(Nguồn ảnh: Internet) |
THƠ TÌNH BÊN SÔNG -
NỖI ĐAU XÉ LÒNG
Hồ Quang - người bạn thơ của La Thuỵ
đã thành người thiên cổ. Sinh thời, vào lúc cuối đời, Quang sống lang thang, cơ
cực. Anh gửi tâm trạng u uất vào sáng tác thơ văn và gửi đăng trên tạp chí Văn
Nghệ Bình Thuận, báo Bình Thuận với bút danh Hoài Quang. Nhân mùa Phục
Sinh của Thiên Chúa Giáo, La Thụy ghi lại bài mình viết về tập THƠ TÌNH BÊN
SÔNG của Hoài Quang, như thắp lên nén nhang lòng tưởng niệm người bạn giang hồ
hiện giờ chắc đang lãng du vào vùng trời miên viễn.
“Quân tại Tương giang đầu
Thiếp tại Tương giang vĩ
Tương tư bất tương kiến
Đồng ẩm Tương giang thủy”
Những
câu thơ cổ chợt hiện về trong tôi – như tiếng thở dài não nuột của đôi lứa yêu
nhau da diết, mà đành cách trở đôi dòng, người đầu sông kẻ cuối bãi, ngậm ngùi
trông nhau luyến nhớ - khi đọc THƠ TÌNH BÊN SÔNG của Hoài Quang.
Người
xưa, dù vời vợi ngàn trùng cách biệt vẫn được diễm phúc “đôi bên “cùng
đẫm lệ, hướng mặt gởi tấm lòng son sắt về nhau. Người nay, bi
thiết hơn, con sông Dinh, đôi bờ hẹp nhỏ, cách nhau chỉ một chuyến đò ngang,
chỉ bằng nửa tầm tay với, thế mà "riêng ai" lại quặn lòng, đau
đáu dõi trông. Ôi! "Cái gần gụi tấc gang ấy là cái gần gụi muôn đời
không hội điểm của hai con đường sắt" (Mai Thảo). Biết làm sao, khi:
Ta đi em ở lỡ làng
Mới hay khuya đã sang ngang cùng đò
Vâng,
Hoài Quang đã ra đi nhưng vẫn luyến lưu khung trời cũ, nơi từng in đậm dấu mười
năm ân ái mặn nồng, vẫn gởi hồn mình từng đêm theo chuyến đò khuya trở lại bên
kia sông, thế nhưng:
Em đã hiểu hay vô tình chối bỏ
Chút thủy chung đánh mất giữa môi hường
Bên
kia sông, người xưa, (ôi! Em đã trở thành người xưa rồi) đã phũ phàng
buông trôi tình chăn gối, nghĩa vợ chồng, để hằn lại trong Hoài Quang niềm đau
rớm máu,và tiếng thơ xé lòng như thê thiết ngân vọng lên:
Tình như xát muối vào tim
Hỡi em thánh thiện nỡ chìm đam mê
Hoặc:
Buồn như đeo đá vào hồn
Buồn theo ta mãi -bồn chồn không
yên
Cơn
đau quằn quại, cơn đau buốt nhói, đeo đẳng mãi trong tim người lỡ phận, như dàn
trải suốt tập thơ THƠ TÌNH BÊN SÔNG, nỗi đau tuôn trào ra cả ngoại vật:
"TIẾNG CHIM" như cô liêu ai oán, "TRĂNG LẺ" đầy
bàng bạc đơn côi , "CHIỀU SAY" vàng vọt u sầu
, "BIỂN" … thì thầm gợi sâu niềm nhớ .Và,
"KHUYA" với câu kinh tiếng kệ không còn thanh thoát, làm lắng
dịu tấc lòng, trái lại từng hồi chuông mõ như khua động cuộc tình đau.
Thôi,
quên đi, quên đi … Hình bóng ai xưa hãy mau mau nhạt nhòa theo khói
thuốc, mau mau mờ biến theo men cay, cho ta mơ lại một thời vang bóng. Men say
thấm đẫm, xô vào câu chữ mông lung làm vần điệu nghiêng ngã lệch xiêu, hồn
đang thả bước đi hoang nên vần gieo lạc tiếng:
Ngông nghênh một chén rượu tràn
Nâng thời gian cũ lên thành chiêm bao
Mộng Trạng nguyên, áo hoàng hoa
Thành xưa dáng cũ nhạt nhòa chân mây
Nhưng,
"dục phá sầu thành
tu dụng tửu, túy tự túy đảo sầu tự sầu". Bừng giấc mơ, vị đắng còn sót lại trên môi,
nỗi sầu càng chất ngất vút tỏa trời mây, Hoài Quang lại rong ruổi với mối tình đau:
Tỉnh ra hồn chất ngất đầy
Sầu đong mấy lượt dạn dày tháng năm
Thôi về em – cõi xa xăm
Câu thơ yên ngựa biệt tăm kiếp người
Rượu
chưa đủ lượng nồng để ru tình sầu vào sương khói lãng quên, nên Hoài Quang phải
lấp đầy khoảng trống mông lung hình bóng ai xưa, bằng mắt biếc môi hường của
người kỹ nữ thoáng gặp trên đường rong ruổi:
Em như quán một giờ khuya
Đón ta đón cả ngoài kia con đường
Hỡi
ôi! Đời là bể khổ trầm luân! Thương ta chưa xiết kể, lại phải ngậm ngùi cho em
– cánh hoa tàn mấy lượt thanh lâu:
Tàn hoa mấy lượt gió sương
Về đâu em hỡi ca nương bạc đầu
Phấn son bia bọt nát ngầu
Màu thời gian đọng trên màu mắt xanh
Ai đó
cho rằng, Hoài Quang chỉ biết thương vay khóc mướn, chỉ đắm chìm trong rên xiết
một cách ủy mị, yếu hèn. Không! "Đoạn trường ai có qua cầu mới hay"!
Thương em, chính là thương ta, cùng thương cho những mảnh hồn rách nát tả tơi.
Xưa, Chu Mạnh Trinh đã từng rưng rưng: “Ai dư nước mắt mà khóc người đời
xưa, thế mà giống đa tình luống những sầu chung, giọt lệ Tầm Dương chan chứa.
Lòng cảm cựu ai xui thương mến, nghe câu ngọc thụ não nùng. Cho hay danh sĩ,
giai nhân, cùng kiếp hoa nghiêm nặng nợ, ngán nỗi non xanh đất đỏ để riêng ai
lưu lạc đau lòng. Ta cũng nòi tình thương người đồng điệu, cái kiếp "không
hoa" lẩm cẩm, con hồn xuân mộng vẩn vơ ... " (Tổng vịnh truyện
Kiều – Đoàn Quỳ dịch )
Tiếng
nấc nghẹn từ con tim u uất của Hoài Quang bi thiết lắm. Niềm đau
của người anh em làm não lòng chúng ta. Nỗi đau riêng của
từng kiếp người cũng là nỗi đau chung của nhân thế, rất đáng nâng niu trân
trọng, rất đáng sớt chia và cảm thông:
"Xin dâng này máu đang tươi
Này đây tíếng khóc
giọng cười chen nhau"
(Hàn Mặc Tử)
Ai nỡ quay lưng,
lạnh lùng nhìn chén máu tươi đang nhỏ giọt từ trái tim đau khổ, ai nỡ cứng
lòng với tiếng khóc ai oán, với tiếng cười thê thiết đầy nỗi đau trần thế
của ngươi anh em. Huống hồ sau những lần vùi mình trong hoan lạc rã rời, sau
những khi mê mải theo sòng đời đen đỏ, tìm cách chôn đi niềm đau chất ngất:
Hoài Quang cảm thấy sám hối ăn năn. Con chiên lạc muốn trở về bầy đàn, muốn
được tắm mát trong suối nguồn ân sủng của trời xanh:
Đức tin này đã bao lần sỏi đá
Trời thì xanh và mây trắng phiêu bồng
Cớ sao con lại chìm trong bóng tối
Lời yêu thương đã thành kinh sám hối
Tiếng chuông chiều đã thức hồn lơi
Tình yêu Chúa - ôi con tim vời vợi
Xin cho con một ngày -
Biết sống, một ngày ăn năn
Hy
vọng rằng, Hoài Quang không còn để "sầu thành" phong tỏa bưng bít
đường về, trái lại sẽ thoát ra khỏi vỏ ốc cô đơn khép kín, để Hoài Quang
hòa thân mặn mà cùng sóng nước đại dương đầy ân tình, theo tiếng thì thầm của
Ngôi Lời khẽ gọi, theo như lời cầu nguyện của chính Hoài Quang:
Đêm nay con chắp tay cầu
Xin nguồn cứu độ - dạt dào yêu thương
Cho con một chuyến hồi hương
Tìm về Tổ Ấm náu nương Vĩnh Hằng
Mùa chay sám hối tâm tình
Chết đi mới được Phục Sinh với Người
Chúa ơi! Con hối lỗi rồi
Con hoang xin được thốt lời ăn năn
Đúng
thế Hoài Quang ạ! Nỗi đau không làm mình xơ cứng đâu, trái lại cõi lòng mềm
nhũn ra, dễ cảm thông và đồng điệu với niềm đau của tha nhân, dễ mở lòng ra
giao hòa với đất trời. Nói như Đức tin tôn giáo của Quang: Có chết đi mới mong
được ân phúc Phục Sinh trong ánh sáng nhân ái của Đấng Thánh Thiêng. Có phải dụ
ngôn trong Kinh Thánh nêu lên ý: Hạt giống có thối mục đi, mới nảy mầm
được, cây cỏ hoa trái mới sinh sôi nảy nở không nhỉ?
*.
LA THỤY
Tên
thật: Đoàn Minh Phú
Địa chỉ: 79-1/8 Hoàng Hoa Thám, Phước Hội,
thị xã Lagi, tỉnh Bình Thuận
Email: phudoan56@gmail.com
.
........................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác
giả gửi qua email ngày 23.03.2016
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét