(Giáo sư Hà Minh Đức ; Nguồn ảnh: internet) |
THƠ VỚI NHÀ LÝ LUẬN THƠ
HÀ MINH ĐỨC
Giáo sư Hà Minh Đức là một trong những tên tuổi hàng đầu của giới văn học
và giới văn chương Việt Nam đương đại, là bậc thầy của nhiều thế hệ cầm bút kể
cả những người không có cái may mắn được trực tiếp học ông như tôi. Gần kề cái
tuổi thất thập cổ lai hy, ông đã để lại phía sau mình hàng chục trước tác
đồ sộ được viết một cách nghiêm cẩn, tài tình. Trái tim ông luôn nồng nhiệt đập
trước cuộc đời, trước con người, trước văn chương. Chính vì thế mà cho đến giờ,
sức viết ở ông chừng như vẫn không hề có dấu hiệu suy giảm.
Giáo sư Hà Minh Đức hẳn nhiên không chỉ chuyên bàn về thơ. Khả năng bao
quát của trí tuệ ông rộng rãi hơn nhiều. Tuy vậy, với tôi, và có lẽ không chỉ
riêng tôi, ông hiện lên trước hết như một nhà lý luận, phê bình thơ nổi tiếng.
Tôi không bao giờ quên cái cảm giác lạ lùng đến với mình khi lần giở từng trang
cuốn Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại của ông cách đây
ngót 30 năm, vào năm 1974. Tập chuyên luận dầy dặn gần 500 trang được nhà thơ
Chế Lan Viên trân trọng viết lời Tựa xuất hiện vào thời ấy như một sự kiện. Thì
ra người Việt ta cũng có thể bàn luận về thơ một cách bài bản, có lớp lang, kỹ
càng và sâu sắc chả kém cạnh ai cả! Nhớ mãi cái hình Khuê văn các màu xanh
nhạt in chìm trên bìa sách. Thế hệ chúng tôi, kẻ trước người sau,
hầu như đã lần lượt bước qua cánh cửa ấy để đến với thi ca…
(Tác giả Phạm Quang Trung) |
Cách đây vài năm, khi bước vào chặng cuối của cuộc đời, giáo sư
Hà Minh Đức đã tìm đến với thơ, không phải bằng tư duy lý luận quen thuộc mà
bằng tư duy sáng tạo mới lạ. Ông liên tiếp cho ra đời ba tập thơ: Đi hết
mùa thu (1999), Ở giữa ngày đông (2001), và Những giọt nghĩ
trong đêm (2002). Nguồn thơ như bị kìm giữ lâu ngày được khơi nguồn, trào
ra mãnh liệt. Thật là chuyện khó ngờ tới đối với nhiều người. Mà xem chừng
chính ông cũng cảm thấy bất ngờ nữa kia! Nhớ lại cái lần ông gặp nhà thơ Tố Hữu
vào năm 1978. Trong không khí thân mật, Tố Hữu hỏi: Chắc anh Đức có làm
thơ chứ? Và ông đã trả lời: Tôi yêu thơ và thích đọc thơ nhưng chưa
dám nghĩ đến chuyện làm thơ. Có lẽ tôi chỉ thích hợp với nghiên cứu văn
học (Văn nghệ, Số 15/2003). Tôi không nghĩ là ông đáp lời cho qua chuyện.
Thế rồi, tôi đã tìm đọc thơ ông, từng bài từng bài một, như nhâm nhi
từng giọt cafe ấm nóng giữa cái lạnh lâng lâng của đất trời Đà Lạt. Cứ thế, thơ
ông ngấm vào tôi, dần dà mà sâu đậm. Ý muốn tìm hiểu quan niệm thơ của giáo sư
Hà Minh Đức nảy ra trong tôi từ đó. Điểm xuất phát chính là đôi lời giãi bày
của ông có tựa đề Tôi đến với thơ in ở tập thơ đầu tay Đi hết
mùa thu do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 1999. Lần đầu tiên ông trực
tiếp đưa ra quan niệm thơ để làm định hướng cho sự sáng tạo của chính mình.
Giáo sư Hà Minh Đức viết: J.W Goethe xem thơ là một hành động tự giải toả
với mỗi người. Tôi cho rằng mình cũng ở vào trường hợp ấy. Những tình cảm dồn
nén, những hình ảnh lưu giữ trong ký ức, những kỷ niệm chập chờn từ quá khứ trở
về với hiện tại… tất cả không dễ tìm thấy lối ra trên dòng chính luận. Và
ông đã tìm đến với thơ. Như là phương cách tốt hơn cả để tỏ bày, để sẻ chia, và
để tìm sự giao cảm nơi tâm hồn của những người tri âm, tri kỷ. Xin được dừng
lại ở bài Viết cho con. Bài thơ mở đầu:
Chỉ còn lại nỗi cô
đơn
Và một bầu trời đêm
nhiều sao mọc…
Thơ ông là vậy, thường ít đi vòng mà ưa trần tình theo lối đi thẳng. Như
bản tính ông, xa lạ với cái bóng bẩy, gần gũi với cái chất thực. Thế mà ám gợi.
Khoảng trời càng rộng lớn, con người càng nhỏ nhoi, thì nỗi buồn càng tràn
ngập. Lại giữa đêm tối. Vạn vật đều im ắng. Chỉ riêng ta thao thức cùng ta.
Cùng đối diện với ta. Bao ý nghĩ dồn dập ập đến. Xoay quanh thân phận con
người. Qua thân phận của một người. Tự trong thẳm sâu của nỗi đau, câu hỏi quặn
thắt bật ra đến ngơ ngẩn:
Đêm nay con đang ở
đâu?
Nơi mặt biển xa hay
chốn rừng sâu
Và tiếp theo sau là một giả định, chỉ giả định thôi, lại là một giả định
thơ, vậy mà có thể làm nhói đau bất cứ trái tim nhạy cảm nào trên đời:
Cha nhìn lên bầu
trời sao lấp lánh
Không có ngôi sao
nào dành cho con
Có lẽ nào cứ vần vụ
trong đêm
Như ngọn gió lang
thang và mệt mỏi
Mong mỏi của người cha thật nhân tình mà cũng thật tự nhiên: Con ơi
hãy về đây / Làm cơn gió mát / Mơn man mái tóc bạc sương / Và nói lên một lời
cay đắng. Khi rơi vào tình cảnh đớn đau, con người rất cần sự chia sẻ của
người khác. Thế mà câu kết như một lời xác nhận bình thản:
Trong nỗi đau thầm
lặng
Cha hiểu ra, con
vẫn thương nhớ cõi người .
Nỗi đau kìm nén trong cái vẻ ngoài khách quan, lại có sức bùng nổ ghê ghớm.
Nước mắt chảy vào trong … Thật khó mà hiểu hết nỗi đau đời của những
người trải đời như ông.
Xin đọc tiếp những lời bàn luận về thơ của giáo sư Hà Minh Đức: Khởi
điểm và ngọn nguồn sáng tạo của thơ chính là sự sống trong dòng đời và thiên
nhiên tạo vật. Chỉ riêng bài thơ Nghe hát trên sông Hương cũng
đủ xác nhận điều ông nói.
Thuyền neo giữa
nước và trời
Tiếng hát đưa tôi
về xứ Nhạc
Giữa mùa gió trăng.
Ông chỉ diễn tả. Rất thực. Và do qua cái nhìn của con mắt thơ nên mọi thứ
đều rất nên thơ. Chúng không còn là những hình ảnh thông thường. Hơn thế, chúng
giao hòa và ngân nga ý tứ. Như được đà, nhà thơ đẩy xa hơn:
Ôi câu ca xứ Huế
Nghe thương em lại
thấy thương mình
Trên dòng chảy lênh
đênh
Mà sao thấy mong
manh kiếp người
Và sâu hơn, vào cái thế giới thăm thẳm của lòng người. Có cảm xúc và có suy
tưởng. Lắng đọng và tự nhiên. Không chỉ có vậy, cảm nhận của nhà thơ lan tỏa
như câu hát, như sóng nước:
Trong câu ca có lời
ru của mẹ
Có điệu hò khuya
sông nước
Chuông chùa vẳng xa
đưa
Và tình em
vẫn còn thổn thức
Thiết nghĩ nhà thơ Hà Minh Đức đã thực thi nghiêm chỉnh nguyên lý sáng tạo
thi ca do nhà lý luận Hà Minh Đức đề ra đến là nhuần nhuyễn. Đây có lẽ là ưu
thế của những nhà thơ khi bàn về thơ chăng?
Quan niệm về thơ sau đây của giáo sư Hà Minh Đức cũng thật đáng
nhớ:Thơ là sự kết tinh cái đẹp của tâm hồn và tạo vật, và bài thơ hay là sự kết
tinh của kết tinh. Tôi muốn xác minh lời nói này qua thơ tình của ông. Số
lượng thật nhiều, nhiều đến kinh ngạc. Gần như lấn lướt những mảng thơ khác.
Không có gì lạ cả. Viết về tình yêu với ông chỉ là một cách khác để tôn vinh
cái Đẹp – cách này cho phép ông thể hiện cái Đẹp như là nơi hội tụ thẩm mỹ, một
cách huyền hoặc hơn, vì vậy mà quyến rũ hơn chăng? Này nhé:
Nước mắt nến nhỏ
giọt
Hạnh phúc một đời
sao được dài lâu
Cái đẹp trên đời luôn mong manh như vậy. Và còn mờ ảo nữa:
Mờ ảo bóng dáng anh
Đã thành cuộc đời
thật?
Lại trinh trắng. Rất trinh trắng, như cô gái trong tình yêu nguyên sơ:
Em cứ thế vỗ về
thân thiết
Em trong veo giữa
biển nước trời
Nghĩa là vẹn nguyên như bông hoa tươi thắm:
Em xinh tươi bé nhỏ
Là bông hoa trinh
nguyên?
Nếu bạn còn chưa tin cái động cơ sâu xa khiến nhà thơ của chúng ta đắm say
với tình yêu thì hãy đọc lại những vần thơ rút ra trong bài Hoàng
hôn này:
Đêm nay chúng ta ít
nói
Để lắng nghe sự
sống hồi sinh
Thế đấy, tình yêu chỉ là một dịp để nhà thơ lắng nghe sự sống hồi
sinh. Điểm hội tụ của sự sống, không gì khác hơn, chính là cái Đẹp.
Rõ ràng, đọc thơ Hà Minh Đức là một cơ hội tốt để thêm thấm thía
quan niệm thơ của ông. Và lạ quá, cho đến lúc này, tôi không còn thấy ngạc
nhiên trước cảm hứng thi ca ngập tràn nơi ông nữa. Đúng như ông nghĩ: Tài
năng trong thơ gắn nhiều với sự hồn nhiên, trong trẻo, đắm say và thăng hoa của
tâm hồn. Điều đó chủ yếu thuộc về tuổi trẻ. Ông là thế khi đón nhận mùa
thu của cuộc đời mình. Cái mà nhiều người ao ước được như ông chính là sự trẻ
trung ấy trong tâm hồn, trong cảm nhận – sự trẻ trung do trải đời chứ không
phải do tuổi đời đem lại. Tôi đột nhiên nhớ tới câu nói của danh họa
Picasso: Người ta cần rất nhiều thời gian để trở nên trẻ.
Rất dễ đồng cảm trước những vần thơ của Hà Minh Đức. Đúng như con
người ông giữa cuộc đời. Ai có dịp gặp ông, đều dễ thấy sức cảm hóa toả ra từ
nơi ông thật là đặc biệt. Gần ông, ta thấy kính trọng bởi nhân cách, cảm phục
bởi tài năng, mà không hề thấy cách xa. Ông biết xóa nhòa
các khoảng cách. Rất tự nhiên. Khi thì bằng một cái nhìn. Khi lại bằng một cử
chỉ, một lời nói. Mà bao giờ cũng tinh tế và phù hợp. Ông là thế giữa đời thực.
Và ông cũng là thế trong văn chương
*
PHẠM QUANG TRUNG
Địa chỉ: 8/40 Võ Trường Toản, phường 8,
thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại: 091.843.82.00 - 063.382.30.16
Email: pqtrungvn@gmail.com
.
.
........................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật từ email
quanboyman1992@yahoo.com.vn gửi ngày 12.03.2017
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét