(Nguồn ảnh: internet) |
BÀN VỀ
NHỮNG
CHỈ TIÊU BỐC ĐỒNG
Cũng đăng trong Tia Sáng: Bàn về những chỉ
tiêu bốc đồng
(Tác giả Dương Quốc Việt) |
Trong xây dựng và kiến tạo, cái đáng sợ nhất là
người ta đưa ra những chỉ tiêu “bốc đồng” hay “trên trời”. Nhưng những chỉ tiêu
tùy tiện này, lại rất dễ được che đậy, bởi nó có vẻ như thúc đẩy để sớm vươn
đến một thành quả nào đó. Điều này khiến cho những người dẫu có nhìn thấu sự
thất bại,đổ vỡ cũng khó lòng bác bỏ, chưa kể có khi họ còn bị “chụp mũ” chậm
tiến, hay chống đối. Hơn nữa, do dễ được ngụy tạo bởi động cơ tốt đẹp, nên tác
giả của những chủ trương này thường vô tội, hay người ta không nhìn ra hoặc ít
quy tội cho họ, kể cả đã gây ra tổn thất lớn khi thực hiện.
Vào những thập niên 60 của thế kỷ XX, trường cấp
1 Bắc Lý, Lý Nhân, Hà Nam, là lá cờ đầu của toàn ngành giáo dục. Lúc đó các lớp
học của chúng tôi, thường mít tinh, trống giong cờ mở, hô khẩu hiệu: “Quyết tâm
học tập để đuổi kịp và vượt Bắc Lý”. Lớn lên, tôi được nghe kể lại, trong một
lần họp các trưởng ty giáo dục toàn miền Bắc, có một vị trưởng ty tuyên bố,
sẽ đưa tất cả các trường cấp 1 thuộc ty của ông thành “Bắc Lý”. Thế rồi
ngay lập tức bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên (1905-1975) hỏi ông ta: Anh T anh có
biết để được một “Bắc Lý” thì Bộ, Ty, Phòng… phải làm những gì không? Anh
hãy cố gắng làm cho ty của anh trường ra trường, lớp ra lớp trước đã, ông Bộ
trưởng nói tiếp.
Trong câu chuyện này, có lẽ vị trưởng ty kia
không có ý phá hoại, mà chỉ là thiếu hiểu biết nên bốc đồng, hay nhiễm máu
“phong trào”, hoặc quen “hô khẩu hiệu”, mới thành ra thế. Cũng may mắn là ông
đã được bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên lập tức chấn chỉnh. Nhưng nếu giả sử, một
ngài bộ trưởng nào đó, lại hưởng ứng-khuyến khích tuyên bố của vị trưởng ty bốc
đồng nọ, thì hậu quả sẽ như thế nào cho giáo dục?
Ngày nay, một trong những ví dụ có thể kể đến về
các mục tiêu “trên trời” trong ngành giáo dục là Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020.
Tiến sĩ Lương Hoài Nam đã thẳng thắn chỉ ra rằng: “Đề án Ngoại ngữ quốc gia
2020 đặt ra mục tiêu nghe rất “kêu”: đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt
nghiệp Trung cấp, Cao đẳng và Đại học có đủ năng lực ngoại ngữ, sử dụng độc
lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập…
Còn 4 năm nữa mới đến năm 2020, nhưng đã có thể thấy trước là mục tiêu đó không
đạt được, cho dù chỉ ở mức 50%”. Hay “Đến năm 2020, mục tiêu của đề án dạy
ngoại ngữ trong giáo dục quốc dân có đạt được không? Tôi xin trả lời luôn là
không- Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ thẳng thắn trả lời đại
biểu về thất bại của đề án phổ cập ngoại ngữ gần 10.000 tỷ Đồng đầy tham vọng
được đưa ra từ năm 2008” (xem bài “Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 thất bại, vì
đâu?”, Thế Giới & Việt Nam, 21/11/2016). Có lẽ người ta sẽ còn đặt ra nhiều
câu hỏi cho đề án này, đặc biệt ai sẽ là người chịu trách nhiệm !? Rằng nó cần
phải được đánh giá đầy đủ sau năm 2020.
Còn nhiều suy ngẫm hơn, khi đọc nhận định tiếp
theo của tiến sĩ Lương Hoài Nam cũng cùng trong bài báo trên): “Công bằng mà
nói, đây không phải là mục tiêu 2020 duy nhất bị thất bại. Chúng ta có thể nhìn
thấy trước một số mục tiêu không thể trở thành hiện thực như Việt Nam có một số
trường đại học trong Top 200 thế giới, mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa
đến năm 2020 (mà Đề án Ngoại ngữ 2020 nhắc đến)”. Thật khó hiểu vì sao, những
người đứng đầu một nền học thuật, lại có thể đưa ra những mục tiêu hoang tưởng
đến như vậy.
Ngoài những mục tiêu bốc đồng được “vẽ ra” trong
các đề án giáo dục như vừa nêu, người ta còn đưa ra nhiều tiêu chí xa vời bắt
buộc người giảng dạy phải hoàn thành, mà không tính đến hệ lụy của nó. Chẳng
hạn đòi hỏi tất cả các giáo viên phổ thông phải viết sáng kiến kinh nghiệm hàng
năm. Việc làm bắt buộc này, không chỉ làm khổ các thầy cô, mà còn làm cho công
việc học thuật trở nên nông cạn và hình thức. Có lẽ nên chăng thay vì tất cả,
chỉ nên tập trung xem xét và khen thưởng thích đáng cho những thầy cô có sáng
kiến, mang lại hiệu quả thực tế cho việc dạy và học.
Những tiêu chuẩn khắt khe về chứng chỉ ngoại ngữ
cho các giảng viên, khiến cho không ít giảng viên, kể cả những người có công bố
quốc tế tốt, cũng trở thành những người “mắc nợ”. Thực tế là, một giảng viên dù
có chứng chỉ ngoại ngữ cao đến bao nhiêu, nếu không có môi trường giao tiếp
thường xuyên, không thường xuyên dịch, không viết bài cho công bố quốc tế, thì
cái chứng chỉ kia không biết được dùng để “dọa” ai!?
Đành rằng hiểu biết càng sâu, càng rộng thì càng
đáng quý. Nhưng khốn thay, chúng ta đang còn phải nỗ lực cho những công việc cụ
thể cấp bách, mà cũng vẫn còn bất cập. Vì thế cần hết sức tránh những tiêu chí
còn xa vời, mà thực tế chưa đòi hỏi, chưa kể đời sống của những người làm thầy
còn bị chịu rất nhiều sức ép. Trong bối cảnh thực tế hiện nay, có lẽ chỉ nên
tập trung vào những tiêu chuẩn cơ bản thiết yếu mà mỗi thầy cô nhất thiết phải
gắng đạt bằng được, với sự giám sát của các đơn vị chuyên môn. Bên cạnh đó là
khen thưởng kịp thời cho những thầy cô có những thành tích tốt trong giảng dạy,
nâng cao hiểu biết và nghiên cứu khoa học.
Khi còn là chủ nhiệm bộ môn Đại số
(6/2006-7/2017) của đại học Sư phạm Hà Nội, tác giả thường nói với các thành
viên bộ môn rằng: viết sách và công bố khoa học là không dễ, không phải khi nào
cũng làm được, vì thế những ai còn chưa làm được thì hãy gắng, còn những ai làm
tốt thì bộ môn luôn ghi nhận và trân trọng. Bởi trong thực tế, không ai lại
không muốn là tác giả của những cuốn sách, cũng như những công trình khoa học.
Chưa kể bên cạnh họ, luôn có các đồng nghiệp có những ấn phẩm tốt được công bố
hàng năm, và điều này cũng đã đủ gây sức ép cho họ. Mặt khác họ lại đều là
những người học tập xuất sắc được giữ lại, rất tự trọng, và luôn nỗ lực vươn
lên.
Tuy thế những năm gần đây, không ít trường đại
học, đua nhau đưa ra những tiêu chuẩn ôm đồm và thiên về định lượng trong
nghiên cứu khoa học cho mỗi giảng viên. Trong khi đó, trên thực tế hiện nay
năng lực nghiên cứu của người Việt, nói chung còn rất hạn chế, thiếu truyền
thống. Chưa kể cách đào tạo, cũng như không gian học thuật của chúng ta, đã ảnh
hưởng không tốt đến khả năng nghiên cứu khoa học của mỗi cá nhân. Vì vậy có lẽ
thay vì thúc ép họ, thì hãy nên kiến tạo môi trường học thuật, tôn trọng và
khuyến khích khoa học thực sự. Mặt khác, chúng ta đang thiếu những ấn phẩm khoa
học đạt chuẩn quốc tế hay hội nhập, nhưng lại thừa mứa những ấn phẩm khoa học
không đạt chuẩn.
Việc thúc ép nghiên cứu cộng với việc không chú
trọng chất lượng, hay đánh giá thỏa đáng ý nghĩa của các công bố đạt chuẩn quốc
tế, sẽ chỉ làm gia tăng những ấn phẩm khoa học chất lượng hạn chế-dễ dãi trong
các công bố. Đặc biệt cùng với đó, là làm khó cho những cá nhân đang nỗ lực
hướng về những công bố đạt chuẩn quốc tế cao. Đó là một trong những mặt trái
của vấn đề, khi đưa ra những tiêu chuẩn bốc đồng trong nghiên cứu khoa học,
nhất là một khi chỉ chú ý về số lượng.
Những chỉ tiêu bốc đồng, thường được đề ra, trước
hết bởi những người rất thiếu hiểu biết, thứ nữa là rất thiếu xây dựng, trách
nhiệm, hay có thể học đòi mà không hiểu bản chất của công việc, hoặc đôi khi
còn là những thủ đoạn để hướng đến những mục đích khác… Thông thường
những chỉ tiêu bốc đồng được áp đặt xuống công chúng, sẽ để lại những hệ quả
nghiêm trọng. Nó có thể sẽ gây hoang mang trong công chúng, kích thích “làm thì
láo báo cáo thì hay”… Tệ hại hơn, đâu đó còn ứng xử với nghiên cứu khoa học như
kiểu lao động tạo ra những sản phẩm theo quý-theo mùa, rất xa lạ với sáng tạo
khoa học. Điều này sẽ gây bất lợi cho những cá nhân đeo đuổi những công bố có
chất lượng cao.
Cuối cùng người viết cho rằng, thay vì tạo sức ép
phi thực tế lên môi trường học thuật hiện nay, đặc biệt trong sáng tạo khoa
học, nên đòi hỏi chất lượng cao hơn, hay theo chuẩn hội nhập đối với tiến
sĩ, phó giáo sư và giáo sư. Để làm sao có sự cân đối giữa số lượng học hàm học
vị cao với số lượng và chất lượng các công bố quốc tế. Và hơn tất cả, là
cần biết đưa ra những mục tiêu đúng đắn-phù hợp-khả thi, để động viên kích
thích sự phát triển không ngừng. Rằng đó mới chính là cách làm bài bản, kiến
tạo. Rằng cần phải nghiêm khắc xử lý với những nơi đưa ra những chỉ tiêu bốc
đồng, làm suy giảm lòng tin, gây hoang mang trong cộng đồng. Đặc biệt ở những
nơi cần sự “tĩnh lặng” như môi trường học thuật.
Mời thư giãn với nhạc phẩm XIN LÀM NGƯỜI HÁT RONG
của Trần Long Ẩn, qua tiếng hát Phương Thanh:
*
DƯƠNG QUỐC VIỆT
Địa chỉ: Ngách 31/2 phố Phan Đình Giót,
quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Email: duongquocviet@fmail.vnn.vn
.
....................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả
gửi qua email ngày 18.09.2017.
- Bài viết không thể hiện quan điểm
của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét