MỜI ĐỌC:

Thứ Năm, 20 tháng 4, 2017

THẾ PHÁT XUẤT GIA TRONG PHẬT GIÁO - Tác giả: Vũ Quế Lâm (Hà Nội)

(Nguồn ảnh: internet)
THẾ PHÁT XUẤT GIA
TRONG PHẬT GIÁO
*
Thế phát xuất gia là gì? Hiểu nôm na là Xuống Tóc Quy Y Cửa Phật.
Thế phát xuất gia rất quý báu và mang lại công đức rất nhiều cho người Phật tử. Xưa nay, việc làm này luôn được chú trọng tại các chốn tòng lâm. Nó đã thể hiện được tinh thần tiếp tăng độ chúng cũng như báo Phật ân đức mà chư liệt vị Tổ sư đã chỉ dạy.

Thế phát xuất gia là gì?
(Tác giả Vũ Quế Lâm)
Thế phát xuất gia là cạo bỏ mái tóc, từ bỏ đời sống gia đình vĩnh viễn xa lìa đời sống tình ái của thế nhân, đi ngược lại dòng đời nương theo thầy tổ để học hạnh nguyện của người thoát tục cũng như lấy đời sống đạo đức và chánh pháp cao thượng làm người bạn đời, quyết tâm hướng đến con đường giác ngộ và giải thoát cho bản thân và tha nhân. Do đó xuất gia không phải là sự chán đời hay chạy trốn thế gian. Xuất gia chỉ vì con đường giác ngộ mà đức Phật và các bậc thầy tổ đã đi qua là con đường vững chải, an vui và có khả năng chuyển hoá giúp chúng ta vượt thoát khỏi nhà lửa ba cõi và không còn bị dòng đời cuốn trôi. Bản thân là người đã từ vô lượng kiếp gieo trồng căn lành nên có thể nay gặp được duyên tốt và xuất gia học Phật thực tập hạnh từ bi trí tuệ. Hạnh nguyện cao cả ấy muốn được thành tựu, trước tiên phải giữ giới pháp trong sạch cũng như sống đời đạo đức, tu tập thiền định và cố gắng phát triển trí tuệ.

Những điều phát nguyện xuất gia
Khi phát nguyện xuất gia người Phật tử phải ý thức được rằng xuất gia là lý tưởng sống theo hạnh nguyện xuất trần cao cả của các đức Phật và các bậc thầy tổ nên chính người đó nguyện cắt bỏ hoàn toàn đời sống ái dục, trọn đời sống độc thân nhưng giữ giới hạnh trang nghiêm và thanh tịnh. Và phải biết xuất gia là con đường tu học và hành trì lâu dài đòi hỏi đến lòng kiên nhẫn và nhiều nguyện lực nên phải cố gắng vượt qua tất cả các thử thách và chướng duyên và không chạy theo danh lợi thấp kém cũng như không phản bội lại lý tưởng của Phật pháp, quyết chí đạt được giác ngộ và giải thoát.

Nghi thức thế phát xuất gia
Để được xuống tóc thì quý chú tập sự phải trải qua ít nhất 6 tháng tu tập tại bổn tự. Trong thời gian đó chư Tăng sẽ xét đạo đức, hạnh kiểm và tác phong của từng người. Ngoài ra các chú phải thuộc lòng các thời khóa tụng và đặc biệt là không mắc phải các già nạn của người xuất gia. Sau khi quang lâm giảng đường và tiến hành nghi thức niêm hương bạch Phật, đại diện các giới tử dâng lời tác bạch xuất gia. Các thiện nam tử phải là những người có căn lành, phước đức và nhân duyên rất lớn, tuy còn trẻ mà đã nhận ra sự vô thường, giả tạm của thế gian để sớm cầu giải thoát. Xuất gia không phải là việc mà người thiểu trí tầm thường có thể làm được nhưng đòi hỏi phải có chí nguyện và lòng từ bi đối với chúng sinh ngoài ra cần phải có sự hi sinh và quyết tâm hướng đến con đường giác ngộ giải thoát. Sau khi ban những lời pháp vàng ngọc cho các giới tử, thượng tọa đã tiến hành nghi thức thế phát cho quý chú. Tiếp đến thượng tọa giải thích về ba bài kệ đọc trong lúc thế phát để những vị tân xuất gia có thể tu tập và hành trì. Cuối buổi lễ, các chú lần lượt lên nhận pháp danh và quà tặng từ thượng tọa trụ trì.

Người đã xuất gia phải sống thế nào?
Là người xuất gia phải sống cho xứng đáng với chí nguyện của mình hãy làm cho Tăng đoàn hưng thịnh, Phật pháp trường tồn chứ đừng trở thành trùng sư tử ăn thịt sư tử. Tu tập giải thoát cần phải có sự quyết tâm, ý chí và nghị lực để vượt qua những khó khăn, chông gai và thử thách. Người xuất gia là người gánh vác sự nghiệp hoằng pháp chứ không phải xuất gia vì sự tầm cầu hưởng thụ dục lạc của thế gian do đó cần sống đời thiểu dục tri túc và đừng để vướng mắc vào ngũ dục tài, sắc, danh, thực thùy.
Đức Phật dạy rằng cuộc đời luôn chứa đầy đau khổ, từ vật chất đến tinh thần. Muốn thoát khỏi đau khổ không gì quý bằng con đường trở về nương tựa Phật Pháp Tăng, xuất gia với lý tưởng giác ngộ giải thoát và truyền bá lời Phật dạy để cứu độ chúng sinh. Trước khi phát nguyện trở thành người xuất gia chân chính tiếp nối công hạnh từ bi, trí tuệ của chư Phật thì người Phật tử hãy thành tâm sám hối những lỗi lầm đã tạo ra trong quá khứ cũng như trong hiện tại và hứa không bao giờ tái phạm.
*.
VŨ QUẾ LÂM
Địa chỉ: Thôn Thanh Thủy, xã Đông Xuân,
huyện Sóc Sơn, tỉnh Hà Nội.      





.............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 18.03.2017.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét