MỜI ĐỌC:

Thứ Năm, 17 tháng 3, 2016

TÂM SINH LÝ TUỔI DẬY THÌ - Tác giả: Vũ Thị Hương Mai (Hà Nội)

(Nguồn ảnh: Đặng Tuấn Hưng)
TÂM SINH LÝ TUỔI DẬY THÌ
*
Trong cuộc đời, ai cũng trải qua sự biến đổi về tâm lý. Sự trưởng thành về tâm lý là cả một quá trình rất dài. Tâm lý thay đổi thể hiện rõ nét nhất trong môi trường chung quanh mình. Đó là xã hội, trường lớp, gia đình... Đối với lứa tuổi dậy thì, các em bắt đầu có sự nhận thức sâu hơn về giới tính, muốn khám phá mình và khám phá thế giới chung quanh. Các em nhận ra mình trong guồng quay to lớn của cuộc sống. Sự thay đổi về tâm lý này đem đến cuộc sống các em nhiều niềm vui nhưng cũng khiến các em nhiều rắc rối, khó xử.

1. TÍNH TỰ LẬP VÀ NHU CẦU TỰ KHẲNG ĐỊNH MÌNH
Đã qua rồi cái tuổi khóc nhè, làm nũng, các “bạn” nam nữ thấy mình bỗng lớn hẳn lên. Tâm lý các “bạn” ở tuổi dậy thì lúc này là “muốn làm người lớn, coi mình là “người lớn”. Khi thể chất phát triển, tư duy các em cũng bắt đầu phát triển. Sự lớn về hình vóc khiến các em ý thức mình đã là người lớn và đòi hỏi mọi người đối xử bình đẳng. Muốn được như vậy, các em càng chứng tỏ để mọi người thấy giá trị của mình.
Trước hết, cái thế giới bên ngoài là điều các em muốn khẳng định. Đó là sự quan tâm đến vẻ đẹp của mình. Các em khám phá rằng mình đã thay đổi và xinh đẹp hơn rất nhiều. Quả thực, ở giai đoạn này, các em gái lớn phổng phao, da dẻ trắng hồng còn các em trai cơ thể cao lớn hơn. Họ phát hiện  ra vẻ đẹp  của mình sau một quãng thời gian dài bị che lấp. Vì vậy, các em rất muốn làm đẹp, từ cách chưng diện, nói năng mang hàm ý kiểu cách khoe mình. Dù vô tình hay hữu ý, các em đều nhằm cho người khác chú ý đến mình.
Ở trường học, các em muốn tự bản thân chọn bạn cùng trang lứa. Các em gái tự đi mua sắm quần áo, lựa chọn sao cho phù hợp với bản thân. Các em trai cũng chủ động trong việc ăn mặc. Các em ý thức được vóc dáng của mình sao cho phù hợp với lợi thế và nhược điểm của cơ thể. Chính điều này làm các em nghĩ rằng mình đã lớn, đã tự lập làm mọi thứ.
Về gia đình, cái cảm giác này càng bộc lộ rõ. Có lúc, các em thấy thất vọng, ấm ức vì cha mẹ hình như chưa thấy em “đã lớn”. Trong con mắt của mọi người, em chỉ là đứa trẻ ngày nào, vẫn bé bỏng và khờ dại.
Mỗi lần bố mẹ nói gì em cũng lặng thinh, ậm ì cho qua quýt. Bởi vì bố mẹ lúc nào cũng lên kế hoạch cho học tập, thích môn học nào, rồi trường nào tốt, trường nào không, nhức cả đầu. Dường như bố mẹ không quan tâm, hỏi ý kiến của em. Rồi bố mẹ lại bắt mặc cái này, không được mặc cái kia như một sự ép buộc: “Con không cần mọi người quan tâm. Việc đơn giản thế mà ba mẹ cũng phải nói, con biết tự làm như thế nào!”.
Chính trong hoàn cảnh này, các em cảm thấy cha mẹ không hiểu được những suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của mình. Việc tiếp nhận mọi biểu hiện âu yếm trước đây cha mẹ dành cho giờ trở nên gượng gạo, đôi khi em còn cảm thấy khó chịu. Các em gái bắt đầu tìm cách lẩn tránh, giữ khoảng cách với cha mẹ như để khẳng định sự độc lập và trưởng thành của bản thân. Tuy vậy, trong thâm tâm các em vẫn không ngừng tìm kiếm sự cảm thông, chia sẻ. Chỉ có điều sự thể hiện cần kín đáo và sâu lắng hơn để tránh tổn thương tới lòng tự trọng còn non nớt.
Nhất là các em gái mới lớn muốn nhân cách và quyền tự do của mình phải được công nhận. Các em nữ có cách ăn mặc và những sở thích mới mẻ là một trong những cách khẳng định chính mình. Sự quản lý chặt chẽ của cha mẹ về giờ giấc sinh hoạt và vui chơi chỉ mang tính chất hình thức. Các em không chấp nhận sự giám sát công việc của bố mẹ áp đặt. Bằng chứng là các em hay chống đối lại. Sự đối kháng tới mức đỉnh điểm khi luôn đi ngược lại với những khuôn thước, chuẩn mực sống mà cha mẹ vốn áp đặt trước đây. Nhiều lúc các em còn cố tình làm trái lời bố mẹ. Nhất là trường hợp các em nam thì sự chống đối càng quyết liệt hơn.
Chính trong thời điểm này, các em dễ rơi vào những tình huống khó khăn. Các em đánh giá thấp và coi thường những hiểm nguy có thể đến với bản thân, thách thức sức đề kháng của cơ thể qua những cuộc chơi không có hạn. Có khi, gây những hậu quả khó lường. Các em bị cuốn hút bởi điều kiện ngoại cảnh. Tâm trí bị lu mờ bởi cảm xúc dồn nén và sẵn sàng mạo hiểm lao vào cuộc chơi. Nhất là những cuộc chơi về tình ái. Các em rất muốn thử nghiệm tình cảm của mình. Các em cứ nghĩ mình đã lớn, có thể chín chắn không va vấp bất cứ nguy hiểm nào. Sự mạo hiểm chính là ở đấy.
Một trong những hành vi muốn khẳng định mình của các em trong tuổi dậy thì là nhu cầu đòi quyền được riêng tư. Trong khoảng thời gian này nếu chú tâm sẽ thấy cửa phòng các em luôn được khóa trái. Đây là một dấu hiệu cho lời nhắn nhủ: “Cấm vào”. Các bậc cha mẹ chứng kiến những cảnh này hết sức lo lắng. Đứa con vốn ngây thơ hồn nhiên bỗng giở chứng xa cách với mọi người trong nhà.
Thực ra, nhu cầu về quyền được riêng tư không muốn ai quấy nhiễu liên quan đến sự xuất hiện của một loại cảm giác mới mẻ hoặc sự mơ ước nhục dục. Có thể lúc này ở trên tường các phòng ngủ của các cô các cậu thiếu nữ sẽ xuất hiện các ảnh ca sĩ, các ngôi sao. Các em bắt đầu mơ ước, tưởng tượng về giấc mơ làm “người lớn” của mình. Cũng có thể các em tách riêng để kín đáo đọc các loại tạp chí tranh ảnh xuất bản đặc biệt cho lứa tuổi thiếu niên. Các em muốn có một không gian riêng, một thời gian riêng để một mình tiến hành cuộc thử nghiệm với những dấu hiệu đến sớm của tình dục.
Đối với các bậc làm cha, làm mẹ thì yêu cầu của bọn trẻ muốn được riêng tư trở thành điều khó xử cho họ. Nhưng dẫu sao, họ vẫn phải thừa nhận rằng nó là một phần không thể thiếu của quá trình trưởng thành lứa tuổi thiếu niên. Chúng ta cũng nên tôn trọng không gian và thời gian tự do dành riêng cho bản thân các em.
Dường như các bậc cha mẹ cho rằng quyền tự do được riêng tư không bị ai xâm phạm có thể được xem như một dấu hiệu họ sẽ để sổng mất đứa trẻ. Hoặc đứa trẻ đã cố tình làm gì đó vốn là điều bị cấm đoán. Nhưng sự thật ngược lại, tuổi thiếu niên trong trường hợp được quyền riêng tư thì dường như các em biết tìm đến cha mẹ, mỗi khi các em nhận thấy sự có mặt của cha mẹ là điều rất cần thiết với các em. Bởi hơn ai hết, bố mẹ là người có vai trò quan trọng nhất của cuộc đời các em trong thời niên thiếu.
(Nguồn ảnh: Đặng Tuấn Hưng)
2. NHU CẦU GIAO TIẾP.
Có thể nói, khi các em ở lứa tuổi dậy thì phát triển về thể chất, thì tâm lý cũng dần biến đổi theo. Vì vậy, thế giới tinh thần của các em trai cũng phát triển khá đa dạng.
Chưa bao giờ, cái nhu cầu giao lưu bạn bè phát triển mạnh mẽ như lúc này. Các em đang làm quen dần với cuộc sống xã hội, tập giao tiếp với mọi người. Và bạn bè trở thành một phần quan trọng của cuộc sống. Lúc còn bé, các em nô đùa với từng đám bạn rất vô tư, thoải mái. Nhưng bước sang tuổi dậy thì, các em lại có hình thức chơi bạn bè đặc biệt phổ biến. Đó là nhóm bạn, hội bạn. Nhóm, hội có nhiều loại rất đa dạng, có thể là các bạn ở gần nhà nhau, cùng chung “chí hướng” hay cũng có khi hợp nhau về tính tình hoặc một vài sở thích nho nhỏ nào đó.
Một em đã say sưa kể về hội bạn của mình: “Hội của em có bảy đứa. Trong đó có 3 người con trai và 4 người con gái chơi rất thân thiết. Bọn em cùng nhau chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, cùng rủ nhau đi chơi picnic cả ngày không biết chán. Chúng em thề với nhau cả bọn không được giấu nhau bất cứ điều gì”.
Rõ ràng, các em đã biết được giá trị của tình bạn. Các em tìm đến với nhau không bởi một sự tính toán nào. Đây là bước đi đầu tiên các em tập hòa mình vào một tập thể, học tập mọi người đức tính tốt, học cách quan hệ và yêu quý mọi người. Nhóm bạn là nơi nâng đỡ tinh thần, chia sẻ mọi vui buồn. Đặc biệt, nó sẽ giúp các em cảm thấy tự tin hơn.
Ở gia đình, có những chuyện các em giấu giếm bố mẹ. Có thể các em ngại không muốn nói ra. Nhưng với các bạn, các em sẽ thấy thoải mái hơn, giãi bày một cách không ngần ngại. Như vậy, các em đã chuyển sự phụ thuộc, quan tâm từ gia đình sang những vấn đề khúc mắc thường ngày của nhóm. Đối với các em, kết bạn với nhau chủ yếu do cùng sở thích: thích một ca sẽ nhạc pop chẳng hạn; thích một bộ môn học.... Mỗi người một tính cách, một tính khí thất thường nhưng họ vẫn họp lại thành một nhóm. Trừ gia đình ra, nhóm bạn là nơi các em trao gửi nhiều niềm tin nhất.
Sau này, dần dần tình bạn sẽ không xô bồ, đơn giản như thế nữa. Các em sẽ hiểu rõ, chín chắn về tính cách để tìm cho mình một người bạn thích hợp về sở thích và tâm hồn. Ai cũng biết rằng tuổi học trò thật đẹp. Và nó chỉ đẹp trên nền tảng của tình bạn ngây thơ, trong sáng.
Tuy vậy, nhiều khi “tinh thần hội” trở thành cực đoan, phát triển thành hiện tượng “bè phái”, coi thường các bạn ngoài hội một cách vô lý, gây đố kỵ giữa các nhóm bạn. Điều mà các bậc phụ huynh lo lắng nhất cũng là nguyên nhân này.
Tuổi vị thành niên của các em gắn liền với sự bốc đồng, đua đòi. Có nhiều em tốt lên nhưng cũng có nhiều em vì chạy theo bạn bè đâm ra hư hỏng. Có nhiều em tập tễnh hút thuốc, chơi bi-a, cúp học vì chạy theo bạn. Vô tình các em tự đi theo vết xe đổ mà không hề hay biết. Tai hại hơn, một số em vì bị bạn bè kích động nên tập chích hút thuốc phiện. Các em chưa lường trước được hậu quả sau này phải gánh chịu.
Tình bạn giữa các em trai và các em gái cũng rất khác nhau. Ở các em nam, tình bạn chỉ tập trung vào các hoạt động để thu hút sự tham gia bạn bè cùng trang lứa: Các em nam ưa hoạt động theo bề nổi, ồn ào. Còn em gái thì ngược lại, xây dựng mối quan hệ thân thiết qua đó để trao đổi tình cảm với nhau.

3. MÂU THUẪN BỘC LỘ
Trong chu kỳ phát triển của con người, giai đoạn tuổi dậy thì là giai đoạn tâm lý phát triển phức tạp nhất. Vì những biến đổi của cơ thể đã kéo theo sự tác động đến tâm lý. Các em có thể hoang mang, lo lắng trước những biến đổi cơ thể. Các em bắt đầu có những cảm giác rất lạ: đứng trước gương để ngắm  mình; sững sờ trước thân hình với những cơ bắp rắn chắc, hoặc trước thân hình mảnh mai với những đường cong gợi cảm...  Các em phải có thời gian để tập làm quen với bao điều mới lạ. Vì vậy, trong một khoảng thời gian dài, các em có những cử chỉ, động tác trở nên lóng ngóng, vụng về, rất khó chịu. Những chuyện dị thường ấy đi đôi với một sự thay đổi trong cơ thể, có thể là nguyên nhân cắt nghĩa cho những nỗi lo sợ hoặc sự bối rối.
Lứa tuổi thiếu niên sẽ phải thể nghiệm một loạt các cảm giác mới do ảnh hưởng của nội tiết tố hoócmôn mà ra. Cảm giác tốt cũng có song nó cũng gây ra tâm trạng buồn bã và chán nản. Các bậc phụ huynh rất ngạc nhiên bởi nhận ra con cái họ giai đoạn này rất dễ xúc động. Đó là chưa kể tính nết chúng thay đổi thất thường, bất thần chuyển từ tâm trạng này sang tâm trạng khác.
Tâm trạng của các em nam và em nữ thường bất ổn, dễ nảy sinh nghi ngờ. Thay đổi trong cơ thể kéo theo sự thay đổi trong cảm nhận về bản thân khiến cho các em lo sợ : Thân thể như thế này liệu có bình thường không? Vóc dáng của mình trông có bắt mắt không? Làm thế nào để chữa cho khỏi mụn trứng cá? Liệu mình có quá béo không? Bộ ngực của mình lép quá. Hay dương vật của mình đủ to chưa?..
Do tự mày mò khám phá bản thân, trí tò mò của các em bắt đầu phát triển. Từ đấy, sẽ dẫn đến trạng thái lo sợ về những biến đổi giới tính của mình. Các em gái xuất hiện kinh nguyệt. Dấu hiệu này làm các em lo lắng, sợ hãi. Còn các em trai thì quan tâm đến dương vật của mình.
Ở tuổi này, các hoócmôn kích thích sự nhận thức mới mẻ về cuộc sống, về ý thức giới tính. Các «cô gái» mới lớn xuất hiện nhu cầu yêu và được yêu. Vẻ đẹp và những nét tính cách của người khác giới thu hút «cô gái». Ban đầu, nó còn khá mơ hồ nhưng rồi lâu dần những cảm giác ấy được khắc họa rõ nét. Các «cô gái» thường nghĩ nhiều về người bạn trai thân thiết hoặc tới một nghị sĩ, một nhân vật hấp dẫn mà «cô gái» tô vẽ, thần tượng hóa. «cô gái» bắt đầu suy nghĩ cách chinh phục, để hàng giờ vào việc ngắm nghía bản thân, lúc thì thỏa mãn, lúc thì thất vọng với hình ảnh mình trong gương.
Lúc ngắm mình trong gương, thực ra cậu bé, cô bé không thấy rõ bản thân như người khác nhìn nhận mà phần lớn chỉ thấy được những nhược điểm rồi phóng đại nó lên. Các em nhìn mình qua cặp kính lúp. Vì vậy, những nhận xét ấy sẽ không bao giờ đúng với sự thực.
Những tác động của lượng hoócmôn trên cơ thể trong thời kỳ trưởng thành tạo ra mọi hiệu quả khác nhau. Các em gái mới lớn chịu khiếm khuyết về mặt hình thể một cách miễn cưỡng mà không ý thức rằng sự hoàn hảo là điều hiếm có, nhiều khi không tồn tại. Bởi không chỉ vẻ đẹp nằm ở hình thức mà vẻ đẹp nằm ở chính trong tâm hồn. Không nên thấy hình thể của mình không đẹp đẽ mà buồn bã, chán nản.
(Nguồn ảnh: Đặng Tuấn Hưng)
4. NHÚT NHÁT VÀ TỰ TIN
Một đặc điểm của lứa tuổi dậy thì là sự e thẹn, nhút nhát dẫn đến thái độ thiếu tự tin.
Nhút nhát không có nghĩa là hèn nhát mà thực ra đó chỉ là sự vụng về, lúng túng, lóng ngóng khi tiếp xúc với mọi người. Thực ra, trong bản chất, ai cũng ít hay nhiều đều mang chút nhút nhát trong người. Đối với các em ở tuổi mới lớn, do chưa tự tin với bản thân, ngỡ ngàng với cuộc sống nên các em dần đánh mất mình. Vấn đề là cần phải khắc phục sự nhút nhát đó.
Nhút nhát có thể chuyển thành tự tin nếu các em nỗ lực và được bạn bè hỗ trợ. Tâm lý các em sẽ ổn định thì sẽ lấy lại sự tự tin cho chính mình. Các em phải tự tin về mình, hãy tin tưởng vào chính mình. Có như vậy, bạn mới hòa nhập vào thế giới của cuộc sống.
*
Với lứa tuổi dậy thì, các em có nhiều biến chuyển về tâm sinh lý, mà tất cả sự biến chuyển ấy đều là sự non nớt. chập chững và nhiều hệ lụy khó lường nếu không có sự quan tâm đúng mức của người lớn. Vì thế, các bậc làm cha làm mẹ nên quan tâm tới các em nhiều hơn nhưng sự quan tâm ấy cũng phải phù hợp với tâm sinh lý của các em thì sự giáo dục của người làm cha làm mẹ mới hiệu quả,
*.                                                                
VŨ THỊ HƯƠNG MAI
Địa chỉ: Khu tập thể Tổng công ty 319
Long Biên - Hà Nội.
Email: huongmai8081@yahoo.com.vn







........................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 17.03.2016
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét