(Nguồn ảnh: internet) |
10 CÂU CHUYỆN VỀ
TÌNH YÊU VÀ THIỆN TÂM
Xin giới thiệu với bạn đọc 10 câu chuyện về đối nhân xử thế mà theo Phương
Việt Kháng (sưu tầm) là những tấm gương về tình yêu và thiện tâm nên được nhân rộng.
Câu chuyện thứ nhất:
TÌNH YÊU CỦA NHỮNG NGƯỜI CHA
Cách đây đã lâu rồi, ở một làng quê nhỏ tại Bắc Giang có một cặp vợ chồng
nghèo. Cuộc sống chẳng dễ dàng gì nhưng họ vẫn cố gắng nuôi nấng đứa con trai
bé bỏng. Khi đứa nhỏ lên 7 tuổi, người vợ vì mắc bệnh hiểm nghèo mà qua đời, để
lại con thơ cho người chồng chăm sóc. Trước khi từ giã cõi đời bà đã dặn ông
rằng: “Anh à, vợ chồng mình nghèo khổ là đủ lắm rồi, dù có khó khăn đến
mấy anh cũng phải nuôi con học hành cho đến nơi đến chốn nha anh.” Nói
rồi bà nhắm mắt ra đi…
Sống cảnh gà trống nuôi con, người chồng phải làm đủ thứ nghề, từ cửu vạn
bốc vác cho đến phu hồ, miễn là có đủ tiền nuôi con khôn lớn. Chẳng mấy chốc
con trai ông đã đến tuổi vào đại học, chi phí lúc này cao hơn bao giờ hết.
Vì để có tiền lo cho con ăn học, ông đã theo chân một vài người bạn sang
Malaysia làm việc trong các công trường xây dựng. Thời ấy, tại công trường Shah
Alam cũng như các công trường khác trên khắp bang Selangor có khá nhiều lao
động người Việt. Phần lớn trong số họ đều không có giấy tờ hợp pháp và vẫn
thường phải sống chui lủi trong các căn nhà tạm bằng container để tránh đợt
truy quét của cảnh sát. Nhưng vì miếng cơm manh áo, vì để có tiền gửi về quê
nhà, họ vẫn mạo hiểm bán sức lao động mưu sinh.
Dẫu biết rằng tha phương nơi xứ người là cơ cực, nhưng vì con ông sẵn sàng
chấp nhận. Trước khi lên đường ông dặn dò con trai rằng: “Con à, ở nhà
một mình con ráng học hành chăm chỉ nghe con. Ngoài thành phố có nhiều cám dỗ,
nhiều tệ nạn dễ làm người ta sa ngã, con phải cẩn thận nhé. Con phải nhớ mình
là đấng nam nhi, dù gặp bất kể chuyện gì cũng cần phải mạnh mẽ kiên cường,
không được gục ngã. Sang bên đó bố sẽ biên thư về cho con”. Hai cha con
quyến luyến không nỡ rời xa, nước mắt người con bắt đầu lăn dài trên má. Nhưng
vì “nam nhi không được khóc’’, người cha phải cố gắng nén lại cảm xúc của
mình. “Không khóc, không được khóc, bố vào trong đó nhớ giữ gìn
sức khỏe nha”. Người cha quay lưng bước đi nhưng nước mắt đã lăn dài trên
khuôn mặt đầy chai sạn của ông.
Từ đó, tháng nào cũng vậy, anh con trai vẫn đều đặn nhận được tiền cùng với
những lời động viên mà người cha viết cho mình:
“Con trai của bố, quê mình giờ này đã là mùa đông rồi nhỉ? Trời lạnh lắm
đó, con nhớ mặc áo ấm vào nhé”…
“Con trai à, lại một cái tết nữa bố không được về nhà với con. Chắc con
trai của bố đã cao lớn lắm rồi, không biết nếu gặp lại, bố có còn nhận ra con
nữa không. Bố ở trong này vẫn khỏe, con đừng lo lắng cho bố nhé…”
“Con trai, giờ con đã là chàng sinh viên năm thứ hai rồi nhỉ. Bố thật tự
hào về con. Bố vẫn thường kể chuyện con cho những người bạn ở đây nghe. Con hãy
ráng học hành chăm chỉ, đừng buông lơi nghe con. Bố luôn tin tưởng ở con…”
Những lá thư thăm hỏi của cha luôn khiến anh cảm thấy ấm áp. Anh lại có
thêm động lực, tự nhủ phải học tập thật tốt để mai này cha không còn vất vả vì
anh.
Nhưng rồi những lá thư của cha cứ thưa dần, thưa dần, thậm chí đến chữ cha
cũng khác, như thế ông đã già và yếu nên chữ cũng xiêu vẹo hơn xưa. Cho đến một
ngày anh nhận được những dòng này, cũng là những dòng chữ cuối cùng…
“Con trai, có lẽ từ giờ bố sẽ không viết thư cho con thường xuyên như
trước được. Nhưng đừng lo con nhé, bố chỉ hơi bận thôi. Bố luôn yêu và nghĩ về
con”.
Cho đến khi anh tốt nghiệp và ra trường, thông tin về cha vẫn bặt vô âm
tín. Ngay cả những người làng từng sang Malaysia làm việc cũng không có tin tức
gì về cha anh. Anh đã tìm đủ mọi cách tìm cha, nhưng mọi hy vọng đều trở
thành vô vọng.
Vài năm sau đó khi anh đã có chút thành công trong sự nghiệp, anh có
dịp sang Malaysia và lần theo địa chỉ trên bức thư để tìm cha mình. Qua nhiều
lần dò hỏi, cuối cùng anh cũng tìm được một người lao động từng làm việc cùng
cha. Anh được người đó đưa đến một dãy nhà tạm ven công trường, nơi có một
người đàn ông đã luống tuổi sinh sống.
Vừa nhìn thấy anh, người đàn ông đã biểu lộ vẻ xúc động. Có lẽ vì gương mặt
của anh quá giống cha, hay cũng có thể ông đã từng được nhìn thấy ảnh của anh
trong chiếc túi mà cha luôn mang theo bên mình. Với đôi bàn tay run run, ông
dẫn anh đến một gò đất gần đó:
“Đây là nơi chôn tro cốt của cha cậu. Hơn mười năm trước tôi và ông ấy
làm cùng công trường với nhau. Một ngày khi làm việc trên giàn giáo, ông ấy bị
nạn rồi qua đời… Trước khi mất ông ấy cũng chẳng kịp dặn dò gì. Chủ
công trình sợ bị truy tố vì nhận lao động bất hợp pháp nên đã vội vàng hỏa táng
cha cậu. Cũng may tôi đã đứng ra lo liệu hậu sự và chôn hũ tro cốt dưới gò đất
này.’’
Rồi ngưng một lát lau những giọt nước mắt, ông nói tiếp:
“Ông ấy luôn tự hào về cậu. Lúc nào ông ấy cũng nhắc đến cậu, còn nói
rằng ông ấy hy vọng sẽ kiếm đủ tiền để lo hôn lễ cho cậu sau này…”
Quá xúc động, anh quỳ xuống ôm mặt khóc. Biết bao năm nỗ lực, biết bao năm
đèn sách, biết bao năm phấn đấu để có ngày phụng dưỡng cha, giờ anh đã có trong
tay tất cả, vậy mà cha lại không còn ở trên đời…
Rồi anh quay sang phía người đàn ông với ánh mắt thành kính. Anh hiểu rằng
bao năm qua ông đã “đóng vai” cha để viết thư cho anh, khuyên nhủ và cổ vũ anh,
nhờ đó anh mới có chỗ dựa tinh thần mà vững vàng bước tiếp đến ngày hôm nay.
Anh nắm lấy đôi bàn tay gầy guộc của ông, ngỏ ý muốn mời ông cùng mình trở lại
Việt Nam. Chắc chắn nơi suối vàng cha anh sẽ mỉm cười khi anh phụng dưỡng người
đàn ông trước mặt này và thành kính gọi ông bằng một tiếng: “Cha!”
Câu chuyện thứ hai:
Sau khi cha tôi mất được ba năm, ông ấy đến nhà chúng tôi.
So với người cha đã mất của tôi, ông ấy không có gì nổi bật, và cũng không
thể so sánh được. Ông ấy đã mất vợ nhiều năm, gia đình nghèo khó, tiền lương
cũng thấp, hơn nữa con trai mới cưới vợ còn cần ông ấy trợ giúp. Trong khi
chúng tôi lại là một gia đình khá giả, đầy đủ vật chất. Mẹ tôi đã ngoài 50
tuổi, vì muốn có người bầu bạn lúc tuổi già nên quyết định gặp gỡ.
Ban đầu mẹ tôi cũng không có thiện cảm với ông ấy, nhưng vì sự nhiệt tình
của người mai mối nên bà đã đến nhà gặp ông ấy. Vừa đặt chân vào căn nhà lụp
xụp của ông, mẹ tôi đã toan đi ra. Nhưng ông ấy đón mẹ bằng nụ cười niềm nở và
phúc hậu, bàn tay chai sạn nhưng mọi cử chỉ lại vô cùng mềm mại, như một lời
chào đón nồng nhiệt và chân thành nhất. Mẹ tôi và ông ấy đã ngồi tâm sự cả một
buổi chiều, và khi thấy bà có ý định đứng lên ra về, ông ấy tươi cười
nói: “Tôi biết gia đình của bà rất khá giả, không thiếu thứ gì. Tôi quả
thực cũng không có gì giá trị để tặng bà. Nhưng tôi thật sự muốn mời bà ở lại
dùng một bữa cơm đạm bạc với tôi”.
Lời nói giản dị và tấm lòng chân thành của ông khiến mẹ tôi vô cùng xúc
động. Một người đàn ông nghèo khổ sống trong căn nhà lụp xụp, nhưng ở ông ấy
luôn luôn toát lên sự bình yên và lạc quan tới lạ. Bữa cơm hôm đó chỉ có một
món canh với bốn loại rau và món bí ngô nấu thịt. Nhưng mẹ tôi đã nói rằng đó
là bữa ăn ngon nhất của mẹ trong ba năm nay, cũng là bữa ăn ấm áp tình thân,
chan chứa tình người. Tuy chỉ là một bữa ăn đạm bạc, nhưng đó lại là tất cả
những gì ông có, cũng thay cho tất cả những lời nói, những tâm sự ông muốn chia
sẻ với mẹ tôi.
Không lâu sau lần gặp gỡ đó, ông ấy đã đến với mẹ tôi, bước vào gia đình
tôi, nhẹ nhàng và dung dị như thế!
Chúng tôi đón nhận ông ấy bởi vì mẹ muốn chúng tôi làm như thế, và tôi chưa
bao giờ có ý định gọi ông ấy là “cha”. Trong tâm trí tôi, ông ấy là một người
lạ, hoàn toàn xa lạ, người bước vào nhà tôi chỉ để chăm sóc và bầu bạn cho mẹ
tôi bớt buồn chán và cô đơn. Để chào mừng sự kiện ấy, tôi sắp đặt một bữa tiệc
trong nhà hàng cao cấp, đồng thời mời cả gia đình con trai ông ấy, bởi vì tôi muốn
thông qua bữa tiệc này để thể hiện với họ sự giàu có và đẳng cấp của gia đình
mình.
Khi vừa bước ra khỏi nhà hàng, ông quay sang nắm tay tôi và nhẹ nhàng
nói: “Từ nay chúng ta đã là người nhà rồi, chúng ta là cha con đó con
ạ. Sau này nếu con muốn mời cha ăn cơm thì chúng ta chỉ cần tới những nơi bình
dân là được rồi. Ở đó cha sẽ ăn ngon miệng hơn, thoải mái hơn, cũng sẽ không
đau lòng nữa”.
Những lời nói và biểu lộ chân thành trên gương mặt khắc khổ của ông đã dập
tắt cái ý định muốn thể hiện, muốn ra oai, muốn dọa nạt của tôi. Tôi đang đấu
trí với một người thật thà, chỉ biết sống bằng tình người, lấy việc thương
người làm đạo lý trong cuộc sống. Trong ánh mắt chân thành của ông ấy, tôi đã
nhìn thấy những giọt nước mắt, của sự tủi thân, của sự mặc cảm. Tôi biết mình
đã làm một việc sai lầm nhất trong đời mình.
Từ ngày hôm đó trở đi, ông trở thành người sớm tối bên mẹ tôi, chăm sóc cho
mẹ tôi rất chu đáo, và bà hầu như không phải làm việc gì. Mỗi ngày ông đều thức
dậy từ rất sớm, đi chợ, đi mua sắm để lúc mẹ tôi mở mắt đã có sẵn đồ ăn vừa
nóng vừa ngon trên bàn. Lúc rảnh rỗi, ông sẽ rủ mẹ làm vườn, nhưng vẫn là ông
làm, ông không muốn bà phải chịu nắng nóng hay gió rét. Ông trồng hai hàng cau
dọc lối đi vào vườn, ông ươm các loại hoa và trồng ở chỗ đất gần ngay cửa sổ
phòng ngủ của mẹ tôi. Ông trở thành một người làm vườn cần mẫn, không chỉ mang
lại nhựa sống cho khu vườn vốn đã bỏ hoang từ lâu, ông còn đang vun đắp cho
cuộc sống của mẹ tôi, luôn luôn tươi mát, luôn luôn ngát hương.
Chúng tôi cũng dần dần quen với sự hiện diện của ông, quen với việc có
người chăm lo cho mẹ và có nhiều lúc lo nghĩ cho cuộc sống của chúng tôi. Mỗi
lần chúng tôi tới nhà mẹ, ông đều vui mừng và niềm nở giữ chúng tôi ở lại ăn
cơm. Ông không làm quá nhiều món, vì ông là người tiết kiệm, nhưng ông nấu món
nào cũng ngon và đặc biệt. Ông biết chúng tôi có chỗ nào không khỏe trong
người, ông biết ai có bệnh gì, nên nguyên liệu ông dùng để nấu ăn thường rất
tốt cho sức khỏe của mỗi người. Thi thoảng, chúng tôi còn dựa dẫm, ỷ lại vào ông,
khi nhà bị hỏng ống nước, cánh cửa bị trật hay xe đạp của con trai tôi bị hỏng
xích. Bất cứ việc gì ông đều sẵn sàng làm cho chúng tôi, ông làm và vô cùng
hạnh phúc vì ông đang được chăm lo cho gia đình của mình.
*
Cuộc sống của chúng tôi cứ trôi qua êm đềm như thế, từ xa lạ trở thành thân
thiết và gần gũi hơn. Nhưng rồi một ngày, ông không dậy sớm đi chợ và nấu cơm
cho mẹ tôi nữa, ông bị tai biến mạch máu não, bán thân bất toại, phải nằm liệt
trên giường. Người đàn ông lúc trước luôn luôn mỉm cười, mang lại hạnh phúc và
niềm vui cho người khác giờ đây chỉ biết nằm một chỗ, và khóc.
Mỗi lần chúng tôi tới thăm ông, ông khóc. Mỗi lần mẹ tôi bón thức ăn cho
ông, ông khóc. Mỗi lần gặp con trai của ông, ông khóc. Có nỗi niềm gì đó ẩn
giấu trong tâm can ông khiến ông bật khóc một cách quá dễ dàng. Chúng tôi chỉ
nghĩ rằng vì ông từ một người khỏe mạnh, yêu đời thành một người bệnh tật, ốm
yếu. Nhưng không chỉ là vậy, khi một mình, ông cũng khóc, khóc nhiều hơn, khóc
đau đớn hơn, khóc giằng xé hơn.
Tôi và con trai ông cùng nhau lo lắng cho việc trị liệu của ông, nhưng anh
ta nhanh chóng bỏ cuộc rồi sau đó bỏ rơi ông. Nhưng điều khiến tôi không ngờ
chính là mẹ tôi cũng có ý định đó. Mẹ nói với tôi: “Mẹ là người có tuổi
rồi, không lo nổi cho ông ấy được. Mẹ không giúp được gì cho con, nên không thể
để con phải chịu thêm gánh nặng có người cha bệnh tật như thế”. Hiện
thực quá tàn nhẫn, và tôi đã thay mẹ nói những lời đau xót nhất với ông. Tôi
đến bên giường ngay khi ông vừa tỉnh dậy, vỗ nhẹ vào vai ông rồi nói: “Mẹ
cháu vừa bệnh rồi, không thể chăm sóc cho chú được nữa. Chúng cháu lại rất bận,
vì thế khi xuất viện, chú hãy về nhà sống một thời gian. Cháu sẽ thuê người
chăm sóc chú”.
Gật đầu và cảm ơn tôi, ông nói: “Nếu được như vậy thì tốt quá. Thực
sự tốt quá. Con không cần mời bảo mẫu cho cha, cha sống một mình được mà”. Sự
bình thản của ông khiến tôi bàng hoàng và không khỏi lo lắng. Tôi lo sợ ông có
thể nghĩ quẩn mà làm việc gì đó tổn hại tới bản thân. Bước ra khỏi phòng bệnh,
trong tôi không phải cảm giác của người vừa trút được gánh nặng, mà là sự giằng
xé, sự xót xa, cả sự trách móc bản thân mình.
Kể từ hôm ông ra viện, cả mẹ tôi và tôi không tới thăm ông nữa. Chúng tôi
đã quên ông, không phải hoàn toàn gạt bỏ ông ra khỏi tâm trí, nhưng đã quên sự
tồn tại của ông. Cho tới một ngày, chiếc xe đạp của con trai tôi lại bị tuột
xích, và nó khóc đòi ông: “Ông nội đâu rồi? Con muốn ông nội sửa xe cho
con”. Bất giác tôi giật mình và bao hồi ức, bao tiếng cười, bao niềm
hạnh phúc chúng tôi đã trao tặng cho nhau hiển hiện rõ ràng trước mặt… Đã gần
một năm rồi tôi chưa gặp ông. Lúc đó, tôi thấy nhớ ông, nhớ câu nói ngày đầu
tiên ông về nhà tôi: “Từ nay chúng ta đã là người nhà rồi, chúng ta là
cha con đó con ạ”.
*
Tôi lái xe tới nhà ông ngay lập tức. Vẫn là căn nhà lụp xụp ấy, nhưng tôi
biết ông không thể đon đả ra đón tôi như ngày xưa được nữa. Khi bước vào nhà,
những gì tôi thấy là một hình bóng lặng lẽ đang ngồi ở cuối giường. Ông đã già
đi nhiều lắm. Sự tươi tắn, phúc hậu trước đây của ông giờ được thay bằng những
nếp nhăn xấu xí, nước da vàng vọt và đôi mắt lúc nào cũng đọng nước.
Ông đã sống cô quạnh trong im lặng, và dù bị tất cả những người thân yêu bỏ
rơi vào lúc ông cần được chăm sóc nhất, ông vẫn không một lời trách móc, không
một lần tức giận. Tất cả những gì ông muốn làm là không để người khác phải vì
ông mà phải chịu khổ, chịu áp lực. Trái tim tôi thắt lại khi nhìn ông, tôi nhận
ra mình đã vô tâm vô tình biết nhường nào. Chỉ vì sự thoải mái cho bản thân mà
tôi đã đẩy ông ấy đi, tôi không bận tâm khi bỏ rơi một người già nua, yếu đuối,
không thể đi lại và thậm chí còn không thể tự ăn uống.
Ông - một người làm việc cần mẫn và tận tâm - đúng ra phải thu hoạch được
những hoa thơm trái ngọt chứ không phải sự cô quạnh và lạnh lẽo. Tôi xót xa cho
ông, xót xa cho một kiếp người chịu quá nhiều gian truân, vất vả và bất hạnh.
Tôi chạy lại bên ông, ôm ông và khóc. Tôi nhìn vào mắt ông và nói: “Cha
ơi, chúng ta về nhà thôi!”
Câu chuyện thứ ba:
SỰ THẬT NGƯỜI CHA “GIÀNH SỰ SỐNG” VỚI CON
Hai cha con đều mắc căn bệnh hiểm nghèo nhưng gia đình chỉ đủ tiền để phẫu
thuật cho một người. Không ngờ người cha khăng khăng đòi được phẫu thuật trước
khiến cậu con trai tổn thương và có ác cảm với cha. Nhưng nguyên nhân khiến
người cha làm như vậy lại cảm động vô cùng!
Đã nhiều năm trước, trong làng tôi có một gia đình nghèo khó. Nhà họ có hai
vợ chồng và một cậu con trai đang học cấp hai. Một ngày, người cha của cậu bé
đột nhiên toàn thân phát run, cơ bắp bị teo lại. Mẹ cậu bé lập tức vội vàng đưa
cha cậu đến bệnh viện cấp cứu.
Các bác sĩ sau khi xét nghiệm, khám bệnh liền nói: “Chồng cô cần
phải được phẫu thuật ngay lập tức nếu không sẽ khó giữ được tính mạng.”
Bởi vì nhà nghèo, cái ăn cái mặc hàng ngày còn phải lo lắng lấy đâu ra tiền
dư dả. Thế là người vợ bắt đầu đi vay khắp nơi anh em họ hàng, nhưng số tiền mà
cô gom góp được cũng không đủ để chữa trị cho chồng mình. Đang trong lúc khốn
cùng thì cậu con trai của họ cũng xuất hiện những biểu hiện giống hệt người
cha.
Người vợ lại vội vàng đưa con trai đến bệnh viện cấp cứu. Sau khi khám xong
bác sĩ kết luận rằng cậu bé bị bệnh như vậy là do di truyền vì thế cũng cần
phải phẫu thuật ngay mới có thể giữ được tính mạng.
Người vợ nghe xong kết luận của bác sĩ, vẻ mặt thất thần vừa lo lắng vừa
thương tâm: “Số tiền vay mượn khắp nơi còn chưa đủ cứu chữa cho một
người, bây giờ lại thêm một người nữa, phải xử lý làm sao bây giờ?”
Chỉ trong mấy ngày, người vợ phải rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn. Cô
vừa không muốn mất chồng lại càng không muốn mất con trai. Trong đầu cô luôn
hiện lên câu hỏi: “Phải cứu ai trước đây?”
Cuối cùng, vì không còn cách nào khác, người mẹ đành phải nói chuyện
với cả chồng và con: “Nhà mình thực sự hết tiền rồi, số tiền vay mượn
được chỉ đủ cứu một người. Anh và con hãy suy nghĩ xem, bây giờ nên phẫu thuật
cho ai trước?”
Không ngờ, người mẹ vừa dứt lời thì cha cậu bé đã lên tiếng: “Hãy
cứu anh trước, em phải phẫu thuật cho anh trước. Anh muốn được cứu!”
Cậu con trai nghe xong lời nói của cha liền quay mặt vào tường và rơi nước
mắt…
Người mẹ lặng yên một lúc rồi nói: “Em nghĩ rằng, sức khỏe của ai
tốt hơn thì cứu người đó trước đi, bởi vì sức khỏe tốt hơn mới chịu được ca
phẫu thuật và khả năng thành công cũng sẽ cao hơn. Anh và con xem thế nào?” Hai
cha con cậu bé đều đồng ý với ý kiến này.
Thực ra, lúc trước, cậu bé đã từng có suy nghĩ muốn buông xuôi tính mạng
của mình để cứu cha. Nhưng sau khi nghe được những lời nói của cha, cậu thầm
nghĩ: “Không ngờ cha lại ích kỷ như vậy, cha muốn mẹ cứu cha mà bỏ mặc
mình. Đã như vậy, mình sẽ không từ bỏ tính mạng của mình vì cha nữa.”
Từ sau hôm ấy, cậu bé như có động lực để cố gắng sống hơn. Cậu chăm
chỉ uống thuốc cho dù nó rất đắng. Bởi vì bản năng trong cậu muốn có được sức
khỏe hơn lúc nào hết…
Một tuần sau, sức khỏe của người cha giảm sút đi nhiều trong khi sức khỏe
của cậu con trai lại có cải thiện rõ rệt. Thế là, cả người mẹ và các bác sĩ đều
quyết định phẫu thuật cho cậu con trai.
Cuộc phẫu thuật thành công, sức khỏe của cậu bé càng ngày càng được
hồi phục. Nhưng sức khỏe của cha cậu thì ngược lại, thân thể của người cha
giờ đây đã tiều tụy rất nhiều, gần như chỉ còn da bọc xương. Ngày cậu bé xuất
viện, cha cậu cũng xuất viện, chỉ khác là cậu thì tự đi về còn cha cậu thì phải
có người khiêng về nhà.
Sau khi trở về nhà một ngày, người cha đã trút hơi thở cuối cùng. Trong khi
mẹ của cậu ngất lên ngất xuống vì thương tiếc thì cậu bé dường như vẫn chưa
quên hết được “sự ích kỷ” trong câu nói của cha ngày nào vẫn lưu trong lòng
cậu. Cậu tuy rằng không phải quá thờ ơ nhưng trong lòng cậu vẫn luôn ấm ức
không nguôi…
Người mẹ thấy vậy liền nói với cậu: “Cha con qua đời, sao con có
thể dửng dưng như vậy được?”
Cậu bé nói: “Lúc trước cha còn tranh giành sự sống với con, con còn
nhớ rất rõ lời cha nói mẹ ạ! Nếu như, hôm đó không phải con được phẫu thuật thì
người ra đi ngày hôm nay chẳng phải là con sao? Con cảm thấy cha thật ích
kỷ.”
Lúc này mẹ cậu mới nói: “Con trai! Mẹ muốn nói cho con biết, sự
thực không phải như con nghĩ đâu. Thực ra ngay từ đầu cha con đã quyết định từ
bỏ tính mạng của mình để dành số tiền đó cứu con. Nhưng mà, cha con lo lắng
rằng, nếu như vì cứu con mà cha phải từ bỏ mạng sống của mình thì sẽ khiến con
áy náy cả đời. Cho nên, cha mới nói ra những lời ích kỷ kia. Mặc dù những lời
nói đó có thể làm tổn thương con, nhưng lại có thể kích thích bản năng sinh tồn
của con và khiến con không phải áy náy về sự ra đi của cha. Cho đến tận lúc ra
đi, cha vẫn rất thương yêu con và lo lắng cho con đấy!”
Cậu bé nghe xong như chết lặng, rồi cậu bật khóc, nước mắt ướt nhòa cả
khuôn mặt. Cậu khóc nức nở, khóc vì thương cha và cũng là khóc cho sự hiểu nhầm
về cha của mình…
Cha mẹ là như vậy, không chỉ yêu thương con cái hết lòng mà còn luôn suy
nghĩ thấu đáo chu toàn để bảo vệ con cái. Hy sinh bản thân mình nhưng cũng muốn
hy sinh thầm lặng. Tất cả đều là vì tình yêu thương vô bờ bến không gì sánh
được dành cho con. Là phận làm con, hãy luôn hiếu thảo với cha mẹ, đừng để
đến lúc hối tiếc thì mọi sự đã muộn màng
Câu chuyện thứ tư:
ÁO “TÌNH YÊU” CỦA MẸ
Một nữ doanh nhân thành đạt Sài Gòn may mắn thoát nạn nhờ chiếc “áo tình
yêu của mẹ”, kể rằng:
Một ngày nọ trên đường đi mua sắm trở về tôi bị tai nạn ô tô. Thật may vụ
va chạm không nghiêm trọng và tôi cũng chỉ bị thương sây sát ngoài da. Tuy
nhiên ô tô của tôi thì bị hư khá nặng. Sau khi mang xe vào trung tâm bảo hành
tôi bỗng muốn về nhà thăm cha mẹ. Đã lâu lắm rồi kể từ lần gần nhất tôi gặp họ
khi gia đình tổ chức tiệc. Những bận rộn công việc đã cuốn tôi đi, khiến tôi
không còn thời gian về thăm họ.
Tôi về và quyết định ngủ ở nhà mẹ một đêm. Sáng hôm sau mẹ cẩn thận mang
cho tôi chiếc áo sờn rách vì tai nạn đã được giặt là sạch sẽ. Tôi phát hiện mẹ
còn rất cẩn thận vá lại những chỗ bị rách. Nhìn những đường chỉ ngay ngắn
thẳng tắp trên áo, sống mũi tôi thấy cay cay, nước mắt ngân ngấn. Tôi tự nghĩ
mình đâu nghèo tới mức phải mặc áo vá như thế này. Dù ít dù nhiều tôi cũng là
một doanh nhân giàu có nhất nhì trong giới bất động sản Sài Gòn này mà! Có lẽ
khi về nhà tôi sẽ lập tức bỏ cái áo này đi.
Tuy nhiên vì công việc quá bận, về đến nhà tôi cũng quên luôn chuyện đó.
Không những vậy còn mặc cái áo đó đi khắp nơi, mặc cả đi gặp gỡ làm ăn và thỏa
thuận thành công hợp đồng lớn chưa từng có với một khách hàng mới. Một ngày bận
rộn cho tới tối khuya, về tới nhà tôi mới nhớ tới chiếc áo mình đang mặc đã bị
rách, tôi vội vàng cởi nó ra và tiện tay ném vào thùng rác.
Sáng hôm sau, tôi qua công ty khách hàng để ký hợp đồng chính thức. Vừa
nhìn thấy tôi chị giám đốc công ty khách hàng đã hỏi rất thân thiết: “Sao
hôm nay không thấy chị mặc chiếc áo vá màu xanh hôm qua nữa?”. Tôi cười và
ngại ngùng nói: “Tôi thay ra để giặt rồi”. Chị khách hàng cười
nói với tôi: “Có lẽ chị không biết vì sao chúng tôi đồng ý ký hợp đồng
với chị đâu nhỉ. Nguyên nhân thật sự để chúng tôi có quyết định đó là vì chiếc
áo vá chị mặc hôm qua. Tuy là một chi tiết rất nhỏ thôi nhưng từ những đường
kim mũi chỉ tỉ mỉ của nó chúng tôi có thể nhận thấy chị là một người gian khổ,
mộc mạc, đơn giản. Mà một người mộc mạc giản dị chính là một đối tác tốt nhất”. Về
tới nhà tôi lục thùng rác tìm lại chiếc áo vá đó. Sau khi giặt sạch tôi treo
vào góc tủ và nghĩ xem mình nên mặc nó vào trường hợp nào.
Một tuần sau đó, vào buổi sáng khi tôi chuẩn bị đi làm thì có hai cảnh sát
gõ cửa nói muốn gặp. Sau khi vào nhà, họ kể một câu chuyện làm tôi giật mình.
Tuần trước có một nữ doanh nhân nổi tiếng bị bắt cóc và tống tiền. Khi bắt được
nhóm bắt cóc và trong quá trình thẩm tra, chúng khai nhận ban đầu định bắt cóc
tôi. Vì gần đây báo đài liên tục đăng bài thông tin về công ty tôi. Những cảnh
sát muốn đến để nhắc nhở tôi ra ngoài cần phải chú ý cẩn thận.
Nghe xong tôi có hơi lo sợ liền hỏi lại: “Thế tại sao cuối cùng
chúng lại không bắt cóc tôi?”. Hai người cảnh sát nói: “Nguyên
nhân vì hôm đó chị mặc trên người một chiếc áo vá. Chúng tin rằng
một người nổi tiếng giàu có nhất nhì Sài thành như chị không thể mặc áo vá. Có
lẽ đó chỉ là lời đồn đại của những báo lá cải nên bỏ qua chị. ”
Tôi ngẩn người và cảm thấy bùi ngùi xúc động, không ngờ rằng chỉ một
miếng vá của mẹ từ một tai nạn ngoài ý muốn đã cứu sống tính mạng tôi đã bảo vệ
tôi thoát khỏi nguy hại. Sau khi hai cảnh sát rời đi tôi mở tủ lấy cái áo
mẹ đã vá. Tôi nhắm mắt sờ từng đường kim mũi chỉ ngay ngắn thẳng tắp trên áo.
Và vô thức như một đứa trẻ, tôi ôm chặt lấy chiếc áo rồi nghẹn ngào khóc.
Câu chuyện thứ năm:
TÂM THIỆN LƯƠNG CỦA ÔNG CHỦ
Một người mẹ đơn thân ban ngày làm ô sin cho nhà giàu, khuya về chăm sóc
cho cậu con trai 4 tuổi. Hai mẹ con sống nương tựa vào nhau. Một ngày ông chủ
mở tiệc, cậu bé trở thành vị khách đặc biệt…
Ông chủ giàu có biết hoàn cảnh của hai mẹ con nên đã cho phép cô và con
trai được sử dụng một gian phòng trong căn nhà lớn của ông. Ngoài ra ông còn
nói họ được ăn ở miễn phí và không trừ vào tiền lương.
Cô ô sin này nói: “Thật sự cảm ơn ông! Mẹ con tôi không thể làm phiền
người khác. Ông chủ đừng kiên trì thuyết phục nữa. Chuyện này nên dừng ở đây đi
ạ.”…
Thực ra, cô cũng có nỗi khổ tâm riêng. Căn nhà của ông chủ hơn 10 nhà vệ
sinh, phòng vệ sinh nhỏ nhất cũng to hơn phòng ở của hai mẹ con cô thuê. Cô
không biết, một đứa trẻ nhìn thấy sự chênh lệch giàu nghèo quá lớn này, chúng
sẽ có cảm nhận như thế nào.
Một hôm, ông chủ mở tiệc tại nhà và mời rất nhiều khách tới dự, nhưng người
phục vụ lại không đủ.
Ông chủ nói với cô ô sin: “Tối nay, cô có thể ở lại đây được không? Hiện
tại, tôi đang thiếu người phục vụ, tìm cũng không kịp, thật phiền cô.”
Cô ô sin nói: “Được ạ, chỉ có điều tôi thấy hơi lo cho đứa con 4 tuổi.
Nếu không thấy mẹ về, cháu sẽ rất sợ hãi.”
Ông chủ nói: “Cái này dễ thôi, cô đưa cháu đến đây, ăn cơm cùng khách
của ta là được.”
Khi cô đưa con của mình tới lại đúng lúc các vị khách nườm nượp kéo đến. Cô
không dám dẫn con đi vào nhà bằng cửa chính, mà đi qua cửa sau. Cô đem con giấu
ở trong một phòng vệ sinh.
Rồi cô đi vào bếp lấy một cái đĩa, rồi từ trong túi của mình lấy ra lạp
xưởng kẹp vào bánh mì, đây là món ăn mà thỉnh thoảng cô vẫn mua về cho con trai
ăn.
Cậu con trai 4 tuổi chưa từng nhìn thấy căn phòng hoa lệ như thế này bao
giờ. Bé cũng không biết thế nào là bồn cầu tự hoại, cũng không biết đâu là bồn
rửa mặt bằng đá cẩm thạch, chưa từng nhìn thấy những bình hoa óng ánh phát ra
ánh sáng long lanh, trong phòng toàn mùi thơm. Tất cả những thứ trong căn phòng
này khiến em bé cảm thấy ngây ngất.
Cô ô sin nói với cậu con trai bé nhỏ: “Mẹ đưa con đến dự tiệc, nhưng vì
con còn quá nhỏ không thể ăn cùng người lớn. Đây là căn phòng đặc biệt mà ông
chủ chuẩn bị để con dùng tiệc.”
Em muốn để đĩa thức ăn lên chỗ bồn rửa tay, nhưng vì em quá thấp, không với
tới nên đành phải để nó lên nắp bồn cầu và ngồi đó ăn. Em ngồi xuống nền gạch
hoa vừa ăn vừa hát, dường như món ăn này đã trở nên ngon hơn.
Còn chủ nhân của bữa tiệc quan sát đại sảnh và không thấy hình ảnh của em
bé nên đã đến hỏi ô sin.
Cô ô sin ậm ừ nói: “Tôi bận quá nên không thể để mắt đến cậu bé, có lẽ
là … có lẽ là bé đang ở ngoài sân chơi một mình trên bãi cỏ.”
Ông chủ dường như đã hiểu ra điều gì đó, ông rời đại sảnh và đi tìm khắp
các phòng. Cuối cùng, ông đã tìm thấy em bé đang ở trong toilet của một căn
phòng xa nhất. Cảnh tượng đó khiến trái tim ông chủ quặn thắt.
Ông chủ hỏi em: “Sao cháu có thể ngồi ăn ở trong căn phòng này? Cháu có
biết đây là phòng gì không?”
Em bé đáp: “Mẹ cháu nói đây là tiệc riêng mà ông chủ của mẹ cố ý chuẩn
bị cho cháu ạ. Hôm nay, lạp xưởng ăn rất ngon, lâu rồi cháu không được ăn ngon
như vậy. À, chú là ai vậy? Lạp xưởng ngon như thế này, cháu cũng không nỡ ăn
một mình. Chú có muốn ở đây thưởng thức món ăn ngon này cùng cháu không?”
Ông chủ cố nén nước mắt mà nhẹ nhàng gật đầu. Ông nở nụ cười tươi sáng nhất
hướng về phía cậu bé mà không hỏi thêm điều gì nữa.
Giờ phút này, ông nhớ tới kỷ niệm theo cha đến New York khi còn nhỏ. Lúc đó, ông cũng trải qua
cuộc sống vô cùng khó khăn nghèo khổ.
Ông trở lại đại sảnh và nói với các vị khách mời: “Thật xin lỗi các bạn,
hiện tại tôi nhất định phải dùng bữa với một vị khách đặc biệt. Mong mọi người
từ từ thưởng thức. Tôi không thể ăn tối cùng các bạn được rồi.”
Nói xong, ông chủ gắp đầy một mâm thức ăn, món mà em bé thích ăn nhất rồi
bưng đến phòng toilet. Bắt chước em bé, ông đặt khay đồ ăn lên nắp bồn cầu và
ngồi bệt xuống đất, sau đó ông nói: “Như thế này thì tốt rồi, một căn phòng
đẹp, món ăn thật ngon, thưởng thức một mình sẽ rất đáng tiếc. Chú đến đây cùng
thưởng thức tiệc với cháu.”
Ông chủ cùng em bé vừa ăn vừa ca hát và nói rất nhiều chuyện. Ông khiến em
bé tin tưởng chắc chắn rằng mẹ của em là người làm việc cần cù nhất, người mẹ
vĩ đại nhất, không những để em thấy kiêu ngạo về mẹ mà còn muốn làm gì đó cho
mẹ khi trưởng thành. Cho đến giờ, em vẫn chưa biết mẹ của mình chỉ là một người
hầu.
Những vị khách tham dự thấy chủ nhân của bữa tiệc bưng một khay đồ ăn đi
mãi mà không quay lại. Họ cảm thấy thực sự kỳ lạ bèn đi tìm. Cuối cùng, họ đã
chứng kiến cảnh tượng chấn động, một lớn một bé, giống như hai cha con cùng
ngồi bệt xuống đất, vây quanh bồn cầu và ăn tiệc.
Những ông chủ bà chủ, cùng người trí thức đã liên tục cầm ly rượu trên tay
đến chúc mừng khiến phòng toilet chật cứng người. Mọi người hát cho em nghe
những ca khúc thật hay và chúc cho em nhiều những điều ước tốt đẹp. Sự tình này
càng khiến em tin tưởng mẹ của mình được rất nhiều người tôn kính, và em là
người hạnh phúc nhất trên thế giới này.
Nhiều năm sau, em bé trưởng thành. Em cũng có thành tựu trong sự nghiệp,
cũng mua được căn nhà lớn và tiến vào tầng lớp giới thượng lưu.
Hàng năm, cậu bé năm nào cũng âm thầm giúp đỡ người nghèo rất nhiều tiền mà
không ghi danh, không thực hiện nghi thức quyên góp hay tiếp nhận phỏng vấn.
Cậu nói với bạn mình rằng: “Tôi vĩnh viễn không quên được một ngày của nhiều
năm trước, người đàn ông giàu có cùng các bạn của ông đã dùng tâm thiện lương
nhất để bảo vệ và không làm tổn thương tâm hồn trong sáng của một đứa trẻ.”
Câu chuyện thứ sáu:
BÀ CHỦ VÀ LÒNG TỰ TRỌNG
Một ngày nọ, người ăn xin chỉ gọi cửa một căn hộ để xin chút tiền lẻ
hoặc cơm thừa qua ngày. Người đầu tiên ông gặp trong căn nhà này là một người
phụ nữ có dáng vẻ giàu có và quyền quý.
Ông bắt đầu lên tiếng với ý định đề nghị xin chút tiền từ người phụ nữ này,
thế nhưng còn chưa kịp ngỏ lời, người phụ nữ kia đã giơ ngón tay chỉ về phía
đống gạch lộn xộn trước cổng nhà. Bà cất tiếng nói: "Ông bê giúp
tôi chỗ gạch kia ra sân sau đi".
Người ăn xin bất ngờ, mặt ông đỏ gay lên và chống chế với người phụ
nữ: "Bà không thấy tôi chỉ có một tay sao? Tôi chỉ muốn xin chút
tiền lẻ, với một tay tôi chẳng thể nào dọn sạch đống gạch kia được. Bà đang cố
chọc ghẹo người khuyết tật ư?"
Trái với dáng vẻ tội nghiệp của người ăn xin, người phụ nữ không nói không
rằng tiếp tục chỉ tay về phía đống gạch đồng thời ra cử chỉ với ý rằng làm hoặc
ra ngay khỏi nhà bà.
Người ăn xin bắt đầu lưỡng lự và định rời khỏi căn nhà trên, nhưng khi ông
vừa quay đi, người phụ nữ cất tiếng nói: "Có nhiều thứ
không cần đủ 2 tay vẫn có thể làm được, nếu ông không làm thì tôi tìm người
khác, tay có thể chìa ra để xin tại sao không dùng để lao động?".
Xấu hổ với những câu nói trên, người ăn xin bắt đầu cúi mình và dùng tay
nhặt từng viên gạch mang ra sân sau. Mồ hôi rơi trên khuôn mặt, bàn tay chày
xước vì bị những viên gạch cứa, thế nhưng không hiểu vì thứ gì mà ông không
dừng lại.
Suốt hai giờ đồng hồ làm việc, đống gạch ban đầu vơi dần, mồ hôi ông rơi
ngày một nhiều hơn thế nhưng nó không làm ông từ bỏ.
Và rồi đống gạch trên chẳng còn nữa, người phụ nữ mang một chiếc khăn mặt
trắng đưa cho kẻ ăn xin. Khi ông còn đang lau những giọt mồ hôi trên khuôn mặt
mình, người phụ nữ trên đưa cho ông 20 USD, số tiền nhiều hơn rất nhiều so với
những gì ông ta vừa làm.
Xúc động do nhận được số tiền lớn, người ăn xin quỳ xuống, nói trong nước
mắt: "Cám ơn vì đã giúp đỡ tôi". Người phụ nữ kia từ tốn
đáp lại: "Xin đừng cảm ơn, hãy đứng dậy, đây là số tiền do tự ông
kiếm được, không cần cám ơn tôi".
Người ăn xin vội vã ra về, những ngày sau khi đi qua căn nhà này ông ta
thấy đống gạch mình mang đi ngày nào giờ đây lại xuất hiện ở sân trước một cách
kì quặc. Ông thắc mắc nhưng không dám hỏi người phụ nữ trong nhà mà lặng lẽ ra
đi.
10 năm sau đó, xuất hiện với bộ vest và dáng vẻ no đủ, người ăn xin ngày
nào tự tin gõ cửa căn nhà đầy gạch ngày nào. Khi bà chủ nhà, người phụ nữ 10
năm trước ông gặp xuất hiện, ông quỳ xuống nói: "Nếu như không có
bà, tôi mãi vẫn sẽ là người ăn xin, chỉ với đống gạch 10 năm trước giờ đây tôi
đã trở thành quản lý của một công ty".
Bà chủ nhà chẳng thể nhớ nổi người đàn ông này là ai, nhưng người ăn xin
ngày nào vẫn khăng khăng thuyết phục tặng bà một căn nhà trong thành phố với
cuộc sống đầy đủ vì ông vẫn coi bà là ân nhân suốt bao năm qua.
Mặc cho sự nhiệt tình của ông giám đốc một tay, người phụ nữ từ tốn trả
lời: "Tôi không thể nhận những gì ông đề nghị, đơn giản chỉ vì gia
đình tôi ai cũng có đủ 2 tay".
Người ăn xin ngày nào khăng khăng nói: "Bà đã dạy tôi cách làm
người, đã giúp tôi thành công, căn nhà kia chẳng là gì so với những thứ mà bà
đã làm cho tôi".
Người phụ nữ cười và đáp: "Vậy ông hãy dùng căn nhà đó để giúp
đỡ một người không có tay khác có công việc".
Câu chuyện thứ bảy:
VIÊN NGỌC HOÀN MỸ CỦA NGƯỜI CHA
Một gia đình có 2 người con, khi 2 anh em này lớn lên, ông bố đã gọi 2 con
lại và nói: “Các con đều đã lớn rồi, nên ra ngoài làm gì đó. Trong những dãy
núi đằng kia có những viên ngọc được mệnh danh là ‘tuyệt thế mỹ ngọc’. Các con
hãy đi tìm chúng, tìm không được thì đừng có về nhà.”
Nghe lời cha, hai anh em ngày hôm sau đã đi vào núi để tìm ngọc quý.
Người anh là một người rất coi trọng thực tế, đôi khi tìm ra những viên
ngọc không được lành lặn, hoặc những viên ngọc có mầu sắc bình thường, thậm chí
là những viên đá có chút đặc biệt, anh đều cất vào trong túi.
Sau vài năm, đến thời gian và địa điểm mà 2 anh em đã hẹn nhau từ trước.
Khi đó túi của người anh đã được chất đầy các loại ngọc, mặc dù người anh không
tìm được viên ngọc theo yêu cầu của cha. Nhưng chúng rất đa dạng và đẹp mắt,
anh nghĩ rằng những thứ này chắc chắn sẽ khiến cho bố được hài lòng.
Sau đó người em đã đến chỗ mà 2 anh em hẹn từ trước, nhưng với 2 bàn tay
trắng.
Ngươi em nói: “Những thứ mà anh tìm được không phải là ‘tuyệt thế
mỹ ngọc’, mà chỉ là những viên ngọc thông thường, mang những thứ này về bố sẽ
không hài lòng đâu. Em không về nhà đâu, vì em vẫn chưa tìm được loại ngọc mà
bố yêu cầu, em sẽ tiếp tục đi tìm.”
Người anh mang số ngọc đã tìm được về, bố anh nói, “Con có thể mở
một tiệm bán ngọc, chỉ cần gia công qua một chút chúng đều sẽ trở thành những
đồ quý hiếm, những thứ đó cũng đủ để cho con trở nên giàu có.”
Chỉ vài năm sau, tiệm bán ngọc của người anh đã trở nên rất nổi tiếng.
Trong số ngọc anh tìm được có một viên sau khi được gia công đã trở thành một
viên ngọc vô cùng quý hiếm. Viên ngọc đó đã được nhà vua chọn làm ngọc tỷ của
hoàng đế, đây là vật tượng trưng cho quyền lực tối thượng của chính bản thân
hoàng đế, và được lưu truyền qua các triều đại. Cũng bởi lý do này mà người anh
đã trở nên vô cùng giàu có.
Sau khi người anh về đã kể cho bố nghe sự tình của người em.
Ông bố sau khi nghe xong đã nói: “Em của con sẽ không quay lại nữa
đâu, nếu may mắn, thì có thể tỉnh ngộ ra, hiểu được rằng sự hoàn mỹ không bao
giờ tồn tại. Còn nếu như nó không thể tỉnh ngộ, thì có thể sẽ phải trả giá bằng
cả cuộc đời này.”
Rất nhiều năm sau đó, ông bố bị mắc bệnh nặng, trong khi nằm trên giường,
người anh đã đến bên bố và nói sẽ cho người đi tìm người em về.
Nhưng ông bố đã không đồng ý: “Không phải đi tìm, nếu như trải qua
thời gian lâu như thế, mà không thể tỉnh ngộ, vậy thì về nhà cũng có làm được
gì không? Trên thế gian này không có viên ngọc nào hoàn mỹ, cũng không có người
nào hoàn thiện, không có điều gì là tuyệt đối, người nào mà lãng phí một đời đi
theo đuổi những thứ này thì quá là ngốc nghếch.”
Câu chuyện thứ tám:
LÒNG HIẾU THẢO CỦA MỘT ĐẠI GIA
Ngày nọ, một người đàn ông giàu có dẫn mẹ của anh ta tới một phòng khám
răng. Sau khi khám xong, vị bác sĩ nói rằng bà cụ cần phải lắp một bộ răng giả.
Hỏi han thêm một chút, ông liền đưa ra một số mẫu răng giả cho bà cụ và anh con
trai lựa chọn. Sau khi xem hết một lượt, người mẹ này đã lựa chọn cho mình một
bộ răng giả có giá rẻ nhất.
Vị bác sĩ biết rõ rằng anh con trai của bà cụ kia rất giàu có và phóng
khoáng, nên ông đã một mực giới thiệu và giải thích những lợi ích của những bộ
răng đắt tiền so với bộ răng rẻ tiền mà bà cụ đã lựa chọn.
Nhưng vị bác sĩ không ngờ rằng anh con trai chỉ mải mê gọi điện thoại, hút
thuốc lá mà không để ý gì đến lời mình nói. Ông đã có vẻ hơi khó chịu và thất
vọng.
Cuối cùng, vì không lay chuyển được quyết định lựa chọn của bà cụ, vị bác
sĩ đành chấp nhận thay cho bà bộ răng giả có giá rẻ nhất.
Sau khi hai bên đã thống nhất, bà cụ run rẩy lấy chiếc túi vải đựng tiền ra
và móc từng tờ tiền để thanh toán tiền răng.
Bác sĩ hẹn bà cụ một tuần sau đến để thay răng, bà cụ hài lòng và rất vui
vẻ đi theo anh con trai ra về.
Khi hai mẹ con bà cụ đã ra về, tất cả những người trong phòng khám bệnh đều
bàn tán xôn xao, và trách mắng anh con trai: “Sao lại có người con như
thế chứ? Ăn mặc quần áo đắt tiền, hút thuốc lá loại cao cấp, vậy mà không nỡ bỏ
một chút tiền để lắp cho mẹ mình một bộ răng giả!”
Đang lúc mọi người ai nấy đều khó chịu thì người con trai của bà cụ quay
trở lại, anh ta nói: “Bác sĩ! Xin phiền ngài chọn cho mẹ tôi một bộ
răng giả tốt nhất, bao nhiêu tiền cũng được, tôi sẽ thanh toán hết. Nhưng mà,
tôi xin ngài đừng bao giờ nhắc đến chuyện này với mẹ tôi, vì bà là người rất tiết
kiệm. Tôi không muốn làm cho mẹ phải lo lắng và buồn phiền!”
Lúc này tất cả mọi người trong phòng đều nhìn nhau thốt lên: “Ôi!
Thật tuyệt vời! Hóa ra đó là cách hiếu thuận của anh ta…”
Câu chuyện thứ chín:
TÌNH THƯƠNG CỦA CÔ GIÁO
Vào một ngày nọ của nhiều năm về trước, cô giáo này đang nghỉ trưa ở nhà
thì bỗng nhiên chuông điện thoại vang lên, cô ấy bắt máy và nghe thấy giọng nói
xa lạ cộc cằn, thô bạo từ bên kia đầu dây: “Con của cô ăn trộm sách, hiện đang bị chúng tôi giữ lại, cô hãy nhanh
chóng đến đây đi”.
Qua điện thoại, cô nghe thấy tiếng khóc của một bé gái và giọng mắng của
người bên cạnh. Cô quay đầu lại nhìn cô con gái duy nhất của mình đang ngồi xem
TV ở nhà, trong lòng cô lập tức hiểu được có chuyện gì xảy ra.
Đương nhiên cô có thể gác máy và mặc kệ, thậm chí còn có thể mắng người
kia, bởi vì việc này chẳng có liên quan gì đến cô.
Thế nhưng bản thân cô là một giáo viên, không chừng đó chính là học trò của
cô thì sao? Qua điện thoại, cô có thể tưởng tượng thấy một bé gái ngây ngô nhất
định đang vô cùng hoảng loạn, sợ hãi khi phải đối diện với hoàn cảnh khó xử
này.
Sau phút do dự, cô đã hỏi rõ địa chỉ của tiệm sách và vội vàng đến đó. Đúng
như những gì cô dự đoán, trong tiệm sách có một cô bé nước mắt lã chã đầy mặt,
còn những người lớn xung quanh thì đang lớn tiếng mắng nhiếc cháu bé.
Cô xông vào, ôm bé gái đáng thương vào trong lòng, quay lại nói với người
bán hàng: “Có chuyện gì thì cứ
nói với tôi, tôi là mẹ của con bé, đừng dọa cháu như vậy”.
Sau lời giải thích miễn cưỡng khó chịu của người bán hàng, cô đóng tiền
phạt rồi mới bảo lãnh được cháu bé ra khỏi tiệm sách, cô nhìn khuôn mặt ngơ
ngác lo sợ và giàn giụa nước mắt của cô bé.
Cô mỉm cười và đưa cô bé về nhà, lau mặt xong, cô không hỏi gì cả mà để cô
bé đi về. Khi sắp đi, cô còn đặc biệt dặn dò, nếu cháu muốn đọc sách thì cứ đến
chỗ cô, cô có rất nhiều sách đấy.
Bé gái nọ rất bất ngờ, nhìn cô bằng ánh mắt rất sâu rồi chạy đi như bay, từ
đó không thấy xuất hiện nữa…
Thời gian như dòng nước, trôi không quản ngày đêm, bao nhiêu năm cứ thế trôi
đi, cô đã quên việc này từ lâu rồi, cô vẫn sống bình yên ở căn nhà đó…
Vào một buổi trưa nọ, bên ngoài có tiếng gõ cửa. Sau khi cô mở cửa thì nhìn
thấy một cô gái trẻ xinh đẹp đang tươi cười, trong tay ôm một món quà lớn.
“Cô tìm ai?”, cô hoài nghi hỏi,
nhưng cô gái lại xúc động đến mức chẳng nói được câu nào.
Một lúc lâu sau, từ những gì mà cô gái kia kể lại, cô mới hiểu ra rằng thì
ra cô gái này chính là bé gái lấy trộm sách năm nào, hiện đã tốt nghiệp trường
đại học danh giá và tìm được một công việc mà nhiều người ngưỡng mộ, nay tìm
đến thăm cô.
Đôi mắt cô gái nhòe nước, nhỏ nhẹ nói: “Năm đó cháu gọi điện thoại trong lúc cấp bách, may mà tìm trúng được
nhà của cô. Tuy đến, nay cháu vẫn không hiểu được vì sao cô lại chịu nhận làm
mẹ của cháu và giúp đỡ cháu, thế nhưng nhiều năm trôi qua, cháu luôn giữ một
tâm nguyện đó là gọi cô một tiếng ‘mẹ’”. Vừa dứt lời, cô gái đã khóc òa lên.
Hai mắt cô giáo của nhòe đi, cô tò mò hỏi: “Nếu cô không giúp cháu thì chuyện gì sẽ xảy ra?”.
Nét mặt cô gái lập tức trở nên âu sầu, nhẹ nhàng lắc đầu nói: “Cháu cũng không biết ạ, có lẽ sẽ làm việc gì đó ngốc nghếch, thậm chí
là đi chết”.
Tim của cô giáo hẫng đi một nhịp. Nhìn khuôn mặt tươi cười hạnh phúc của cô
gái kia, cô cũng mỉm cười hạnh phúc.
Câu chuyện thứ mười:
THIỆN LƯƠNG CỦA EISENHOWER
Người ta nói thiện lương và đức hạnh của một người giống như kho trữ vàng
có thể dùng mãi mà không cạn, khi bạn đang giúp người khác, bạn thực sự đang
giúp chính mình. Sự kiện lịch sử trong cuốn “The Idea that is America: Keeping Faith with
our Values in a Dangerous World” về vị tổng
thống thứ 34 của nước Mỹ, ngài Dwight David Eisenhower, cũng là một minh chứng
cho điều đó.
Vào một ngày trong Thế chiến thứ II, ngài Dwight David Eisenhower, lúc đó
là Tổng tư lệnh của quân Đồng minh Châu u đang trên đường quay về Tổng bộ ở
Pháp để tham dự hội nghị quân sự khẩn. Ngày hôm đó tuyết rơi dày đặc, thời tiết
lạnh lẽo, xe chạy rất nhanh. Trên con đường mờ mịt, Eisenhower bỗng nhìn thấy
một đôi vợ chồng già ngồi bên đường, run rẩy vì giá rét.
Eisenhower lập tức ra lệnh dừng xe, bảo người phiên dịch bên cạnh ông xuống
xe hỏi thăm. Một vị tham mưu nhắc nhở: “Thưa ngài, chúng ta phải đến kịp cuộc họp ở
Tổng bộ, việc này cứ giao lại cho cảnh sát địa phương xử lý đi ạ”. Nhưng Eisenhower kiên quyết nói: “Nếu như
đợi cảnh sát địa phương đến thì hai ông bà này đã bị lạnh chết rồi!”.
Hóa ra đôi vợ chồng già đến Paris
để thăm con trai, nhưng xe chết máy giữa đường. Trong màn tuyết dày đặc không
nhìn thấy ai cả, họ không biết phải làm thế nào. Nghe xong, Eisenhower không hề
do dự, lập tức mời họ lên xe và đặc cách đưa đôi vợ chồng già về nhà con trai ở
Paris trước,
sau đó mới quay về Tổng bộ.
Sự thiện lương của Eisenhower thực sự đã cứu thoát ông khỏi một vụ ám sát.
Ngày hôm đó, quân Đức Quốc Xã đã mai phục trên đường Eisenhower đi. Hitler đinh
ninh rằng vị Tổng tư lệnh quân Đồng minh sẽ chết chắc, nhưng kế hoạch lại không
thành công do sự thay đổi hành trình đột ngột của Eisenhower. Sau chuyện này
Hitler bắt đầu nghi ngờ các tin tình báo mà mình nhận được. Ông ta nào biết
rằng Eisenhower vì cứu giúp cặp vợ chồng già gặp khó khăn mà đã đi con đường
khác.
Mời thư giãn với nhạc phẩm HUYỀN THOẠI
của Phan Mạnh Quỳnh, qua tiếng hát Phan Mạnh Quỳnh:
*.
PHƯƠNG VIỆT KHÁNG tổng hợp
Địa chỉ: Lô nhà số 5, phường Trần Hưng Đạo,
thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh
Email: datinh_1974@yahoo.com
.
.
.
.
..............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 11.03.2017.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét