MỜI ĐỌC:

Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2016

NIỀM TIN - NGHE NHẠC ANH LINH & ĐỌC THƠ NHẤT TUẤN - Tác giả: Phạm Đức Nhì (Hoa Kỳ)

(Danh ca Khánh Ly)
NIỀM TIN - NGHE NHẠC ANH LINH
& ĐỌC THƠ NHẤT TUẤN
*
NIỀM TIN

Lại một NOEL nữa
Mấy mùa Giáng Sinh rồi
Anh ở đồn biên giới
Thuơng về một khung trời

Chắc Ðà Lạt vui lắm
Mimosa nở vàng
Anh đào khoe sắc thắm
Huơng ngào ngạt không gian

Mấy mùa Giáng Sinh truớc
Chỗ hẹn anh chờ hoài
Lần này không về đuợc 
Hồi hộp đợi tin ai

Em biết chăng đời lính
Nắng sớm với sương chiều
Gió rừng rồi mưa núi
Ðã làm anh vui nhiều

Radio mở sẵn
Ðón thanh lễ truyền thanh
Xin CHÚA ban ơn xuống
Cho em và cho anh

Cùng cầu cho thế giới
Cho nhân loại hoà bình
Cho đôi ta gặp lại
Trong một mùa Giáng Sinh

nhấttuấn (1960) Anh Linh phổ nhạc



Tứ Thơ (cũng là Ý): Tâm tình của người lính ở đồn biên giới, mùa Giáng Sinh đến nhớ người yêu và những kỷ niệm ở thành phố quê nhà Đà Lạt, cầu cho thế giới hòa bình để được gặp lại nhau.
Niềm Tin được viết theo thể thơ Mới, ngũ ngôn trường thiên, gồm 6 đoạn mỗi đoạn 4 câu, vần bằng gián cách 2/4.

Đoạn Kết Tuyệt Vời
Chỗ hay nhất của bài thơ là đoạn kết. Tâm sự của người lính xa nhà, nhớ người yêu - dù được chuyên chở bằng ngôn ngữ đã vươn tới mức khá sang, khá đẹp - vẫn không có gì mới mẻ, độc đáo. Tuy nhiên, bài thơ thật bất ngờ bừng sáng ở 4 câu cuối:
Cùng cầu cho thế giới
Cho nhân loại hòa bình
Cho đôi ta gặp lại
Trong một mùa Giáng Sinh
Lời cầu nguyện cho hạnh phúc riêng tư của người lính đã được khéo léo ghép chung với - nhưng được khiêm tốn đặt ở phía sau - ước vọng hòa bình cho toàn thế giới. Trong không khí “đất với trời xe chữ đồng” (1) của mùa Giáng Sinh - lúc “Thiên Địa Nhân quy nhất” (2) - dòng cảm xúc chân thật, cao đẹp ấy đã thấm rất nhanh vào tâm hồn độc giả. Thi sĩ, một người trai thời loạn, đã chọn được cách hành xử tối ưu; ông không thể tự cởi bỏ chiếc áo lính nhưng đã rất tài tình đặt bên dưới lớp vải kaki một trái tim đầy lòng nhân ái. 
Tác giả Phạm Đức Nhì

Chữ “Vui” Làm Buồn Bài Thơ
Tôi đến với Niềm Tin đầu tiên qua giai điệu nhạc của Anh Linh trước khi biết bài thơ gốc của Nhất Tuấn. Nghe bài nhạc đến đoạn “đã làm anh vui nhiều” tự nhiên tôi thấy chối tai, cảm xúc trong tâm hồn đang trôi theo tiếng hát bỗng khựng lại. Lòng tự hỏi “Trong khung cảnh đó tại sao lại “vui” nhỉ? Mà lại “vui nhiều” mới lạ chứ! Đã từng là anh lính chiến, đóng quân ở rừng sâu, núi cao, tôi đã biết thế nào là
Nắng sớm với sương chiều
Gió rừng và mưa núi
theo đúng nghĩa đen của từng chữ. Tôi quen với khung cảnh ấy, sống trong hoàn cảnh ấy không phải vài ngày, vài tuần mà tháng này qua tháng khác. Những lúc ấy ngồi trong lều nhìn cảnh núi rừng - từ sĩ quan đến lính - mắt thằng nào cũng như đang lạc vào một cõi xa xăm, mặt thằng nào cũng dài thuỗn ra, buồn rười rượi. Dĩ nhiên đời lính ở rừng sâu núi thẳm cũng có những lúc vui - những niềm vui nho nhỏ do người lính tự tạo ra - để quên nỗi nhớ thương quay quắt và để … sống. Nhưng chỉ cần một cái gì đó rất nhỏ nhặt gợi lên kỷ niệm với người thân thì từ sâu trong tâm hồn của họ nỗi buồn chia xa đang đầy ắp sẽ trào ra như thác đổ.
Chữ “vui” trái khoáy đó làm tôi nghĩ đến một bài hát rất được lính tráng ưa thích mỗi lần Tết đến: Xuân Này Con Không Về. Theo truyền thống của người Việt Nam Tết là những ngày nghỉ lễ đầu xuân để gia đình sum họp, vui chơi. Con cái dù ở xa mỗi dịp Tết đều cố gắng đem cả gia đình riêng của mình về quây quần bên cha mẹ, ông bà. Cả những người đã chết cũng được long trọng mời về trong bữa cúng cơm rước ông bà chiều 30 Tết. Hơn nữa, là trai trẻ trước khi vào quân ngũ ai chả có một bóng hồng vương vấn trong tim. Thế mà 3 ông nhạc sĩ với cái tên ghép Trịnh Lâm Ngân (3) dám hạ bút viết:
Con biết không về mẹ chờ em trông
Nhưng nếu con về bạn bè thương mong
Bao lớp trai cùng chào xuân chiến trường
không lẽ riêng mình êm ấm
mẹ ơi con xuân này vắng nhà.
thì quả là quá liều. Nếu đứng trước hàng quân mà hỏi “Tết này có ai muốn về phép thăm gia đình không?" thì chả có ai mà không giơ tay hét “Có”. Ngay cả những người lính “tứ cố vô thân” cũng muốn về thành phố để “rửa mắt”, ăn uống, nhậu nhẹt cho bõ những ngày kham khổ nơi rừng núi và giải quyết chút nhu cầu riêng tư của lính. Họ không về được không phải vì không nỡ bỏ bạn bè nơi chiến trường, tìm sự êm ấm cho riêng mình mà vì quân lệnh, vì tình thế bó buộc trong hoàn cảnh chiến tranh. Ai cũng biết là 3 ông nhạc sĩ xạo nhưng một số rất đông những người lính vẫn thích bài hát bởi nó gợi đúng vào nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình của con người mỗi độ xuân về, Tết đến.
Câu “Đã làm anh vui nhiều” khiến Niềm Tin đang là tâm tình của người lính xa nhà bỗng trở thành một bài thơ, bài hát “phải đạo” (politically correct). Lời thơ, tiếng nhạc đang là những cảm xúc chân thật của con người bất chợt biến thành những lời đầu môi chót lưỡi, dối người và tự dối lòng mình. 
Hơn nữa, xét về kỹ thuật thơ thì câu “Đã làm anh vui nhiều” là câu thơ “tréo cẳng ngỗng” lội ngược chiều với dòng chảy lững lờ buồn bã của tứ thơ.
Đúng là chữ “vui” đã làm buồn bài thơ.

Xa Nhau Đã Mấy Mùa Giáng Sinh?
Đọc đoạn đầu bài thơ:
Lại một Noel nữa
Mấy mùa Giáng Sinh rồi
Anh ở đồn biên giới
Thương về một khung trời
người đọc sẽ hiểu ngay đây không phải là Noel đầu tiên tác giả xa người yêu. Dựa vào câu chữ thì ông đã có vài mùa giáng sinh (ít nhất là 2) không về Đà Lạt. Nhưng đến đoạn thứ 3:
Mấy mùa Giáng Sinh trước
Chỗ hẹn anh chờ hoài
Lần này không về được
Hồi hộp đợi tin ai
thì  ông lại nói “Lần này không về được” nhưng “Mấy mùa Giáng Sinh trước” thì có về và có đến chỗ hẹn để chờ người yêu. Sự bất nhất ấy khiến người đọc (như tôi) - muốn biết chiều dài của thời gian xa cách để ước chừng độ sâu, độ nồng của nỗi nhớ thương - cảm thấy hơi bối rối. Hy vọng đây chỉ là sự vô ý, bất cẩn của tác giả.

Về Cái Tựa “Niềm Tin”
Dựa vào nỗi niềm thương nhớ sâu đậm của tác giả - một người lính xa nhà - đối với người yêu ở hậu phương Đà Lạt, có thể nói Niềm Tin là một bài thơ, một bản nhạc tình. Tuy đoạn cuối có nhắc đến việc cầu nguyện:
Cùng cầu cho thế giới
Cho nhân loại hòa bình
nhưng mục đích chính vẫn là:
Cho đôi ta gặp lại
Trong một mùa Giáng Sinh.
Tạm giã từ giai điệu êm đềm, dễ thương của Anh Linh để trở về nguyên bản bài thơ của Nhất Tuấn tôi thấy khi phổ nhạc Anh Linh đã bỏ đi một đoạn:
Radio (Ra đi ô) mở sẵn
Đón Thánh Lễ truyền thanh
Xin Chúa ban ơn xuống
Cho em và cho anh
Việc bỏ đi đoạn thơ ấy làm bản nhạc hay hơn hoặc dở đi tôi sẽ bàn ở phần sau. Nhưng dù trở lại bài thơ nguyên gốc - có cả 2 đoạn cầu nguyện - Niềm Tin vẫn là bài thơ tình, nặng về nỗi nhớ thương của người lính với người yêu. Lời cầu nguyện không nhằm mục đích nhấn mạnh vào niềm tin tôn giáo mà chỉ tô đậm thêm cho chữ Tình của con người. Vì thế theo tôi, cái tựa Niềm Tin của bài thơ có vẻ hơi xa cách, hơi lạc với nội dung của tứ thơ.

Người Bỏ Kẻ Tiếc Một Đoạn Thơ
Tôi có vào “khu vườn riêng” được dành cho nhà thơ Nhất Tuấn trên trang web Hướng Dương (huongduongtxd.com) để đọc thơ và nghe nhạc phổ thơ của ông. Trong một video nhạc cảnh thực hiện rất công phu cho bản nhạc Niềm Tin (danh ca Duy Trác hát) đoạn thơ bị bỏ đi đã được xuất hiện lại dưới dạng chữ viết trên màn hình trong phần “nhạc dạo giữa bài”. Có lẽ tác giả (hay người thực hiện video) vẫn còn … tiếc đoạn thơ. Đành rằng những lời cầu nguyện riêng tư (cho anh và cho em) là rất thật, rất … người. Từ trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi cá nhân hạnh phúc của “tôi” (và gia đình) phải được đặt trước và trên cả nhân quần xã hội. Nhưng trên bề mặt, nhất là trong văn chương thi phú, đưa cái chung lên trước, lên trên vẫn được coi là cách ứng xử đẹp, cao thượng. Miền Bắc quê tôi vào mùa rét có câu “nằm giữa không mất phần chăn”. Lời cầu nguyện ở đoạn cuối - thế giới hòa bình, đôi ta gặp lại - đã cho “chung riêng vẹn cả đôi đường” thì giữ làm gì cái đoạn thơ riêng tư ấy cho “mất đẹp”. Hơn nữa, xét về mặt thế trận chữ nghĩa (cấu trúc thơ) thì nếu giữ lại đoạn thơ này thì 2 câu cuối của đoạn kết - 2 câu hay nhất, gói trọn hồn cốt của bài thơ - trở nên thừa thãi vì lập lại ý của đoạn trên. Và tất cả những cái hay quy tụ ở đoạn kết tự nhiên rã ra như cám. Mất cái “tuyệt vời” của đoạn kết, bài thơ sẽ rất bình thường.
Kết Luận
Theo tôi thì bài hát Niềm Tin được nhiều người biết đến và yêu thích hơn bài thơ cùng tên được phổ nhạc. Trước hết, nhờ nhạc sĩ Anh Linh đã rất khéo bỏ đi đoạn thơ kế chót để làm nổi bật cái hay tuyệt của đoạn kết. Khi nhạc trổi lên người nghe có thể quên ngay cái tựa (hơi lạc với tứ thơ), không để ý đến sự bất nhất về số mùa Giáng Sinh xa cách (phải đọc kỹ mới thấy), và trong không khí tràn đầy yêu thương và hồng ân Thiên Chúa chữ “vui” rất gượng gạo của bài hát cũng được rộng lượng “cho qua”. Và nếu có ca sĩ nào khi hát, đổi chữ “vui” thành “mơ” (như tôi đã có lần được nghe) thì đó là một món quà tinh thần rất ý nghĩa, rất đẹp trong mùa Giáng Sinh.
 Sẵn sàng đón nhận ý kiến, phê bình của độc giả.
*.
League City, tháng 05.2016
PHẠM ĐỨC NHÌ
Địa chỉ: League City, Hoa Kỳ.
Email: nhidpham@gmail.com



CHÚ THÍCH
1/ Đêm Thánh Vô Cùng (Silent Night), nhạc: Franz Xaver Gruber, lời Việt: Hùng Lân
2/ Trời, đất và con người hợp nhất
3/ Tên ghép của 3 nhạc sĩ Trần Trịnh, Lâm Đệ và Nhật Ngân
...................................................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 14.05.2016
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét