(Nguồn ảnh: internet) |
Đọc ‘BẢY MƯƠI HÀNH’
thơ Hạ Thái TRẦN QUỐC PHIỆT
BẢY MƯƠI HÀNH
Nhịp gõ thời gian
điểm bảy mươi!
"Nhân sinh
thất thập" đến đây rồi
Giẫm lên lằn mức
người xưa hiếm
Mà ngỡ như còn giữa
cuộc chơi.
Thỉnh thơ vào án
văn đề bút
Gom nắng chiều
thương rũ bóng đời
Hiu hắt tà dương
rơi cuối ngõ
Chập chờn cánh nhạn
lạc xa xôi
*
Cầm bằng bảy chục
an nhiên vậy
Sinh bất phùng thời
chịu nổi trôi
Nửa chặng phong
trần bao nghiệt ngã
Xoáy theo cơn lốc
tả tơi đời!
Lưới trời giăng mắc
đan huyền ảo
Trũng thấp đồi cao
những chập chùng
Đành chấp nhận băng
truông vượt suối
Không dè, hoài bão
hóa mông lung
*
Như thể đoạn trường
đeo bổn mạng
Phải thân Kiều gãy
khúc đa đoan
Tiền Đường nào
tưởng đời quên lẵng
Mảng lưới ngư ông
quẳng giải oan
Gởi chốn xa xăm nơi
ẩn dấu
Thâm sơn cùng cốc
mười năm trường
Bước ra ngoái mặt
mình trong kiếng
Nhăn nhúm da nhèo
tóc điểm sương
Mắt mỏi mòn trông
vời cố quận
Lòng mơ khắc khoải
mộng tơ vương
Riêng niềm hoài
vọng hồn du tử
Liễu lạnh trăng
chìm rũ bến sương.
*
Cố hữu bạt phiêu
khắp vạn nẻo
Từ ngày lửa xám mặt
quê hương
Rẫy nương ẩn náu
đời lưu xứ
Chữ nghĩa ích gì
buổi nhiễu nhương!
Chiến hữu bao năm
cùng tuyến trận
Sát kề vai giải gió
dầm sương
Nung lời thề một
lòng son sắt
Phút chốc tan đàn,
ngựa lỏng cương!
Cùng cảnh truân
chiên thuở đọa đày
Đồng cam cộng khổ
sớt chua cay
Ngược xuôi luân
chuyển vòng đây đó
Rải rác trăm phương
chịu lạc bầy!
Bạn từng hòa vận xa
xôi cả
Lời vọng băng ngàn
khó ới nhau
Viết một vần thơ
trăm nỗi nhớ
Đọc dăm cuốn sách
vạn niềm đau!
Gẫm lại cõi trần là
giấc ngủ
Gốc hòe tỉnh dậy
mộng bay xa
Xưa nay nhân thế
toàn hư ảo
Không, sắc... kề
nhau quả thật là!
Giữa có và không
nguyên một lẽ
Có rồi không chung
gốc liền vòng
Nửa trang đời vào
sinh ra tử
Buổi trói tay cam
chịu khóa còng.
Bảy mươi mời rượu
cùng ai nhỉ
Nhìn lại quanh đây
chỉ một mình
Giáo dựng gươm treo
ngoài ải vắng
Hương trầm xin bái
vọng vong linh
Sinh nhật bảy mươi
không yến tiệc
Trong vườn khuya
khoắt đếm sao rơi
Ngâm thơ huyễn mộng
thay lời tiễn
Hồn lạc phiêu diêu
cuối nẻo trời
*
Người chúc tâng
nhau lên bậc lão
Ta cầu trăng rọi
suốt thiên thu
Cồn xưa dấu tích gò
cương ngựa
Tiễn mộng xa xăm
cõi mịt mù
Chẳng ước mơ gì câu
bách tuế
Phương này vị đắng
vốn triền miên
Rong rêu bám víu bờ
nhân thế
Ba chục năm thêm…
bấy muộn phiền!
*
Đốt nến lên ngâm
thơ lạc vận
Hồ trường nghiêng
cạn giữa đêm trăng
Mảnh hồn tản mạn
loang trên giấy
Sinh nhật ta tròn
bảy chục năm.
*
Hạ Thái TRẦN QUỐC PHIỆT .
LỜI
BÌNH:
“Hành” là một
thể loại thơ không phổ thông lắm, nhưng nó từng giữ một vị trí đáng
kể trong lịch sử thi ca Việt Nam. Một bài thơ ở thể “Hành” thường đề
cập đến những sự việc với tâm trạng bức xúc. Nếu so sánh “Hành”
với những thể thơ khác ở giai đoạn thơ mới (Thập niên 1930 đến nay)
thì thể “Hành” không được sáng tác nhiều. Tuy thế dầu ít, “Hành”
cũng có được ngôi vị trân trọng trong nền văn học giai đoạn nầy. Cụ
thể là “Tống Biệt hành”
của Thâm Tâm, “Hành Phương Nam”
của Nguyễn Bính và một số bài thơ thể “Hành” ít nổi tiếng hơn.
Gần đây bài “Bảy
Mươi Hành” của nhà thơ Hạ Thái Trần Quốc Phiệt cũng khẳng định
được thể thơ “Hành” có một chổ đứng vững vàng trên diễn đàn thi ca.
Đọc cái tựa đề
“Bảy Mươi Hành”, chắc ai cũng phỏng đoán được đó
là một bài thơ nói
về tuổi “Thất thập cổ lai hy”. Vì bài thơ dài, người viết xin lần
lượt giới thiệu từng vế thơ kèm theo lời bình của mình, hầu làm
ngắn bớt bài viết, tránh đi sự nhàm chán cho bạn đọc khi phải đọc
thơ trước rồi lại đọc thơ lần nữa trong lời bình.
(Tác giả Châu Thạch) |
Đúng trình tự
như một bài luận văn, tác giả bài thơ nhập đề bằng sự giới thiêu
tuổi tác của mình:
Nhịp gõ thời gian
điểm bảy mươi!
"Nhân sinh
thất thập" đến đây rồi
Giẫm lên lằn mức
người xưa hiếm
Mà ngỡ như còn giữa
cuộc chơi.
Khác với nhiều
ông già, nhà thơ Hạ Thái Trần Quốc Phiệt đã giẫm lên tuổi thất thập
nhưng vẫn tưởng như mình mới đi nửa cuộc đời. Căn cứ vào những khổ
thơ sau ta thấy câu thơ “Mà ngỡ như
mình nửa cuộc chơi” không phải nhà thơ thấy mình còn trẻ mà thấy
mình chưa làm được gì đã vội già.
Qua khổ thơ thứ
hai ta thấy nhà thơ ăn chơi thanh nhã nhưng tâm trạng bi quan đã hé lộ
ra rồi:
Thỉnh thơ vào án
văn đề bút
Gom nắng chiều
thương rũ bóng đời
Hiu hắt tà dương
rơi cuối ngõ
Chập chờn cánh nhạn
lạc xa xôi
Hai câu thơ cuối
là hình ảnh của một thi nhân ngồi ở chốn cô liêu mà vọng nhớ một
chân trời xa xôi nào đó. “Cánh nhạn”
ở đây thể hiện linh hồn của tác giả mà cánh nhạn “chập chờn” thì có thể hiểu rằng
linh hồn đó trong mơ đang bay về quá khứ.
Nhà thơ bắt đầu
thổ lộ tâm sự của mình ở khổ thơ thứ ba:
Cầm bằng bảy chục
an nhiên vậy
Sinh bất phùng thời
chịu nổi trôi
Nửa chặng phong
trần bao nghiệt ngã
Xoáy theo cơn lốc
tả tơi đời!
Bây giờ mới là
nỗi đau thời đại. Bây giờ mới phát ra tiếng rên rỉ của một kiếp
người đại diện cho hàng triệu kiếp người. Đọc đến đây những ai từng
sống qua ba thời đại, thời Pháp thuộc, thời nội chiến, thời non sông
liền một dải sẽ thấy lòng mình cũng quặn lên một nỗi đau, nỗi đau
của “phong trần nghiệt ngã”, nổi
đau của “cơn lốc tả tơi” và nổi
đau “sinh bất phùng thời” co thắt
con tim ta. Tại sao tác giả lại nói “Cầm
bằng” trong câu thơ “Cầm bằng bảy
chục an nhiên vậy”? Vì tác giả muốn tự xem mình đến tuổi thất
thập thì như người xưa đã nói “Thất
thập nhi tòng tâm sử dục, bất du cửu”, tạm giải thích là đến
tuổi 70 thì tâm linh và đạo hợp nhất, con người an nhiên hòa cùng vô vi
trời đất. Sự thật: Tác giả dùng chữ “cầm bằng” cho ta thấy không bao giờ ông đạt được cảnh giới
đó, bởi quá khứ làm thành những vết thương không bao giờ lành được
trong lòng.
Ở vế thơ kế
tiếp tác giả cho ta thấy tâm trạng nhà thơ biến chuyển từ lạc quan
đến bi quan:
Lưới trời giăng mắc
đan huyền ảo
Trũng thấp đồi cao
những chập chùng
Đành chấp nhận băng
truông vượt suối
Không dè, hoài bão
hóa mông lung
Ở tuổi trai trẻ
nhà thơ đạp lên định mệnh, vượt qua “Trũng
thấp đồi cao” chính là cái “Lưới
trời giăng mắc”. Ông chấp nhận “băng
truông vượt suối” vì lý tưởng của mình. Đến tuổi già nhà thơ
mới chiêm nghiệm ra “Không dè, hoài
bão hóa mông lung”. Bốn câu thơ đọc nhẹ như những chiếc lá bay
nhưng đặt vào lòng ta khối sầu “bấc
đắc chí” của một đời người nặng nề còn hơn bao ngọn núi.
Thế rồi nhà thơ
đem mình so sánh với Kiều:
Như thể đoạn trường
đeo bổn mạng
Phải thân Kiều gãy
khúc đa đoan
Tiền Đường nào
tưởng đời quên lẵng
Mảng lưới ngư ông
quẳng giải oan
Gởi chốn xa xăm nơi
ẩn dấu
Thâm sơn cùng cốc
mười năm trường
Bước ra ngoái mặt
mình trong kiếng
Nhăn nhúm da nhèo
tóc điểm sương
Kiều 15 năm truân
chuyên, sau khi nhảy xuống sông Tiền Đường được ngư ông vớt lên thì đến
ngày đoàn tụ. Nhà thơ Hạ Thái Trần Quốc Phiệt không biết truân chuyên
bao nhiêu năm, sau đó lại phải “Thâm
sơn cùng cốc mười năm trường”. Đem sự truân chuyên của mình tá
khách vào Kiều, nhà thơ gián tiếp bộc lộ nỗi oan của mình trong
cuộc sống. Thật ra bao nhiêu chàng trai cùng thời đại với nhà thơ
phải ra chiến trận đều chịu nỗi oan uổng chẳng khác chi Kiều bán
mình chuộc cha cả. “Bán mình” là hy sinh tuổi trẻ, “chuộc cha” là
chuộc cho nền tự do đất nước trong cuộc tương tàn phi lý. Hai khổ thơ
nầy nhà thơ nói hộ cho những chàng trai thời đó.
Bốn khổ thơ kế
tiếp nhà thơ tỉ tê tâm sự, tỏ bày biết bao uẩn khúc trong lòng. Đoạn
“Hành” nầy như một khúc trường ca bi hùng, khơi gợi niềm đau của
người trong cuộc, kể cho người ngoài cuộc đồng cảm với thăng trầm
của thế hệ:
Mắt mỏi mòn trông
vời cố quận
Lòng mơ khắc khoải
mộng tơ vương
Riêng niềm hoài
vọng hồn du tử
Liễu lạnh trăng
chìm rũ bến sương.
Cố hữu bạt phiêu
khắp vạn nẻo
Từ ngày lửa xám mặt
quê hương
Rẫy nương ẩn náu
đời lưu xứ
Chữ nghĩa ích gì
buổi nhiễu nhương!
Chiến hữu bao năm
cùng tuyến trận
Sát kề vai giải gió
dầm sương
Nung lời thề một
lòng son sắt
Phút chốc tan đàn,
ngựa lỏng cương!
Cùng cảnh truân
chiên thuở đọa đày
Đồng cam cộng khổ
sớt chua cay
Ngược xuôi luân
chuyển vòng đây đó
Rải rác trăm phương
chịu lạc bầy!
Rồi thì tác giả
không quên đề cập sơ qua đến cuộc sống về già, cuộc sống hiện nay:
Bạn từng hòa vận xa
xôi cả
Lời vọng băng ngàn
khó ới nhau
Viết một vần thơ
trăm nỗi nhớ
Đọc dăm cuốn sách
vạn niềm đau!
Bạn xưa thì tản
lạc vì thời cuộc, bạn nay thì ở bốn phương trời. Sự cô đơn đè nặng
trên tuổi thất thập cổ lai hy. “Viết
một vần thơ trăm nỗi nhớ” là nhớ quá khứ và nhớ ngay cả trong
hiện tại. “Đọc dăm cuốn sách vạn
niềm đau” là đau cho quá khứ, đau trong hiện tại và đau cả tương
lai mịt mờ không biết về đâu. Hai câu thơ đầu như hai con suối lạnh, hai
câu thơ sau như suối biến thành sông băng giá. Cả khổ thơ nếu nói không
quá thì cho ta liên nghĩ đến tâm sự những nhà yêu nước bị lưu
đày thuở trước. Ngày nay không phải một vài người bị lưu đày như
ngày ấy mà hàng triệu người đang bị lưu đày trong đó có nhà thơ.
Trong cảnh cảnh
cô đơn, nhà thơ đâm ra bi quan:
Gẫm lại cõi trần là
giấc ngủ
Gốc hòe tỉnh dậy
mộng bay xa
Xưa nay nhân thế
toàn hư ảo
Không, sắc... kề
nhau quả thật là!
Giữa có và không
nguyên một lẽ
Có rồi không chung
gốc liền vòng
Nửa trang đời vào
sinh ra tử
Buổi trói tay cam
chịu khóa còng.
Không chỉ “Thâm sơn cùng cốc mười năm trường”
mới gọi là “Buổi trói tay cam chịu
khoá còng”. Tác giả đã bị khoá còng từ ngày ấy đến nay vì
những hệ luỵ tiếp theo những ngày tù tội. Ở tuổi 70 ông càng trăn
trở nhiều hơn, thao thức nhiều hơn và cảm nhận nhiều hơn nỗi đau của
chiếc còng khóa trên tay không mở được cho đến cuối cuộc đời:
Bảy mươi mời rượu
cùng ai nhỉ
Nhìn lại quanh đây
chỉ một mình
Giáo dựng gươm treo
ngoài ải vắng
Hương trầm xin bái
vọng vong linh
Sinh nhật bảy mươi
không yến tiệc
Trong vườn khuya
khoắt đếm sao rơi
Ngâm thơ huyễn mộng
thay lời tiễn
Hồn lạc phiêu diêu
cuối nẻo trời
Ở hai khổ áp
chót của “Bảy Mươi Hành” tác giả gởi cho đời một triết lý
sống:
Người chúc tâng
nhau lên bậc lão
Ta cầu trăng rọi
suốt thiên thu
Cồn xưa dấu tích gò
cương ngựa
Tiễn mộng xa xăm
cõi mịt mù
Chẳng ước mơ gì câu
bách tuế
Phương này vị đắng
vốn triền miên
Rong rêu bám víu bờ
nhân thế
Ba chục năm thêm…
bấy muộn phiền!
Tuy phải nhận
nhiều vết thương tinh thần, tác giả vẫn áp dụng triết lý của thánh
hiền trong cuộc sống “bất phùng
thời” của mình. Con người ai cũng thích sống trăm năm, nhưng bậc
thánh hiền không cần sống thọ, mà cần cái nhân cách sống như “trăng rọi suốt thiên thu”. Hai vế thơ
gợi cho ta hình ảnh người kỵ sĩ buông cương, ẩn danh để nhấm vị đắng
nhưng cái chí khí ngất trời hạo nhiên trường tồn mãi mãi.
Cuối cùng nhà
thơ độc ẩm giữa đêm trăng trong ngày sinh nhật để thấy hồn mình hay
nước mắt mình đẩm trên trang giấy thành thơ:
Đốt nến lên ngâm
thơ lạc vận
Hồ trường nghiêng
cạn giữa đêm trăng
Mảnh hồn tản mạn
loang trên giấy
Sinh nhật ta tròn
bảy chục năm.
Khổ thơ cuối
cùng của “Hành” giống như câu thơ “Ầm
ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi” của Kiều ở “Lầu Ngưng Bích khoá xuân”. Đây là cái giây phút mà nỗi đau
như một cái đinh ốc cứ xoắn, cứ xoắn và lên đến đỉnh nhọn. Nếu nhà
thơ không ngất đi ở đây thì cũng buông tay cho “lửa tắt bình khô rượu” để dòng lệ rơi hay nuốt ngược vào
lòng .
Nếu đọc “Hành”
cúa Thâm Tâm và Nguyễn Bính viết theo lối thất ngôn phá thể, ta có
thể kết luận “Hành” là đi. Với Thâm Tâm “Hành” là “đưa người”, với
Nguyễn Bính “Hành” là “lưu lạc”. Thể thơ “Hành” còn là thể thơ dùng
để viết cho sự phân ly, trực tiếp hay gián tiếp nói cho mình hay đối
tượng nào đó về sự chia tay hay sự trôi nổi giữa cuộc đời. Gần đây
cũng có tác giả dùng “Hành” để nói về cuộc sống lưu vong.
“Hành” của Hạ Thái Trần Quốc Phiệt
viết rất công phu, phản phất chất cổ điển, theo thể thất ngôn trường
thiên đúng luật từ đầu đến cuối, là một bài có nội dung tổng hợp
của “Hành”, trong đó ông tự thán ở tuổi 70 và gởi vào đó tâm sự
mình, gián tiếp phản ánh nỗi đau thời đại mà mình đã sống. Bài thơ
dài nhưng cuốn hút, với tiếng thơ như tiếng từng con sóng quyện nhau
nối tiếp vào bờ, với ý thơ tiềm ẩn những suy nghiệm sâu xa và với
nhiều tứ thơ bác học, tác giả đặt người đọc, nhất là người lớn
tuổi đồng cảm, thổn thức với những thăng trầm đã qua và hiện nay
chất chứa trong thơ. “Bảy Mươi
Hành” của hạ Thái Trần Quốc Phiệt thêm một lần nữa làm nổi
bật ưu điểm của thể thơ “Hành”./.
*
CHÂU THẠCH
(Tên thật: Trương Văn Trạn)
Địa chỉ: 75 Phan Kế Bính, Đà Nẵng.
ĐT: 0929128967 - 05113894610
Email: truongvantran@hotmail.com
.
…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 25.03.2017
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét