(Thi sĩ Xuân Diệu ; Nguồn ảnh: internet) |
TIẾP CẬN VÀ GIẢNG DẠY BÀI THƠ
“VỘI VÀNG”
CỦA XUÂN DIỆU TRONG CHƯƠNG TRÌNH
THPT
DƯỚI GÓC NHÌN THI PHÁP HỌC
Như chúng ta đã biết, Thi pháp học có vị trí
độc lập phân biệt với các bộ môn khác trong khoa văn học là nó chỉ nghiên cứu
cấu trúc và thuộc tính nghệ thuật của văn học từ góc độ nghệ thuật. Ngoài ra,
Thi pháp học còn là sự miêu tả, khám phá các hệ thống các phương tiện cấu trúc
nghệ thuật cụ thể, mang sắc thái dân tộc và cá nhân. Vì thế, Thi pháp học với
những thành tựu của nó đã mở ra một hướng nghiên cứu mới, toàn diện hơn cũng
như hướng tiếp cận có hệ thống và khoa học hơn cho khoa học lý luận và phương
pháp dạy học Ngữ văn.
Đối với khoa học lý
luận, mặc dù khác nhau song các trường phái thi pháp học đều xem xét văn học
với tư cách là một nghệ thuật ngôn từ, đặt vấn đề bản thể, cấu trúc, cách biểu
hiện nội dung, từ đó mà khám phá vẻ đẹp của văn học. Với khái niệm hình thức
mang nội dung đã giúp chúng ta nhận thấy cả một lĩnh vực văn học rộng lớn,
phong phú, đa dạng hình như chưa được tìm hiểu bao nhiêu, từ đó mở ra một triển
vọng nghiên cứu mới cho văn học. Về mặt này, nghiên cứu thi pháp chính là đi
tìm một cách tiếp cận mới để khám phá sự phong phú, đa dạng và hấp dẫn của văn
học.
Đặc biệt và ý nghĩa
hơn, đối với phương pháp dạy học Ngữ văn, thành tựu của thi pháp học đã gợi mở
và giúp ích rất nhiều trong việc “tìm đường” và tiếp cận tác phẩm văn học trên
nhiều bình diện dưới góc nhìn của khoa học chuyên ngành lẫn khoa học phương
pháp. Với khoa học chuyên ngành, Thi pháp học chính là nền tảng để giáo viên
triển khai nguyên lý dạy học hiện đại đi từ “khái quát đến cụ thể” vào từng bộ
phận văn học (thời kỳ, giai đoạn, trào lưu, tác gia, tác phẩm). Từ đó sẽ giúp
học sinh có được cái nhìn toàn diện, rõ và sâu về mối liên hệ “sống còn” và
biện chứng giữa tác phẩm với từng bộ phận văn học ấy. Ngoài ra, những thành tựu
lý luận về thi pháp học còn giúp ta nhìn rõ hơn môn Ngữ văn trong mối quan hệ
với các ngành khác để giải quyết những nhiệm vụ riêng của mình.
Với khoa học phương
pháp, Thi pháp học chính là nền tảng để giáo viên có thể chọn lọc những cách
thức phù hợp nhằm giúp học sinh biết đi từ cảm nhận hình thức đến nắm được nội
dung, tránh được cách hiểu chủ quan, suy diễn tùy tiện hoặc phân tích xã hội
học tầm thường xa lạ với bản chất thẩm mỹ của văn học. Quan trọng hơn Thi pháp
học còn chính là “kim chỉ nam” tốt nhất cho giáo viên trong quá trình xác lập
và triển khai các phương án, phương thức và cả phương tiện trong dạy học
tác phẩm văn chương ứng với từng cấp độ thi pháp khác nhau như: thi pháp giai
đoạn văn học, thi pháp tác giả, thi pháp thể loại... Bên cạnh đó, Thi pháp học
còn là “môi trường” tốt nhất để người thầy có thể phát huy được các năng lực sư
phạm của mình để biết giao tiếp thế nào, tổ chức và xây dựng ra sao đối với
từng thời kỳ, giai đoạn, tác phẩm và phong cách cụ thể nhằm đạt được hiệu quả
tốt nhất theo yêu cầu bộ môn.
Có thể lấy bài thơ
“Vội vàng” của Xuân Diệu trong
chương trình lớp 11 hiện hành để minh họa cho quan điểm trên trên một số phương
diện sau:
Thứ nhất, để dạy
bài thơ trên thì một yêu cầu có tính bắt buộc là giáo viên phải làm rõ được vị
trí và thế đứng của “Vội vàng”
mang tính chất mẫu mực cho thi pháp văn học hiện đại mà cụ thể là thi pháp thơ
mới trong phong trào Thơ mới với tác gia Xuân Diệu. Để hiểu và “cảm” bài thơ
này thì trước hết học sinh phải được giới thuyết về thơ mới trước khi biết được
Thơ mới là bước phát triển quan trọng, xét về mặt nào đó là cả một cuộc cách
mạng trong tiến trình của thơ ca Việt Nam, đưa thơ cổ điển Việt Nam đạt đến
hiện đại cả về mặt biểu hiện cũng như cảm hứng thơ ca.
Như chúng ta đã
biết, trong lịch sử văn học của một dân tộc, không phải luôn luôn sáng tạo được
cảm xúc mới. Ở Việt Nam, bắt đầu từ lối cảm xúc của Tao Đàn (Nhị thập bát tú
thời Lê Thánh Tông) đến cảm xúc mới cuối thế kỷ XVIII (Phạm Thái, Hồ Xuân
Hương, Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm…và các tác giả truyện Nôm) phải vượt gần ba thế
kỷ. Rồi từ cuối thế kỷ XVIII đến những năm ba mươi của thế kỷ XX thơ mới ra đời
tạo cảm xúc mới, phải trải qua một thế kỷ rưỡi. Thơ mới đã đổi mới cảm xúc, đã
tạo ra một cảm xúc mới trước cuộc đời và thiên nhiên, vũ trụ. Thơ mới đã nhìn
và cảm nhận cuộc đời, nhìn và cảm nhận thiên nhiên, tạo vật không còn như cũ
nữa mà với những rung động mới, rung động của trái tim và khối óc của những con
người cảm thấy rõ vận mệnh, sự sống của mình có nhiều liên hệ tinh vi và chặt
chẽ với cuộc đời rộng lớn. Và để biểu hiện cảm xúc mới, thơ mới đã tạo ra ngôn
từ mới. Sự đóng góp của thơ mới về ngôn ngữ là rất lớn. Có thể nói thơ mới là
“dòng nước nặng” làm ra năng lượng mới cho mỗi từ, mỗi câu. Ngoài ra thơ mới còn
sáng tạo ra một số thể loại thơ, và đã đổi mới, “trẻ hóa” nhiều thể thơ cũ. Thơ
lục bát đông đặc hơn mà vẫn mềm mại, uyển chuyển, câu thơ bảy chữ cũng đã được
biến hóa rất nhiều, từ cách ngắt câu cho đến cách ghép vần…[4;34]
Cung cấp và lý giải
được những vấn đề về lịch sử, thời đại, đặc trưng của Thơ mới với quan niệm cá
nhân và cái tôi tự biểu hiện, việc sáng tạo ra các thể thơ mới và cải tạo các
thể thơ truyền thống… sẽ giúp học sinh tránh được những bỡ ngỡ và xa lạ khi
phải giải mã những dấu hiệu “lạ hóa” của bài thơ về cách dùng từ, ngắt dòng,
cách cảm nhận đời sống, về quan điểm sống, cách thụ hưởng cuộc đời cũng như độ
nồng nàn, đắm say đến tột cùng của nhà thơ trong cảm xúc và biểu hiện.
Mở đầu bài thơ đã
là sự bất ngờ với mong muốn gần như chưa bao giờ xuất hiện trong thi ca khi nhà
thơ bất ngờ tuyên bố:
Tôi muốn tắt nắng
đi
Cho màu đừng nhạt
mất;
Tôi muốn buộc gió
lại
Cho hương đừng bay
đi
Chỉ cần vài câu thơ
mở đầu thôi, nhà thơ đã làm cho người đọc choáng ngợp bởi sự quyết liệt và táo
bạo khi muốn lưu giữ và chiếm lĩnh tất cả mọi vẻ đẹp của cuộc đời trần thế này.
Bốn câu thơ vừa là “cớ” vừa là “cách” để nhà thơ “hợp thức hóa” những mong
muốn, khát khao tiếp theo của mình khi tiếp tục giới thiệu thiên đường đang
hiện hữu:
Của ong bướm này
đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của
đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành
tơ phơ phất;
Của yến anh này đây
khúc tình si…
Điệp ngữ “Này đây” được sử dụng đến năm lần kết
hợp với lối liệt kê khiến nhịp thơ trở nên dồn dập và háo hức hơn bao giờ hết.
Do đó, với “Này đây” nhà thơ không
chỉ thành công trong việc xác lập giá trị của thiên đường do chính mình tạo
dựng mà nó còn có tác dụng “lôi kéo” và thuyết phục người nghe. Vì thế,
sự quyến rũ của thiên đường vừa được phát hiện ở đây dường như không xuất phát
từ chính nó mà xuất phát từ chính cái cách đã được nhà thơ mời gọi! Cái đẹp,
xét ở một phương diện nào đó, sẽ không thể phát huy được hết vẻ đẹp của nó nếu
ta chỉ hưởng thụ cho riêng mình. Một cảm quan nghệ thuật sâu sắc và đáng trân
trọng biết bao nhiêu!
Thứ hai, vì Thơ mới
là một bước tổng hợp mới những ảnh hưởng của phương Tây và phương Đông để xây
dựng nền thi ca Việt Nam hiện đại nên với “Vội vàng”, giáo viên cần cung cấp thông tin để học sinh hiểu
đúng và đủ về dấu ấn của trường phái lãng mạn, tượng trưng của thơ Pháp
trong Thơ mới. Lý luận của trường phái tượng trưng về sự hòa hợp giữa các cảm
xúc, về sự tương ứng giữa hương thơm, màu sắc và âm thanh đã in dấu ấn rất rõ
trong sáng tác của các nhà thơ mới mà Xuân Diệu chính là một điển hình. Nhờ vào
sự ảnh hưởng này mà thơ mới có nhiều khả năng diễn đạt hơn “thơ cũ” ở thể cách
linh hoạt, cách hiệp vần phong phú, nhạc điệu dồi dào, lối ngắt vần sinh động,
ngôn ngữ gợi cảm, giàu hình tượng. Nắm được những đặc trưng trên sẽ giúp học
sinh lý giải được lý do về mặt biểu hiện vì sao trong “Vội vàng” lại có một nghệ thuật tinh vi, giàu biểu tượng và cảm
xúc tinh tế đến như thế.
Không làm rõ được
ảnh hưởng này thì giáo viên sẽ không thể xử lý tốt và hiệu quả hàng loạt những
hình ảnh giàu tính biểu tượng trong bài khi chủ thể trữ tình đột ngột phát hiện
ra điều mới mẻ và quyến rũ vô cùng của mùa xuân:
Tháng giêng ngon
như một cặp môi gần
Và cuống quýt, đắm
say đến tột cùng khi muốn ôm:
Cả sự sống mới bắt
đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây
đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm
với tình yêu,
Ta muốn thâu trong
một cái hôn nhiều…
…tất cả mọi vẻ đẹp
của cuộc đời trần thế. Thì ra, vẻ đẹp của cuộc sống này, thiên đường thật sự
theo kiểu “cặp môi gần” hay “này đây” trong “cặp mắt xanh non” của nhà thơ không nằm ở chỗ được nhìn thấy mà
còn ở vấn đề được cảm nhận! Và cũng chính từ những cảm nhận ấy mà
con người sẽ phát hiện ra biết bao điều thú vị, bất ngờ và cả quyến rũ nữa từ
đời sống để sẽ thấy được rằng cuộc sống này, với tất cả những vẻ đẹp mà nó ban
tặng, không những đáng yêu mà còn đáng sống biết bao nhiêu! Chính vì đáng như
thế nên mùa xuân, tạo vật và quy luật tạo hóa dù “đang tới” hay “đang qua”,
“non” hay “già” thì vẫn mãi mãi là niềm đam mê và đắm say muôn thuở. Nên, dù
có “ôm, riết, say, thâu” đến “chếch choáng” hay “đã đầy” thì cũng chỉ là cái cách để nhà thơ lưu giữ trong trân
trọng và tiếc nuối mà thôi.
Tiếp cận bài thơ
theo hướng trên không những giúp học sinh giải mã được những hiện tượng độc đáo
của ngôn ngữ, hình ảnh thơ trong bài, mà hiệu quả hơn chính là ở chỗ giúp các
em “giải mã” được bản thân mình để nhận thức, phát hiện và cảm nhận ngay trong
chính sự tác động từ tình yêu cuộc sống của nhà thơ.
Thứ ba, xuất phát
từ vấn đề nổi bật của thi pháp Thơ mới là cùng với câu Thơ mới là một
kiểu thi nhân mới, một nhãn quan thơ mới mẻ về con người và thế
giới. Do đó, khi dạy “Vội vàng”,
giáo viên phải giới thuyết về mối liên hệ máu thịt giữa cái khát vọng cởi trói
cho thơ với khát vọng nói rõ những điều sâu kín nhất, u uất nhất và đặc biệt là
cái khát vọng được thành thật với chính mình của các nhà thơ trong phong trào
Thơ mới nói chung và Xuân Diệu nói riêng. Đây chính là “điểm tựa” quan trọng để
giáo viên có thể xử lý thấu đáo nỗi đam mê, khao khát tận hưởng và chiếm lĩnh
cuộc sống đến tận cùng bằng một sự thành thật không chút “ngại ngùng” của nhà
thơ. Ấn tượng và sự thuyết phục của những dòng thơ, vì thế, không nằm ở chỗ nhà
thơ đã thể hiện ra sao mà chính là ở chỗ tác giả đã cháy hết mình cho những
mong muốn và khao khát ấy! Do vậy, dù khá mâu thuẫn trong mạch cảm xúc thơ khi
liên tục chuyển đổi cảm giác, cảm nhận theo kiểu:
Tôi sung sướng.
Nhưng vội vàng một nửa
Tôi không chờ nắng
hạ mới hoài xuân
…
Mà xuân hết nghĩa
là tôi cũng mất
Lòng tôi rộng,
nhưng lượng đời cứ chật
…
Chẳng bao giờ, ôi!
Chẳng bao giờ nữa…
Mau đi thôi! Mùa
chưa ngả chiều hôm,
Ta muốn ôm…
…thì dù vui hay
buồn, thất vọng hay hụt hẫng, sự “mất cân bằng” ấy vẫn xứng đáng được chia sẻ
và cảm thông. Không phát hiện ra được những “bất thường” trên thì sẽ không thể
hiểu và thấu cảm được vì sao nhà thơ chúng ta lại “vội vàng” đến như vậy. Cái
“no nê, đã đầy” trong tận cùng sâu thẳm của lòng yêu đời, ham sống và muốn níu
giữ tuổi xuân, thời gian kia vì lẽ đó đâu phải là kết thúc mà
nó chỉ là khởi đầu cho những đam mê chưa bao được thỏa của nhà
thơ.
Đây chính là
một phương diện quan trọng để đánh giá sự thành công của bài thơ xét trên góc
độ “tự biểu hiện” của thi pháp Thơ mới về một kiểu thi nhân mới dám
nói và biết nói. Hay nói cách khác, đó chính là bản lĩnh và tài năng trong tỏ
bày và biểu hiện. Khi giáo viên giúp cho học sinh phát hiện và nhận thức
được điều này cũng chính là lúc giáo viên đã chỉ ra được một trong những
điểm khác biệt cơ bản giữa thi pháp thơ trung đại và thi pháp thơ hiện đại. Đối
sánh trên chính là sự hỗ trợ mang tính chất công cụ để trên cơ sở đó học sinh
biết phát hiện và nhận diện khi phân tích tác phẩm cụ thể gắn với đặc trưng thi
pháp ứng với từng bộ phận văn học khác nhau.
Thứ tư, để giảng
dạy “Vội vàng” giáo viên cần
tiếp cận thêm góc nhìn về thi pháp tác giả để khai thác bài thơ. Khác với
tác giả trung đại, tác giả cận hiện đại có ý thức về cá tính của mình, có nhu
cầu sáng tạo cái riêng của mình trong văn học. Không phải ngẫu nhiên mà Xuân
Diệu được coi là người phát ngôn đầy đủ nhất cho tư tưởng cá nhân của phong
trào Thơ mới. Không triền miên sầu mộng như Lưu Trọng Lư, không ấp ủ nhiều giấc
mộng chinh phu như Thế Lữ hay những hoài vọng xa xăm như Huy Thông...Với Xuân
Diệu, cái “tôi” cá nhân được ý thức sâu sắc và mới mẻ hơn.[2;16]
Lần đầu tiên trên
thi đàn, “cái tôi” tiểu tư sản mạnh dạn bày tỏ những tâm tư thầm kín, những xúc
cảm yêu đương tuôn trào, những khát vọng được thụ hưởng không dứt, không nguôi
hoa thơm trái ngọt của cuộc đời trần thế. Vì thế, Xuân Diệu không chỉ hoàn toàn
mới lạ so với các thế hệ trước mà còn mới so với các nhà thơ cùng thời để xứng
danh là “nhà thơ mới nhất trong những nhà
thơ mới” (Hoài Thanh). Chỉ có Xuân Diệu mới có đủ độ nồng nàn say đắm nhất
của chủ nghĩa lãng mạn phương Tây, với một cách cảm nghĩ nói năng rất phương
Tây và một triết lý hưởng thụ cũng rất phương Tây theo kiểu:
Thà một phút huy
hoàng rồi chợt tắt
Còn hơn buồn le lói
suốt trăm năm
(Giục giã)
Chú ý tới thi pháp
cá nhân nghệ sĩ chính là điểm nhìn quan trọng có tính quyết định trong việc
định hướng tiếp cận bài thơ. Có thể thấy ở “Vội vàng” tất cả những âm thanh, hình ảnh, sắc màu và cảm xúc
đều đậm chất “Xuân Diệu” với tột cùng của biểu hiện và tột đỉnh của đam mê. Có
thể nói có bao nhiêu đắm say, tha thiết thì sẽ có bấy nhiêu cách để nhà thơ tỏ
bày và biểu hiện. Niềm vui và nỗi buồn của chủ thể trữ tình trong bài cũng vì
thế mà đã đi đến tận cùng của nó trong độ chín và sâu của một tâm hồn biết yêu
và biết sống. Phải trân trọng lắm cuộc đời này thì nhà thơ mới đủ bản lĩnh để “vội vàng” trước cái “tới” và “qua” của mùa xuân cũng như cái “chật”
vô tình của tạo hóa để xác định tâm thế, vị thế của mình trong cảm nhận và
hưởng thụ khi đau đớn phát hiện ra rằng:
Xuân đang tới,
nghĩa là xuân đang qua,
Xuân còn non, nghĩa
là xuân sẽ già,
Mà xuân hết nghĩa
là tôi cũng mất
Lòng tôi rộng,
nhưng lượng đời cứ chật
Không cho dài thời
trẻ của nhân gian……
Chẳng bao giờ, ôi!
Chẳng bao giờ nữa…
Đỉnh cao của niềm
đam mê sống, tận hưởng và tận hiến của phong cách thơ Xuân Diệu chính là ở đây.
Thì ra, tất cả những gấp gáp, háo hức, nồng cháy và thậm chí đến mức tưởng
chừng như vồ vập kia khi nhà thơ tuyên bố “Hỡi
xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi!” đâu phải là lối “vội vàng” theo nghĩa sống gấp, sống vội, sống thực dụng và hưởng
thụ đơn thuần mà chính là lối sống hết mình, có ý nghĩa, có trách nhiệm với
thời gian, với cảm giác của bản thân và với cả tạo vật. Đây chính là kiểu “vội
vàng” rất nhân văn của một cảm quan nghệ thuật sâu sắc, một nhân sinh quan mới
mẻ, cấp tiến và rất có trách nhiệm trước cuộc đời của nhà thơ.
Có thể nói, sử dụng
thi pháp tác giả bên cạnh hiệu quả là bài thơ được hiểu đủ và hiểu
đúng còn giúp học sinh hiểu thêm về tài thơ và bản
lĩnh thơ Xuân Diệu, một nội dung rất cần trong yêu cầu tiếp cận tác phẩm trên
phương diện tác gia.
Từ những phân tích
trên có thể khẳng định: Thi pháp học với những thành tựu của nó đã có những tác
động tích cực đến khoa học lý luận và phương pháp dạy học Ngữ văn. Đặc biệt đối
với phương pháp dạy học Ngữ văn nó giúp ta nhìn rõ hơn tác phẩm văn chương dưới
góc độ phương pháp trong vấn đề định hướng giảng dạy và tiếp cận trên cơ sở đó
nâng cao “tầm đón nhận” của học sinh. Ngoài ra, thành tựu của Thi pháp học còn
có vai trò quan trọng trong việc xác lập một quan điểm khách quan, khoa học và
toàn diện hơn trong vấn đề nhìn nhận và lý giải những vấn đề của tác phẩm văn
học khắc phục cách hiểu một chiều, phiến diện đồng thời phát huy tính tích cực,
tự lực của học sinh góp phần nâng cao và hiện đại hóa nhà trường đáp ứng
yêu cầu đổi mới hiện nay.
..................................................
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Nguyễn Viết Chữ, Phương pháp dạy học TPVC trong nhà trường,
NXBGDVN, 2010.
2.Hà Minh Đức, Nhìn lại một cuộc cách mạng trong thi ca,
NXBGD, 1997.
3.Nguyễn Đăng Mạnh, Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của
nhà văn, NXBGD, 2002.
4.Lê Bá Hán, Tinh hoa thơ mới thẩm bình và suy nghĩ, NXBGD,
1999.
5.Lê Đình Kỵ, Phê bình nghiên cứu văn học, NXBGD, 1998.
6.Lý Hoài Thu, Thơ Xuân Diệu trước cách mạng tháng Tám,
NXBGD, 1998.
Trần Đình Sử, Giáo trình Dẫn luận thi pháp học, NXBGD, 1998
*
CHÂU THỊ KIM NGÂN
(Phó Hiệu trưởng trường CĐSP Bình Phước)
Địa chỉ: Số 998, Quốc lộ 14, phường Tân Bình
thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.
Điện thoại: 06513.898777
…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo email quanboyman1992@yahoo.com.vn gửi ngày 17.09.2017
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét