(Nguồn ảnh: Internet) |
TIẾP
TỤC CHUYỆN “THUYỀN VÀ BIỂN”
& LAN MAN VỀ VIỆC SỬA THƠ
Vài Lời Nói Đầu
Bài viết Thuyền
Và Biển: Ngọt Bùi Cay Đắng Của Tình Yêu lên đường được vài ngày thì tôi nhận được mấy thư góp ý
trong đó đặc biệt có một người bỏ công sửa lại 2 đoạn thơ mà tôi cho là mắc
phải “lỗi kỹ thuật”. Tôi nảy ra ý định viết bài này để độc giả cùng chia sẻ và
nếu cần thiết, sẽ cùng trao đổi và tranh luận.
(Phạm Đức Nhì)
Bắt đầu bằng vài chuyện sửa thơ.
“Hoán Chuyển Giới Tính” Trong Ngậm Ngùi
Ngậm Ngùi do Phạm Duy phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của Huy Cận rất được dân
miền nam và sau này, ở hải ngoại, ưa thích. Cả nhạc sĩ lẫn người thưởng ngoạn
đều tưởng rằng đó là bài thơ tình; hai kẻ yêu nhau, khi bóng đã xế tà, đang
tình tự trong một khu vườn hoang vắng. Khi hát, nam ca sĩ thì hát đúng lời của
bài thơ, bản nhạc, còn nữ ca sĩ thì tự động hoán chuyển “anh” thành “em” và
ngược lại.
Đến năm 2006 “trong chương trình âm nhạc cuối tuần của Đài RFA cũng như
chương trình văn học nghệ thuật của Đài RFI, anh Hà Vũ (Cù Huy) khẳng định lại, bài thơ Ngậm Ngùi được viết cho người em gái ruột của nhà thơ
mất khi còn nhỏ, độ tuổi trăng rằm, khi nhà thơ đến thăm mộ.” (1)
Và tôi đã viết lời bình cho đoạn cuối bài thơ:
Cây dài bóng xế ngẩn ngơ
Hồn anh đã chin mấy mùa thương đau
Thế rồi bóng cây đã dài, trời đã sắp tối, nỗi đau thương trong hồn đã chín,
trái sầu đã trĩu nặng, thi sĩ vẫn nán lại để cùng cô em gái “sống” một giấc mơ,
một kỷ niệm sau cùng trước khi từ giã. Cảnh và tình kết hợp, quyện lẫn với nhau
thành một bức tranh thơ rất buồn, rất đẹp.
Tay
anh em hãy tựa đầu
Cho
anh nghe nặng trái sầu rụng rơi
Và chàng mơ thấy em tựa đầu lên tay mình như ngày xưa còn bé, mắt nhắm,
giấc ngủ bình yên. Ôi! Đúng lúc ấy trái sầu trĩu nặng trong hồn chàng bấy lâu
bỗng đứt cuống rụng rơi, biến mất. Người chàng nhẹ nhàng bay bổng; hạnh phúc ập
đến choáng ngợp tâm hồn. (2)
Em ở đây không phải người yêu mà là “hồn ma bóng quế” của đứa em gái trong
tâm tưởng của nhà thơ. Cho nên khi nữ ca sĩ hát mà tự động hoán chuyển giới
tính, thay “anh” bằng “em” thì … trật lất. Thế mà thỉnh thoảng xem TV các chị
ca sĩ vẫn cứ ung dung “Tay em anh hãy tựa đầu”, chẳng cần biết “trời trăng mây
nước” gì hết thì quả là đáng … sợ thật.
Thuyền Và Biển
Xuân Quỳnh trong Thuyền Và Biển (Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc) đã sử dụng phép
ẩn dụ toàn bài, biểu lộ tâm trạng của người phụ nữ trong chuyện tình của Thuyền
và Biển, thuyền là nam và biển là nữ. Bản nhạc này để nữ hát là đúng nhất, là
hợp tình nhất. Nhưng nếu nam thích thì cũng vẫn có thể hát được, miễn là phải
hiểu rằng “giọng nam của mình đang được mượn để chuyển tải tâm tình của một phụ
nữ”nghĩa là phải hát đúng nguyên văn:
Nếu phải cách xa anh
Em chỉ còn bão tố
Chứ nếu đổi lại:
Nếu phải cách xa em
Anh chỉ còn bão tố
thì sai bét. Anh là thuyền chứ có phải là biển đâu mà bão với tố! (3)
Các nam ca sĩ sửa thơ kiểu này rất đáng trách, làm sai lệch cả tứ lẫn ý thơ
của tác giả. Mà ý thơ thì rõ ràng như 2 + 2 = 4 chứ có gì lắt léo, khó hiểu
đâu. Càng đáng trách hơn nữa là Xuân Quỳnh trước khi mất ít lâu, được nhạc sĩ
Phan Huỳnh Điểu đến thăm trên giường bệnh, đã “năn nỉ” các ca sĩ khi hát đừng
sửa lời bài thơ của chị. Đã 30 năm trôi qua, lời năn nỉ, ước mong của tác giả
Thuyền Và Biển vẫn như gió bay đi, không thể làm rung động những trái tim vô
cảm. Thật đáng buồn và tủi hổ.
Tô Đông Pha Sửa Thơ
Vương An Thạch trong lúc du học ở đảo Hải Nam đã làm một bài thơ trong đó
có hai câu rất lạ:
Minh Nguyệt sơn đầu khiếu
Hoàng Khuyển ngọa hoa tâm
Dịch nghĩa:
Trăng sáng hót đầu núi
Chó vàng nằm (trong) lòng hoa
Thi hào Tô Ðông Pha tình cờ đọc được, thấy “sai” (trăng sáng làm sao hót
trên đầu núi và chó vàng làm sao nằm trong lòng hoa được) nên đã sửa lại hai chữ cuối cho đúng nghĩa hơn.
Minh nguyệt sơn đầu chiếu
Hoàng khuyển ngọa hoa âm
Dịch nghĩa:
Trăng sáng rọi đầu núi
Chó vàng nằm (dưới) bóng hoa
Chuyện sửa thơ đến tai Vương An Thạch (lúc ấy đang là Tể Tướng) nên họ Vương đã bổ
nhiệm Tô thi hào một chức quan ở Hải Nam. Sau đó Tô Ðông Pha mới khám phá
ra ở địa phương này có loại chim tên là Minh Nguyệt, hay hót trên đầu núi, và có một loại sâu tên là Hoàng Khuyển, chỉ
thích nằm trong lòng hoa! Và người kể chuyện kết luận “Lúc ấy Tô Ðông
Pha mới biết là mình xớn xác, bồng bột và thấy được cái
thâm trầm của Vương An Thạch.”
Theo tôi, việc Tô Đông Pha sửa thơ không có gì là “xớn xác, bồng bột” hết.
Người đọc thơ, bình thơ - trong thế giới thơ rộng lớn - không thể biết và không có bổn phận phải
biết những chi tiết, sự việc chỉ có, chỉ xảy ra ở một địa phương nhỏ bé. Chính
thi sĩ - để hoàn thành chức năng truyền thông của bài thơ - phải chú thích để
người đọc biết, hiểu những chi tiết, sự việc có tính chất địa phương ấy. Lỗi và
trách nhiệm ở đây nằm trên hai vai Vương An Thạch chứ không phải Tô Đông Pha.
Tác giả Phạm Đức Nhì |
Anh Bằng sửa Thơ Yên Thao
Tôi đứng bên này
sông
Bên kia vùng giặc đóng
Đây là 2 câu đầu trong bài thơ Nhà Tôi củaYên Thao
Khi phổ nhạc bài thơ nhạc sĩ Anh Bằng sửa lại:
Tôi đứng bên này sông
Bên
kia vùng lửa khói
Nhà Tôi là tâm trạng hồi hộp, lo âu của một người lính trước giờ nổ súng mà
mục tiêu của trận đánh lại chính là ngôi làng bên kia sông, có căn nhà nơi
những người thân yêu nhất của mình, bà mẹ già và cô vợ trẻ, đang cư trú. Trước
hết, đưa cụm từ “vùng lửa khói” vào không ăn khớp với thực tế trận địa; chưa nổ
súng thì làm gì có “lửa khói!” Hơn nữa, chi tiết làng tôi là “vùng giặc đóng”
khiến việc đánh bật trại giặc để chiếm lĩnh mục tiêu trong một trận đánh có cả
pháo binh sẽ rất nguy hiểm cho căn nhà và những người sống trong đó. Điều này
làm nỗi lo của người lính thật hơn, khơi dậy nơi người đọc cảm xúc mạnh hơn.
Tôi chợt nghĩ đến bài thơ cũng nói đến bi kịch của con người trong chiến tranh:
Màu Tím Hoa Sim của Hữu Loan.
Tội ác lớn nhất mà Hữu Loan đã đưa ra “phiên tòa” Màu Tím Hoa Sim để truy
tố bị cáo “Chiến Tranh” là sự Chia Xa. Sau đám cưới là thời gian trăng mật, là
những ngày tháng đẹp nhất, cần ở sát bên nhau nhất của vợ chồng. Thế mà – vì
“Ông Thần Chiến Tranh” khốn kiếp - anh vệ quốc quân phải đành đoạn bỏ cô vợ trẻ
ở nhà để ra đi. Rồi cuộc chia tay sau ngày cưới trở thành cuộc chia ly vĩnh
viễn, kẻ dưới suối vàng, người trên dương thế. Bằng tài thơ của mình Hữu Loan
đã tạo được xúc động mạnh mẽ trong lòng người đọc. Có điều người vợ trẻ không
chết vì bom đạn chiến tranh mà chết bình thường như bao người dân khác ở hậu
phương. Nhiều người cho rằng - không biết vô tình hay cố ý - Hữu Loan đã
“tránh” cho “Ông Thần Chiến Tranh” cái tội rất nặng mà ông ta thường phạm phải:
đó là tội sát nhân. Vì vậy bài thơ, đồng ý là có tính nhân bản nhưng độ sâu sắc
cũng chỉ dừng lại ở chỗ khuấy động nỗi đau
buồn vì chia xa của con người.
Cảnh tượng trong Nhà Tôi của Yên Thao bi đát hơn, thê thảm hơn nhiều.
Hai câu thơ:
Anh rót cho khéo nhé
Kẻo nhầm nhà tôi
chính là lời kêu van tha thiết của người lính trong lúc tâm trạng rối bời.
Anh thì thầm với “người bạn pháo binh” nhưng thật ra là anh đang cầu nguyện;
anh bị “Thần Chiến Tranh” đặt trước một hoàn cảnh vô cùng éo le, nghiệt ngã,
phải xông lên, xả súng bắn vào chính tổ ấm của mình, bắn vào những người thân
yêu nhất của đời mình. Bài thơ kết thúc bằng 2 câu thơ thật đẹp, đầy ắp yêu
thương:
Nhà tôi ở cuối thôn Đồi
Có giàn thiên lý có người tôi thương
Nhưng chỉ vài phút sau đó chuyện gì sẽ xảy ra? Súng sẽ nổ, pháo sẽ “rót”, ngôi
làng sẽ thành bình địa, nhà tan, cửa nát, người chết, kẻ bị thương, cảnh tượng
đầy máu và nước mắt. Lòng tôi thầm cầu mong cho ngôi nhà của người lính không
bị cháy đổ, thiệt hại vì đạn pháo, cho mẹ và vợ anh được bình yên. Nhưng đối
với chiến tranh những lời cầu mong ấy thường không được đáp ứng. Giả sử người
lính vượt sông tiến lên chiếm lĩnh mục tiêu, khi tiếng đạn pháo, tiếng súng tạm
yên, đứng trước căn nhà mình cháy rụi, xác mẹ già và người vợ đầu gối tay ấp
nằm bên giàn thiên lý đổ nát. Mà xác xuất để cảnh ấy xảy ra trong thực tế là
rất cao. Thử hỏi lúc ấy có bút mực nào diễn tả được nỗi đau của anh, mức độ thê
thảm của bi kịch đời anh. Bản cáo trạng của Yên Thao trong Nhà Tôi đối với
“Thần Chiến Tranh” nặng nề, sâu sắc hơn Hữu Loan trong Màu Tím Hoa Sim rất
nhiều.
Qua việc sửa thơ, Anh Bằng đã làm nhẹ đi sự tàn bạo bất nhân của chiến
tranh mà Yên Thao đã rất tài tình, bằng thủ pháp Show, Not Tell, kín đáo bày
tỏ. Dĩ nhiên, nhạc sĩ khi phổ nhạc một bài thơ có quyền cắt xén, thêm thắt, sửa
đổi. Tiếc rằng chỉ sửa 2 chữ, tưởng chẳng có gì to tát lắm, Anh Bằng đã làm mờ
nhạt hẳn phần hay nhất của bài thơ: tính nhân văn, nhân bản của tứ thơ.
Trần Đăng Khoa Sửa Thơ Tố Hữu
Lời đồn này tôi được nghe từ rất nhiều người, ở rất nhiều nơi. Nếu người ta
chưa kịp kể ra mà bạn gợi chuyện sửa thơ là họ biểu đồng tình và góp chuyện
ngay. Chuyện đồn rằng “Ngày xưa, Trần Đăng Khoa giỏi lắm; sửa cả thơ
Tố Hữu mà nhà thơ lớn cũng ngậm tăm vì nó sửa đúng quá, hay quá.” Đây là câu
thơ của Tố Hữu:
Đường ta rộng thênh thang tám thước
Trần Đăng Khoa sửa thành:
Đường ta rộng thênh thang ta bước.
Người kể lại chuyện sửa thơ giải thích rằng:
Ở thời đại này đường mới rộng tám thước mà đã nhắm tít mắt vỗ ngực tự hào
thì thường quá, kém quá. Trần Đăng Khoa đã tránh được con số “tám thước” tầm
thường đó để người đọc có thể tự do phóng tầm mắt của mình đến con đường rộng
hơn, ngang tầm thời đại hơn.
Những lúc ấy trước mắt không có bài thơ Ta Đi Tới của Tố Hữu để có thể đặt câu chữ vào khung
cảnh của bài thơ nên tôi chỉ biết ngồi nghe mà lòng bán tín bán nghi. Nhưng sau
này khi thấy Trần Đăng Khoa la toáng lên cải chính:
“Ta đi giữa ban ngày
Trên
đường cái ung dung ta bước
Đường
ta rộng thênh thang tám thước
nếu đổi thành
Ta đi giữa ban ngày
Trên
đường cái ung dung ta bước
Đường
ta rộng thênh thang ta bước
Bên trên ta bước, bên dưới ta bước, đọc rất là lẩn thẩn, không nhà thơ nào
chữa như vậy cả.”(4)
thì tôi tìm đọc cả bài thơ Ta Đi Tới và nhận ra rằng việc Trần Đăng Khoa sửa thơ Tố
Hữu chỉ là lời đồn vô căn cứ, không đúng sự thật.
Thật ra, cứ để nguyên “Đường ta rộng thênh thang tám thước” thì câu đó cũng
chẳng dở đi tý nào. Bởi vì, nói như Trần Đăng Khoa, “lúc ấy chúng ta chưa có
đường, toàn rừng núi mà có con đường tám thước thì đã tuyệt vời rồi”.
Sửa Thơ Nguyên Sa
Thời gian gần đây ít việc làm, tương đối rảnh rỗi, tôi thường được mời tham
dự những buổi họp mặt có tính văn nghệ vui chơi. Có ban nhạc một người, có ca
sĩ chuyên nghiệp lẫn tài tử và có cả những màn ngâm thơ, đọc thơ rất vui nhộn.
Tôi nhớ có vài lần được nghe bài thơ Mời của Nguyên Sa trong đó đoạn thơ “Tôi
mời em vứt bỏ lại đằng sau những kinh thành buồn bã, với phong tục, thói lề bạc
vàng giả dối: muốn làm người yêu thì phải đỗ Tú Tài” ở phần cuối được sửa
lại “muốn làm người yêu thì phải học Medical (âm: mé-đi-cồ,
nghĩa: ngành y)”. Một lần được ngồi chung bàn với người đọc thơ tôi cười
cười nói với anh:
-
“Chà!
Anh gan quá ha! Dám sửa cả thơ Nguyên Sa ha”.
Anh rất vui vẻ trả lời:
-
“Thì
mình cũng sửa mấy chữ để nó hợp với hoàn cảnh xã hội mới.”
Anh chàng sửa thơ Nguyên Sa có lẽ chỉ nghĩ đến việc mua vui cho khán
thính giả; những người “đồn” chuyện sửa thơ Tố Hữu có lẽ chỉ nghĩ đến việc
“nâng bài thơ lên ngang tầm thời đại”. Họ không biết rằng mỗi câu thơ đều ít
nhiều mang dấu tích lịch sử, phản ảnh thực trạng xã hội trong đó tác giả đã
sống, thai nghén và viết ra nó. Vì thế, sửa thơ với mục đích che dấu cái yếu
kém, bất cập của xã hội là không minh bạch; có thể nói đó là hành động gian lận
văn chương, gian lận lịch sử.
Tài Sửa Thơ Của Một Độc Giả
Sau khi bài viết Thuyền Và Biển: Ngọt Bùi Cay Đắng Của Tình Yêu lên đường được mấy ngày tôi nhận được vài
thư góp ý trong đó thư của anh Phan Hồng Ngọc từ Sài Gòn đã gây cho tôi sự chú
tâm đặc biệt. Nội dung thư như sau:
Thưa ông Phạm Đức Nhì,
Trong bài Thuyền Và Biển: Ngọt Bùi Cay Đắng Của Tình Yêu ông viết:
Phép ẩn dụ của bài
thơ, nếu tinh ý, người đọc có thể nhận ra sau khi đọc 2 đoạn đầu. Còn nếu “chậm
tiêu” một tý thì từ từ rồi cũng thấy, cũng hiểu. Thuyền là chàng, biển là nàng,
bài thơ là chuyện tình yêu của chàng với nàng, nàng là tác giả, là nhân vật
chính trong bài thơ. Trong đoạn thơ:
Những đêm trăng hiền từ
Biển như cô gái nhỏ
Thầm thì gởi tâm tư
Bên mạn thuyền sóng vỗ
thì biển là cô gái (ẩn dụ)
cho nên câu “Biển như cô gái nhỏ” không những đã trở nên thừa, gây
cảm giác “không thoải mái” cho người đọc mà lại còn làm lộ phép ẩn dụ
nữa. Nếu tác giả chọn được cách nói khác, không nhắc gì đến cô gái mà vẫn
diễn tả được cái ý ấy thì hay hơn.
Tương tự như vậy, trong
đoạn thơ:
Cũng có khi vô cớ
Biển ào ạt xô thuyền
(Vì tình yêu muôn thuở
Có bao giờ đứng yên!)
Tác giả quên rằng mình
đang đóng vai Biển với thân hình và bộ mặt (đã hóa trang) của Biển. Ngôn ngữ
rất riêng, rất lạ của Biển và Thuyền đang thu hút sự chú ý của độc giả. Tự
nhiên buột miệng nói ra “tiếng người” khiến vai diễn của vở kịch trở thành bất
nhất. Hai câu sau nếu tránh được từ “tình yêu” mà vẫn giữ được ý ấy thì
quá hay.
Theo gợi ý của ông tôi đã
lò mò mấy ngày mới nghĩ ra được cách tránh mấy từ mà ông đã cẩn thận cho in chữ
đậm ở 2 đoạn thơ trên. Và đây là 2 đoạn thơ có bàn tay sửa chữa của tôi:
Những đêm trăng hiền từ
Biển thầm thì to nhỏ
Những điều rất riêng tư
Bên mạn thuyền sóng vỗ.
Cũng có khi vô cớ
Biển ào ạt xô thuyền
Nên thuyền trên mặt biển
Có bao giờ được yên!
Xin ông - dưới con
mắt của một người bình thơ – cho biết ý kiến. Chân thành cảm ơn ông trước.
Ký tên Phan Hồng Ngọc.
Thư qua thư lại vài lần, được sự đồng ý của anh Ngọc, tôi viết bài này
trước là trả lời anh Ngọc, sau là bổ khuyết cho bài bình thơ của tôi.
Việc làm đầu tiên của tôi khi nhận thư là yêu cầu anh thay chữ
“được”. Lý do: viết như thế là gieo tiếng “ác” cho phụ nữ, ám chỉ các nàng luôn
hành hạ các đấng nam nhi (cả trong nghĩa chăn gối yêu đương lẫn không khí xào
xáo trong gia đình), lúc gần nhau, chẳng bao giờ cho phép họ được yên. Anh Phan
Hồng Ngọc cũng đề nghị chữ “chịu” nhưng theo tôi thì nếu bảo:
Nên
thuyền trên mặt biển
Có
bao giờ chịu yên
trước hết, nghịch ý với 2 câu “Cũng có khi vô cớ/ Biển ào ạt xô
thuyền; theo Xuân Quỳnh thì Biển là tác nhân đối với tình trạng không yên của
thuyền, nghĩa là thuyền ở thế thụ động nên không có quyền quyết định “chịu” hay
không “chịu”. Hơn nữa, nói như thế là gieo tiếng “quậy” rất bất công cho phía
nam giới.
Cuối cùng chúng tôi đồng ý giữ nguyên từ “đứng yên” của tác giả vì nó
trung tính. Thuyền trên mặt biển không đứng yên là do lẽ tự nhiên của trời đất,
“không phải tại anh cũng không phải tại em” mà do “gặp thời thế thế thời phải
thế”.
Và bây giờ xin bàn đến kết quả sửa thơ của anh Phan Hồng Ngọc
Đoạn thứ 3 của bài thơ được sửa lại thành:
Những
đêm trăng hiền từ
Biển
thầm thì to nhỏ
Những
điều rất riêng tư
Bên
mạn thuyền sóng vỗ.
Cô gái không được nhắc tới nhưng vẫn hiện diện trong đoạn thơ (dưới cái tên
Biển); trong khi đó cả tứ lẫn ý cũng như âm điệu của bài thơ vẫn được giữ
nguyên theo đúng ý của tác giả. Ở đoạn thứ 3 này công việc sửa thơ của anh Phan
Hồng Ngọc đã đạt được mục đích của mình, đã thành công mỹ mãn.
Đoạn thứ 4 của bài thơ được sửa lại thành:
Cũng
có khi vô cớ
biển
ào ạt xô thuyền
nên
thuyền trên mặt biển
có
bao giờ đứng yên!
Đúng như anh Phan Hồng Ngọc dự tính, cách nói, suy nghĩ của “con người” đã
biến mất. Thay vào đó là một thứ ngôn ngữ rất “Thuyền Và Biển”, rất hay và rất lạ. Âm điệu của bài thơ
không thay đổi và ý của tác giả vẫn được giữ nguyên. Hay hơn nữa là 2 câu:
Nên
thuyền trên mặt biển
Có
bao giờ đứng yên.
lại rất khêu gợi, rất “tình”, đã bóng gió diễn tả cái cảnh “yêu nhau” của
đôi trai gái. Ở đây việc sửa thơ của anh Phan Hồng Ngọc không những đã chữa
được chứng bệnh “lộn xộn trong phép ẩn dụ” mà còn làm cho đoạn thơ càng đáng
yêu hơn nữa.
Như vậy, xin được trả lời anh Phan Hồng Ngọc: Dưới con mắt của một người
bình thơ, việc sửa thơ của anh rất tuyệt. Cám ơn anh đã gởi thư góp ý.
Khi Bình Thơ Có Nên Sửa Thơ Của Tác Giả Không?
Riêng về bình thơ, nếu gặp bài thơ có nhiều dị bản, hãy chọn bản có nguồn
gốc đáng tin cậy nhất rồi cứ theo đó mà bình, mà tán. Nếu thấy chữ, câu, đoạn,
ý nào không hay cứ tự do chỉ ra, vạch ra rồi giải thích, chứng minh vì sao nó
không hay; không nên tùy tiện nhúng tay vào việc sửa thơ của tác giả.
Tôi đã gặp một bài bình thơ trong đó nhà phê bình đã ra tài “sửa chữa nâng
cao”, viết lại cả bài thơ 24 câu, cộng thêm cái tựa của tác giả (5). Bình thơ
kiểu ấy quá thô bạo và lố bịch.
Trong trường hợp vô cùng đặc biệt, người bình thơ có lý do để hoàn toàn tự
tin, thấy chữ hoặc câu thơ mình sửa chắc đúng 100%, thì theo tôi, có thể Đề
Nghị Sửa Chữa, Thay Thế nhưng phải tuân thủ Tất Cả những điều kiện sau đây:
1/ không làm sai lệch tứ, ý của tác giả
2/ không thay đổi âm điệu của đoạn thơ
3/ không ảnh hưởng đến dòng chảy của tứ
thơ.
4/ Sửa thơ để tăng giá trị nghệ thuật của
bài thơ, không vì mục đích đen tối nào khác.
5/ Công việc sửa chữa phải tối thiểu, lợi
ích của việc sửa chữ phải to lớn, dễ nhận ra, có sức thuyết phục cao, không cần
tranh cãi.
6/ Chỉ là “đề nghị”, không được xem đó là
kết luận chung cuộc.
7/ Trường hợp nhạc sĩ đem thơ phổ nhạc thì
có nhiều tự do hơn, nhưng nếu không khéo, không cân nhắc kỹ lưỡng, cũng sẽ lãnh
đủ “búa rìu dư luận”.
Kết Luận
Sửa thơ, dù tác giả muốn hay không, đồng ý hay không, cũng là “chuyện thường ngày ở
huyện”, xảy ra hầu như ở mọi lúc, mọi nơi. Có người ra vẻ ta đây, phóng bút sửa
thơ một cách vô ý thức, vô trách nhiệm trong khi sự hiểu biết thơ ca của mình
còn non kém, khả năng thẩm định thơ ca còn “chưa tới”. Có người sửa thơ không
phải vì giá trị nghệ thuật của bài thơ mà vì mục đích riêng tư khác. Chính tôi
cũng có mấy lần, thấy bài thơ mới trình làng của mình, thoắt một cái, đã xuất
hiện trên diễn đàn này, trang web nọ với dung nhan đã qua “viện thẩm mỹ miệt
vườn”. Nhưng may mắn thay, cũng có những tài thơ ẩn mình trong đám đông thầm
lặng, sửa thơ vì tấm lòng với thơ, vì yêu cái hay, cái đẹp của thơ. Và việc sửa
thơ của họ thường nâng giá trị nghệ thuật của bài thơ lên rất cao. Với tôi, anh
Phan Hồng Ngọc là một trong những người yêu thơ đáng quý đó.
Rất mong nhận được phê bình góp ý của độc giả.
*
PHẠM ĐỨC NHÌ
Địa
chỉ: League City ,
Hoa Kỳ.
Email: nhidpham@gmail.com
Chú Thích:
1/ + 2/ Ngậm Ngùi: Trái Sầu Trĩu Nặng
(PĐN, t-van.net)
3/ Thuyền Và Biển: Ngọt Bùi Cay Đắng Của
Tình Yêu (PĐN, t-van.net)
5/ Hai Phong Cách Bình Thơ (PĐN, t-van.net)
........................................................................................
-
© Tác giả giữ bản quyền.
-
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 24.04.2016
-
Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét