bài hôm qua thành 4 bài mà có sự sắp xếp đầu đuôi lại rồi mới cắt thành 4 bài. 
Nếu chỉ thế thì tôi cũng sẽ riêng đọc để hiểu biết thêm nhưng theo bác Nhì cho biết cũng đã gửi đến mail của một số bạn đọc chung trên mạng. Bác nào nhận được 2 mail này hẳn sẽ nhận ra ngay nó là thế.
Và vì có dính tới các bạn chung trên mạng, nên cực chẳng đã, tôi lại phải thưa cùng bác Nhì và các bác mấy lời, xin gọi là Lan Man Thêm… Chữ Thêm này là tôi bắt chước một ông bạn trà lá vỉa hè thân quen ở ngoài Bắc. Hai vợ chồng ông ấy lấy nhau, 7 năm sinh liền 4 đứa con. Thời bao cấp đói hoa mắt, thấy cần phải cai đẻ để nuôi các con cho tốt, họ đặt tên cho đứa thứ tư, con trai là Út - Thằng Út, ý nhắc nhở nhau thế là thôi nhé! Ai ngờ chưa đầy 3 năm sau, bà vợ lại tòi ra đứa thư năm, con gái. Không lẽ lại cũng gọi nó là Út: Con Út? Ông bạn vỉa hè của tôi nghĩ ra ngay cái chữ Thêm để đặt tên cho con bé - cái Thêm!
Còn tôi, như đã nói trước, giờ xin:
LAN MAN THÊM VỀ CHUYỆN BÌNH LUẬN THƠ VĂN 
Với 18 trang 8600 chữ, nhà thơ Phạm Đức Nhì đưa lên khá nhiều thơ, từ những câu thơ mà ông gọi là sến, cải lương đến những câu thơ của các nhà thơ cổ kim nổi danh hoặc chưa thành danh có những người đã chết và cả những người đang còn sống và không quên đưa cả thơ của chính Phạm Đức Nhì để làm rõ việc bình thơ và thưởng thức thơ. Nhưng xem xong cũng đỡ ái ngại cho người viết vì đây hầu hết là sao lục và tóm lược lại có bổ sung các ý các lời trong một loạt bài đã viết của Phạm Đức Nhì đã đăng tải trên hàng loạt các trang Web trong những năm gần đây.
Sau khi dành hơn 15 trang để trích dẫn, bình luận , lý luận về BÌNH THƠ VÀ THƯỞNG THỨC THƠ, thậm chí là cả Tiến Trình Nâng Cấp cảm nhận thơ cho người đọc, nhà phê bình kiêm nhà thơ Phạm Đức Nhì để lại hơn 2 trang cuối bài cho mục:
Đến Câu Chuyện Thưởng Thức Thơ Của Bác Nguyễn Bàng
Và đây mới là cái đích mũi tên của cây cung cần phải nhắm tới. Nhưng nếu cũng chỉ nói câu chuyện thưởng thức thơ của riêng tôi, một người không biết làm thơ như trăm vạn người bình thường khác thì, chỗ nào được khen tôi sẽ sung sướng đón nhận, chỗ nào bị chê, tôi sẽ ngậm ngùi tiếp thu và xem có thể nâng cấp cảm nhận lên cho tốt được không. Nhưng cây cung của nhà phê bình còn lắp kép thêm một mũi tên nữa nhằm bắn vào cô giúp việc bên nhà ông bạn hàng xóm của tôi.   
Sau khi giảng giải: “Bởi thế nếu không “bắt” được tứ thơ, không hiểu được nét đẹp của văn chương chữ nghĩa mà chỉ “mang máng” rồi “nghe hơi bắc nồi chõ” thì làm sao cảm được hồn thơ”, nhà phê bình Phạm Đức Nhì viết: “Còn nói như chị giúp việc: “Dạ, theo cháu thì đó là những bài ngắn gọn, có vần có điệu, nghe êm tai, dễ nhớ dễ thuộc và cháu cảm thấy với mình nó là rất hay, thích lắm!” thì cái thích ấy, cái sướng ấy chỉ là “cái tự sướng” của những kẻ “ngu si hưởng thái bình”.
Tuy chê bai cô giúp việc (có thể cả tôi nữa) là “ngu si hưởng thái bình” nhưng nhà phê bình tỏ ra rất độ lượng: “Chúng ta không trách gì chị giúp việc ấy và hàng vô số những người thưởng thức thơ như chị” . Rồi tỏ ra rất thương hại: “Trong thế giới thi ca họ là những kẻ tội nghiệp, đáng thương. Chúng ta thương họ vì do hoàn cảnh, tầm hiểu biết của họ chỉ có thế.”
Thấy nhà phê bình khóc mướn thương vay cô giúp việc nhà ông bạn hàng xóm của tôi não lòng như thế nên lại cực chẳng đã, hôm nay tôi tạt sang nhà ông ấy, mong sẽ chuyện đôi câu với cô giúp việc kia thêm một lần. Và rất may, cô giúp việc đang lau cửa sổ phòng khách.
Sau khi thưởng thức chén chè mộc Thái Nguyên từ ông bạn mời, tôi hướng về khung cửa cô giúp việc đang lau và cất tiếng:
- Chị Mận này (tên cô giúp việc là Mận), có một ông Việt Kiều ở Mỹ rất tội nghiệp cho cô đấy!
Cô Mận hơi giật mình, ngừng tay lau và hướng mặt về phía tôi và ông chủ của cô:
- Ông lại đùa cháu rồi! Cháu mà có người thương là Việt Kiều Mỹ thì tội gì cháu phải làm thân Ô sin.
Tôi khẽ cười:
- Đây, cô nghe lời ông ta viết về cô qua mail gửi cho tôi nhé!
Nói xong, tôi đọc lại mấy lời trên của nhà thơ Phạm Đức Nhì khiến cô Mận bật cười vì hiểu ra sự việc:
- Cháu nhận mình là rất ngu si nhưng cháu không dám nhận lời thương của ông ấy đâu ạ! Nếu ông ấy thương cháu phải bỏ quê quán, xa chồng con để đi làm Ô sin mà gửi cho cháu vài đồng Ô Ba ma chưa chắc cháu đã nhận huống hồ là thương một người đàn bà ít học không biết thưởng thức thơ như ông ấy.
Rồi không hiểu, vì nỗi đau phận ngu si hay được khơi nguồn tâm sự cùng với sự dễ tính của ông chủ, Mận vừa lau cửa vừa rành rọt nói:
- Hôm lâu, nghe đài cháu thấy lùm xùm gì đó về chuyện ăn cắp thơ mà lại được giải nhất do Hội nhà văn Hà Nội trao. Cô nhà thơ này lúc đầu nói đã gửi in bài thơ đó trên mấy tạp chí danh giá ở hải ngoại. (xem: http://dangxuanxuyen.blogspot.com/2015/10/seo-oc-lap-tap-tho-viet-theo-truong.html) Sau không chối được đành xin lỗi bà nhà thơ có thơ bị đạo và xin chính thức tiêu hủy bài thơ ấy trong các lần ấn bản, tái bản sau. Còn Ban tổ chức Giải thưởng Văn học 2015 Hội Nhà Văn  Hà Nội thì thu hồi lại giải thưởng. Eo ôi, toàn các ông danh giá, có ông đầu bạc trắng, một đời chỉ đọc thơ văn để trao giải hay không trao giải mà cũng chẳng biết thơ nào ra thơ nào, thế thì tội nghiệp đứa đàn bà ngu si như cháu không biết thưởng thức thơ để làm gì, thật phí hoài tấm lòng tốt của ông Phạm Đức Nhì!
Thấy tôi ngồi im còn ông chủ nhà chỉ mủm mỉm cười, Mận lại tiếp:
- Cháu không hiểu phê bình thơ là gì nhưng nói như cái ông bên Mỹ mail cho ông thì cháu nghĩ ra rằng, nhà phê bình thơ đầu đời của cháu chính là cô giáo dạy cháu ở Trường Mầm Non. Không nhớ hồi đó cháu học lớp Mầm, Chồi hay Lá, một hôm cô giáo bảo cả lớp, hôm nay cô đọc cho các cháu nhe bài thơ Ảnh Bác nhé. Rồi cô đọc và giảng giải, đây là bài thơ của một Thần đồng thơ mà cô bảo là chỉ lớn hơn chúng cháu chừng 10 tuổi. Anh Thần đồng thơ này học giỏi, có cả trăm bài thơ rất hay. Sau đó cô vừa hỏi vừa giảng từng câu cho chúng cháu nghe, đại để như: Ảnh Bác Hồ treo bên trên lá cờ đỏ tươi thật là trang trọng và đẹp phải không?/ Ngày ngày Bác mỉm cười là thế nào?/ Cháu nào thuộc lời dạy của Bác nhắc lại cho cô và các bạn nghe xem nào…Cuối cùng cô dặn dò, các cháu hãy học tập Thần đồng thơ, về treo ảnh Bác ở nhà nhé!
Hôm ấy, đi học về, cháu kể lại chuyện được cô dạy bài thơ Ảnh Bác và bắt bố mẹ cháu phải treo ngay ảnh Bác trong nhà. Bố cháu bảo, nhà mình như cái ổ chuột, bàn thờ tổ tiên không có, phải thờ cúng ông bà trên cái giá bằng tre, cái ống bơ sữa bò Liên Xô thay cho bình hương, ảnh ông bà cũng không có thì treo ảnh Bác ở đâu bây giờ? Nghe thế cháu lăn ra khóc ăn vạ. Mẹ cháu phải cõng ra bờ ao dỗ dành mãi cháu mới nín.
Dường như quên phận mình đang là người giúp việc, Mận vừa chuyển sang ô cửa sổ bên vừa nói tiếp:
- Còn chuyện ông chú của cháu nữa. Năm ấy chú cháu đang học cuối cấp 2. Một hôm, đi học về, chú khoe với bố cháu, hôm nay thày giáo dạy chúng em bài thơ “Đồng chí” hay lắm anh ạ. Cuối giờ thày đọc thêm bài thơ “Đường ra mặt trận”. Không ngờ đường ra mặt trận lại vui thế nhưng em chỉ kịp nhớ có 2 câu đầu:
Những buổi vui sao, cả nước lên đường, 
Xao xuyến bờ tre, từng hồi trống giục
Năm sau làng ta tuyển quân, em sẽ xung phong đi bộ đôi.
Cầu được ước thấy, qua Tết huyện về làng tuyển quân, chú cháu đi khám sức khỏe, được A2 và trúng tuyển. Nhưng buổi tối trước hôm lên đường, tự nhiên cháu thấy mặt chú cháu buồn thiu, ăn vội lưng cơm xong rồi đi đâu đó suốt đêm. Sáng sau, cháu hỏi thì chú bảo đi chơi với cô Nụ, người yêu của chú. Hôm đó, cả làng tiễn chân tân binh, có từng hồi trống giục nhưng mặt ai cũng buồn so và nhiều dòng nước mắt chảy trên má những bà mẹ và cả nhiều cô gái trong đó có cô Nụ. Năm sau, ông bà nội cháu nhận được giấy báo tử của chú. Nửa năm ròng, bà cháu âm thầm khóc một mình  rồi lại cùng cô Nụ khóc thêm mỗi khi cô sang với bà. Mấy năm sau cô Nụ mới lấy chồng, một anh nông dân không được lên đường ra mặt trận vì chân tập tễnh bẩm sinh. Bấy giờ bà cháu mới chép miệng bảo, may cho cái Nụ, nếu chú mày và nó đã cưới nhau thì giờ đây khổ thân khổ đời nó phải lỡ làng! Ấy, chuyện cháu được học thơ và chú cháu được giảng thơ là thế
Sợ Mận sẽ bị cuốn chìm vào những ký ức không vui, tôi lôi Mận sang lối khác:
- Mà này, cô đã bao giờ nghe câu ca này chưa: Như nước mắm nhĩ chấm lòng lợn thiu?
- Dạ, ai nói thế hả ông. Ở quê nhà cháu chỉ thấy nói Như nước mắm thối chấm lòng lợn thiu chứ chưa ai nói như nước mắm nhĩ cả. Mà người ngoài Bắc có ai gọi là mắm nhĩ đâu ạ, người ta gọi là nước mắm cốt. Vào miền Nam, theo bà đi chợ cháu mới nghe cái tên nước mắm nhĩ,  đôi khi còn gọi là mắm nhỉ nữa cơ! Mà câu ca dao đó giờ xưa rồi chứ ạ. Giờ không chỉ nhiều bà nạ dòng thích vớ được trai tơ mà ối chàng trai tơ muốn được lái máy bay bà già nữa chứ!
- Cô có thể đọc cho chúng tôi mấy câu thơ mà cô thích nhất không?
- Dạ, cháu loanh quanh cũng thuộc được ít bài nhưng cháu thích nhất mấy bài thơ của hai ông Đoàn Văn Cừ và Nguyễn Bính. Không phải vì hai ông là người Nam Định quê cháu mà là vì thơ  của hai ông rất nông dân, rất làng quê hợp với tâm hồn cháu. Cháu thuộc hết bài “Đường về quê mẹ” và thích nhất bài này trong thơ ông Đoàn Văn cừ. Hồi nhỏ chị em cháu năm nào cũng được mẹ cho về quê ngoại. Mẹ cháu không đẹp như bà mẹ ông Cừ:
Thúng cắp bên hông, nón đội đầu, 
Khuyên vàng, yếm thắm, áo the nâu 
Trông u chẳng khác thời con gái 
Mắt sáng, môi hồng, má đỏ au.
Nhưng mẹ cháu cũng thảo hiền như bà mẹ ông Cừ:
Tới đường làng gặp những người quen. 
Ai cũng khen u nết thảo hiền, 
Dẫu phải theo chồng thân phận gái 
Đường về quê mẹ vẫn không quên.         
Thơ ông Nguyễn Bính cháu cũng thuộc kha khá nhưng thích nhất hai câu:
Nhà nàng ở cạnh nhà tôi, 
Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn.
Chả là vì nhà chồng cháu cũng có một cái giậu mồng tơi. Hồi chúng cháu mới phải lòng nhau, mỗi bận cháu sang nhà anh ấy, hai đứa thường ngồi bên cái giậu ấy nỉ non chuyện trời biển. Từ khi lấy nhau, nhà cửa xây sửa lại mấy lần nhưng anh ấy vẫn giữ nguyên cái giậu mồng tơi, vừa có nắm rau bòn hái vừa cất những kỷ niệm yêu đương một thuở. Nếu không vì phải kiếm tiền nuôi hai đứa con học đại học, chúng cháu chẳng chịu chia xa nhau một ngày đâu ạ.
Bỗng Mận nói rất nhanh:
- Mà thôi, cháu xin phép hai ông cháu xuống nhà giúp bà cháu lo cơm nước đây!
Bây giờ ông bạn hàng xóm mới nói với tôi:
- Cái cách yêu thích thơ của một người phụ nữ quê như cái Mận thật đơn giản nhưng không phải là không có tiêu chuẩn. Trong làng thơ cũng như làng đọc thơ, thiết tưởng không cần phải chiếu trên chiếu dưới, không cần chỉ đâu là chỗ cho cho kẻ “ngu si hưởng thái bình” và đâu là chỗ cho người biết “nội công thâm hậu”. Ông Phạm Đức Nhì đã nói quá đáng!
Tôi hỏi ông bạn:
- Khi tôi nói: Nhà thơ cũng vậy, làm ra thơ để ai thích thì đọc chứ không phải để cho các nhà này nọ mang cách nhìn của mình ra để làm con dao cùn mổ xẻ những con chữ rất đời thường kia.”  Thì ông Phạm Đức Nhì đáp lại: “Nghĩa là bác không cần phân tích xem cách nhìn của người này, người nọ đúng sai thế nào mà lại dè bỉu, chê trách chính công việc phê bình. Theo tôi, câu cuối phải viết: “Nhà thơ, làm ra thơ để ai thích đọc thì đọc và ai thích phê bình thì cứ việc phê bình” mới hợp lý lẽ và thực tế. Như vậy, đoạn văn trên của bác Bàng hơi bị sai. Không! Phải nói là sai hơi bị nhiều mới đúng. Mà lại là cái sai lớn, cái sai căn bản trong việc đối thoại văn chương mới đáng tiếc.”. Bác thấy thế nào về hai lời đối đáp trên?
- Ông Nhì có cái đúng khi đưa ra câu cuối phải viết nhưng ông Nhì hiểu chưa hết ý bác. Bác đâu có dè bỉu, chê trách công việc bình thơ mà chỉ ngỏ ý không cần sự mổ xẻ thơ theo ý của nhà này nhà nọ.
- Bác cũng là một người hay đọc thơ và yêu thơ. Vậy trước khi mua một tập thơ hay đọc một bài thơ, bác có cần phải tìm những sách báo viết về bài thơ đó không?
- Không! Tôi coi thơ là sản phẩm tinh thần, khi được in ra trên báo hay thành sách, nó trở thành một thứ hàng hóa giống như của giữa chợ. Đã là của giữa chợ thì có thể bán rẻ, bán đắt, bán ế và ai thấy cần thấy thích thì mua, không cần nghe những lời quảng cáo như kiểu điểm thơ, vài suy nghĩ khi đọc …Hồi mới lớn, tôi rất thích Thơ Mới. Nhưng khi ấy Thơ Mới bị coi là đồi trụy là phản động nên được ai đọc cho nghe bài nào câu nào thì tôi chép lại vì thế cũng thuộc ít nhiều Thế Lữ, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử. Tôi có nghe tiếng tăm cuốn Thi nhân Việt Nam của cụ Hoài Thanh, muốn đọc để xem cụ viết ra sao nhưng ai cho bán mà mua, vào thư viện ai cho mượn mà đọc. Ít lâu sau, nghe tin cụ Hoài Thanh chối bỏ đứa con tinh thần ấy đến mức Trần Huy Liệu cho là quá đáng và Tố Hữu thì nói: “Hoài Thanh đã tát mình đau quá” thì tôi hiểu cụ Hoài Thanh cũng chẳng còn yêu thương gì những lời bình thơ của cụ đã viết trong cuốn sách ấy. Thế rồi sau đó lại thấy Chế Lan Viên, nhà thơ với cùng với nỗi niềm hoài cổ qua những tháp Chàm "điêu tàn" bỗng quay ra ca ngợi thơ của Sóng Hồng (Trường Chinh) với cả những câu như: “ Sắt chạm sắt, lóe lửa/ Tiếng chạm tiếng đinh tai…”, thì tôi mất lòng tin ở các nhà phê bình chỉ “Vị nghệ thuật nửa đời người” như cụ Hoài và các nhà phê bình bốc thơm người ngồi trên như ông họ Chế .
Hai ông phê bình nổi danh còn thế thì những nhà phê bình trong thời Kinh tế thị trường ngày nay như thế nào ông thừa biết đấy. Như cái Mận nó cũng biết, cả một hội đồng xét giải thơ của Hà Nội nghìn năm văn vật mà có lúc sướng như lê đồng, có lúc lại như quáng gà và có lúc thì mù lòa hẳn khi nhìn đọc một bài thơ rồi trao giải. Ở Nghệ An mấy năm trước,  một ông phó bí thư thường trực Tỉnh ủy vừa nổi hứng cho in một tập thơ, lập tức có ngay một nhà phê bình kiểu cái rắm thơm thở ra như thế này: “Ta vẫn là ta thôi là kết quả của những chiêm nghiệm của một người sống có trách nhiệm với mình và với đời. Thế thái nhân tình được đặt ra sau những con chữ ngắn gọn bằng một thủ pháp tuy không mới nhưng rất phù hợp với giọng thơ Phương Việt: Thủ pháp đối lập. Điều này khiến cho thơ Phương Việt kiệm lời…". Thủ pháp và cách kiệm lời cho là phù hợp ấy được chứng minh bằng những câu: Còn mẹ ru em/ Đung đưa vành nôi  hoặc Phòng điều hòa/ Xe nôi Nhật/ 
Ngược lại, nếu nhà thơ không phải là quan lớn, không phải là đại gia lắm của nhiều tiền hay nhà thơ bị thù ghét thì có ngay nhà phê bình kiểu bác sĩ Trần mạnh Khảo trong Kịch Mổ của Nguyễn Huy Thiệp. Đó là một tay thợ giết- mổ văn thơ không nghề nghiệp. Không chỉ là nhân vật trong kịch như Trần Mạnh Khảo mà là nhân vật ngoài đời như nhà thơ Xuân Sách đã khắc họa:
……
Bao giờ mày say rượu 
Bao giờ thì ra tay?...   
- Phê bình thì như thế, còn người làm thơ bây giờ thì sao?
- Thì ai cũng thấy nhà nhà làm thơ, người người làm thơ đấy thôi. Thật không dễ thống kê hết số lượng các tập thơ được phát hành và các bài thơ được công bố trên báo chí, kể cả báo mạng, trong một năm. Tôi không dám nói như Nguyễn Huy Thiệp:“Nhà thơ tức là những người chỉ dựa vào "cảm hứng" để tuỳ tiện viết ra những lời lẽ du dương phù phiếm vô nghĩa, nhìn chung là lăng nhăng, trừ có dăm ba thi sĩ tài năng thực sự (số này đếm trên đầu ngón tay) là còn ghi được dấu ấn ở trong trí nhớ người đời còn toàn bộ có thể nói là vứt đi cả”. Nhưng quả thực tôi không còn muốn đọc thơ ngày nay nữa, nhất là các loại thơ đủ kiểu của cái gọi là cách tân. Cũng nói thật với bác, tôi chán đọc thơ từ hơn ba chục năm nay rồi, từ cái lúc tôi được  nghe chuyện hôm bế mạc Đại hội Hội nhà văn lần thứ 3 nhóm họp năm 1983, được cấp kinh phí để truyền hình trực tiếp; Nguyễn Đình Thi nhà thơ đa tài được bầu làm Tổng thư ký lên bục giõng dạc đọc diễn văn, có đoạn: “Chúng ta là những nhà văn, nhưng là những hạt bụi lấp lánh của Đảng…”  Lúc này, ở chợ Bắc Qua, có một chị buôn gà từ Bắc Ninh sang, rãnh rỗi chị ta ghé qua cửa sổ một nhà giáo để xem nhờ ti vi. Nghe Nguyễn Đình Thi đọc đến đoạn này, chị buôn gà liền văng luôn: “Cậu đéo lào (nào) mà lịnh (nịnh) ác thế”… Thơ của những hạt bụi lấp lánh ấy thì để cho đảng đọc chứ mình đọc làm gì.
Thấy lan man cũng đã lâu, tôi toan ngỏ lời tạm biệt thì ông bạn hàng xóm cười có vẻ khoái trá:
- Cái ông Phạm Đức Nhì ở Mỹ xem ra cũng rất công bằng khi có người cho rằng mấy câu thơ tục ông ấy được nghe từ miệng anh lái đò trên sông suối chùa Hương chỉ là vè. Không thể gọi là thơ. Về chỗ này, ông ấy cãi rất được: “không còn là những câu vè tục tằn vui chơi, mà đã thành những câu thơ hay, ý nhị, độc đáo, có giá trị nghệ thuật cao, mang đến cho người nghe, người đọc một thông điệp về thơ rõ ràng, sinh động”. Nhưng ông Nhì ấy mà muốn bình mấy câu thơ ấy chắc lại phải cân đong ngữ pháp, soi rọi thi pháp, tìm cho ra các thủ pháp rồi đếm từng động từ tính từ…Ôi, khổ công lắm cho dù ông ấy rất “nội công thâm hậu” và “lý sự dung thông”. Ấy, cứ ngu si như cái Mận và cả tôi nữa, đọc lên thấy sướng thì cười rung bụng là xong.
Mà sao cũng lạ, cả một cái gần Vạn Ngôn BÌNH THƠ VÀ THƯỞNG THỨC THƠ như thế mà chính ông Phạm Đức Nhì ấy lại coi là: 
những lời bình nhăng tán cuội”???
*.
NGUYỄN BÀNG
Địa chỉ: Thành phố Sài Gòn
Email: bnguyen37@gmail.com













........................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 27.03.2016
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét