(Tác giả Nguyễn Thanh Lâm) |
CHUYẾN ĐI NGẪU
HỨNG
CÙNG NHÀ THƠ TẠ VŨ
Nhà thơ Tạ Vũ là nhà thơ trải đời, vất vả, lam lũ nhiều. Anh rất biết giá
trị đồng tiền, nhưng chất cuồng sĩ - nghệ sĩ tiềm ẩn trong máu, trong hồn anh.
Một thời anh nổi danh về thơ công nhân, và những giai thoại. Người yêu anh
nhiều và người "ngại" anh cũng không ít.
Anh tự biết về điều ấy nên anh biết chọn bạn để xin tiền, chọn người để cho
và mời rượu...
Đi câu không mang cần câu
Ta thả bóng mình xuống nước
Câu trời cao
Đấy là thơ ghi lại kỷ niệm cái lần tôi và nhà thơ Tạ Vũ đi câu, cần câu có
lưỡi chùm chứ không phải cần câu không lưỡi. Cần câu thuê, mồi câu mua, cá có
cắn câu hay không cũng không cần biết. Cái chính là câu một khoảng trời tĩnh
lặng, nghe cá đớp động lòng mình, nhâm nhi chén rượu, thời gian sủi tăm.
Con người sống tỉnh
Riêng mình ta say
Thôi thì về với biển
Cho có bạn cùng say
Biển suốt đời say chưa tỉnh bao giờ
Đấy là thơ ghi lại kỷ niệm lần tôi và nhà thơ Tạ Vũ rủ nhau ra biển Quảng
Ninh, ở với biển mênh mông - tự do để thấm đời mình chật hẹp, mãi luẩn quẩn
giam hồn trong cái nghèo và những câu thơ khao khát, tự buộc mãi mình vào cái
danh vọng hão huyền.
Từ ngày nhà thơ Tạ Vũ về ở ngõ Hòa Bình phố Minh Khai (Hà Nội) rồi anh
chuyển vào Hoàng Mai, giữa tôi và Tạ Vũ đã có biết bao kỷ niệm.
Nhà Tạ Vũ ở cách nhà tôi gần một cây số đường làng. Chợt nhớ có lần anh nói
với tôi về chữ "Duyên" trong đạo phật "Con người ta gặp nhau là
bởi cơ duyên". Tôi và nhà thơ Tạ Vũ bén duyên gần bốn mươi năm, đưa nhau
đi biết bao nẻo đường”.
(Nhà thơ Tạ Vũ (trái) và tác giả Nguyễn Thanh Lâm) |
Tôi và Tạ Vũ đã có thời gian giận nhau! Thế mà một hôm tôi qua ngõ gần nhà
anh, nghe phía ngõ nhà anh vọng lại tiếng kèn trống đám ma, lòng tôi nao nao.
Tôi ghé vào quán rượu quen, hỏi chủ quán: "Ông Tạ Vũ dạo này có uống rượu
ở đây không?". Bà chủ quán nói: "Ông ấy đã lâu không đến, chắc ông ấy
chết rồi!". Thế là tôi vội mua rượu, mua hương chạy vào… viếng. Nhưng khi
vào đến nơi, thấy nhà thơ Tạ Vũ đang ngồi đọc sách. Tôi ngơ ngác và lúng túng
kể với anh rằng: "Bà chủ quán đầu ngõ bảo anh chết, em vội mua hương mua
rượu đến… viếng anh, hóa ra anh…". "Hóa ra tao còn đang sống, ha
ha…" - Anh phá lên cười, đến bây giờ tôi vẫn nhớ tiếng cười của "Thác
sông Đà" âm vang. Anh lấy chén rót rượu ra và bảo tôi: "Chai rượu này
là mày viếng sống tao. Chén rượu này là tao viếng sống mày". Thế là chúng
tôi "viếng nhau" hết cả chai.
Đang lan man nghĩ về anh… thì gặp anh ở đầu ngõ, anh nói oang oang:
"Ta đang đi sang mày, thôi vào đây, ta có chai rượu bự của Tô Hoài
cho".
- Nhà văn Tô Hoài cho anh tiền mua rượu?
- Thôi mày đừng ghen với tao. Nhiều thằng ghen với tao vì tao là nhà thơ
không ghế nên được bạn bè yêu quý. Mày biết không, lúc Tô Hoài "biếu"
tao 150 nghìn đồng, khối thằng ngơ ngác, còn tao cũng giật mình vì bỗng dưng
trở thành "triệu phú". Nhưng mày đã biết tao rồi, chẳng bao giờ giữ
được tiền. Hôm ấy tao cho nhiều thằng hưởng "sái". Trông chúng nó
uống tao thấy mình hạnh phúc. Nào mày uống đi mà gọi xuân về!
Nhà thơ Tạ Vũ cạn chén, không một tiếng "khà".
- Anh có quan niệm gì về thơ hôm nay?
- Thơ bây giờ nhiều và đa dạng, người ta in thơ ầm ầm vì viết được và vì có
tiền. Dù thơ không hay tao cũng đọc, tao gạn đục khơi trong. Đừng đùa với những
cây bút trẻ, đừng coi thường những tác phẩm đầu tay, hãy rút từ đấy cái hương
đầu mùa còn trinh tiết, biết đâu những phát tiết ban đầu lại có sức sống lâu
dài thì sao. Và cũng đừng nghĩ rằng viết nhiều mà thành công. Mỗi người chỉ
phát tiết một thời, mỗi cô gái chỉ có một thời xuân sắc, còn trời cho những
người đẹp lâu và càng già càng đẹp thì lại là chuyện khác. Thơ là đạo!... Nhưng
thôi, nào uống đi, uống vì tình yêu toàn thế giới, vì mùa xuân và mùa thơ.
Cạn chén nữa, bỗng dưng nhà thơ Tạ Vũ òa khóc, hai tay anh ôm mặt, nước mắt
lăn qua kẽ tay. Tôi hỏi anh vì sao khóc, anh khoát tay đứng dậy, giật chiếc
khăn lau mặt rồi vắt chiếc khăn lên vai. "Tại xuân, tại mưa! Tao bỗng nhớ
Tô Hà. Ở Đại hội 4 (Đại hội Nhà văn lần thứ 4, năm 1989), tao với Hoàng Trung
Thông và Phùng Quán góp tiền uống rượu; Đại hội 5 tao với Trần Hữu Thung uống
rượu ốc, hôm nay rượu còn đây mà bạn cũ đi rồi!
Tôi lặng lẽ nhìn anh, thầm đọc thơ Tô Hà viết tặng anh "Tóc bờm túi
thủng người không rượu", ngoài trời mưa rơi rơi.
Bỗng nhà thơ Tạ Vũ mếu máo cười - nụ cười trong râu rất hóm và dễ yêu.
- Tối nay mày ở đây ngủ với tao, sáng mai đi sớm.
- Đi đâu? - Tôi ngạc nhiên.
- Đi đâu không cần biết. Tao thèm một chuyến vi hành. Mai cứ ra bến xe,
nhìn xe nào về vùng miền nào gợi hứng thì đi. Mày cũng máu giang hồ, sướng quá
còn gì! Trôi dạt đến miền không dự định trước mới thú.
Thế là sáng hôm sau tôi cùng Tạ Vũ ra bến xe phía Nam rất sớm. Tạ
Vũ bảo tôi tạt vào quán cóc trong bến uống chén rượu suông. Lúc ấy tôi mới mạnh
bạo hỏi anh: "Anh có tiền không. Vì anh không cho em về nhà lấy tiền, bắt
em ngủ với anh nên trong túi chỉ có mấy trăm ngàn thôi".
- Mày đừng lo, ông tướng - nhà văn Hữu Ước cho tao một triệu. Tao đưa bà
Điều (vợ nhà thơ Tạ Vũ) 500; 100 khao rượu bạn thơ, còn 400 tao vẫn thủ thân
khi cơ nhỡ. Bây giờ 400 ấy đưa mình đi vài trăm cây số đường dài chẳng thú lắm
sao!
Anh tự biết về điều ấy nên anh biết chọn bạn để xin tiền, chọn người để cho
và mời rượu. Lúc lơ mơ anh thường bảo: "Tao là người giầu nhất thế giới vì
tiền của tao để trong túi bạn". Nhưng lúc tỉnh anh lại điềm đạm, vô vi. Tạ
Vũ ngồi nhâm nhi chén rượu. Anh thường bảo giây phút nhâm nhi này là giây phút
"thiền động'". Bỗng anh hỏi bà chủ quán xe từ Hà Nội vào Hà Tĩnh giá
bao nhiêu tiền? Bà chủ quán nói: "Bác đi xe thường, không có giường nằm
chỉ hơn 100 thôi".
- Thế thì tao với mày vào thăm cụ Nguyễn Du, đi xe thường cho đỡ tốn. Mình
bây giờ có ôtô đi là vẫn sang. Xưa Lý Bạch, Tô Đông Pha đi bộ bỏ mẹ ấy chứ. Nào
lên đường.
Chúng tôi vào thăm mộ Nguyễn Du. Trời trưa, mưa ngớt, những quả thông khô
rơi lộp bộp. Lễ viếng cụ Nguyễn Du là chai rượu và thẻ hương. Khấn xong, nhà
thơ Tạ Vũ nói:
- Nhà thơ Vương Trọng có bài thơ viết về mộ Nguyễn Du. Sau bài thơ ấy, mộ
Nguyễn Du được xây đẹp như bây giờ. Bài thơ đọc thấy "sướng" lúc mộ
chưa xây. Khi mộ xây rồi, đọc lại bài thơ giảm mất thú. Xưa tao là thợ cầu, câu
thơ là vật liệu xây cầu, chiếc khăn thấm mồ hôi của người thợ là "Chiếc
khăn xanh như bình minh vắt vai" nhưng bây giờ đọc lại không sướng nữa.
Thơ sống và trẻ mãi với thời gian thật khó thay!
- Nhưng "Truyện Kiều" của Nguyễn Du vẫn bất tử - Tôi nói.
- Xưa cụ nói 300 năm sau ai khóc cụ, nhỡ đến năm 301 thì sao? 501 thì sao?
Lâu nữa thì sao? Cụ vĩ đại thế mà chỉ tiên lượng đến 300 năm, còn thơ chúng
mình sống được và sống đến lúc nào hay lúc ấy. Thôi ta rót rượu mời cụ đã, rượu
vodka chắc thời cụ chưa có.
Nhà thơ Tạ Vũ lấy chai rượu rót một vòng tròn xuống đất mời cụ Nguyễn Du,
rồi ngửa cổ tu một hơi. Xong anh đưa chai cho tôi: "Uống với cụ một chén
đi, cụ phù hộ cho thơ hay đấy".
Chúng tôi quay ra thăm mộ cụ Nguyễn Công Trứ. Hương thì còn nhưng rượu chỉ
còn nửa chai. Tạ Vũ lẩm bẩm: "Còn nửa chai thì cúng nửa chai, nén hương và
tấm lòng thành, chắc cụ linh thiêng cũng lượng thứ cho".
- Này, dù tao chưa gặp cụ bao giờ, trong mơ cũng chưa gặp, nhưng tao thấy
tay họa sĩ vẽ chân dung cụ dở òm. Cụ vừa là quan, là lính vừa là nhà thơ, cuộc
đời chìm nổi thăng trầm về già vẫn "Thuyền quyên ứ hự anh hùng", tự
than "Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm cây thông đứng giữa trời mà
reo" mà vẽ đôi mắt cụ thế kia chẳng trúng cái thần tí nào. Họa sĩ Bửu Chỉ
vẽ chân dung cho tao còn đẹp và trúng cái thần của tao hơn…
Từ Nghi Xuân, chúng tôi ra Hội Văn nghệ Hà Tĩnh, được nhiều bạn thơ Hà Tĩnh
tiếp đón ân cần. Tạ Vũ uống liên miên. Mọi người cười như phá cỗ. Đêm ấy tôi và
Tạ Vũ được nhà thơ Bùi Quang Thanh đưa đến nghỉ ở khách sạn Đại Bàng. Nửa đêm
tôi đang ngủ, bỗng giật mình nghe thấy tiếng Tạ Vũ ở phòng bên hét toáng lên:
"Lâm ơi, cứu tao, cứu tao". Tôi vội chạy sang phòng Tạ Vũ thì một cô
gái ở phòng Tạ Vũ cũng hoảng hốt chạy ra: "Bố già đuổi em. Bố bảo không
cần xoa bóp đấm lưng, chỉ cần rượu thôi, chỉ cần rượu thôi…!".
Nhà thơ Bùi Quang Thanh nghe chuyện, mang rượu vào phòng Tạ Vũ. Tất cả
chúng tôi cười vang, uống rượu và đọc thơ, nói chuyện thơ qua đêm.
Tạ Vũ là người ham chơi, thèm đi nhưng biết điểm dừng. Anh bảo Bùi Quang
Thanh: "Cho tụi tao gửi lời cảm ơn anh em ở Hội Văn nghệ, cảm ơn Đức Ban.
Tụi tao bây giờ vào Quảng Bình thăm Hoàng Vũ Thuật và chia tay".
Thật ra, sau đó chúng tôi quay về Hà Nội. Trong túi anh đã có "phong
bì". Cái phút xuất thần bốc lửa đã qua, và bây giờ anh nghĩ đến đời thực,
nghĩ đến gia đình và rượu quá thì cũng mệt.
Tôi và nhà thơ Tạ Vũ có nhiều chuyến đi bất thần như thế và chuyện về Tạ Vũ
bạn bè kể nhiều, viết nhiều, nếu gom lại có lẽ đến… nghìn lẻ một truyện cũng
nên.
*.
NGUYỄN
THANH LÂM
Nhà
thơ, nhà ứng dụng kinh dịch
Địa chỉ: Số 4, ngõ 179 Minh Khai
quận
Hai Bà Trưng, tp Hà Nội.
Điện
thoại: 0984787426
…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác
giả gửi qua email ngày 04.01.2016
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi
trích đăng lại.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét