MỜI ĐỌC:

Thứ Năm, 22 tháng 6, 2017

“PHỤC SINH THƠ”: LỜI THÁNH CA TÌNH CỦA LÊ VĂN TRUNG - Tác giả: Châu Thạch (Đà Nẵng)

(Nhà thơ Lê Văn Trung)
“PHỤC SINH THƠ”:
LỜI THÁNH CA TÌNH CỦA LÊ VĂN TRUNG
*
PHỤC SINH THƠ

Em về chiều sương hay đêm mưa
Về trong chiêm bao trong cơn mơ
Sài Gòn tháng sáu trời hanh gió
Nhớ em giọt nắng vàng câu thơ

Hình như chuông ngân hồi kinh chiều
Hình như chuông rung lời thương yêu
Thiết tha như thể bài kinh nguyện
Như lời tình tự của trăng sao

Áo ai vàng phơi trong thơ tôi
Ôi môi trầm hương mắt lệ ngời
Tôi về trải hết lòng nhung lụa
Rượu nồng xin cạn cuộc tình vui

Sài Gòn tháng sáu trời hanh gió
Ôi chiều hồng ươm chiều chưa mưa
Em về, thơm đóa tình xanh cũ
Nhớ em giọt nắng vàng câu thơ.
*.
Sài Gòn, 16 gio 13.06.2017
(Tác giả Châu Thạch)
LÊ VĂN TRUNG
LỜI BÌNH:
Có lời bình luận của một bạn fay cho bài thơ trên như sau: “bài thơ như lời thánh ca”. Bình luận nầy được nhà thơ lớn Lê Mai Lĩnh nhắc lại: “Như lời thánh ca”. Với tôi, tôi cũng đồng ý như thế nhưng tôi xin thêm: “Lời Thánh ca tình”. 
Bài thơ ghi bút danh ở dưới là LVT và tôi tò mò đi tìm cái bút danh nầy suốt đêm mới khám phá ra LVT tức là nhà thơ Lê Văn Trung, tức là bạn fay Le Trung của tôi hiện nay, tức là  một nhà thơ đã có có vai vế trên văn đàn trước năm 1975 ở miền Nam Việt Nam. Sở dĩ  tôi không biết nhà thơ nầy chỉ vì hồi ấy tôi là con dế còn nằm yên dưới cỏ chưa hề tập gáy.
Thật tình tôi là cây bút ông lão tuổi đời, con nít tuổi viết nên thường hay tránh rờ chân thơ văn của các bậc trưởng thượng trên văn đàn. Thế nhưng bài thơ nầy nó giống như con cáo thành tinh trong Liêu Trai chí dị, hằng đêm cứ len vào tâm trí tôi, làm cho giấc ngủ của tôi cứ lơ mơ nửa tỉnh nứa mê với nó. Vậy nên, thôi tôi cứ liều chăn gối với nó một lần chắc chẳng chết đâu. Mà dẫu có chết thì cũng chỉ là con dế già chết, lo gì.
Bây giờ hãy đi vào thơ. “Em về chiều sương hay đêm mưa/Về trong chiêm bao trong cơn mơ” có nghĩa là chẳng biết em về lúc nào hay đúng ra em chẳng về chi cả. Sự về của em chỉ là sự nhớ trong tâm trí của anh thôi. Hai câu thơ mở đầu đã đưa ta vào ngay một không gian ảo vọng trong một thời gian ảo vọng. Ta thấy em của nhà thơ mơ hồ hiển hiện bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào. Tự nhiên cái nỗi nhớ dài lâu và mênh mông đó cũng theo hơi thơ xâm nhập vào lòng ta để ta cũng cảm thấy một niềm nhớ nhung xa vắng.
Rồi thì “Sài Gòn tháng sáu trời hanh gió” làm ta bỗng nhiên nhớ lại những câu thơ Nguyên Sa “Tháng sáu trời mưa, trời mưa không ngớt/ Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa/ Anh lạy trời mưa phong toả đường về/ và đêm ơi xin cứ dài vô tận” làm ta tưởng tượng cái ấm áp của sự yêu nhau trong tháng sáu nó thi vị nhường bao mà nay không có nữa. Câu thơ không nhắc đến thơ Nguyên Sa mà thơ Nguyên Sa tự nhiên dậy trong lòng người đọc. Còn nếu ai không nhớ đến thơ Nguyên Sa thì câu thơ cũng cho ta một trời Sài Gòn gió nhẹ làm rượi mát tâm hồn để dễ cho ai đó có một khúc mộng du quay về dĩ vãng.
 Để kết luận khổ thơ đầu tác giả viết: “Nhớ em giọt nắng vàng câu thơ”. Tác giả không nói “chiều nắng” hay “ánh nắng” mà nói “giọt nắng” chứng tỏ khi tác giả nhớ em thì trời đất biến đi, cả linh hồn anh đăm chiêu nên chỉ nhìn thấy từng giọt nắng lung linh trước mắt mình thôi. Nghĩ xa một chút nữa thì “Nhớ em giọt nắng vàng câu thơ” có thể không phải là giọt nắng ngoài trời mà đây là giọt nắng trong thơ. Giọt nắng ấy chính là hồi ức những kỷ niệm trong quá khư đã làm câu thơ tác giả hoá ra sầu.
Vế thứ hai của bài thơ tác giả để cho tiếng chuông ngân vọng khắp cả không gian và thời gian về chiều, như tiếng lòng của anh trùm khắp vạn vật:
Hình như chuông ngân hồi kinh chiều
Hình như chuông rung lời thương yêu
Thiết tha như thể bài kinh nguyện
Như lời tình tự của trăng sao
Tác giả lặp lại hai lần chữ “Hình như” tức là không có tiếng chuông nào cả, hoặc là có thì nó cũng ở đâu xa văng vẳng vọng tới  mà thôi.
Vậy thì đúng ra tiếng chuông nầy đã dậy lên ở chính trong lòng tác giả. Tâm hồn nhà thơ chính là đền thờ lớn đã liên tục đồng vọng tiếng lòng mình mà nhà thơ tưởng nó “hình như” trong không gian. Lời kinh thì chỉ để tôn vinh Thiên Chúa, lời kinh không thể là “tình tự của trăng sao” cho nên nói một cách chính xác thì “Hồi kinh chiều”, “lời thương yêu”, “bài kinh nguyện”, tất cả phát xuất từ rung động của tình yêu trong tâm hồn tác giả. Rung động đó tác giả đã huyền nhiệm nó, làm thiêng liêng nó, hoà nhập nó trong tiếng chuông đền thờ, làm cho chỉ một khổ thơ nầy mà bài thơ như một thánh ca, với tôi không phải thánh ca thờ Thiên Chúa mà thánh ca thờ tình, thứ tình vượt lên, thành ra chúa của tình.
 Đọc vế thơ nầy người ta nghe được tiếng đồng vọng của hằng hà sa số chuông vọng xa xa mà cũng đồng thời nghe được tiếng tơ lòng tác giả rung động rất gần như tiếng chuông vọng ở bên tai mình vậy. Bởi thế nhiều người nhận xét cho bài thơ là “Thánh ca, thánh ca, Thánh ca” là vậy!!!.
Qua khổ thứ ba của bài thơ, tác giả nhớ lại một thời trãi nhung lụa trong hồn để yêu, uống rượu để làm nồng say một cuộc tình :
Áo ai vàng phơi trong thơ tôi
Ôi môi trầm hương mắt lệ ngời
Tôi về trải hết lòng nhung lụa
Rượu nồng xin cạn cuộc tình vui
Không hiểu vì sao đọc thơ Lê Văn Trung tôi lại cứ nhớ đến thơ Nguyên Sa. “Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc/ Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường/ Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương/tôi thay mực cho vừa màu áo tím”có nghĩa là nhà thơ Nguyên Sa đã chọn chiếc áo vàng là chiếc áo đẹp nhất của nàng nên đã nêu màu đầu tiên trong ba màu áo mà nàng đã mặc.
 Ở đây nhà thơ Lê Văn Trung cũng thế: “Áo ai vàng phơi trong thơ tôi có nghĩa là màu vàng của chiếc áo đã nhuộm cả hồn thơ, đã phất phới trong thơ, đã khiến nhà thơ “trãi hồn nhung lụa” để “cạn cuộc tình vui” và để sau nầy câu thơ cũng vàng vì những giọt tương tư. Cả một khổ thơ không có gì đặc biệt, nó chỉ biến thành hay nhờ chiếc áo vàng đã phơi trong thơ.
Khổ chót bài thơ là một bức tranh màu tươi thắm. Tác giả dùng màu hồng, màu xanh, màu vàng có thể nói là rực rỡ để vẽ một bức tranh buồn, bức tranh nhung nhớ:
Sài Gòn tháng sáu trời hanh gió
Ôi chiều hồng ươm chiều chưa mưa
Em về, thơm đóa tình xanh cũ
Nhớ em giọt nắng vàng câu thơ.
Đây là một cách chơi màu phù phép mà những tay bình thơ gà mờ như tôi không giãi nổi. Nhưng tôi thấy thịch thú vì nỗi nhớ sao mà đẹp quá, thi vị quá, không da diết, không não nuột mà lãng mạn tràn đầy. Cái chiều hồng trời không mưa ở Sài Gòn nhắc cho tôi những buổi chiều nằm gác trọ, những buổi chiều rong chơi và những buổi chiều vàng son thời trai trẻ đẹp làm sao tại Sài Gòn. Chữ “chiều ươm hồng” nhắc tôi liên nghĩ đến hình ảnh những trái cây mọng nước ở chợ Bến Thành. Câu thơ “thơm đoá tình xanh cũ” lại làm tôi liên nghĩ đến những trái ổi xanh um giòn rụm mà tôi cùng em đã mua ăn tại đây trong khi chờ xe Bus.
Tôi không hiểu cái tựa đề “Phục Sinh Thơ” có ý nghĩa gì nhưng tôi đoán có lẽ tác giả muốn nói em là thơ, em về là thơ được phục sinh.
Đọc bài thơ chắc không ai thấy buồn nhưng thấy tình yêu bỗng tràn trong từng thớ thịt. Ý thơ, tứ thơ không xa lạ gì nhưng tiếng thơ vỗ về tâm tư, làm cho tự nhiên tâm hồn ta thêm trân trọng cuộc tình đã mất, cất cánh linh hồn ta bay trong vô biên của tiếng kinh vọng chiều buồn mà êm ái ./.
*
CHÂU THẠCH 
(Tên thật: Trương Văn Trạn)
Địa chỉ: 75 Phan Kế Bính, Đà Nẵng.
ĐT: 0929128967 - 05113894610
Email: truongvantran@hotmail.com
.









…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 21.06.2017 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

         .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét