MỜI ĐỌC:

Chủ Nhật, 15 tháng 10, 2017

ĐẶNG XUÂN XUYẾN NÍU DẢI YẾM VỀ CÕI YÊU - Tác giả: Bùi Cửu Trường (Hà Nội)

(Nguồn ảnh: internet)
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
NÍU DẢI YẾM VỀ  CÕI YÊU
*
Hương Quê

Hương cốm nhà bên duyềnh sang nhà hàng xóm
Cô bé thậm thò vắt ngang dải yếm
Níu bờ sông
Ơi ời “ra ngõ mà trông”
Vi vút gió đồng...

Ngẩn ngơ 
giấc mơ
Níu đôi bờ bằng dải yếm
Chuốt tóc mềm làm gối chăn êm
Áo tứ thân trải lá lót nằm
Gom gió lại để chiều bớt rộng...

Thẩn thơ
Tiếng mơ thầm thĩ
“Người ơi...
Người ơi...”
Dan díu lời thề
Ngõ quê líu quíu.
*.
Hà Nội, chiều 31.08.2017
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
LỜI BÌNH:
(Tác giả Bùi Cửu Trường)
Tôi mới biết và còn chưa kịp quen nhà thơ có lối viết rất riêng này...
Tôi với nhà thơ cách nhau khá xa về tuổi tác, nên đọc "Cưỡng Xuân" và một số tác phẩm khác của anh, tôi cứ phải né né... nín nhịn từ xa mà vẫn chưa sao "thấu cảm" được với anh.
Rồi hôm nay tôi lục được bài này trong blog của anh. Tôi thích nó.
Tôi thích cái lối tưng tửng này. Cái già dặn hơi buông tuồng, nửa "đồ nho" nửa "Tây bồi" như gói, như mở, như kín, như hở ... rất lạ, khiến người đọc vừa đỏ mặt tý, vừa tò mò tý, vừa lại như bừng bực, vừa khó chịu để rồi bị cuốn thụt lút trong mê đắm của mênh mang tâm tưởng và men nồng như say như tỉnh của một loại rượu chả cần phải nhắp môi cũng tự lâng lâng.
 Tưng tửng "hắt" thiên hạ sang một bên ngay từ câu đầu.
"Hương cốm nhà bên duyềnh sang nhà hàng xóm". Giọng điệu gì mà dửng dưng, vênh vênh, ngạo mạn một cách khó chịu của một kẻ trai tự biết mình cao giá. Cái kiểu "Các người cứ làm hàng cho các người tự ngắm đi, còn trai đây thì”... thì ba hồn bảy vía còn để ở "cái dải yếm vắt ngang" của "cô bé thậm thò..." kia. Rõ là đa tình đến độ và tinh ranh đến độ... đến độ ngoa dụ cho nàng "níu bờ sông" bằng cái dải yếm... rồi trầm trồ "Ơi ờira ngõ mà trông" ...
Trông cái gì đây? chắc không phải chỉ trông cái dải yếm, dù cái “dải yếm" đang phất phơ "vi vút gió đồng" ... Không cần giầu tưởng tượng lắm ta cũng thấy một tấm lưng thon thon nuột nà con gái của dải yếm đã buông lơi, thấy thấp thoáng cặp tuyết lê kín hở khi cái yếm bung dây bị gió đồng ren rén bồng lên phập phồng đùa giỡn…
Cái yếm thắm bung dải ngang phơ phất mặt sông, cái lưng mịn nâu màu mật, cái cổ ngấn ba, cườm tay săn nhỏ như giữ, như cởi, như thắt, như buông, như tung, như hứng theo nhịp dập dềnh phóng khoáng của gió lộng chiều quê thanh vắng nên thơ... trên bên sông xanh nước in mây, trên bãi cỏ non cạnh cánh đồng lúa ngô mướt mắt màu nõn biếc.
Một nét chấm phá cho một bức tranh. Một cuộc đòng đưa cho cuộc tình mơ nồng nàn như mâm cỗ đầy có ngọn thịnh soạn, thơm tho... hình như ai đó đã cất công và tỉ mẩn chuẩn bị, bày đặt... và ai đó cũng chỉ chờ có thế.
Họ chờ, cùng chờ...
 "Chuốt tóc mềm làm gối chăn êm, 
Áo tứ thân trải lá lót nằm..."
Thơ chả nói đến ai, chả nhắc đến ai... mà ai cũng rõ là AI "Gom gió lại để chiều bớt rộng " ... 
Mà rồi chiều chẳng có rộng đi nữa thì họ vẫn gom gió lại. Họ cần gì rộng hay chật vì bão giông đã nổi lên cuốn tình chìm nghỉm ... chỉ còn dập dềnh dải yếm “nối đôi bờ".
Đôi bờ nào? Cần gì phải nói. Dải yếm đâu? Cần gì phải hỏi? ...
Cứ thả ra mà suy, cứ nhắm mắt lại mà tưởng...
Tình bồng bềnh, gió bồng bềnh, dải yếm bồng bềnh... trong "Ngẩn ngơ giấc mơ..."...
Cái dải yếm thắt cho tình hai bờ khít lại, cái dải yếm cởi cho "tòa thiên nhiên" (chữ trong Truyện Kiều) lồ lộ, cho hương ai quyện vào gió ngát, và vị cỏ dịu ngọt, và ướt át sông nước mịn dòng quấy đạp tùy nghi...
Một cuộc tình nên thơ với những câu từ trong cuộc nghe như vô nghĩa, cứ nói để mà nói, nói không để nghe.
.."Người ơi
Người ơi..."
ngôn từ được tác giả gọi bằng "tiếng mơ thầm thĩ". Rõ là chả có lời yêu, rõ là chả có lời mê đắm mà chỉ có một cuộc tình như nó vốn đã là như thế, không cần lời, không cần xoa xuýt âu yếm... mà chỉ với vô nghĩa từ, câm lặng bốc ngùn ngụt như hỏa diệm sơn... mà lại vẫn có cái gì vụng trộm dấu diếm khi ta đọc đến "Dan díu lời thề / Ngõ quê líu quíu" thì mới thấy tình yêu này bất chấp ước lệ của xã hội, của phong tục làng quê.
Cuộc tình đó chất phác như hạt lúa củ khoai. Cuộc tình đó là vô ngôn tình lại có cái gì đó như vội vàng dấu diếm, như trao gửi vụng về, lại trong trẻo chân thành... vì từ ngữ là thừa, là tạp âm, là xáo trộn nguồn yêu.
Nhưng trong những đắm say, những “thẩn thơ” với tình yêu "tiếng mơ thầm thĩ" vẫn còn thốt ra những: "Dan díu lời thề" khiến "Ngõ quê líu quíu"... thì mới thấy tình yêu này bất chấp ước lệ của xã hội, của phong tục làng quê. Tình yêu ấy bản năng trong trẻo và mộc mạc, không tính toán, không ngoa ngôn kiểu cách, tự nhiên chân chất như con sông, như bờ cỏ.
Một bài thơ ngắn, khá ngắn với từ ngữ mộc mạc, nói về cái dải yếm, neo sông, cách tả hình không có hình, cách tả tình không có tình.
"Hương Quê" là bài thơ nói về yêu mà không dùng một chữ yêu.
Một bài thơ tả tình lồ lộ mà không có một ngôn từ nào chỉ tình ấy, mà khi gặp nó, người đọc vẫn thấy ngồn ngộn cảnh, ngồn ngộn tình, ngồn ngộn bão giông mây mưa ào ạt, thấy lớp lang của dâng hiến, trao gửi cuộn trào. 
Đó là cái tài tình và già dặn của một cây bút, mà khi ra đời đã không còn nhìn thấy yếm áo lỏng lẻo gợi cảm của thiếu nữ nông thôn hay thành thị lững lờ sau vuông yếm mỏng manh nửa kín nửa hở... mà viết như vậy thì:
Nếu không có vốn kiến thức về xưa cũ, khó có thể viết ra điều ấy.
Nếu không hòa mình trong mê đắm cuộc tình cũng không thể nào viết gợi thế được.
 Với tôi, đây là bài thơ gợi tình thật đáng đọc. Đọc để thấy Đặng Xuân Xuyến đang níu dải yếm đi về cõi yêu theo kiểu độc đáo riêng mình.
*
Mời thư giãn với nhạc phẩm TRƯỚC NGÀY HỘI BẮN
của Trịnh Quý qua tiếng hát Ngọc Khuê - Phạm Anh Khoa:
*.
Hà Nội, 14 tháng 10.2017
BÙI CỬU TRƯỜNG
(bút danh khác: Hạt Cát Diệu Sinh)
Địa chỉ: phố Trần Quang Diệu, phường Ô Chợ Dừa,
quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Email: dieusinh@gmail.com
.








........................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 14.10.2017
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

1 nhận xét: