MỜI ĐỌC:

Thứ Ba, 12 tháng 9, 2017

NGƯỜI THẦY GIÁO VÀ ÔNG LÁI ĐÒ - Tản văn Lang Trương (Đà Nẵng)

(Nguồn ảnh: internet)
NGƯỜI THẦY GIÁO
VÀ ÔNG LÁI ĐÒ
*
Hôm nay, đọc bài viết NGƯỜI LÁI ĐÒ LÀ AI của anh Nguyễn Phúc Vĩnh Ba, một nhà giáo, Lang Trương có vài cảm nhận về hình ảnh ẩn dụ "người lái đò" dùng để gọi các người thầy của người xưa.
Trước tiên, ta phải xem xét hình tượng người lái đò và người thầy trong đời thực. Muốn vậy, ta phải trở về điểm xuất phát, từ xa xưa, từ khi nào mà cách gọi này được sử dụng, để cảm nhận xem, người xưa dùng hình tượng người lái đò để gọi các người thầy với lòng tôn kính, hàm ơn hay hạ thấp, xem thường nhà giáo. 
(Tác giả Lang Trương)
Ngày xưa ấy, các miền quê Việt Nam chằng chịt những con sông, rạch, cầu đường không có, nhiều làng mạc bị cô lập. Người lái đò chính là nhịp cầu kết nối những khu vực này với thế giới văn minh. 
Vả lại, làng quê ngày xưa yên tĩnh, hiền hoà. Người xưa sống trọng tình cảm, nghĩa nhân. Hoạ hoằn lắm mới có khách lạ sang sông. Vì vậy, người lái đò thường là người làng, lớn tuổi, không quản ngại những khi mưa gió, tối trời, đêm hôm khuya khắt, đưa khách sang sông, bằng chiếc thuyền gỗ mong manh, nhịp chèo hối hả. Thường họ chỉ nhận lại món thù lao tượng trưng. Chẳng ai lợi dụng hoàn cảnh ngặt nghèo của khách sang sông để kiếm chác, vòi vĩnh. Vì là người sống có nghĩa, có nhân nên người lai đò ngày xưa thường rất nghèo. Nghèo nhưng thanh bạch, giúp ích cho đời, nên được người làng yêu quý, kính trọng. Hình ảnh " cây đa, bến nước, côn đò" được sử dụng rất nhiều trong văn học dân gian. Con đò là nguồn cội, người đưa đò chính là sứ giả kết nối những trái tim:
Cây đa cũ, bến đò xưa 
Bộ hành có nghĩa nắng mưa cũng chờ
Căn duyên chẳng cứ hẹn hò
Một ngày nên nghĩa, chuyến đò nên quen
Nong tằm, ao cá, nương dâu 
Đò xưa bến cũ, nhớ câu hẹn hò.
Ta cũng có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh con đò, người đưa đò trong thơ văn hiện đại, một hình tượng rất đẹp, rất thơ:
Hãy đọc lại BẾN MY LĂNG của nhà thơ Yến Lan:
Bến My Lăng nằm không, thuyền đợi khách 
Rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu 
Trăng thì đầy, rơi vàng trên mặt sách 
Ông lái buồn, để gió lén mơn râu. 
Người xưa không quan tâm đến địa vị thấp kém của người chèo đò, mà họ tôn vinh công việc nhọc nhằn nhưng hữu ích cho nhân quần, xã hội. Chính vì vậy, người chèo đò xuất hiện rất nhiều, rất đẹp trong thơ. 
Chính vì hình ảnh rất đẹp đó của người lái đò mà người xưa đã gọi những người thầy là người chèo đò.
Người thầy ngày ấy chính là những ông đồ. Các ông đồ ngày xưa không có bằng cấp như ngày nay. Họ là những người nhiều chữ nghĩa, đạo cao đức trọng, dạy học trò cái nghĩa, cái nhân, cái đạo lý của đời thường. Các ông đồ nhiều chữ nghĩa cũng nghèo như ông lái đò, là niềm mơ ước của các thiếu nữ :
Chẳng tham ruộng cả, ao liền 
Tham vì cái bút, cái nghiên anh đồ.
Con đò còn xuất hiện trong Kính Phật và Kinh Thánh. Con Thuyền Bát Nhã và Con Thuyền Nô-ê (Noah) cứu rỗi cả nhân loại chắc chắn cần có người chèo đò. 
Người chèo đò chính là người đã đưa nhân loại qua bến u mê, về miền tươi sáng, đến cõi thành cao. 
"Người chèo đò" là hình ảnh ẩn dụ mà các người thầy ngày xưa tự gọi mình. Ngày nay, chúng ta gọi thầy mình là người lái đò với tất cả lòng tôn kính, biết ơn, bởi nhờ có họ, nhân loại mới ngày càng tiến bộ, văn minh.
*.
LANG TRƯƠNG
Địa chỉ: 931 Nguyễn Lương Bằng, Liên Chiểu,
thành phố Đà Nẵng
Điện thoại: 098.907.73.61
. 




……………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật từ email: huongmai8081@yahoo.com.vn gửi ngày 04.03.2017 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét