MỜI ĐỌC:

Thứ Ba, 24 tháng 1, 2017

QUAN NIỆM VỀ HỒN, VÍA TRONG DÂN GIAN - Tác giả: Đỗ Việt Phương (Hải Phòng)

(Nguồn ảnh: internet)
Quan niệm về hồn, vía
TRONG DÂN GIAN
*
Dân gian quan niệm rằng, người ta sống là do có tinh thần tức là “hồn vía” nhập vào thể xác. Tất cả cái tinh anh khí phách của người đàn ông hợp thành 3 hồn 7 vía, còn tất cả cái khôn ngoan tháo vát ở người đàn bà hợp thành 3 hồn 9 vía. Khi hồn vía lìa khỏi xác thể thì cũng là lúc con người từ bỏ thế giới này mà về nơi “chín suối” với tổ tiên.
Người Việt Nam có lẽ cho rằng thân thể người nam có bảy lỗ (thất khiếu), thân thể người nữ có chín lỗ (cửu khiếu) nên đã phát triển quan niệm rằng nam có ba hồn bảy vía, nữ có ba hồn chín vía (tương ứng với bảy lỗ và chín lỗ). Tuy nhiên, theo Trung Quốc thì nam cũng như nữ, chỉ có ba hồn và bảy phách (vía) mà thôi.
Ba hồn gồm: Sinh hồn-phần đem lại nguồn lực sống, tạo tư duy, tư tưởng, hành động cho thể xác; Giác hồn-phần giúp cơ thể nhận biết, cảm thụ, phản ứng trong môi trường sống; Linh hồn-phần quan trọng nhất, thâm sâu, linh diệu nhất trong thế giới tâm linh của con người. Theo một số tín ngưỡng, chịu ” kiếp luân hồi”, chính là phần hồn này.
Bảy vía: Theo sách cổ Xuân Vũ Dật Thưởng chép rằng, người ta mới sinh sống được 7 ngày gọi là Lạp (hay còn gọi là Cữ) sinh ra 1 vía. Đủ 7 vía thành người (49 ngày). Đủ 100 ngày thành 1 tuổi. Bé trai đủ 7 ngày, gái 9 ngày gọi là đầy cữ.
Trong sách Vân Đài Loại Ngữ, Lê Quý Đôn cũng viết: “Tục nước ta sinh con được 3 ngày thì chỉ làm vài mâm cỗ cúng Thuần Dưỡng Bà. Đến ngày thứ 7, thứ 9, đầy 100 ngày thì làm lễ cáo gia tiên, yến tiệc linh đình…”
Vì thế, khi chết, sau 7 ngày là 1 ky tang, mất đi 1 vía. Bảy lần cúng ky tang thì cúng Tuần chung thất-hết vía: 49 ngày. 100 ngày cúng Tốt khóc (thôi khóc).
Thuyết nhà Phật thì nói: vong hồn người quá cố phải qua 7 lần phán xét, mỗi lần 7 ngày sau đó hồn mới được siêu thoát.
Chính vì thế, ở dân tộc Kinh, mỗi khi có người ốm “thập tử nhất sinh” hoặc bị tai nạn “bất tỉnh nhân sự”, tính mạng bị đe dọa thì người ta thường trèo lên mái nhà hoặc chạy ra ngã bảy, ngã ba mà vừa đi về vừa gọi hồn vía người bị nạn để mong cho họ đừng “bỏ đi” xuống “suối vàng”. Hoặc giả, nếu họ có chết thì hồn khỏi bị lạc đường, bơ vơ, dễ sa vào bàn tay bọn ma quỷ “vô lại”, làm công cụ để hại người lương thiện. Sự gọi hồn ấy, tùy theo người bị nạn là nam hay nữ mà gọi ba hồn bảy vía hay ba hồn chín vía. Nếu là đàn ông sẽ hú 3 hồn 7 vía, còn nếu là đàn bà sẽ hú 3 hồn 9 vía, tùy theo mối quan hệ họ hàng giữa người gọi hồn với người  bị ốm thập tử nhất sinh đó mà gọi. Ví dụ: Người ốm thập tử nhất sinh là phụ nữ, tên Thoa, người gọi hồn là bề trên của người phụ nữ tên Thoa đó thì sẽ gọi hồn: - Hú 3 hồn 9 vía cái Thoa ở đâu thì về mà ở với chồng với con. Người ta tin nếu số người phụ nữ tên Thoa chưa tận thì hồn sẽ tìm về nhập vào xác để sống lại khi nghe tiếng gọi hồn đó, còn nếu số đã tận thì hồn vía sẽ không bị sa vào tay bọn ma quỷ vô lại.
Đồng bào dân tộc thiểu số cũng có quan niệm về hồn vía như trên, có điều hồn vía được phân biệt thêm là có vía lành, vía dữ. Khi chết, vía lìa khỏi xác và hồn đi sau cùng. Người Tày, Nùng không gọi hồn như người Kinh mà tổ chức hát then, cúng tế để gọi hồn người chết về…
*.
ĐỖ VIỆT PHƯƠNG
Địa chỉ: Khu tập thể đóng tàu Bạch Đằng
Ngã tư An Dương, Lê Chân, Hải Phòng.
Email: dovietphuong118@yahoo.com.vn








  ........................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 18.01.2017
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét