MỜI ĐỌC:

Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2017

HOA TRẠNG NGUYÊN - Truyện ngắn Lê Mai (Hà Nội)

(Nhà văn Lê Mai ngoài cùng, bìa phải cùng bạn văn chương:
Trần Tiến, Đặng Xuân Xuyến và Nguyễn Khôi)
HOA TRẠNG NGUYÊN
*
Chẳng hiểu do ngẫu nhiên hay do người viết truyện bịa ra mà ở nghĩa địa thôn Đào có hai ngôi mộ của hai người bạn thân được chôn cất cạnh nhau. Một ngôi đẹp lắm, to lắm, uy nghiêm lắm ... được ốp đá cẩm thạch đen bóng, lấp lánh ánh xanh, bia mộ long lanh dòng chữ thiếp vàng: Giáo sư tiến sĩ - viện sĩ - NGUYỄN QUANG THIÊN
Viện trưởng:...
Trước mộ ông có cây hoa trạng nguyên chẳng hiểu sao cây lá bốn mùa xanh mướt, xuân hạ cây bùng ra những chùm hoa đỏ thắm chói lọi, tươi vui.
Ngôi mộ bên cạnh thì xấu lắm, nhỏ lắm, lem nhem lắm ... Đó chỉ là một mô đất nhỏ rụt rè nhô lên mặt đất. Mùa khô thì lỏn chỏn vài hòn đất khô cứng cong queo. Mùa mưa thì nhão nhoẹt. Có lúc, có khi còn bị bãi phân trâu phủ gần kín mộ. Người làng bảo đó là mộ thằng Thiện điên. Thảo nào trước mộ, sau mộ, trên mộ chỉ bạt ngàn cây cứt lợn .
Chuyện đã đến mức như vậy chẳng hiều sao dân làng Đào vẫn nói với cháu con rằng: Ngày xửa ngày xưa, cái ngày ông Thiên thằng Thiện còn nhỏ thì ...thằng Thiện là một thần đồng. Sao thế nhỉ? Hay tại cái tên?
Nhưng có chuyện này thì chắc chắn không phải do ngẫu nhiên cũng chẳng phải do người viết truyện bịa ra, ấy là, dăm bẩy năm nay bất cứ ai trong làng có dính đến chuyện thi cử đều phải hương hoa ra mộ ông Thiên thành tâm khấn vái, cầu khẩn... Linh lắm, nghiệm lắm. Và cũng dăm bảy năm nay, năm nào cũng vậy, cứ cữ thanh minh là bà giáo sư - tiến sĩ Lan Phương lại ra chỗ hai ông tảo mộ.
Thanh minh năm nay cũng vậy, bà Lan Phương ra gò mả Lạng rất sớm. Đất trời còn trong cơn thiêm thiếp gật gờ. Gò mả Lạng vẫn hoang vu như thủa hồng hoang. Những hạt sương long lanh no tròn, căng mẩy tuổi dậy thì vẫn nhẹ nhàng phả lạnh làm cỏ cây run rẩy. Bà cẩn trọng đặt lên mộ ông Thiên (người chồng rất mực yêu bà) một khay táo Mỹ to tròn, bóng bẩy, một đĩa nhỏ đựng điếu xì gà Lahabana sang trọng, một bó huệ  tươi đài các. Rồi bà cắm trên mộ ông một bó hương trầm. Những đốm nhang xoè nở trên mộ như chùm mẫu đơn rực rỡ đang thì khoe sắc. Xong xuôi, bà quay sang mộ ông Thiện (người bạn bà rất mực dấu yêu) trải trên mặt những bông hoa cứt lợn một tấm ni lon trong suốt. Rồi cũng rất cẩn trọng bà đặt lên đó một đĩa bánh mỳ cong queo, khô cứng, một đĩa nhỏ lỏn chỏn vài đầu mẩu thuốc lá hôi xình, một bông hồng Đà lạt. Rồi bà cắm lên mộ ông một nắm hương thường. Những đốm nhang lìm lịm cháy. Xong xuôi bà bó gối ngồi giữa hai luồng khói hương đang toả ra nghi ngút. Những làn khói hương cuống quít xô đẩy nhau cố giành phần được quấn quít, ve vuốt lên bà. Và hình như khói hương trầm thắng thế. Vài làn khói hương thường lầm lũi lảng xa. Bà cười mơ hồ và ngước mắt nhìn ra phía xa. Đầm Hà, nơi ấy, mặt trời vừa oằn mình thức giấc hé mắt nhả những tia nắng hồng ngơ ngác. Bà đưa tay vờn nhẹ những hạt sương. Những làn gió lành lạnh chở mùi ẩm mốc của đồng quê thức dậy trong bà những cảm giác bồi hồi xao xuyến. Bà nhớ về năm mươi năm trước... Cái gò mả Lạng này, cái đầm Hà kia bà thuộc đến từng gốc cây ngọn cỏ. Những bụi dứa dại um tùm ven đầm là nơi bà cùng Thiên, cùng Thiện thường nép người tránh những cơn gió mùa đông bắc lạnh tái tê. Phía trái đầm Hà là cả một khoảng đất hoang rộng lớn xơ xác cỏ cây, là nơi thả trâu của lũ trẻ trong làng. Bà từ từ nhắm mắt cho những đốm lửa bập bùng hiện ra trước mắt. Những đốm lửa ảo này làm ấm long bà. Bà thấy mùi khoai nướng thơm ngọt nồng ấm đâu đây. Bà thấy lại bà của năm mươi năm trước đang khoan khoái nằm trên thẳm cỏ xác xơ, nheo mắt dõi theo những làn mây trắng hờ hững trôi trên nền trời thăm thẳm.
Dịu dàng muôn cánh hoa
Khảm trắng chân trời thẳm
Không gian mênh mông vắng...
Bà từ từ mở mắt nhìn sang phía bên phải đầm Hà. Ở nơi ấy trong cái xanh mờ ngút ngàn của đất trời có con đường làng nhỏ mấp mô, nhoà nhạt. Có cô bé Phương đầu tóc gọn gàng ngồi vắt vẻo trên dóng ngang xe đạp. Phía sau là Thiên áo quần sạch sẽ - diện là đằng khác đang hơn hớn đạp xe. Sau nữa là Thiện đầu bù chân đất, quần áo chẳng biết nhặt được từ đâu cù rù ngồi trên gác ba ga. Đó là hình ảnh quen thuộc của cả một thời cấp ba yêu dấu. Bà ghìm tiếng thở dài. Ôi quê hương! Cái quê hương khốn khó đến đau lòng mà sao da diết, mà sao bồi hồi. Quá nửa đời người hừng hực sống, sục sôi phấn đấu, tính nọ toán kia, quan hệ người này người nọ...Danh đã tới giáo sư, tài đã đến mức nhiều người kính phục, tiền đã đến mức chỉ còn băn khoăn nghĩ: tiêu sao cho hết. Thế mà, tất cả vinh quang ấy sao sánh nổi với những giây phút này - giây phút được làm người mới tuyệt diệu làm sao. Con người có số phận không nhỉ? Bà thầm nghĩ và nhớ về lần bố Thiên sang nhà bà chơi của năm mươi năm trước ...
Tiếng bố Thiên: Tôi về nhà lần này là để làm thủ tục đổi tên cho thằng Vinh nhà tôi các ông ạ.
Tiếng bố Thiện : Ông định đổi tên cho cháu thành tên gì?
Tiếng bố Thiên: Tôi đổi tên nó từ Nguyễn Quang Vinh sang Nguyễn Quang Thiên, các ông thấy có được không ?
Tiếng bố Thiện : Quang Vinh hay hơn Quang Thiên, đổi mà làm gì.
Tiếng bố Thiên: Tôi đổi tên nó thành Thiên là có ý của tôi. Các ông thấy mấy cháu nhà mình ở nhà đã gắn bó với nhau. Tôi muốn thằng Vinh thằng Thiện mãi mãi gần nhau, ở nhà, ở trường, ở đâu  cũng vậy. Như thế thằng Vinh nhà tôi sẽ có điều kiện học hỏi thêm cháu Thiện, nó sẽ tiến bộ...
Bà Phương mủm mỉm cười và hất mặt  nói với mộ chồng
- Nhận đi. Có nhòm bài của Thiện. Nhận đi cho tiến bộ. Nhưng cũng ghi nhận anh có khả năng trình bày diễn giải tuyệt vời. Anh còn nhớ lần ba đứa đi thi học sinh giỏi toán của tỉnh không? Thiên ngồi cạnh Thiện. Thiên nhòm bài Thiện. Thế mà Thiên nhất, Thiện nhì. Công nhận học bài theo kiểu copy kiến thức nó ngấm nhanh và sâu anh nhỉ....
Tiếng bố Thiện: Ông nói sai rồi. Ông là cán bộ to của nhà nước, ông đặt con vào đâu chẳng được. Thằng Thiện nhà tôi phải chạy theo thằng Vinh mới phải lẽ.
Tiếng bố Phương: Ông Hách nói phải đấy. Gần mực thì đen gần đèn thì rạng. Cháu Vinh được gần cháu Thiện là rất tốt. Gì thì gì cũng phải có bột mới gột lên hồ. Ông Lành thật tốt phúc. Bà ấy chẳng may mất sớm nhưng đã để lại cho ông cháu Thiện. Trí lực của cháu mai sau sẽ vang lừng thiên hạ. Đời ông rồi sẽ: Kim vàng giọt lệ. Đúng là: Đẻ con khôn mát L.. rời rợi...
Bà Phương lại mủm mỉm cười. Bà quay sang nói với mộ bạn
- Phải công nhận anh là một thần đồng. Từ bé đến giờ em chưa từng gặp được người nào có trí nhớ như anh, có sức sáng tạo như anh. Bái phục. Bái phục. Anh Thiện ơi, thông cảm cho em nhé. Dù rất yêu anh, em cũng không bao giờ dám lấy anh đâu. Bọn thiên tài các anh là cực kỳ ích kỷ. Các anh chỉ biết thoả mãn niềm say mê của mình còn thì quên tất, mặc tất. Sự sáng tạo của các anh có thể mang đến cho mọi người niềm vui, hạnh phúc nhưng vợ các anh - người thân yêu nhất của các anh thì sẽ lãnh đủ. Đấy là em nói tới những thiên tài gặp thời gặp vận. Còn không thì... Anh thấy đời anh đấy.Chữ tài đi với chữ tai một vần. Nhân đây em cũng thay mặt anh Thiên xin cảm ơn những phát hiện quí báu của anh, những thông tin dữ liệu chính xác của anh. Chính chúng đã giúp em và anh Thiên dễ dàng giành được học hàm giáo sư - tiến sĩ...
Bà Lan Phương đột ngột dừng tâm sự khi bỗng nghe đầy không gian  tiếng cười sang sảng của chồng. Thiên hùng hồn nói: Giáo sư - tiến sĩ có gì oai hùng mà ơn mà huệ. Hàng nghìn hàng vạn giáo sư - tiến sĩ mà đã mấy ai biết mặt biết tên, mấy ai đuợc nổi danh như những ông nông dân sáng tạo ra bẫy chuột, máy hút bùn... Các giáo sư - tiến sĩ đâu mà các phương tiện thông tin đại chúng bùng nở những lời “ Giáo huấn ca” của các hoa hậu, ca sĩ, siêu người mẫu. Ngay cả danh xưng cũng thật tệ. Họ thì Thuý Ngà , Thuý Ngọc... Mình thì, các giáo sư đầu ngành khả kính cũng chỉ: Ngoan dại, Phong sọ não, Tiến tâm thần, Quang phụ khoa...
Bà Phương cười quay sang mộ bạn nói:
- Anh Thiên nói đúng đấy. Giáo sư - tiến sĩ cũng không sang lắm đâu. Người trí thức muốn sang thì phải biết xu thời anh ạ. Có xu thời tài năng mới được sử dụng. Tài năng được sử dụng mới có ích cho đời. Mặt này anh phải mang ơn vợ chồng em nhiều lắm. Không có chúng em thì mồ hôi, nước mắt, tài năng của anh cũng chỉ là đống giấy lộn tự huỷ theo thời gian. Ma nào biết mà vận dụng vào đời sống để phục vụ cho đời. Bà Phương vừa dứt lời, những bông hoa cứt lợn nhỏ xíu, trăng trắng cuộc đời, tím lịm ước mơ rưng rưng khóc. Bà Phương khẽ thở dài nhớ về những ngày hè của mười hai năm trước...
Matxcowa, một ngày nắng đẹp. Ánh nắng nhuộm hồng những đôi má nhăn nheo của các cụ già. Thiên nhiên Nga bừng tỉnh sau giấc mơ tình nồng nàn ấm áp. Viện sĩ Mi kha Nốp viện trưởng viện hàn lâm khoa học cộng hoà liên bang Nga cùng các cộng sự lừng danh trong trang phục chỉnh tề, sang trọng niềm nở đứng đón khách ngay từ sảnh lớn của hội trường. Thiên- trưởng đoàn khoa học phía Việt nam, sải những bước đi dài nhanh đến phía đoàn viện sĩ nước chủ nhà. Bà Lan Phương trong bộ áo dài nền nã, sang trọng, miệng tươi cười, mặt, mắt rạng ngời hạnh phúc ôm bó hoa rực rỡ trước ngực lướt nhẹ theo chồng. Hôm nay, Thiên sẽ thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày công trình khoa học “Phương pháp mới xác định vị trí, trữ lượng, hàm lượng một số tài nguyên chiến lược dưới lòng đất - Quan điểm sử dụng tài nguyên một cách hữu hiệu và thân thiện với môi trường” trước rất nhiều các nhà khoa học chuyên ngành hàng đầu thế giới. Công trình khoa học của cả đời bà, đời chồng và nhất là đời Thiện. Hôm nay, bà đẹp, bà đẹp hơn hoa. Có lẽ vậy, nên khi bà trao hoa cho viện trưởng viện hàn lâm khoa học nước chủ nhà, ông đã ôm cả hoa, cả bà trong vòng tay thân thiện. Buổi hội thảo thành công rực rỡ. Sau những đợt vỗ tay như sóng dậy của những con người rất ít biết vỗ tay trong khoa học, viện trưởng nước chủ nhà nói nhỏ vào tai Thiên câu gì đó mà Thiên ôm vội bó hoa truớc mặt bước nhanh ra khỏi hội trường. Cả đoàn vội theo ra. Họ đi rất nhanh qua khu sân sau của viện, đi về phía cây sồi cổ thụ. Thì ra, ở đó có một ông già dáng lòng khòng tóc lưa thưa trắng đứng nép mình dưới gốc cây. Ông là viện sĩ Ivanôvich lừng danh - thày dạy của Thiên của Thiện và của bà. Bà Lan Phương lao đến ôm thày. Thiên trân trọng trao thày bó hoa. Ông lơ đãng nhận hoa và ngơ ngác hỏi:
- Thiện đâu? Thiện đâu ? Hôm nay tôi mệt không đến hội thảo được. Giờ cố đến đây mong gặp tác giả của công trình nghiên cứu ... Thiện đâu?
Thiên phật ý trả lời:
- Thiện chết rồi !
Viện sĩ ngớ mặt nhìn Thiên, rồi như người nặng tai ông nói vu vơ:
- Chết à ! Chết à ! Bệnh gì ?
Thiên chủng chẳng
- Bệnh gì đâu. Chết vì tội ăn cắp. Ăn cắp.
- Anh nói sao? Anh nói sao? Viện sĩ nói lắp bắp rồi từ từ khuỵu xuống.
Lan Phương dìu thày ngồi xuống gốc cây sồi. Lát sau bà rủ rỉ kể:
- Anh Thiên nói đúng đấy thày ạ. Ngày về nước, do kết quả học tập và cũng do bố anh Thiên lúc này là cán bộ chủ chốt của bộ nên anh Thiện được phân công về vụ chính trị - Một vụ đặc biệt quan trọng có nhiều khả năng thăng tiến. Nhưng chẳng hiểu sao anh Thiện một mực phản đối, cứ đòi về viện nghiên cứu. Phản đối không được, từ đó Thiện rất chểnh mảng công việc được giao, luôn tìm cách trốn việc, tự bỏ tiền túi đi thực địa. Những ngày này bố Thiện phải bán nhà đất ở quê để cấp tiền cho con thực hiện ước mơ. Nhưng thày bảo, mấy sào vườn khô cằn, căn nhà lá xiêu vẹo ở cái làng quê chó ăn đá gà ăn sỏi thì bán được bao nhiêu tiền. Những ngày này em cùng Thiện lê chân trên các ngả đường, ăn mắm mút giòi, gặm bánh mỳ uống nước suối.... Công trình nghiên cứu của Thiện đã thu được rất nhiều kết quả khả quan có thể nói là gần hoàn thiện thì ... Bỗng nhiên, một đêm đông Thiện rét quá, không chịu được, anh lấy bàn nghế cơ quan ra đốt sưởi. Người ta cho là Thiện bị tâm thần nên vội vàng đưa anh vào viện chạy chữa. Ra viện thì anh bị tâm thần thật. Lúc này ở quê cha Thiện đã mất. Cơ quan cho Thiện ở nhờ một gian trong bếp ăn tập thể. Ngày ngày anh lang thang đâu đó. Đến bữa ai cho gì ăn nấy, không ai cho thì nhịn. Cho đến một ngày bạn bè kể lại với em chắc đói quá, đêm anh mò vào nhà dân định ăn cắp bộ quần áo đem bán đổi lấy bữa ăn thì trượt chân ngã từ tầng bốn xuống. Anh chết ngay lập tức. Chết vô thừa nhận....
Nghĩ đến đây bà Lan Phương rút mùi xoa chấm mắt rồi chăm chắm nhìn vào mộ bạn. Những bông hoa cứt lợn dưới nắng chan hoà cũng cố ánh lên những nét trắng trong, những ánh tím thuỷ chung say đắm...Tất cả, tất cả những bông hoa cứt lợn dịu dàng đong đưa, bẽn lẽn nhấp nhô trên thảm lá xanh rờn. Bà Lan Phương từ từ đứng dậy, bẻ một nhành cây trạng nguyên bên mộ chồng cắm sang mộ bạn. Rồi cắm trước mộ bạn một tấm bia nền đen trên khắc hai câu thơ không đầu, không cưối, không tác giả lấp lánh ánh vàng:
...Vi anh khát một bát nước trong        
Nên phải uống cạn dòng sông đục...   
Xong xuôi bà Lan Phương lững thững ra về. Hình như lòng bà thanh thản hơn và thiên nhiên làng quê hình như cũng thế.    
*.
LÊ MAI
Địa chỉ: Nhà N5A Trung Hòa, Nhân Chính
Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Email: lemai703hn@gmail.com
Điện thoại: 0973418667.
.




…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 19.04.2017
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét