MỜI ĐỌC:

Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2016

THƠ - NIỀM KHAO KHÁT VĨNH HẰNG - Tản văn Chử Văn Long (Hà Nội)

(Nguồn ảnh: Internet)
THƠ -
NIỀM KHAO KHÁT VĨNH HẰNG
*
Tình cờ tôi được đọc hai bài viết, một là “Giải Nô-ben cho văn học Việt Nam của cây bút thơ nữ trẻ, bản lai cảo gửi đăng báo “Người Hà Nội”, dài chín trang đánh máy. Sau khi lý giải những gì mà chị cho là trì trệ của thi ca Việt Nam hiện tại, chị đã hạ bút viết: “Khi chũng ta tin và chờ những người nổi loạn (nổi loạn tích cực) tạo ra một thời đại mới cho thi ca Việt Nam…”.
Bài thứ hai với tít đề: “Loạn chuẩn” in ở “phụ san của tạp chí Văn nghệ quân đội”. Với giọng bi hài, lo: “Thơ ca đang loạn ngôn khen chê không còn chuẩn mực gì nữa, khiến người đọc kinh hãi hoang mang”.
Hai bài viết gợi lên hiện tượng có thật của thơ ca hiện nay: Có thực số người cầm bút của đội ngũ làm thơ trẻ luôn mặc cảm trên đầu mình bị cái bóng che mờ nhạt, muốn bứt tung mọi ràng buộc, đòi “nổi loạn” chữ nghĩa, kỹ thuật, quan niệm mong làm mới hẳn nền thi ca Việt Nam, nhưng lại chưa đủ sức lực và uy tín, vẫn phải vay mượn ý tưởng, quan niệm của người nổi tiếng này, người nổi tiếng khác để nói thay mình. Như vậy là, chính những ám ảnh về họ lại đang ràng buộc khát vọng tự do kia. Đáng ra những nung nấu, khao khát ấy phải tạo ra được từ trường riêng, hấp dẫn, độc lập, không phụ thuộc vào bất cứ ai và bất cứ điều gì. Còn giải Nô-ben không chỉ là biểu tượng vươn tới của lớp người cầm bút trẻ mà một số người trước đây cũng từng bàn đến, thì gần đây, một nhà văn Việt Nam đã được phương tiện truyền thông một số nước đề cử vào xét giải lần này. Vậy là giải Nô-ben cũng không quá xa vời với ai có tài năng đích thực. Nhưng cũng đâu phải tất cả những tài năng đích thực đều qua nhận giải Nô-ben mới khẳng định được mình. Cũng như những người đẹp đâu phải ai cũng đi thi hoa hậu. Và hoa hậu đâu phải bao giờ cũng là người đàn bà đẹp nhất! Với không khí văn chương hiện nay, tôi thấy quý trọng cái tinh thần “nổi loạn” để làm sống lại, tươi mới những dòng thơ bệch bạc, vô hồn. Nhưng có lẽ trước hết là “nổi loạn” với chính mình, đem những suy nghĩ, tư duy đập vụn ra, nhào nặn lại để làm nên một cái gì mới khác, của ta mà không phải của ai. Nhiều người làm thay đổi được ý nghĩa của cả nhân loại mà họ có tuyên bố gì đâu. Ta đều biết tập thơ “Lá cỏ” của Uýt-man thời bấy giờ, nếu đem so sánh, nó là cuộc “nổi loạn” so với thơ ca cùng thời nhưng đã bị thờ ơ đến thế nào, rồi mới được công nhận. Vậy là sự “nổi loạn” còn phải biết đợi chờ. Ngược lại cách nhìn ở bài viết “Loạn chuẩn” cũng như một lớp người có thâm niên cầm bút quá tự tin; mình đã tìm ra được chiếc thước vạch, khắc chính xác để định giá, xếp đặt văn chương, họ đã tạo ra mặc cảm giữa những thế hệ cầm bút, đáng ra phải cùng một mục đích kiếm tìm. Trong khi ta đang sống ở một thời đại, phủ nhận trở thành yếu tố thường trực cho cái mới ra đời, liệu văn chương có ở ngoài quy luật ấy không? Còn thừa kế thì tuỳ thuộc vào cái cũ, vào chính giá trị mà nó có. Dễ gì ai đấy xác định được thứ “chuẩn” mà mình coi là chính xác để có thể nói rằng những thứ khác là “loạn chuẩn”.
Ngẫu nhiên, tôi nhớ đến thiên tài Puskin nói về hai nhà thơ trẻ mà ông yêu mến sẽ là những người tiếp tục làm rạng rỡ nền thơ ca Nga sau này, nhưng rồi tên tuổi những nhà thơ ấy cũng mất hút. Khi Puskin qua đời, Lec-môn-tốp xuất hiện, người ta tiên đoán đó là mặt trời thơ ca lại mọc, thì đến nay Lec-môn-tốp vẫn còn chói sáng… Những chuyện như vậy đã xẩy ra như một sự bình thường.
Tôi lại nhớ một bài phỏng vấn, dịch, in ở báo Văn nghệ năm trước “Thơ ca là thần dược của tâm hồn”. Nhà thơ A-lec-xan-dro Cô -rốt-cô (U-crai-na) trả lời phỏng vấn có đoạn: (Khi tôi từ Xim-phe-rô-pôn đến Ki-ép, tôi tuyên bố rằng sẽ nhận giải Nô-ben về thơ của mình. Thế là người ta bắt đầu nói về tôi: “Đồ tỉnh lẻ, đồ điên, đừng tin hắn!”. Nữ sĩ nổi tiếng Ki-ép, Ép-đô-ki-a Ô-lun-san Xcai-a, đã giẫy nẩy: “Đồ hỗn láo”… Nhưng tôi thực sự tin rằng sẽ nhận được giải Nô-ben. Tôi đang viết diễn từ Nô-ben để sau khỏi bị bất ngờ).
Đọc những dòng này tôi không thú lắm, vì đích của thơ ca đâu phải là giải Nô-ben. Nhưng khi đọc tiếp những dòng tâm sự của anh về thiên chức người nghệ sĩ lớn: “Đôi khi anh ta bay cao trên bầu trời đến mức không thể quay lại được. Về phần mình, cũng có một chút không bình thường, điên điên…”.
Tôi thấy quý anh và hiểu đây như một chuyện đùa sau một đời lao động nghiêm túc, tự tin.
Nhưng đừng nhầm với những gì đang xảy ra ở ta. Văn chương cũng không tránh khỏi sự lăng xê quảng cáo, có lúc đưa nhau lên đến trời xanh, nếu họ muốn. Ở các nước tư bản “tự do” bằng sức mạnh đồng tiền chắc là còn “loạn hơn”, vậy sao họ vẫn lọc được những giá trị đích thực, đặc biệt là có thể cập nhật đưa ra cho người đọc những chính kiến thuyết phục khi một nhà phê bình cầm bút giới thiệu tác phẩm, có lẽ nhờ cái phông văn hoá chung có tầm cao, chứa đựng được hết mọi tư duy tinh anh, độc lập sáng tạo - Như nền văn chương Pháp, những thập kỷ gần đây, nhiều người cho rằng tiểu thuyết hiện đại ngày càng sút kém so với tiểu thuyết cổ điển và trước đó. Nhưng nhà tiểu thuyết và phê bình văn học có uy tín của Pháp, Guy Scarpetta đã chứng minh ngược lại được rằng: Thời kỳ hoàng kim thực sự của tiểu thuyết lại là bây giờ, có những kiệt tác của thời hiện đại nay không thua kém bất cứ một thời nào khác… Và ông đã đúng.
Vậy là, mỗi thời đều có cái ”chuẩn riêng” trong cái “chuẩn chung” luôn vận động biến đổi, đó là đời, đời trong câu nói nổi tiếng của Gớt (Mọi lý thuyết đều màu xám, cây đời mãi mãi xanh tươi). Người sợ nhìn vào sự thật, vào đời, cái thực tế tưởng như rối loạn kia nhiều khi lại là người báo động sai lầm. Có một vương quyền Trung Quốc nổi tiếng gian hùng nhưng lại là một nhà thơ điềm tĩnh tài năng, đó là Tào Tháo, đã đem đến cho thơ những lời tâm đắc, chí lý: “Đừng nói gì sớm, hãy để cho bài thơ thao thức cùng với nghìn năm - Đó là thơ loại Một!”.
Từ ngàn xưa đã vậy, tài năng bao giờ cũng hiếm hoi. Lại phải có con mắt xanh để nhìn ra được. Ý nghĩ ngộ nghĩnh bỗng bật ra trong đầu: Dân tộc mình tóc đen, mắt đen cơ mà? Có lẽ người xưa uyên thâm muốn nói cùng ta rằng, chúng ta đều mắt đen nên mới hiếm người có con mắt xanh, mới có thể cầm bút so chuẩn.
Có lẽ cảm hoài cuộc sống quá phức tạp, nhất là từ cuộc sống của người Phương Đông, mãi bây giờ nhiều điều đã xảy ra hàng nghìn năm trước với loài người vẫn cứ còn là bí ẩn, nên thi hào Nguyễn Du sau khi đã trải hết lòng mình cùng nỗi đau nhân thế, ông còn hỏi vọng về sau:
“Ba trăm năm nữa ta đâu biết
Thiên hạ ai người khóc Tố Như?”
Huống hồ là những gì của hôm nay, khi dân số tăng vọt, công nghiệp phát triển, thơ ra đời ngày càng nhiều hơn, nhiều người dùng thơ như thứ trò chơi danh vọng… Nhưng chắc chắn thơ hay vẫn sống, lẫn vào đâu đó giữa hỗn tạp xô bồ.
Ngày nước Nga phục hồi danh dự cho Pasternak, tôi đã viết:
Thiên tài là một cái gì không chịu nổi
Vì lẽ ấy
Thường phải lấy chính mạng mình ra đổi.
Thơ muốn sống được còn phải có gì đấy cao hơn mọi sự khen chê. Lấy chuẩn mực nào để đo câu thơ Ê-xê-nhin từ thủ đô nước Nga gửi về cho mẹ, ý như sau: Mẹ ơi, cái thằng con chân đất của mẹ giờ bỗng thành nhà thơ lớn nhất nước Nga! Các nhà thơ Nga thời ấy chắc chẳng vui vẻ gì. Điều ấy, liệu có phải là nguyên nhân dẫn đến cái giá phải treo cổ sau đó để lại câu thơ, đúng hơn là niềm thao thức cho đến muôn đời:
Chết chẳng có gì là mới
Nhưng sống cũng chẳng mới gì hơn.
Nên sự sống vĩnh hằng!
Và thơ, mãi mãi còn là niềm khao khát không nguôi!
*.
CHỬ VĂN LONG
Địa chỉ: Thôn 2, Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội.     
Điện thoại: 01658818263
Email: haicv08@gmail.com











…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 31.01.2016
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét