MỜI ĐỌC:

Thứ Ba, 18 tháng 7, 2017

BẢN LĨNH CÓC - Tác giả: Dương Quốc Việt (Hà Nội)

(Nguồn ảnh: internet)
BẢN LĨNH CÓC
*
(Tác giả Dương Quốc Việt)
Họ hàng nhà cóc vốn sống lẹt đẹt, ít hòa nhập, ít mạo hiểm. Tiếng kêu không có khả năng vang xa, đã thế lại hay nghiến răng, như một bằng chứng của kẻ hay đố kỵ. Rồi chẳng hiểu do chúng phịa ra, hay họ nhà khác nói đểu, mà cứ thấy truyền tụng “con cóc là cậu ông trời”, mà có khi nhà cóc ta tưởng thế thật. Vốn chậm chạp, lại sống ở nơi ẩm thấp, nên tầm mắt rất hạn hẹp. Tuy thế nhưng cóc lại đã từng thắng cả thằng cọp kiêu căng trong một cuộc chạy đua, nhờ mẹo vặt ngậm miệng vào đuôi hổ. Hay như dân gian truyền tụng thì lũ cóc còn thắng cả ông trời trong một vụ kiện. Thành thử họ hàng nhà cóc rất mê đeo đuổi những thứ hiển hách, thích “một phát ăn ngay”, gây tiếng vang trong các cuộc chơi, mà ít để tâm, bảo nhau suy nghĩ về những chuyện làm ăn sinh sống hàng ngày.
Rồi nghe nói từ lâu lắm, một đám cóc chu du vớ được cái bản thiết kế kỳ quan của họ hàng nhà chẫu chàng. Bởi máu con nhà cóc là ưa thích những thứ hiển hách, nên vớ được cái bản vẽ kỳ quan, thì chúng mê lắm, và mang về thuyết phục họ hàng nhà cóc xây dựng kỳ đài theo như bản vẽ! Vua quan, họ hàng nhà cóc hý hửng, tin chắc có ngày nhảy xa như nhái, cất tiếng to như bọn ễnh ương, còn thân hình thì đẹp như bọn ếch xanh. Thậm chí xây xong kỳ đài, thì một bước lên trời, có mà thằng cháu gọi bằng cậu mất vía.
Để xây dựng móng kỳ quan, ngoài việc thu gom, lũ cóc còn san bằng, diệt sạch những thứ mà chúng cho là gây trở ngại, hay làm phát sinh nghi kỵ, chống đối. Họ hàng nhà cóc biến đổi nhanh chóng chưa từng có, mọi nếp ăn ở, suy nghĩ… đều hướng theo cái chuẩn rất mù mờ của cuộc sống tương lai trong kỳ đài. Vì thế mà giang san nhà cóc chỉ còn như một cái trại lính, nhất cử nhất động, nghe ngóng hiệu lệnh, mà làm theo kẻ phất cờ.
Rồi ngày qua tháng lại, thay đổi bao đời vua cóc, mà ngay cả cái móng của kỳ quan xây cũng chẳng xong. Nhưng chết nỗi, mỗi lần thay thầy đổi chủ, thì cái đám cóc mới lên, lại sung sướng với chức vụ mới, mà ra sức hô hào, đốc thúc xây dựng kỳ đài. Thành thử mãi đến một ngày kia, bọn chẫu chàng mới tiết lộ là, kỳ quan chúng vẽ là phỏng theo mẫu của bọn thiên nga, nên tuy thấy đẹp, nhưng chúng cho là không thể xây được, thì rồi lũ cóc mới có kẻ vỡ lẽ. Nhưng loài cóc vốn ưa sống bằng tinh thần với những hoang tưởng về những thứ hiển hách của mình, hơn đời như thắng trời thắng cọp, nên chúng cho rằng dẫu bọn khác không dám làm, thậm chí không làm được, nhưng chúng vẫn có thể làm được, nên chúng chẳng để tâm, hay quên phéng đi những lời của chẫu chàng.
Mãi sau cóc cụ chủ cũng nhận biết là không thể xây dựng được kỳ quan, nhưng cái khó xử  cho lão, là nếu nói toẹt ra, thì họ hàng nhà cóc sẽ lâm vào cảnh hỗn mang, như mất đức tin, chưa kể nhiều đám thừa cơ kết bè kết đảng, rồi bọn ễnh ương, chẫu  chàng  nhảy vô,  thì  giang san nhà cóc sẽ bị một phen nổi sóng.  Mà nếu không nói, thì cái bọn quan quân ăn theo nhà cóc, cứ cố công như thói “ngựa quen đường cũ” thì cũng chết.
Cóc cụ già yếu rồi chết, nhưng cũng không dám nói, hoặc chưa kịp nói, thế là đám hậu duệ cứ tiếp thế mà làm. Ăn-ngủ-làm-nghĩ-nói… cả xã hội cóc đều hướng tới hình ảnh của kỳ quan! Nhưng  cái móng vẫn cứ không thành, rồi chúng cũng dần nhận ra là cái kỳ quan mà chúng đeo đuổi, xây đắp là rất  xa vời, nhưng không con nào dám nói ra. Một xã hội cóc thành ra toàn nói quanh, nói dối lẫn nhau.
Riêng bọn cóc tía, to gan hơn, chúng thây kệ chuyện đúng sai, nhưng cứ vốn liếng dành dụm xây dựng kỳ quan đến tay chúng, là chúng tìm cách cuỗm. Lúc thuổng còn ít, thì chúng bảo đói khổ, lại bên cạnh đống tiền thì ai mà chịu được. Đến khi cuỗm nhiều, thì chúng lý sự rằng: tiền của chúng thuổng được cũng chẳng mất, mà suy cho cùng vẫn thuộc về họ hàng nhà cóc, tức là chúng chỉ như là kẻ cầm hộ, thế còn hơn là để xây dựng kỳ quan, thì còn mất cả công lẫn của.
Nghe đâu mấy anh chẫu chàng còn bảo, cũng may có cái đám cóc tía, nếu không bọn cóc chúng mày còn chết nhăn răng. Vua cóc nghe thấy chửi bọn chẫu chàng chẳng biết liêm sỉ là gì. Bọn chẫu chàng mắng lại vua cóc là đồ ngu, chịu khó nghe các anh mày giảng giải cho đây này. Bao nhiêu những đứa giỏi giang đi theo mày để xây dựng kỳ quan, chúng làm ra cái gì mày bỏ vào kho hết, chỉ trả cho chúng một khoản không đủ sống, thì chúng có sức để mà làm nữa không? Vua cóc bảo, thì tao cũng chỉ hưởng hơn chúng chút ít, ra điều ngài muốn nhấn mạnh đến lẽ công bằng. Thế thì tốt nhất lũ cóc chúng bay chẳng nên làm gì, để chẳng thằng nào có gì, thì còn công bằng hơn nữa, bọn chẫu chàng đáp trả vua cóc.
Chưa hết, đám chẫu chàng còn như bực bội lớn tiếng hơn. Cóc chủ kia, mày nghĩ xem bọn cóc tía chúng cuỗm tiền của từ kho để làm gì? Để chúng mang tiêu pha như xây nhà, mua hàng, thuê thầy dạy cho con…chứ còn làm gì nữa, lũ chúng bay lại còn hỏi tao!? À thế là lũ cóc tía tiêu tiền chùa, thì kéo theo bọn xây dựng có việc, các  ông thầy dạy học có thêm thu nhập… thế có phải là góp phần tăng trưởng không, thưa đức vua cóc? Mà thôi hôm nay bọn tao chỉ nói với mày mấy điều đơn giản thế đã, mày về suy nghĩ tháng sau muốn nghe thì hãy tiếp!
Vua cóc về suy nghĩ miên man, kể ra thì mấy thằng chẫu chàng ăn nói vô lối, nhưng hắn bảo vì bọn cóc tía tiêu tiền nên góp phần làm tăng trưởng, thì cũng khó cãi lại được. Nhưng vốn tôn thờ cái công bằng, nên ngài vẫn không chịu được. Thế rồi ngài quyết định gặp lại mấy tay chẫu chàng để chất vấn. Thưa ngài ở xứ sở của ngài có ai có cái quyền trả lương không, bọn chẫu chàng hỏi phủ đầu vua cóc. Cái hay của bọn tao là không ai có cái quyền ấy, vua cóc hỉ hả đinh ninh. Oạp, thế thì lấy gì để ép người ta làm việc? Thôi đức vua đừng nói nữa, mà hãy cố nuốt mấy lời này nhé!
Thế rồi mỗi đứa mỗi câu bọn chẫu chàng đua nhau nói. Tiền bỏ kho để xây kỳ quan, là tiền chết, tiền vứt đi, hay không hiệu quả. Những thằng cóc lười làm, lười nghĩ, hèn ngu thì chúng chịu, mà bọn ấy sống hay chết cũng chẳng có ý nghĩa gì. Còn đám cóc tía, thằng thì cuỗm của kho, thằng thì bỏ bê việc công để đi làm thêm,…, nghĩa là thiên hình vạn trạng. Ngài có biết không, chính vì thế mà chúng làm cho xã hội cóc phát triển, ra ngoài cả tầm kiểm soát của ngài. Rồi ngưng một lát như chờ vua cóc hoàn hồn, chúng nói tiếp.
Ngài không thấy chúng đã vô tình thúc đẩy sự tan rã của cái “trại lính” hủy diệt họ hàng nhà cóc của ngài bấy nay sao? Ngài có cho rằng đó là cái tất yếu của cây đời không? Vua cóc ngẩn người, rồi lắp bắp, nhưng mà phải diệt bọn cuỗm của kho, nhất là những thằng cóc to. Thôi ngài ơi, ngài chẳng nên và chẳng thể nào làm được việc ấy, mà nên đón nhận nó, như một thời cơ để vứt bỏ cái “trại lính” ấy đi, và nếu làm được, thì ngài sẽ trở thành kẻ cứu tinh của loài cóc đấy.  Và ngài hãy nhớ dạy bảo dân cóc nhà ngài, đừng có nghiến răng kèn kẹt mà đi trả thù cái bọn cóc tía ấy làm gì, mà hãy nghĩ cách khuyến khích chúng bỏ cái vốn có được, bất kể bằng cách nào ra mà làm ăn. Còn nếu ngài muốn xây dựng vương quốc của ngài giàu mạnh, thì hẹn lần sau mấy kẻ rỗi hơi này tham vấn cho nhé!
Không biết có cuộc tham vấn của bọn chẫu chàng với vua cóc thật không? Nhưng chỉ thấy bọn ễnh ương phán bên lề, là có tham vấn nhưng vua cóc nghe mà thấy sợ. Ngài sợ bởi vì cái vương triều của ngài còn dặt những bọn ăn chực nằm chờ, đã thế lại còn hay nghiến răng nhìn nhau, và chắc chắn là luôn nhằm nhằm cướp chỗ của nhau, nên nếu ngài sơ hở thì ngài có thể bị mất ngai ngay lập tức. Thành thử ngài như chẳng động tĩnh gì, vẫn cứ hô hào xây kỳ đài, vẫn nghiến răng hướng về bọn cóc tía. Nhưng mà thôi, dân cóc của ngài thì cũng chỉ đẻ ra cóc, dẫu có là cóc tía cũng vẫn là cóc, vì vậy sao có được cái bản lĩnh của chẫu chàng cơ chứ!?

Mời thư giãn với nhạc phẩm CÁT BỤI
của Trịnh Công Sơn, qua tiếng hát Khánh Ly:

*
Hà Nôi, ngày 14/07/2017
DƯƠNG QUỐC VIỆT
Địa chỉ:  Ngách 31/2 phố Phan Đình Giót,
quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Email: duongquocviet@fmail.vnn.vn
.





....................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 17.07.2017.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

.    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét