MỜI ĐỌC:

Thứ Tư, 19 tháng 4, 2017

NẠN NHÂN CỦA CHỮ - Tùy bút Song Nhị (Hoa Kỳ)

(Nguồn ảnh: internet)
NẠN NHÂN CỦA CHỮ
*
Chị và tôi sống chung trong một thị trấn nhỏ. Chị là hàng xóm và bạn thân của dì họ tôi nên từ nhỏ tôi đã biết và rất thích chị. Lớn lên tôi và chị vẫn giữ mối giao tình như ngày cũ. Nếu không có chị khuyến khích cũng như chỉ dẩn bước đầu thì tôi đã không có gan giỡn chơi với chữ như ngày hôm nay. Chị có một cái tên rất đặc biệt ấn tượng so với mọi người xung quanh gần như là ít bị trùng với ai. Chị bảo do ba chị lấy từ một địa danh kỷ niệm và ghép ra. Chính vì vậy mà chị dùng nó làm bút hiệu cho mình mà chẳng cần một cái tên khác thay thế.
Thời mới lớn nghe ai bảo ''Hồng nhan đa truân'' tôi ghét lắm bởi vì tôi
(Nhà văn Song Nhị)
không tin.
Tôi được giáo dục trong môi trường mới tôi cho rằng thời bây giờ làm đàn bà con gái mới là số một. Chuyện gì cũng được ưu tiên những người như tôi ngày nay đâu có sống trong bốn bức tường của gia đình như xưa. Có sự nghiệp, có ước mơ. Vui thì đi làm buồn xách giỏ vi vu du lịch. Chẳng ai cản trở, được quyền chọn lựa hôn nhân. Ấy là chưa nói được pháp luật thời nay bảo vệ. Chẳng nói điêu đâu nhé nhìn ra bên ngoài mà xem. Đàn bà bên này nhiều khi li dị xong chợt bất ngờ giàu có. Còn đàn ông nhiều lúc mém tán gia bại sản tới nơi. Nhưng bây giờ tôi bắt đầu tin có những thứ số phận nó chực chờ để dè bẹp những người đàn bà đã xinh đẹp còn thêm tài hoa.
Thời đi học chị yêu thơ là một cây bút của trường. Chị thương một anh học trên hai lớp. Cuộc tình của họ mộng mơ, trong sáng như bao nhiêu mối tình đầu khó quên trong đời. Ngay lúc đó gia đình anh được đi Mỹ theo diện HO. Anh không thể bỏ gia đình mà ở lại Việt Nam một mình. Anh nghĩ qua đó được học hành thêm, cố gắng kiếm tiền để lãnh chị qua đoàn tụ. Qua tới đấy mới hiểu một chuyện đâu đơn giản như anh nghĩ. Những ngày tháng đầu họ vất vả để theo kịp nhịp sống mới. Anh phải gồng gánh nhiều thứ vì đám em nhỏ đang tuổi học, tuổi lớn.
Chị ở bên này ngóng chờ từng cánh thư đang thưa dần . Mẹ chị đau bệnh thường xuyên lo con gái không có ai nương dựa bà khuyên chị lấy chồng. Người mẹ chị chọn là con người bạn thân ở trên xóm chợ. Gia đình họ có một cửa hàng bán vải uy tín. Anh con trai ấy là người hiền hậu, tử tế. Con gái xuân thì có lúc, trong khi giấc mơ anh rước chị qua đoàn tụ qúa xa vời. Chị lên xe hoa như điều hiển nhiên.
Sáu tháng sau, chị và chồng đệ đơn thuận tình li dị mặc cho gia đình ngăn cản. Giữa họ không có bất hòa gì. Không con cái, không tài sản chung anh chị li dị nhanh chóng dễ dàng. Phiên tòa kết thúc anh còn đưa chị về tận nhà. Lúc chia tay ở cổng, anh bịn rịn mắt long lanh như có nước. Ai tra vấn lý do chị cũng không nói. Chị ôn thi và lên sài gòn để đi học lại. Chồng chị một năm sau thì có vợ khác. Gần cả chục năm sau chị mới nói cho dì tôi biết lý do li dị của họ. Gia đình anh chọn chị vì chị giỏi giang biết tính toán quán xuyến. Chị không thương anh và anh cũng không thương chị. Người anh thương là một con gái con nhà nghèo ở xóm đạo. Dĩ nhiên là hai gia đình không thể ngồi sui với nhau do những suy nghĩ về tôn giáo và tư tưởng môn đăng hộ đối.
Cưới nhau về anh vẫn lén đi lại với cô gái kia. Khi chị biết chuyện cũng là lúc cô gái kia phải bỏ đi giọt máu của mình. Chị bảo chị không cao thượng gì đâu chỉ là bám víu làm chi để khổ cả ba người. Chị là đàn bà nên chị đau cho nỗi đau đàn bà. Với tính cách của hai người anh và chị mãi mãi không thể nào nảy sinh tình yêu. Thôi thì chị lui một bước để giữ cái nghĩa cùng nhau. Để vẫn còn xem nhau như bạn bè tốt và mưu cầu hạnh phúc cho chính mình.
Học xong chị trở về quê vào làm trong Ngân hàng ngay thị trấn gần nhà. Ngoài công việc và gia đình chị bắt đầu viết thơ lại như một cách giải trí để cân bằng. Với cá nhân tôi mà nói chị thật sự làm thơ rất hay. Những bài thơ chị viết đằm thắm tình yêu như chính tâm hồn của chị. Chị có một lượng độc giả nhất định. Chị cũng từng đoạt giải nhất về thơ do công đoàn tổ chức. Thời buổi công nghệ thông tin tuy không phải là nổi tiếng gì nhưng chị vẫn được nhiều người trong giới công chức biết tới. Những bài thơ của chị xuất hiện điều đặn trên báo tỉnh cùng vài tờ báo giải trí văn nghệ được lưu hành trong khối cơ quan nhà nước. Chị cũng hay đi tham gia giao lưu văn nghệ này nọ để gặp gỡ những người có sở thích như chị.
Một ngày chị gặp một ông nhà ''dăng'' cũng là công chức trong tỉnh. Gọi là ông không sai bởi ông cháu nội, cháu ngoại đầy đàn. Ông sống yên ấm gương mẫu bên vợ con chờ ngày về hưu vui thú điền viên. Ngay lần đầu gặp chị ông đã khen ngợi những bài thơ chị viết. Ông khuyên chị nên thử viết văn bởi ông cho là chị có năng khiếu. Thấy ông bậc cha, chú lại hòa đồng dễ gần chị lấy làm qúy mến. Chị nghe lời ông chuyển qua viết thử văn. Đầu tiên là đoản văn ngắn sau kế vài bài dạng ''những gì trông thấy''.
Ban đầu chị e dè nhưng thấy ông hoàn toàn vô tư không có vụ lợi gì trong hành động hay ngôn ngữ nên chị cũng yên tâm. Thỉnh thoảng viết được bài văn nào mới chị cũng gởi cho ông xem để cho ý kiến. Đôi khi gặp những chuyện không vừa ý trong công việc chị cũng hay chia sẻ để lắng nghe kinh nghiệm của bậc đi trước. Chị ghé nhà thăm gia đình ông khi có dịp lên tỉnh. Thỉnh thoảng đi cà phê nói chuyện chữ chuyện đời. Hẳn nhiên ông biết câu chuyện hôn nhân đổ vỡ của chị. Cũng như hiểu rõ hơn ai hết những bài thơ chị viết là dành cho người tình trong mộng thuở xưa. Dẫu anh và chị không còn liên lạc gì với nhau và anh bây giờ chắc đã yên ấm bên gia đình .
Hai năm trước chị quen anh khi đưa đứa cháu đi học. Anh là hiệu phó của trường tiểu học. Góa vợ hơn mười năm một mình nuôi đứa con khôn lớn nhà anh ở xã bên cạnh. Bao nhiêu năm nguội lạnh với tình cảm anh bỗng xao xuyến trước chị. Phần chị cũng không ngờ bao nhiêu năm từ chối rất nhiều đàn ông đầy đủ điều kiện giờ lại rung động trước anh. Bạn bè người thân ai biết chuyện cũng vun vào và mừng cho cả anh lẫn chị. Người ta bảo trái cây cuối mùa bao giờ cũng ngon. Hạnh phúc tới muộn luôn là thứ đáng để nâng niu.
Vui với tình yêu mới chị chẳng còn hứng thú với chữ và những bài thơ xám xịt ngày cũ. Một hôm tiện đường đi lên tỉnh chị xách mớ trái cây ở quê và ghé thăm ông chú nhà văn. Mấy bữa trước ông gọi điện thoại hỏi thăm chị có khoẻ không? Sao dạo này ít thấy thơ chị và chị xuất hiện trên mấy tờ báo mạng. Chị nhủ thầm xem như cách cám ơn tấm thịnh tình của ông. Chị thành thật đem tất cả mọi chuyện kể như muốn sẻ chia niềm vui. Trong khi chị bảo sắp tới chắc chị sẽ gác bút vì muốn vun vén tình cảm. Chị chẳng còn hứng thú để viết nữa. Chị gần như mém té ghế khi ông nhà văn run run (chắc do tuổi cao sức yếu ) bảo rằng: ''Anh để ý thương em từ lâu''. Khỏi nói chị tá hỏa tam tinh cở nào.
Nhiều lần chị ngồi xét lại coi mình có làm gì khiến người khác hiểu lầm. Nhưng chị đành chịu thua. Uống cà phê được năm lần cũng chưa lần nào nói chuyện gì dính dáng tình cảm. Chưa nói tuổi ông ta còn hơn hơn tía chị ở nhà. Gia đình ông ta rành rành ra đó ông ta cũng luôn ra rả là mình rất hạnh phúc và yêu thương vợ. Chị thở dài nghe có cái gì đó thất vọng dâng lên. Thuận theo tự nhiên chị cắt đứt mọi liên lạc giữ khoảng cách an toàn. Cẩn thận hơn nơi nào có ông nơi đó không có chị .
Cách đây sáu tháng ông nhà văn thông báo với mọi người rằng mình chuẩn bị in tập truyện ngắn thứ hai rất đặc sắc để tặng mọi người. Ông ta lấy câu chuyện mà ông ta cho là hay nhất làm chủ đề có cái tên: Yêu Một Nàng Thơ. Tập truyện ra sao có bao nhiêu truyện thì chưa ai biết. Nhưng riêng truyện ngắn Yêu Một Nàng Thơ thì xuất hiện gần như trên tất cả trên những tờ báo văn nghệ, văn gừng quen thuộc . Bằng cái kiểu đi đâu cũng thấy của phương pháp tự post. Hẳn nhiên tờ báo tỉnh làm sao mà thoát được khi ông có chân trong ban biên tập mục thơ văn. Theo mô típ quen thuộc những người bạn văn chương của ông sẽ vào bình loạn, phân tích. Ca ngợi tác phẩm ấy mà đem đi dự thi dám hổng chừng nổi tiếng lắm à.
Truyện ngắn Yêu Một Nàng Thơ kể về mối tình của anh chàng sinh viên trẻ và cô nữ sinh duyên dáng xinh đẹp. Họ tình cờ quen nhau, yêu nhau nhưng vì những định kiến giàu nghèo và nhiều thứ khiến gia đình phản đối. Anh sinh viên buồn đời bỏ đi phương xa lập nghiệp. Cô nữ sinh bị gia đình bắt lấy một cậu ấm sau khi gom hết những gì có được dâng cho người yêu. Sau đó cô nữ sinh bị chồng bỏ rơi. Mười mấy năm sau anh sinh viên quay trở về khi đã giàu có nứt tường đổ vách và tình cờ gặp lại người xưa. Nhưng định mệnh lại bắt họ xa nhau lần nữa vì anh ta đã có vợ. Không muốn người yêu vì mình khó xử ,cô quyết định lấy một gã trọc phú. Cốt ý để anh đau lòng mà trở về với trách nhiệm người chồng, người cha. Tất cả câu chuyện là như vậy. Hay dở tùy người đọc và sóng gió nổi lên từ đó.
Nếu một người bình thường xa lạ đọc thì không có gì phải bàn cãi. Nhưng với những người như tôi chẳng hạn. Chẳng khó gì để nhận ra cô nữ sinh ấy là bản sao được viết dựa trên người thật của chị. Tôi còn có thể nhận ra thì nói chi những người làm chung hay quen biết với chị. Chưa nói khung cảnh trong câu truyện gần như là bê nguyên xi địa danh bên ngoài vào. Dễ dàng nhận ra chị khi đọc những miêu tả liên quan. Môi trường thơ văn chị chơi thuộc giới hạn ít người. Người này quen biết người kia là chuyện bình thường.
Mọi chuyện chẳng có gì là nghiêm trọng nếu người này không rỉ tai người kia về nội dung câu chuyện. Thị phi theo những cái nháy mắt, nụ cười ý nhị mà sinh sôi ra. Càng khốn khổ hơn khi thị phi đó rơi vào tay những kẻ vốn không ưa gì chị. Đời mà, có ai mà không bị ganh tị, ghen ghét đâu huống chi trong môi trường ghế ít đít nhiều như chị. Tội gì mà không nhân cơ hội để dìm nhau. Một đồn mười. Qua bàn tay nhào nặn của những bà thím, bà mợ nhiều ''chiện'' thì con chuột trở thành con voi có tám cẳng bốn đầu. Cứ như thế lan dần ra cuộc sống cá nhân của chị. Người ta bàn ra tán vào khiến số người biết câu chuyện lan ra theo cấp độ số nhân.
Với bút pháp tài tình của mình ông nhà văn ấy sơn phết cho nhân vật đầy màu sắc. Đầu tiên là má nhân vật chính được ví như kẻ coi tiền trên hết. Bứt ép con gái nếu không chịu lấy chồng sẽ tự vận. Ngày cô nữ sinh lên xe hoa thê thảm còn hơn Chiêu Quân cống Hồ ở bên tàu. Coi như là thứ đều bị trói cẳng, trói giò quẳng lên xe hoa. Ơn trời, má chị ở bên ngoài chỉ nghe cô cháu gái kể lại sơ sơ mà đã lên tăng xông. Nếu bác ấy chính mắt đọc dám ngất xỉu chứ chẳng chơi.
Nhân vật tiếp theo là chồng cô nữ sinh trong truyện được mô tả là một gã đàn ông vô cùng thô lỗ. Có vấn đề trong chuyện gối chăn. Hận nhân vật nữ chính luôn tơ tưởng tình cũ và không yêu mình nên chà đạp thân xác không thương tiếc. Người biết chữ nghĩa còn hiểu chuyện đôi khi hư cấu để thêm phần hấp dẫn. Người dân quê chữ nghĩa không nhiều, bụng dạ quen đơn giản thì phân biệt được bao nhiêu đây.
Coi phim, biết là phim mà mấy bà cô, bà dì còn chưởi bới nhân vật ác tơi bời. Huống hồ được thêm thắt từ những kẻ không ưa chị nó càng trở nên lâm ly hơn. Lâu nay người ta cứ thắc mắc không hiểu vì sao anh chị li dị chỉ sau sáu tháng cưới nhau. Vậy là hiển nhiên anh bị gán cho cái câu: ''Nhìn mặt hiền lành vậy ai dè biến thái. Hèn chi con vợ không chịu nổi phải bỏ của chạy lấy người mà không dám nói lý do''. Khốn cho anh chồng cũ của chị không dám ra sạp vải để buôn bán kinh doanh như thường ngày. Uy tín buôn bán bị giảm sút. Đám em của anh tức giận nặng nhẹ đôi lời cùng chị. Đám em chị cũng không vừa đáp trả lại. Chút tình nghĩa giữa hai gia đình và anh chị cũng theo đó mà sứt mẻ tan tành.
Người cuối cùng là anh người yêu của chị hiện tại. Anh thì không tin cũng không để ý cái gọi dư luận nhưng nhà anh thì khác. Gia đình anh lập tức mở cuộc họp gia đình và kết qủa đưa ra là ngày cưới của anh chị được dời lại vô thời hạn. Người ta xầm xì non già chị trước nay đoạn tuyệt với đàn ông không phải treo cao giá ngọc mà phía sau đã có một người tình trong bóng tối. Những vật chất chị vất vả dành dụm mua được bây giờ được gán là do ông bồ việt kiều tặng coi như bù đắp. Người ta còn kháo nhau hằng năm anh bồ cũ đều về Sài Gòn để nem chả cùng chị. Không có lửa sao có khói bằng chứng là những bài chị viết đều khóc cho chuyện tình oan trái.
Trong truyện ông nhà văn ấy mô tả nhân vật nam chính đẹp trai hào hoa cở Brad Pitt ấy. Đàn bà con gái thấy thì chỉ có bò lết chạy theo, mỗi tội có vợ thôi. Chưa nói là ngoài hình dáng anh ta còn cực kỳ phong độ lái xe hai cửa cở Audi R8 lướt trên đường. Đẹp ngất ngây con gà tây chớ chớ chẳng phải thường. Anh ta còn văn hay chữ tốt nhìn con gà là xuất khẩu thành thơ ra Phượng Hoàng liền. Chả trách nữ nhân vật chính yêu sống yêu chết.
Khổ nỗi có lấy kính hiển vi soi từng con chữ cũng chẳng phát giác ra được nguyên bản của nhân vật ấy là ông lão đầu hói, răng rụng chạy chiếc Wave tàu. Duy chỉ có chị và một số người biết rõ mà thôi. Dựa theo mô tả như: sở thích, tính cách vv.vv. Anh bạn ngày cũ của chị có nhai mười cây bút cũng không làm nổi hai câu thơ. Nói chi tới chuyện là một nhà văn nghiệp dư nhưng rất được mến mộ như nhân vật nam chính kia. Thế mới biết chữ nghĩa nhiều khi có ma thuật còn hơn của mấy bà phù thủy trong truyện cổ tích của con nít thường đọc.
Tác giả vô tình hay cố ý thì có chính ông ta mới biết được. Ông ta có thêm bao nhiều người hâm mộ nữa thì không ai biết. Nhưng hậu qủa thì chị lãnh đủ. Những bạn bè thương chị ngoài tội nghiệp an ủi chị thì cũng không thể làm gì khác. Chẳng lẽ đi kiện nhau, kiện về tội gì? Bôi nhọ danh dự người khác chăng. Ông ta đâu viết gì bậy bạ kiện ở đâu? Cũng đâu có dại mà gọi đính danh tên họ thật của chị. Đâu ai bị bỏ tù về sản phẩm tưởng tượng của mình trong khi nó không liên quan chính trị, quốc gia hay thuần phong mỹ tục. Nói không khéo tập hai ông ta cao hứng cho nhân vật chính thành ả cave nào thì càng thêm khốn. Còn như năn nỉ ông ta hủy nó đi. Nhưng đâu có tẩy nảo được những người đã đọc. Chưa nói cái thế giới mạng bây giờ mênh mông, xóa được hết mới sợ. Há miệng mắc quai trăm sai ngàn sai cũng do chị . Chị không nói thì làm sao người ta biết rõ ngọn ngành. Tóm gọn lại bụng làm dạ chịu vậy thôi.
Ban đầu chị im lặng nín nhịn với hy vọng tất cả nhanh chóng chìm xuống. Giải thích với đôi người thân quen là trùng hợp. Liên tục mấy tháng chị chịu không biết bao nhiêu những cái nhìn soi mói cùng những câu nói bóng gió. Chị khóc thầm mất ngủ không ít đêm. Tất cả làm chị trở nên stress nặng ảnh hưởng nghiêm trọng tới công việc hiện tại. Đôi ba tháng sau những đàm tiếu lắng bớt xuống như lẽ tự nhiên. Nhưng những vấy mực về chị thì không hề phai.
Trong mắt nhiều người chị là một kẻ không ra xét về nhiều mặt. Vài người bạn thơ cũ cũng lánh xa chị. Người rành chữ nghĩa như họ biết truyện thì phải có hư cấu không phải phóng sự mà sao y bản chính. Nhưng người ta lại xầm xì rằng chị và ông nhà văn có gì đó mờ ám với nhau. Nếu không ông ấy đâu có đưa chị vào tác phẩm của ông. Đâu có bỏ công tô son trét phấn cho chị thành xinh đẹp mĩ miều. Kẻ ganh tài lại được dịp dè bĩu. Lắm kẻ ác miệng còn bảo chị lấy thân nuôi chữ, lấy cái thật đi mua danh ảo ...
Cuối cùng rồi anh người yêu hiện tại cũng chia tay với chị. Anh không thể vượt qua hay chịu đựng được những đàm tiếu về con đường tình ái phức tạp chị. Anh biết chị vô tội nhưng người nhà anh, mẹ và con cái đều nhất quyết phản đối. Anh làm trong môi trường sư phạm càng cần phải gương mẫu. Anh không thể quay lưng với mọi người để tiếp tục cùng chị. Chị hiểu anh, chị thông cảm nhưng trước chị đã buồn giờ càng buồn thêm.
Sau chuyện anh rút lui người ta càng được dịp tiếp tục mổ xẻ. Người ghét không hiểu bảo đáng đời. Người thương hiểu cũng trách chị không ít. Trách chị tuổi đó còn dại dột không biết lựa bạn mà chơi. Đàn bà con gái nấu cơm ngon là được rồi đèo bồng văn thơ làm chi cho chuốt họa vào thân. Ngày trước chị thường tham gia những sinh hoạt cộng đồng hoặc hay cùng bè bạn cà phê tán gẫu. Bây giờ ngoài giờ làm chị rút ở trong nhà. Ngay cả sở thích làm thơ hay chat chít cũng dẹp qua một bên bởi chị đã đủ hãi hùng rồi.
Cuối năm ngoái khi xét thưởng để thăng chức. Do năng lực làm việc về sau của chị giảm sút, không tốt. Vị trí trước đây ai cũng chắc tám phần thuộc về chị giờ dành cho cô bạn đồng nghiệp. Bao nhiêu nỗ lực cố gắng của chị trong một thời gian thành công cốc đổ sông đổ biển. Buồn phiền, chán nản nhiều thứ chị xin chuyển công tác về một chi nhánh trong vùng sâu. Cách trị trấn đang ở khá xa đường đi khó khăn vì phải qua sông, qua phà. Cuối tuần chị phải về thăm nhà nếu không muốn một mình lẻ loi nơi ấy.
Trước giờ chị vẫn thường xuyên email cho tôi để chia sẻ chuyện trò vui buồn. Dạo gần đây ngoài những điều đó thỉnh thoảng kèm theo một bài thơ. Email tôi nhận vào hôm nay cũng như thế. Tôi không thuộc nhóm người ủy mị hay giỏi đọc tâm tư người khác qua chữ. Với tôi chữ và người là hai phạm trù khác biệt. Nhưng thú thật tôi thấy trong lòng dâng lên rất nhiều cảm xúc khi đọc xong bài thơ lần này. Tôi cảm nhận được từng câu chữ cay đắng, bức bối đè nén và cả chua xót.
Đôi ba lần tôi gợi ý chị tạo một cái nick. Sau đó vào chơi thơ ở trang web tôi đang chơi cho có chị có em. Trước là giải trí sau là bởi vì tôi thực sự thích thơ của chị. Ở nơi đó gần như không ai biết gì về chuyện trước đây của chị. Nhưng chị đều từ chối, chị bảo rồi cũng có những người đọc nhận ra qua cách viết. Thế giới ảo đôi khi cũng không khác chi thế giới thật một người biết ắt sẽ có hai người biết và cứ như thế. Đành rằng, không ai nói gì hay động chạm tới ai trên ấy. Nhưng trên hết là chị qúa sợ, qúa chán những điều xảy ra đằng sau cây bút. Không muốn post những cái mình viết ra ngoài. Dẫu chị vẫn yêu thơ, yêu chữ tha thiết.
Đêm nay tôi mở tất cả email của chị và ngồi đọc lại những bài thơ chị gởi. Tôi thừ người trong niềm suy tư của cá nhân riêng mình. Nhớ tới cái dáng lủi thủi của chị dắt xe ra đầu ngõ để trở về nơi làm vào chiều chủ nhật. Tự dưng, tôi nghe có một nỗi buồn man mác đang lảng vãng quanh mình. Nỗi buồn ấy bước ra từ suy nghĩ của tôi hay từ những vần thơ vừa đọc tôi cũng chẳng biết nữa.
Ôi! Chữ với nghĩa, văn với thơ. Chữ thì nằm sờ sờ ra đó chứ cái ''nghĩa'' nhiều khi bị chuột gặm mất tiêu rồi.
*.
Nhà văn SONG NHỊ
Địa chỉ: San Jose, California, Hoa Kỳ..
Emali: songnhi_2000@yahoo.com
.







............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 05.01.2017.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang blog Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét