MỜI ĐỌC:

Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2016

NGƯỜI BÁN XÍU MÀ - MỘT BIỂU TƯỢNG CỦA VĂN HÓA - Tác giả: Trần Thanh Phương (Bình Định)

(Tác giả Trần Thanh Phương - bìa phải)
NGƯỜI BÁN XÍU MÀ
- Một biểu tượng của Văn hóa
*
                  NGƯỜI BÁN XÍU MÀ
                                               (Lê Anh Dũng)

                                        Dáng xô nghiêng
                                        dép vẹt mòn
                                        ông đặc giọng rao
                                        Xíu…Mà…đâây !
                                        Xíu Mà
                                        một, hai ngàn
                                        một chén
                                        ngồi ven đường
                                        nhấm nháp
                                        ký ức
                                        ngọt lựng
                                        trong tôi
                                        Trưa
                                        đứng trời
                                        áo dán lưng
                                        ông xoa
                                        màu gỗ mun
                                        đòn gánh
                                        xoa
                                        phần lõm sâu
                                        im lặng
                                        hai vai
                                        Hội An
                                        người như nêm
                                        bừng lên sắc hội
                                        ông độc hành
                                        đổ bóng
                                        Xíu…Mà…đâây !
*
 (Rút trong tập thơ Đồng vọng –
NXB Hội Nhà văn 2004, trang 42 - 43)

.
LỜI BÌNH:
Bạn bè tôi đi du lịch Hội An thường mua quà nào đèn lồng, rượu Hồng Đào, bánh đậu xanh, bánh su sê, bánh ít và những con Tò he hình 12 con giáp ngộ nghĩnh, dễ thương. Họ còn nói đến Hội An được thưởng thức một món quà thật rẻ tiền mà đã ăn một lần là nhớ mãi. Đó là món Xíu Mà: vừa là tên một loại chè (chè Xíu Mà), vừa là tên người dân ở đấy gọi thân mật ông chủ hàng (ông Xíu Mà), vừa là cách nói vui khi khách hàng phải ngồi chờ lâu (đợi chút xíu mà) lại vừa là lời rao hàng (Xíu Mà đâây!). Trên khắp nước Việt ta chưa có món ăn nào đa nghĩa đến thế, chỉ nghe rao đã thấy quyến luyến, gợi cảm lạ lùng, làm cho bao nhiêu nỗi mệt mỏi nắng nôi bỗng như tan biến hết. Và rồi tình cờ tôi đã được đọc bài thơ Người bán Xíu Mà của đại tá, nhà thơ Lê Anh Dũng. Bài thơ viết về một con người rất mực bình thường, suốt đời làm nghề bán Xíu Mà ở thành phố Hội An mà người dân phố cổ không ai là không biết. Ông là một trong những người giữ hồn phố cổ chỉ với một món quà độc đáo (chưa thấy đâu có), góp cho kho tàng văn hóa ẩm thực nước nhà một món có dư vị (đã ăn một lần là không thể nào quên). Sự thành công nổi bật của bài thơ này là ở nghệ thuật khắc họa chân dung mà có lẽ nhà thơ Lê Anh Dũng đã học được từ những nhà điêu khắc đá Non Nước.
Mở đầu bài thơ anh đã dùng ngay bút pháp đặc tả: “Dáng xô nghiêng/ dép vẹt mòn/ ông đặc giọng rao/ Xíu …Mà…đâây !”. “Dáng xô nghiêng” một phần do gánh hàng cồng kềnh, phần nữa là do ông đã già yếu rồi. “Dép vẹt mòn” tất nhiên do đi nhiều, nhưng theo tôi nghĩ là ông không muốn thay đôi dép mới. Đó vừa là một đức tính mà cũng là phẩm chất của những người dân lao động nghèo khổ được hun đúc nên từ bao đời nay. Người dân ở đây cho biết rằng bộ đồ nâu ông mặc may theo kiểu Tàu, chỉ một kiểu duy nhất, không đổi. Địa điểm bán hàng cũng quanh năm không thay đổi. Dây buộc túi chè từ xưa đến nay vẫn chỉ dùng dây lác chứ không dùng dây thun như tất cả mọi người khác. Vậy thì việc ông vẫn đi đôi dép cũ đã mòn vẹt cũng nằm trong tính cách ấy chứ sao? “Ông đặc giọng rao/ Xíu…Mà… đâây !”. “Đặc giọng” không phải do rao nhiều quá nên giọng khản đặc mà vì ông người gốc Tàu nên có cách phát âm lơ lớ rất gây ấn tượng. Chỉ với 4 câu thơ (13 chữ) mà Lê Anh Dũng đã khắc họa được chân dung một người bán hàng rong tiêu biểu của phố Hội cổ xưa và bí ẩn - nay đã trở thành di sản văn hóa của thế giới.
Tiếp theo nhà thơ giới thiệu với chúng ta thứ hàng ông bán: “Xíu Mà/ một, hai ngàn/ một chén”*. Giũa thời buổi hàng hóa leo thang đến chóng mặt món quà của ông vẫn hợp túi tiền của mọi người nghèo, nhất là với đám con nít học trò. Nhưng rẻ mà ngon mới đáng nói hơn cả. “Ngồi ven đường/ nhấm nháp/ ký ức/ ngọt lựng/ trong tôi”. Chè gì mà lạ vậy? Người ăn lắng nghe cả miền ký ức sống dậy? Thì ra đó là một loại chè mè đen, gọi theo tên Tàu là Chí Mà Phù, rồi được biến âm dần thành Xí Mà > Xíu Mà. Nguyên liệu dùng để nấu nồi chè là những thứ rất sẵn ở chợ Hội An như rau ngót giã lấy nước cốt, mè/ vừng đen đãi lấy hạt mẩy đem xay nhuyễn và phải nấu với thứ đường bát chỉ có ở vùng Quảng Nam, cho thêm vài vị thuốc Bắc nữa, tạo ra một món chè đặc trưng theo lối tư duy tổng hợp của những cư dân (gốc) nông nghiệp lúa nước. Loại chè này ăn cảm thấy vừa quen vừa lạ. Vị ngọt ngào của đường mía và rau ngót nghe quen như trong ký ức hiện về cộng với vị thuốc Bắc là lạ tạo ra sự “ngọt lựng”: làm cho cổ họng vừa thanh vừa mát vừa ngọt cứ thế lan tỏa thấm tới tận gan ruột. Đây là một trong những món ăn điển hình của sự giao thoa văn hóa ẩm thực Việt - Hoa.
Để có nồi chè gánh đi bán mỗi ngày, đêm nào vợ chồng ông lão cũng phải thức dậy từ 3 giờ sáng bền bỉ và đều đặn quanh năm chỉ nghỉ bán mấy ngày Tết âm lịch. Thông thường ông hay ngồi bán dưới gốc một cây bàng trên vỉa hè đường Nguyễn Trường Tộ và chỉ bán từ khoảng hơn 7 giờ sáng tới non trưa là đã hết hàng. Nhưng rồi cũng lắm ngày ông bị ế. Đó là vào dịp Lễ Hội. Có lẽ mọi người mải mê xem Lễ Hội mà quên mất món chè của ông? Chỉ còn nhà thơ không quên ông. Anh lặng lẽ “theo dõi” ông và ghi lại được: “Trưa/ đứng trời/ áo dán lưng/ ông xoa/ màu nước mun đòn gánh/ xoa/ phần lõm sâu/ im lặng/ hai vai”. Người ta thường hay nói trưa đứng bóng - đúng ngọ để chỉ thời điểm 12 giờ trưa. Lê Anh Dũng có cách nói riêng: “đứng trời” khá mới mẻ. “Áo dán lưng” chỉ sự nóng nực, lam lũ. Chiếc đòn gánh đã lên “nước mun” dãi dầu nắng mưa và hình như nó cũng đã “già” như ông! Gánh nặng cơm áo và tuổi tác đã làm hai vai ông “lõm xuống. Động từ “xoa” lặp lại 2 lần bộc lộ nỗi phân vân của ông lão trước khi quyết định gánh đi bán rong theo các ngõ phố. Hai chữ “im lặng” chất chứa nỗi cảm thông không thể diễn đạt được thành lời. Xưa kia đại thi hào dân tộc Nguyễn Du đã từng viết câu thơ: “Đòn gánh tre chín rạn hai vai” để diễn tả nỗi cực khổ của những người suốt đời gồng gánh đến nỗi hai vai đóng một lớp chai tím đen lại (chín); mùa đông nắng hanh nó nứt nẻ ra (rạn); mỗi lần đặt đòn gánh lên vai nhức buốt vô cùng. Nay Lê Anh Dũng lại phát hiện thêm phần “lõm sâu” trên hai vai ông bán Xíu Mà góp vào một cách nhìn cảm thông khôn xiết đối với người  lao động.
Phần kết bài thơ là những câu thơ giàu tính tạo hình và đầy ám ảnh: “Hội An/ người như nêm/ bừng lên sắc hội/ ông độc hành/ đổ bóng/ Xíu…Mà…đâây !”. Hình ảnh một ông già bán hàng rong “độc hành” đối lập với cả đám “người như nêm” đi dự Lễ Hội có vẻ gì đó thật tội nghiệp gợi nhớ đến Ông Đồ của Vũ Đình Liên và xa hơn là hình ảnh Nguyễn Du đang “độc hành kỳ đạo” đi tìm cái Đẹp: Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân”. “Đổ bóng” cho biết trời đã xế chiều mà ông lão vẫn chưa bán hết hàng - Thảo nào cả mấy đứa con của ông không một ai muốn kế thừa cái nghề đã làm mòn lõm vai ông hơn 60 năm qua. Có lẽ rồi món quà Xíu Mà cũng sẽ chỉ còn trong ký ức những người dân phố cổ**? Nhà thơ Lê Anh Dũng đã làm được một việc hết sức có ý nghĩa là đã ghi tạc được chân dung người bán Xíu Mà cùng với món quà độc đáo của ông như một biểu tượng của văn hóa ẩm thực Hội An đậm đà bản sắc và hương vị dân tộc.

Ghi chú:
 * Giá cả của năm 2004
 ** Hiện nay ông cụ đã mất và con trai ông cụ tiếp tục nối nghiệp cha để giữ hồn phố cổ.
                            *.
TRẦN THANH PHƯƠNG
Giảng viên Khoa Ngữ Văn Trường Đại học Quy Nhơn
Địa chỉ: 170 An Dương Vương, Tp Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.      
Email: rolanphuongnd@gmail.com
           
            










…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 16.06.2016
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét