MỜI ĐỌC:

Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2017

ĐỌC THƠ TỨ TUYỆT CỦA THÁI QUỐC MƯU - Tác giả: Châu Thạch (Đà Nẵng)

(Trái qua: Thi sĩ Thái Quốc Mưu cùng Đức Ông Phạm Văn Phương, Đức Tổng Gíam Mục
Atlanta và ông Nguyễn văn Chiến, Giám đốc Life Star.)
ĐỌC THƠ TỨ TUYỆT
CỦA THÁI QUỐC MƯU
*
Thơ Tứ Tuyệt đã có trước cả thơ Đường Luật. Đầu tiên tứ tuyệt được giải nghĩa “tứ” là bốn, “tuyệt” là tuyệt diệu. Đến thời thơ Đường Luật phát triển thì chữ Tuyệt được hiểu là ngắn hay chấm dứt nên thơ Tứ Tuyệt từ đó có nghĩa là thơ làm chỉ có bốn câu thôi.
Dầu hiểu thế nào thì thơ Tứ Tuyệt cũng dễ làm mà khó hay. Dễ làm vì chỉ có bốn câu. Khó hay vì chỉ có bốn câu mà phải tóm tắt được nội dung và đầy đủ tính chất của một bài thơ. Do vậy, người làm thơ tứ tuyệt mà để lại cho đời nhớ thường là những thi sĩ trí thức, có kiến thức sâu rộng và có khả năng cô đọng suy tư của mình hay, gọn trong kết cấu bài thơ ngắn.
(Tác giả Châu Thạch)
Trong những người làm thơ Tứ Tuyệt ngày nay, tôi có vinh dự được đọc thơ của Thái Quốc Mưu, một huynh trưởng trên các diễn đàn thơ văn. Những bài thơ gọn nhẹ của ông đem đến cho tôi nhiều bất ngờ khi thưởng thức và lý thú với những sự đột phá của ý, tứ và nghệ thuật diễn đạt.
Thường nhà thơ Thái Quốc Mưu ít làm thơ tình nam nữ. Thơ tình của ông là thứ tình cao rộng với tha nhân, với quê hương, với những thăng trầm của cuộc đời nhiều hơn là thứ tình nam nữ. Dò trong tập thơ tứ tuyệt của ông, tôi chỉ tìm ra hai bài thơ, một nói về “Đàn Bà” và một nói về “Mái Tóc Phụ Nữ” mà tôi tạm gán ghép là thơ tình nam nữ, chỉ vì nó có hình ảnh người nữ trong thơ:
Đàn bà
Rực rỡ xinh hơn vạn cánh hồng
Đã từng làm lệch núi nghiêng sông
Nụ cười phượng vĩ bừng sương sớm
Dưới nét kiêu sa cuộn sóng thần
(Atlanta, Aug. 30, 2008)
Mái tóc phụ nữ
Khi làn sóng lượn lúc mây bay
Như suối thong dong chảy miệt mài
Gặp cơn gió giật liền bung rối
Tóc chẳng khác chi với cuộc đời
(Atlanta, Jan. 9, 2009)
Trong bài thơ “Đàn Bà”, Thái Quốc Mưu ca tụng quyền lực của người phu nữ. Ông đem cái uy vũ của sắc đẹp được ca tụng ngàn xưa lồng trong cái cốt cách của người đẹp ngày nay. Người đẹp xưa thì “lệch núi nghiêng sông”, người đẹp nay thì “phương vĩ bừng sương sớm”, và cả hai sắc đẹp đó thì “kiêu sa cuộn sóng thần”. Bốn câu thơ của ông đánh giá, bao trùm hình tượng sắc đẹp của người đàn bà xưa và nay. Cuối cùng tác giả dựng hình tượng “cuộn sóng thần” như lọn tóc để tôn vinh sức mạnh vô biên trong sắc đẹp thanh nhã của người phụ nữ. Qua bài thơ “Mái Tóc Phụ Nữ” tác giả lại nhấn mạnh ở câu kết một quan niệm đột phá về mái tóc phụ nữ: “Tóc chẳng khác chi với cuộc đời”. Quan niệm nầy có được đồng ý, hay không đồng ý là tùy mỗi người, nhưng phải nói rằng nó rất sống động, diễn tả trọn vẹn thăng trầm của đời lên trên mái tóc bung rối của người đàn bà trong bão táp.
Tình yêu tha nhân trong thơ tứ tuyệt Thái Quốc Mưu có nhiều. Nhà thơ thường bày tỏ lòng mình qua những hình ảnh sự hay vật trong đời. Để tỏ rõ cái ước vọng giúp đời bằng nghĩa cử thanh cao của mình ông đã gởi tiếng lòng mình vào bài thơ cây cầu:
Cây cầu 2
Vươn mình qua đến bến kia sông
Nối vạn vòng tay, vạn tấm lòng.
Nối vạn nẻo đường trong bốn hướng,
Cả đời chân rửa giữa dòng trong!
(Atlanta Aug. 3, 2008)
 “Cả đời chân rửa giữa dòng trong”: Một câu kết tuyệt hay đã nâng cao giá trị cây cầu, biến cây cầu có một nhân cách. Đọc bài thơ ta thấy được tất cả sự cao trọng của một tâm hồn, sự vĩ đại của  những việc làm vị tha nhân, sự chân thành của một tấm lòng mở rộng vòng tay giúp đời. Đọc bài thơ không ai trong ta không hình dung được sự nhộn nhịp trên cây cầu, và không ai không biết cây cầu ấy đại diện cho mẫu người đáng kính, đem hạnh phúc cho tha nhân bằng tấm lòng thiện nguyện của mình.
Tình yêu quê hương thì ai mà không có. Nhà thơ Thái Quốc Mưu có những bài thơ Thất Ngôn Bát Cú tuyệt vời bày tỏ tấm lòng ông đối với quê hương. Riêng thể thơ Tứ Tuyệt, trong những câu thơ ngắn, ông thường rất linh hoạt, dùng sự so sánh ta và người để thổ lộ hết cái tình cảm sâu thẳm chất chứa trong lòng:
Quê người, quê ta
Họ bảo quê người quá đẹp xinh
Quê ta chỉ có chút chân tình
Nét đẹp xứ người, vui ánh mắt
Quê mình, nhân nghĩa kín tâm linh.
(Atlanta Aug. 24, 2008)
 “Chút chân tình” của quê ta là gì? Là “nhân nghĩa kín tâm linh”. Bài thơ cho biết cái đẹp của xứ người là đẹp vật chất mà cái đẹp của quê ta là đẹp ở tinh thần. Một chút mà ta hơn người đó, không ở trong tâm hồn mà nó là “tâm linh”, nghĩa là trong phong tục, tập quán, luân lý và tôn giáo. Quê người, quê ta có thể so sánh vài trang giấy chưa hết. Qua thơ tứ tuyệt, Thái quốc Mưu đề cập đến cốt lõi của sự khác biệt. Từ đó người đọc tự suy diễn, thấy được thứ hạnh phúc khác nhau giữa hai chân trời cũng như biết đâu là chân hạnh phúc. .
Nỗi nhớ quê hương canh cánh bên lòng nhà thơ Thái Quốc Mưu. Ông chỉ dùng cái bông tuyết thôi, nhưng gởi được linh hồn của nỗi nhớ trong ông vào trong bao la của vũ trụ, tạo được một bức tranh nên thơ cho nỗi nhớ của mình:
Tuyết
Bông tuyết bay bay vẻ thướt tha
Cho trời thêm sắc, đất thêm hoa
Đâu ngờ trong nét kiêu sa ấy
Khơi gợi trong ta nhớ nước nhà!
(Atlanta, Aug. 26, 2008)
Thơ Thái Quốc Mưu thường thuộc loại “văn dĩ tải đạo”. Ông hay nhắc nhở đến cái đạo lý sống ở đời. Ông quan niệm sống phải ra Người (viết hoa), nghĩa là phải sống đầy nhân cách:
Cây thông
Ta đứng thẳng lên giữa đất trời
Bốn mùa, mưa, nắng mãi xanh tươi
Mặc cho sấm sét gào giông tố
Vẫn lớn cao lên giữa giống người
(Atlanta, Aug. 17, 2008)
Bức tranh
Không là sông núi chẳng là mây
Bốn biển thu gom ở chốn nầy
Đền, miếu, cung đình, thôn xóm nhỏ
Sang hèn, vinh nhục ở trong tay.
(Atlanta, July  30, 2008)
Bài thơ “Cây Thông” khẳn định phẩm giá của mình. Bài thơ cho ta nhớ đến hai Câu thơ bi quan của Nguyễn Công Trứ: “Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”. Nhà thơ xưa chán làm người nên muốn làm thông cho thanh thản. Nhà thơ nay không chán làm người, muốn làm người như thông để đấu tranh với nghịch cảnh, cao lên vòi vọi giữa cuộc đời.
Qua bài thơ “Bức Tranh” nhà thơ Thái Quốc Mưu không những quy hết vũ trụ mà còn quy hết vận mệnh trong bàn tay của mình. Tác giả đưa ra một triết lý sống tích cực và một suy nghiệm siêu việt về sự biến hóa trời đất trong ảnh hưởng của lòng bàn tay mình. Tất nhiên đây không phải là toán số. Đây là một triết lý nhân sinh khẳng định ý chí của con người hòa nhập vào cõi vô vi mà thành quả hay không do bàn tay con người quyết định.
Nhà thơ Thái Quốc Mưu rất ghét cái xấu, nhất là cái xấu của quan quyền. Ở những thể thơ khác ông dùng lời cay nghiệt đã phá thói hư tật xấu của bọn người mà ông cho là “ngợm người” hay “người ngợm”. Trong thơ tứ tuyệt, nhà thơ ôn hòa hơn. Ông phủ dụ bằng lời khuyên nhẹ nhàng mà chí lý.
Hát tuồng. Bài 2:
Cũng là áo, mão, cũng râu ria
Quan chức - Thầy tuồng chọn cắt, chia (*)
Hò hét, oai phong… trông lẫm liệt
Đến khi hát vãn cũng ra rìa.
(Atlanta, Aug. 19, 2008)
* Thầy tuồng (Đạo diễn): Người toàn quyền cắt vai, chia vai cho diễn viên.
Thái Quốc Mưu cũng bi quan trước sự ngắn ngủi của đời người, nhưng ông có một phong cách sống Lão giáo, hòa nhập cùng vô vi đất trời để sự tự nhiên đem đến bình an cho sự sống:
Đường sinh, tử.
Sinh, tử rõ như bóng với hình
Đời người bệnh lão hãi hùng kinh
Soi gương mái tóc màu sương tuyết
Nhớ chuyện sinh ly bỗng giật mình!
(Atlanta, Aug. 20, 2008)
Cầu bình an.
Hôm nay chợt nhớ hôm qua
Trăng trên đỉnh núi vụt sa giữa dòng
Mặc đời gạn đục, khơi trong
Từ tâm, tĩnh mặc cho lòng thảnh thơi
(Atlanta, Aug. 20, 2008)
“Đường sinh, tử” rất rõ nhưng không bao giờ không đem đến sợ hãi. Muốn tránh sợ hãi phải “Cầu bình an”. Muốn cầu được bình an thì ta phải quán thấy sự an nhiên của trời đất như vầng trăng vụt sa giữa dòng sông nhẹ nhàng không một âm thanh, không một tiếng động. Suy nghiệm đó không phải dễ có, nhưng có thì chứng được, định được “Từ tâm, tỉnh lặng cho lòng thảnh thơi”. Cách cầu bình an của thái Quốc Mưu vượt qua tâm linh do tôn giáo  dẫn dắt, vượt qua suy tư về luân hồi hay quyền năng tối thượng, bày con người tan vào cõi siêu nhiên như bóng trăng, như dòng nước trong veo thì đạt được chân lý.
Tứ tuyệt của Thái Quốc Mưu còn nhiều bài thơ hay đề cập đến nhiều mặt của cuộc sống. Đọc thơ ông ta tìm thấy ở đó một triết lý sống cao đẹp, một phong cách sống an nhiên, một sự đối nhân đầy yêu thương và một tâm hồn lãng mạn thanh cao.
Thơ tứ tuyệt của Thái Quốc Mưu có ngôn từ phóng khoáng, sáng tạo được những tứ thơ hay để lột tả hình ảnh, khai thác chi tiết, so sánh, liên tưởng phong phú và cô đọng trong bốn câu trọn ven ý thơ mà tác giả muốn nói.
Ước mong rằng thơ ông được đi vào lòng xã hội, vì nó có tính thiện, hướng dẫn được tình cảm con người nghĩ đến cái tốt, đem đến sự thư thái cho tâm hồn người đọc bởi những vần thơ thâm thúy, lắng đọng, nhiều khi rất dí dỏm ./.                              
*
CHÂU THẠCH 
(Tên thật: Trương Văn Trạn)
Địa chỉ: 75 Phan Kế Bính, Đà Nẵng.
ĐT: 0929128967 - 05113894610
Email: truongvantran@hotmail.com

.
.


…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 20.01.2017 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét