MỜI ĐỌC:

Thứ Năm, 19 tháng 1, 2017

TÀI NHÂN TRỊNH BẢN KIỀU - Tác giả: Thái Quốc Mưu (Hoa Kỳ)


TÀI NHÂN
TRỊNH BẢN KIỀU
*
Trịnh Bản Kiều 郑板侨 tên thật Trịnh Nhiếp 郑燮, tự Khắc Nhu 克柔. Con của Trịnh Chi Bản. 郑之本. “Bản Kiều” 板桥 là hiệu của Trịnh Nhiếp.
Ông sinh ở xóm Trịnh Gia 郑家, đông nam thành phố Hưng Hóa 兴化 tỉnh Giang Tô 江苏, trong một gia đình nông dân nghèo khó. Là người có chí lập danh, nhưng đường hoạn lộ gian nan, mãi đến 50 tuổi mới đậu Tiến sĩ đời Càn Long.
Gần vùng Trịnh Gia, có cây cầu gỗ nhỏ tên Cổ Bản Kiều. Do tính phiêu bạt rày đây mai đó, ông lấy tên cây cầu Bản Kiều đặt hiệu cho mình để kỷ niệm thời thơ ấu và đi đâu cũng nhớ về quê  hương. Khi về già Bản Kiều tự xưng Bản Kiều Đạo Nhân và Bản Kiều Lão Nhân.
Vùng Trịnh Gia, Hưng Hóa họ Trịnh có ba hệ phái nổi danh, được tặng là Trịnh Tam Bảo, gồm có: Thiết Trịnh, Đường Trịnh, Bản Kiều Trịnh. Nổi bật nhất là Trịnh Bản Kiều.
(Tác giả Thái Quốc Mưu)
Tư chất Trịnh Bản Kiều cực kỳ thông minh, trung hậu, ngay thẳng, giàu lòng nhân đức,… giỏi hội họa, chuyên vẽ trúc, thạch, lan, huệ, cây cỏ, chim chóc,… Họa phẩm của ông sắc sảo, sinh động,… người người yêu thích.
Thư pháp Trung Quốc có 5 thể chính: Triện thư 篆書, Lệ thư 隸書, Khải thư 楷書, Hành thư 行書 và Thảo thư 草書 được ông kết hợp lại để tạo một hệ phái riêng, gọi là “Lục Phân Bán Thư” 六分半书, hay “Bản Kiều Thể” 板桥体. Còn thư họa cùng chữ viết của ông mạnh mẽ nhưng dịu dàng, uyển chuyển, sắc và đẹp như “rồng bay phụng múa”
Hội họa, thi thơ và thư pháp cùng chữ viết của Trịnh Bản Kiều được người đương thời kính nể, tặng ông biệt danh Bản Kiều Tam Tuyệt (có bản viết: Bản Kiều Tam Bảo).
Nhiều người cho rằng Tam Kiệt trong Dương Châu Bát Quái 扬州八怪 Trịnh Bản Kiều được coi là người kiệt xuất nhất. Thực tế thì Kim Nông 金农, mới đến Trịnh Nhiếp 郑燮 (Trịnh Bản Kiều), thứ nữa là Cao Phụng Hàn 高,…
Dương Châu Bát Quái, gồm:
1. Kim Nông (1687 - 1764).
2. Hoàng Thận (1687 - sau 1768).
3. Trịnh Tiệp 鄭 燮 (1693 - 1765). Nhiều người viết là Trịnh Thiệp.
Vì vậy, người viết thỉnh ý học giả Minh Di và được giải đáp:
- “Chữ 燮 ở đây phải đọc âm Hán Việt là Tiệp. Chữ này Từ điển Từ Nguyên thiết âm như sau: “Tô + hiệp thiết, nhập, thiếp vận, tâm".
Nghĩa là: Đọc là Tô + hiệp, nhập thanh, vận (th) iêp, phụ âm đầu là T (âm). Nhập thanh tương đương dấu NẶNG bên Việt ngữ. Ráp lại là T (phụ âm đầu) + iêp (vận) + dấu nặng (thanh điệu) = Tiệp”.
4. Lý Thiển 李 鱔 (1686 - 1762) - Năm sinh của Lý Thiển có thuyết ghi là năm 1692.
Chữ “Thiển” (鱔) nầy trong các sách về Hội họa Trung Quốc viết với chữ “đơn” [單] bên cạnh bộ Ngư [魚], chữ sau nầy là chữ ghi trong bộ “Thuyết Văn Giải Tự” của Hứa Thận thời Đông Hán.
5. Lý Phương Ưng (1695 - 1755) - Năm tử của Lý Phương Ưng có thuyết ghi là 1754.
6. Uông Sĩ Thận (1686 - 1759).
7. Cao Tường (1688 - 1753).
8. La Sính 羅 聘 (1733 - 1799).
Thuyết trên đây được ghi trong 2 cuốn:
 (1). “Trung Quốc Hội Họa Sử”, của Vương Bá Mẫn.
Thượng Hải Nhân Dân Mỹ Thuật Xuất Bản Xã 1983
 (2). “Mỹ Thuật Đại Từ Điển”, của một nhóm biên soạn.
Nghệ Thuật Gia Xuất Bản Xã 1981 / Sơ bản. Đài Loan.
Nhưng, khi Lý Ngọc Thái 李玉蔡 biên soạn quyển “Âu Thể La Thất Thư Họa Quá Mục Khảo” 瓯体罗室书画过目考, đã sớm gọi họ là “bát quái”, chỉ: Kim Nông 金农, Hoàng Thận 黄慎, Trịnh Nhiếp 郑燮, Lí Ngư Đan 李 (鱼单), Lí Phương Ưng 李方膺, Uông Sĩ Thận 汪士慎, Cao Tường 高翔, La Sính 罗聘. Danh sách trên không có Trịnh Tiệp và Lý Thiển
* Trần Sư Tăng 陈师曾 trong “Trung Quốc Hội Hoạ Sử” 中国绘画史 đã thêm Mẫn Trinh 闵贞.
* Trịnh Sưởng 郑昶 trong “Trung Quốc Hoạ Học Toàn Sử” 中国画学全史 bỏ Cao Tường 高翔, Lý Phương Ưng 李方膺,thêm Cao Phụng Hàn 高凤翰, Mẫn Trinh 闵贞
* Hoàng Tân Hồng 黄宾虹 trong “Cổ Họa Vi” 古画微 bỏ Hoàng Thận 黄慎, thêm Hoa Nham 华嵒, Biên Thọ Dân 边寿民, Trần Soạn 陈撰.
* Du Kiếm Hoa 俞剑华 trong “Trung Quốc Hội Họa Sử” 中国绘画史 đã xếp thuyết của mấy nhà, giống nhau ở trước, khác nhau ở sau, tổng cộng có 13 người, cũng có thuyết 15 người. Nhưng vẫn gọi là “bát quái”, trước giờ, không sách nào xác định 8 người. Số 8 ở đây chỉ nên xem đó là phiếm chỉ.
Bộ “Trung Quốc Hội Họa Sử” cho biết là theo cách giải nghĩa của người Dương Châu thì "Bát Quái" có nghĩa là "kỳ kỳ quái quái".
Bởi vậy, nói 8 người cũng được, nói 9 người cũng được, thậm chí nói 15 người cũng được, thuyết nào cũng được.
Những Họa gia được gọi là "QUÁI" nầy phần lớn sở trường về vẽ chim chóc, hoa cỏ, mai, trúc, và rồi cũng có người sở trường vẽ nhân vật hoặc Sơn thủy (Phong cảnh). Thế nhưng, riêng về hoa cỏ thì những họa gia này rất điêu luyện tài tình, không người đối thủ.
Tất cả những Họa gia nầy được liệt vào Họa phái gọi là "Dương Châu Họa Phái".
Gọi là “Dương Châu Bát Quái” nhưng, điều này không có nghĩa những Họa gia nầy đều quê ở Dương Châu; chẳng hạn Họa gia Hoàng Thận là người tỉnh Phúc Kiến, Uông Sĩ Thận, La Sính đều quê ở tỉnh An Huy.... Điểm chung của những Họa gia này ở chỗ cùng sinh hoạt nghệ thuật ở vùng Dương Châu.
Sau khi được bổ làm huyện lệnh, huyện Duy, thuộc tỉnh Sơn Đông, Trịnh Bản Kiều một mực giữ lòng thanh liêm, trong sạch, không sợ bất cứ thế lực nào, không cấu kết với bọn quan lại quyền thế, chỉ một lòng lo cho dân, nên được người người quý trọng. Nhưng, cũng vì vậy mà có nhiều người ghét.
Một lần tỉnh Sơn Đông bị thiên tai, dân chúng đói rét, ăn cả thịt người. Trịnh Bản Kiều lấy hết bổng lộc của mình cứu dân, song chẳng thấm vào đâu, ông bèn cho thuộc cấp xuất công kho cứu trợ,… Bọn người không ưa ông nhân cơ hội đó cấu kết nhau dùng hết lời đàm tiếu tâu trước triều đình. Trịnh Bản Kiều bị bãi quan. Khi ông rời khỏi huyện đường trở về quê, có hàng ngàn người dân đặt hương án tiễn biệt và khóc lóc, đi theo đưa cả dặm đường…
Trở về đời sống dân giả ở quê nhà, ông định vẽ tranh bán lấy tiền sinh sống. An phận trong cảnh cơ hàn. Khốn nỗi, quê ông nghèo khó, tranh vẽ chẳng ai mua, Trịnh Bản Kiều đem gia quyến quay lại Dương Châu, vẽ và bán tranh độ nhựt.
Trước khi nhắm mắt, Trịnh Bản Kiều kêu hai con - một gái, một trai, lại dặn dò: “Hãy làm việc bằng sức lực của mình và tiêu những đồng tiền do mình làm ra. Phải nhớ, việc của mình tự mình làm, không được ỷ vào người khác.”

Giai Thoại Dân Gian:
1. Có lần Trịnh Bản Kiều ăn vận xuềnh xoàng đi viếng một ngôi chùa, sư trụ trì đang ngồi xem sách, ngẩng lên trông thấy bề ngoài vị khách quá tầm thường, bèn gật đầu, rồi nói: “Tọa!” (ngồi), đoạn quay vào trong bảo chú tiểu “Trà!” Xong, nhà sư tiếp tục ngồi xem sách, chẳng quan tâm.
Vị tăng lo việc tiếp khách thấy Trịnh Bản Kiều vẫn đứng nhìn nhìn, dáng vẻ trầm ngâm, bèn lân la gợi chuyện. Câu chuyện giữa hai người lọt vào tai sư trụ trì, ông ta nghĩ đây là kẻ làu thông kinh sử, nên quay lại nói với Trịnh Bàn Kiều: “Thỉnh tọa!” (mời ngồi) đoạn gọi vào trong: “Hương trà!” (Trà thơm). Nói xong lại tiếp tục đọc sách.
Vị sư giữ phần tiếp khách thấy Trịnh Bản Kiều vẫn đứng trò chuyện với mình, hỏi đến đâu Trịnh Bản Kiều cũng ứng đối lưu loát đến đó, sau khi trò chuyện một hồi, chợt nhà sư lo việc tiếp khách bỗng vòng tay nói với Trịnh Bản Kiều: “Bần tăng vô phép xin được biết quý tánh, phương danh của đại nhân”. Trịnh Bản Kiều đáp: “Mỗ họ Trịnh, tên Bản Kiều!”
Nhà sư trụ trì đang đọc sách nghe thấy, vội vàng bỏ sách đứng vụt dậy, đến trước Trịnh Bản Kiều, chấp tay lên ngực cúi đầu xá xá, lời cung kính vô cùng: “Thỉnh thượng tọa!” Rồi tiếp: “Bần tăng vốn có mắt không tròng, không biết Trịnh đại nhân giá lâm. Xin tạ tội!” Nói xong, quay sang vị sư lo việc tiếp khách bảo: “Kính hương trà!” Từ đó, tiếp đãi ân cần, niềm nở. Chuyện trò vui vẻ…
Khi Trịnh Bản Kiều cáo biệt, nhà sư trụ trì bèn tha thiết xin Trịnh Bản Kiều viết cho nhà chùa một câu đối. Giấy mực đem ra. Trịnh bản Kiều liền phóng bút:
Tọa, thượng tọa, kính thượng tọa
Trà, hương trà, kính hương trà!
Xong, trao cho sư trụ trì. Nhà sư đón nhận, đọc, cảm thấy hơi “quê”, nhưng rất mừng, vì được một tay cự phách trong Dương Châu Bát Quái, lại là một tay trong Tam Tuyệt viết tặng đâu phải chuyện dễ dàng.
2. Thời thiếu niên nghèo khó, trong dịp Tết, Trịnh Bản Kiều đến anh hàng thịt quen biết mua thiếu một cái đầu heo, đem về chuẩn bị nấu nướng thì anh hàng thịt chạy đến lấy lại để bán cho người khác, giá cao hơn. Từ đó, Trịnh Bản Kiều ôm hận anh hàng thịt trong lòng.
Sau khi đỗ Tiến sĩ, Trịnh Bản Kiều được bổ làm tri huyện ở đất Phạm, thuộc tỉnh Sơn Đông. Nhớ hận xưa, ông bèn ra lệnh, các hàng thịt không được bán đầu heo.
Vợ ông sau khi nghe được lệnh cấm nầy. Bà nhận ra điều chồng mình làm là không phù hợp, bèn nghĩ cách thuyết phục chồng bãi bỏ lệnh cấm kỳ khôi đó!
Đêm đến bà đặt bẫy bắt một con chuột rồi cột dây treo nó trong phòng. Ngày đêm con chuột luôn giãy giụa, kêu chí chóe khiến Trịnh Bản Kiều không tài nào nhắm mắt được.
Ông bèn hỏi vợ: “Lý do nào phu nhân cứ treo con chuột hoài như vậy?”
Bà vợ, đáp: “Khi còn nhỏ, tiện thiếp mua vải định may bộ quần áo mới, không dè đêm hôm đó chuột cắn vải rách nát. Nay treo chuột để trừng phạt loài chuột cho thỏa lòng”.
Nghe xong, Trịnh Bản Kiều cười ha hả, nói: “Chuột ở Hưng Hòa cắn vải của phu nhân, thì có can hệ gì đến chuột ở Sơn Đông nầy?”
Thấy chồng trúng kế, bà vợ đáp: “Thế sao lang quân giận anh hàng thịt ở đất Phạm, mà lại cấm những người hàng thịt ở đây không được bán đầu heo?”
Trịnh Bản Kiều giật mình, hối lỗi, bèn truyền bỏ lệnh cấm “không giống ai” ngày trước.
***
* Xin thưa, giai thoại dân gian, là những chuyện kể lý thú trong dân dã, được truyền đạt lâu đời. Do đó, có nhiều người biết và ghi chép lại, nên bài viết không đồng nhất, tuy nhiên cốt truyện thì tương đối giống nhau.
* Sau cùng, nhân dịp đầu năm mới 2017, người viết tham khảo, trích dịch, tra cứu và viết chuyện tài nhân Trịnh Bản Kiều. Trân trọng cống hiến, xin quý bạn đọc giải trí trong lúc thư nhàn.
Xin nguyện cầu cho đất nước ta luôn thanh bình an lạc. Quý độc giả khỏe mạnh an vui, hạnh phúc và phát triển mọi mặt.
Trọng kính
* Tài liệu tham khảo:
- Trung Quốc Vị Giải Chi Mê, của Tôn Thiệu Vũ
- Trung Quốc Danh Nhân Đích Cố Sự, của Trương Tráng Niên
- Tự Điển Bách Khoa ToànThư
* Tham khảo trực tiếp:
- Học giả Minh Di.
*
Chỉnh lại, Jan, 09, 2017
THÁI QUỐC MƯU
(Nguyên chủ nhiệm, chủ bút tạp chí Kiến Thức
Phổ Thông Dân Việt Atlanta, GA, USA.)
Địa chỉ: 6395 GlenBrook Dr.
             Tucker , GA 30084, USA - Hoa Kỳ.
 Email: danviet1995@aol.com
                        .












…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 08.01.2017 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét