MỜI ĐỌC:

Thứ Bảy, 6 tháng 5, 2017

ĐỌC “HÀ NỘI QUÊ TÔI”, THƠ LÊ MAI - Tác giả: Châu Thạch (Đà Nẵng)

(Nguồn ảnh: internet)
ĐỌC “HÀ NỘI QUÊ TÔI”,
THƠ LÊ MAI
*
HÀ NỘI QUÊ TÔI

Tôi là người lao động, thế thôi!
Nhưng quê tôi:
Hà Nội!
Nơi tôi có mẹ già, mảnh đồng quê ngát hương đồng nội, thơm phố phường chật chội bon chen
Nơi tôi có người cha không quản phận nghèo hèn, gắng nuôi con không thua bè kém bạn.
Đất quê tôi không lũ cao nắng hạn
Chỉ chân trời trên nóc bếp cheo leo
Tuổi thơ tôi những năm tháng leo trèo
Bắt bọ ngựa,
dính ve,
trèo me,
ném sấu.
Lời rủ rê của lũ ve yêu dấu
Gọi hè về thúc nở những mùa chơi.
Cơm nguội vàng háo hức giục bàng rơi
Sông Hồng xoáy trong tôi dòng nước mát
Gió quê tôi đêm ngày vi vút nhắc:
Giếng Ngọc là của tôi
Giọt nước mắt tổ tông ngàn năm hãy còn nhức nhối trong đời
Cho tôi hiểu vì sao người Hà Nội, huyền thoại rồi còn rời rợi yêu thương.
Văn Miếu là của tôi
Pho sách thơm cha ông tạc để đời cho tôi hiểu vì sao người Hà Nội đốt trầm trong lúc đọc thơ.
Chùa Diên Hựu là của tôi!
Đóa sen tâm bừng nở ngát cõi người cho tôi hiểu vì sao người Hà Nội cấp gạo thuyền giặc chết khỏi tha hương.
Tháp Bút - Đài Nghiên là của tôi
Tả Thanh Thiên xao xuyến cả cõi trời, cho tôi hiểu vì sao người Hà Nội nâng cốm vòng trong những lá sen tươi.
Hồ Tây là của tôi!
Tấm gương trong mây hất tóc dỗi trời, cho tôi hiểu tình yêu người Hà Nội vì đâu mà vời vợi mênh mang.
Hồ Gươm là của tôi!
Lẵng hoa tươi thiên nhiên kết dâng người, thơm như môi con gái, mềm mại như tuổi dậy thì, liễu ven hồ chớp chớp làn mi... Đẹp đến thế sao mang tên Hoàn Kiếm? Lẵng hoa trời nền văn hiến trổ bông.
Đài liệt sĩ vô danh là của tôi
Và em là của tôi: Sự sống thiêng liêng kết bằng máu thịt người, cho tôi hiểu lẽ đời giản dị! Báu vật của đời được phép ví với em...
Tôi là người lao động
Thế thôi!
Nhưng quê tôi, Hà Nội!...
*.
LÊ MAI
LỜI BÌNH:
(Tác giả Châu Thạch)
Tôi là người sinh ra và lớn lên ở Miền Nam. Trước 1975 tôi còn trẻ lắm, tôi ước muốn được đến ngay Hà Nội khi nước nhà vừa ngưng tiếng súng. Thế nhưng mộng ước đó không thành vì ngày đó tôi phải lên núi để làm cái việc nhà nước gọi là “Học tập”. Sau đó tôi đọc về Hà Nội, tôi nghe về Hà Nội và tôi cũng có đến Hà Nội vài ba lần. Thật tình sao bây giờ tôi cảm thấy không có chút gì yêu Hà Nội như xưa cả. Có lẽ tôi giống như một đứa con bị cha đánh đau nên trong lòng xơ cứng cảm giác yêu thương quê nội. Rồi bỗng nhiên mấy ngày gần đây, khi tình cờ đọc được bài thơ “Hà Nội Quê Tôi” của nhà thơ Lê Mai, cái cảm giác yêu Hà Nội của tôi thời xưa ấy hình như có trở lại
Tôi thích bài thơ ngay từ ba câu thơ đầu tiên, và chính ba câu thơ đầu tiên đã lôi kéo tôi đọc toàn bài:
Tôi là người lao động, thế thôi
Nhưng quê tôi
Hà Nội!
Hà nội có quá nhiều thơ, quá nhiều nhạc ca tụng, những thứ thơ nhạc đó theo một trào lưu có sẵn, hay thì hay nhưng nghe vẫn thấy có gì không thật. Hà Nội thành thơ trong tay một người lao động có lẽ là một món ăn tinh thần mới lạ, gợi trí tò mò cho những ai từng ăn những món ăn có quá nhiều vị đậm, sinh ra nhàm chán. Đọc sách, đọc tin ta thấy người Hà Nội mỗi ngày thêm hư, nhưng chắc chắn, người lao động vẫn thế, vẫn là Hà Nội thanh lịch, cái thanh lịch ngàn năm tiềm ẩn trong con người Hà Nội mà vì nghèo không có điều kiện để hư. Người lao động có ai hư chăng, thì chỉ là cái bề ngoài phải thích ứng trong cuộc sống, nhưng trong tâm hồn họ, muôn đời là sự thật thà chơn chất, vẫn trắng trong như chữ thanh và hài hoà như chữ lịch. Vì thế, tôi có cảm tình ngay với bài thơ của “Người lao Động Hà Nội”.
Rồi bài thơ được tiếp nối bởi những câu kể lể về quê hương, về thời tuổi trẻ:
 Nơi tôi có mẹ già, mảnh đông quê ngát hương đồng nội, thơm phố phường chật chội bon chen
Nơi tôi có người cha không quản phận nghèo hèn, gắng nuôi con không thua bè kém bạn.
Đất quê tôi không lũ cao nắng hạn
Chỉ chân trời trên nóc bếp cheo leo
Tuổi thơ tôi những năm tháng leo trèo
Bắt bọ ngựa,
dính ve,
trèo me,
ném sấu.
Lời rủ rê của lũ ve yêu dấu
Gọi hè về thúc nở những mùa chơi.
Cơm nguội vàng háo hức giục bàng rơi
Sông Hồng xoáy trong tôi dòng nước mát
Gió quê tôi đêm ngày vi vút nhắc:
Kỷ niệm của quá khứ có đầy ở đoạn thơ này. Đó là cái quá khứ vui nghèo mà bất kỳ đứa trẻ nông thôn nào cũng nhớ. Đoạn thơ này có tác dụng khơi gợi ký ức, như một đoạn phim chiếu cảnh miền quê với tiếng nhạc êm đềm, làm thư giãn tâm hồn, chuẩn bị cho những màn đầy kịch tính được tiếp diễn. Thật vậy, ta giật thót mình khi đọc: “Giếng Ngọc là của tôi”. Lần đầu tiên tôi nghe một người nhận như thế và ngạc nhiên vì biết Giếng Ngọc là di tích của lịch sử. Và đây là lý do nhà thơ nhận Giếng Ngọc là của mình:
Giếng Ngọc là của tôi
Giọt nước mắt tổ tông ngàn năm còn nhức nhối trong đời
Cho tôi hiểu vì sao người Hà Nội, huyền thoại rồi còn rời rợi yêu thương.
Tác giả đưa Giếng Ngọc trong huyền thoại Trọng Thuỷ Mỵ Châu vào thơ, làm đại diện cho thứ tình yêu trong lòng người Hà Nội. Nhà thơ nhận là của mình để khẳng định bất kỳ người Hà Nội nào cũng giống ông, đều có thứ tình yêu thương rời rợi, diễm lệ và thâm thuý tình sử, giống như giọt nước trong veo của Giếng Ngọc. Hay của thơ ở chổ ghép ta vào người và ghép ngừoi vào ta, từ đó người đọc đồng cảm với Lê Mai là người Hà Nội và Người Hà Nội là Lê Mai.
Tiếp theo Giếng Ngọc, nhà thơ lại nhận thêm một thứ của thiên hạ thành của mình nữa:
Văn Miếu là của tôi
Pho sách thơm cha ông tạc để đời, cho tôi hiểu vì sao người Hà Nội đốt trầm trong lúc đọc thơ.
Tác giả xem Văn Miếu như một pho sách của tiền nhân mà con cháu đời nay thừa tự trong đó có ông. Cái câu “người Hà Nội đốt trầm lúc đọc thơ” biến câu thơ ông trở thành con Long con Phụng, chứa chấp ngàn năm văn hoá trong cử chỉ đọc thơ này, tôn vinh vẻ đẹp tinh thần của người Hà Nội, tạo một khung cảnh tôn nghiêm cho vùng đất Hà Nội và đưa tâm hồn người đọc tự nhiên lắng sâu vào thanh tịnh. Một câu thơ ngắn với tứ thơ cao như câu thơ này có khả năng làm người đọc thấy quá khứ sống trong hiện tại.
Thế rồi tiếp theo, chùa cũng của nhà thơ luôn:
Chùa Diên Hựu là của tôi!
Đóa sen tâm bừng nở ngát cõi người cho tôi hiểu vì sao người Hà Nội cấp gạo thuyền giặc chết khỏi tha hương.
Chùa Diên Hựu hay chùa Một Cột, là  một trong những biểu tượng của thủ đô Hà Nội, có kiến trúc độc đáo như một bông sen từ dưới nước vươn lên. Nhà thơ đem cái bông sen đó làm biểu tượng cho tấm lòng nhân đạo của người Hà Nội ngày xưa, cùng với dân ta đem lúa gạo của mình cấp cho quân giặc Minh xâm lược bị thua trận có cái ăn mà quay về bản xứ. Cấp gạo cho giặc và xây chùa Một Cột không liên quan nhau, nhưng nhà thơ đã khôn khéo dùng hình tượng hoa sen của chùa, lấy kỳ quan đất nước sừng sửng ngàn đời thể hiện cho lòng vị tha của dân tộc là một kết cấu giữa văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể vô cùng nhuần nhuyễn để tôn cao ý nghĩa của hai cái đẹp giữa lòng thủ đô Hà Nội.
Tiếp theo là Tháp Bút - Đài Nghiêng cũng của tôi luôn:  
Tháp Bút - Đài Nghiên là của tôi
Tả Thanh Thiên xao xuyến cả cõi trời, cho tôi hiểu vì sao người Hà Nội nâng cốm Vòng trong những lá sen tươi.
Với hai câu thơ trên, tác giả đem cái Tháp Bút “Tả thanh thiên xao xuyến cả cõi trời” gói vào trong những lá sen tươi của cốm Vòng Hà Nội. Tháp Bút- Đài Nghiêng là biểu tượng của văn chương Hà Nội. Cốm Vòng là món ăn thơm ngon của mùa thu Hà Nội. Hãy tưởng tượng khi ta nhìn Tháp Bút mà nghĩ đến hương thơm cốm Vòng toả ra trong bầu trời Hà Nội hay ta ăn cốm Vòng mà nghĩ đến thứ hương này sẽ toả trên Tháp Bút thì hồn ta chìm trong sảng khoái.
Thế rồi, hãy tiép tục tìm xem còn cái gì của Hà Nội mà nhà thơ nhận là của mình:
Hồ Tây là của tôi!
Tấm gương trong mây hất tóc dỗi trời, cho tôi hiểu tình yêu người Hà Nội vì đâu mà vợi vợi mênh mang.
Hồ Gươm là của tôi!
Lẵng hoa tươi thiên nhiên kết dâng người, thơm như môi con gái, mềm mại như tuổi dậy thì,liễu bên hồ chớp chớp làn mi, đẹp đến thế sao mang tên Hoàn Kiếm? Lẵng hoa đời nền văn hiến trổ bông.
Đài liệt sĩ vô danh là của tôi!
Sắc xám xanh lánh lạnh ánh sao trời, cho tôi hiểu vì đâu trăng Hà Nội suốt bốn mùa rười rượi thanh thanh.
Nén nhang thắp trong mỗi gia đình là của tôi!
Nén nhang tươi nhức nhối nhỏ kiếp người , cho tôi hiểu vì sao sông Cái đỏ, những nụ đào hé tỏ ánh phù sa.
Tóm lại, tất cả cái gì tốt đẹp của Hà Nội là của nhà thơ. Nhà thơ nhận như thế không phải là nhận bừa vì Hà Nội ở trong lòng ông và cả trong lòng mọi người. Ai cũng có một Hà Nội của mình. Mỗi điểm của Hà Nội đều mang đặc trưng về một ý nghĩa tốt đẹp nào đó. Điều đặc biệt: nhà thơ nhận từng điểm của Hà Nội là của riêng ông, không phải của nhân dân, của tổ quốc là cái to lớn mà con người chỉ tán tụng ở đầu môi. “Của Tôi” là thực tế nhất và quan trọng nhất vì tôi yêu thương, bảo vệ cái của tôi hơn ai hết.
Cuối cùng là EM:
Và em là của tôi!
Sự sống thiêng liêng kết bằng máu thịt người, cho tôi hiểu mình lẽ đời giản dị! Báu vật của đời được phép ví với em!
Tôi là người lao động,
thế thôi!
Nhưng quê tôi, Hà Nội!
Em thì đương nhiên của tôi rồi nhưng em của Lê Mai thì phải hiểu là Em Hà Nội. Nhà thơ yêu từng ngóc ngách Hà Nội nên em là biểu tượng, là sắc thái Hà Nội. Chữ “em” ở đây hàm chứa hết mọi cái “của tôi” mà nhà thơ đã nhận về cho mình. Đặt “em” vào khổ chót của bài thơ tác giả muốn mượn em để bày tỏ hết thứ tình yêu Hà Nội, đưa tình yêu với em vào thứ tình yêu thiêng liêng với Hà Nội và đưa tình yêu Hà Nội vào thứ tình yêu thắm thiết với em.
Tôi nghĩ, bài thơ “Hà Nội Quê Tôi” của Lê Mai nếu được đưa vào học đường thì nó sẽ khai tâm các em tìm hiểu về thủ đô ngàn năm, bởi bài thơ phác hoạ những di tích lịch sử có ý nghĩa thiêng liêng. Bằng tiếng thơ, nhà thơ đã giới thiệu cái giá trị văn hoá vật chất lâu đời của Hà Nội để từ nền văn vật đó, làm toả sáng giá trị văn hoá tinh thần gọi là văn hiến. Bài thơ không yêu Hà Nội bằng thứ tình cảm vu vơ mà bày tỏ một tình yêu bằng lý trí, tôn vinh một Hà Nội đẹp cảnh và đẹp người trong chiều dài lịch sử. Cuối cùng, bài thơ cho ta dồn dập sự rung cảm, rung cảm với tâm hồn yêu “Hà Nội Quê Tôi” của một người dân lao động. Thế thôi! ./.
*
CHÂU THẠCH 
(Tên thật: Trương Văn Trạn)
Địa chỉ: 75 Phan Kế Bính, Đà Nẵng.
ĐT: 0929128967 - 05113894610
Email: truongvantran@hotmail.com
.









…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 05.05.2017 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét