THÚ ‘ĂN CHƠI’
TRONG THƠ
XƯA
Có thể nói, thú ăn chơi từ xưa đến nay
thời nào cũng có phong cách riêng của nó. Gần đây có người chê câu tục ngữ
"Tháng Giêng là tháng ăn chơi"
là lạc hậu. Ý họ nói xài nguyên cả tháng Giêng để ăn chơi thì lãng phí quá (!).
Tuy nhiên các bậc cổ nhân thì cho rằng thú
chơi rải suốt cả bốn mùa, đâu chỉ tháng Giêng!
Vậy là, chỉ còn tùy cách ăn chơi mà
thôi.
Ngày nay người ta có những kiểu chơi
ngông, sao cho “thời thượng”, nhất thiết phải là ăn chơi tốn tiền, ăn chơi
“khủng”, tìm cảm giác mạnh... Đi du lịch thì phải đi xa, tới tận Thái lan, Hàn
Quốc,... để khẳng định “đẳng cấp”. Họ không cần biết đến những nơi ấy để thưởng
thức cái gì, đi chơi chỉ để mà đi, trở về mang cái hộ chiếu và vài vật gì đó có
dấu hiệu nước ngoài để khoe mẽ với bạn hữu là khoái rồi!
“Ăn
chơi” là sự thú vị của đời người, song thể hiện được thú chơi trong văn
chương để lan truyền cái thú vị ấy lại là việc khác.
Ta thử thưởng thức bài “Tứ
thời thi” (Bài thơ bốn mùa) của cổ nhân. Mở đầu là thú chơi xuân:
Xuân
du phương thảo địa
Hạ
thưởng lục hà trì
Thu ẩm
hoàng hoa tửu
Đông
ngâm Bạch tuyết thi. (*1)
(Dịch:
Mùa xuân dạo chơi vùng cỏ thơm. Hè đến tắm ở hồ sen. Mùa thu uống rượu hoa cúc.
Đông về ngâm nga tập thơ Bạch tuyết).
Cổ nhân viết “du” trong câu thơ tức là “bước chân lên thảm cỏ”. Tiếc rằng ngày
nay đồng cỏ, bãi cỏ đang bị thu hẹp dần. Nói vậy nhưng ta chịu khó đi ra xa
thành phố dăm bảy cây số vẫn còn bãi cỏ, vườn cây, bãi sông tuy không nhiều.
Bạn có thấy thích thú khi bước đôi chân trần trên thảm cỏ hay không mà
thôi.
Cổ nhân viết chữ “thưởng” trong câu tức là
“nếm” trực tiếp, ngâm mình trong nước và lắng nghe cái mát mẻ thơm ngát nước hồ
sen. Không có hồ sen thì ao súng, ao bèo, ao ấu cũng được.
Bốn chữ “du, thưởng, ẩm, ngâm” là linh hồn của bài ngũ tuyệt. Người làm thơ
hiện đại có thể học được các chữ ấy, hà tất viết thơ cứ phải “nói” nhiều!
Đọc thơ cổ, ta thấy cách ăn chơi của cổ
nhân thường gắn liền với thiên nhiên, khí hậu thời tiết và sản vật từng mùa.
Thi hào Nguyễn Du cũng nói về cái thú ăn
món đúng mùa:
Thì
trân thức thức sẵn bày
Gót
sen thoăn thoắt dạo ngay mái tường.
(Truyện Kiều)
“Thì trân” tức là “thức ăn ngon đúng mùa”. Thưởng thức món ngon theo mùa là tối ưu
nhất, rẻ và ngon nhất. Thúy Kiều là người sành điệu, chiêu đãi Kim Trọng món ăn
giản dị nhưng đúng mùa, bồi dưỡng cho một mối tình đẹp thiên cổ. Triết lý Lão
Trang là thuận theo tự nhiên, như vậy hóa ra cũng dễ, chẳng cao siêu gì. Ai
cũng thực hiện được.
Nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng tâm đắc ba
việc (ăn, uống, tắm):
Thu ăn
măng trúc đông ăn giá
Xuân
tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Rượu
đến gốc cây ta sẽ nhắp
Nhìn
xem phú quí tựa chiêm bao.
(Cảnh nhàn)
Nhà thơ thong thả “nhắp” từng ngụm rượu
nhỏ, thưởng thức từng giọt rượu (chứ không dzô 50 hay 100% như cách uống của
lớp người hiện đại sành điệu), lại càng không nên bỏ thêm vài cục nước đá khiến
rượu ngon loãng lợt đi.
Mời đọc một bài thơ thiền của thiền sư Tuệ
Khai phái Vô Môn:
Bình thường tâm thị đạo
Xuân
hữu bách hoa, thu hữu nguyệt
Hạ hữu
lương phong, đông hữu tuyết
Nhược
vô nhàn sự quái tâm đầu
Tiện
thị nhân gian hảo thời tiết.
Dịch:
Tâm bình thường là đạo
Xuân
có trăm hoa, thu có trăng
Hạ về
gió mát, tuyết đông giăng
Ví
lòng thanh thản không lo nghĩ
Ấy
buổi êm đềm chốn thế gian.
(Thiền sư Nhất Hạnh dịch)
Bài thơ kể chuyện ngắm hoa, thưởng trăng
sáng, hứng gió mát và sẵn lòng đón cái giá lạnh của đất trời. Vậy cũng đủ bao
niềm vui thú ở trong.
Tựa đề bài thơ độc đáo với hai chữ “bình
thường”.Tựa đề nói rõ cái mục đích của ăn chơi mọi thời là đạt được “tâm thanh
thản”.
Hóa ra các cụ ngày xưa sành sỏi hơn lũ
hiện đại chúng ta nhiều!
----
Chú thích: Nguyên văn bài “Tứ thời thi” trong tuyển tập thơ “Trạng nguyên
ngũ ngôn thi”,Trung Quốc
*.
PHÙNG HOÀI
NGỌC
Quê quán: Đông La, Hoài Đức, Hà Tây.
Thường trú: Long Xuyên, An Giang.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ Messenger facebook Trần Hải Sơn ngày 18.05.2017.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của
trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi
trích đăng lại.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét