(Nhà thơ Phạm Tiến Duật) |
HÌNH TƯỢNG NỮ CHIẾN SỸ LÁI XE
TRONG "NIỀM TIN CÓ THẬT"
Niềm tin có thật
(Tặng các chiến sĩ gái lái xe)
Không thể tin là em đã qua
Nơi túi bom bay mù bụi đỏ
Đường gập ghềnh ngổn ngang cây đổ
Trời lô nhô thân gỗ cưa ngang
Không thể tin là em đã sang
Nơi đất lạ trời trong leo lẻo
Anh đón em trong tầm bom réo
Tiếng tàu càng sốt ruột vo ve
Em là cô bộ đội lái xe
Giặc nhằm bắn bốn bề lửa cháy
Cái buồng lái là buồng con gái
Vẫn cành hoa mềm mại cài ngang
Em đã qua và em đã sang
Đẹp lắm đấy giữa ngày đánh Mỹ
Đất nước mình nhiều điều giản dị
Ai chưa tin rồi cũng tin thôi.
*
(1969 - Phạm Tiến Duật)
(Tác giả Trần Thanh Phương) |
LỜI BÀN:
Bài thơ Niềm tin có thật được Phạm Tiến Duật sáng tác năm 1969 - Cái
thời điểm gian nan nhất ở chiến trường sau Tổng tiến công Tết Mậu Thân (Có
người gọi là thời kỳ hậu Mậu Thân). Trong khung cảnh náo nức cả nước ra trận,
rất nhiều chị em phụ nữ đã xung phong ra chiến trường nhận bộ đồ xanh quân phục
Tổ quốc may. Bởi vì, họ không thể giấu lòng mình yêu đất nước! Trước tình yêu,
không ai mặc cả với lòng mình, được phân công bất cứ việc gì, xin nhận. Chưa đủ
người lái xe chở gạo, chở đạn chở sách ra tuyến trước ư? Có chị em chúng tôi,
mặc dù công việc ấy phụ nữ mấy khi làm, chưa quen! Trong điều kiện thời bình ở
nước ta hiện nay, một cô gái nắm vô lăng xe tải đường trường đã là một chuyện
lạ, hiếm thấy. Huống hồ đây lại ở trong hoàn cảnh không bình thường: Phải
thường xuyên vượt qua những trọng điểm ác liệt mà họ gọi là “túi bom”, lái xe
đi trong “tầm bom”; phải chịu đựng những khó khăn do quá tải, do đường rất xấu
lại nhiều đèo, lắm suối, mà phải đi đêm không được bật đèn pha. Rồi phải tỉnh
táo trước tất cả những cái bất ngờ, sẵn sàng đối phó với đủ mọị tình huống: Bom
tọa độ, bom rải thảm, bom tia lade… Nghĩa là, bọn giặc lái Mỹ đã không từ một
thủ đoạn dã man nào chúng nghĩ ra được để ngăn chặn những chuyến xe chở hàng ra
tiền tuyến. Nghĩa là người lái xe lúc nào cũng phải đối mặt với thần chết, phải
lao vào cái chết để giành giật lấy sự sống còn cho cho đồng đội mình, cho dân
tộc mình. Một việc làm vượt quá sức tưởng tượng của con người như thế làm người
ta khó tin: Người ngoài cuộc khó tin đã đành mà ngay cả người trong cuộc cũng
chưa dễ tin ngay nếu chưa được tận mắt một lần nhìn thấy:
Không thể tin là em đã qua
Nơi túi bom bay mù bụi đỏ
Đường gập ghềnh ngổn ngang cây đổ
Trời lô nhô thân gỗ cưa ngang
Không thể tin là em đã sang
Nơi đất lạ trời trong leo lẻo
Anh đón em trong tầm bom réo
Tiếng tàu càng sốt ruột vo ve.
“Anh đón em” cho biết nhân vật trữ tình ở đây là người trong cuộc. Anh là
nhà thơ, nhưng trước hết anh cũng là một chiến sĩ của đường dây 559. Anh đã đón
em rồi mà sao vẫn cứ ngẩn ngơ! Sự thật cầm trên tay mà vẫn chưa dám tin là có
thực như thế! Cứ như trong thần thoại ấy! Nhưng chính em đã bước ra từ thần
thoại, đang rời ca-bin để đến với anh, phá vỡ trong anh quan niệm “trọng nam
khinh nữ” cố hữu với điệp khúc: Không thể tin! Em đã qua nơi túi bom; em đã sang nơi đất lạ để gặp anh
trong tầm bom réo, đã đi hết một cung đường mù mịt đạn bom và muôn vàn nỗi hiểm
nguy.Thật là kỳ lạ cho nên anh mới Không thể tin! Em rất gần gũi, rất quen
thuộc với anh trong cuộc sống thường ngày như cách anh xưng hô thân mật (anh)
và gọi em bằng cái tên chung dễ thương của phái nữ (em). Nhưng lúc này, khi em
đã đến với anh là chuyện có thật thì ngoài sự gần gũi, thân thuộc, anh còn
giành cho em sự trân trọng và có cả niềm cảm phục qua cách gọi tên (cô):
Em là cô bộ đội lái xe
Giặc nhằm bắn bốn bề lửa cháy
Cái buồng lái là buồng con gái
Vẫn cành hoa mềm mại cài ngang.
Lửa bốc cháy bốn bề vây cái xe vào giữa và trên trời bọn giặc vẫn điên
cuồng chúc xuống cắt bom. Nhưng đây đâu đơn thuần chỉ có cái xe? Trên ca-bin là
cô gái đang điều khiển tay lái: “Cái
buồng lái là buồng con gái”. Nếu ta chấp nhận sự chuyển nghĩa giữa cái
buồng lái và cái buồng con gái nhờ sự đồng nhất của yếu tố buồng, thì từ cội
nguồn tiềm thức của ta bỗng dội lên một rung cảm mãnh liệt: Bọn giặc lái Mỹ
đang lồng lộn tìm cách hủy diệt một cái buồng con gái - Chúng đang cố giết một
người đại diện của phái đẹp mà phải mất hàng triệu triệu năm, sự tiến hóa không
ngừng của sự sống mới tạo ra được! Nhưng đấy mới chỉ là một cách nhìn từ thực
thể vật chất, từ sự rung động trước cái mỹ cảm của tự nhiên. Cái đáng ca ngợi
hơn nhiều lần ở đây, cái cội nguồn của những trang huyền thoại lạ lùng ở đây
lại thuộc về tâm hồn - tâm hồn của cô gái. Đi giữa mưa bom bão đạn đầy nguy
hiểm như thế mà trong buồng lái của cô “vẫn
cành hoa mềm mại cài ngang”. Đó không phải chỉ một lần tình cờ: từ vẫn cho
biết cô bộ đội trẻ này rất yêu hoa, trong ca-bin của cô lúc nào cũng có hoa.
Cành hoa mềm mại ấy được cô đặt ở một vị trí rất trang trọng là cài ngang trước
tay lái. Nó là vật tượng trưng phản chiếu vẻ đẹp tâm hồn cô gái - Một vẻ đẹp
của đào hoa ra trận! Chính từ ý nghĩa thẩm mỹ ấy mà nhà thơ phải thốt lên rằng
đẹp lắm! Cái duyên của bài thơ có khi còn ở lời khen biết đặt đúng chỗ:
Em đã qua và em đã sang
Đẹp lắm đấy giữa ngày đánh Mỹ.
Theo ý nghĩa này, niềm tin có thật của nhà thơ không chỉ dừng lại ở sự tất
thắng của dân tộc ta, mà còn là sự chiến thắng của cái đẹp. Khi đã xác định
được tính tất yếu của sự việc như vậy thì, theo logic nội tại, bài thơ bật ra
hai câu kết thật hợp lý hợp tình:
Đất nước mình nhiều điều giản dị
Ai chưa tin rồi cũng tin thôi.
Tính chất thần thoại trong những trang lịch sử chống Mỹ chói lọi của dân
tộc ta được thể hiện từ biết bao những điều giản dị như thế, kể cả những gì mà
văn chương chưa kịp nói hết. Đó cũng chính là niềm tin
có thật trong tôi./.
*.
TRẦN THANH PHƯƠNG
Giảng viên Khoa Ngữ Văn Trường Đại học Quy Nhơn
Địa
chỉ: 170 An Dương Vương, Tp Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Email: rolanphuongnd@gmail.com
…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 22.05.2016
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét